Lạm dụng thuốc giảm đau, biến chứng khó lường
Việc lạm dụng các thuốc giảm đau này gây nhiều hậu quả tác động tới gan, phổi, có những trường hợp bị ngộ độc thuốc giảm đau lúc nào không hay.
Đau gì cũng uống thuốc giảm đau
Thừa nhận mình có thói quen sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên, chị H.T.H. (30 tuổi, Hà Nội) cho biết do thường xuyên đau đầu nên mỗi lần đau đều uống paracetamol.
"Thuốc rất dễ mua ở các tiệm thuốc, chỉ cần nói tên thuốc là họ bán, có vài chục ngàn không cần kê đơn. Có ngày tôi phải uống đến 3-4 viên, sáng, trưa, chiều, tối. Lúc đầu mỗi ngày chỉ cần uống hai lần thì đỡ đau nhưng sau này hai lần không đủ nên tôi tăng liều", chị H. kể.
Tương tự, chị Đ.T. (37 tuổi, TP.HCM) cho hay trong túi lúc nào cũng thủ sẵn một vỉ paracetamol để dùng ngay khi cần. Theo chị T., khi công việc áp lực hay khi thay đổi thời tiết sẽ rất đau đầu, thậm chí trường hợp đau răng, khi đó chị sẽ uống 1-2 viên paracetamol để giảm đau.
"Khối lượng công việc nhiều lại không có thời gian đến bệnh viện thăm khám, nếu không sử dụng thuốc giảm đau chắc tôi không thể làm được việc gì. Phải thừa nhận đôi lúc mình quá lạm dụng thuốc, nhưng vì nó có tác dụng nhanh lại dễ mua nên đành tận dụng chúng", chị T. nói.
Thời gian qua, thông tin từ các bệnh viện cho biết số trường hợp bị ngộ độc paracetamol là không hề ít, nhiều người bị suy gan cấp do dùng paracetamol chữa đau nhức trong thời gian dài.
Một dược sĩ bán thuốc tại TP Thủ Đức (TP.HCM) cho biết hiện rất nhiều người dân coi các loại thuốc giảm đau như "thần dược" trị bách bệnh. Nhiều trường hợp bị đau răng, va đập, đau bụng, đau đầu, vấp ngã... cũng đến hỏi mua các loại thuốc giảm đau.
Thường nhiều tiệm thuốc sẽ tư vấn cho người mua cách sử dụng hoặc đi thăm khám. Tuy nhiên, do việc mua các thuốc này dễ dàng nên nhiều người cứ bán nhưng không tư vấn cho người mua cách sử dụng, hướng dẫn thăm khám ra sao rất nguy hiểm.
Thuốc giảm đau không điều trị triệt để bệnh
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) - cho hay tình trạng lạm dụng paracetamol để giảm đau đầu khá phổ biến hiện nay. Đặc biệt là nữ giới, nhân viên văn phòng, có những người dùng một ngày bốn viên paracetamol 500mg và sử dụng kéo dài trong nhiều ngày, thậm chí ngày nào cũng phải dùng đến thuốc giảm đau.
Đối với những người đau đầu kinh niên, paracetamol được coi là lựa chọn "tối ưu" để giảm đau nhanh chóng. Vì vậy nhiều người bị lệ thuộc vào chúng. Tuy nhiên, việc sử dụng paracetamol để giảm đau chỉ có tác dụng hiệu quả trong thời gian đầu, sau đó người bệnh phải tăng liều mới có tác dụng như mong muốn.
"Ban đầu chỉ là thuốc có thành phần paracetamol, sau đó sẽ chuyển sang sử dụng những loại thuốc có thêm các thành phần như cafein, codein... mới có tác dụng giảm đau. Khi sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài, người bệnh phụ thuộc vào thuốc và phải dùng tăng liều, tăng hàm lượng giảm đau.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc giảm đau chỉ có thể điều trị triệu chứng, làm giảm cơn đau ngay lúc đó chứ không điều trị triệt để. Điều cần thiết là tìm ra căn nguyên gây đau để điều trị. Nếu sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài có thể gây ra tác dụng phụ, gây ảnh hưởng đến chức năng gan", bác sĩ Hoàng nói.
PGS Nguyễn Hữu Đức - Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết do có tác dụng nhanh nên nhiều người thường lạm dụng các loại thuốc giảm đau dẫn đến bị lệ thuộc. Thuốc giảm đau có tác dụng phụ, khi dùng quá liều các loại thuốc giảm đau dẫn đến nhiều hệ lụy như paracetamol rất hại gan, aspirin hại cho dạ dày... do đó phải dùng rất cẩn thận.
"Khi người dân sử dụng các thuốc giảm đau như paracetamol hoặc nhóm giảm đau khác chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn. Nếu thấy bệnh tình càng nặng hơn, bệnh cứ tái đi tái lại nhiều lần cần phải đến các bác sĩ thăm khám để bác sĩ quyết định việc dùng thuốc. Những thuốc mua không cần kê đơn chỉ sử dụng trong thời gian ngắn", bác sĩ Đức nói.
Bác sĩ Đức cho biết thêm, hiện nay nhiều nhà thuốc tư nhân khi bệnh nhân mua thuốc giảm đau không tư vấn cho bệnh nhân cách sử dụng, liều lượng ra sao. Bệnh nhân nên hỏi rõ người bán thuốc về cách sử dụng, bệnh nặng nên đi đến bác sĩ thăm khám.
Coi chừng ngộ độc lúc nào không hay
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - khuyến cáo liều paracetamol tối đa với người Việt Nam có thể trạng trung bình và không có các yếu tố nguy cơ nêu trên là không quá 3 gam/24 giờ với người trưởng thành và trẻ em 15mg/kg cân nặng cho mỗi lần và không quá 6 lần/24 giờ. Để sử dụng paracetamol an toàn, với người trưởng thành mỗi ngày chỉ nên dùng 2 đến 3 viên paracetamol loại 500mg.
"Tuy nhiên, nếu sử dụng liều này cho người có nhiều yếu tố và hoàn cảnh nguy cơ nêu trên thì lại gây ngộ độc. Người bệnh cần biết rõ tên và thành phần các thuốc đang dùng và dùng đúng hướng dẫn.
Cần chú ý đến các loại thuốc khác đang dùng (đặc biệt một số thuốc chữa bệnh lao hoặc động kinh làm tăng độc tính của paracetamol) và thể trạng của người bệnh dễ bị ngộ độc paracetamol (lạm dụng rượu, gầy yếu, suy nhược, ăn kém, nhiễm trùng nặng...).
Những người có bệnh lý nền cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn", bác sĩ Nguyên khuyến cáo. (Tuổi trẻ, trang 14).
Đà Nẵng chi đến 300 triệu đồng/người để thu hút y bác sĩ giỏi
HĐND thành phố Đà Nẵng vừa thông qua Nghị quyết xây dựng chính sách thu hút bác sĩ cho các cơ sở y tế công lập giai đoạn 2023-2025 với mức chi từ 50 đến 200 lần mức lương cơ bảm, tức là 70 đến gần 300 triệu đồng. (Chi tiết xem báo). (Lao động, trang 4).
Viện Tim TPHCM “bác” thông tin chậm trả lương nhân viên 9 tháng
Liên quan thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng Viện Tim TPHCM đã 9 tháng chưa trả lương nhân viên, ngày 20-12, TS-BS Bùi Minh Trạng, Giám đốc Viện Tim TPHCM, cho rằng, thông tin trên không chính xác và đang tạo ra dư luận xấu về hình ảnh của viện. Theo TS-BS Bùi Minh Trạng, từ trước đến nay, Viện Tim chi trả lương hàng tháng cho nhân viên vào ngày cuối tháng và thu nhập ngoài lương vào ngày giữa tháng. Suốt giai đoạn dịch Covid-19, Viện Tim cũng như các đơn vị y tế khác gặp nhiều khó khăn về nguồn thu nhưng đều chi trả lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng trước ngày quy định và chưa bao giờ chậm trễ. Ngoài ra, trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, Viện Tim TPHCM không được phân công hỗ trợ địa bàn quận 7 nên không có việc UBND quận 7 chưa chi trả tiền chế độ.
“Tất cả các khoản bồi dưỡng, phụ cấp chống dịch cho người tham gia thì sau khi có quyết định chính thức của Sở Y tế, Viện Tim đều dùng nguồn tài chính của viện để chi trước theo chế độ và nhận lại sau. Đến nay, không có nhân viên nào của Viện Tim bị chậm trễ chi tiền theo chế độ của TPHCM”, TS-BS Bùi Minh Trạng thông tin. (Sài gòn giải phóng, trang 7).
Thực hư Bệnh viện yêu cầu nhân viên nộp 4 triệu đồng để được xét duyệt bậc lương
Ngày 20/12, thông tin từ Sở Y tế Hải Phòng cho biết, cơ quan này đang chỉ đạo cơ quan thanh tra Sở làm rõ những nội dung liên quan đến việc nhiều cán bộ nhân viên thuộc Bệnh viện phổi Hải Phòng tố bị yêu cầu nộp 4 triệu đồng/hồ sơ xét duyệt bậc lương cao đẳng.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Mạc Văn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hải Phòng cho biết, vừa qua cán bộ thuộc Phòng Tổ chức – Hành chính (Bệnh viện Phổi Hải Phòng) tiếp nhận hàng chục hồ sơ để xét duyệt bậc lương cho viên chức có trình độ cao đẳng theo quy định của Bộ Y tế.
