Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 02/11/2023

  • |
T5g.org.vn - Rước họa vì lạm dụng xoa bóp, bấm huyệt; Đề xuất 790 tỷ đồng xây mới Bệnh viện Quận 4; Nhiều bệnh viện cầu cứu; Thiếu máu , thiếu vật tư y tế do đâu?; Từ Viện Curie Đông Dương đến bệnh viện đầu ngành ung bướu

 

Rước họa vì lạm dụng xoa bóp, bấm huyệt

Nhiều người đang lạm dụng các phương pháp trị liệu xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi thải độc, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi thải độc là phương pháp trị liệu y học cổ truyền (YHCT), người bấm huyệt sẽ dùng tay tác động lên các huyệt, da thịt và gân khớp của người bệnh, các tác động vật lý đó sẽ kích thích vào hệ thần kinh, giúp nâng cao thể lực và giảm bớt một số loại bệnh. Tuy nhiên, nhiều người đang lạm dụng các phương pháp trị liệu này, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Xoa bóp, bấm huyệt tràn lan

Phản ánh với Đường dây nóng Báo SGGP, sau một đêm ngủ dậy, anh Lê Xuân Hòa (46 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) cảm thấy người đau nhức, cổ cứng không quay được và nghe người quen tư vấn, anh Hòa tìm tới một cơ sở bấm huyệt gần nhà.

Sau khi thực hiện liệu trình 5 ngày liên tục vừa xoa bóp, bấm huyệt vừa chiếu đèn hồng ngoại, tình trạng bệnh của anh Hòa không giảm mà còn nặng hơn, cơ thể không hết đau nhức, cổ cứng mà còn bị tê bì chân tay.

“Do rất đau mỏi và khó khăn trong hoạt động bình thường, tôi phải nhờ người thân đưa tới bệnh viện. Qua chiếu chụp, các bác sĩ phát hiện tôi bị hội chứng cổ vai gáy và bị tụ máu sau gáy gây chèn ép dây thần kinh nên khi bấm huyệt tình trạng bệnh không giảm mà nghiêm trọng hơn”, anh Hòa chia sẻ.

Trong khi đó, tại một số bệnh viện như Việt Đức, Châm cứu Trung ương, Y học cổ truyền Trung ương… các bác sĩ đã phải cấp cứu, điều trị cho không ít trường hợp bị tai biến nghiêm trọng do lạm dụng bấm huyệt, xoa bóp.

Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết, hiện nay, nhiều người có suy nghĩ bấm huyệt, xoa bóp, giác hơi thải độc là phương pháp chữa bệnh không cần thuốc, có thể chữa được nhiều bệnh như xương khớp, đau mỏi vai gáy, thoát vị đĩa đệm, đau đầu, mất ngủ… Tuy nhiên, đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm bởi các phương pháp này chỉ là phòng và hỗ trợ điều trị bệnh.

Hơn nữa, một số trường hợp thực hiện các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt nhưng do không nắm chắc chỉ định, kỹ thuật và những điều cấm kỵ nên gây ra tai biến khó lường cho người bệnh và khách hàng. Cùng với đó, còn có tình trạng một số người tự học xoa bóp, bấm huyệt trên mạng sau đó “thực hành” với người thân của mình, là hành động nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Cần sự chuẩn xác

Theo một số thầy thuốc YHCT, xoa bóp, bấm huyệt là phương pháp trị liệu bằng tay, người bấm huyệt sẽ dùng tay tác động lên các huyệt, da thịt và gân khớp của người bệnh, các tác động vật lý đó sẽ kích thích vào hệ thần kinh tạo nên những thay đổi của thể dịch, nội tiết giúp nâng cao năng lực hoạt động của lục phủ ngũ tạng, nâng cao thể trạng cơ thể và giảm bệnh tật. Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả và đảm bảo an toàn cho người bệnh khi thực hiện liệu pháp này, đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức nhất định về Đông và Tây y. Bởi, trên cơ thể con người có khoảng 1.000 huyệt nên khi xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi thải độc cần sự chuẩn xác cao vì chỉ cần thực hiện sai phương pháp, không đúng các huyệt đạo có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.

Làm rõ thêm, PGS-TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cho biết, xoa bóp, bấm huyệt là kỹ thuật trị liệu bằng tay phổ biến trong YHCT. Tuy nhiên có những người sau khi xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi chẳng những không khỏe ra mà còn bầm tím người, ê ẩm hơn, có khi bị sai khớp, gãy xương, thậm chí tử vong. Nguyên nhân thường do nhân viên thiếu chuyên môn, xoa bóp, bấm huyệt không đúng cách, không phù hợp với thể trạng người bệnh.

