Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 21/4/2023

  • |
T5g.org.vn - Dịch Covid-19 chưa phải bất thường, không nên quá hoang mang; TPHCM kích hoạt “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”; Triển lãm quốc tế ngành y, dược Việt Nam năm 2023 có số gian hàng cao kỷ lục...

 

Số ca mắc COVID-19 tăng: Làn sóng dịch mới

Dịp nghỉ lễ 30/4 là cơ hội để người dân đi lại, giao lưu, du lịch, tụ tập đông người hoặc cả nước sẽ có nhiều sự kiện lớn như các lễ hội du lịch... Điều này sẽ tạo nguy cơ cao cho dịch lây lan, làm gia tăng ca nhiễm.

Các chuyên gia dịch tễ đều có chung nhận định các địa phương cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ cao.

PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - cho hay, số mắc COVID-19 đang gia tăng trở lại vì sau một thời gian tiêm vắc xin miễn dịch giảm và miễn dịch của người đã nhiễm bệnh cũng giảm nên các đối tượng này tiếp tục có nguy cơ mắc lại.

Về việc sau dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4 tới đây có hay không nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 như năm 2021, TS Phu nói: “Dù số ca mắc có gia tăng, nhưng để dịch bùng phát lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay là số ca tử vong tăng như đợt dịch của TPHCM và miền Nam trước đây là không xảy ra vì hiện biến chủng phụ dù lây lan nhanh nhưng vẫn là biến thể của chủng Omicron, chủ yếu gây bệnh nhẹ, không gây ra triệu chứng nặng”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, ngành y tế cũng phải đánh giá lại nguy cơ của COVID-19 xem liệu có xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, gây diễn biến nặng, các triệu chứng nguy hiểm hay có thể vô hiệu hóa vắc xin chúng ta đang sử dụng hay không. Từ đó, sẽ có cảnh báo cho người dân, đưa ra các phản ứng phù hợp để không bị bất ngờ, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Các địa phương đặc biệt lưu ý bảo vệ đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vắc xin) vì khi nhiễm bệnh dễ chuyển nặng phải nhập viện, gây quá tải hệ thống y tế và tăng tỷ lệ tử vong. Do đó, cần tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo quy định Bộ Y tế.

Tiếp tục giám sát sự lưu hành của COVID-19

Thống kê của Bộ Y tế những ngày gần đây cho thấy số ca mắc liên tục tăng. Ngày 20/4, Việt Nam ghi nhận 2.464 ca COVID-19, tăng 302 trường hợp so với 24 giờ trước và còn 109 bệnh nhân nặng điều trị. Đáng chú ý, số ca thở máy tăng thêm 7 ca sau 1 ngày. Theo ông Phu, đợt tăng ca nhiễm mạnh này là một làn sóng dịch mới. Tuy nhiên, lợi thế là Việt Nam đã có hiểu biết nhiều về COVID-19, năng lực phòng, chống dịch tăng lên, cách đáp ứng tăng lên và đặc biệt là linh hoạt hơn. Thời gian tới, Việt Nam vẫn nên tiếp tục giám sát sự lưu hành của COVID-19 để có đủ điều kiện cũng như là đủ năng lực để ứng phó khi có bất cứ sự thay đổi nào về mô hình dịch cũng như là chủng virus. “Dựa trên nguyên tắc nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, Việt Nam cần phải đánh giá đúng nguy cơ, sẽ đưa ra kịch bản đáp ứng phù hợp không ảnh hưởng kinh tế. Trước sự gia tăng ca nhiễm trên thế giới, chẳng hạn như Ấn Độ, đặc biệt là sự xuất hiện biến thể XBB.1.16 lây lan nhanh hơn, chúng ta cần phải nhận thức rõ: vì dịch COVID-19 chưa ổn định nên Tổ chức Y tế Thế giới chưa tuyên bố chấm dứt là Sự kiện y tế công cộng khẩn cấp đáng quan ngại”, ông Phu nói. Việt Nam đã có những biện pháp nới lỏng nhưng vẫn kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đặc biệt bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương. Do đó, Việt Nam cố gắng kiểm soát không để dịch bùng phát mạnh, đặc biệt không để gây quá tải hệ thống y tế.

“Để dự phòng cá nhân cho mình trước việc tăng số ca nhiễm mới, mọi người cần thực hiện tốt như đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách tại khu vực nguy cơ, rửa tay khử khuẩn… Những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang. Mọi người cần đeo khẩu trang để phòng bệnh cho mình và cộng đồng nhất là đối tượng dễ bị tổn thương những người cao tuổi, người mắc bệnh nền, thai phụ…”, ông Phu khuyến cáo. (Tiền phong, trang 15).

 

TPHCM kích hoạt “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”

Trước nguy cơ dịch bệnh Covid-19 có thể bùng phát trở lại do miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 có xu hướng giảm và sự xuất hiện của các biến thể phụ của Omicron, ngành y tế thành phố đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận huyện cần có sự phối hợp tốt để triển khai hiệu quả “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”.

Ngày 20-4, Sở Y tế TPHCM cho biết, số ca mắc Covid-19 tại thành phố tiếp tục tăng, kéo theo đó là số ca nhập viện cũng gia tăng. Trước nguy cơ dịch bệnh Covid-19 có thể bùng phát trở lại do miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 có xu hướng giảm và sự xuất hiện của các biến thể phụ của Omicron, ngành y tế Thành phố cho biết, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cần có sự phối hợp tốt để triển khai hiệu quả “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”.

Theo Sở Y tế TPHCM, hầu hết các ca nhập viện là người cao tuổi có bệnh nền. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể bùng phát trở lại do miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 bắt đầu có xu hướng giảm dần trên địa bàn TPHCM (từ 98,7% vào tháng 9-2022 nay giảm xuống còn 94.17%) và sự xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 của Omicron, UBND TPHCM đã chỉ đạo ngành y tế thành phố và UBND TP Thủ Đức và các quận huyện cần triển khai ngay các giải pháp nhằm bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, cụ thể:

Cập nhật danh sách và quản lý người thuộc nhóm nguy cơ. UBND xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý nhóm nguy cơ cao trên địa bàn (gồm người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người chưa tiêm đủ vaccine phòng Covid-19 ở người trên 18 tuổi. Chỉ đạo các bộ phận liên quan phối hợp tổ chức rà soát, cập nhật danh sách, chuẩn hóa dữ liệu người thuộc nhóm nguy cơ, đảm bảo các dữ liệu chính xác và được cập nhật kịp thời).

Tổ chức tiêm chủng vaccine Covid-19. Rà soát lập danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vaccine Covid-19 hoặc tiêm chưa đủ liều; vận động, thuyết phục người dân đến các điểm tiêm trên địa bàn; tổ chức tiêm vaccine Covid-19 đảm bảo không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức tiêm lưu động đến tiêm tại nhà cho những người không di chuyển được.

Tổ chức tiêm mũi bổ sung, tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ đã tiêm đủ mũi cơ bản; đặc biệt tại các địa phương có tỷ lệ người thuộc nhóm nguy cơ tiêm mũi nhắc lại lần 2 dưới 80%. Rà soát, tổ chức tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ cho người sống chung, người cùng gia đình với người thuộc nhóm nguy cơ.

Tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19. Hỗ trợ người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ theo dõi sức khỏe và điều trị ngay khi phát hiện mắc Covid-19. Khi thực hiện việc cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà cho người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ cần tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn về cách tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà; cấp phát thuốc điều trị Covid-19 theo quy định.

Thực hiện chăm sóc, điều trị bệnh nền cho người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ cao tại nhà hoặc tại các cơ sở điều trị; cần có tư vấn và phối hợp của cán bộ chuyên khoa tương ứng với bệnh nền của người mắc Covid-19. Trong trường hợp người sống chung, người cùng gia đình mắc Covid-19, cần tách riêng người thuộc nhóm nguy cơ để thực hiện việc theo dõi sức khỏe, đảm bảo việc giảm thiểu thấp nhất nguy cơ mắc Covid-19.

Thực hiện việc theo dõi, cách ly, điều trị cho người sống chung, người cùng gia đình bị mắc Covid-19 cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn mới được sống chung, tiếp tục chăm sóc người thuộc nhóm nguy cơ.

Bên cạnh đó, tổ chức truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe. Tăng cường hoạt động truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ biết cách tự theo dõi sức khoẻ, thực hiện tốt thông điệp 2K, đặc biệt là đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, hạn chế tụ tập và đến nơi tập trung đông người.

Theo Sở Y tế TPHCM, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư trước đây, Thành phố đã triển khai hiệu quả “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”, đã có 863.401 người đã được lập danh sách và quản lý, trong đó, đã phát hiện và vận động gần 21.000 người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 để tiêm vaccine, xét nghiệm tầm soát phát hiện sớm 8.080 người mắc để chăm sóc và cấp phát thuốc điều trị kịp thời. Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ lúc bấy giờ đã góp phần cải thiện tình hình mắc, chuyển nặng và tử vong do Covid-19. (Sài Gòn giải phóng,  trang 7).

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 15: “Khẩn cấp bảo vệ người trong nhóm nguy cơ”; Thanh niên, trang 4: “TP.HCM triển khai Chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ”.

 

10 bệnh viện của 4 tỉnh thành phía Nam sẽ đánh giá hiệu quả tiêm vaccine COVID-19 ở Việt Nam

Dự án "Đánh giá hiệu quả tiêm chủng vaccine tại Việt Nam" sẽ được khảo sát tại 10 bệnh viện của 4 tỉnh thành là TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày 19/4, Viện Pasteur TP.HCM có văn bản gửi Sở y tế 4 tỉnh, thành và 10 bệnh viện khu vực phía Nam đề nghị cho ý kiến về việc phối hợp triển khai dự án: "Đánh giá hiệu quả tiêm chủng vaccine tại Việt Nam".

Mục tiêu của dự án nhằm đánh giá hiệu quả của việc tiêm đầy đủ các mũi vaccine cơ bản và tăng cường trong phòng ngừa các ca COVID-19 từ 12 tuổi trở lên phải nhập viện hoặc tử vong tại Việt Nam.

Theo đó, 4 tỉnh thành gồm: TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.

10 bệnh viện gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, Bệnh viện Đa khoa thị xã Tân Uyên; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, Bệnh viện Đa khoa huyện Bến Cầu, Bệnh viện Bà Rịa và Bệnh viện Vũng Tàu.

Theo đó, tổng số lượng đối tượng tại tất cả các điểm tham gia khảo sát bệnh chứng xét nghiệm âm tính (test-negative case-control) là 2.800 ca COVID-19 nằm viện và tuyển 3.200 ca chứng.

Bệnh nhân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định ca bệnh bằng xét nghiệm realtime RT-PCR và giải trình tự gene xác định biến thể của SARS-CoV-2.

Được biết, dự án này đưa ra lấy ý kiến trong bối cảnh số ca COVID-19 có chiều hướng gia tăng trở lại tại nhiều tỉnh, thành trong đó có TP.HCM. Từ ngày 10-16/4, TP.HCM ghi nhận 33 ca mắc COVID-19, riêng ngày 15/4 hệ thống ghi nhận 12 ca bệnh, tăng hơn 6 lần so với trung bình bốn tuần trước. (Sức khoẻ & Đời sống,  trang 3).

 

Triển lãm quốc tế ngành y, dược Việt Nam năm 2023 có số gian hàng cao kỷ lục

Triển lãm quốc tế chuyên ngành y dược Việt Nam năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 10-13/5, với hơn 500 gian hàng của 350 đơn vị đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại buổi họp báo thông tin về triển lãm quốc tế ngành y, dược Việt Nam (Vietnam Medi Pharm) năm 2023 diễn ra chiều 19/4, TS. Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết đây là kỳ tổ chức lần thứ 30, do vậy triển lãm lần này có số lượng đơn vị tham dự tăng rất cao, tăng gần 3 lần so với năm 2022 và cũng là năm có số lượng gian hàng cao nhất từ trước đến nay; giới thiệu nhiều sản phẩm, công nghệ y tế tiên tiến.

"Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam đã trở thành sự kiện thường niên được cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các nhà chuyên môn và người dân mong đợi trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ"- Chánh văn phòng Bộ Y tế Hà Anh Đức nói.

TS. Hà Anh Đức kỳ vọng, triển lãm VIETNAM MEDI-PHARM 2023 lần thứ 30 sẽ tiếp tục trở thành cầu nối hiệu quả cho các đơn vị tham gia, tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối tìm kiếm đối tác, hợp tác đầu tư, phân phối sản phẩm, công nghệ nhằm nâng cao xúc tiến thương mại phát triển thị trường y dược tại Việt Nam, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Năm nay, triển lãm quy tụ hơn 500 gian hàng của 350 đơn vị tham dự là các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Ấn Độ, Ba Lan, Bỉ, Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, Phần Lan…

Trong khuổn khổ triển lãm sẽ diễn ra các hoạt động quan trọng, như: Hội thảo Chính sách mới trong quản lý trang thiết bị y tế; Hội thảo Bước tiến mới trong y học tái sinh - Liệu pháp tế bào gốc kết hợp Exosome trong điều trị bệnh lý miễn dịch, tiểu đường, tim mạch và thần kinh; Hội thảo các bệnh lý về đường tiêu hóa - chẩn đoán, phòng ngừa; … với sự góp mặt của các diễn giả là những chuyên gia đến từ các tổ chức y tế, tập đoàn y dược uy tín tại Nhật Bản và Việt Nam; các chương trình giao lưu, giới thiệu sản phẩm, tuyên truyền phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng chống dịch bệnh, tư vấn sức khỏe-dinh dưỡng; trải nghiệm các thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe, giám sát sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp…

Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 10-13/5 tại Hà Nội, quy tụ hơn 500 gian hàng của 350 đơn vị là các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Ấn Độ, Ba Lan, Bangladesh, Bỉ, Đức, Czech, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hongkong (Trung Quốc), Indonesia, Israel, Iran, Nga, Malaysia, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Thái Lan, Thụy Điển, Trung Quốc, Phần Lan, Việt Nam...

Tại các kỳ triển lãm, Ban tổ chức tăng cường công tác tuyên truyền và có kế hoạch tổ chức các chương trình hoạt động thiện nguyện, chăm sóc sức khỏe cộng đồng xã hội. (Sức khoẻ & Đời sống,  trang 2).

 

Làm gì khi COVID-19 tăng lại?

Ca COVID-19 có xu hướng gia tăng và các chuyên gia lo ngại kỳ nghỉ lễ sắp tới sẽ tăng nhanh nếu chủ quan.

Theo Bộ Y tế, từ ngày 8-4, số ca mắc COVID-19 trên cả nước bắt đầu gia tăng, đến 19-4 đã vượt mốc 2.000 ca/ngày - con số kỷ lục trong hơn nửa năm qua. Người dân và các địa phương đang đối phó thế nào? Nếu bị nhiễm phải làm gì? Có cần giấy xác nhận khỏi bệnh không?

Phải cách ly, cấp giấy xác nhận?

Ngay khi COVID-19 quay trở lại, một số địa phương đã tăng cường cảnh báo. Tại Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM, ngay khi số ca mắc bắt đầu gia tăng, các thành phố cũng bắt đầu tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trước kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 và giỗ Tổ Hùng Vương.

* Hà Nội đề nghị người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Đồng thời tiếp nhận, phân bổ gần 18.000 liều vắc xin COVID-19 để tăng cường tiêm chủng cho người dân.

Đại diện Trung tâm Y tế quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết hiện quận đang triển khai kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là trường học.

"Khi trẻ có ho, sốt sẽ được xét nghiệm nhanh để xác định có dương tính COVID-19 hay không. Trẻ mắc COVID-19 sẽ thông báo với nhà trường, sau đó nhà trường thông báo đến trạm y tế thực hiện khử khuẩn lớp học. Học sinh mắc bệnh, tùy thuộc vào tình trạng sẽ được cách ly tại nhà hoặc điều trị tại cơ sở y tế", vị này cho hay.

Về giấy xác nhận mắc COVID-19, một trưởng trạm y tế xã tại Hà Nội thông tin vẫn thực hiện theo quy định của Bộ Y tế. Theo đó, người mắc COVID-19 sau khi đến trạm y tế sẽ được cấp giấy xác nhận để xin nghỉ phép, hưởng chế độ bảo hiểm. Cách ly tại nhà theo quy định 7-10 ngày, khi âm tính với COVID-19 sẽ được cấp giấy xác nhận.

* Tại TP.HCM, Sở Y tế thông tin số mắc đang có chiều hướng gia tăng, có thể bùng phát trở lại. TP đã kích hoạt chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trước COVID-19, đề nghị các quận, huyện tăng cường tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các giáo viên, học sinh đeo khẩu trang trong trường học.

Ông Nguyễn Hồng Tâm - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết người mắc COVID-19 nặng sẽ được cách ly, điều trị tại bệnh viện được phân công.

Người không triệu chứng/triệu chứng nhẹ sẽ được cách ly, điều trị tại nhà trong 7 ngày nếu đủ điều kiện. Sau 7 ngày, nếu kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vắc xin. Trạm y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận người bệnh cách ly tại nhà khỏi bệnh.

Điều đặt ra hiện nay là dịch COVID-19 đã xuất hiện tại Việt Nam hơn 3 năm, bệnh cảnh theo khảo sát là nhẹ hơn trước đây, tỉ lệ đã tiêm chủng rất cao. Với các yếu tố này, việc yêu cầu "cấp chứng nhận khỏi bệnh" có cần thiết hay cần cải cách để giảm phiền hà?

Bên cạnh đó, số mắc báo cáo có thể không đúng so với số mắc thực tế, yêu cầu cách ly chặt nhưng thực tế vẫn "lọt" cơ số bệnh nhân không quản lý được.

COVID-19 trong và sau lễ sẽ thế nào?

"Ca mắc có tăng nhưng số chuyển nặng dưới 2% so với tổng số ca mắc mới. Điều này thể hiện COVID-19 không có sự gia tăng về độc lực. Theo giám sát, phân tích giải trình tự gene thì chưa xuất hiện biến chủng COVID-19 mới tại Việt Nam. Vì vậy, về cơ bản chúng ta vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh", vị chuyên gia phân tích.

Về việc gần ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5, số ca mắc COVID-19 có sự gia tăng, trước đó năm 2022 trước kỳ nghỉ lễ 2-9 số ca mắc cũng tăng, chuyên gia này cũng nhận định có thể là sự trùng hợp.

Chuyên gia nêu rõ đầu tháng 4 số ca mắc có gia tăng, đặc biệt khu vực phía Bắc. Bởi đây là thời điểm giao mùa, thời tiết nồm ẩm khiến các bệnh liên quan đến hô hấp gia tăng. Khi người dân có biểu hiện sổ mũi, ho, sốt được xét nghiệm COVID-19 và phát hiện dương tính, dẫn đến số lượng xét nghiệm tăng, phát hiện ca mắc tăng.

Tại TP.HCM, Sở Y tế TP cho hay với sự xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 của Omicron và miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 bắt đầu có xu hướng giảm dần (từ 98,7% vào tháng 9-2022 nay giảm xuống còn 94,17%) đã làm số ca mắc COVID-19 lại tăng (riêng ngày 18-4 là 47 ca - cao nhất từ đầu 2023 đến nay). Khi cả nước bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài, việc đi lại, giao lưu, tiếp xúc nhiều sẽ có nguy cơ tăng thêm.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho rằng COVID-19 không phải là vấn đề khẩn cấp trong giai đoạn hiện nay. PGS Dũng đánh giá dịch COVID-19 tại TP trong và sau dịp nghỉ lễ dài sắp tới là ổn. Nhưng người dân không nên chủ quan, đặc biệt là bảo vệ nhóm nguy cơ.

"Quan tâm đến COVID-19 và bảo vệ con người là luôn luôn đúng. Nó chỉ không phù hợp nếu quan tâm đến COVID-19 hay các biện pháp phòng chống là quá mức, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và kinh tế đất nước", PGS Dũng chia sẻ.

Phòng COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ

Theo ông Phan Trọng Lân - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tùy vào mức độ dịch mà các địa phương có phương án phòng chống dịch linh hoạt. Ca mắc hiện nay rải rác ở các địa phương, tổng số có tăng nhưng vẫn được kiểm soát tốt, cả nước vẫn đang là "vùng xanh".

Các chuyên gia khuyến cáo người dân khi tham gia phương tiện giao thông công cộng di chuyển trong kỳ nghỉ lễ cần đeo khẩu trang, khử khuẩn tay thường xuyên và chủ động tiêm vắc xin COVID-19 đủ liều, đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế để duy trì miễn dịch.

Khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh, đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn chẩn đoán điều trị kịp thời. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Dịch Covid-19 chưa phải bất thường, không nên quá hoang mang

Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 trên cả nước vẫn đang tăng nhanh. Tính trong 6 ngày qua (từ ngày 14 đến 19-4), nước ta ghi nhận 6.986 ca mắc Covid-19, trung bình có gần 1.200 ca/ngày. Riêng ngày hôm qua (19-4), số ca mắc Covid-19 tăng vọt lên 2.159 ca - cao nhất trong hơn nửa năm qua.

Hiện có 628 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 331 người điều trị tại bệnh viện và 297 người theo dõi tại nhà.

PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, hiện có rất nhiều người mắc Covid-19, có hoặc không có triệu chứng, tự test tại nhà. Thậm chí, nhiều người không xét nghiệm và không tới cơ sở y tế nên chưa có thống kê đầy đủ.

Theo ông Phu, nguyên nhân khiến dịch Covid-19 gia tăng thời gian gần đây có thể do miễn dịch của người sau tiêm vaccine hoặc từng nhiễm đã giảm. Bên cạnh đó, thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, trong khi người dân lơ là không đeo khẩu trang nên bệnh dễ dàng lây nhiễm…

Dù vậy, qua giám sát của cơ quan chuyên môn, hiện ở nước ta chưa xuất hiện các chủng virus mới mang độc lực cao. Các biến chủng được phát hiện đều trùng với những biến chủng đã ghi nhận trên thế giới.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, người dân không chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang vì số ca Covid-19 gia tăng hiện nay chưa phải bất thường. Quan trọng là các cơ quan chức năng phải chủ động trong công tác phòng, chống bệnh, còn người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh hơn nữa như tiêm vaccine, đeo khẩu trang… (An ninh Thủ đô, trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang