Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 21/01/2021

  • |
T5g.org.vn - Thần tốc ứng phó mọi tình huống dịch Covid-19; Xử nghiêm các nhà xe đưa người nhập cảnh trái phép; Thêm 4 ca mắc mới Covid-19 cách ly tại thành phố Hồ Chí Minh; TP.HCM: thêm Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn được khởi công

 

Thần tốc ứng phó mọi tình huống dịch Covid-19

Mặc dù dịch Covid-19 trong nước đang được kiểm soát nhưng nguy cơ dịch bùng phát rất cao khi tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng nhập cảnh trái phép và sự gia tăng đi lại của người dân vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới cũng mang đến nhiều nguy cơ... Đây là những vấn đề được đặt ra tại hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 giữa Bộ Y tế với 63 điểm cầu trong cả nước.

Nhiều nguy cơ

Theo TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chỉ tính riêng 20 ngày đầu của tháng 1, Việt Nam ghi nhận thêm 75 ca mắc Covid-19 là người nhập cảnh, tăng thêm 11 ca so với cùng kỳ của tháng 12-2020. Đối với chuyến bay đưa công dân về nước, từ tháng 4-2020 đến nay đã thực hiện 366 chuyến bay với tổng số 74.944 người nhập cảnh, trong đó có 584 người dương tính với virus SARS-CoV-2 trên 122 chuyến bay. Đáng lo ngại, tình trạng nhập cảnh trái phép vẫn diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương có biên giới. 

Dưới góc độ điều trị, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết, Bộ Y tế đã có các tiêu chí yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải áp dụng thực hiện nhưng vẫn còn 14 bệnh viện tuyến tỉnh xếp ở mức không an toàn; hệ thống phòng khám và trạm y tế chỉ có 47% đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, trong số gần 200 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh mới chỉ có 60 bệnh viện triển khai xét nghiệm được Covid-19. Do đó, lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện phải nâng cao cảnh giác với dịch bệnh; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra, đồng thời thực hiện nghiêm túc việc sàng lọc phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ.

Sẵn sàng ứng phó

Chủ trì hội nghị, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, nêu rõ, dù dịch Covid-19 trong nước vẫn trong tầm kiểm soát nhưng nguy cơ lây nhiễm vào Việt Nam cũng rất đáng ngại. “Hiện nay, các tỉnh biên giới, các cửa khẩu đã tăng cường tối đa công tác tuần tra, kiểm soát. Tuy nhiên, tết sắp đến, tâm lý của bà con đều muốn trở về quê hương, vì thế nếu để nhập cảnh trái phép thì nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 ra cộng đồng là rất lớn”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh và đề nghị các địa phương tập trung cao độ, bóc gỡ triệt phá các đường dây, các nhà xe nhận chở khách vượt biên trái phép và xử lý nghiêm các nhà xe. 

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương, đơn vị chức năng chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch Covid-19; tập trung cao độ kiểm soát chặt các khu cách ly theo chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ; tất cả người nhập cảnh đều phải cách ly tập trung, không có ngoại lệ. “Nếu có ca bệnh phải thần tốc khoanh vùng, cách ly sớm để giảm lây nhiễm Covid-19; cần phải đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Ngày 20-1, tại UBND huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), đoàn công tác của Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia phòng chống dịch Covid-19, do GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, làm trưởng đoàn, đã đến làm việc với BCĐ phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn yêu cầu BCĐ phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp phải giám sát chặt các cửa khẩu, nhất là thời điểm giáp Tết Tân Sửu 2021.

Cùng ngày, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) cho biết, vừa qua đơn vị đã liên tiếp phát hiện và bắt giữ 6 vụ với 23 đối tượng nhập cảnh trái phép từ Lào về Việt Nam. 

Cùng thời gian, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cũng đã phát hiện 3 vụ với 6 đối tượng lợi dụng quá trình đổi tài xế, sau đó trốn trên các phương tiện để thực hiện hành vi nhập cảnh trái phép (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Xử nghiêm các nhà xe đưa người nhập cảnh trái phép

Hôm qua, Bộ trưởng Bộ y tế đề nghị các địa phương xử lý nghiêm các nhà xe nhận chở khách từ khu vực biên giới trốn cách ly vào trong nội địa.

Sáng 20/1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện hầu hết các quốc gia đều ghi nhận sự gia tăng ca nhiễm, dự tính số mắc COVID-19 sẽ tiến tới mốc 100 triệu người trong tuần tới. Tại Việt Nam, đã tròn 50 ngày không có ca nhiễm cộng đồng, nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ. Đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm COVID-19 qua đường mòn, lối mở. Một số nước trong khu vực vẫn mở các chuyến bay. Bà con Việt Nam ở nước ngoài đi chuyến bay thương mại về các quốc gia đó, rồi đi đường bộ về Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, mỗi ngày, lực lượng chức năng bắt giữ 100 - 150 trường hợp nhập cảnh trái phép. Có ngày cao điểm lên tới 500 người. “Còn đối tượng không bắt được thì như thế nào?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Qua theo dõi, trao đổi, giám sát nhập cảnh, cơ quan chức năng cho hay, có một số điểm nổi bật. Theo đó, tất cả trường hợp vượt biên trái phép đều có sự liên kết với bên trong qua các nhà xe, đường dây... Các đối tượng này sử dụng mạng xã hội để trao đổi về cách thức vào Việt Nam. Vừa rồi, ngành Y tế phát hiện một loạt nhà xe nhận chở khách từ khu vực biên giới trốn cách ly vào trong nội địa.

“Có hơn 10 tỉnh có hiện tượng này. Đề nghị các địa phương bóc gỡ, xử lý nghiêm các trường hợp này để hạn chế tình trạng nhập cảnh trái phép. Không thể có trường hợp về từ biên giới mà không có sự liên hệ nhà xe mà lại được nhận để chở vào Việt Nam”. “Chúng ta không cấm đồng bào về nước, nhưng phải chính ngạch, có cách ly đầy đủ, đảm bảo an toàn cho nước. Cứ để tình trạng như thế này thì rất căng thẳng”, ông Long nói.

Theo TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), lực lượng chức năng đã phát hiện 177 người nước ngoài nhập cảnh trái phép, trong đó có 167 người Trung Quốc, 8 người Campuchia, 1 người New Zealand và 1 người Canada. Ngoài ra, phát hiện 1.843 người Việt Nam vượt biên trái phép, số này đã được cách ly.

Không có trường hợp ngoại lệ trong cách ly

Liên quan công tác cách ly chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tất cả trường hợp, kể cả chuyên gia, tổ bay nhập cảnh, phải cách ly tập trung 14 ngày, không có ngoại lệ, không cách ly tại nhà, trừ trường hợp ngoại giao đặc biệt do Bộ Ngoại giao quyết định. “Chúng ta phải giữ chặt từng ly từng tý mới kiểm soát được vấn đề lây nhiễm COVID-19”, Bộ trưởng nói.

Hiện nay, một số quốc gia đã tổ chức các chiến dịch tiêm vắc-xin nhưng “tốc độ lây nhiễm COVID-19 còn nhanh hơn cả tốc độ tiêm”, ông nói. Vì thế, phải luôn chuẩn bị cho tình huống phát hiện COVID-19 tại cộng đồng. Khi có tình huống đó, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải “thần tốc, thần tốc và thần tốc”, phát hiện nhanh F1, khoanh vùng, cách ly càng nhanh thì sẽ ngăn chặn được lây nhiễm COVID-19 (Tiền phong, trang 3).

 

Vắc-xin của Việt Nam sẽ được thử nghiệm tại nước ngoài

Ngày 20/1, Học viện Quân y tiếp tục tiêm mũi 2 vắc-xin Nano Covax liều 25mcg cho 17 tình nguyện viên. Đây là những người tình nguyện trong nhóm đầu tiên tiêm thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVID-19 của Việt Nam nghiên cứu và sản xuất. Lãnh đạo Học viện Quân y cho biết, Việt Nam đã hoàn tất hơn nửa chặng đường thử nghiệm giai đoạn 1 đánh giá độ an toàn của vắc-xin. PGS.TS Hồ Anh Sơn, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Y dược học quân sự (Học viện Quân y) cho biết, kết quả xét nghiệm vào các ngày 7, 14 và 28 sau tiêm cho thấy vắc-xin sinh miễn dịch rất tốt, đảm bảo an toàn. Sau tiêm mũi 2, lượng kháng thể sẽ tiếp tục tăng cao. Nhóm nghiên cứu sẽ thu thập định kỳ để đánh giá chính xác. Hiện nhóm nghiên cứu của Học viện Quân Y đang xử lý dữ liệu, gửi hồ sơ đạo đức lên Bộ Y tế để xác định liều phù hợp cho giai đoạn 2, dự kiến bắt đầu ngay sau Tết Nguyên đán.

Dự kiến, giai đoạn 2 thử nghiệm trên 400-600 người, độ tuổi từ 12-17, bắt đầu từ tháng 2 tới để đánh giá tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ của vắc-xin. Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu khi giai đoạn 2 đi được nửa chặng đường. Dự kiến, giai đoạn 3 sẽ mở rộng trên quy mô 10.000 - 30.000 người, gồm các tình nguyện viên ngoài Việt Nam, tại một nước có dịch lưu hành ngoài cộng đồng. Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu thực hiện từ tháng 8. Nếu nghiên cứu thử nghiệm diễn ra thuận lợi, dự kiến đầu năm 2022, Việt Nam sẽ có vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên.