“Có những vị trí khi tác động lực vào chúng sẽ giúp cơ thể đào thải độc tố, tuần hoàn máu. Nhưng lại có những huyệt đạo chí mạng không được tác động lực vào dù là nhỏ nhất. Nếu chúng ta lạm dụng phương pháp này, nhất là ở những cơ sở spa, vật lý trị liệu không uy tín, nhân viên không được đào tạo bài bản, không có kiến thức chuyên môn thì rất dễ dẫn đến những hậu quả không mong muốn cho sức khỏe”, PGS-TS Đậu Xuân Cảnh lưu ý.

Trước thực trạng nhiều người đang có quan niệm xoa bóp, bấm huyệt là phương pháp trị bệnh an toàn, có thể áp dụng điều trị nhiều bệnh khác nhau với mọi đối tượng, các thầy thuốc YHCT khuyến cáo, phương pháp xoa bóp, bấm huyệt có thể phù hợp với người này, bệnh này nhưng với người khác, bệnh khác lại không. Do đó, yếu tố quan trọng hàng đầu là phải lựa chọn được các cơ sở chuyên khoa uy tín, đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản tại bệnh viện YHCT, trung tâm phục hồi chức năng để có liệu trình, phương pháp điều trị phù hợp, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của bản thân.

Cùng với đó, sau khi sử dụng các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi nếu thấy bất cứ biểu hiện khác thường nào cần lập tức đến các cơ sở y tế để khám, phát hiện bệnh và kịp thời điều trị (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Đề xuất 790 tỷ đồng xây mới Bệnh viện Quận 4

Chiều 1-11, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TPHCM, do đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TP, làm Trưởng đoàn, đã có buổi giám sát về tình hình triển khai củng cố “Nâng cao năng lực y tế cơ sở - Chăm sóc sức khoẻ nhân dân” tại Bệnh viện Quận 4.

Báo cáo với đoàn giám sát, BS-CKII Đỗ Thành Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Quận 4 cho biết, hiện đơn vị có 2 cơ sở tại số 63-65 Bến Vân Đồn, tổng diện tích sàn trên 6.200m2, gồm 4 dãy nhà (A-B-C-D) với quy mô 1 trệt 4 lầu và cơ sở 2 tại địa chỉ số 2 Lê Quốc Hưng, 1 trệt 2 lầu, diện tích 437m2(cùng thuộc phường 12, quận 4).

Bệnh viện được giao 203 giường, số giường thực kê là 145 để chăm sóc, điều trị người bệnh mạn tính, bệnh nền nên công suất sử dụng giường bệnh tại khoa Nội tổng quát luôn đạt 80% (86% trong 6 tháng đầu năm 2023), trong khi các khoa Nhi, Sản, Ngoại chỉ đạt khoảng 50% số giường.

Nguyên nhân một số khoa đạt tỷ lệ số giường bệnh thấp là đa số trang thiết bị y tế sử dụng trên 20 năm tuổi, thường xuyên hư hỏng. Cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, với sự cong vênh của các sàn, thấm dột nhiều; hệ thống các phòng bệnh nhỏ, không đạt chuẩn; chưa có hệ thống đi kèm để đáp ứng về chất lượng và an toàn như hệ thống khí, phòng cháy chữa cháy, nhà vệ sinh…

Bệnh viện đã chủ động vay trên 20 tỷ đồng từ nguồn vốn kích cầu theo chương trình hỗ trợ lãi vay của thành phố để mua sắm tủ trữ máu, hệ thống rửa tay phẫu thuật, máy siêu âm, máy nội soi dạ dày, máy CT scan 32 lát và 10 máy lọc thận, phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Cạnh đó, do bệnh viện là đơn vị tự chủ tài chính, nguồn kinh phí hoạt động của bệnh viện phụ thuộc chủ yếu vào thu dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, hiện giá thu BHYT chưa tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ y tế, gây nhiều khó khăn cho bệnh viện trong tự chủ chi thường xuyên.

Mặt khác, các chi phí có tính biến động giá theo điều chỉnh của Nhà nước, nhưng không được điều chỉnh đồng thời vào giá dịch vụ y tế đã ảnh hưởng đến nguồn chi lương, thu nhập cho viên chức, người lao động.

