Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 21/11/2015

  • |
T5g.org.vn - Nguy cơ không còn kháng sinh để điều trị; Sau khi phát hiện các ca bại liệt tại Lào: Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh bại liệt bằng tiêm chủng đúng lịch; Đánh giá chất lượng bệnh viện: Đừng cào bằng!...

Nguy cơ không còn kháng sinh để điều trị

“Thuốc kháng sinh bây giờ đang trở nên khan hiếm, việc sản xuất ra một loại kháng sinh thì vô cùng khó khăn. Gần 30 năm nay, số kháng sinh mới được phát hiện thì đếm trên đầu ngón tay. Nhưng các loại vi khuẩn kháng kháng sinh thì tiến hóa khôn lường, đã xuất hiện vi khuẩn có khả năng kháng đa kháng sinh. Nếu cứ sử dụng bừa bãi như hiện nay, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ không còn kháng sinh để điều trị” - Đó là phát biểu của ThS-DS Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế.

Hậu quả của “dùng búa tạ giết kiến”

“Trong một lần sang Pháp công tác, tôi bị viêm họng và đến một bệnh viện địa phương để điều trị. Khi kiểm tra toa thuốc, tôi thấy bác sĩ kê cho mình loại kháng sinh thế hệ 1 - loại mà ở Việt Nam hầu như không được dùng nữa. Ở đất nước mình đã dùng đến kháng sinh thế hệ 3, 4 (kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng - PV). Đó là lý do, ở nước ta, tỉ lệ kháng kháng sinh lại trở nên nhức nhối như vậy” - GS-TS Phạm Mạnh Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - chia sẻ chính câu chuyện của mình trong một lần gặp gỡ báo chí.

“Trong nhiều năm công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, đối phó với những bệnh nhân bị kháng kháng sinh trở thành chuyện thường ngày đối với bác sĩ” - GS-TS Trần Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Niệu-Thận học TPHCM - cho biết. Một ví dụ điển hình như bệnh nhân bị nhiễm trùng vùng đáy chậu và hoại tử Fournier chiếm một tỉ lệ rất cao trong chuyên khoa về thận niệu. Nếu dùng kháng sinh đúng, việc điều trị sẽ vô cùng thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân có hiện tượng kháng kháng sinh nên việc điều trị vô cùng gian nan. Bác sĩ kê kháng sinh thế hệ 3, 4 mà vẫn không “ăn thua”. Bên cạnh đó, không ít bệnh nhân đã có vi khuẩn kháng đa kháng sinh - kháng lại tất cả kháng sinh phổ rộng, bệnh nhân nhiễm khuẩn ngày càng nặng và dẫn đến tử vong vì một căn bệnh lẽ ra điều trị được.

Tổ chức Y tế thế giới đã liệt Việt Nam vào danh sách nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên toàn cầu. Theo GS Sinh, tỉ lệ bệnh nhân kháng kháng sinh cao như hiện nay là hậu quả của việc sử dụng kháng sinh bừa bãi. Với một số bệnh nhiễm khuẩn thông thường như viêm họng, chỉ cần dùng kháng sinh thế hệ 1, 2 là có thể khỏi bệnh, nhưng ở nước ta, bệnh nhân cứ dùng kháng sinh thế hệ 3, 4 với mong muốn “trị đứt” những bệnh này, tương tự hình ảnh “dùng búa tạ để giết kiến”.

Cần siết chặt quản lý kháng sinh

Thống kê của Bộ Y tế mới đây, có tới 76% số bác sĩ kê toa kháng sinh không phù hợp. Đây là nguyên nhân khiến 33% số người bệnh bị kháng thuốc. Theo ThS-DS Cao Hưng Thái, nhiều bệnh viện tuyến trên và hầu hết các bệnh viện tuyến quận/huyện trở xuống đều không có labo xét nghiệm, bác sĩ sử dụng kháng sinh trong điều trị cho bệnh nhân dựa trên kinh nghiệm là chính.

Một kết quả khảo sát của ngành y tế về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy, kháng sinh đóng góp 13,4% (ở thành thị) và 18,7% (ở nông thôn) trong tổng doanh thu của hiệu thuốc. Phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn (88% thành thị và 91% nông thôn).

