Bộ Y tế làm rõ tình hình, dự báo nhiễm Covid-19 của trẻ em
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo 77/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về việc mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; việc thực hiện hợp đồng mua vaccine AstraZeneca; việc cấp phép thuốc điều trị Covid-19 và việc thực hiện khoản 5 Điều 6 Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15.
Theo đó, về việc mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 1487/VPCP-KGVX ngày 9/3/2022, 1504/VPCP-KGVX ngày 10/3/2022, 1584/VPCP-KGVX ngày 15/3/2022, 1651/VPCP-KGVX ngày 16/3/2022, 1674/VPCP-KGVX ngày 17/3/2022.
Bộ Y tế làm rõ các loại vaccine có thể tiêm cho trẻ em; tình hình, dự báo nhiễm virus của trẻ em và việc tiêm sau khi bị nhiễm virus; kinh nghiệm của các nước tiêm cho trẻ em; các cam kết tài trợ vaccine của các nước, trên cơ sở đó kiến nghị tổng số vaccine cần mua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 21/3/2022.
Về việc thực hiện hợp đồng mua vaccine AstraZeneca: Bộ Y tế báo cáo rõ về lô vaccine 1.109.600 liều vaccine đã được đưa về Việt Nam từ ngày 22/12/2021; chính sách giảm giá của AstraZeneca đối với các nước và Việt Nam; về 73.504 liều vaccine VNVC để lại để tiêm miễn phí cho nhân viên…
Về việc nhận chuyển giao công nghệ sản xuất và cấp phép thuốc điều trị Covid-19: Bộ Y tế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất thuốc điều trị Covid-19 tại Việt Nam; thực hiện cấp phép cho thuốc điều trị Covid-19 theo đúng tinh thần kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại điểm 4 Văn bản số 318/TB-VPCP ngày 27/11/2021 của Văn phòng Chính phủ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Bộ Y tế phối hợp Văn phòng Chính phủ hoàn thiện trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết khoản 5 Điều 6 Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định pháp luật.(Nhân dân, trang 5)
Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 2: “Bộ Y tế làm rõ các loại vaccine có thể tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi”; Tiền phong, trang 2: “Bộ Y tế làm rõ các loại vắc xin có thể tiêm cho trẻ em”
Lựa chọn nhóm ưu tiên khi tiêm mũi 4 vắc xin Covid-19
Bộ Y tế đang lập kế hoạch, lên phương án về nhân lực, cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi và tiêm mũi 4 đối với người có bệnh nền và một số đối tượng cần bảo vệ.
Chưa thể tiêm đại trà mũi 4
“Bộ Y tế đang giao cho các cơ quan chuyên môn, hội đồng khoa học, các chuyên gia đánh giá, nghiên cứu một cách thận trọng, khoa học, hiệu quả để phù hợp với từng giai đoạn; sẽ phân tích các yếu tố nguy cơ về những lợi ích và rủi ro để từ đó triển khai tiêm cho những đối tượng này”, một chuyên gia về vắc xin và tiêm chủng của Bộ Y tế cho biết vào hôm qua (20.3).
Theo TS Phạm Quang Thái, các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy mũi tiêm thứ 4 đối với người bình thường cho hiệu quả cao hơn không nhiều so với 3 mũi tiêm. Do đó, mũi 4 sẽ ý nghĩa khi ta có thêm sự lựa chọn về công nghệ vắc xin, hoặc vắc xin có bổ sung thêm các thông tin về các biến chủng mới. Còn với vắc xin hiện tại sẽ ít giá trị cho nhóm người khỏe mạnh bình thường.
Liên quan đến việc tiêm mũi thứ 4 vắc xin Covid-19, chuyên gia cũng chia sẻ, VN đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hiện một số ý kiến cho rằng mũi tiêm thứ 4 này ưu tiên cho nhóm người có nguy cơ cao, suy giảm miễn dịch, có bệnh nền, người cao tuổi. Những nhóm còn lại đã được bảo vệ ở mũi tiêm thứ 3, nên mũi thứ 4 chưa nên tiêm đại trà.
Với nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi và nguy cơ do Covid-19, Bộ Y tế đánh giá việc tiêm vắc xin sớm không chỉ giúp bảo vệ trẻ mà còn có thể giúp bảo vệ các thành viên trong gia đình, bao gồm cả người không đủ điều kiện tiêm chủng, hoặc có thể chuyển nặng nếu bị nhiễm bệnh.
Vắc xin không gây ảnh hưởng sức khỏe sinh sản
Trước băn khoăn của một số cha mẹ về ảnh hưởng lâu dài của vắc xin Covid-19 với sức khỏe sinh sản của trẻ khi trưởng thành, TS-BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng mở rộng phía bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư), chia sẻ: “Vi rút có thể tích hợp vào hệ gien của người trong quá trình vi rút nhiễm và nhân lên trong cơ thể. Điều này nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc tiêm vắc xin vào người, bởi vi rút thật khi tấn công vào cơ thể sẽ để lại những tàn tích còn sót lại tại các cơ quan, các tế bào nhiễm vi rút với mức độ không có kiểm soát. Từ đó khiến hệ thống miễn dịch của con người tạo ra những cuộc tấn công không cần thiết đến những cơ quan đó, dẫn đến việc tổn thương lâu dài về sau. Với vắc xin thì khác, kể cả các vắc xin sản xuất theo công nghệ mRNA hay vector, quá trình này xảy ra trong một thời gian ngắn với lượng vật liệu cố định (theo liều). Do đó cơ thể không bị quá tải và sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các mRNA đó sẽ tự tiêu hủy và hoàn toàn không tích hợp với hệ gien của người, nên không để lại những di chứng lâu dài”.
Cũng theo ông Thái, có một số quan điểm như hạt gai vi rút tạo ra từ vắc xin có thể vẫn còn tồn tại trong cơ thể thêm một thời gian, nhưng thời gian đó ngắn hơn vô cùng nhiều so với việc nhiễm vi rút tự nhiên. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra những biến cố bất lợi liên quan vắc xin thấp hơn nhiều so với các bệnh lý do nhiễm tự nhiên. (Thanh niên, trang 4)
Nhiều bệnh nhân tổn thương mắt sau dịch COVID-19
Nhiều người F0, hậu COVID-19 cho biết ở họ xảy ra hiện tượng mắt đỏ, đau nhức mắt, mỏi mắt, chảy nước mắt, bệnh về mắt...
Theo các bác sĩ, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những bệnh lý nguy hiểm, thậm chí có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.
Lo ảnh hưởng thị lực
Chị C.H. (35 tuổi, Gò Vấp) cho biết khi mắc COVID-19 chị thường xuyên có hiện tượng đỏ mắt khi sốt. Tuy nhiên, sau khi có kết quả âm tính 1 tuần, hiện tượng mắt đỏ cũng không hết, ngoài ra còn có cả triệu chứng đau nhức mắt, thậm chí nhìn mờ, đặc biệt là khi lái xe. Chị H. lo lắng việc đỏ mắt sẽ ảnh hưởng đến thị lực.
Nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 cho biết gặp phải các triệu chứng về mắt như đỏ mắt, chảy nước mắt... trong đó thường gặp nhất là viêm kết giác mạc.
Không chỉ những bệnh nhân mắc COVID-19, mới đây Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám mắt sau dịch COVID-19, chủ yếu là bệnh khô mắt và rối loạn điều tiết.
Cụ thể, bệnh nhân nữ N.T. (25 tuổi, TP.HCM), đa số thời gian làm việc văn phòng tại nhà, sử dụng máy vi tính trên 8 giờ/ngày, sau khi thấy mình có các triệu chứng như thường xuyên mỏi và nhức mắt, chị N.T. liền đến bệnh viện thăm khám.
Các bác sĩ chẩn đoán chị T. bị viêm giác mạc chấm nông, khô mắt, rối loạn điều tiết. Bệnh nhân được điều tiết bằng nước mắt nhân tạo, hướng dẫn vệ sinh thị giác.
Tương tự, một bệnh nhi là bé H.L. (7 tuổi) cũng đến bệnh viện thăm khám vì thường xuyên than nhức đầu, đồng thời khi xem tivi hay nheo mắt. Trước đó, gia đình đã đưa bé L. khám và chụp cộng hưởng từ MRI nhưng không tìm ra bệnh.
Qua khai thác bệnh sử cho thấy bé nghỉ học dài ngày ở nhà do dịch, thường xuyên sử dụng điện thoại để chơi game. Tuy các bác sĩ không tìm thấy tổn thương, nhưng đo khúc xạ phát hiện cận 2 độ. Bệnh nhi được điều trị bằng cách hạn chế tối đa việc sử dụng thiết bị điện tử, trừ việc học, đo độ khúc xạ sau mỗi 3 tháng.
Thế giới đã có nghiên cứu
Bác sĩ CKII Nguyễn Thành Luân - khoa mắt Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết tại Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu ảnh hưởng COVID-19 lên mắt người, nhưng thế giới đã có. Một nghiên cứu phân tích gộp của tác giả Naser Nasiri (Viện Nghiên cứu tương lai về sức khỏe) và cộng sự năm 2021, dựa trên 38 nghiên cứu trước đó, với tổng số bệnh nhân COVID-19 là 8.219 (phần lớn là nữ giới từ 7 - 65 tuổi). Kết quả cho thấy tỉ lệ số bệnh nhân COVID-19 có biểu hiện ở mắt là 11,3%, điều này có nghĩa cứ 10 bệnh nhân COVID-19 thì sẽ có 1 người có vấn đề về mắt.
Các bệnh lý mắt cụ thể là: khô mắt/cộm xốn (16%), đỏ mắt (13,3%), chảy nước mắt sống (12,8%), nhiều nhất là viêm kết mạc cấp (88,8%).
Ở bệnh nhân hậu COVID-19 cho thấy chủ yếu là các bệnh lý mắt có liên quan rối loạn đông máu, rối loạn thần kinh. Đỏ mắt là một biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân hậu COVID-19, trong đó 89% là viêm kết mạc.
Tuy nhiên, bệnh nhân phải được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa mắt, vì còn nhiều bệnh lý mắt khác nguy hiểm hơn cũng có cùng biểu hiện đỏ mắt, ví dụ như viêm màng bồ đào, viêm thượng củng mạc, viêm củng mạc, viêm tổ chức hốc mắt... nếu không điều trị kịp thời có thể sẽ mất thị lực vĩnh viễn.
Một số nghiên cứu cho thấy nhiễm COVID-19 có thể làm biến đổi tình trạng các vi mạch võng mạc theo chiều hướng xấu đi. Nếu bệnh nhân COVID-19 hoặc hậu COVID-19 có biểu hiện mờ mắt, phải đi khám ngay vì bệnh vi mạch võng mạc rất khó điều trị.
Bác sĩ Nguyễn An Pháp cũng cho biết ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhiều người tiếp xúc với các thiết bị máy tính dẫn đến mắc phải hội chứng thị giác màn hình. Đây là bệnh lý về mắt nghiêm trọng dễ mắc phải hiện nay khi tỉ lệ người sử dụng máy tính, điện thoại ngày càng tăng nhanh, phổ biến nhất là những người làm việc văn phòng và phải tiếp xúc với màn hình máy tính ít nhất 8 tiếng mỗi ngày.
Người lớn đi làm không phải là nhóm duy nhất bị ảnh hưởng. Trẻ em nhìn chằm chằm vào máy tính bảng hoặc sử dụng máy tính trong ngày ở trường cũng có thể gặp vấn đề, đặc biệt là nếu ánh sáng và tư thế kém lý tưởng.
Một số biểu hiện đầu tiên của hội chứng thị giác màn hình đó: là nhìn mờ, khô mắt, nhức đầu, nhìn đôi, đau vai, cổ gáy. Hội chứng thị giác màn hình nếu để lâu không khắc phục mắt sẽ có nguy cơ biến chuyển thành các bệnh lý nguy hiểm. (Tuổi trẻ, trang 14)
Biến chủng Omicron có “tàng hình” với kit test?
Không triệu chứng bệnh nhưng test ra kết quả dương tính với SARS-CoV-2, hay có triệu chứng đầy đủ nhưng thực hiện test nhanh nhiều lần lại vẫn không lên “hai vạch”. Có thể nói, sự xuất hiện các biến thể phụ của chủng Omicron đang lây lan trong cộng đồng khiến người dân không khỏi bối rối và lo lắng, liệu biến thể phụ này có khả năng qua mặt kit test nhanh, cho kết quả âm tính giả hay không?
Không nên cố test để tìm “2 vạch”
Chị N.T.N (ngụ tại quận 9) chia sẻ, gia đình chị có 9 người. Mọi người trong nhà đều có kết quả dương tính qua thực hiện test nhanh, đã được y tế địa phương tới hướng dẫn và phát thuốc điều trị. Duy có mình chị trong người có nhiều triệu chứng như: ho khan, đau họng, rát họng, nhưng trong suốt 8 ngày chị tìm cách test nhanh liên tục nhưng que kit test vẫn chỉ “1 vạch”. Cho tới ngày thứ 9 khi chị có tình trạng hơi tức ngực, que test mới thể hiện “2 vạch”. Lúc này chị N mới tới Bệnh viện 175 và được BS cho uống thuốc.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn khối Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 - TP Hồ Chí Minh phân tích, nếu mới là F1 đã test ngay COVID-19 hay test liên tục để cố chứng minh rằng mình bị nhiễm là không đúng và không cần thiết. Trong “mùa” Omicron đang lây lan hiện nay, việc test không quan trọng bằng theo dõi triệu chứng của cơ thể. Có triệu chứng gì thì chữa triệu chứng đó. Với Omicron bản chất là nhẹ, người chích ngừa đủ mũi vaccine rồi thì không nên quá lo lắng.
BS Nguyễn Ngọc Phương, nhân viên khoa xét nghiệm sinh học phân tử BV 30-4- Bộ Công an cho biết, để xác định một biến chủng virus, người ta phải làm xét nghiệm giải trình tự gene. Riêng với biến chủng Omicron BA.1 do có đột biến khuyết thiếu một số gene nên có thể phát hiện được ngay bằng xét nghiệm PCR chứ không cần giải trình tự gene. Ngược lại với Omicron BA.2 do không có các đột biến này nên khi xét nghiệm PCR chỉ xác định được là virus SARS-CoV-2 chứ không xác định ngay được là Omicron, do vậy nó được gọi là "Omicron tàng hình".
Tuy nhiên, ghi nhận tại Bệnh viện 30-4 thời gian gần đây, một số trường hợp bệnh nhân không bị ho, không bị sốt, không đau họng tức là không có một triệu chứng gì nhưng lấy mẫu xét nghiệm PCR cho kết quả nhiễm COVID-19 biến chủng Omicron, tức “âm” triệu chứng nhưng “dương” kết quả. “Omicron “tàng hình” còn là ở chỗ này. Chính vì âm triệu chứng nên là người bệnh không hề lo lắng và trở thành nguy cơ lây lan cho người khác. Vì bản thân họ nghĩ họ không phải là F0. Nên, từ lúc bị bệnh tới khi hết bệnh họ cũng không biết, họ là nguồn lây trong cộng đồng”. BS Phương nhấn mạnh.
Đa số các trường hợp Omicron đều có triệu chứng nhẹ hơn người nhiễm chủng Delta. Bệnh không gây mất mùi, mất vị, triệu chứng thì nhẹ hơn. Người mắc chủng Omicron BA.2 cũng không có tình trạng nặng hơn chủng BA.1. Chủng BA.2 có đặc tính độc lực mạnh hơn một chút so với chủng BA.1.
Biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn, xét nghiệm khó tìm ra. Nếu nghi ngờ mắc COVID-19 nhưng khi xét nghiệm lại âm tính, người xung quanh trong nhà đã có kết quả dương tính, thì phải coi như mình là F0 rồi và chủ động phòng lây cho mọi người.
"Omicron tàng hình" cần được test ra sao?
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, qua khảo sát của y tế, khi giải trình tự gene ngẫu nhiên khu vực TP Hồ Chí Minh, qua xét nghiệm tầm soát 119 trường hợp mắc COVID-19, ghi nhận 103 người nhiễm biến chủng Omicron, chiếm 86%. Qua giải mã trình tự gene 67 mẫu, ghi nhận có 24 trường hợp nhiễm biến thể BA.1 và 43 trường hợp nhiễm biến thể BA.2.
Chưa có bằng chứng về việc người mắc BA.2 gây bệnh nặng hơn so với BA.1 hay các biến chủng khác cũng như chưa ghi nhận thông tin "Omicron tàng hình" lẩn tránh test nhanh. Nhưng trên thực tế, với chủng Omicron, việc test nhanh sẽ không nhạy bằng xét nghiệm RT- PCR.
Theo ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, nếu bệnh nhân có kết quả xét nghiệm nghi ngờ âm tính giả không phải do virus lẩn tránh test nhanh, mà có nhiều nguyên nhân khác. Đó là chủng BA.1 cũng như chủng phụ BA.2 có đặc điểm lây bệnh rất nhanh, đôi khi đã thâm nhập vào cơ thể nhưng kháng nguyên vẫn chưa biểu hiện, do đó khi test có thể chưa phát hiện được bằng test nhanh.
Điều quan trọng nữa, hiện nay, chất lượng các loại kit test trên thị trường cũng chưa được nghiên cứu bài bản, không đồng đều với độ nhạy và độ đặc hiệu. Chưa kể, những ngày đầu phát hiện bệnh, nồng độ virus trong cơ thể còn quá thấp, test nhanh cũng có thể khó phát hiện virus hơn PCR. Khi mẫu bệnh phẩm được lấy không đúng cách sẽ cho kết quả test sai. Tùy theo hướng dẫn của từng loại sinh phẩm, thời gian đọc kết quả từ 15-30 phút. Không đọc kết quả trước hoặc sau thời gian quy định. (Công an Nhân dân, trang 4)
Quyết liệt thực hiện mua vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 1728/VPCP-KGVX ngày 19-3-2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc mua vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, trên cơ sở kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19, chủ động, quyết liệt thực hiện việc mua vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1674/VPCP-KGVX ngày 17-3-2022 của Văn phòng Chính phủ.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5-2-2022 của Chính phủ về việc mua vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân để chậm trễ theo đúng quy định.
* Tại Thông báo số 77/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về việc mua vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; việc thực hiện hợp đồng mua vắc xin AstraZeneca; việc cấp phép thuốc điều trị Covid-19 và việc thực hiện Khoản 5, Điều 6 Nghị quyết số 12/2021/ UBTVQH15, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế làm rõ các loại vắc xin có thể tiêm cho trẻ em; tình hình, dự báo nhiễm vi rút của trẻ em và việc tiêm sau khi bị nhiễm vi rút; kinh nghiệm của các nước tiêm cho trẻ em; các cam kết tài trợ vắc xin của các nước, trên cơ sở đó kiến nghị tổng số vắc xin cần mua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 21-3-2022. Bộ Y tế báo cáo rõ về lô vắc xin 1.109.600 liều vắc xin đã được đưa về Việt Nam từ ngày 22-12-2021; chính sách giảm giá của AstraZeneca đối với các nước và Việt Nam; về 73.504 liều vắc xin VNVC để lại để tiêm miễn phí cho nhân viên…
Ngoài ra, Bộ Y tế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất thuốc điều trị Covid-19 tại Việt Nam; thực hiện cấp phép cho thuốc điều trị Covid-19 theo đúng tinh thần kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Điểm 4, Văn bản số 318/TB-VPCP ngày 27-11-2021 của Văn phòng Chính phủ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết Khoản 5, Điều 6 Nghị quyết số 12/2021/ UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật. (Hà Nội mới, trang 1)
Không phải ai cũng mắc di chứng hậu Covid-19
Nhiều người mắc Covid-19 (F0) sau khi khỏi bệnh rất lo lắng, muốn đi khám hậu Covid-19. Chính vì vậy, nhu cầu tư vấn, khám và điều trị hậu Covid-19 của người dân đang tăng cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, không phải F0 nào cũng gặp phải các di chứng hậu Covid-19, người dân không nên hoang mang, lo lắng.
Ai dễ bị hậu Covid-19?
Dù mới đi vào hoạt động, nhưng Phòng khám hậu Covid-19 Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đến khám mỗi ngày. Các trường hợp đến khám đa số là người già, người có bệnh lý nền trên 60 tuổi; cá biệt, có một số trường hợp còn trẻ, song cũng gặp phải tình trạng suy hô hấp không cải thiện, phải nhập viện điều trị.
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Phụ trách đơn nguyên Covid-19 Bệnh viện Thanh Nhàn nhận thấy, những trường hợp nhiễm biến chủng Delta, khi mắc bệnh triệu chứng rất nặng, nhưng hậu Covid-19 chưa rõ ràng. Thế nhưng, với biến chủng Omicron, khi mắc triệu chứng không nặng, thì hậu Covid-19 lại nặng nề hơn.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, số lượng bệnh nhân đến khám hậu Covid-19 cũng tăng lên từng ngày. Bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp và là một trong 12 nhân viên y tế tham gia Phòng khám hậu Covid-19 của bệnh viện cho biết, phần lớn người bệnh đến khám hậu Covid-19 là người lớn tuổi, có nhiều bệnh nền và số ít là trẻ em. Bệnh nhân đến khám chủ yếu vì những triệu chứng hô hấp và tâm lý, như: Lo lắng, mất ngủ, mệt mỏi…
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đa số trường hợp bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, có khoảng 10-20% trường hợp có triệu chứng Covid-19 kéo dài ở mức độ từ nhẹ đến nặng, gọi là di chứng hậu Covid-19. Bệnh nhân nhiễm Covid-19 sau khỏi bệnh từ vài tuần đến vài tháng, vẫn có nguy cơ đối mặt với hàng loạt triệu chứng kéo dài: Sốt nhẹ, khó thở, mệt mỏi, ho kéo dài, đau khớp, rụng tóc, tim đập nhanh, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, rối loạn vị giác, khứu giác…
Cũng theo WHO, các đối tượng dễ bị hậu Covid-19, gồm: Người phải nằm viện vì Covid-19, người có hơn 5 triệu chứng ở tuần đầu khi mắc Covid-19 (ho, khó thở, tiêu chảy, chóng mặt, đau nhức), người có bệnh lý nền, người trên 65 tuổi.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Phượng, Phó Chủ nhiệm bộ môn Nội, Trường Đại học Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia hô hấp Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho rằng, những F0 phải nhập viện điều trị, nhất là điều trị hồi sức tích cực (ICU) thường gặp di chứng hậu Covid-19. Nhóm F0 nằm viện, có viêm phổi, điều trị ICU thì sau khi ra viện, bác sĩ sẽ hẹn tái khám định kỳ 4 tuần, 8 tuần. Còn nhóm F0 nhẹ, không phải nhập viện thì chỉ đi khám khi có triệu chứng hậu Covid-19.
Không nên hoang mang, lo lắng
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sau khi mắc Covid-19 có thể sức khỏe bị giảm sút. Do đó, người bệnh nên cân đối khẩu phần ăn bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng, bổ sung thêm hoa quả, nước cam, nước chanh… Ngoài ra, người bệnh có thể dùng thêm các loại vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Mọi người nên duy trì tinh thần thoải mái, tập thể dục, tập thở ở nơi có không khí trong lành, uống nhiều nước, ngủ đúng giờ, không nên lo nghĩ quá nhiều. Đặc biệt, không nên tin theo những chỉ dẫn không có căn cứ khoa học trên mạng xã hội, không nên phí tiền vào các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo hỗ trợ hậu Covid-19, nhưng chưa được cấp phép, chứng minh rõ ràng.
Riêng với trẻ em, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, biểu hiện hậu Covid-19 ở trẻ em ít gặp hơn so với người lớn; nếu có thì tỷ lệ gặp ở trẻ lớn nhiều hơn trẻ nhỏ và chủ yếu là rối loạn về tâm thần, như: Lo âu, trầm cảm, mất ngủ, rối loạn trí nhớ, thiếu tập trung... Với các biểu hiện này, nên tự tập thể dục, thay đổi lối sống. Trẻ chỉ nên đi khám hậu Covid-19 khi biểu hiện mệt mỏi, mất ngủ, ho… kéo dài lâu ngày; còn không có triệu chứng gì, không cần đi khám hậu Covid-19.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, sau khi khỏi Covid-19, đa số người bệnh đều có sức khỏe bình thường. Một số trường hợp có triệu chứng: Đau đầu, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, ù tai, chóng mặt, buồn nôn..., nhưng cũng sẽ hết sau vài tuần. Cũng có một số người quá lo lắng, mang tâm lý mình có thể bị hậu Covid-19.
“Nếu trong quá trình theo dõi, điều trị tại nhà, người bệnh phối hợp, tuân thủ phác đồ của ngành Y tế thì hoàn toàn yên tâm về sức khỏe, sau khi khỏi Covid-19. Ngoài ra, việc tiêm đủ liều vắc xin cũng sẽ giúp người bệnh tránh được những triệu chứng bất thường sau khi nhiễm Covid-19. Hiện tại, tất cả các bệnh viện ở Hà Nội đã thiết lập phòng khám để khám sàng lọc, khám Covid-19 và hậu Covid-19 cho người dân. Những người có triệu chứng bất thường, nên đến cơ sở y tế khám để được phát hiện, điều trị kịp thời”, bà Trần Thị Nhị Hà khuyến cáo. (Hà Nội mới, trang 5)
'Hậu COVID' và bệnh tâm lý
Thời gian gần đây, người ta nhắc nhiều đến cụm từ “hậu COVID” đến mức khiến cho những F0 như tôi hết sức hoang mang.
Tôi bị nhiễm COVID - 19 khoảng 5 ngày thì âm tính, không có triệu chứng gì đáng kể, thi thoảng húng hắng ho. Đồng nghiệp khuyên tôi nên đi khám “hậu COVID”. Rằng thì là, không chủ quan được đâu, di chứng để lại mệt mỏi đấy! Có người còn hỏi tôi: “Có thấy hay cáu gắt, mất ngủ và rụng tóc không?”; hay “Có thấy thở dốc mỗi lần leo cầu thang không?”. Tôi không biết trả lời thế nào, vì đó là những triệu chứng mà khi chưa bị nhiễm COVID - 19 thi thoảng tôi vẫn gặp phải.
Trên các diễn đàn về sức khỏe, nhiều câu hỏi liên quan đến “hậu COVID” cũng được đặt ra. Các chuyên gia, kể cả chuyên gia y tế thế giới luôn nhắc nhở người bệnh rằng, đó là những triệu chứng hết sức thông thường.
Tôi tâm đắc ý kiến của một bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm rằng, khó thở, dễ hồi hộp… sau khi mắc COVID khỏi bệnh xảy ra với nhiều lý do, nhưng lo lắng thái quá là một trong những nguyên nhân khiến bệnh biểu hiện rõ ràng hơn. Vì đó chính là bệnh tâm lý.
Đúng thế, tâm lý đang lấn át bệnh lý trong thực trạng nhà nhà F0, người người F0. Trước tâm lý lo sợ “hậu COVID”, nhiều người thậm chí đã tìm đến các thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng bổ phổi. Các loại vitamin xách tay thông thường, bây giờ cũng được người bán “chêm” thêm câu “hồi phục sức khỏe sau khi mắc COVID-19”.
Trong khi đó, ở các bài tư vấn cho F0 của các bác sĩ có chuyên môn, kể cả online hay trực tiếp đưa ra cảnh báo: Không có loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào có tên gọi là “bổ phổi” đâu. Tổn thương phổi sau khi mắc COVID là có thật, tuy nhiên, người bệnh không nên tuỳ tiện dùng thuốc. Điều này xem ra ít người để ý.
“Từ trước đến nay, trong quá trình tư vấn và điều trị bệnh nhân F0, chúng tôi vẫn khuyên họ tập thở, đây cũng là cách phục hồi tốt nhất. Cùng với luyện tập chính cần thêm chế độ dinh dưỡng khoa học và chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Đừng thần thánh hoá các loại thuốc bổ được bán tràn lan trên mạng”, một bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID - 19 ở TPHCM nói với tôi.
Vị này cũng nhấn mạnh, đối với người bệnh, khi cần bổ sung một số chất mà cơ thể thiếu hụt, chúng tôi phải tiến hành xét nghiệm để biết được người đó thừa thiếu bao nhiêu, cần bổ sung liều lượng thế nào, nhóm nào thì phù hợp. Chứ không phải cứ thiếu máu là uống viên sắt, khó thở thì uống “bổ phổi” là thở được…
Nhiều chuyên gia cũng đã phản ánh về thực trạng làm quá lên câu chuyện “hậu COVID” trên mạng xã hội để bán thuốc, để khám bệnh. Thực tế, sau khi mắc COVID, có nhiều người cảm thấy cơ thể ốm yếu, hụt hơi, leo cầu thang thở dốc, mất ngủ… tất cả những triệu chứng đó là hoàn toàn bình thường của một cơ thể vừa trải qua cơn bệnh, các triệu chứng sẽ hết dần khi thể trạng hồi phục.
Thay vì tự diễn biến về những triệu chứng thông thường, chúng ta cần dành thời gian đưa cuộc sống của mình về quỹ đạo bình thường vốn có như thế sẽ mất dần “hậu COVID”. (Tiền phong, trang 14).