“Khả năng thu đủ bù chi và có tích luỹ để phát triển rất thấp, dẫn đến số nhân viên y tế nghỉ, bỏ việc trong gần 3 năm của đơn vị 26 người”, BS Tuấn nêu khó khăn rồi kiến nghị: “Nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn, đội ngũ y, bác sĩ yên tâm công tác, đơn vị đã trình Sở Y tế TP xin chủ trương xây mới bệnh viện với diện tích xây dựng gần 3.600m2, tổng mức dự kiến đầu tư 790 tỷ đồng, chưa bao gồm trang thiết bị đi kèm từ nguồn ngân sách công giai đoạn trung hạn 2026-2030”.

Chia sẻ với khó khăn mà đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện quận 4 đang gặp, ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP khẳng định, việc đầu tư trang thiết bị y tế, xây mới bệnh viện thực sự cấp thiết.

“Vào bệnh viện mà không gian bí bách, ngộp thở do cơ sở vật chất nhỏ hẹp, xuống cấp nghiêm trọng thì làm sao đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Sở Y tế TP phải có báo cáo thành phố, đưa dự án xây mới bệnh viện vào trong danh mục đầu tư công theo kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026-2030”, ông Hiếu nói.
Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng đánh giá cao nỗ lực của quận 4 trong việc khắc phục khó khăn để chăm lo sức khoẻ ban đầu cho người dân. Đồng thời chia sẻ, quận 4 là địa phương có mật độ dân số đông nhất cả nước (42.000 dân/1km2), do đó việc chăm lo sức khoẻ cho người dân trên địa bàn gặp không ít khó khăn. Trong thời gian tới, UBND quận 4 cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho quận uỷ có nghị quyết riêng về y tế cơ sở; rà soát lại đội ngũ y, bác sĩ công lập, ngoài công lập hiện có bao nhiêu, vận động bác sĩ hưu trí ra hỗ trợ tuyến y tế cơ sở bằng cách nào cho hiệu quả; đẩy mạnh đầu tư cho tuyến y tế cơ sở từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị y tế, có vậy mới hút được người dân tới khám, chữa bệnh vì hiện tại tỷ lệ người dân tới khám, chữa bệnh rất thấp.

“790 tỷ đồng để xây mới Bệnh viện quận 4 có đủ cho kế hoạch 5 năm tới, hay phải nâng lên nhằm đảm bảo 5-10 năm sau khi dự án xây mới bệnh viện được khởi công không bị lạc hậu, phải làm lại phần tổng mức đầu tư…”, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng kết luận (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

 

Nhiều bệnh viện cầu cứu

Bệnh viện Huyết học - Truyền máu (HH-TM) Cần Thơ là đơn vị cung ứng máu cho 74 bệnh viện, cơ sở y tế khu vực ĐBSCL. Năm 2023, tình trạng khan hiếm nguồn máu và chế phẩm máu kéo dài, khiến nhiều bệnh nhân trong khu vực phải cầu cứu nhiều nơi.

Tiềm ẩn nguy cơ không an toàn cho người bệnh

BS Đặng Minh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng - cho biết, hơn 1 tháng qua, tình trạng khan hiếm máu tại bệnh viện diễn ra gây rất nhiều khó khăn trong điều trị, cứu chữa bệnh nhân. Ngay cả máu phục vụ cho nhu cầu cấp cứu, bệnh viện phải cố gắng xoay xở mới cơ bản đáp ứng được.

Do yêu cầu đảm bảo công tác cấp cứu và điều trị, chỉ riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng trung bình mỗi tháng cần từ 800-1.000 đơn vị máu từ Bệnh viện HH-TM Cần Thơ. Vì vậy, số lượng máu hạn chế ảnh hưởng rất lớn đến công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.

Theo tìm hiểu, Bệnh viện HH-TM TP Cần Thơ thông báo tạm dừng giao chế phẩm máu cho các cơ sở y tế. Cụ thể, từ ngày 5/9/2023, bệnh viện tạm dừng đi giao máu, chế phẩm máu, chỉ phát máu, chế phẩm máu trong trường hợp cấp cứu. Nguyên do là gặp khó trong công tác đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2023- 2024 (trong đó có túi lấy máu và hóa chất xét nghiệm sàng lọc máu).

“Trước khó khăn trên, UBND tỉnh Sóc Trăng rất mong UBND TP Cần Thơ quan tâm chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế; tạo điều kiện cho Bệnh viện HH-TM Cần Thơ tiếp tục triển khai công tác tiếp nhận máu, đảm bảo nguồn máu và chế phẩm máu cung cấp cho các cơ sở y tế ở ĐBSCL nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp cứu, điều trị bệnh…” - UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị.

Trước đó, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) cũng có công văn “cầu cứu”, đề nghị Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện HH-TM Cần Thơ xem xét, tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ cung cấp nguồn máu và sinh phẩm máu để đảm bảo công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh Trần Kiến Vũ cho biết, động thái tạm dừng giao máu ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của bệnh viện, nhất là công tác phẫu thuật, truyền máu cấp cứu, truyền máu định kỳ… “Chúng tôi xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế Trà Vinh, Bệnh viện HH-TM TP Cần Thơ xem xét sớm giải quyết tình trạng trên để bệnh viện có đủ nguồn máu cung cấp phục vụ cho bệnh nhân” - ông Vũ kiến nghị.

Ông Lê Hoàng Phúc - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, năm 2022 khi nguồn cung máu ổn định, mỗi quý bệnh viện cần 6.000-7.000 đơn vị máu. Tuy nhiên, khoảng 6 tháng gần đây Bệnh viện HH-TM Cần Thơ cung ứng chỉ đạt khoảng 40- 50% nhu cầu.

“Trường hợp không đủ máu cấp cứu thì bệnh viện chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên quá trình vận chuyển sẽ tiềm ẩn nguy cơ không an toàn cho người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân đang trong tình trạng xuất huyết…” - ông Phúc nói.

Dự kiến hoàn thành công tác mua sắm trong quý IV/2023

Cụm thi đua số 8 các tỉnh ĐBSCL (Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) cho biết, từ tháng 3/2023 đến nay tại Bệnh viện HH-TM Cần Thơ công tác đấu thầu mua sắm hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế (túi đựng máu) không kịp thời để tiếp nhận máu. Việc thực hiện chỉ tiêu Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện giao từ đầu năm cho các tỉnh ĐBSCL sẽ không đảm bảo đạt chỉ tiêu vào cuối năm.

Để có cơ sở điều chỉnh chỉ tiêu vận động, tiếp nhận máu các tỉnh trong khu vực, BCĐ quốc gia đề nghị lãnh đạo Cụm thi đua số 8 hướng dẫn Thường trực BCĐ các tỉnh phối hợp với Sở Y tế và Bệnh viện HH-TM Cần Thơ đề xuất chỉ tiêu điều chỉnh năm 2023, lấy đó làm căn cứ để BCĐ quốc gia xem xét điều chỉnh chỉ tiêu phù hợp với tình hình thực tế và công tác thi đua khen thưởng năm 2023.

Trao đổi với PV Tiền Phong, BS. Nguyễn Xuân Việt - Giám đốc Bệnh viện HH-TM Cần Thơ cho biết, từ khi thành lập ngân hàng máu ĐBSCL (năm 2008) đến nay chưa từng xảy ra tình trạng thiếu máu trầm trọng như năm nay. Thực tế là không thiếu người cho máu mà do thiếu dụng cụ để tiếp nhận máu. Theo BS. Việt, tình trạng này diễn ra từ đầu năm nay, nhất là từ tháng 6 đến nay càng trầm trọng hơn. Để khắc phục, bệnh viện nhờ đến nguồn máu hỗ trợ từ 3 nguồn, gồm: Viện HH-TM Trung ương, Bệnh viện Truyền máu TPHCM và Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ngày 18/10 vừa qua, UBND TP Cần Thơ có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 47 mặt hàng thuộc dự án mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2023-2024 tại Bệnh viện HH-TM Cần Thơ, với tổng trị giá gói thầu hơn 17,1 tỷ đồng. BS. Nguyễn Xuân Việt cho biết, đơn vị đang huy động tối đa nhân lực làm ngày làm đêm để tiến hành các bước với mong muốn càng nhanh càng tốt để lựa chọn nhà thầu, triển khai mua sắm.

“Cấp trên đã có chủ trương và phê duyệt kế hoạch, việc bây giờ là bệnh viện thực hiện nhanh để sớm có nguồn máu cung cấp cho các bệnh viện trong khu vực phục vụ điều trị bệnh nhân” - BS. Việt nói.

Đại diện Sở Y tế Cần Thơ cho biết, đã thành lập tổ công tác hỗ trợ Bệnh viện HH-TM Cần Thơ thực hiện kế hoạch, dự kiến trong quý IV/2023, bệnh viện sẽ hoàn thành công tác mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế.

Nhu cầu mỗi tháng từ 12.000 -15.000 đơn vị

Tại công văn báo cáo khẩn cấp gửi HĐND, UBND và Sở Y tế Cần Thơ hôm 17/10, Giám đốc Bệnh viện HH-TM Cần Thơ Nguyễn Xuân Việt cho biết, kho máu bệnh viện lúc này chỉ còn 86 đơn vị khối hồng cầu (nhóm máu O: 39 đơn vị; nhóm máu A: hết; nhóm máu B: 31 đơn vị; nhóm máu AB: 16 đơn vị; tiểu cầu: hết).

“Nhu cầu cấp máu mỗi tuần ở ĐBSCL từ 2.800-3.000 đơn vị khối hồng cầu (12.000-15.000 đơn vị/tháng) với 4 nhóm máu A, B, O và AB; còn tiểu cầu kit từ 80-100 đơn vị/tuần (300-400 đơn vị/tháng). Bệnh viện báo cáo khẩn cấp đến quý lãnh đạo xem xét chỉ đạo và hỗ trợ bệnh viện” - Giám đốc Bệnh viện HH-TM Cần Thơ báo cáo (Tiền phong, trang 4).

 

Thiếu máu , thiếu vật tư y tế do đâu?

Sáng 1/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã báo cáo, giải trình những vấn đề mà các đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội.

Thiếu máu do liên quan đến đấu thầu

Thông tin về tình trạng thiếu máu điều trị ở Cần Thơ và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, từ tháng 6/2023, bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ thông báo khó khăn trong việc cung cấp máu, chế phẩm máu cho các bệnh viện trong khu vực.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đã có 5 văn bản chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trung tâm máu quốc gia, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy và các trung tâm truyền máu khác đảm bảo hỗ trợ cho Cần Thơ và các tỉnh phía Nam. Đến nay, theo số liệu báo cáo của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ đã cung cấp được cho 74 bệnh viện trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long với gần 65.000 đơn vị máu.

Bộ cũng đã phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Hội Chữ thập đỏ để huy động máu đáp ứng cho các địa phương trong vùng.

Tuy nhiên, theo bà Lan đến ngày 30/10, Cần Thơ vẫn báo cáo tình trạng thiếu máu. Nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn, vướng mắc liên quan đến đấu thầu tại địa phương. “Bộ Y tế sẽ cùng với các đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ máu cho khu vực này”, bà Lan cho biết.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh chỉ đạo quyết liệt thực hiện việc mua sắm, đấu thầu đảm bảo đúng quy định. “Rõ ràng có cùng một chính sách, có nơi làm tốt, có nơi còn vướng mắc. Rất mong các địa phương quan tâm chỉ đạo để thực hiện việc mua sắm, chủ động từ việc xây dựng kế hoạch, nhân lực, rồi thực hiện các vấn đề phối hợp làm sao đảm bảo được nhịp nhàng”, bà Lan kiến nghị.

Còn tình trạng thiếu thuốc cục bộ

Về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, bà Lan cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Y tế, các bộ, ngành đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ các khó khăn, tồn tại, vướng mắc. Đến nay đã đạt được kết quả tích cực bước đầu, dù vẫn còn tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một số cơ sở y tế địa phương.

Cụ thể, theo báo cáo của 1.078 cơ sở y tế trên toàn quốc, trong tháng 10/2023 có 61,41% đơn vị báo cáo đã đủ cung ứng thuốc cho hoạt động khám, chữa bệnh; 38,59% đơn vị báo cáo có tình trạng thiếu cục bộ.

"Có những đơn vị trước đây khó khăn nhưng hiện nay đã đấu thầu đảm bảo cơ bản cho công tác khám, chữa bệnh. Ví dụ như Bệnh viện Bạch Mai từ đầu năm đến nay đã thực hiện được 35 gói thầu vật tư, hóa chất, máy móc", bà Lan thông tin.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tới đây khi Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực (từ ngày 01/01/2024) sẽ giải quyết, tháo gỡ được nhiều vấn đề vướng mắc trong mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế (Tiền phong, trang 4).

