Bảo đảm cung ứng thuốc bình ổn thị trường
Từ năm 2015 đến nay, các loại thuốc thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố gồm 21 nhóm thuốc sản xuất trong nước với 170 hoạt chất, 551 mặt hàng thuốc trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, các bệnh mãn tính, có nhu cầu sử dụng nhiều và số doanh nghiệp (DN) dược tham gia chương trình cũng tăng lên. Kết quả này cho thấy, chương trình bình ổn giá thuốc tiếp tục chi phối thị trường, góp phần ổn định hoạt động sản xuất dược của các DN, ổn định giá thuốc, đồng thời giúp người dân có nhiều lựa chọn thuốc hơn trong điều trị bệnh...
Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn (năm 2015 - 2016), Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương để triển khai; phối hợp Sở Tài chính thẩm định toàn bộ giá bán lẻ của 551 mặt hàng thuốc bình ổn. Sở Y tế cũng thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc lãnh đạo các bệnh viện chỉ đạo thầy thuốc kê đơn thuốc nội, thuốc bình ổn giá trong điều trị và đưa nội dung kê đơn thuốc bình ổn giá vào công tác thi đua, khen thưởng.
Thực tế cũng cho thấy, các bệnh viện đã tích cực vận động các bác sĩ điều trị kê đơn thuốc bình ổn giá, có nhiều giải pháp kiểm soát việc kê đơn thuốc, chỉ đạo nhà thuốc trong bệnh viện thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia chương trình bình ổn giá thuốc. Thông qua việc chỉ định dùng thuốc của thầy thuốc, thuốc trong chương trình được phân phối đến tận tay người bệnh, nhất là người có thu nhập thấp, thường dễ mắc bệnh và có nhu cầu dùng thuốc nhiều.
Theo dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, giá bán thuốc bình ổn thấp hơn giá thị trường ít nhất 5 đến 10%, do đơn vị tham gia chương trình xây dựng, đăng ký với Sở Y tế, được Sở Tài chính phê duyệt và giữ ổn định đến cuối tháng 3-2016. Doanh số thuốc bình ổn tiếp tục tăng theo từng tháng. Trong đó, doanh số thuốc bình ổn giá bán ra của từng DN đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm cho doanh số bán thuốc nội tăng hơn so với năm 2014. Doanh số thuốc bình ổn bán ở các nhà thuốc bệnh viện chiếm khoảng 30% tổng doanh số bán thuốc bình ổn của toàn thành phố.
Theo số liệu thống kê, tổng doanh số bán của 551 mặt hàng thuốc của chương trình gần 81 tỷ đồng. Ước tính doanh số bán các loại thuốc bình ổn năm 2015 khoảng 115 tỷ đồng, tăng 1,03 lần so với cùng kỳ năm 2014.
Tỷ lệ giá trị thuốc bình ổn giá trên tổng giá trị thuốc nội được sử dụng ở các bệnh viện ở thành phố tăng từ 20% lên 30%; các bệnh viện quận, huyện tăng từ 30% lên 40%, góp phần làm cho tỷ lệ tiền thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các bệnh viện tuyến thành phố đạt 45% và tuyến quận, huyện đạt 65% trong tổng số tiền thuốc điều trị. Sở Y tế thành phố đã phát triển thêm 683 điểm bán thuốc (với 662 nhà thuốc tư nhân, ba nhà thuốc bệnh viện và 18 nhà thuốc DN, đại lý thuốc), nâng tổng số nhà thuốc tham gia bán thuốc bình ổn lên 3.852 điểm bán, trong đó có 3.098 nhà thuốc tư nhân, 120 nhà thuốc bệnh viện và 634 nhà thuốc DN, đại lý thuốc, có trang bị đầy đủ băng-rôn, bảng giá thuốc bình ổn.
Thuốc bình ổn đã đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân. Giá thuốc bình ổn thấp và ổn định, tránh được tầng lớp trung gian. Thuốc bình ổn về giá có chất lượng, hiệu quả điều trị tốt, được người bệnh quan tâm. Các DN dược tham gia chương trình ngày càng tăng dần, khá ổn định. Điều này chứng tỏ, chương trình bình ổn là một kênh hoạt động có hiệu quả để các DN có thể đưa sản phẩm đến người dân và người dân có thể mua thuốc giá rẻ, chất lượng tốt. Hiện nay, số điểm bán thuốc bình ổn về giá đã chiếm khoảng 65% số điểm bán thuốc lẻ trên địa bàn thành phố.
Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu (năm 2016 – 2017) sẽ tập trung duy trì khoảng 550 mặt hàng thuốc bình ổn, đưa vào danh mục một số thuốc sản xuất trong nước có chất lượng cao; duy trì tham gia phân phối thuốc bình ổn là 14 DN; phấn đấu tăng số điểm bán thuốc bình ổn về giá từ 3.862 lên 4.000 nhà thuốc và tăng doanh số bán từ 115 tỷ đồng/năm lên 120 tỷ đồng/năm.
Thuốc trong chương trình là thuốc sản xuất trong nước tại các nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO, bảo đảm chất lượng, đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” - GMP - WHO, “Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc” - GLP, “Thực hành tốt bảo quản thuốc” - GSP, “Thực hành tốt phân phối thuốc” - GDP… (* Nhân dân (trang TPHCM)
Người bệnh mọc thừa 17 cái răng
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Cu-ba (Hà Nội), ngày 20-6 cho biết, vừa phát hiện một người bệnh mọc thừa 17 cái răng, trong đó bốn chiếc hàm dưới đang nhú. Đây là trường hợp mọc thừa răng nhiều nhất mà các bác sĩ ở đây từng gặp. Do các răng mọc lệch, chen chúc, khó vệ sinh, cặn thức ăn dính vào kẽ lâu ngày tạo thành các mảng bám; một răng bị sâu viêm tủy khiến người bệnh đau nhức, khó chịu. Bước đầu, các bác sĩ đã tiến hành điều trị tủy dứt cơn đau răng; đồng thời cho chụp phim, làm xét nghiệm để chuẩn bị mổ bỏ các răng thừa (dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này).
Theo các bác sĩ, hiện tượng mọc thừa răng không phải chuyện lạ, tuy nhiên bình thường mỗi người chỉ có thể mọc thừa một, hai, nhiều lắm thì ba cái răng. Đến nay, vì lý do nào đó mầm răng cứ phát triển, mọc thêm nhiều như trường hợp của người bệnh này rất khó lý giải. (* Nhân dân (trang 5))
Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô trang 8: “Nam thanh niên mọc thừa... 17 cái răng”
Lãnh đạo hơn 40 bệnh viện được đào tạo về quản lý
Từ ngày 20 đến 25-6, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Khóa Đào tạo quản lý bệnh viện (BV) cho hơn 50 giám đốc, phó giám đốc và một số trưởng khoa của hơn 40 BV trong cả nước.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định, lĩnh vực khám, chữa bệnh là một phần rất quan trọng của ngành y tế, trực tiếp cung cấp các dịch vụ khám, chẩn đoán và điều trị bệnh cho nhân dân. Trên 50% lao động có kỹ thuật làm việc tại đây và có tới 60% ngân sách của ngành y tế. Công tác khám, chữa bệnh yếu kém, không giữ được chân người bệnh là do lãnh đạo BV không nắm vững nhưng nguyên tắc về quản lý, chưa thực sự quan tâm đến vấn đề chất lượng BV.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê dẫn chứng, trong những năm qua, ngành Y tế và bản thân mỗi BV đã cố gắng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi để người bệnh dễ tiếp cận được các dịch vụ khám, chữa bệnh và được điều trị theo đúng yêu cầu bệnh tật. Dù vậy, công tác khám, chữa bệnh còn nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là tình trạng quá tải ở các BV, đặc biêt là tuyến trung ương; cơ sở vật chất không đáp ứng đươc yêu cầu của công tác khám, chữa bệnh; công tác quản lý BV chưa chặt chẽ, thiếu khoa học và chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, chưa tạo được động lực để phát triển mạnh các cơ sở khám, chữa bệnh; tính khoa học, tính kinh tế trong quản lý các cơ sở khám, chữa bệnh chưa được quan tâm đúng mức; một số nơi xảy ra những rủi ro về chuyên môn đã ảnh hưởng đến uy tín của thầy thuốc, BV và ngành Y tế… Những bất cập trong công tác quản lý BV đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả phục vụ người bệnh. Nhắc tới một loạt những sự cố của ngành Y tế thời gian qua, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cảnh báo các lãnh đạo các BV phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề chất lượng bệnh viện và an toàn người bệnh.
Hiện nay chính sách thông tuyến BHYT tại tuyến huyện, bệnh nhân có quyền lựa chọn BV tốt hơn để khám, chữa bệnh. Do đó, không làm tốt công tác quản lý và đưa ra được những giải pháp thu hút người bệnh sẽ không ít BV rơi vào cảnh vắng vẻ. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, muốn thu hút và giữ chân người bệnh, đặc biệt trong giai đoạn ngành y tế có những đổi mới về cơ chế tài chính hiện nay, lãnh đạo các BV phải đổi mới tư duy, đổi mới công tác quản lý BV. Đây cũng chính là lý do Bộ Y tế đang đẩy mạnh chương trình đào tạo công tác quản lý BV theo hướng hiện đại, từng bước tiếp cận với thế giới.
Theo chương trình, trong 6 ngày diễn ra lớp tập huấn, các học viên sẽ được đào tạo cơ bàn về công tác quản lý chất lượng BV, công tác điều dưỡng; những giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh, tổng quan về chính sách BHYT trong BV… Bên cạnh đó, lãnh đạo các BV còn được tập huấn về công tác quản lý nhân lực, quản lý trang thiết bị và hạ tầng cơ sở y tế; quản lý tài chính BV, quản lý truyền thông y tế...
Cuối khóa học, các học viên còn có buổi trực tiếp với lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Y tế về những tồn tại và thách thức của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh. (* Nhân dân, Hà Nội mới (trang 5))
Ngày 22/6, mở đăng ký tiếp 2.000 liều Pentaxim
Đúng 9h ngày 22/6, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ tổ chức tổ chức đăng ký tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Bạch hầu-Ho gà-Uốn ván-Bại liệt-Viêm màng não mủ do Hib (Pentaxim) với số lượng 2.000 liều.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, Trung tâm chỉ nhận tiêm chủng cho các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng và đã đến lịch tiêm chủng tại thời điểm đăng ký (ngày 22/6). Vì vậy, phụ huynh không đăng ký cho trẻ trong đợt này khi trẻ chưa đến lịch tiêm.
Theo đó, đối tượng được đăng ký đợt này là những trẻ đủ hai điều kiện: Có ngày sinh trong khoảng từ ngày 22/6/2014 đến ngày 22/4/2016 (năm dương lịch); tính đến ngày 22/6/2016 trẻ đã đến lịch tiêm chủng nhưng chưa được tiêm chủng.
Trung tâm chỉ tiêm vắc xin Pentaxim cho những trẻ:
Mũi 1: Tiêm cho trẻ có mốc sinh như trên mà chưa được tiêm mũi tổng hợp nào (Quinvaxem, Pentaxim, Infanrix Hexa, DPT...).
Mũi 2: Tiêm cho trẻ có mốc sinh như trên mà đã tiêm mũi 1 cách ngày 22/6/2016 tối thiểu 30 ngày.
Mũi 3: Tiêm cho trẻ có mốc sinh như trên mà đã tiêm mũi 2 cách ngày 22/6/2016 tối thiểu 30 ngày.
Mũi 4: (mũi tiêm nhắc lại) Tiêm cho trẻ có mốc sinh như trên mà đã tiêm mũi 3 cách ngày 22/6/2016 tối thiểu 1 năm.
Những trường hợp đăng ký thành công sẽ nhận được thông báo cụ thể về ngày, giờ đưa trẻ đi tiêm chủng.
Những trường hợp đã đăng kí được nhưng trẻ không đúng đối tượng (chưa đến lịch tiêm chủng) kết quả đăng ký sẽ bị hủy bỏ.
Trung tâm không tiêm Pentaxim vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Nếu phụ huynh không đưa con em đến đúng ngày, giờ được hẹn kết quả đăng ký sẽ bị hủy bỏ. (* Hà Nội mới (trang 7))
Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô trang 2: “Thêm 2.000 liều vaccine Pentaxim”
Giả danh bác sĩ lừa đảo chiếm đoạt iPhone 6S Plus tại BV Nhi Trung ương
Cơ quan CSĐT – CAQ Đống Đa, Hà Nội, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can vụ án giả danh bác sĩ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 14-6 vừa qua.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 18h ngày 14-6, Phùng Văn Thảo, SN 1998, trú tại khu phố Cả, phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, lên mạng xã hội, vào trang “Chotot” - là trang mạng bán hàng hóa để tìm ai có nhu cầu bán điện thoại cũ, giả vờ mua rồi tìm cách chiếm đoạt tài sản của người bán.
Lướt một vòng trên trang web trên, Mạnh tìm thấy anh Lê Mạnh Hùng, SN 1991, trú tại số 39/95 ngõ Thái Thịnh, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội, đăng bán chiếc điện thoại iPhone 6S Plus, màu đen xám với giá 13 triệu đồng.
Thảo gọi điện thoại cho anh Hùng và giới thiệu là bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương và bảo anh Hùng đem điện thoại đến Khoa chụp chiếu hình ảnh của bệnh viện để thực hiện giao dịch mua bán.
Khoảng 20h cùng ngày, anh Hùng cùng chị Nguyễn Thị Định, SN 1992, trú tại tỉnh Hòa Bình, đến Khoa chụp X – Quang của Bệnh viện Nhi Trung ương để gặp Thảo. Tại hành lang của Khoa X – Quang, Thảo xem máy điện thoại và hỏi mật khẩu máy điện thoại. Vì tin tưởng nên anh Hùng đã đọc mật khẩu. Sau khi biết mật khẩu, Thảo giả vờ kiểm tra sạc pin rồi lấy lý do đi tìm ổ cắm điện để thử sạc và đi về phía hành lang bên trong, vì Thảo biết trước hành lang bên trong có lối thoát ra sân sau bệnh viện.
Thảo đi được khoảng 10 mét thì anh Hùng và chị Định đi theo đến chỗ Thảo và yêu cầu kiểm tra chiếc điện thoại tại chỗ. Lúc này, Thảo trả máy cho anh Hùng và giả vờ gọi điện thoại cho bạn để mang máy tích xách tay để thử sạc điện thoại nhưng không gọi được cho ai.
Anh Hùng và chị Định nghi ngờ Thảo có ý định lừa đảo chiếm đoạt chiếc điện thoại của mình nên đã đưa Thảo đến phòng bảo vệ của bệnh viện. Ngay sau đó, lực lượng bảo vệ bệnh viện đã liên hệ với lực lượng CAP Láng Thượng, quận Đống Đa, đến để làm rõ sự việc.
Thảo bị đưa về trụ sở CAP Láng Thượng, tại đây, đối tượng đã thành khẩn khai nhận có ý định lừa đảo chiếm đoạt điện thoại của anh Hùng. Đối tượng sau đó được CAP Láng Thượng bàn giao cho Đội điều tra tổng hợp - CAQ Đống Đa tiếp tục điều tra xử lý.
Quá trình đấu tranh mở rộng vụ án, Đội điều tra tổng hợp – CAQ Đống Đa đã làm rõ, đối tượng Thảo đã thực hiện trót lọt 3 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (điện thoại iPhone) thông qua việc tìm kiếm thông tin mua bán trên mạng xã hội.
Thiếu tá Nguyễn Hoàng Sơn, Đội phó Đội điều tra tổng hợp – CAQ Đống Đa cho biết, Thảo là đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp, bằng chứng là đối tượng đã lừa đảo được nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng internet. Sau khi tìm được thông tin người bán tài sản, Thảo liên hệ và hẹn gặp tại những nơi như bệnh viện để lấy lòng tin của người bán, do đó nhiều người dân đã "mắc bẫy" đối tượng.
Thông qua vụ việc trên, Thiếu tá Sơn cũng cảnh báo người dân khi có nhu cầu mua bán tài sản trên mạng internet nên tìm đến các trung tâm, cơ sở kinh doanh để thực hiện mua bán để đảm bảo an toàn về tài sản, cũng như kiểm định đúng được chất lượng sản phẩm mình cần bán.
Nếu có thực giao dịch mua bán tự do nên chú ý bảo vệ tài sản của mình. Không nên để người mua cầm tài sản của mình sử dụng trong 1 thời gian hoặc cầm đi xa. Cần tìm hiểu rõ về nhân thân, nơi ở và nghề nghiệp của người mua, tránh bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau quá trình điều tra mở rộng vụ án, CAQ Đống Đa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phùng Văn Thảo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. (* An ninh Thủ đô (trang 13))
Đã có 26 người nhập viện vì ngộ độc do ăn bánh mì
Có ít nhất 26 người ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) phải nhập viện cấp cứu, điều trị với các triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì tại cùng một cửa hiệu.
Chiều 19-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Yên, cho biết cơ quan này đã lấy mẫu tại một cửa hiệu bán bánh mì ở góc đường Trần Hưng Đạo-Phan Đình Phùng (TP Tuy Hòa) để kiểm nghiệm, tìm nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng loạt người.
Trước mắt, cơ quan chức năng đã đình chỉ ngay việc mua bán tại cửa hiệu bánh mì trên.
Cũng theo ông Tâm, đến chiều 19-6, các cơ quan y tế xác định có ít nhất 26 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại cửa hiệu trên.
Trong đó, có 12 trường hợp nhập viện tại BV Đa khoa Phú Yên, chín ca nhập viện tại BV Sản Nhi Phú Yên, còn lại điều trị tại các cơ sở ý tế tư nhân, cộng đồng.
Trước đó, từ chiều đến tối 18-6, các cơ sở y tế trên liên tiếp tiếp nhận cấp cứu, điều trị hàng loạt ca ngộ độc thực phẩm, trong đó có nhiều trẻ em, phụ nữ mang thai.
Các trường hợp này đều có triệu chứng đau bụng, nôn mửa, sốt, tiêu chảy, đau đầu… Tất cả các bệnh nhân này đều ăn bánh mì thịt mua tại một cửa hiệu ở khu vực ngã năm, góc đường Trần Hưng Đạo-Phan Đình Phùng (TP Tuy Hòa).
Hiện một số trường hợp nhẹ đã được xuất viện. “Bước đầu đã xác định nguyên nhân ngộ độc là do vi sinh từ nhân bánh mì. Có thể do nhân bánh mì được bảo quản kém trong thời tiết nắng nóng cao độ kéo dài. Tuy nhiên, khi chúng tôi tiến hành lấy mẫu để kiểm nghiệm thì bánh mì của ngày hôm đó đã bán hết rồi. Do đó, hiện chưa có cơ sở kiểm nghiệm, kết luận nguyên nhân vụ ngộ độc này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lấy mẫu bánh mì đang bán để kiểm nghiệm, có hướng xử lý hoặc điều chỉnh đối với cơ sở bán bánh mì trên”- ông Tâm nói.
Bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, cho biết thêm sở đã yêu cầu các cơ quan chức năng thuộc Sở sớm tìm ra nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm trên để có hướng xử lý. (* Pháp luật TPHCM (trang 2))
Thêm một người bị ong vò vẽ đốt trên 70 vết được cứu sống
Ngày 20.6, bác sĩ Quách Văn Lực, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu (BV Bạc Liêu), cho biết BV vừa cứu sống ông Trần Minh Triều (61 tuổi, ngụ H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng).
Trước đó, ông Minh nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, toàn thân sưng phù, mê man do bị ong vò vẽ đốt trên 70 vết.
Sau khi được các bác sĩ tiến hành hồi sức tích cực, lọc máu, tiêm thuốc chống dị ứng… ông Triều đã tỉnh táo, chức năng gan, thận trở về gần như bình thường. Ông Triều kể, trưa 18.6, trong lúc đốn lá dừa nước ở phía sau nhà, ông vô tình chạm tổ ong vò vẽ và bị chúng tấn công. Ông bỏ chạy hơn 100 m, rồi lặn xuống đìa sâu mới thoát khỏi sự bao vây của đàn ong hung dữ. (* Thanh niên (trang 2))