Nguy cơ thêm nhiều ca sốt xuất huyết nặng, tử vong
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 11 đến 18-11), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.378 ca mắc mắc sốt xuất huyết (số mắc tăng 2,6% so với tuần trước); trong đó có 2 ca tử vong tại huyện Chương Mỹ và quận Hà Đông.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao, như: Hà Đông (128 ca), Thường Tín (123 ca), Thanh Oai (103 ca), Phú Xuyên (98 ca), Hoàng Mai (90 ca).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 13.437 ca mắc sốt xuất huyết (số mắc tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021); trong đó có 16 ca tử vong (trong khi cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã.
Cụ thể, giám sát điều tra xử lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết tại ổ dịch tổ dân phố Tràng An, xã Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ có BI=65; thôn Mộc Đình, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức (BI=40); thôn Vĩnh Lộc 1, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (BI=40). Theo các chuyên gia dịch tễ, nếu điều tra ghi nhận chỉ số BI từ 30 trở lên, có nghĩa là tại cơ sở giám sát đang có yếu tố nguy cơ cao với khả năng dịch bệnh sốt xuất huyết có thể bùng phát.
Theo dự báo của CDC Hà Nội, số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, nguy cơ sẽ có thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong. (Tiền phong, trang 2)
Đề xuất giá giường bệnh theo yêu cầu cao nhất 3 triệu đồng/ngày
Bộ Y tế đang lấy kiến đóng góp cho dự thảo thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp.
Trong dự thảo này, giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu được thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý và có tích lũy để tái đầu tư, phát triển, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các chi phí để xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu gồm: chi phí trực tiếp, tiền lương, quản lý, khấu hao tài sản, dự phòng rủi ro, tích lũy để tái đầu tư, phát triển dịch vụ. Trong dự thảo cũng quy định, đối với dịch vụ khám bệnh, tư vấn, kiểm tra sức khỏe, cơ sở y tế công lập có thể xây dựng nhiều mức giá khác nhau theo chuyên khoa, theo thời gian khám bệnh, tư vấn và trình độ chuyên môn của người khám, tư vấn. Đối với dịch vụ giường điều trị, cơ sở có thể xây dựng nhiều mức giá giường điều trị khác nhau theo mức độ cung cấp nhân lực chăm sóc, điều trị và điều kiện cơ sở vật chất.
Về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu (chưa kể các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, xét nghiệm và các thủ thuật), dự thảo quy định, các đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập đầu tư xây dựng thành lập hoặc thuê cơ sở để thực hiện dịch vụ do đơn vị quyết định. Trường hợp sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết để hoạt động dịch vụ, dự thảo Bộ Y tế quy định bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I có giá tối đa 300.000 đồng/lần khám; các cơ sở y tế khác (trừ bệnh viện đặc biệt, hạng I) có giá tối đa 200.000 đồng/lần khám. Riêng trường hợp mời các chuyên gia trong nước, nước ngoài đến khám, tư vấn sức khỏe, đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.
Đối với giá ngày giường nội trú tại các phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế), dự thảo quy định đối với bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I là 1,3-3 triệu đồng/ngày; các cơ sở y tế khác (trừ bệnh viện đặc biệt, hạng I) tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ có giá 900.000-2 triệu đồng/ngày; các cơ sở y tế khác (trừ bệnh viện đặc biệt, hạng I) tại các tỉnh còn lại 600.000-1,5 triệu đồng/ngày. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).