 

Từ Viện Curie Đông Dương đến bệnh viện đầu ngành ung bướu

Viện Curie Ðông Dương được thành lập ngày 19/10/1923, là cơ sở nghiên cứu và điều trị bệnh ung thư đầu tiên tại khu vực Ðông Dương. Qua nhiều giai đoạn với những tên gọi khác nhau, năm 1969, Bộ Y tế đã có quyết định thành lập Bệnh viện K dựa trên nền móng là Viện Curie Ðông Dương với nhiệm vụ là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về khám, chữa bệnh ung bướu.

Trải qua 100 năm (1923-2023) hình thành và phát triển, các thế hệ thầy thuốc và cán bộ, viên chức Bệnh viện K luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt khó; kiên định, bền bỉ xây dựng bệnh viện, lập nên những thành tích đáng ghi nhận.
Ðến nay, bệnh viện được trang bị các máy móc hiện đại, không thua kém các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới như: hệ thống PET/CT, chụp cắt lớp vi tính 64-328 dãy, chụp cộng hưởng từ có từ lực cao giúp chẩn đoán được những khối u kích thước rất nhỏ; hệ thống xạ trị gia tốc đa mức năng lượng; hệ thống xạ phẫu giúp tăng hiệu quả và giảm tác dụng phụ của xạ trị; hệ thống phẫu thuật robot giúp thực hiện được các động tác phẫu thuật tinh tế, chính xác; ứng dụng các thuốc điều trị đích và điều trị miễn dịch trong cá thể hóa điều trị dựa trên hệ gen và đặc tính sinh học phân tử khối u.

Nhiều kỹ thuật cao ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư như phẫu thuật, xạ trị, điều trị nội khoa đang được các thầy thuốc Bệnh viện K áp dụng hằng ngày. Trong phẫu thuật, nổi bật nhất là các can thiệp xâm lấn tối thiểu, như phẫu thuật nội soi robot cắt tuyến giáp qua đường miệng, phẫu thuật tạo hình vi phẫu, phẫu thuật tiêu hóa, gan mật tụy; phẫu thuật nội soi 3D một lỗ, phẫu thuật cắt thực quản không mở ngực, và các kỹ thuật cắt gan khó... Bệnh viện là đơn vị đầu tiên ở Ðông Nam Á triển khai thành công kỹ thuật phẫu thuật robot cắt tuyến giáp qua đường tiền đình miệng.

Ðáng chú ý, đến nay bệnh viện đã cập nhật ứng dụng hầu hết các phác đồ điều trị tiên tiến của thế giới, như điều trị đích, miễn dịch, nội tiết giúp nâng cao tỷ lệ điều trị khỏi bệnh, cải thiện thời gian sống thêm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Ðiều trị miễn dịch là một trong những bước tiến lớn trong điều trị ung thư gần đây, tiêu biểu nhất là các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch.

Không chỉ nỗ lực từng bước nâng cao chất lượng khám và điều trị ung thư, bệnh viện đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền xây dựng chiến lược, chính sách phòng chống ung thư cũng như thành lập và phát triển mạng lưới bệnh viện, trung tâm, khoa ung bướu ở các tỉnh, thành phố góp phần hình thành mạng lưới phòng chống ung thư quốc gia.

Với vai trò là cơ sở đầu ngành, bệnh viện đã đào tạo, chuyển giao kỹ thuật giúp cho các bệnh viện tuyến dưới nâng cao năng lực về khám, chữa bệnh ung thư góp phần giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên, người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại chính địa phương của mình, tạo dựng niềm tin và an tâm điều trị cho người bệnh. Mạng lưới phòng chống ung thư mà Bệnh viện K đang quản lý gồm 11 bệnh viện chuyên khoa, 72 Trung tâm, khoa, đơn vị ung bướu.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, bệnh viện đã tích cực hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác với các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, trung tâm hàng đầu thế giới thuộc tất cả các lĩnh vực dự phòng, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị, đào tạo và nghiên cứu ung thư... Bệnh viện K là cơ sở điều trị ung thư đầu tiên ở châu Á đang hoàn thiện hồ sơ làm thành viên của Tổ chức các bệnh viện, Viện ung thư châu Âu. Bệnh viện đang quản lý hơn 40 thử nghiệm lâm sàng đa quốc gia; là cơ sở đầu tiên tại Việt Nam được phép triển khai thử nghiệm lâm sàng Phase 1 trong điều trị bệnh ung thư...
Bệnh viện thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm, lấy hiệu quả điều trị, lấy sự hài lòng của người bệnh là thước đo giá trị, là mục tiêu phấn đấu; triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, khám, chữa bệnh ngoại trú không dùng giấy, từng bước thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử, hướng tới bệnh viện thông minh (Nhân dân, trang 8).

 

Lên phương án ứng phó biến chủng mới Covid-19

Bộ Y tế vừa ban hành kế hoạch Kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19 giai đoạn 2023 - 2025 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch).
Bộ Y tế đánh giá dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo. Để hạn chế dịch bệnh bùng phát và chuẩn bị sẵn sàng, chủ động ứng phó trong trường hợp Covid-19 quay trở lại với các biến chủng mới nguy hiểm hoặc với các đại dịch, các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh, Kế hoạch hướng đến mục tiêu giảm số mắc Covid-19, nhất là ở nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương; giảm ca nặng và tử vong; đảm bảo việc quản lý bệnh bền vững cùng với các bệnh truyền nhiễm khác. Theo Kế hoạch, vắc xin Covid-19 sẽ được sử dụng phù hợp theo đối tượng, lịch tiêm chủng. Ưu tiên tiêm chủng nhóm nguy cơ cao; lồng ghép tiêm vắc xin Covid-19 vào buổi tiêm chủng thường xuyên hoặc tổ chức tiêm chủng chiến dịch phù hợp với thực tế triển khai tại địa phương. Về dự phòng cá nhân, Bộ Y tế khuyến khích thực hiện 2K (khẩu trang - khử khuẩn). Trong đó, khuyến khích đeo khẩu trang tại nơi đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; tại cơ sở khám chữa bệnh. Thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường, đặc biệt sau khi tiếp xúc với bề mặt nghi nhiễm, ho, hắt hơi; định kỳ vệ sinh bề mặt nơi ở, sinh hoạt, làm việc; khuyến cáo những trường hợp nghi mắc bệnh, mắc bệnh nhẹ hạn chế tiếp xúc với người khác, tự cách ly.

Bộ Y tế cũng lên phương án đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch Covid-19 có biến chủng mới nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh hơn, có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến số mắc, số ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế (Thanh niên, trang 15).

 

Tuổi teen lỡ có thai tính sao?

Gần đây liên tục rộ chuyện thiếu niên yêu sớm, có không ít trẻ vẫn ngồi trên ghế nhà trường đã mặn nồng, nếm thử "trái cấm", thậm chí mang thai ngoài ý muốn.
Không ít trẻ vừa tròn 12 - 13 tuổi đã trở thành những người mẹ trẻ. Những câu chuyện khiến không ít người làm cha mẹ không biết phải ứng xử thế nào.

Những bà mẹ tuổi học sinh

Mới đây, một nữ sinh học lớp 7 (trú tại tỉnh Bắc Giang) đã tự mình sinh con trong nhà tắm, một bé trai 2,7kg chào đời trước sự bất ngờ của gia đình.

Theo lời kể của gia đình, cô bé đang học lớp 7 từng có bạn trai, cả hai thường xuyên đi chơi đêm. Mặc dù có thai nhưng bé gái vẫn tham gia đầy đủ các môn học. Khi đến trường bé gái mặc áo rộng nên bạn bè, thầy cô không ai phát hiện em mang thai.

Sau khi sinh con, cô học sinh lớp 7 trở thành mẹ, còn "người cha" cũng chỉ vừa tròn 17 tuổi chịu cảnh tù tội về hành vi "hiếp dâm người dưới 16 tuổi".

Tương tự, câu chuyện cô bé 11 tuổi (trú tỉnh Phú Thọ) cũng khiến dư luận xôn xao. T. mang bầu khi còn là học sinh tiểu học, sau khi có quan hệ tình dục với một thanh niên cùng xóm. 

Gia đình khó khăn, mẹ đi làm xa, bố lại không quan tâm chăm sóc. Trong lần về thăm nhà, mẹ T. thấy con gái "mập" lên. Lo lắng, người mẹ đưa con đi kiểm tra thì bất ngờ phát hiện con đã mang thai 6 tháng.

T. đã hạ sinh bé trai, còn "người cha" thì đang nằm trong diện điều tra để làm rõ trách nhiệm hình sự. Cô gái nhỏ "ăn chưa no lo chưa tới" đã trở thành người mẹ khi vừa tốt nghiệp tiểu học. 

Những câu chuyện khiến những người làm cha mẹ không khỏi xót xa, băn khoăn, trăn trở. Làm sao để những câu chuyện đau lòng này không tiếp diễn?

Cha mẹ mất ngủ vì con yêu sớm

Vô tình phát hiện những dòng tin nhắn mùi mẫn của con gái vừa bước vào lớp 7 với "bạn trai", chị Hòa (Hà Nội) cả đêm mất ngủ. Chị nghĩ ra mọi tình huống con có "tình đầu" khi còn quá nhỏ.

Chị Hòa chia sẻ ban đầu khi đọc những dòng tin nhắn của con chị đã rất sốc, nghĩ trong đầu chị sẽ đánh chửi con một trận "nên thân" để con kết thúc mối quan hệ này. Chị lo lắng chuyện yêu đương sẽ khiến con bỏ bê học tập, thậm chí có thể phát sinh quan hệ tình dục sớm... 

Thế nhưng, sau khi nói chuyện với chồng, hai vợ chồng quyết định sẽ không đánh mắng mà chọn cách chia sẻ với con.

"Tôi nằm nói chuyện với con, bố mẹ quen biết nhau học cùng từ cấp II. Thế nhưng mãi đến khi học xong cấp III mới dám thổ lộ dù đã thích nhau từ trước đó. Con gái thấy tôi mở lòng nên cũng chia sẻ chuyện mình có tình cảm với bạn cùng lớp.

Được dịp tôi cũng tâm sự với con, nói với con tình cảm không xấu nhưng việc của con vẫn là học tập. Con có thể giữ quan hệ bạn bè, không nên đi quá giới hạn, không nếm "trái cấm".

Sau đó, tôi nói với con những câu chuyện của những đứa trẻ không may mang thai ngoài ý muốn để dạy con ứng xử phù hợp trong mối quan hệ của mình. Từ đó đến nay, tôi vẫn thi thoảng nhắc đến bạn trai của con, hỏi tình hình học tập của hai đứa", chị Hòa chia sẻ.

Không may mắn như chị Hòa, gia đình chị Trang (Hà Nội) vừa đưa con gái 15 tuổi đi sinh con đầu lòng. "Thật sự cũng hết cách, khi phát hiện thì con đã mang thai được 5 tháng. Đành chấp nhận để con sinh con, rồi chăm sóc cháu để con tiếp tục đi học. Con dại thì cái mang chứ biết làm sao", chị Trang chia sẻ.

Cha mẹ cần bình tĩnh

Theo bác sĩ Phan Chí Thành (Bệnh viện Phụ sản trung ương, Hà Nội), tình trạng mang thai ở trẻ vị thành niên không còn là hiếm gặp. Đặc biệt khi chuyện quan hệ tình dục ngày nay ngày càng cởi mở, trẻ được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin dễ dàng.

Tuy nhiên, việc trẻ mang thai khi còn quá trẻ có thể đối diện với nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và sự bất thường của thai nhi. Bởi vậy, khi biết con không may mang thai ngoài ý muốn, cha mẹ cần hết sức bình tĩnh để đưa ra hướng giải quyết phù hợp.

Theo bác sĩ Thành, khi con bước vào độ tuổi dậy thì, cha mẹ cần chú ý giáo dục giới tính cho con. Nếu con không may mang thai ngoài ý muốn thì phụ huynh phải bình tĩnh và chuẩn bị tinh thần để chia sẻ với trẻ, gánh vác thay trẻ vì con còn đang trong độ tuổi đến trường.

Bác sĩ Thành khẳng định việc phá thai không phải là biện pháp tránh thai an toàn. Vì vậy, thay vì để đến khi con mang thai ngoài ý muốn mới giải quyết thì phụ huynh hãy cung cấp cho con những thông tin về biện pháp tránh thai an toàn trước.

"Nếu chẳng may rơi vào tình huống con mang thai ngoài ý muốn, phụ huynh có thể cân nhắc hai trường hợp. Để trẻ sinh con hoặc đình chỉ thai kỳ. Việc đình chỉ thai kỳ cần được thực hiện trước khi thai nhi được 12 tuần và tại cơ sở y tế uy tín.

Trong trường hợp giữ thai, phụ huynh cần nói rõ cho trẻ hiểu những khó khăn gặp phải sau này, chuẩn bị cho trẻ tốt về cả tinh thần lẫn thể chất. Nếu trẻ vẫn muốn sinh con nhưng không đủ điều kiện để nuôi thì có thể gửi/cho con tại các hiệp hội, nhà tình thương", bác sĩ Thành chia sẻ (Tuổi trẻ, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang