Công khai các cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm
Cứ đến dịp Tết Nguyên đán, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) lại được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Năm nay, vấn đề này càng nóng hơn khi thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi ý kiến với TS NGUYỄN THANH PHONG, Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về những giải pháp nhằm bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán mà các cơ quan chức năng triển khai.
Phóng viên (PV): Bắt đầu từ ngày 20-12, sáu đoàn kiểm tra liên ngành T.Ư về vệ sinh ATTP ra quân triển khai kế hoạch bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Bính Thân và Lễ hội Xuân 2016. Cục trưởng có thể cho biết, đợt kiểm tra này sẽ tập trung vào những nội dung gì?
TS Nguyễn Thanh Phong: Năm nay thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, thu hút hàng triệu người tham dự. Đây là thời điểm tiêu thụ rất lớn các loại thực phẩm, như thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu. Để bảo đảm ATTP trong dịp này, Ban Chỉ đạo Liên ngành T.Ư về vệ sinh ATTP đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa Lễ hội Xuân 2016. Theo đó, từ T.Ư xuống đến cấp xã, phường đều thành lập đoàn thanh tra liên ngành, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp này; các làng nghề chế biến thực phẩm…
Riêng Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư thành lập sáu đoàn thanh tra, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, là hai địa phương tập trung nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ đầu mối cung cấp nguồn nguyên liệu, cũng như các loại thực phẩm phục vụ Tết cho thị trường trong cả nước. Các đoàn cũng sẽ kiểm tra tại các tỉnh có cửa khẩu để giám sát thực phẩm nhập khẩu. Đồng thời đôn đốc các tỉnh, thành phố làm rõ vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, của người quản lý, của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm ATTP. Các đoàn sẽ trực tiếp giám sát, đánh giá tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; lấy mẫu thực phẩm để xét nghiệm; yêu cầu các phòng kiểm nghiệm được chỉ định ưu tiên về thời gian, trả kết quả sớm để cơ quan chức năng công bố. Nếu sản phẩm thực phẩm không bảo đảm chất lượng phải xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo kịp thời cho người tiêu dùng…
PV: Người tiêu dùng rất lo lắng sau khi các cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lợn và gia cầm, đây là những loại thực phẩm được sử dụng rất nhiều trong dịp Tết Nguyên đán. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về ATTP, Bộ Y tế có những biện pháp gì để ngăn chặn những thực phẩm không bảo đảm đó cung cấp đến người tiêu dùng?
TS Nguyễn Thanh Phong: Thông qua việc kiểm tra, giám sát, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số mẫu thịt lợn, hải sản có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt mức giới hạn cho phép; sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Trước tình trạng đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai đợt cao điểm vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, từ nay đến Tết Nguyên đán 2016. Trong đó, tập trung giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhất là nhóm chất tạo nạc Salbutamol và chất Vàng Ô; giảm mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi…
Về phía Bộ Y tế, đã tiến hành rà soát lại việc nhập khẩu đối với các chất nêu trên, tiến hành xử lý những cơ sở vi phạm. Đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh trái phép những hóa chất sử dụng trong chăn nuôi. Bộ cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương tiến hành lấy các mẫu thịt, hải sản ngẫu nhiên tại các chợ đầu mối, siêu thị, nhất là tại các chợ ở khu vực nông thôn để xét nghiệm. Trong trường hợp, phát hiện sản phẩm có sử dụng các chất cấm, cơ quan y tế sẽ phối hợp ngành nông nghiệp truy nguyên lại nguồn gốc sản phẩm được nuôi trồng, sản xuất từ cơ sở nào, từ đó tiến hành xử lý các vi phạm. Sản phẩm vi phạm sẽ phải tiêu hủy và thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hiện nay, việc sử dụng các chất cấm đó là một việc làm phi pháp, mà những người sử dụng các chất cấm đó không phải là không biết, nhưng họ lại cố tình sử dụng với mục đích lợi nhuận cao. Cho nên, cần tuyên truyền, giáo dục; tổ chức kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh các thức ăn chăn nuôi từ đầu vào cho đến đầu ra của sản phẩm.
PV: Theo đồng chí, cần những “liều thuốc đặc trị” nào để xử lý tình trạng sử dụng chất tạo nạc, tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản, kháng sinh trong các sản phẩm thịt, hải sản, hoa quả… một vấn đề khá phức tạp trong giai đoạn hiện nay?
TS Nguyễn Thanh Phong: Theo cá nhân tôi, khi cơ quan chức năng phát hiện các trường hợp vi phạm thì cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là đối với các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, vì không phải người chăn nuôi nào cũng hiểu hết những tác hại mà các chất cấm trong chăn nuôi gây ra, sẽ ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng khi sử dụng các sản phẩm họ làm ra. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần công khai danh tính các cơ sở vi phạm vệ sinh ATTP, bảo đảm sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm… và để người dân biết, không mua sản phẩm ở các cơ sở vi phạm.
PV: Để giúp người dân được đón một cái Tết Nguyên đán Bính Thân an toàn, đồng chí có khuyến cáo gì cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn?
TS Nguyễn Thanh Phong: Để mỗi gia đình có mâm cỗ ngày Tết ngon, bảo đảm đủ chất dinh dưỡng và an toàn, ngay từ khi mua, người tiêu dùng cần chú ý nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, nhất là nhãn mác, hạn sử dụng, quá trình bảo quản thực phẩm và nơi bày bán các sản phẩm thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh. Người tiêu dùng có thể sử dụng cảm quan để nhận dạng các tiêu chuẩn về ATTP, nhất là cần chú ý các sản phẩm bị dập nát biến dạng. Chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm không có mầu sắc khác thường, không bị ôi thiu, mốc, ố, ươn, hỏng, có mùi khác lạ...
Người dân cũng cần chú ý việc cân đối hài hòa lượng thực phẩm ăn hằng ngày về thành phần, như thịt, cá, rau, củ, quả, tinh bột trong các bữa ăn, tránh việc lạm dụng các loại đồ uống có độ cồn cao như rượu, bia. Ngoài ra, trong những ngày Tết, do có nhiều thay đổi trong sinh hoạt, thay đổi về nhịp sinh học, khiến mệt mỏi, sức đề kháng của cơ thể không cao. Vì vậy, khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế nơi gần nhất để được cán bộ y tế tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí! (Nhân dân (trang 8).
Hà Nội ghi nhận gần 14.000 ca sốt xuất huyết
Theo thống kê của Trung tâm y tế (TTYT) dự phòng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận gần 14.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH).
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết số mắc có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, Sở Y tế vừa có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống và hạn chế tử vong do SXH. Theo đó, TTYT dự phòng TP và TTYT các quận, huyện tiếp tục triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường thu gom phế thải, phế liệu; áp dụng các biện pháp diệt bọ gậy, diệt muỗi truyền bệnh SXH, đồng thời giám sát chặt chẽ tình hình dịch, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế nhằm xử lý sớm, triệt để ổ dịch. Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền cho công tác cấp cứu và điều trị. TP đã thực hiện 660 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy với gần 1,6 triệu hộ gia đình được kiểm tra, hơn 112.000 ổ bọ gậy đã được loại bỏ; tổ chức 142 chiến dịch phun hóa chất diện rộng diệt muỗi truyền bệnh với hơn 221.000 hộ gia đình đã được phun xử lý. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).
Ðổi mới cơ chế tài chính y tế, tạo đà phát triển mới
Tại Hà Nội, Hội thảo Tham vấn về kế hoạch 5 năm bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016-2020 do Bộ Y tế tổ chức diễn ra vừa qua tại Hà Nội,
Tại Hà Nội, Hội thảo Tham vấn về kế hoạch 5 năm bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016-2020 do Bộ Y tế tổ chức diễn ra vừa qua tại Hà Nội, nhiệm vụ trọng tâm ngành y tế giai đoạn này sẽ là nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở; mở rộng diện bao phủ của các dịch vụ y tế; đổi mới cơ chế tài chính, thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân...
Giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế cho biết, việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công đã tạo điều kiện cho đơn vị chủ động sử dụng nguồn lực tài chính, lao động, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ được giao, chủ động phân bổ nguồn tài chính trên tinh thần tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, mở rộng các hoạt động dịch vụ y tế.
Đối với các nhiệm vụ liên quan đến sử dụng tài chính y tế hiệu quả, bước đầu nghiên cứu và thực hiện đổi mới phương thức chi trả dịch vụ y tế thông qua thí điểm sửa đổi thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo định suất và thí điểm phương thức chi trả chi phí khám chữa bệnh theo nhóm chẩn đoán (DRG). Việc thực hiện quản lý giá thuốc theo quy định về đấu thầu mua thuốc theo Thông tư 01/2012/TT-BYT-BTC và các văn bản liên quan đã cho thấy kết quả tích cực về việc cắt giảm chi phí thuốc thanh toán BHYT. Tại nhiều địa phương, giá trị thuốc trúng thầu đã giảm được 20-30% so với kế hoạch của các gói thầu. Kết quả phân tích chi bình quân lượt khám chữa bệnh ngoại trú và nội trú giai đoạn 2010-2014 cho thấy đà tăng chi phí đã giảm đi rõ rệt.
Trong lĩnh vực BHYT đã đáp ứng về cơ bản các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch 5 năm 2011-2015. Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH Việt Nam và các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHYT, trong đó, đặc biệt là việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT 2014, có hiệu lực từ 1/1/2015. Diện bao phủ BHYT được mở rộng từ 60,9% năm 2010 lên 71,6% năm 2014 và dự kiến đạt 75% dân số năm 2015. Cùng với việc mở rộng độ bao phủ dân số có BHYT, quyền lợi của người có thẻ BHYT cũng được tăng lên. Mức đồng chi trả đã được điều chỉnh giảm đối với một số nhóm. Tính trung bình một người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh 2,1 lần/năm 2014 tăng 8,5 lần so với năm 2010.
Đầu tư cho y tế còn nhiều hạn chế
Bộ Y tế cho biết, khó khăn hiện nay trong công tác tài chính y tế đó là đầu tư cho y tế dự phòng còn hạn chế, nhiều địa phương chưa phân bổ đủ mức tối thiểu 30% cho y tế dự phòng theo Nghị quyết 18 của Quốc hội; ở một số địa phương khi có dịch xảy ra mới được cấp kinh phí nên việc chủ động phòng, chống dịch bệnh ngay từ khi chưa xảy ra còn hạn chế. Cơ chế tài chính chưa khuyến khích chất lượng, hoạt động y tế dự phòng và y tế công cộng hiệu quả.
Theo đó, dù tỷ lệ dân số được bao phủ BHYT có tăng nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc mở rộng độ bao phủ cho khoảng 25% dân số còn lại chưa tham gia BHYT, trong đó, chủ yếu là người cận nghèo, người có mức thu nhập trung bình. Tỷ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho y tế còn cao. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực từ khu vực ngoài nhà nước cho y tế còn hạn chế. Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa, liên doanh, liên kết tuy kết quả có nhiều mặt tích cực nhưng cũng còn có tình trạng lạm dụng kỹ thuật, xét nghiệm, chiếu chụp. Giá dịch vụ y tế vẫn chưa thực hiện tính đúng và thu đủ chi phí, mới chỉ tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp nhưng nhiều địa phương mới quyết định ở mức 60-80% chi phí của 3 yếu tố nên mức thu thấp, không đảm bảo cân đối thu, chi của đơn vị. Do chưa tính khấu hao nên các đơn vị chưa có nguồn tài chính vững bền để tái đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Nam Liên cho biết sẽ đổi mới cơ chế tài chính, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Trong đó, sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho y tế với tốc độ tăng chi cao hơn tốc độ tăng chi trung bình của NSNN theo Nghị quyết 18 của Quốc hội. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ chi tiêu công cho y tế (gồm NSNN, BHYT xã hội và viện trợ) đạt tối thiểu 60% tổng chi tiêu xã hội cho y tế. Huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội đầu tư cho y tế, tạo nguồn thu ngân sách mới cho y tế như thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, đồ uống có cồn; xây dựng và mở rộng các mô hình tự vay vốn đầu tư, hợp tác đầu tư, kết hợp công tư trong y tế.
Trong việc phân bổ, sẽ đầu tư có trọng điểm, ưu tiên cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, ưu tiên cho trạm y tế xã, xây dựng một số trung tâm xét nghiệm cho cụm trạm y tế xã ở xa bệnh viện huyện; thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế trong thanh toán BHYT và trong các bệnh viện công, thực hiện kiểm soát giá các bệnh viện, nhất là các bệnh viện ngoài công lập theo pháp luật về giá. Tăng cường tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Hoàn thiện cơ chế quản lý bệnh viện theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả. Nghiên cứu thí điểm mô hình quản trị bệnh viện công theo mô hình quản trị doanh nghiệp,... (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).
Lừa tuyển vào bệnh viện với phí 15 triệu đồng
Những ngày qua, nhiều điều dưỡng viên mới ra trường truyền tai nhau thông tin: Để được vào làm việc tại các bệnh viện lớn chỉ cần bỏ ra 15 triệu đồng. Tuy nhiên, phía bệnh viện khẳng định, đây là chiêu trò lừa đảo.
“Nộp tiền, thử việc, chắc chắn hợp đồng dài hạn”
Nguyễn Thanh T, sinh viên vừa tốt nghiệp Cao đẳng Y tế Thanh Hóa mấy ngày qua mừng rỡ vì được bạn bè chuyển cho một đường link facebook tuyển điều dưỡng viên cho Bệnh viện Giao thông Vận tải (GTVT) Trung ương. “Bệnh viện này vừa cổ phần, do Tập đoàn lớn như T&T đầu tư. Nếu vào được công việc ổn định. Em đang về quê để xin tiền bố mẹ để nộp”, T. nói.
Trên trang facebook có tên “Việc làm y tá điều dưỡng Nursejob.vn” (có hơn 13 nghìn thành viên theo dõi), thông tin tuyển dụng lấp lửng: Tuyển làm điều dưỡng viên - Bệnh viện GTVT, làm việc dưới sự hướng dẫn của bác sỹ, nhưng “Phòng Nhân sự” lại được đặt tại Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Liên lạc qua số điện thoại của phụ nữ tên Thu để lại trên tin tuyển dụng, người này nói như máy: Chỉ cần có bằng hệ trung cấp điều dưỡng trở lên; nộp 5 triệu học phí cho bệnh viện, thử việc trong 3-6 tháng (trong thời gian thử việc được nhận lương 3 triệu đồng/tháng). Ngoài ra, học viên phải nộp 10 triệu đồng tiền cọc phòng trường hợp hỏng hóc máy móc, mất vật tư. “Sau thời gian thử việc, các em chắc chắn sẽ được ký hợp đồng làm việc lâu dài trong bệnh viện, được làm tăng ca, lương cao. Em cứ đến Bến xe Mỹ Đình gọi điện chị sẽ đón”, nhân viên này tỏ vẻ nhiệt tình.
Liên lạc một “cán bộ” tên Minh để hỏi liệu có được ký hợp đồng trực tiếp với bệnh viện hay không, người này nói: “Bệnh viện GTVT giờ mới cổ phần hóa, tâm lý nhân viên không ổn định, không chịu làm nên phải thuê công ty chị tuyển và cung ứng dịch vụ”. Cán bộ tuyển dụng này cho biết, tên công ty của mình là: Cty Cổ phần Giáo dục và cung ứng dịch vụ Nam Việt.
Chỉ là dịch vụ trông bệnh nhân thuê
Để xác minh sự việc, chúng tôi liên lạc qua số đường dây nóng của Bệnh viện GTVT, nhưng nhân viên cầm đường dây nóng không biết đến chủ trương tuyển dụng. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Trần Trung - Giám đốc Bệnh viện GTVT cho hay, những ngày qua liên tục phải nhận những cú điện thoại hỏi về tuyển dụng.
“Chúng tôi đang trong giai đoạn tái cơ cấu để hoạt động theo mô hình mới. Quá trình này cần thu gọn nhân sự, không có chủ trương tuyển dụng”. Sau khi nghe phóng viên Tiền Phong phản ánh nhiều điều dưỡng viên trẻ đang bị lừa, TS Trung lập tức chỉ đạo đăng tải thông tin trên facebook của viện (chưa đăng tải trên website) khẳng định thông tin tuyển dụng như trên là lừa đảo.
Chiều 14/12, sau nhiều lần liên lạc, người cầm số điện thoại đường dây nóng của Cty Cổ phần Giáo dục và cung ứng dịch vụ Nam Việt đã bắt máy. Người này nhanh chóng thông báo bản chất của sự việc: Cty Nam Việt thực chất chỉ tuyển điều dưỡng viên vào chăm sóc bệnh nhân theo đơn đặt hàng của người nhà bệnh nhân; không liên quan đến công việc điều dưỡng viên chính thức của bệnh viện.
Trang facebook “Việc làm y tá điều dưỡng Nursejob.vn” thậm chí còn đăng tuyển điều dưỡng viên làm việc tại các bệnh viện lớn khác tại Hà Nội như bệnh viện Quân y 108, Bệnh viện Xanh Pôn; tuyển cả những người chưa qua trường lớp để đào tạo ngắn hạn và “đảm bảo 100% được nhận vào làm việc tại bệnh viện”. *Tiền phong (trang 11).
Kỷ lục 1.500 người đăng ký hiến mô, tạng trong 1 ngày
Cuối tuần qua, tại Học viện Quân y, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác nhận kỷ lục Việt Nam về số người đăng ký hiến mô, tạng với kỳ tích gần 1.500 người đăng ký hiến tạng, mô chỉ trong 1 ngày (19-12). Quan trọng hơn, sự kiện này còn mở ra cơ hội sống cho hàng nghìn người bệnh hiểm nghèo.
Một cơ thể chết não có thể ghép cho 10 bệnh nhân
Hai ngày trước khi sự kiện “Ngày hội chung tay vì sự sống năm 2015” diễn ra tại Học viện Quân y thì tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ đã thực hiện cùng một lúc 4 ca ghép tạng từ một người cho chết não. Cụ thể, sau khi có một bệnh nhân nam chết não vì tai nạn tình nguyện hiến tạng, các bác sĩ đã lấy nguồn tạng hiến từ người hiến để thực hiện ghép thận cho 2 bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối, ghép tim cho 1 bệnh nhân và ghép gan cho 1 bệnh nhân khác.
Cũng nhờ đó, 4 bệnh nhân đang mang trong mình bệnh trọng đã có cơ hội được hồi phục. Chẳng hạn trường hợp được ghép tim là bệnh nhân nam (44 tuổi, ở Hà Nội), trước khi ghép đã rơi vào tình trạng rất nguy kịch, có nguy cơ tử vong, thậm chí khi đưa lên bàn mổ để thực hiện ca ghép bệnh nhân còn phải dùng máy tim phổi nhân tạo hơn 2 giờ đồng hồ. Thế nhưng vài ngày sau ca ghép, hiện bệnh nhân đã tỉnh và không phải dùng máy thở, các chức năng đã ổn định.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia chia sẻ, nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn và gia tăng nhanh. Hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim…. Tuy nhiên, do khan hiếm nguồn tạng khiến nhiều bệnh nhân tử vong trong thời gian chờ ghép. GS.TS Trịnh Hồng Sơn nhấn mạnh, trình độ ghép tạng của nước ta được đánh giá ngang tầm với khu vực và quốc tế song khó khăn nhất vẫn là nguồn hiến tạng. Ngay tại Bệnh viện Việt-Đức trung bình mỗi ngày có từ 2-3 trường hợp chết não nhưng trong 5 năm qua, mới chỉ có gần 30 trường hợp chết não hiến tạng. Trong khi, một cơ thể bị chết não có thể ghép cho khoảng 10 bệnh nhân.
Tính trên cả nước từ năm 2006 đến nay, có hơn 1.000 trường hợp được ghép mô, tạng nhưng nguồn mô, tạng hiến để ghép chủ yếu từ người đang sống - người thân hiến 1 quả thận, 1 phần gan… và hiến giác mạc, trong khi nguồn tạng từ người cho chết não rất ít.
Cần thay đổi nhận thức của cộng đồng
Theo dự kiến ban đầu, sự kiện “Ngày hội chung tay vì sự sống năm 2015” được tổ chức nhằm thu hút hàng nghìn học sinh các trường đại học khu vực Tây - Nam Hà Nội tham gia. Tuy nhiên, trong quá trình diễn ra sự kiện, hàng nghìn người dân, cán bộ y tế và một số hòa thượng cũng đến đăng ký hiến mô, tạng. Nhiều người đăng ký hiến giác mạc, thận, tụy, tim, gan, xương, phổi, gân, sụn, da… Nhờ đó, chỉ trong 1 ngày (19-12), đã có tổng cộng gần 1.500 người đăng ký hiến mô, tạng, lập kỷ lục Việt Nam.
Bình luận về sự kiện này, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết: “Đây là một ngày hội đặc biệt, truyền đi thông điệp kêu gọi mọi người - trước hết là những sinh viên ngành y hãy đăng ký hiến mô, tạng. Sống để hiến tặng, nếu không may những bác sĩ tương lai này có ra đi thì cũng có thể giúp ích cho nhiều người. Đây cũng là kỷ lục về tình yêu thương, lòng nhân ái của những trái tim tình nguyện”.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc cho biết thêm, từ năm 2006 - 2013, số lượng người đăng ký hiến tạng, mô còn hạn chế nhưng gần đây, số người đăng ký hiến tặng đã có xu hướng tăng lên đáng kể. Chỉ riêng từ đầu năm 2015 đến nay đã có hơn 2.000 người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết não. Theo ông Phúc, nhận thức của người Việt Nam về việc hiến tặng mô, tạng chưa cao, sự hiểu biết về chết não còn hạn chế, đặc biệt là quan niệm về cái chết toàn thây còn nặng nề. Điều cần làm lúc này là thay đổi được nhận thức của cộng đồng. Khi nào mỗi người hiểu được rằng, sự sống được trao đi, bao mảnh đời được ở lại thì kỹ thuật ghép tạng, mô mới thực sự thành công.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia chia sẻ, một người nào đó quyết định đăng ký hiến tặng mô, tạng, họ sẽ mang lại cơ hội cứu sống cho rất nhiều người bệnh. Hơn thế nữa, khi một người ra đi với ý nghĩa hiến tặng mô tạng cho đời thì người đó sẽ sống mãi trong niềm yêu thương, tôn kính của người đời. (An ninh thủ đô (trang 8).
Bệnh viện Việt Đức thực hiện thành công 4 ca ghép tạng từ người chết não
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công một lúc 4 ca ghép tạng từ người cho chết não vào rạng sáng ngày 17/12.
Gần 150 bác sĩ, y tá và kỹ thuật viên của bệnh viện đã thực hiện cùng một lúc 4 ca ghép tạng. Thời điểm trước khi ghép tim, bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch và có nguy cơ tử vong. Khi đưa lên bàn mổ, bệnh nhân phải dùng máy tim phổi nhân tạo hơn 2 giờ đồng hồ. Đây là trường hợp đầu tiên mà bệnh nhân ghép tim phải dùng tim phổi nhân tạo trước ghép. Hiện, bệnh nhân đã tỉnh và không phải dùng máy thở, các chức năng đã ổn định. Dự kiến, bệnh nhân sau khi ghép tạng sẽ nằm tại viện khoảng 2 đến 3 tuần, theo đúng lịch trình điều trị đối với ghép tạng quy định.
Bệnh viện cũng đã bảo tồn tinh trùng của người hiến tạng để thực hiện tâm nguyện tiếp tục có con sau khi ra đi của người cho chết não. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).