Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm trong trường học
An toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học luôn là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương có tổng số khoảng 1,7 triệu học sinh và có hơn 1.830 trường học có bếp ăn tập thể, gần 490 trường học sử dụng suất ăn công nghiệp (đặt mua suất ăn của các đơn vị bên ngoài), vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học luôn được dư luận đặc biệt quan tâm. Để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, thành phố đã, đang tăng cường kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể trong trường học, nhằm tránh những vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc xảy ra.
Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, căng-tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn thành phố luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố triển khai thực hiện. Gần đây nhất, đầu tháng 11, Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố thành lập hai đoàn kiểm tra việc tổ chức bữa ăn và các công tác an toàn cho học sinh ở một số quận, huyện. Trong những ngày tới, đơn vị này cùng với ngành giáo dục thành phố, các cơ quan quản lý chuyên môn sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể trong trường học.
Năm học 2021-2022, các đơn vị chức năng đã thanh tra, kiểm tra hơn 1.700 cơ sở, trong đó có 1.121 bếp ăn tập thể tự tổ chức, 110 bếp ăn tập thể hợp đồng, hai căng-tin tự tổ chức, 281 căng-tin hợp đồng, 194 đơn vị cung cấp suất ăn sẵn. Năm học 2022-2023, các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra các bếp ăn tập thể trong trường học.
Qua các đợt kiểm tra cho thấy, nguồn nguyên liệu thực phẩm tại các trường đa số được lấy tại những đơn vị đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn” (807 cơ sở), hoặc các đơn vị có Giấy chứng nhận ISO, HACCP, VietGAP, GlobalGAP (670 cơ sở). Các trường có bố trí cán bộ y tế phụ trách công tác an toàn thực phẩm, thực hiện lưu giữ hồ sơ pháp lý, thường xuyên kiểm tra an toàn bếp ăn cũng góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng cũng phát hiện một số khó khăn, bất cập như một số đơn vị cung cấp suất ăn cho các trường học có nơi chế biến đặt ở các địa phương lân cận, ngoài phạm vi quản lý của thành phố nên việc kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn; một số trường không tổ chức căng-tin do quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập dẫn đến tình trạng học sinh sử dụng thực phẩm trước cổng trường nên khó kiểm soát về an toàn thực phẩm...
Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học, nhất là tại địa phương có đông học sinh như Thành phố Hồ Chí Minh, công tác thanh, kiểm tra phải được duy trì và tổ chức thường xuyên; khuyến khích các trường học, đơn vị cung cấp suất ăn sử dụng nguyên liệu thực phẩm an toàn. Các đơn vị trường học cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tập huấn việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, quản lý, người chế biến tại các cơ sở dịch vụ ăn uống... Đây là tiền đề quan trọng góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh trên địa bàn thành phố. (Nhân dân, trang TPHCM).
Tháo gỡ các vướng mắc khi bệnh viện tự chủ
Thực hiện tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các bệnh viện nói riêng là một quyết sách lớn của Nhà nước đang được triển khai.
Cả nước hiện có khoảng 1.400 bệnh viện công lập, thời gian qua, có hai bệnh viện (Bạch Mai và K) thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện (theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ), còn lại là tự chủ ở các mức độ khác nhau.
Tuy nhiên, sau hơn hai năm thí điểm tự chủ toàn diện đã bộc lộ nhiều vướng mắc, cho nên cả hai bệnh viện này đều xin dừng thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 33/NQ-CP và kiến nghị thực hiện phương án tự chủ tài chính đối với “đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên giai đoạn 2022-2026”-đơn vị nhóm hai theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xin dừng thí điểm thực hiện tự chủ tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K. Theo chia sẻ của lãnh đạo hai đơn vị, cả bốn nội dung chính của thực hiện tự chủ toàn diện (tổ chức bộ máy và nhân sự; đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản; tài chính, tiền lương và giá dịch vụ y tế; thực hiện nhiệm vụ chuyên môn) đều bộc lộ những khó khăn, vướng mắc.
Tại tọa đàm “Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, các đại biểu đều cho rằng thực hiện tự chủ nhưng các bệnh viện vẫn phải bảo đảm các yếu tố: công bằng trong chăm sóc sức khỏe, tức là tiền túi của người dân phải bỏ ra ít đi và ngân sách của Nhà nước phải tập trung nhiều hơn; chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phải được nâng cao và khả năng tiếp cận của người bệnh đối với các dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn, với chất lượng cao hơn và giá cả dịch vụ vừa phải; tự chủ nhưng vẫn phải thực hiện chính sách an sinh về mặt xã hội.
Chính vì vậy để giúp các bệnh viện tự chủ, các bộ, ngành liên quan cần xem xét, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc đã bộc lộ trong thời gian qua, nhất là tại hai bệnh viện thực hiện tự chủ toàn diện.
Áp dụng mô hình tự chủ nào (theo các nhóm) thì cũng cần giao những quyền cụ thể cho các bệnh viện, từ các hoạt động chuyên môn đến tổ chức cán bộ, đầu tư mua sắm, giá dịch vụ khám, chữa bệnh.
Cần để các bệnh viện tự quyết định xem đơn vị mình thuộc nhóm tự chủ nào, bởi họ sẽ chịu trách nhiệm trước sức khỏe của người dân và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện thì nguồn tài chính là một trong những yếu tố quyết định. Nhưng qua hai năm thí điểm, giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K lại không do các bệnh viện này tự chủ.
Cụ thể giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế mới tính 4/7 yếu tố kết cấu giá dịch vụ. Còn giá dịch vụ theo yêu cầu, theo quy định Bộ Y tế ban hành khung giá trần, các bệnh viện quyết định giá đối với dịch vụ khám, chữa bệnh trong phạm vi khung giá trần đó.
Tuy nhiên, đến nay, đã hết cả thời gian thí điểm nhưng Bộ Y tế vẫn chưa ban hành khung giá trần cho nên các bệnh viện công lập không có cơ sở tham chiếu.
Vì vậy, dù đã quá muộn, Bộ Y tế cần sớm ban hành khung giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu làm cơ sở để các bệnh viện có căn cứ xây dựng phương án tự chủ về mặt tài chính. Mặt khác, Bộ Y tế cần có lộ trình thực hiện tính đúng, tính đủ bảy yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện các thể chế, các quy định liên quan để giúp các bệnh viện thực hiện tự chủ đúng quy định và đạt mục tiêu. Đó là quy định về thực hiện liên doanh, liên kết tại các bệnh viện; tháo gỡ những vướng mắc trong đấu thầu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao; chính sách thuế sử dụng đất…; xây dựng các chế độ đãi ngộ đối với nhân viên y tế, hiện nay ngành y tế là một ngành đặc thù, việc đào tạo, tuyển dụng, sử dụng lao động rất đặc biệt nhưng tiền lương thì chưa đặc biệt. (Nhân dân, trang 1).
Đào tạo bác sĩ nội trú: Tinh hoa hay đại trà?
Lãnh đạo Trường ĐH Y Hà Nội đề xuất nên mở rộng đối tượng tuyển sinh bác sĩ nội trú để tiến tới đào tạo đại trà. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nên duy trì mô hình tinh hoa.
Đề nghị bỏ các điều kiện ngặt nghèo
Mới đây, GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, đã xin ý kiến giới chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo ngành y, về việc đề xuất với lãnh đạo Bộ Y tế thay đổi một số yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện tuyển sinh sau ĐH ngành y, đặc biệt là với bác sĩ nội trú.
Theo GS Tú, hiện nay trong ngành y tồn tại một số yêu cầu đối với tuyển sinh sau ĐH các ngành khoa học sức khỏe không còn phù hợp với thực tế và chính định hướng phát triển của ngành y tế. Chẳng hạn, với tuyển sinh đầu vào chương trình đào tạo bác sĩ nội trú, từ trước đến nay đây là một kỳ thi được tổ chức rất ngặt nghèo, người đủ điều kiện dự thi đã ít, số lượng trúng tuyển càng ít. Nhưng hiện nay bối cảnh xã hội đã thay đổi, quan niệm đào tạo nội trú giờ chính là đào tạo chuyên khoa, chứ không còn là đào tạo nhân tài, tinh hoa như trước đây. Vì thế, nên chăng Bộ Y tế bỏ các điều kiện ngặt nghèo về hồ sơ đăng ký thi nội trú, để cho bất kỳ tân bác sĩ nào cũng có cơ hội bước vào kỳ thi này.
Còn với bác sĩ CK1, GS Tú đề xuất nên bỏ điều kiện thí sinh phải có chứng chỉ hành nghề, hoặc có thời gian làm việc liên tục 12 tháng trong chuyên ngành sẽ dự thi. Với bác sĩ CK2, nên bỏ điều kiện phải tốt nghiệp thạc sĩ đủ 36 tháng với người có bằng thạc sĩ, mà chỉ cần có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa.
“Thời đại này bác sĩ mới ra trường thì rất khó có việc làm, mà chưa có công ăn việc làm thì lấy đâu ra chứng chỉ hành nghề? Nên quy định điều kiện dự tuyển CK1 là ngược, gây khó cho người học. Về tuyển sinh bác sĩ CK2, đòi hỏi với người có bằng thạc sĩ khác người có bằng CK1 là vô lý, vì hiện nay thạc sĩ được công nhận tương đương CK1. Những yêu cầu này kéo dài thời gian học tập để trưởng thành trong chuyên môn của bác sĩ, trong khi chúng ta muốn học tập liên tục, để sớm có đội ngũ bác sĩ có chuyên khoa sâu phục vụ xã hội”, GS Tú giải thích.
GS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Giáo dục y học, bày tỏ sự ủng hộ quan điểm mở rộng đào tạo chương trình bác sĩ nội trú. “Ngày xưa là tinh hoa vì điều kiện đào tạo chỉ cho phép ta nhận được rất ít người, nên phải chọn lọc. Nhưng bây giờ bác sĩ học y ra mà không qua khóa đào tạo như thế mà vẫn được tham gia chữa bệnh thì rất đáng ngại cho bệnh nhân. Nếu muốn có tinh hoa, chúng ta có thể lọc ra trong số được đào tạo nội trú để bồi dưỡng tiếp”, GS Cường nói.
Tương tự, GS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Dược Hà Nội, nêu quan điểm: “Không nên coi nội trú là đào tạo nhân tài gì đó to tát quá. Đây là đào tạo chuyên khoa bắt buộc, trong quá trình đào tạo thì chọn lọc tinh hoa”.
E ngại chất lượng sẽ giảm
Theo TS Lê Khắc Bảo, Giám đốc Trung tâm giáo dục y học, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, chương trình đào tạo bác sĩ nội trú của VN từ trước đến giờ vẫn rất nổi tiếng, bởi chất lượng đào tạo và bác sĩ nội trú sau khi ra trường làm việc rất tốt, cống hiến được nhiều cho xã hội. Sở dĩ đạt được thành tựu đó là do chúng ta thực hiện mô hình đào tạo tinh hoa với bác sĩ nội trú. Người được học nội trú rất ít, lại có nhiều thầy giỏi tham gia đào tạo, nên người đã được theo học nội trú đều trở nên rất giỏi về chuyên môn. “Giờ nếu đào tạo nội trú đại trà, kiểu như một trường tuyển 700 chỉ tiêu cùng lúc, thì liệu có thể duy trì được cái hồn nội trú cũ? Hướng mới thì tốt cho đa số bác sĩ, nhưng lại có nguy cơ đánh mất thành tựu đã đạt được. Nên chăng có 2 loại hình nội trú: đại trà cho bất kỳ bác sĩ nào muốn học, tinh hoa theo cách thức chọn lọc khắt khe như cũ?”, TS Bảo kiến nghị.
GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cũng cho rằng vấn đề này cần được thảo luận, bàn bạc kỹ. “Vấn đề là chúng ta chưa xác định loại hình phát triển của hệ thống y tế nước ta. Chúng ta xem chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân là chủ lực, hay điều trị chuyên khoa là chủ lực? Nếu là mô hình 1 thì nên áp dụng đào tạo nội trú tinh hoa, còn đại trà thì chỉ cần bác sĩ đa khoa để chăm sóc sức khỏe ban đầu”, GS Tuấn chia sẻ và cảnh báo thêm: “Nếu ngay bây giờ chúng ta đào tạo nội trú đại trà thì e là chất lượng giảm. Ở nước ngoài họ làm được là bởi cả hệ thống y tế tham gia đào tạo, chứ không chỉ vài trường với vài bệnh viện như ta hiện nay”. (Thanh niên, trang 17).
Lọc máu cứu sống bé 13 tuổi mắc hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan
Bệnh nhi T.N.H. (13 tuổi, ở TP Vị Thanh, Hậu Giang) nhập viện trong tình trạng sốt, sốt cao liên tục, rối loạn tri giác, tay chân lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp khó đo...
Ngày 1-12, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho hay, được sự hỗ trợ trực tuyến từ Bệnh viện Nhi đồng thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), ê kíp lọc máu khoa hồi sức tích cực - chống độc đã điều trị thành công cứu bệnh nhi bị Hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan ở trẻ em (MODS) nguy kịch.
Bệnh nhi T.N.H. (13 tuổi, ở TP Vị Thanh, Hậu Giang) nhập viện trong tình trạng sốt, sốt cao liên tục, đã điều trị ở phòng khám tư và bệnh viện tại Hậu Giang nhưng vẫn không giảm sốt, mệt ngày càng tăng, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.
Tại khoa hồi sức tích cực - chống độc, bệnh nhi bị rối loạn tri giác, tay chân lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp khó đo... Ê kíp cấp cứu cho thở oxy, chống sốc tích cực, kháng sinh, chống phù não và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân.
Kết quả xét nghiệm ghi nhận men gan tăng cao, suy chức năng thận, chỉ số nhiễm trùng tăng cao... Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị nhiễm trùng huyết/suy đa cơ quan.
Điều trị ban đầu bệnh nhi vẫn sốt cao liên tục, rối loạn tri giác không cải thiện, suy hô hấp, vàng da toàn thân, phù toàn thân, vô niệu, xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng phổi, màng bụng lượng nhiều; được chỉ định đặt nội khí quản thở máy, sử dụng kháng sinh cao cấp, truyền các chế phẩm máu.
Tuy nhiên, tình trạng vẫn tiếp tục diễn tiến xấu nên ê kíp điều trị quyết định hội chẩn toàn bệnh viện và hội chẩn trực tuyến từ tuyến trên và thực hiện lọc máu liên tục sáu chu kỳ kèm thay huyết tương một chu kỳ. Đồng thời phối hợp các phương án điều trị hồi sức tích cực khác.
Điều kỳ diệu đã đến sau hơn 1 tháng điều trị tích cực, hiện tại chức năng gan thận của bệnh nhi dần hồi phục, được ngưng lọc máu. Hiện bệnh nhi đã cai được máy thở, các chỉ số dần trở lại bình thường và đang được các bác sĩ điều dưỡng hướng dẫn tập vật lý trị liệu, theo dõi thêm tại khu hồi sức tích cực.
Theo các bác sĩ, MODS được định nghĩa là sự hiện diện của hai hoặc nhiều rối loạn chức năng cơ quan đồng thời. Nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến MODS, trong đó nhiễm trùng huyết là tình trạng liên quan phổ biến nhất, kế đến là chấn thương, bỏng, viêm tụy cấp hay rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, cấy ghép và các bệnh khác.
Hội chứng này là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ em, đặc biệt tình trạng nặng như bệnh nhi này. (Tuổi trẻ, trang 14).
Điều chỉnh viện phí tính đúng, tính đủ: Bệnh viện mừng, bệnh nhân lo
Bộ Y tế vừa phối hợp với các đơn vị chức năng dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp. Mặc dù đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp, nhưng dự thảo thông tư đã nhận dư luận trái chiều từ bạn đọc của Báo SGGP: các cơ sở khám chữa bệnh kỳ vọng sẽ tháo gỡ được khó khăn, còn bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo có thời gian điều trị lâu dài thì lo lắng.
Giá giường bệnh tăng cao
Theo dự thảo thông tư, đối với dịch vụ khám bệnh, tư vấn, kiểm tra sức khỏe, cơ sở y tế công lập có thể xây dựng nhiều mức giá khác nhau theo chuyên khoa, theo thời gian khám bệnh, tư vấn và trình độ chuyên môn của người khám, tư vấn. Về giá dành cho giường nội trú tại các phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế), dự thảo quy định đối với bệnh viện (BV) hạng đặc biệt và hạng I có giá từ 1.300.000-3.000.000 đồng/ngày; các cơ sở y tế khác (trừ BV hạng đặc biệt, hạng I) tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ giá từ 900.000-2.000.000 đồng/ngày; các cơ sở y tế khác (trừ BV đặc biệt, hạng I) tại các tỉnh còn lại từ 600.000-1.500.000 đồng/ngày.
Băn khoăn trước giá giường bệnh sẽ tăng, anh Nguyễn Hoài Ân (ngụ tỉnh Bến Tre, đang chăm sóc ba ruột nằm viện tại BV Chợ Rẫy) cho biết anh cảm thấy mức giá như trong dự thảo rất cao so với bình quân thu nhập. Đây là điều bất hợp lý, bởi mức giá này tương đương với giá phòng khách sạn 4 sao, khó đáp ứng được khả năng chi trả của bệnh nhân, nhất là đối với bệnh nhân có thời gian lưu viện lâu ngày. Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho rằng, dự thảo đưa ra rất nhiều mức giá giường dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng bệnh nhân. Giường giá 3 triệu đồng là phòng tiêu chuẩn, có nơi cho gia đình sinh hoạt, cung cấp dịch vụ y tế 24/24, có người phục vụ, có ăn uống... nên không thể so giá phòng bệnh với khách sạn, và các cơ sở y tế sẽ đầu tư tương xứng với từng mức thu.
Đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân
Theo các chuyên gia y tế, việc xây dựng dự thảo nói trên nhằm thống nhất giá và các điều kiện khám dịch vụ cho các BV công, không để tình trạng mỗi nơi một giá hoặc điều kiện vật chất, dịch vụ chưa tương xứng với giá mà BV quy định. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh, cho rằng, mức giá Bộ Y tế đưa ra là phù hợp. Việc đưa ra khung giá cho từng hạng BV là để các BV tự nâng cao chất lượng BV, nâng hạng để phục vụ bệnh nhân, nâng cao tay nghề đội ngũ chuyên môn…, và bệnh nhân căn cứ vào đó để lựa chọn. Nếu làm dịch vụ mà đội ngũ chuyên môn thiếu và yếu, công tác chăm sóc bệnh nhân, vệ sinh không tốt… thì bệnh nhân cũng sẽ không vào.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai, bày tỏ, việc xây dựng giá viện phí mới theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý và có tích lũy để tái đầu tư là rất cần thiết, không chỉ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các BV mà còn giúp các đơn vị có tích lũy để tái đầu tư và phát triển.
Đại diện một số BV khác cũng cho rằng, so với viện phí của BV tư thì viện phí của BV công rất bất hợp lý. Bộ Y tế và các bộ, ngành chức năng cần sớm điều chỉnh giá viện phí hiện nay ở hệ thống y tế công lập theo hướng tính đúng, tính đủ để BV bớt khó khăn, bệnh nhân được đảm bảo các quyền lợi hơn khi đi khám chữa bệnh.
Trong khi đó, thông tin về kế hoạch điều chỉnh viện phí với nhóm BHYT, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã thống nhất sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhưng trong năm nay chưa tăng giá viện phí. Việc điều chỉnh này là cần thiết, bởi khi giá viện phí được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ, chắc chắn sẽ tác động đến Quỹ BHYT, nhiều người sẽ tham gia để sử dụng cho khám chữa bệnh. Quỹ BHYT càng lớn, quyền lợi của người tham gia càng được đảm bảo tốt hơn, chi trực tiếp từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế sẽ giảm và giảm gánh nặng từ ngân sách nhà nước cho khám chữa bệnh.
Theo bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, thực tế cho thấy, quy định về giá thu viện phí đã được áp dụng nhiều năm, đến nay không còn phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, để đảm bảo yếu tố vận hành BV trơn tru, thuận lợi, góp phần mang tới cho bệnh nhân những dịch vụ kỹ thuật có chất lượng thì đa số các BV đều mong muốn được “thu đúng, thu đủ”. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Những loại thực phẩm sinh nhiệt giúp giữ ấm cơ thể khi trời lạnh
Mùa đông, nhất là những đợt gió lạnh đầu tiên, mọi người cần chú ý giữ cho hệ thống miễn dịch mạnh mẽ để tránh các bệnh như cảm lạnh, cúm, nhiễm trùng... do thời tiết lạnh. Cần bổ sung cho cơ thể những thực phẩm nào để có đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu?
Mặc dù tất cả các loại thực phẩm đều sinh nhiệt trong quá trình tiêu hóa, nhưng có một số loại mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa và làm tăng nhiệt độ cơ thể và khiến chúng ta cảm thấy ấm áp hơn. Thực phẩm giàu carbs phức hợp, protein và chất béo lành mạnh làm nóng cơ thể nhiều hơn, nghĩa là chúng đốt cháy nhiều calo hơn trong quá trình tiêu hóa. Điều này được gọi là sinh nhiệt. Một chế độ ăn uống hỗn hợp có thể gây ra tiêu hao năng lượng từ 5-15% năng lượng tiêu hao hàng ngày.
Hơn nữa, mỗi loại thực phẩm đều có một cách hoạt động khác nhau bên trong cơ thể chúng ta. Có một quan niệm sai lầm rằng súp nóng làm nóng cơ thể chúng ta và thực phẩm đông lạnh thì lạnh. Thực tế là hiệu lực của thực phẩm không liên quan đến nhiệt độ phổ biến của thực phẩm.
Theo TS Meghana Pasi, chuyên gia dinh dưỡng của chương trình MyThali, Arogya World (chương trình ăn uống lành mạnh của Ấn Độ), một số loại thực phẩm dưới đây có tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể và giúp làm ấm cho bạn từ bên trong ra ngoài.
1. Các loại rau củ tốt cho sức khỏe khi trời lạnh
Một số loại củ như cà rốt, khoai lang, củ cải, củ dền, những loại rau củ này đòi hỏi nhiều năng lượng hơn trong quá trình tiêu hóa khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao. Hơn nữa, chúng cũng chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ.
2. Rau lá xanh có sẵn trong mùa đông
Chúng chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và chất xơ, giúp giảm nguy cơ rối loạn thoái hóa mạn tính, cải thiện lưu thông máu, có đặc tính chống viêm và giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Do đó, hãy thử với số lượng lớn hơn, có ít nhất 4-5 phần, tức là 500g rau (rau và củ) mỗi ngày trong bữa ăn của bạn (nấu chín hoặc tươi).
3. Các loại thảo mộc và gia vị
Hạt tiêu đen, gừng, tỏi, thì là giúp chống ho và cảm cúm, kích thích ăn ngon, tiêu hóa và tăng tuần hoàn máu.
Húng quế (tulsi) giúp cơ thể chống lại tất cả các rối loạn hô hấp và cũng là một chất khử trùng và kháng khuẩn.
Tương tự như vậy, curcumin, một hợp chất tích cực được tìm thấy trong củ nghệ là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ và giúp chống lại các tổn thương oxy hóa và tăng cường chức năng miễn dịch của chúng ta.
Gừng là một chất "tạo mồ hôi" tự nhiên và giữ cho cơ thể bạn ấm áp bên trong. Nó làm tăng lưu thông máu và có thể kích thích sinh nhiệt. Tỏi chứa Allicin (hợp chất chứa lưu huỳnh) có tác dụng tăng cường miễn dịch, kháng khuẩn và kháng virus.
Lương y Bàng Cầm cho biết, theo y học cổ truyền, gừng tươi có vị cay, tính hơi ấm, có tác dụng chống lạnh, tiêu đàm, chặn nôn, giúp tiêu hóa. Gừng nướng có vị cay ấm, chữa đau bụng lạnh dạ đi ngoài. Vỏ gừng tiêu phù thũng.
4. Ăn ít nhất hai loại trái cây mỗi ngày
Có một lầm tưởng phổ biến xung quanh việc tránh các loại trái cây có múi như cam, chanh và ổi trong mùa đông vì chúng được coi là thực phẩm lạnh và có thể gây ho và cảm lạnh. Thực tế, đây là những loại thực phẩm giàu vitamin C giúp tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và tăng cường hệ thống miễn dịch, đồng thời giúp điều trị ho và cảm lạnh. Chuối cũng được coi là một loại thực phẩm "nóng" rất giàu vitamin B và magiê giúp các tuyến điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Do đó, đừng tránh ăn chuối trong mùa đông.
5. Các loại thực phẩm làm từ đậu
Đây là những món ngon mùa đông giàu protein, chất xơ và khoáng chất. Những thực phẩm giàu chất xơ và khoáng chất giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch như tăng huyết áp và đau tim thường xảy ra nhiều hơn trong mùa đông. Protein mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa, do đó làm tăng sinh nhiệt.
Các loại đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu nành… giàu tinh bột kháng, chống lại quá trình tiêu hóa và được lên men bởi các vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Tinh bột kháng có thể cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách giảm nồng độ triglycerid, cholesterol trong máu, giảm huyết áp, giảm viêm.
6. Các loại hạt và hạt có dầu
Vừng, lạc, hạnh nhân, chà là, hạt cỏ cà ri rất giàu protein, canxi, phốt pho, sắt và chất xơ giúp tăng cường khả năng miễn dịch và tăng cường trao đổi chất. Ăn một ít hạt mỗi ngày (khoảng 20g làm bữa ăn nhẹ vào giữa buổi sáng).
7. Uống cà phê
Đây cũng là một lựa chọn cho nhiều người vì caffein làm tăng nhiệt độ cơ thể của bạn bằng cách kích thích quá trình trao đổi chất.
8. Giữ nước để giữ ấm
Nước giúp điều chỉnh nhiệt độ bên trong của bạn trong khi rượu làm suy yếu khả năng tăng nhiệt độ cơ thể trong thời tiết lạnh. Do đó, hãy tránh uống rượu và uống nhiều nước ngay cả khi bạn không cảm thấy khát. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).
Định hướng cải tiến chất lượng khám chữa bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm
Ngày 30/11, tại Trường Đại học Y dược, Đại học Huế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo "Hướng dẫn triển khai kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát sự hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2022; Chia sẻ kinh nghiệm triển khai cải tiến chất lượng và an toàn người bệnh".
Tham dự hội thảo có PGS. TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế; TS Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; lãnh đạo Trường Đại học Y dược, Đại học Huế cùng đại diện nhiều bệnh viện, Sở Y tế.
Tại hội thảo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, hơn 2 năm qua, các thầy thuốc trong hệ thống khám, chữa bệnh ở Việt Nam đã phát huy tối đa những thành quả, kết quả trong hơn 10 năm triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện. Đó cũng là nền móng cơ bản để hệ thống y tế Việt Nam và hệ thống khám chữa bệnh, các bệnh viện chung lưng với toàn quốc chiến thắng đại dịch COVID-19.
"Tôi đánh giá rất cao các nỗ lực của các thầy thuốc đã đồng hành cùng Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh trong thời gian vừa qua để triển khai các hoạt động phòng chống dịch và đã cơ bản đã ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch COVID-19", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, những năm qua các bệnh viện đã có sự tiến bộ rất rõ rệt, sự hài lòng của người bệnh trong nghị quyết 20 phấn đấu đến năm 2025 là 80% người bệnh ở khu vực ngoại trú và nội trú hài lòng. Tuy nhiên theo đánh giá, hiện đã đạt được 85%. Các bệnh viện căn cứ vào bộ tiêu chí đánh giá để xem đó như là một kim chỉ nam phấn đấu, vươn lên hướng tới sự hài lòng của người bệnh, người bệnh là trung tâm.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã thông tin các định hướng nhằm cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh trong giai đoạn tới. Đồng thời, triển khai thông tư 25/2020/TT-BYT quy định việc xét tặng giải thưởng Quốc gia về chất lượng bệnh viện.
Chia sẻ về việc triển khai quy định việc xét tặng giải thưởng Quốc gia về chất lượng bệnh viện, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, giải thưởng là 1 trong những nhóm giải pháp hết sức có ý nghĩa để ghi nhận, động viên những thầy thuốc, các bệnh viện đã quyết tâm, dám nghĩ dám làm để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.
Qua đó, cũng là cơ sở để đánh giá nhằm khắc phục những cái chưa làm được. Hướng tới mục tiêu chung, nỗ lực thực hiện các quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh là lấy người bệnh làm trung tâm, an toàn cho người bệnh và hài lòng cho người bệnh… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Ngoại giao vaccine giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước gần 23.000 tỷ đồng
Có thể khẳng định, chiến dịch ngoại giao vaccine đã hết sức thành công. Tính đến tháng 9/2022, Việt Nam đã nhận được tổng số hơn 258 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó nguồn viện trợ đạt gần 120 triệu liều, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước gần 23.000 tỷ đồng.
Chiều 30/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác Ngoại giao vaccine. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Văn phòng Chính phủ và trực tuyến tới trụ sở UBND một số tỉnh, thành phố cùng các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại cách đây hơn 1 năm, ngày 11/10/2021, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, chuyển trạng thái từ "zero COVID", phòng chống dịch bằng các biện pháp hành chính sang phòng chống dịch bằng các biện pháp chuyên môn, nhất là vaccine. Thực tế đã chứng minh việc chuyển hướng này đúng và kịp thời, kinh tế từ tăng trưởng âm hơn 6% trong quý III năm 2021 đã đạt tăng trưởng dương ở quý tiếp theo và quý sau cao hơn quý trước, dịch bệnh được kiểm soát.
Trước khi ban hành Nghị quyết 128, chúng ta đã ban hành và thực hiện Chiến lược vaccine với 3 nội dung chính: Thành lập Quỹ Vaccine; triển khai ngoại giao vaccine với việc thành lập tổ ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Ngoại giao làm tổ trưởng, Bộ Ngoại giao là nòng cốt; tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí cho người dân với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Chúng ta đã thực hiện thành công Chiến lược vaccine trong bối cảnh nguồn cung vaccine hạn chế, tiếp cận vaccine rất khó khăn.
Hội nghị nhằm nhìn lại những việc đã làm được cũng như chưa làm được thời gian qua, xác định nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm quý để không chỉ áp dụng cho công tác ngoại giao vaccine mà tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực ngoại giao kinh tế, triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, nhằm tận dụng và phát huy hiệu quả mọi cơ hội, tiềm lực và các công cụ phục vụ phục hồi nhanh và phát triển bền vững...
Việt Nam là một trong ít quốc gia "đi sau về trước" trong triển khai tiêm chủng vaccine
Báo cáo kết quả công tác ngoại giao vaccine COVID-19, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo triển khai Chiến lược vaccine, trong đó ngoại giao vaccine là một trong ba trọng tâm.
Tính đến tháng 9/2022, Việt Nam đã nhận tổng số hơn 258 triệu liều vaccine, trong đó nguồn viện trợ đạt gần 120 triệu liều, chiếm gần 50% số vaccine tiếp nhận được, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 900 triệu USD (tương đương gần 23.000 tỷ đồng).
Về thiết bị y tế, hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ thiết bị y tế với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD (tương đương gần 2.000 tỉ đồng).
Thành công của công tác ngoại giao vaccine có ý nghĩa chiến lược về nhiều mặt. Trước hết, khẳng định tính ưu việt của Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, luôn đặt lợi ích, sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân lên trên hết.
Thứ hai, thành công của ngoại giao vaccine và Chiến lược vaccine là điều kiện tiên quyết để chúng ta chuyển sang phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Thứ ba, thành công của ngoại giao vaccine và Chiến lược vaccine tiếp tục truyền tải hình ảnh một đất nước Việt Nam kiên cường, ý chí, đoàn kết, tương thân tương ái, khẳng định những "sức mạnh mềm" của dân tộc Việt Nam được bạn bè quốc tế nể phục.
Tiếp tục nỗ lực chống dịch, ưu tiên kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh khác
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ 6 nguyên nhân và 6 bài học kinh nghiệm trong thực hiện ngoại giao vaccine.
Thủ tướng cũng nêu rõ, Tổ chức Y tế thế giới dự báo đại dịch chưa kết thúc và tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, virus có thể tiếp tục biến đổi và hiệu lực miễn dịch của vaccine suy giảm theo thời gian, khoảng một nửa dân số thế giới chưa được tiêm vaccine. Chúng ta không thể lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục nỗ lực chống dịch, ưu tiên kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh khác.
Do đó, chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy ngoại giao vaccine; chúng ta đã chuẩn bị kinh phí để tiếp tục mua vaccine và việc mua được vaccine cũng là nhờ ngoại giao vaccine.
Cùng với đó, phải tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, nhất là cho các đối tượng nguy cơ cao, các em học sinh và các đối tượng theo quy định của Bộ Y tế một cách an toàn, khoa học, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao để làm chủ công nghệ sản xuất vaccine. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).