Bộ Y tế cho biết, hôm nay (21/1) tại ĐH Y Hà Nội diễn ra Lễ khởi động thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I vắc-xin COVIVAC phòng COVID-19. Đây là vắc-xin thứ 2 do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và sản xuất (Tiền phong, trang 3).

 

Thêm 4 ca mắc mới Covid-19 cách ly tại thành phố Hồ Chí Minh

Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính từ 18h ngày 19-1 đến 18h ngày 20-1, nước ta ghi nhận 4 ca mắc mới Covid-19, đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay tại thành phố Hồ Chí Minh. 

Ca bệnh 1.541 (BN 1541): Nữ, 72 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Ngày 17-1, bệnh nhân từ Mỹ quá cảnh Hong Kong (Trung Quốc) nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay CX799, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm ngày 19-1, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh.

Ca bệnh 1.542 (BN 1542): Nữ, 19 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại phường 6, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Ca bệnh 1.543 (BN 1543): Nữ, 14 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại phường 6, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Ca bệnh 1.544 (BN 1544): Nữ, 10 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại phường 6, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 17-1, các bệnh nhân trên từ Mỹ quá cảnh Hàn Quốc nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay OZ735, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm ngày 19-1, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Như vậy, tính đến 18h ngày 20-1, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 1.544 ca, trong đó có 693 ca lây nhiễm trong nước.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nước ta có thêm 4 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Như vậy, nước ta đã điều trị khỏi cho 1.406 ca, ghi nhận 35 ca tử vong.

Trong số các ca bệnh còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế, 22 ca đã có kết quả xét nghiệm từ 1 đến 3 lần âm tính với vi rút SARS-CoV-2 (Hà Nội mới, trang 1).

 

TP.HCM: thêm Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn được khởi công

Ngày 20-1, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn với kinh phí hơn 1.890 tỉ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn mới (nằm tại số 65/2B Bà Triệu, thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn) sẽ có quy mô hạ tầng kỹ thuật đáp ứng 1.000 giường, lưu bệnh 500 giường hiện đại, gồm 12 tầng chất lượng cao... nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và khu vực nội thành.

Đồng thời bệnh viện sẽ tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, kỹ thuật và trình độ chuyên môn tốt hơn cho việc chăm sóc sức khỏe người dân tại tuyến đầu thuộc khu vực Hóc Môn và các vùng lân cận. 

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết mục tiêu đến năm 2025, ngành y tế TP.HCM sẽ trở thành trung tâm y tế chuyên sâu, bên cạnh sự phát triển của thành phố. 

Tuy nhiên hiện nay hệ thống các bệnh viện ở thành phố đang bộc lộ sự mất cân bằng về khả năng đáp ứng dịch vụ y tế do gia tăng dân số. Theo đánh giá của Bộ Y tế, dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo TP.HCM nhằm tăng cường cơ sở y tế lớn, không chỉ giúp người dân ở vùng cửa ngõ TP.HCM mà còn ở các tỉnh lân cận có thêm cơ sở điều trị với cơ sở vật chất hiện đại.

Theo đó, tiêu chuẩn thiết kế bệnh viện hiện đại phải đáp ứng 4 tiêu chí cơ bản: đảm bảo phân khu chức năng hợp lý, kiến trúc bệnh viện đáp ứng tiêu chí về linh hoạt, hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ giỏi và chuyên môn cao.

Tại buổi lễ, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết đây sẽ là công trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố vào năm 2021 và các năm tiếp theo của nhiệm kỳ.

Phó chủ tịch UBND TP giao ban quản lý dự án đầu tư phải bám sát công trình để đốc thúc dự án đúng tiến độ, đảm bảo tuyệt đối an toàn về lao động. Phấn đấu kết thúc công trình vào năm 2021, hoàn thành được phần thô các hạng mục chính, năm 2022 hoàn thành cơ bản, đấu nối và năm 2023 đưa vào khai thác sử dụng với chất lượng cao nhất.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết đây là một trong những công trình trọng điểm để chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và có ý nghĩa quan trọng nhằm thực hiện đề án phát triển ngành y tế thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2030. 

Đây là một trong 3 dự án xây mới bệnh viện đa khoa ở các cửa ngõ bao gồm Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, góp phần xây dựng ngành y tế TP.HCM trở thành một trong những trung tâm dịch vụ y tế của Đông Nam Á sau năm 2025.

Vào ngày 15-1, TP.HCM cũng đã khởi công Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi hơn 1.800 tỉ đồng (Tuổi trẻ, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang