Mở rộng điều tra dịch tễ, truy vết thần tốc
Ngày 20/10, Bộ Y tế chỉ đạo ngành Y tế các tỉnh xuất hiện ổ dịch mới trong cộng đồng mở rộng điều tra dịch tễ, truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan với các bệnh nhân COVID-19, thực hiện cách ly y tế kịp thời và đảm bảo không để lọt các trường hợp tiếp xúc gần.
Phú Thọ: 23 ổ dịch cộng đồng chưa rõ nguồn lây
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, sau khi tiếp nhận 65.100 liều vắc xin COVID-19 từ Bộ Y tế, Phú Thọ đã khẩn trương phân bổ cho Trung tâm Y tế các huyện, thành, thị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi. 35.100 liều vắc xin Pfizer và 30.000 liều vắc xin Astra Zeneca sẽ được tiêm nhắc mũi thứ 2 cho các đối tượng đã được tiêm vắc xin mũi thứ nhất trong phân bổ vắc xin phòng COVID-19 đợt 13, năm 2021. Tiêm mũi 1 cho các đối tượng ưu tiên như người mắc các bệnh mạn tính; người trên 50 tuổi. Tất cả vắc xin sẽ được tiêm xong trong 3 ngày.
Theo thông tin từ Sở Y tế Phú Thọ, từ 13/10 đến nay, tỉnh Phú Thọ đã có 161 ca mắc COVID-19 (riêng trong ngày 19/10 ghi nhận 19 ca mắc mới) với 23 ổ dịch trong cộng đồng được phát hiện. Điều đáng lo ngại, đến nay chưa xác định được nguồn lây ban đầu. Dự báo số ca mắc COVID-19 mới vẫn còn tiếp tục trong những ngày tới. Đặc biệt, Phú Thọ dồn vắc xin cho 2 địa phương đang là điểm nóng của dịch bệnh là TP Việt Trì: 15.520 liều, thị xã Phú Thọ: 14.910 liều. Dự kiến trên địa bàn toàn tỉnh sẽ có thêm 42.029 đối tượng tiêm mũi 1 và 23.071 đối tượng tiêm mũi 2.
Ông Nguyễn Huy Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ cho biết: “Lực lượng sẽ tập trung tối đa vào sàng lọc, phát hiện sớm người có yếu tố nguy cơ, phân luồng khám bệnh hợp lý, an toàn. Kiểm soát chặt chẽ người ra, vào, đến làm việc, chăm sóc người bệnh nội trú, kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm chéo tại các khu vực nguy cơ cao; thu gom, xử lý chất thải đúng quy định. Ngành y tế Phú Thọ nỗ lực không để dịch COVID-19 xuất hiện và lây lan trong cơ sở y tế”. Đồng thời củng cố, bổ sung kế hoạch tổ chức Đơn nguyên Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch, chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “bệnh viện tách đôi”, vừa khám chữa bệnh thông thường, vừa điều trị người bệnh COVID-19.
Sơn La: Công nhân về từ vùng dịch không khai báo
Sơn La cũng vừa phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, là công dân trở về từ Bình Dương nhưng không trực tiếp khai báo tại chốt kiểm dịch vào tỉnh. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Sơn La, trong quá trình xét nghiệm những công dân trở về từ các tỉnh phía Nam trong ngày 19/10, đã ghi nhận 2 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 1 bệnh nhân được điều trị tại khu điều trị F0 của huyện Bắc Yên và 1 bệnh nhân điều trị tại Khu điều trị F0 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tình trạng sức khỏe 2 bệnh nhân đều ổn định.
Tại cuộc họp ngày 20/10, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Sơn La yêu cầu các đơn vị tiến hành thiết lập vùng phong tỏa, cách ly tại nơi phát hiện trường hợp F0. Qua điều tra truy vết đã xác định được 16 F1; 61 F2, trong đó có 36 F2 ngoài cộng đồng và 25 F2 là nhân viên của Bệnh viện Đa khoa Cuộc sống. Các F1 đã được cách ly tập trung theo đúng quy định, các F2 thực hiện cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe. Hiện, Bệnh viện Đa khoa Cuộc sống đã phong tỏa toàn bộ khoa Khám bệnh; thông báo cho 25 F2 là nhân viên của bệnh viện cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe. CDC Sơn La cũng đã thông báo về điều tra dịch tễ đối với các trường hợp liên quan đến F0 gửi các đơn vị, tỉnh, huyện liên quan. Từ ngày 5/10 đến nay, toàn tỉnh Sơn La phát hiện 28 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 trong số các công dân trở về từ các tỉnh phía Nam (Tiền phong, trang 4, Tuổi trẻ, trang 3).
Cần chiến lược tổng thể phòng, chống Covid-19
Báo cáo thẩm tra công tác phòng, chống Covid-19, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề xuất Chính phủ cần sớm ban hành chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19; không để tình trạng lúng túng, thiếu nhất quán tại các địa phương như thời gian vừa qua.
Hơn 2.000 trẻ mồ côi do Covid-19
Ủy ban Xã hội (UBXH) đánh giá dù dịch bệnh đã tạm thời được khống chế nhưng việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 đã bộc lộ nhiều hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng, cần được Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm, chỉ đạo như: việc tổ chức tiêm vắc xin chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đồng đều tại các địa phương; xét nghiệm sàng lọc trên địa bàn một số tỉnh chưa triển khai kịp thời, hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
Theo UBXH, một lo ngại lớn hiện nay là tác động tiêu cực của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ tính 8 tháng năm 2021, đã có 85.508 doanh nghiệp (DN) rút khỏi thị trường và ngừng kinh doanh, con số này không dừng lại mà tiếp tục gia tăng trong khi DN đăng ký thành lập mới có xu hướng giảm bình quân cả về vốn và số lao động đăng ký. Đã có 87,2% DN bị ảnh hưởng tiêu cực, làm cho thị trường lao động khu vực chính thức có xu hướng thu hẹp; lực lượng lao động phi chính thức bị mất việc làm, phải tạm ngừng làm việc chiếm tỷ lệ lớn. Một lượng lớn lao động dịch chuyển từ các tỉnh, TP lớn về quê tạo nguy cơ thiếu lao động nơi đi, gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.
Vấn đề kinh tế cũng kéo theo nhiều hệ lụy về xã hội cần phải được quan tâm đúng mức. Trong đó, tác động của đại dịch về sức khỏe, thể chất và tinh thần, tâm lý xã hội là rất lớn nhưng chưa được đánh giá đầy đủ; việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế. Theo báo cáo của các địa phương, có 2.093 trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19, riêng TP.HCM là hơn 1.500 trẻ mồ côi.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế
Dù Chính phủ đã kịp thời ban hành, thực hiện nhiều chính sách, biện pháp an sinh xã hội nhưng còn gặp không ít khó khăn do người lao động đang thực hiện giãn cách xã hội nên không thể thực hiện các thủ tục để nhận hỗ trợ; nhiều địa phương không thể đáp ứng được nhu cầu kinh phí...
Liên quan đến thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội (QH), UBXH cho rằng Chính phủ đã chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, đã khẩn trương, kịp thời ban hành trên 100 văn bản để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch. Song tại các địa phương có nhiều lúng túng, chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của T.Ư, người thi hành công vụ hiểu sai, áp dụng không phù hợp.
Một trong các nguyên nhân quan trọng gây ra sự thiếu thống nhất, đồng bộ nêu trên, theo UBXH là do Chính phủ chưa ban hành được chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh Covid-19 làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Chính vì thế, cơ quan này đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, cần có biện pháp để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm... Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế; tăng cường năng lực của hệ thống y tế nhằm thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới (Thanh niên, trang 3).
Vắc-xin mới cho căn bệnh cũ
Hơn 140 năm từ khi ký sinh trùng gây bệnh sốt rét được phát hiện ở châu Phi, thế giới lần đầu có một loại vắc-xin có khả năng chống lại căn bệnh truyền nhiễm nguy hại này. Tuy chưa đạt được hiệu quả tuyệt đối, song vắc-xin sốt rét được kỳ vọng sẽ cứu sống hàng nghìn trẻ em mỗi năm.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đưa ra khuyến nghị tiêm vắc-xin phòng, chống sốt rét có tên thương mại là Mosquirix cho trẻ em tại các nước châu Phi. Giám đốc Chương trình chống sốt rét toàn cầu của WHO Pedro Alonso nhận định, đây là “bước tiến lịch sử” trong cuộc chiến chống lại căn bệnh nguy hiểm mà mỗi năm cướp đi sinh mạng của khoảng 500 nghìn người, bao gồm nhiều trẻ em dưới 5 tuổi tại châu Phi. Mosquirix là loại vắc-xin phòng, chống bệnh sốt rét đầu tiên được WHO cấp phép sử dụng và cũng là vắc-xin đầu tiên được phát triển thành công cho các bệnh do ký sinh trùng gây nên.
Theo thống kê của WHO, cứ mỗi hai phút, trên thế giới lại có một trẻ em chết vì bệnh sốt rét, trong đó châu Phi chiếm tới 94% số người mắc và tử vong do căn bệnh này. Ký sinh trùng sốt rét do muỗi mang theo, đặc biệt nguy hiểm vì có thể tấn công người nhiễm lặp lại nhiều lần trong đời. Ngay cả khi không tử vong, hệ miễn dịch của người nhiễm khi bị tấn công lặp đi lặp lại sẽ trở nên yếu ớt và dễ bị tác động bởi các mầm bệnh khác. Ở nhiều vùng ở khu vực châu Phi phía nam sa mạc Sahara, ngay cả những nơi mà hầu hết mọi người đều ngủ trong màn được tẩm thuốc diệt côn trùng, trẻ em mắc trung bình sáu đợt sốt rét mỗi năm. Màn ngủ, biện pháp phòng ngừa phổ biến nhất hiện nay, chỉ giảm được khoảng 20% số ca tử vong do sốt rét ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia y tế đánh giá vắc-xin Mosquirix mặc dù hiệu quả khiêm tốn ở mức khoảng 30%, thì lợi ích mà vắc-xin mang lại là đầy hứa hẹn cho công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Quyết định cấp phép được đưa ra sau khi WHO công bố bản báo cáo về một chương trình tiêm chủng thí điểm quy mô lớn, được triển khai tại ba nước Ghana, Kenya và Malawi từ năm 2019, với hơn 2,3 triệu liều được tiêm cho gần 800 nghìn người. Một liều vắc-xin Mosquirix gồm bốn mũi tiêm và được tiêm trong hai năm đầu đời của trẻ. Giám đốc WHO khu vực châu Phi, Tiến sĩ Matshidiso Moeti nhận định, vắc-xin được WHO cấp phép mang lại tia hy vọng cho châu Phi, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ căn bệnh sốt rét. Theo ước tính, thiệt hại kinh tế do bệnh sốt rét gây ra tại các nước phía nam sa mạc Sahara là hơn 12 triệu USD mỗi năm. Tiến sĩ Moeti bày tỏ hy vọng, với loại vắc-xin mới, sẽ có nhiều trẻ em châu Phi được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc sốt rét và có thể phát triển thành những người trưởng thành khỏe mạnh.
Để đạt mục tiêu chủng ngừa sốt rét toàn diện đến năm 2030, những nước có tỷ lệ mắc bệnh sốt rét từ trung bình đến cao sẽ cần đến hàng trăm triệu liều vắc-xin. Phòng, chống sốt rét vẫn là một ưu tiên của WHO trong những nỗ lực cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu trên toàn thế giới nhiều thập kỷ qua, nhưng đại dịch Covid-19 đang trở thành thách thức lớn đối với cuộc chiến chống sốt rét của WHO ở châu Phi (Nhân dân, trang 5).
Bám sát tiêu chí để có biện pháp ứng phó dịch
Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về chuyên môn y tế để thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc tổ chức triển khai hướng dẫn; tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chủ động phòng dịch và sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi.
Nhờ từng bước kiểm soát được dịch mà cả nước đang bước sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt để vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai ở các địa phương vẫn có sự khác nhau, do vậy một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP là vừa bảo đảm thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, không để xảy ra tình trạng mỗi địa phương quy định một kiểu, không chia cắt, đồng thời vẫn phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các địa phương.
Tại tọa đàm “Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức, các đại biểu cho rằng, từ Nghị quyết đến hành động có ba vấn đề lớn: Một là phải hiểu đúng; hai là đánh giá đúng tình hình địa phương; ba là phải đúng quy định nhưng quy định này phải bằng các văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng “ăn đong”, nay chỉ đạo thế này, mai chỉ đạo thế khác. Các địa phương dựa trên cơ sở Nghị quyết 128 để thống nhất ban hành các văn bản quy định ở địa phương mình.
Nghị quyết 128/NQ-CP đã giao các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các hướng dẫn chung để áp dụng trong toàn quốc. Các địa phương căn cứ vào những hướng dẫn chung đó để tổ chức triển khai một cách thống nhất, có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể nhưng không trái các quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, việc đi lại của người dân.
Triển khai thực hiện Nghị quyết, Bộ Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn chuyên môn, nêu rõ ba tiêu chí đánh giá cấp độ dịch Covid-19, gồm: Số ca mắc mới tại cộng đồng/ số dân/ thời gian; độ bao phủ vắc-xin; bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám, chữa bệnh các tuyến. Về tiêu chí số ca mắc mới tại cộng đồng được phân theo bốn mức độ từ thấp đến cao theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (mức 1: 0 đến 20; mức 2: 20 đến 50; mức 3: 50 đến 150; mức 4 : từ 150 trở lên). Các địa phương có thể điều chỉnh giảm hoặc tăng số ca mắc mới trong từng mức độ cho phù hợp tình hình thực tế.
Đối với tiêu chí tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vắc-xin phòng Covid-19 được phân theo hai mức: dưới 70% và từ 70% trở lên. Các địa phương có thể điều chỉnh tỷ lệ tiêm chủng phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Bộ Y tế nêu rõ trong tháng 10/2021, yêu cầu tối thiểu 80% người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19; từ tháng 11/2021, yêu cầu tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19.
Đối với tiêu chí bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tỉnh, thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ bốn. Các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp oxy y tế để đáp ứng khi có dịch xảy ra.
Bộ Y tế nêu rõ trường hợp không đạt được tiêu chí ba thì không được giảm cấp độ dịch. Phải tăng lên một cấp độ dịch nếu không đạt được yêu cầu về tỷ lệ tiêm vắc-xin đối với người cao tuổi. Các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tiễn về diễn biến dịch, độ bao phủ vắc-xin, điều kiện thực tế (mật độ dân cư, điều kiện kinh tế xã hội...), khả năng ứng phó có thể điều chỉnh các tiêu chí, cấp độ dịch cho phù hợp, bảo đảm đúng quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các tỉnh, thành phố cần xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ dịch; tổ chức triển khai khi có dịch xảy ra trên địa bàn; tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế và điều trị trên địa bàn; tăng cường khả năng thu dung, điều trị và chăm sóc người mắc Covid-19; xây dựng kế hoạch thu dung, chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19 (F0), nhất là kế hoạch bảo đảm đáp ứng về giường ICU. Có kế hoạch, phương án cụ thể để khi có dịch xảy ra thì các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên có hệ thống cung cấp oxy hóa lỏng, khí nén; các trạm y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm cung cấp oxy y tế; có kế hoạch tổ chức các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, tổ chức quản lý F0 tại nhà.Các địa phương chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm mục tiêu kép nhưng vẫn cần đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện thực tế, người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở… không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất. Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; bảo đảm hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội (Nhân dân, trang 5).
Phân bổ hơn 95 triệu liều vaccine, đã tiêm được trên 65,7 triệu liều
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay Bộ đã phân bổ 69 đợt vaccine phòng COVID-19 với tổng số 95.254.726 liều. Tính đến ngày 20/10, cả nước đã tiêm trên 65,7 triệu liều vaccine, trong đó có 28,2 triệu người tiêm mũi 1 và 18,7 triệu người tiêm đủ 2 mũi. Trong những ngày qua, trung bình mỗi ngày cả nước tiêm được 1,5 đến 1,6 triệu liều vaccine. Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine là 65,3% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine là 26,0% dân số từ 18 tuổi trở lên. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% là Long An (100%), Đồng Nai (100%), Khánh Hòa (100%), TP Hồ Chí Minh (99,5%), Bình Dương (99,8%), Bà Rịa Vũng Tàu (97,5%), Hà Nội (96,5%), Đà Nẵng (95,5%) và Quảng Ninh (95%).
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50% là Long An (79,5%), TP Hồ Chí Minh (75,7%), Quảng Ninh (62,4%), Hà Nội (52,3%) và Bình Dương (52,8%). Theo Bộ Y tế, 5 tỉnh, TP có tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên thấp nhất là Đắk Lắk (15,5%), Gia Lai (23,3%), Ninh Bình (23,3%), Nam Định (25,6%) và Kon Tum (28,9%). Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký công điện gửi các địa phương đề nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và phải coi công tác tiêm chủng là ưu tiên hàng đầu, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay (Công an nhân dân, trang 1).