Nghệ An: Thời tiết chuyển mùa, bệnh nhi mắc các bệnh hô hấp tăng đột biến
Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, trong những ngày qua do thời tiết chuyển mùa nên số lượng bệnh nhi mắc các bệnh hô hấp tăng đột biến.
Trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống, Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Anh Sơn – Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, những ngày qua, số lượng trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như: viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, hen phế quản, viêm phổi và viêm phổi nặng… tăng đột biến, có nhiều trẻ bệnh nặng phải thở ôxy. Số lượng điều trị tại khoa luôn xấp xỉ 200 bệnh nhi mỗi ngày.
Điều đáng nói là, trong số bệnh nhi vào khoa điều trị có 15 trường hợp mắc phải virus hợp bào hô hấp (virus RSV – Respiratory Syncytial Virus). Đây là căn bệnh phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa, trẻ dưới 6 tháng tuổi thường dễ mắc bệnh. Việc điều trị cho trẻ mắc RSV gặp nhiều khó khăn, bệnh viện phải bố trí phòng cách ly với chế độ chăm sóc đặc biệt.
"Thời điểm giao mùa như hiện nay, môi trường và độ ẩm thay đổi đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển, do đó 1 tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhi bị các bệnh lý về đường hô hấp phải nhập viện điều trị rất đông.
Một yếu tố nữa dẫn đến số lượng bệnh nhi nhập viện tăng cao là do sau khi trẻ nhiễm COVID-19, sức đề kháng của trẻ ít nhiều bị suy giảm, do đó rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh lý về đường hô hấp… Ngoài ra, một yếu tố nữa khiến trẻ mắc bệnh nặng là do phụ huynh chủ quan trước tình trạng sức khỏe của trẻ", bác sĩ Bùi Anh Sơn cho biết thêm.
Theo các chuyên gia y tế, khi trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp, các biểu hiện khởi phát là hắt hơi, chảy mũi (giống như cảm lạnh thông thường), trẻ chán ăn, bỏ ăn, bỏ bú, thở nhanh, khó thở, ít vận động hơn.
Do phụ huynh không phát hiện kịp thời, bệnh có thể sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu hơn như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm tai giữa, viêm phổi… hoặc biến chứng gây suy hô hấp ở trẻ em, nặng hơn sẽ dẫn tới tử vong.
"Khi trẻ có các biểu hiện mắc bệnh phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế, các bệnh viện chuyên khoa nhi để được khám và điều trị, tuyệt đối không tự ý ra các quầy thuốc mua thuốc tự điều trị cho trẻ - điều này sẽ khiến trẻ mắc bệnh nặng hơn và gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh cho trẻ về sau này.
Để phòng bệnh cho trẻ nói chung và bệnh lý về hô hấp nói riêng, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ theo từng lứa tuổi; thực hiện giữ ấm cho trẻ khi thời tiết thay đổi, trở lạnh; hạn chế cho trẻ ra ngoài, nếu bắt buộc phải ra ngoài cần cho trẻ đeo khẩu trang, giữ ấm cho trẻ ở vùng cổ, lòng bàn tay, lòng bàn chân; hạn chế tối đa việc cho trẻ tiếp xúc với những trẻ đang mang bệnh; cần hạn chế sử dụng bếp than đá để sưởi ấm, không để trẻ tiếp xúc với môi trường độc hại, khói thốc lá…". BS Bùi Anh Sơn khuyến cáo. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).
Bảo hiểm không thanh toán 1.088 tỉ đồng, ngành y tế TP.HCM 'kêu cứu'
Theo Sở Y tế TP.HCM, từ lúc áp dụng phương thức thanh toán mới, các chi phí phát sinh trong hoạt động KCB BHYT của các bệnh viện không được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán do vượt tổng mức thanh toán, giai đoạn từ năm 2019 - 2021 là 1.088 tỉ đồng.
Ngày 20.10, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có văn bản gửi Bộ Y tế về việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các bệnh viện trong thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Từ năm 2019, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM thực hiện thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các cơ sở KCB trên địa bàn TP.HCM theo phương thức tổng mức thanh toán (TMTT), được quy định tại Nghị định số 146 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của luật BHYT, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.
Thanh toán thấp hơn thực tế sử dụng
Theo Sở Y tế TP.HCM, từ lúc áp dụng phương thức thanh toán mới, hầu hết bệnh viện (BV) và cơ sở KCB đều gặp khó khăn do TMTT KCB BHYT thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế mà các cơ sở đã sử dụng cho bệnh nhân (BN).
Hệ quả là các chi phí phát sinh trong hoạt động KCB BHYT của các BV không được quỹ BHYT thanh toán do vượt tổng mức thanh toán, giai đoạn từ năm 2019 - 2021 là 1.088 tỉ đồng. Trong đó, đơn vị trực thuộc Sở Y tế là 315 tỉ đồng; BV T.Ư, bộ, ngành, cơ sở y tế tư nhân là 773 tỉ đồng. Tính từ tháng 1 - 8.2022, tuy số lượt khám và điều trị nội trú của các BV chưa phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19, các cơ sở KCB trên địa bàn TP ước đã vượt TMTT hơn 400 tỉ đồng.
Vì sao vượt TMTT?
Theo Sở Y tế, các cơ sở KCB trên địa bàn TP.HCM đang áp dụng phương thức thanh toán theo giá dịch vụ. Hằng quý, BHXH thực hiện giám định và tạm quyết toán cho các BV (được xác định theo số lượng, giá dịch vụ y tế và các chi phí về thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, chế phẩm máu chưa được tính vào giá dịch vụ đã sử dụng cho BN theo khoản 1, điều 54, Nghị định 146).
Tuy nhiên, khi thực hiện quyết toán năm, cơ quan BHXH lại căn cứ vào TMTT (được xác định dựa vào TMTT của năm trước liền kề) được quy định tại khoản 5, điều 24, Nghị định 146. Đây là trở ngại lớn nhất đối với tất cả BV, vì thực tế tại các cơ sở KCB thì tổng chi phí KCB của năm sau luôn cao hơn năm trước.
Sở Y tế phân tích khi thực hiện liên thông BHYT tuyến tỉnh từ đầu năm 2021, xu hướng tất yếu là người dân từ các tỉnh đổ về TP.HCM để KCB. Do đó, số lượt khám và điều trị nội trú chắc chắn gia tăng (theo quy định, BHYT sẽ chi trả điều trị nội trú đối với trường hợp này), dẫn đến chi phí KCB sẽ tăng.
Bên cạnh đó, các BV đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn TP.HCM không ngừng phát triển chuyên môn kỹ thuật theo định hướng TP là trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực các tỉnh phía nam và khu vực Đông Nam Á. Vì thế, số lượng BN mắc bệnh nặng và bệnh phức tạp do các BV tỉnh chuyển đến ngày càng tăng. Mô hình bệnh phức tạp (nhiều bệnh lý trên cùng một BN), mức độ nặng của bệnh tăng, thời gian điều trị kéo dài, chi phí KCB sẽ tăng. (Thanh niên, trang 13).
Hai bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ ở cùng nhà tại Dubai
Tại cuộc họp báo về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 vào chiều 20/10, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó GĐ Trung tâm bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) khẳng định: Hai trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được công bố tại Việt Nam chỉ ở cùng nhà trong quá trình du lịch tại Dubai, chứ không tiếp xúc cùng nhau.
Trả lời cho câu hỏi về quá trình tiếp xúc, lây nhiễm ra sao giữa 2 trường hợp bệnh nhân (BN) được phát hiện mắc bệnh đậu mùa khỉ, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc HCDC khẳng định: Hai BN này không có sự tiếp xúc mà là ở cùng nhà với nhau. Đều đi du lich tại Dubai và có quá trình ở cùng ngôi nhà tại Dubai.
Trước đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin, ngày 03/10/2022, có kết quả xét nghiệm giải trình tự gen khẳng định một bệnh nhân mắc bệnh Đậu mùa khỉ. Đây là bệnh nhân mắc bệnh Đậu mùa khỉ được ghi nhận đầu tiên tại Việt Nam.
BN này khởi phát bệnh ngày 18/9/2022 khi đang du lịch tại Dubai (từ tháng 7/2022 đến 22/9/2022 về Việt Nam) với triệu chứng điển hình: sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.
BN này về Việt nam ngày 23/9/2022. Có kết quả xét nghiệm Real time PCR tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh khẳng định dương tính. Đã được điều trị tại đây tới 14/10 xuất viện.
BN thứ 2 được Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới thông tin vào ngày 19/10 có kết quả dương tính mắc đậu mùa khỉ. Và đây là trường hợp đậu mùa khỉ thứ hai đã được phát hiện ngay khi nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
BN thứ 2 được xác định thường trú tại tỉnh Tuyên Quang, đi du lịch tại Dubai (từ ngày 29/9/2022 đến 18/10/2022). Bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ từ ngày 11/10/2022 với sốt kèm mệt mỏi, buồn nôn và xuất hiện các mụn mủ rải rác trên cơ thể).
Giải thích về việc, BN thứ 1 đã về VN ngày 23/9, BN thứ 2 ngày 29/9 mới sang Du bai nhưng sao lại có sự liên quan là lây nhiễm trong quá trình sinh hoạt và ở chung nhà? Hai BN này có tiếp xúc với nhau hay không?
Ông Tâm cho biết, hai BN này không tiếp xúc với nhau nhưng “có ở cùng nhà” tại ngôi nhà tại Dubai. Qua lời khai của các BN, BN thứ 1 đã về VN, BN thứ 2 sang du lịch và có thể cũng ở tại ngôi nhà bên Dubai. “Họ ở cùng ngôi nhà bên Dubai. Còn không xác nhận là họ có tiếp xúc với nhau hay không”. Ông Tâm khẳng định.
Đồng thời BN thứ 2 theo ông Tâm cho biết là sang Dubai nhiều lần. Chứ không phải chỉ 1 lần.
Cũng theo ông Tâm: “Cũng nhờ sự tự giác của bệnh nhân đầu tiên nên đã chặn được ngay nguồn bệnh đậu mùa khỉ từ nước ngoài vào VN. Những người đã tiếp xúc với BN này đều đã được kiểm soát ngay khi họ bước xuống máy bay tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Máy bay cũng đã được khử khuẩn toàn bộ. Không có trường hợp nào ở cộng đồng bị lây nhiễm từ các trường hợp trên. Những trường hợp có tiếp xúc với cả 2 BN đậu mùa khỉ này hiện còn đang ở Dubai”. (Công an nhân dân, trang 4; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Gia tăng bệnh nhân nhập viện do kiến ba khoang
Theo thống kê mới nhất của Bệnh viện Da liễu trung ương, trong 4 tháng liên tiếp gần đây, bệnh viện tiếp nhận khoảng 900 người bị viêm da kích ứng đến khám, trong đó gần 50% viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang. Đặc biệt, bệnh nhân đến khám vì kiến ba khoang gia tăng mạnh những ngày gần đây.
Cụ thể, mỗi ngày tại đây tiếp nhận 5-6 bệnh nhân đến khám vì kiến ba khoang, thậm chí có ngày lên đến 10 bệnh nhân. Điều đáng nói, cùng với số bệnh nhân đến khám do kiến ba khoang gia tăng, bệnh viện này cũng ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nặng do sai lầm trong việc tự điều trị.
Bị bỏng rát vùng kín do tiếp xúc với kiến ba khoang, em L.T.V (19 tuổi, ở Hà Nội) đã tìm mua thuốc về tự điều trị nhưng không đỡ, thậm chí các tổn thương ngày càng nặng nề, gây lở loét, đau đớn. Sau đó, V đã đến Bệnh viện Da liễu trung ương để thăm khám và điều trị.
Tương tự, chị V.H.Y (36 tuổi, ở Hà Nội) đến bệnh viện khám trong tình trạng mắt sưng to, vùng da quanh mắt phải tổn thương, trợt loét… Cách đây 3 ngày, sau khi ngủ dậy, vùng mắt phải của chị Y bị sưng đỏ, đau rát. Chị đến một hiệu thuốc gần nhà và được nhân viên bán cho một tuýp thuốc bôi. Thế nhưng, sau một ngày bôi thuốc vẫn không đỡ, thậm chí vùng da quanh mắt trợt loét lan rộng, đau đớn, mắt sưng húp nên chị đã đến bệnh viện khám và được chẩn đoán viêm da nghiêm trọng do kiến ba khoang, phải nhập viện.
Lý giải nguyên nhân số bệnh nhân đến khám vì kiến ba khoang gia tăng trong thời gian gần đây, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, hiện đang là mùa sinh sản của kiến ba khoang. Loài kiến này ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên thường bay vào nhà, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn.
“Khi vô tình tiếp xúc phải chất độc trong cơ thể của kiến, người bệnh sẽ bị tổn thương da. Trường hợp nhẹ thì chỉ gặp tổn thương khu trú ở một vùng da nhỏ. Tuy nhiên, với những trường hợp nặng, tổn thương lan rộng ra nhiều vùng da trên cơ thể; khu vực tổn thương cũng đau rát, lở loét nặng nề”, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy nói.
Các bác sĩ cũng lưu ý, có rất nhiều bệnh nhân không đến khám ở bệnh viện mà lại tự mua thuốc về uống và bôi. Thậm chí, nhiều người không nghĩ do tiếp xúc với kiến ba khoang mà lầm tưởng mắc bệnh Zona nên sử dụng thuốc Acyclovir để bôi và uống. Điều này vô tình làm cho tổn thương lan rộng hơn.
Ngoài ra, một số bệnh nhân do ngứa ngáy, khó chịu cũng có thói quen cào gãi. Với bệnh do tiếp xúc với kiến ba khoang, chất dịch chảy ra tới đâu, vết thương lan rộng tới đó nên tổn thương càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Không chỉ vậy, theo bác sĩ Thùy, có một số trường hợp còn nghe theo lời đồn đã bắt kiến ba khoang vì tin loài côn trùng này có thể chữa được bệnh. Các bệnh nhân này chủ động đi bắt kiến ba khoang, nghiền ra rồi đắp vào vùng kín bị nhiễm nấm. Sau khi loét ở vùng sinh dục, tổn thương lan rộng ra cả vùng đùi khiến bệnh nhân đau đớn và phải nhập viện. Thậm chí, có bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết.
Chất độc trong kiến ba khoang rất mạnh, do đó bác sĩ Thùy khuyến cáo, người dân nên tránh tiếp xúc với loại côn trùng này. Tuyệt đối không nên dùng tay để bắt, giết kiến ba khoang. Trong trường hợp không may tiếp xúc với kiến ba khoang, cần rửa sạch da với xà phòng, nước muối hoặc cồn 70 độ, bôi thuốc mỡ làm dịu da rồi tới cơ sở y tế có chuyên khoa để được thăm khám, điều trị. (Hà Nội mới, trang 1).