Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 21/2/2023

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng trong đơn vị y tế công lập; Tăng cường kiểm tra bếp ăn tập thể, dừng hoạt động cơ sở không an toàn; Chủ nhật Đỏ 2023 vượt mốc chỉ tiêu sàn 45.000 đơn vị máu…

 

Cần xử lý vi phạm trước cổng bệnh viện

Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè bán hàng, dừng đỗ xe trước cổng bệnh viện gây mất trật tự văn minh đô thị là những vi phạm đã diễn ra từ lâu trên địa bàn thành phố Hà Nội. Để trả lại hình ảnh “sáng, xanh, sạch, đẹp” cho Thủ đô, các lực lượng chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, kiên quyết dẹp bỏ tình trạng bán hàng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trước cổng bệnh viện...

Gây mất mỹ quan đô thị

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới ở khu vực cổng Bệnh viện Nhi trung ương, lòng đường, vỉa hè nơi đây vốn đã chật hẹp lại bị các cửa hàng buôn bán quần áo sơ sinh, sữa, bỉm, tạp hóa lấn chiếm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Một số nhà dân mở dịch vụ trông xe máy, ô tô nên chỉ cần một phương tiện dừng đỗ mua hàng là giao thông tắc nghẽn.

Tương tự, khu vực trước cổng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng có nhiều hàng rong chiếm dụng vỉa hè để bán hoa, quả, cá biệt có người còn bán hàng dưới lòng đường cản trở giao thông. Mặc dù lực lượng chức năng tuần tra thường xuyên nhắc nhở nhưng khi họ đi khỏi thì vi phạm lại đâu vào đấy.

Một “điểm đen” về giao thông khó giải quyết là tình trạng lộn xộn trước khu vực cổng các bệnh viện: Bạch Mai, Lão khoa, Da liễu trên phố Phương Mai (quận Đống Đa). Lực lượng công an các phường Đồng Tâm, Phương Mai thường xuyên tiến hành phân luồng giao thông, tăng cường nhắc nhở các phương tiện không dừng, đỗ trước cổng bệnh viện nhưng những vi phạm trên vẫn không thuyên giảm. Các hàng quán tự phát bán hàng ngay trước cổng bệnh viện, thậm chí bán hàng trên đường ray tàu hỏa.

Chị Lê Thu Hòa, phường Cống Vị (quận Ba Đình) đến thăm người nhà tại khu vực này cho biết, chân cầu vượt trên cao trước cổng Bệnh viện Bạch Mai đã trở thành nơi gánh hàng rong, xe ôm nghỉ tạm. Khi thấy lực lượng công an từ xa đến, họ đồng loạt báo hiệu nhau thu dọn đồ đạc và di chuyển đi nơi khác.

Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè bán hàng, dừng đỗ xe trước cổng bệnh viện gây mất mỹ quan, văn minh đô thị cũng diễn ra tại các bệnh viện: Thanh Nhàn, Ung bướu Hà Nội, Mắt trung ương (quận Hai Bà Trưng), Xanh Pôn (quận Ba Đình), E (quận Cầu Giấy), K Tân Triều (huyện Thanh Trì)…

Đâu là giải pháp khả thi?

Có 3 giải pháp đang được các lực lượng chức năng triển khai tại các “điểm nóng” bệnh viện. Một là tăng cường cắm chốt và xử lý vi phạm. Hai là xử lý vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát. Ba là đề xuất Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội rút giấy phép hoạt động đối với các hãng taxi có nhiều lái xe vi phạm. Hiện các lực lượng mới chỉ thực hiện tốt giải pháp tăng cường cắm chốt và xử lý vi phạm.

Phó Trưởng Công an phường Láng Thượng (quận Đống Đa) Nguyễn Hoàng Anh cho biết, đường Chùa Láng nhỏ hẹp, chật chội, trong khi tập trung 3 bệnh viện lớn, 5 trường đại học, nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở, cơ quan, xí nghiệp nên hay xảy ra ùn tắc giao thông. Dù lực lượng Công an phường Láng Thượng thường xuyên phân luồng giao thông vào 3 khung giờ cao điểm, cắm chốt tại các ngõ nhỏ nhưng vẫn không thể giảm tải được sự lộn xộn tại khu vực các cổng bệnh viện.

Còn theo lực lượng Công an phường Phương Mai (quận Đống Đa), việc lách luật, chống đối của tài xế taxi như không dừng, đỗ mà cố tình đi chậm qua cổng bệnh viện để đón trả khách cũng gây khó khăn trong xử lý. Do vậy, lực lượng buộc phải cắm chốt tại 3 khung giờ: 6h30-9h; 10h-12h30; 16h30-19h để phân luồng giao thông, xử lý vi phạm.

Lắp camera giám sát tại cổng bệnh viện, đó là giải pháp được mong muốn nhất để hỗ trợ xử lý vi phạm. Tuy nhiên, trong thực tế camera mới chỉ lắp đặt tại cổng Bệnh viện Bạch Mai. Đội Cảnh sát giao thông số 4 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp với công an các phường Phương Mai, Đồng Tâm xử lý vi phạm trên các đường Giải Phóng, Phương Mai.

Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp với Đội Chỉ huy giao thông điều khiển đèn tín hiệu giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông), căn cứ kết quả ghi hình camera để xử lý "phạt nguội". Song thực tế, việc lộn xộn vẫn khó bề giải quyết khi có một lượng lớn bệnh nhân đến khám bệnh mỗi ngày.

Tại các khu vực bệnh viện khác, việc lắp camera giám sát vẫn chưa được thực hiện. Theo Phó Trưởng Công an phường Láng Thượng Nguyễn Hoàng Anh, việc xử lý vi phạm đô thị trước cổng các bệnh viện trên vẫn theo hình thức thủ công: Tuần tra, xử phạt. Phường đã đề xuất quận lắp đặt camera giám sát tại khu vực cổng bệnh viện và các khu vực hay xảy ra vi phạm nhưng vẫn chưa được triển khai.

Hiện các địa phương đã thực hiện rút giấy phép hoạt động đối với các hãng taxi có nhiều lái xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ nhưng không mang lại hiệu quả cao. Trong nhiều giải pháp, việc trang bị camera để phạt nguội vẫn được xem là khả thi và phù hợp trong hoàn cảnh hạ tầng giao thông đô thị quanh các bệnh viện quá chật chội, lượng người đến khám và dân cư khu vực đông đúc. Việc làm này cũng nên được xem là chiến lược “giải cứu” tốt nhất hiện nay.  (Hà Nội mới trang 6)

 

Tăng cường kiểm tra bếp ăn tập thể, dừng hoạt động cơ sở không an toàn

Ngày 20-2, Bộ Y tế ban hành Công văn số 787/BYT-ATTP gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học.

Theo đó, hiện nay, việc cung cấp bữa ăn bán trú, bữa ăn ca tại các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục rất phổ biến và đa dạng với nhiều hình thức khác nhau, như: Tự tổ chức bếp ăn tại chỗ, mua suất ăn sẵn do đơn vị khác cung cấp, hợp đồng với các doanh nghiệp để tổ chức bếp ăn.

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm quy định pháp luật của các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, đặc biệt là bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp và trường học, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động và học sinh.

Trước thực tế trên, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm về quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh việc người đứng đầu cơ sở, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định.

Cùng với đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, trong đó bảo đảm các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp/khu chế xuất, bếp ăn tại các trường học, bếp ăn tại các cơ sở y tế phải được kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, được phân công, phân cấp quản lý đầy đủ, bảo đảm không để sót, không để cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm được hoạt động. (Hà Nội mới trang 7)

Cùng chủ đề Báo Nhân dân trang 7: “Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể”; An ninh Thủ đô trang 4: “Bộ Y tế cảnh báo tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể”

 

Chủ nhật Đỏ 2023 vượt mốc chỉ tiêu sàn 45.000 đơn vị máu

Trong các ngày 19 và 20/2/2023, Chủ nhật Đỏ được tổ chức tại huyện Lục Nam, Bắc Giang (tiếp nhận 1.605 đơn vị máu) và Sở Y tế tỉnh Hà Nam (482 đơn vị).

Như vậy, tính đến hết ngày 20/2/2023, Chủ nhật Đỏ 2023 (CNĐ 2023) do báo Tiền Phong chủ trì, phối hợp với Uỷ ban ATGT Quốc gia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, các tỉnh, thành Đoàn, Ban Vận động hiến máu tình nguyện, Hội Chữ Thập đỏ các tỉnh, thành phố, các trường đại học, các đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước đã được tổ chức tại 35 tỉnh, thành phố với 78 điểm hiến máu, tiếp nhận tổng cộng 45.773 đơn vị máu.

Số lượng trên đã vượt qua chỉ tiêu sàn của CNĐ 2023 là 45.000 đơn vị. BTC và các đơn vị có kế hoạch tổ chức CNĐ trong thời gian từ nay đến hết tháng 3, Tháng Thanh niên, quyết tâm làm tốt để tổng số đơn vị máu tiếp nhận vượt chỉ tiêu mức trên là 50.000 đơn vị. (Tiền phong trang 2)

 

Dành sự quan tâm thích đáng cho ngành y tế

Chiều 20-2, nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2023), Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã đến thăm và làm việc với Bộ Y tế.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước có mạng lưới y tế hoàn chỉnh tới xã phường, thôn bản, bảo đảm cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho mọi người dân… Ngành y tế Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật khó, điều trị được nhiều bệnh hiểm nghèo, tiếp cận và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, trong giai đoạn tới ngành y tế tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ nút thắt trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; chủ động nắm bắt, làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ bản lĩnh chính trị vững vàng. Bên cạnh đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, tiếp cận và làm chủ kỹ thuật tiến tiến, bảo đảm yêu cầu phát triển, ngành tập trung cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản trị hệ thống y tế; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện.

Nhân dịp này, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục dành sự quan tâm thích đáng đối với ngành y tế và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. (Sài Gòn giải phóng trang 2)

 

Thống nhất rà soát, sắp xếp giảm đầu mối do Bộ Y tế trực tiếp quản lý

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thống nhất với mục tiêu là rà soát, sắp xếp giảm đầu mối do Bộ Y tế trực tiếp quản lý ít nhất 20% theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, trong đó phấn đấu 20% đơn vị tự chủ bổ sung thêm.

Ngày 16/2 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì buổi làm việc liên quan đến việc rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập giai 2017-2021; phương án sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế Nguyễn Hồng Sơn trình bày báo cáo kết quả rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập giai 2017 - 2021, phương án sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa và Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế Vũ Hải Nam đã trao đổi, giải đáp và làm rõ một số nội dung Bộ Y tế đề nghị;

Đồng thời, ghi nhận các kiến nghị, đề xuất và đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ để cùng tìm phương án, đề xuất với cấp có thẩm quyền.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao Bộ Y tế trong thời gian qua đã thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương; đồng thời, phối hợp tốt với Bộ Nội vụ trong việc sắp xếp các cơ sở y tế thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà và Bộ trưởng Đào Hồng Lan thống nhất với mục tiêu là rà soát, sắp xếp giảm đầu mối do Bộ Y tế trực tiếp quản lý ít nhất 20% theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, trong đó phấn đấu 20% đơn vị tự chủ bổ sung thêm.

Về nguyên tắc sắp xếp, kiện toàn, hai Bộ trưởng cũng thống nhất cần thực hiện giảm đầu mối theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW là tập trung cơ cấu, sắp xếp cho hợp lý và chỉ giữ lại ở Bộ những cơ sở y tế thực hiện cho nhiệm vụ chính trị phục vụ cho mục đích đảm bảo quản lý nhà nước của Bộ; Tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập mà Bộ trực tiếp quản lý; Tập trung nghiên cứu thúc đẩy xã hội hóa đối với lĩnh vực y tế.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng gợi mở và đề nghị Bộ Y tế tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế, xây dựng, đảm bảo cho việc đẩy mạnh tự chủ tốt nhất, trong đó, tập trung hoàn thiện và ban hành Thông tư quy định về vị trí việc làm căn cứ cho tất cả các cơ sở y tế; Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ tiếp tục tháo gỡ các rào cản, vướng mắc để tạo thuận lợi, thông suốt và thúc đẩy tự chủ trong hệ thống sự nghiệp y tế của Bộ; Nghiên cứu, xem xét để hoàn thành sớm được quy hoạch hệ thống đơn vị sự nghiệp ngành Y tế từ Trung ương đến địa phương.

Về sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Y tế, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cơ bản thống nhất với đề xuất của Bộ Y tế. Tuy nhiên, đối với các đơn vị thuộc lĩnh vực khám, chữa bệnh cần rà soát, tính toán, đánh giá tác động một cách cụ thể hơn.

Đối với các đơn vị đào tạo đại học, giáo dục nghề nghiệp cần tính toán, đánh giá lại hiệu quả để từ đó tiếp tục thúc đẩy, phát triển quy mô đáp ứng được nguồn nhân lực trong hệ thống y tế từ Trung ương đến địa phương.

Về kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng thống nhất sẽ tiếp tục để thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh, còn mô hình này tại 2 địa phương Bắc Ninh và TP Đà Nẵng, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế đánh giá lại, sau đó thống nhất đề xuất phương án theo tinh thần của Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. (Sức khỏe & Đời sống trang 3)

 

Bộ Y tế hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng trong đơn vị y tế công lập

Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập do Bộ Y tế vừa ban hành yêu cầu tỉ lệ nhân lực/giường bệnh sẽ từ 0,5-2 người/giường bệnh tuỳ theo các hạng bệnh viện và các chuyên khoa khác nhau.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa ký ban hành Thông tư 03/2023/TT-BYT hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Tại Thông tư này yêu cầu tỉ lệ nhân lực/giường bệnh sẽ từ 0,5-2 người/giường bệnh tuỳ theo các hạng bệnh viện và các chuyên khoa khác nhau. Trong đó, các khoa hồi sức tích cực ở cơ sở khám chữa bệnh từ hàng I trở lên bố trí 2 nhân lực/giường, hạng II là 1,5 nhân lực/giường, còn lại tùy theo hạng bệnh viện.

Thông tư cũng quy định tỉ lệ nhân lực y tế theo các chức danh chuyên môn. Theo đó, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định như sau:

-Bác sĩ: 20 - 22%

-Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật y: 50 - 52%

-Dược, Trang thiết bị y tế: 5 - 7%

-Nhóm chức danh nghề nghiệp chuyên môn liên quan khác (công tác xã hội, kỹ sư, tâm lý và chuyên môn khác): 1 - 3%

-Nhóm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung: 10 - 15%

-Nhóm hỗ trợ, phục vụ (gồm cả hợp đồng lao động): 5 - 10%.

Bên cạnh đó, cơ sở y tế được bố trí nhóm chức danh chuyên môn chung, đội ngũ hỗ trợ.

Tại các đơn vị y tế dự phòng các tỉnh, thành phố, tỉ lệ nhân lực là 20-25% bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, còn lại là các nhóm ngành nghề phù hợp khác.

Đối tượng áp dụng Thông tư này bao gồm: Cơ sở khám, chữa bệnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố; Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố; Trung tâm Cấp cứu 115; Cơ sở kiểm nghiệm, kiểm định dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm; Cơ sở pháp y, pháp y tâm thần, giám định y khoa.

Tại Thông tư này, Bộ Y tế nêu rõ các đơn vị sự nghiệp y tế công lập sử dụng viên chức với chức danh nghề nghiệp không có trong danh mục vị trí việc làm theo loại hình tổ chức quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này phải có phương án sắp xếp, phân công và chuyển đổi chức danh nghề nghiệp cho viên chức phù hợp với công việc mới, hoàn thành trước 31/12/2025.

Các đơn vị sự nghiệp y tế công lập có số lượng người làm việc chưa đáp ứng đủ định mức tối thiểu quy định tại Thông tư này phải có phương án tuyển dụng, bố trí, sắp xếp viên chức để bảo đảm định mức này, hoàn thành trước 31/12/2025.

Mời bạn đọc theo dõi chi tiết Thông tư 03/2023/TT-BYT hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập có hiệu lực thi hành từ ngày 5/4/2023 tại đây. (Sức khỏe & Đời sống trang 3)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang