Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/9/2022

  • |
T5g.org.vn - Thiếu thuốc bảo hiểm tại trạm y tế ở TPHCM: Bài toán khó giải; Số ca mắc mới Covid-19 và ca bệnh nặng đều giảm; Nhiễm liên cầu khuẩn lợn mặc dù không ăn tiết canh; Hà Nội một tuần ghi nhận 44 ổ dịch sốt xuất huyết mới

 

Thiếu thuốc bảo hiểm tại trạm y tế ở TPHCM: Bài toán khó giải

Sở Y tế TPHCM đã trình giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng thuốc bảo hiểm y tế cho các trạm để thu hút người bệnh.

Mắc cùng lúc bệnh cao huyết áp và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, mỗi tháng bà Lan Hương (62 tuổi, ngụ tại quận 8, TPHCM) đều phải đến bệnh viện Nguyễn Trãi là nơi đăng ký khám bảo hiểm y tế ban đầu để thăm khám và lấy thuốc theo toa của bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, mỗi lần đi lấy thuốc, bệnh nhân đều phải mòn mỏi chờ đợi.

“Khi hết thuốc, tôi phải đi từ sáng sớm, xếp hàng lấy số thứ tự chờ gặp bác sĩ khám xong mới ra toa. Từ khi đến bệnh viện đến khi về nhà cũng mất cả buổi sáng vì bệnh viện quá tải nên bệnh nhân phải xếp hàng chờ đợi rất lâu. Nếu trạm y tế gần nhà có thuốc bảo hiểm y tế, tôi sẽ đến trạm nhận thuốc để đỡ mất thời gian đi lại và chờ đợi”, bà Lan Hương nói.

Thiếu thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế là tình trạng đang tồn tại trong cả hệ thống trạm y tế trên cả nước nói chung và TPHCM nói riêng. Tại TPHCM hiện nay, mạng lưới 312 trạm y tế trên địa bàn danh mục thuốc bảo hiểm y tế chưa có thuốc điều trị các bệnh mạn tính không lây (huyết áp, tiểu đường…). Thực tế trên đang gây khó khăn cho công tác khám chữa bệnh.

BS Lê Thanh Tuấn, Trưởng Trạm y tế phường 5, quận 8, TPHCM, cho biết, theo lộ trình, thành phố đang mở rộng bảo hiểm y tế toàn dân về tuyến cơ sở. Tuy nhiên, trạm đang thiếu cả trang thiết bị, nhân sự lẫn danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Hiện nay tại trạm, thuốc bảo hiểm chưa được đáp ứng đủ, đặc biệt là những loại thuốc điều trị các bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường... Điều đó khiến người bệnh không muốn đến thăm khám tại trạm y tế vì có đến trạm khám xong thì cũng phải lên bệnh viện tuyến quận mới nhận được thuốc.

Đề xuất thí điểm mở rộng danh mục thuốc…

Trước tình hình trên, Sở Y tế TPHCM đang chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế cho tuyến cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Theo PGS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trạm y tế bị “co hẹp danh mục thuốc” là bất cập đang tồn tại ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh cho cộng đồng. Nếu không sớm được giải quyết, tình trạng bệnh nhân mắc bệnh mạn tính không lây sẽ tiếp tục lên tuyến quận, huyện hoặc tuyến thành phố điều trị sẽ gây áp lực quá tải kéo dài.

PGS Tăng Chí Thượng chỉ ra, với các trường hợp điều trị cấp, sau khi bệnh nhân ổn định sức khỏe, bác sĩ ở bệnh viện tuyến trên có thể chỉ định tiếp tục điều trị lâu dài tại trạm y tế gần nhà nhất. Điều này vừa thuận lợi cho bệnh nhân, vừa giảm áp lực quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có bệnh viện tuyến trên (tuyến quận/huyện, tuyến thành phố) mới có thuốc điều trị các bệnh mạn tính không lây. Do đó, cả bệnh nhân cần điều trị cấp lẫn điều trị lâu dài về bệnh mạn tính không lây đều phải tìm đến bệnh viện.

Để sớm giải quyết bất cập trên, Sở Y tế TPHCM đang khẩn trương trình UBND thành phố, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về phương án cho phép ngành y tế thành phố được triển khai thí điểm mở rộng danh mục thuốc trong gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở (được quy định tại Thông tư số 39/2017/TT-BYT). Cụ thể, ngành y tế thành phố sẽ đề xuất bổ sung cho trạm y tế 50 loại thuốc có danh mục thuốc của tuyến 3 (theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT) sử dụng cho các bệnh viện tuyến quận/huyện trong điều trị các bệnh mạn tính không lây như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh xương khớp mạn tính, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phế quản tắc nghẽn mạn tính...

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng sớm trình UBND TPHCM và Bộ Y tế cho phép thí điểm mở rộng danh mục đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương, bên cạnh 129 hoạt chất theo quy định, còn nhiều thuốc thiết yếu khác rất cần cho y tế cơ sở (do nhu cầu ít nên khó tiến hành đấu thầu riêng lẻ). Trong đó có 50 loại thuốc điều trị các bệnh mạn tính không không lây (Tiền phong, trang 6).

 

Số ca mắc mới Covid-19 và ca bệnh nặng đều giảm

Chiều 19-9, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 1.778 ca mắc Covid-19 (giảm 113 ca so với ngày hôm qua). Ngoài ra, trong ngày, có 93 bệnh nhân phải thở ô xy (giảm 22 ca so với ngày trước đó) và có thêm 2 ca tử vong tại Bình Thuận và Điện Biên.

Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.460.227 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.814 ca nhiễm).

Về tình hình điều trị, có thêm 559 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.579.588.

Ngoài ra, có 93 bệnh nhân đang thở ô xy (giảm 22 ca so với hôm qua), trong đó có 82 ca thở ô xy qua mặt nạ, 1 ca thở ô xy dòng cao HFNC và 10 ca thở máy xâm lấn.

Về số bệnh nhân tử vong, ngày 18-9, ghi nhận 2 ca tử vong tại Bình Thuận và Điện Biên. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 2 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.141 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Về tình hình tiêm chủng, đến nay, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 259.399.382, trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 220.181.873; tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi là 22.819.648 liều và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 16.397.861 liều (Hà Nội mới, trang 7).

 

Nhiễm liên cầu khuẩn lợn mặc dù không ăn tiết canh

Ngày 19/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết ghi nhận 2 ca mắc liên cầu khuẩn lợn. Đáng chú ý, trong đó có 1 trường hợp không ăn tiết canh lợn, không giết mổ lợn vẫn nhiễm khuẩn liên cầu.

Bệnh nhân N.T.M (60 tuổi, làm ruộng, ở Giáp Ngọ, xã Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) đã rơi vào tình trạng kích động, khó tiếp xúc, nằm ở tư thế cò súng, cứng gáy. Tình trạng này diễn ra sau khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau mỏi toàn thân hơn 1 ngày trước đó.

Bệnh nhân được gia đình đưa tới Bệnh viện Quân y 103. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính với Streptococcus suis (nhiễm liên cầu khuẩn lợn). Đáng lưu ý, 14 ngày trước khi khởi phát bệnh, bệnh nhân không ăn lòng lợn, tiết canh, không tham gia giết mổ lợn, gia đình cũng không chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, ông là người thường xuyên nấu ăn trong gia đình.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân nam (48 tuổi, ở thôn Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai) bất ngờ sốt cao, vào khám và điều trị tại trạm y tế trên địa bàn nhưng không đỡ. Sau đó, bệnh nhân đau đầu nhiều, giảm nhận thức nên được chuyển đến Bệnh viện Quân y 103 điều trị. Tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm dịch não tủy, nuôi cấy Streptococcus suis dương tính. Kết luận bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn.

Trong số 2 bệnh nhân vừa phát hiện liên cầu lợn có 1 trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn nhưng vẫn nhiễm bệnh. Nhiều khả năng, bệnh nhân có thể ăn phải thịt lợn nhiễm bệnh chưa nấu chín kỹ hoặc khi chế biến thức ăn có tiếp xúc với thịt lợn nhiễm bệnh (Tiền phong, trang 3).

 

Hà Nội một tuần ghi nhận 44 ổ dịch sốt xuất huyết mới

Ngày 19-9, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần vừa qua, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng cao so với tuần trước đó.

Cụ thể, từ ngày 9 đến 16-9, tại Hà Nội ghi nhận thêm 760 ca mắc SXH, tăng 38,9% so với tuần trước và có 1 ca tử vong.

Bệnh nhân được ghi nhận tại 29 quận, huyện; trong đó, ca bệnh tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như: Bắc Từ Liêm (58 ca), Thanh Oai (58 ca), Đống Đa (55 ca), Đan Phượng (50 ca), Hà Đông (50 ca), Thường Tín (50 ca), Thanh Trì (41 ca), Nam Từ Liêm (37 ca).

Cũng trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 44 ổ dịch mới tại các quận, huyện, gồm: Đống Đa (7), Bắc Từ Liêm (6), Thanh Oai (6), Hà Đông (5), Hoàng Mai (4), Quốc Oai (3), Long Biên (3), Hai Bà Trưng (2), Thanh Trì (2), Tây Hồ (2), Thanh Xuân (1), Phú Xuyên (1), Gia Lâm (1), Hoài Đức (1).

Tính từ đầu năm đến ngày 16-9, Hà Nội ghi nhận 3.023 ca mắc SXH, tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đã có 4 ca tử vong. Ngoài type virus gây bệnh lưu hành là Dengue 1 và Dengue 2, trên địa bàn thành phố vừa phát hiện thêm chủng virus Dengue 4.

Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 311 ổ dịch tại 28 quận, huyện. Hiện còn 118 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện. Dự báo, số ca mắc SXH sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch (An ninh thủ đô, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang