Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 21/4/2016

  • |
T5g.org.vn - Lấy khối u trong mũi bệnh nhân; Công bố hết ổ dịch do virus Zika tại TP. Hồ Chí Minh; Kiểm soát dịch bệnh bằng bản đồ số…

Lấy khối u trong mũi bệnh nhân

Chiều 19-4, BS Trần Duy Huân, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV quận Gò Vấp (TP.HCM), cho biết nơi này vừa phẫu thuật nội soi cắt u nhú, giải phóng đường mũi cho bệnh nhân NTH (53 tuổi, quận Gò Vấp).

Theo BS Huân, bệnh nhân là người khiếm thị, đang điều trị đái tháo đường. Bệnh nhân đến BV quận Gò Vấp khám trong tình trạng nghẹt mũi kéo dài, một khối u thập thò vùng mũi trái.

“Khối u phát triển nhanh gây bít tắc toàn bộ vùng mũi trái, lan ra cửa mũi sau và nguy cơ che lấp cả cửa mũi sau bên phải, kèm theo đó bệnh nhân hay bị chảy máu mũi rỉ rả, khối u làm dãn rộng kích thước mũi trái gây nhiều khó chịu, đau đầu và làm sức khoẻ bệnh nhân suy giảm” - BS Huân nói.

Bệnh nhân được chỉ định mổ nội soilấy toàn bộ  khối u. Kết quả giải phẫu bệnh lý cho thấy đây là loại u nhú gai.

Sau mổ bệnh nhân phục hồi tốt, tình trạng nghẹt mũi giảm nhiều và đã được xuất viện.(Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh trang 2)

 

Công bố hết ổ dịch do virus Zika tại TP. Hồ Chí Minh

Sáng 20.4, tại cuộc họp của Sở Y tế TPHCM, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, sau khi công bố dịch Zika cấp phường tại phường Thạch Mỹ Lợi (quận 2, TPHCM), Sở Y tế đã triển khai chống dịch tại nơi ở và nơi làm việc của bệnh nhân; đẩy mạnh hoạt động truyền thông lồng ghép phòng, chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết; giám sát phát hiện bệnh nhân Zika tại 30 bệnh viện.

Tại nơi ở của bệnh nhân, ngoài việc phun hóa chất diệt muỗi, vận động người dân diệt muỗi, lăng quăng, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đã mở rộng truyền thông cho dân khu phố 1, 2; phun hóa chất diệt muỗi tại Bệnh viện Quận 2; lập 2 bàn tư vấn về Zika; truyền thông đối với những hộ có thai phụ trong phạm vi ổ dịch Zika và tư vấn cho thai phụ tại những phòng khám thai. Tại nơi làm việc của bệnh nhân, y tế thành phố tiếp tục phun hóa chất tại Thảo Cầm Viên, hướng dẫn Thảo Cầm Viên thực hiện truy tìm và xử lý ổ lăng quăng, các vật chứa; giám sát phát hiện ca bệnh mới.

Sau 23 ngày giám sát, đến thời điểm này, tại TPHCM vẫn chưa phát hiện thêm ca bệnh mắc virus Zika mới. Do đó, dự kiến trong vài ngày tới, Sở Y tế TPHCM sẽ báo cáo với UBND TP để công bố hết dịch Zika cấp phường.

Dự kiến hôm nay (21.4), Sở Y tế TPHCM sẽ báo cáo với UBND TP để công bố hết dịch Zika cấp phường. Được biết, sức khỏe của thai phụ nhiễm virus Zika tiến triển tốt.( Lao động trang 2, Sài Gòn giải phóng trang 1)

 

Kiểm soát dịch bệnh bằng bản đồ số

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cho biết đơn vị này và Trung tâm ứng dụng hệ thống thông tin địa lý TP.HCM – Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM đang thí điểm triển khai thực hiện phần mềm “Quản lý bệnh lây nhiễm bằng công nghệ GIS”. Theo ông Dũng, đây là ý tưởng mà TTYTDP muốn làm từ 5 năm trước, nhưng lúc này chưa có bản đồ GIS. Vì vậy, khi Sở KH-CN có Trung tâm GIS, thể hiện được đến cả địa chỉ nhà, hệ thống cấp nước,… TP YTDP đã đề nghị hai bên phối hợp để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn…(Thanh niên trang 5)

 

Lấy kim khâu trong xương bánh chè cháu bé 1 tuổi

Chiều 18-4, trong lúc ngồi xem anh trai 10 tuổi khâu diều, bé trai N.H.T (1 tuổi, ở Ninh Bình) đã bị cây kim dài 3cm đâm trúng đầu gối.

Mẹ bé T đã rút cây kim khỏi chân con nhưng kim bị gãy, 1/2 thân kim vẫn nằm sâu trong khớp gối. Bác sĩ Lê Tuấn Anh, khoa Chỉnh hình Nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các bác sĩ phải tăng sáng máy X-quang, hỗ trợ định vị dị vật thì mới phát hiện được kim đã găm vào xương bánh chè của cháu. Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, dị vật mới được gắp ra. Hiện sức khỏe cháu T đã ổn định.( An ninh thủ đô trang 2, Công an nhân dân trang 7)

 

Phẫu thuật cắt bỏ khối u quái ác cho bé gái vùng cao

Ngày 20-4, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ca phẫu thuật xử lý cắt bỏ khối u khổng lồ trên người bệnh nhi Ly Thị Lúa (10 tuổi, ở bản Giàng Trù A, xã Du Già, huyện Yên Minh, Hà Giang) đã được thực hiện thành công.

Sau gần 5 tiếng phẫu thuật, đã giải quyết được khối u lớn nặng 3 kg cho bé Lúa và tạo hình lại màng cứng và phần xương khiếm khuyết cho bé. Bác sĩ Lê Nam Thắng - Phó trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đây là ca mổ phức tạp vì hệ thống thần kinh của cháu bị tổn thương rất nhiều vì khối u gây ra. Sau thành công bước đầu của ca phẫu thuật, bệnh nhi Lúa sẽ còn phải tiếp tục được theo dõi và điều trị lâu dài để phục hồi chức năng vận động cùng với các chức năng khác của cơ thể.

Được biết, cháu Ly Thị Lúa là con của bà Vàng Thị Chủ (50 tuổi, dân tộc Mông, ở thôn Giàng Trù A, xã Du Già, huyện Yên Minh, Hà Giang). Cháu Lúa là con thứ 4 của bà Chủ. Ngay từ khi sinh ra, cháu Lúa đã bị một khối u to bằng quả trứng gà nằm ở phía xương cụt. Đến khi, bé Lúa được 2 tuổi, khối u trên cứ thế lớn theo dần và tới năm 10 tuổi, khối u đã phát triển rất lớn, khiến đôi bàn chân của cháu Lúa teo lại không thể đi đứng như người bình thường. Sau khi bán hết số lợn gà trong nhà được hơn 2,4 triệu đồng để lấy tiền chữa bệnh, gia đình đã đưa cháu Lúa xuống Bệnh viện Nhi trung ương khám bệnh. Tại đây, qua kết quả khám sàng lọc cho thấy cháu Lúa bị mang khối u quái ác trên là do bị thoát vị dịch não tủy nên cần phải phẫu thuật cắt bỏ.( Sài Gòn giải phóng trang 6)

 

Công bố kết quả cuộc thi ảnh “Vì sức khỏe nhân dân”

Sáng 20-4, Bộ Y tế đã công bố kết quả cuộc thi ảnh “Vì sức khỏe nhân dân”. Sau 4 tháng phát động, BTC cuộc thi đã nhận được gần 1.300 bức ảnh của 148 tác giả dự thi. Các tác phẩm có chất lượng tốt, phản ảnh hầu hết các lĩnh vực hoạt động của ngành, để lại ấn tướng tích cực. Giải nhất cuộc thi thuộc về tác phẩm “Niềm hy vọng” của tác giả Nguyễn Thế Thiêm (phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh). Ngoài ra, BTC còn trao 2 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến khích, 1 giải do bạn đọc bình chọn nhiều nhất…(Hà Nội mới trang 5)

 

Thừa Thiên – Huế phát động chiến dịch phòng, chống bệnh do virus Zika

Ngày 20-4, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức phát động “ Chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng, phòng chống bệnh do vi-rút Zika và sốt xuất huyết”. Tại lễ phát động, UBND tỉnh kêu gọi các ngành, các cấp và người dân cùng chung tay tham gia phòng, chống sốt xuất huyết, vi – rút Zika thông qua những hành động đơn giản, thiết thực, với mục tiêu “ không có lăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Bên cạnh việc triển khai các biện pháp đồng bộ trong kiểm soát dịch bệnh như: phun hóa chất diệt muỗi; xử lý ổ dịch…(Nhân dân trang 5)

 

Gỡ vướng để mô hình bác sĩ gia đình phát triển

Sau ba năm thực hiện thí điểm tại tám tỉnh, thành phố, mô hình bác sĩ gia đình đã có kết quả bước đầu và khả năng nhân rộng là hoàn toàn khả thi. Nhưng ngay từ lúc này rất cần sự vào cuộc của  ngành y tế và chính quyền địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Có như vậy, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình sẽ phát huy được thế mạnh trong hệ thống y tế…(Nhân dân trang 5)

 

Nội soi cứu sống cháu bé 15 tháng tuổi mất máu nặng do sỏi ruột thừa

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiến hành nội soi cấp cứu thành công cứu sống một cháu bé 15 tháng tuổi bị sỏi ruột thừa dẫn đến mất máu nặng.

Bệnh nhi là bé N.H.N., 15 tháng tuổi, nhập viện tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng mất máu nặng: da xanh, niêm mạc nhợt nhiều. Theo gia đình kể, hai ngày trước đó cháu đi ngoài ra máu đỏ tươi liên tục, đã nhập viện tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và được điều trị tích cực bằng truyền máu và kháng sinh, tuy nhiên trẻ vẫn đi ngoài phân máu và thiếu máu gia tăng nên được vận chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị tiếp.

Tại khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, tình trạng đi ngoài ra máu của bé N. vẫn tiếp diễn. Bệnh nhi được cho thở oxy, truyền máu và hội chẩn cấp cứu với các bác sĩ nội soi, bác sĩ ngoại trong đêm. Nội soi đại tràng phát hiện hình ảnh một viên sỏi đại tràng cắm vào vị trí lỗ ruột thừa. Đây chính là nguyên nhân gây chảy máu đường tiêu hóa ở trẻ. Sau khi gắp viên sỏi ra ngoài cơ thể và bơm rửa sạch ruột thừa bằng Adrenalin pha loãng, vết thương đã ngừng chảy máu. Bé N. được chuyển đến khoa tiêu hóa theo dõi tiếp. Sau đó trẻ không còn đi ngoài ra máu, sức khỏe dần bình phục. Sau 5 ngày, bệnh nhi đã được ra viện trong tình trạng sức khỏe ổn định mà không phải trải qua phẫu thuật.( Nhân dân trang 5)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang