Nhà khoa học tâm huyết với bệnh nhân ung thư
Sau khi lọt vào danh sách “50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam” 2017 do Tạp chí Forbes Việt Nam công bố dịp 8-3, chiều 17-10, TS. Hà Phương Thư lại được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2017 của Hội Liên Hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, vì những đóng góp to lớn trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
TS. Hà Phương Thư - Trưởng phòng Vật liệu Nano Y sinh - Viện Khoa học vật liệu – Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam, là nhà khoa học trẻ tiêu biểu của Việt Nam. Chị được mệnh danh là “tiến sĩ Nano” bởi những công trình nghiên cứu về Nano được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: y khoa, dược học, sinh học, nông nghiệp vv...
TS. Thư từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm năng lượng nguyên tử CEA (Pháp) và Viện công nghệ Tokyo (Nhật Bản) trước khi về Việt Nam làm việc. Hơn 10 năm công tác tại Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, chị liên tiếp gặt hái những thành công, để mới ngoài 40 tuổi, hành trang của nhà khoa học nữ đã có tới 30 công bố quốc tế và làm chủ nhiệm nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Viện Hàn lâm và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED)… Trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, TS. Hà Phương Thư là tác giả và đồng tác giả của 71 công trình trên các tạp chí quốc tế và trong nước. Trong nghiên cứu ứng dụng, chị đã chủ nhiệm 10 đề tài cấp Quốc gia, cấp Bộ, Quỹ Innofund vv…
Thành công mới nhất của TS. Hà Phương Thư được công bố là chế tạo thành công phức hệ nano FGC, được Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam chuyển giao cho Công ty Cổ phần dược mỹ phẩm CVI để sản xuất thực phẩm chức năng CumarGold Kare, giúp nâng cao thể trạng, ngăn ngừa suy kiệt cho bệnh nhân ung bướu sau hóa xạ trị.
Trong gần 20 năm nghiên cứu khoa học, TS. Thư dành phần lớn thời gian và tâm huyết cho lĩnh vực hỗ trợ điều trị ung thư. “Tôi đã chứng kiến không ít người quen, thậm chí cả bạn thân của mình, mắc ung thư. Vì thế tôi hiểu ung thư không chỉ là nỗi đau của người bệnh, mà còn là gánh nặng tâm lý, tài chính cho gia đình và xã hội. Những phương pháp điều trị chính thống hiện nay tuy hiệu quả nhưng có nhiều tác dụng phụ, thậm chí khiến người bệnh suy kiệt sức khỏe trước khi khối u phát tác. Việc tìm ra phương pháp mới giúp giảm nhẹ tác dụng phụ trong quá trình điều trị ung bướu không chỉ là trăn trở mà còn là sứ mệnh tôi tự đặt ra cho con đường nghiên cứu của mình” - TS. Thư tâm sự. Công trình nghiên cứu chế tạo phức hệ nano FGC đi sâu vào các cây thuốc Việt, để không chỉ tận dụng thế mạnh của cây thuốc truyền thống, mà còn giảm giá thành, để người bệnh ung thư nghèo đều có thể tiếp cận.
TS. Hà Phương Thư cho biết, phức hệ nano FGC gồm 3 hoạt chất: curcumin tách chiết từ nghệ vàng, fucoidan của rong biển, notoginseng trong tam thất –đều là những cây thuốc vốn gắn bó với của người Việt hàng trăm năm qua. Có điều, cách sử dụng trực tiếp củ nghệ và tam thất lâu nay hiệu quả không cao. Nhưng việc sử dụng phức hệ nano FGC đã mang lại tác dụng cao hơn dùng từng thành phần.
Theo TS. Hà Phương Thư, với phức hệ Nano FGC, các hạt nano có thể chui vào vào các khối ung thư để chữa trị tế bào ung thư và bỏ qua các tế bào lành. Người bệnh ung thư thường phải hóa - xạ trị nên rất mệt mỏi, chán ăn, dẫn đến suy kiệt và sản phẩm này sẽ giúp người bệnh không phải sử dụng nhiều, mà hiệu quả lại cao hơn, đặc biệt là không gây tác dụng phụ. Đây là bước đi mới trong lĩnh vực hỗ trợ điều trị ung thư và đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh số người mắc và tử vong do ung thư ngày càng tăng ở Việt Nam.
Dành cho người bệnh sự cảm thông đặc biệt, TS. Hà Phương Thư đã hỗ trợ nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo sử dụng sản phẩm từ nghiên cứu của chị tới hàng trăm triệu đồng. Theo TS. Thư, một số bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4, di căn não sau khi tuân thủ phát đồ điều trị ở bệnh viện phối hợp uống FGC, đã cho kết quả khả quan. Các khối di căn mất đi, bệnh nhân ăn uống tốt hơn, không còn buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, chất lượng cuộc sống cải thiện rõ rệt.
TS. Hà Phương Thư chia sẻ: Tôi rất xúc động khi nghiên cứu của mình góp phần mang lại niềm vui và hy vọng sống cho hàng nghìn bệnh nhân ung thư. Đây mới thực sự là phần thưởng cho nỗ lực của tôi.
Từng được nhận Giải thưởng L’Oreal - UNESCO; Bằng khen Phụ nữ Sáng tạo của Hội LHPN Việt Nam; Giải xuất sắc cuộc thi Chứng minh ý tưởng của Bộ KH&CN và Ngân hàng Thế giới; Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2017 thêm một lần khẳng định tài năng của TS. Hà Phương Thư, là động lực để chị tiếp tục cống hiến cho khoa học. Được biết, chị đang nghiên cứu sản phẩm hỗ trợ điều trị người bị bệnh gan từ cây an xoa tím; sản phẩm dùng cho bệnh nhân bị loét ép từ cây nghệ và cây sim. Chị cũng đang triển khai đề tài “Phát triển vật liệu nano cho nông nghiệp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu”... (Công an Nhân dân, trang 6)
Vụ cựu Tổng Giám đốc Công ty Pharma: Viện Kiểm sát đề nghị hủy toàn bộ bản ản sơ thẩm
Ngày 20-10, phiên xử phúc thẩm cựu Tổng giám đốc (TGĐ) Công ty Cổ phần VN Pharam cùng đồng phạm tiếp diễn với phần tranh luận.
Theo đó, bày tỏ quan điểm tại phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với Nguyễn Minh Hùng – cựu TGĐ Công ty VN Pharma (Công ty Pharma) cùng đồng phạm, đại diện VKS cho rằng bản án sơ thẩm chưa phản ánh đúng bản chất vụ án và bỏ lọt nhiều hành vi phạm tội.
Cụ thể, VKS xác định, đầu năm 2012, cựu TGĐ Công ty Pharma Nguyễn Minh Hùng đã đặt Võ Mạnh Cường mua thuốc H-Capita từ Canada về VN. Cường đã liên hệ ông Raymundo (Giám đốc Công ty Helix Canada) để bàn bạc việc nhập thuốc bán cho Công ty Pharma.
Do hồ sơ thuốc thiếu một số giấy tờ nên bị cáo Hùng đã chỉ đạo nhân viên thuê dược sĩ Phạm Văn Thông viết hồ sơ, tiêu chuẩn thuốc. Dựa trên các hồ sơ này, cục trưởng Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) đã cấp phép cho lô thuốc về Việt Nam. Đại diện VKS cho rằng vì mục đích thu lợi cao, Hùng và đồng phạm đã nâng giá thuốc nhập khẩu từ 18 USD lên 75 USD/hộp.
Các bị cáo dùng mọi thủ đoạn tinh vi, tạo tính hợp pháp cho thuốc trị ung thư trực tràng, ung thư đại tràng, ung thư vú… trong khi công ty sản xuất thuốc không có thực. Các bị cáo còn sử dụng con dấu, giấy tờ hợp pháp hóa lãnh sự giả để hợp pháp hóa hồ sơ nhập khẩu thuốc.
Kết quả điều tra cho thấy Công ty Helix Canada không có thực, mã số mã vạch trên hộp thuốc thu tại Công ty Pharma và Cục Quản lý dược đem kiểm tra trên hệ thống mã vạch toàn cầu quốc tế thì không tìm thấy bất cứ thông tin nào về công ty bán thuốc.
Đối với giám định, VKS cho rằng tại Hội đồng giám định lô hàng thuốc H-Capita 5000mg với thành phần 10 người nhưng chỉ có 7 người ký tên vào biên bản giám định. Kết luận giám định của Bộ Y tế có nhiều mâu thuẫn và không phù hợp với quy định pháp luật. Do đó, cần thiết phải trưng cầu giám định lại với thành phần Hội đồng giám định khác để đảm bảo tính khách quan.
Về vấn đề cấp phép cho Công ty Pharma nhập khẩu thuốc, VKS nhận thấy Cục quản lý Dược là đơn vị cấp phép nhập khẩu và quá trình cấp phép có nhiều thiếu sót, sai phạm nên là đối tượng cần xem xét trong vụ án này nhưng lại tham gia giám định chuyên môn lô hàng. VKS cho rằng cần xem xét trách nhiệm của một số cá nhân của Cục Quản lý Dược.
Về số tiền 7,5 tỷ đồng lớn hơn giá trị lô thuốc nhập khẩu nên cần phải điều tra, làm rõ số tiền này. Bởi tiền chi hoa hồng cho lô thuốc đề cập trong vụ án có sự mâu thuẫn với giá trị lô thuốc… Và sau khi phân tích, đánh giá các tình tiết trong vụ án, đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
Trong khi đó, bào chữa cho cựu TGĐ Công ty Pharma, luật sư Nguyễn Đình Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) mở đầu phần tranh luận với đề nghị HĐXX lưu ý phần nhận định của VKS về việc bị cáo Nguyễn Minh Hùng thông qua môi giới là bị cáo Võ Mạnh Cường để đặt mua thuốc. Trong thực tế, hoạt động giao dịch của hai bị cáo này thì bị cáo Cường là đại diện cho công ty Hilex Canada, có chữ ký và con dấu ủy quyền.
Luật sư Hưng chỉ ra rằng tại bản kết luận giám định số 31/KLGĐ-BYT thể hiện rõ: “Phần tạp chất liên quan không định danh lớn nhất” theo tiêu chuẩn cơ sở phải dưới 0,1% nhưng thuốc thành phẩm (mẫu giám định) có tạp chất là 0,17%. Tuy nhiên, cả bản cáo trạng và bản án sơ thẩm lại trích dẫn là “thuốc thành phẩm có tạp chất lên đến 17%”.
“Sai sót này là sự nhầm lẫn đánh máy nhưng lại là sai sót chết người, làm ảnh hưởng tới thân chủ tôi và nguy hiểm hơn là ảnh hưởng tới dư luận xã hội” - luật sư Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh. Tiếp đến, vị luật này đề nghị HĐXX xem xét bản chất lô hàng 9.300 hộp thuốc đề cập trong vụ án là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng.
Xem xét thuốc giả hay kém chất lượng, luật sư Hưng cho rằng cần phải xét đến lô thuốc được sản xuất ở đâu. Những ngày qua có rất nhiều tài liệu xuất hiện trên mạng về “đường dẫn của lô thuốc đi từ đâu”. Người ta chứng minh được việc lô thuốc đi về từ Canada. “Trong tay chúng tôi có những tài liệu này và sẽ xuất trình”, luật sư Hưng khẳng định, đồng thời bày tỏ đồng tình với đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của đại diện VKS. (An ninh Thủ đô, trang 9)
Cùng chủ đề Báo Tiền phong trang 11: “Phúc thẩm VN Pharma: Đề nghị hủy án sơ thẩm vì sót người, lọt tội”; Báo Sài Gòn giải phóng trang 1: “Đề nghị tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ Vn Pharma”
Hàng trăm công nhân nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm
Chiều 20-10, nhiều công nhân Công Ty TNHH Dafi Tropicdane Furniture (xã Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) vẫn phải điều trị tại các cơ sở y tế vì nghi ngộ độc thực phẩm.
Theo các công nhân kể lại: Khoảng 16h30’ ngày 19-10, họ được công ty cho ăn bữa chiều với các món bún riêu (có chả và rau sống), một số công nhân khác dùng cơm. Hơn một tiếng sau, khi đang làm việc thì hàng loạt công nhân đau bụng, nôn ói, mệt mỏi, có người ngất xỉu. Công ty huy động hàng loạt xe đưa công nhân vào các cơ sở y tế cấp cứu gần đó. Trong đó, có hơn chục ca nặng đã được chuyển cấp cứu tuyến trên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Riêng Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên, tối 19-10, đã tiếp nhận, chữa trị cho hàng trăm công nhân. Do bị quá tải, nên cơ sở này buộc phải cho công nhân ngồi, nằm la liệt dọc hành lang trong lúc truyền dịch, uống thuốc. Hiện, Công an thị xã Tân Uyên và các ngành chức năng đã vào cuộc làm rõ nguyên nhân vụ việc. (Công an Nhân dân, trang 7)
Hàng loạt sai phạm tại Bệnh viện Mắt TPHCM
Theo kết luận thanh tra, Bệnh viện Mắt TPHCM đã xảy ra quá nhiều sai phạm trong quá trình tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động, quản lý, sử dụng tài chính mang tính hệ thống một cách tùy tiện...
Thanh tra TPHCM vừa công bố kết luận thanh tra toàn diện hoạt động của Bệnh viện Mắt TPHCM trong hai năm 2015-2016. Theo kết luận thanh tra, Bệnh viện Mắt TPHCM đã xảy ra quá nhiều sai phạm trong quá trình tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động, quản lý, sử dụng tài chính mang tính hệ thống một cách tùy tiện, buông lỏng trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát trong nội bộ, của người đứng đầu và của cấp trên trực tiếp, có biểu hiện không rõ ràng, công khai và minh bạch theo quy định.
Kết luận Thanh tra chỉ rõ, trong hai năm 2015-2016, BV Mắt TPHCM cho đặt máy và sử dụng các trang thiết bị y tế hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác liên kết và thuê sử dụng của đơn vị ngoài (tổng cộng 13 trang thiết bị) và thuê 4 trang thiết bị y tế trong thời gian 12 tháng không theo phê duyệt của Sở Y tế để áp dụng giá mức thuê cao hơn để thanh toán dẫn đến thất thoát số tiền gần 195 triệu đồng; ký hợp đồng gia hạn thời gian thuê từ tháng 3 đến tháng 9-2017 để thanh toán chi phí thuê 1 hệ thống máy đo độ khúc xạ nhãn áp trong khi máy này không sử dụng được, dẫn đến thất thoát số tiền hơn 46 triệu đồng.
Về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc theo kết quả đấu thầu tập trung, vật tư tiêu hao,… Bệnh viện Mắt TPHCM cũng để ra nhiều sai sót, vi phạm quy định như: theo hướng dẫn của Sở Y tế về mua sắm thuốc trong thời gian chờ kết quả đấu thầu tập trung, về các thuốc không lựa chọn được nhà thầu. Các thuốc phát sinh trong quá trình điều trị của các đơn vị sự nghiệp y tế và theo phê duyệt của Sở Y tế, thì khoa Dược của BV tham mưu thực hiện không có ý kiến của Sở Y tế với tổng giá trị mua sắm thuốc trong năm 2015 hơn 2,5 tỷ đồng và năm 2016 hơn 485 triệu đồng.
Theo giải trình của Bệnh viện Mắt TPHCM, việc mua sắm thuốc này là cần thiết để điều trị cho bệnh nhân nhưng hồ sơ, thủ tục khi mua sắm không đảm bảo về tham khảo 3 báo giá là không đúng quy định. Cùng với đó, việc các lô thuốc Acuvail và Suxmethonium còn hạn sử dụng khi tiếp nhận nhưng không đảm bảo về hạn sử dụng theo hợp đồng ký kết giữa Giám đốc BV và đơn vị cung cấp nhưng Khoa Dược vẫn thực hiện nhập kho mà không báo cáo xin ý kiến của lãnh đạo BV và Hội đồng Thuốc và điều trị, Khoa Dược cũng đã để xảy ra sự cố trong bảo quản 68 lọ Lucentis 2,3mg và 11 lọ Avastin 100mg/4ml với tổng đơn giá gần 1 tỷ đồng vào ngày 24-1-2017.
BV Mắt TPHCM còn thu vượt quá so với quy định tại cơ cấu giá phẫu thuật Lasik thường quy năm 2013 đến năm 2016 với tổng số tiền thu vượt quá gần 8,2 tỷ đồng. Điều đáng nói là nguồn thu và các khoản chi của riêng Khoa Khám và điều trị theo yêu cầu kỹ thuật cao chưa được kiểm tra, kiểm toán, không được BV đưa vào hệ thống sổ sách kế toán và báo cáo tài chính hằng năm của BV…
Việc kê khai tài sản, thu nhập của những người thuộc diện phải kê khai cũng không chính xác, thấp hơn số thu nhập thực tế. Về chuyên môn, bệnh viện để xảy ra tình trạng có 19 bác sĩ dù không trực tiếp phẫu thuật nhưng lại đứng tên trong 3.225 hồ sơ bệnh án là bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân là vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp…
Theo Thanh tra TP, các sai phạm, khuyết điểm, thiếu sót nói trên của BV Mắt TPHCM là nghiêm trọng cần được kiểm điểm, xử lý trách nhiệm nghiêm túc đối với tập thể, cá nhân phụ trách lĩnh vực, phạm vi được phân công.
Thanh tra TP giao cho Giám đốc Sở Y tế phối hợp với Ban Thường vụ Đảng ủy Sở Y tế chủ trì, kiểm điểm làm rõ vi phạm, khuyết điểm về mặt Đảng và chính quyền của ông Trần Anh Tuấn, nguyên Giám đốc, nguyên Bí thư Đảng ủy BV Mắt TPHCM và tập thể, cá nhân lãnh đạo BV về công tác chỉ đạo, điều hành lĩnh vực được phân công và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TP và Thanh tra TP.
Đối với Giám độc BV Mắt TPHCM cần tổ chức, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với các tập thể, cá nhân các khoa phòng của BV có liên quan đến những thiếu sót sai phạm diễn ra trong thời gian qua tại BV Mắt.
UBND TP yêu cầu Chánh Thanh tra TP thành lập Đoàn Thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng các khoản thu, chi riêng của BV Mắt TPHCM trong giai đoạn từ ngày 13-1-2014 đến thời điểm hiện nay của Khoa Khám và điều trị theo yêu cầu Kỹ thuật cao; đề xuất hướng xử lý, báo cáo UBND TP theo quy định của Luật Thanh tra.
Trên cơ sở kết quả thanh tra đề xuất việc chuyển nộp số tiền hơn 283 tỷ đồng là số tiền còn tồn của Khoa khám và điều trị theo yêu cầu Kỹ thuật cao được BV Mắt quản lý, hạch toán riêng, không phản ánh vào Báo cáo tài chính của BV Mắt và số tiền hơn 8,1 tỷ đồng thu vượt quá so với quy định tại cơ cấu giá phẫu thuật Lasik thường quy từ năm 2013 đến năm 2016 từ tài khoản tạm giữ của Thanh tra TP nộp ngân sách Nhà nước theo quy định. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)
Cùng chủ đề Báo Tiền Phong trang 4: “Nhiều sai phạm ở Bệnh viện Mắt TPHCM”