Quá trình giải quyết chế độ cho cán bộ, có thể do quá nhiều hồ sơ nên một số cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện đã kẹp 4 triệu đồng vào hồ sơ với mục đích sớm được hoàn thiện thủ tục.
Giám đốc Mạc Văn Tuấn cũng cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh, đơn vị đã yêu cầu Phòng Tổ chức - Hành chính trả lại tiền cho cán bộ nhân viên y tế. Đồng thời, yêu cầu bộ phận chức năng tổ chức rà soát, kiểm điểm đối với cán bộ thụ lý hồ sơ và lãnh đạo Phòng Tổ chức – Hành chính.
Về nội dung phản ánh Giám đốc Bệnh viện yêu cầu các nhân viên y tế viết đơn xin tình nguyện nộp 4 triệu đồng trên, ông Mạc Văn Tuấn phủ nhận và cho rằng nội dung này không chính xác.
“Không giám đốc bệnh viện nào yêu cầu nhân viên mình tình nguyện nộp tiền khi nộp hồ sơ xét duyệt bậc lương. Chúng tôi cố gắng tăng thu nhập cho nhân viên chứ không ai chỉ đạo thu tiền. Bệnh viện đang phối hợp với Thanh tra Sở Y tế kiểm tra, xác minh. Khi có kết quả, đơn vị sẽ phản hồi”, ông Mạc Văn Tuấn khẳng định.
Trước đó, hàng loạt nhân viên y tế đang làm việc tại Bệnh viện Phổi Hải Phòng phản ánh về việc trong quá trình nộp hồ sơ lên Phòng Tổ chức – Hành chính để xét duyệt bậc lương trình độ cao đẳng, mọi người được yêu cầu nộp 4 triệu đồng/người. Các nhân viên y tế còn được Giám đốc Bệnh viện Phổi Hải Phòng đề nghị viết đơn xin tình nguyện nộp số tiền trên
Để làm rõ thêm thông tin, phóng viên đã có trao đổi với đại diện Sở Y tế Hải Phòng thì được biết, Sở đang tiếp tục chỉ đạo thanh tra vào cuộc làm rõ, khi có kết luận cụ thể sẽ cung cấp thông tin chính xác cho các cơ quan báo chí. (Công an nhân dân, trang 7).
Hà Nội thêm 2 ca mắc sốt xuất huyết tử vong
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 9/12 đến 16/12), số ca mắc sốt xuất huyết tại Thủ đô tiếp tục giảm so với tuần trước, tuy nhiên vẫn ở mức cao, ghi nhận thêm 2 trường hợp tử vong.
Thời tiết trở lạnh, điều kiện để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển kém đi, nhưng trong tuần qua, Hà Nội vẫn ghi nhận 1.165 ca mắc sốt xuất huyết, 2 ca tử vong (Đan Phượng, Thường Tín). Số ca mắc giảm 11% so với tuần trước. Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, một số khu vực có số mắc cao như: Hà Đông (176), Đống Đa (77), Phú Xuyên (67), Chương Mỹ (66), Hoàng Mai (66), Thạch Thất (64).
Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 18.788 ca mắc, 25 tử vong. Số ca mắc tăng gấp 5,6 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021 (3.352 ca mắc). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 566/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là DENV1 và DENV2, DENV4.
Cũng theo CDC Hà Nội, trong tuần, Hà Nội ghi nhận thêm 22 ổ dịch mới tại: Đống Đa (7), Hà Đông (5), Bắc Từ Liêm (3), Hai Bà Trưng (2), Hoài Đức (2), Đan Phượng (1), Thanh Trì (1), Phúc Thọ (1).
Tính từ đầu năm đến nay, TP Hà Nội đã ghi nhận 1.395 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 82 ổ dịch đang hoạt động, tại 18 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân: Thôn Bùng-Phùng Xá-Thạch Thất (324), thôn Vĩnh Lộc 1-Phùng Xá-Thạch Thất (79), Thao Nội-Sơn Hà-Phú Xuyên (43), Thanh Thần-Thanh Cao-Thanh Oai (41).
Tuy sốt xuất huyết sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, nhưng ngành Y tế Hà Nội vẫn khuyến cáo người dân không được chủ quan, thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Đặc biệt vẫn tiếp tục duy trì các đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng, chống dịch đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy.
Người dân mỗi tuần dành 10 phút diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng. (Công an nhân dân, trang 7).