Để khắc phục tình trạng này, ThS-DS Cao Hưng Thái cho biết, trong kế hoạch phòng, chống kháng thuốc xuyên suốt đến năm 2020, Bộ Y tế và ba bộ liên quan xây dựng một kế hoạch có 6 mục tiêu và 4 giải pháp. Trong đó ngay năm 2015, ưu tiên giải pháp quan trọng nhất là nâng nhận thức của người dân về sự nguy hại của việc dùng thuốc bừa bãi. Sau đó, bộ sẽ thực hiện các giải pháp về chuyên môn kỹ thuật, triển khai thực hiện nghiêm các quy trình, quy chế. Năm 2017, trọng tâm sẽ là khu vực nhà thuốc, nhà thuốc bán thuốc không có toa sẽ bị xử phạt nghiêm.

Tại TPHCM, BS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, sở đã chính thức ra mắt kho phác đồ điều trị bệnh. Bác sĩ cần tuân thủ đúng các phác đồ điều trị đã có. Phác đồ này cũng là cơ sở pháp lý để đấu thầu số lượng thuốc, sẽ tránh việc kê đơn bừa bãi.

GS Trần Ngọc Sinh cho rằng, cần nhân rộng phác đồ kháng sinh đang áp dụng tại một số bệnh viện lớn cho các bệnh viện khác. Từ đó, việc kê đơn kháng sinh theo phác đồ phải trở thành phản xạ của bác sĩ.( Lao động trang 3)

Sau khi phát hiện các ca bại liệt tại Lào: Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh bại liệt bằng tiêm chủng đúng lịch

Trước thông tin nước láng giềng CHDCND Lào phát hiện các ca bệnh bại liệt và tình hình bệnh diễn biến phức tạp, hôm qua 20-11, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đưa trẻ em trong độ tuổi đến các cơ sở y tế để uống vaccine phòng bệnh bại liệt đầy đủ, đúng theo lịch tiêm chủng; đặc biệt là tại các tỉnh có nguy cơ cao đang triển khai chiến dịch uống bổ sung vaccine bại liệt.

Trên phạm vi toàn quốc, lịch uống vaccine phòng bệnh bại liệt (OPV) thường xuyên đối với trẻ dưới 1 tuổi là: Liều thứ nhất khi trẻ 2 tháng tuổi, liều thứ hai khi trẻ 3 tháng tuổi và liều thứ ba khi trẻ 4 tháng tuổi.

Cục Y tế dự phòng nêu rõ: Bệnh bại liệt là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm do virus bại liệt (Polio) gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiêu hóa do nhiễm virus bại liệt chủ yếu có trong nguồn nước, thực phẩm ô nhiễm từ phân của người bệnh hoặc người lành mang virus bại liệt. Bệnh này đã có vaccine phòng bệnh và Việt Nam đã đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. ( An ninh thủ đô trang 2, Nông thôn ngày nay trang 2)

Đánh giá chất lượng bệnh viện: Đừng cào bằng!

Bộ Y tế đã ban hành, bổ sung, điều chỉnh nhiều nội dung kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2015 nhằm thay đổi hình ảnh, thái độ, chất lượng bệnh viện, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Cách đánh giá chưa công bằng

Sau 2 năm áp dụng thí điểm, Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế ban hành, nhiều bệnh viện trên cả nước, đặc biệt là các bệnh viện tuyến dưới vẫn đang lúng túng không đáp ứng được. PGS.TS Nguyễn Thái Sơn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) chia sẻ, dù 2 năm qua bệnh viện đã được đầu tư cải thiện rất nhiều về cơ sở hạ tầng song nhiều tiêu chí khó thay đổi ngay, đồng nghĩa với việc không được “chấm điểm” ở mức cao. PGS.TS Nguyễn Thái Sơn phân tích, khi xây dựng bệnh viện, chúng ta quy hoạch không đồng bộ nhưng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện lại đòi hỏi thực hiện quy củ.

Đơn cử, Bộ tiêu chí đòi hỏi các bệnh viện phải đáp ứng tiêu chí về hệ thống xử lý rác thải, song không thể muốn đầu tư xây hệ thống xử lý rác thải là xây ngay được vì nó liên quan đến kết cấu chung toàn cơ sở bệnh viện.

Chung mối băn khoăn này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn - Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên cho rằng, muốn tăng chất lượng bệnh viện đòi hỏi phải có lộ trình, trong khi Bộ tiêu chí hiện tại lại đưa ra những tiêu chí quá cao, thậm chí hướng tới tiêu chuẩn quốc tế. “Bệnh viện mỗi tuyến có những điều kiện khác nhau, nếu áp dụng cào bằng chung một bộ tiêu chí thì không phù hợp. Chẳng hạn tiêu chí phòng chờ bệnh viện phải có điều hòa 2 chiều hoạt động thường xuyên và bảo đảm nhiệt độ thích hợp cho người bệnh, bệnh viện tuyến tỉnh khó thực hiện bởi ngay nguồn kinh phí mua điều hòa cho phòng của lãnh đạo bệnh viện, các khoa, phòng hiện nay cũng không có. Không thể chốc lát đòi cải tiến chất lượng bệnh viện lên mức hoàn hảo (mức 5) ngay được mà trước mắt cần hạn chế dần các tiêu chí đạt mức 1, 2 (mức kém), tăng số tiêu chí đạt mức 3, 4 (tốt)” - ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Tương tự, ông Cao Ngọc Thắng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái dẫn chứng thêm, trong Bộ tiêu chí cũ yêu cầu các bệnh viện đa khoa có khoa sản, nhi và các bệnh viện chuyên khoa sản, nhi muốn đạt mức 3 (mức trung bình) bắt buộc phải có bác sĩ chuyên khoa sản, nhi, có đơn nguyên hồi sức và cấp cứu sơ sinh. “Đây là tiêu chí không hợp lý vì với bệnh viện tuyến tỉnh, chúng tôi có thể đáp ứng được, nhưng ở tuyến huyện thì e rằng khó khăn. Hay tiêu chí để đạt mức 5 hoàn hảo, bệnh viện phải có giáo sư, phó giáo sư về sản khoa, nhi khoa, điều này quá xa xỉ” - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái phân tích.

Bệnh viện phải thay đổi toàn diện

Trước thực trạng trên, ngày 6-11 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia chất lượng bệnh viện Việt Nam 2015-2016 với quan điểm chủ đạo “lấy người bệnh là trung tâm của hoạt động điều trị và chăm sóc, nhân viên y tế là then chốt”, trong đó đã thay đổi đến 32 tiểu mục so với Bộ tiêu chí cũ năm 2013. Trao đổi với báo chí ngày 13-11, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, trong Bộ tiêu chí mới này, Bộ Y tế đã đưa ra các mức phấn đấu (5 mức) cụ thể, chi tiết hơn và yêu cầu các bệnh viện phải thay đổi toàn diện nếu muốn được xếp hạng cao. Theo đó, sự hài lòng ở mỗi bệnh viện sẽ được đánh giá qua sự thay đổi từ người bảo vệ, nhân viên đón tiếp người bệnh đến cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn các bước thủ tục khám, chữa bệnh...

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, kết quả kiểm tra, đánh giá sự hài lòng của người bệnh thời gian vừa qua cho thấy có sự khác biệt theo từng tuyến, từng hạng bệnh viện. Chẳng hạn, ở bệnh viện tuyến Trung ương, khảo sát cho thấy người bệnh hài lòng về trang thiết bị, kỹ thuật cao, trình độ chuyên môn nhưng chưa hài lòng về thái độ của nhân viên bệnh viện, về sự quá tải bệnh viện. Trong khi đó, ở bệnh viện tuyến dưới, người bệnh khá hài lòng về thời gian chờ đợi khám chữa bệnh, thái độ đón tiếp của nhân viên bệnh viện nhưng năng lực chuyên môn lại chưa đáp ứng mong đợi.

Để giúp đánh giá đúng, khách quan và toàn diện chất lượng bệnh viện trong thời gian tới, Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2015-2016 sẽ gồm bộ câu hỏi dựa trên kiểm tra đánh giá sự hài lòng ở các bệnh viện được tiến hành rộng rãi, thường xuyên theo từng tháng, từng quý và số mẫu khảo sát lớn hơn.

Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, từ tháng 11-2015, các bệnh viện sẽ tự tổ chức kiểm tra, đánh giá. Sau đó, tháng 12-2015, Bộ Y tế, các cơ quan quản lý y tế sẽ tổ chức giám sát, xem xét tính chính xác. Những bệnh viện nào đạt sự hài lòng cao sẽ được tôn vinh và công bố trước công luận.

Điều trị tốt sốt xuất huyết bằng thuốc y học cổ truyền

Do thời tiết năm nay diễn biến bất thường nên số người mắc bệnh sốt xuất huyết phải vào Bệnh viện Đa khoa y học cổ truyền Hà Nội điều trị từ đầu năm đến nay là 286 bệnh nhân. Để phục vụ tốt việc điều trị, bệnh viện đã triển khai Khoa Nội tổng hợp chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân bị sốt xuất huyết với 30 giường chỉ tiêu, đồng thời kê thêm 12 giường ngoài hành lang đảm bảo dù đông thì bệnh nhân vẫn được nằm 1 người 1 giường.

Bác sỹ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng khoa Nội tổng hợp cho biết, tính đến ngày 20-11, hiện khoa có 43 bệnh nhân sốt xuất huyết đang nằm điều trị. Bệnh nhân nằm viện được sử dụng kết hợp các thuốc cổ truyền do bệnh viện tự sản xuất như thuốc sắc, cao uống. Thời gian điều trị trung bình mỗi bệnh nhân là 10 ngày. Nhiều bệnh nhân ra viện đã tỏ lời khen ngợi vì các bài thuốc y học cổ truyền đã đem lại kết quả điều trị tốt.( An ninh thủ đô trang 6)

Dự kiến có thêm 25 loại thực vật tư được bảo hiểm y tế chi trả

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa tổ chức hội thảo góp ý kiến vào dự thảo thông tư quy định danh mục kỹ thuật, vật tư y tế phục hồi chức năng (PHCN) và việc chi trả bảo hiểm y tế (BHYT).

Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, việc áp dụng các danh mục kỹ thuật theo thông tư hiện hành không còn phù hợp do chỉ bó hẹp trong một số bệnh và nhóm bệnh; người bệnh có thẻ BHYT điều trị tại các cơ sở PHCN bị thiệt thòi rất nhiều bởi BHYT không có căn cứ để thanh toán. Dự thảo thông tư mới sẽ bổ sung 25 loại vật tư y tế sử dụng trong PHCN được BHYT thanh toán (xe lăn các loại, ghế chỉnh hình, các loại nẹp, dụng cụ hỗ trợ vận động PHCN...). Mặt khác, dự thảo thông tư này sẽ mở rộng quyền của người bệnh khi phải thực hiện dịch vụ kỹ thuật PHCN.( Hà Nội mới trang 5)

Sẽ cấm bán kháng sinh khi không có đơn của bác sĩ

Chiều 20.11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, các thứ trưởng và lãnh đạo các cục, vụ của Bộ Y tế đã tham gia ký cam kết tăng cường truyền thông và thực hiện kế hoạch hành động phòng chống kháng thuốc.

Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng "Tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc" (16 - 22.11), lần đầu tiên được tổ chức tại VN. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi các thầy thuốc kê đơn, sử dụng thuốc hợp lý, chỉ kê kháng sinh khi thực sự cần thiết; cần tích cực hướng dẫn người dân sử dụng thuốc theo đơn, dùng kháng sinh hợp lý, đúng chỉ định, đúng liều, đúng thời gian.

Theo Bộ trưởng, Bộ Y tế vừa trình Quốc hội dự thảo luật Dược sửa đổi, trong đó nhấn mạnh cấm bán thuốc kháng sinh khi không có đơn của bác sĩ. Một khảo sát cho thấy, khoảng 80 - 90% kháng sinh được bán tại các hiệu thuốc khi không có đơn của bác sĩ.( Thanh niên trang 2)

Cháy Bệnh viện tỉnh Bình Phước lúc rạng sáng

Ngày 20-11, tại khoa nội 2, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước xảy ra vụ cháy phòng thuốc khiến toàn bộ máy móc, thuốc chữa bệnh và dụng cụ y tế bị thiêu rụi. Hàng chục bệnh nhân đang nằm điều trị hoảng sợ tháo chạy.

Một số nhân chứng cho biết, trong lúc đang nằm ngủ thì một số bệnh nhân nghe tiếng nổ phát ra khá lớn từ phòng đựng thuốc trang thiết bị y tế.

Ngay sau đó, lửa bắt đầu phát cháy kèm theo khói bốc lên khắp các phòng của bệnh viện. Vì quá hoảng sợ nên khoảng 60 bệnh nhân và người nhà thân nhân đang điều trị tại khoa nội 2 hốt hoảng kéo nhau bỏ chạy xuống lầu khiến tình hình trở nên hỗn loạn.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh Bình Phước đã kịp thời có mặt tại hiện trường, phối hợp  với nhân viên bệnh viện khống chế ngọn lửa không lan ra các phòng khác.

Vụ cháy đã làm thiêu rụi hoàn toàn phòng thuốc, máy móc, thuốc chữa bệnh cùng trang thiết bị y tế chứa trong phòng. Ước thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Nguyên nhân ban đầu được xác định có thể là do chập điện. Công an tỉnh Bình Phước đang làm rõ nguyên nhân vụ cháy.(Nông thôn ngày nay trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang