Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 21/7/2016

  • |
T5g.org.vn - Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn: Làm chủ kỹ thuật định vị, phẫu thuật u rất nhỏ; Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đình chỉ toàn bộ kíp phẫu thuật nhầm chân; Chạy thận nhân tạo cho người bệnh tại trạm y tế phường...

Chạy thận nhân tạo cho người bệnh tại trạm y tế phường

Lần đầu tiên trên cả nước, một bệnh viện cấp quận, huyện ở TPHCM đã thí điểm đưa vào vận hành phòng khám đa khoa vệ tinh tại một trạm y tế cấp phường.

Sáng 20/7, Bệnh viện quận Thủ Đức tổ chức khánh thành Phòng khám đa khoa vệ tinh của mình, đặt tại Trạm y tế phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức, TPHCM).

Phòng khám đa khoa vệ tinh bệnh viện Thủ Đức được thành lập với đầy đủ các bộ phận khám chuyên khoa, như: cấp cứu, khám nội, sản, khám ngoại, khám nhi, tai mũi họng, răng - hàm - mặt, phục hồi chức năng - y học cổ truyền, khám da liễu, siêu âm, xét nghiệm. Đặc biệt, cũng tại trạm y tế phường Bình Chiểu, bệnh viện quận Thủ Đức đã triển khai phòng chạy thận nhân tạo với hai máy lọc thận mới. Đây được xem là trạm y tế đầu tiên trên cả nước đưa vào hoạt động dịch vụ chạy thận nhân tạo, mở ra nhiều điều kiện thuận lợi đối với người dân cư trú tại địa bàn. Hiện tại, bệnh viện Thủ Đức đã chuyển hơn 10-15/150 bệnh nhân đang lọc thận nhân tạo tại bệnh viện về trạm vệ tinh này để tiếp tục điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức, cho biết dưới sự chỉ đạo của UBND quận, thời gian qua bệnh viện đã đưa bác sĩ về trực tiếp hỗ trợ cho 12 trạm y tế phường trực thuộc và đã mang lại nhiều kết quả tốt. Từ đó, bệnh viện Thủ Đức chọn trạm y tế phường Bình Chiểu để thí điểm phòng khám đa khoa vệ tinh với đầy đủ các loại hình khám chuyên khoa cũng như đảm bảo chất lượng ngang nhau giữa bệnh viện - trạm y tế.

 “Việc ra đời phòng khám đa khoa vệ tinh này sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi đến  khám và điều trị các bệnh thông thường. Đáng kể, với việc đầu tư hai máy lọc thận mới tại trạm y tế phường, bệnh viện mong muốn đáp ứng nhu cầu chữa trị cho những người dân ngay tại nơi cư trú, giúp tiết giảm thời gian và chi phí cho họ cũng như giảm tải lượng bệnh nhân ở tuyến trên. Để vận hành hiệu quả phòng chức năng này, bệnh viên sẽ định kỳ kiểm định mẫu nước để đảm bảo chất lượng của việc lọc thận”, bác sĩ Nguyễn Minh Quân nói.

Ông Quân cũng cho biết nếu mô hình phòng khám này hoạt động hiệu quả sẽ tiếp tục triển khai đối với hai phường khác trong quận Thủ Đức là Hiệp Bình Chánh và Linh Trung.

Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết địa bàn quận có dân số khá đông với trên 500.000 dân, riêng phường Bình Chiểu đã trên 65.000 dân, lại là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp với nhiều người dân lao động nhập cư nên nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu là rất lớn. “Phòng khám đa khoa vệ tinh bệnh viện thực sự là mô hình mới rất thiết thực, đáp ứng mong mỏi của chính quyền và những người dân lao động. Một tháng sau chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để có thể triển khai tại phường Hiệp Bình Chánh”, bà Thúy chia sẻ. (*Tiền phong, Nhân dân (trang 5))

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ trang 4: “Lọc thận nhân tạo tại trạm y tế phường”

Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đình chỉ toàn bộ kíp phẫu thuật nhầm chân

Ngày 20-7, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức tổ chức họp, thống nhất đưa ra biện pháp xử lý sau khi xảy ra ca phẫu thuật nhầm chân tại bệnh viện này đối với người bệnh T.V.T ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Theo đó, bệnh viện quyết định: đình chỉ toàn bộ kíp phẫu thuật nhầm chân cho người bệnh; yêu cầu từng cá nhân làm tường trình kiểm điểm để tìm ra khâu xảy ra sai sót. Thành lập hội đồng chuyên môn rà soát lại toàn bộ quy trình chẩn đoán, chuẩn bị mổ, quy trình phẫu thuật để tìm ra các điểm sơ hở, khắc phục ngay. Tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn thể bệnh viện, tránh sai sót sau này.

Bệnh viện cũng giao Khoa chấn thương chỉnh hình 3 (đơn vị tiếp nhận và thực hiện ca mổ) chăm sóc và điều trị cho người bệnh với điều kiện cao nhất về chuyên môn, thuốc men, hậu phẫu; miễn phí toàn bộ viện phí cho người bệnh trong quá trình điều trị. Bệnh viện cũng sẽ có trách nhiệm theo dõi về chức năng hoạt động của chi thể người bệnh sau này.

Tại cuộc gặp gỡ, trao đổi với báo chí chung quanh ca mổ nhầm chân được tổ chức vào sáng cùng ngày, GS, TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức một lần nữa thay mặt bệnh viện xin lỗi người bệnh, người nhà người bệnh về sai sót này; đồng thời khẳng định bệnh viện sẽ tập trung cao nhất về chuyên môn để điều trị cho người bệnh đạt kết quả tốt nhất. (* Nhân dân (trang 8))

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng trang 7: “Bệnh viện Việt - Đức đình chỉ êkip mổ nhầm chân ”;Báo Hà Nội mới trang 7: “Tạm đình chỉ hoạt động ê kíp mổ nhầm chân bệnh nhân”; Báo Tiền phong trang 1: “Mổ nhầm chân ở Bệnh viện Việt Đức: Đình chỉ kíp mổ”; Báo Thanh niên trang 2: “Tạm đình chỉ chuyên môn bác sĩ mổ nhầm chân”; Báo Tuổi trẻ trang 14: “Mổ nhầm chân do không đúng quy trình”; Báo Lao động trang2: “Bệnh viện Việt Đức họp báo về vụ mổ nhầm chân bệnh nhân”; Báo Công an Nhân dân trang1: “Bệnh viện Việt Đức đình chỉ kíp phẫu thuật nhầm chân bệnh nhân”

Không để bệnh nhân chết vì không có tiền!’

Phòng công tác xã hội của các bệnh viện đã kêu gọi được rất nhiều nhà hảo tâm cùng chung tay với đội ngũ y, bác sĩ cứu bệnh nhân nghèo.

 “Không được để bệnh nhân chết chỉ vì không có tiền. Cứ cứu bệnh nhân đi rồi vận động quyên góp sau” là câu nói của BS CK2 Trần Thanh Linh, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, giữa một cuộc họp gần đây. Nó chạm đến trái tim người mẹ có con đứng giữa cửa sinh tử vì ong đốt. Bà khóc, không chỉ khóc vì con mình được cứu, mà vì tình người nơi các bác sĩ quá ấm áp.

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế từ năm 2015, các BV phải thành lập phòng công tác xã hội (CTXH). Ngoài chăm lo sức khỏe cho bệnh nhân, phòng sẽ đảm luôn nhiệm vụ chăm lo đời sống cho người bệnh, nhất là những gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Trước đó, ở một số BV đã làm chuyện này.

Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bà Lại Thị Bích (Vĩnh Long) đưa con gái là Phan Thị Bích Loan đi cấp cứu khi trong túi chỉ có hơn 800.000 đồng. Qua nhiều BV huyện, tỉnh, cuối cùng là BV Chợ Rẫy thì bác sĩ nói có thể cứu được. Tuy nhiên, chi phí phẫu thuật vượt quá khả năng của gia đình.

Từ tờ mờ sáng, các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy gọi điện thoại xin ý kiến lãnh đạo. BS Trần Thanh Linh kể: “Lãnh đạo BV yêu cầu cứu bệnh nhân trước, chuyện tiền nong tính sau. Chúng ta có thể cứu được thì phải cứu. Không được để bệnh nhân chết chỉ vì không có tiền”. Ca phẫu thuật được tiến hành, bệnh nhân được cứu sống ngoạn mục. Giờ này BV đang lo xoay tiền bù vào những khoản thiếu hụt.

ThS Lê Minh Hiển, Trưởng đơn vị xã hội BV Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết: “Tôi luôn xem mình là người thân trong gia đình của tất cả mạnh thường quân, những nhà hảo tâm với BV. Tạo cho họ niềm tin về sự minh bạch trong mỗi điều mình làm, cho họ biết được tiền của họ giúp thì ai được thụ hưởng, có đúng đối tượng, đúng thời điểm hay không. Vì vậy, mỗi khi chúng tôi có bệnh nhân cần giúp đỡ, họ nhớ đến uy tín của BV mà sẵn sàng mở lòng”.

Tại BV Ung bướu, đa phần bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành khác, thời gian khám và điều trị lâu dài. Ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng CTXH BV Ung bướu, cho biết: “Mạnh thường quân tìm đến đây cho tiền từng bệnh nhân, hoặc đóng cho BV để ủng hộ quỹ nấu cơm cho bệnh nhân, họ mang quà đến chia cho bệnh nhân. Sự giúp đỡ này khiến đội ngũ y, bác sĩ chúng tôi và bệnh nhân rất cảm động”. (* Pháp luật TPHCM (trang 12))

Chưa thể tách hai bé song sinh dính liền nhau được bác sĩ quyên tiền

Kết quả hội chẩn chung của 7 chuyên gia hàng đầu từ Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cho hay tổn thương tim quá phức tạp nên việc mổ tách rời để cứu một hoặc hai cháu rất khó. 

Chiều 19/7, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã tiến hành công bố kết quả hội chẩn về trường hợp cặp song sinh dính liền. Hai bé là con của sản phụ Phàn Thị Chẩy (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang).

Chẩn đoán về tim mạch, PGS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức cho hay hai bé tim dính chung một nhĩ, 3 buồng tam thất.

Bệnh nhi Bàn Văn Đương tim 1 nhĩ, 1 thất, 1 bộ máy van nhĩ thất, động mạch chủ và động mạch phổi ra song song từ thất chung, van nhĩ thất chinh hở vừa đến nhiều.

Bệnh nhi Bàn Văn Trung tim 1 nhĩ, 2 thất, 1 bộ máy van nhĩ thất, thông liên thất phần buồng nhận, thông liên thất phần cơ bè kích thước 4 mm ở 1/3 giữa vách liên thất, thân chung động mạch type III.

Bác sĩ Nguyễn Lan Hương (Khoa Chuẩn đoán hình ảnh) cho hay qua siêu âm bụng gan và tim của cặp song sinh với nhau thành một khối lớn. Các tĩnh mạch đổ từ hai phía về 2 đầu tĩnh mạch chủ dưới và đổ về 1 buồng nhĩ.

Hai gan bị xoay trục và thay đổi giải phẫu bình thường, hai cuống gan bị xoay ra ngoài theo hai phía khác nhau.

Hai lách tách biệt hai bên, có bốn thận nằm ở các hố thận theo giải phẫu nhưng không khảo sát được niệu quản, có một bàng quang.

Kết quả hội chẩn chung của 7 chuyên gia hàng đầu từ Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cho hay tổn thương tim quá phức tạp việc mổ tách rời để cứu 1 hoặc hai cháu, chỉ hồi sức chung rất khó khăn.

Hướng điều trị hiện tại đối với cặp song sinh này là thở máy, dùng kháng sinh, duy trì huyết động, dinh dưỡng và chăm sóc hàng ngày. (* Pháp luật TPHCM (trang 12))

Dừng lưu hành thuốc điều trị nhiễm khuẩn và hạ sốt

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản đình chỉ lưu hành một số loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Cụ thể, thuốc viên nén bao phim Ampodox 200 (Cefpodoxime Proxetil Tablets USP 200mg), số đăng ký VN-8587-09 do Công ty AMN Life Science Pvt., Ltd (India) sản xuất và Công ty cổ phần VN Pharma nhập khẩu.

Thuốc bị đình chỉ vì lý do không đạt chỉ tiêu chất lượng về độ hòa tan. Được biết, thuốc Ampodox được chỉ định trong điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn gây ra bởi các vi khuẩn nhạy cảm như: Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (gồm: Viêm xoang cấp, viêm tai giữa, viêm amidal, viêm hầu họng); nhiễm trùng đường hô hấp dưới (gồm: Viêm phế quản, viêm phổi cấp tính và giai đoạn cấp tính của viêm phổi mãn, viêm phổi mắc phải ở cộng đồng); nhiễm trùng da… Ngoài ra, Cục Quản lý dược cũng có quyết định đình chỉ lưu hành thuốc viên nén Cocilone (Colchicine Tablets BP 1g) (số lô: BT 0415406, HSD: 28-4-2018, SĐK: VN-15241-12) do Công ty Brawn Laboratories Limited (India) sản xuất, Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây nhập khẩu do thuốc này không đạt chất lượng về chỉ tiêu tạp chất liên quan. Thuốc Cocilone thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt. (* Hà Nội mới (trang 7))

Bác sỹ thừa nhận không đọc bệnh án trước khi mổ

Theo gia đình bệnh nhân, bác sĩ Phan Văn Hậu (Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) đã thừa nhận do không đọc bệnh án trước khi mổ dẫn đến việc mổ nhầm chân.

Tối 19/7, sau khi gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (41 tuổi, trú huyện Ứng Hoà, Hà Nội), chị dâu anh Thảo (37 tuổi- bệnh nhân bị mổ nhầm chân ở Bệnh viện Việt Đức) cho biết, sau khi phản ánh, lãnh đạo khoa xương, khớp và bác sĩ Phan Văn Hậu (trực tiếp mổ) xuống xin lỗi vì đã mổ nhầm chân.

“Tôi có hỏi bác sĩ đã thực hiện mổ chân phải (chân mổ nhầm) như thế nào. Bác sĩ Hậu cho biết đã cắt gân và chuyển gân chày sau ra mu trước bàn chân. Sau khi phát hiện mổ nhầm đã quay lại mổ hoàn thiện chân bên trái giống như chân phải. Chân mổ nhầm không xử lý lại như cũ được vì đã cắt, quay chuyển một phần gân", chị Thanh nói.

Về tình trạng phục hồi, bác sĩ Hậu thông báo với gia đình, vết mổ không ảnh hưởng đến vận động nhiều nhưng không thể được trở về 100% như cũ. Quá trình này cần phải được theo dõi thời gian dài, khi nào chân bớt phù nề, xem cử động ngón, cử động khớp như thế nào mới có thể khẳng định. Khả năng hoạt động của chân phải sẽ kém đi nhưng không nói rõ là kém như thế nào.

“Bác sĩ Hậu thừa nhận với Thảo và gia đình do sơ suất không kiểm tra bệnh án trước khi mổ dẫn đến sự việc trên”, chị Thanh nói.

Trước đó, chiều ngày 19/7, bệnh nhân Trần Văn Thảo (37 tuổi, ở xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) thực hiện ca mổ chân trái tại khoa xương khớp, bệnh viện Việt Đức.

"Sau ca mổ, gia đình thấy vết mổ xuất hiện ở cả hai cổ chân. Thảo cho biết, trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ gây tê ở chân nên không hề hay biết. Chỉ đến khi rời bàn mổ anh mới thấy mình bị mổ nhầm chân phải và có thắc mắc. Lúc này, bác sĩ Hậu mới xem bệnh án và đưa Thảo lên bàn mổ chân trái. Khi hết thuốc tê, Thảo liên tục kêu đau ở cổ chân phải bị mổ nhầm”, chị Thanh thuật lại.

Sau khi xảy ra sự việc, chị Thanh có hỏi, xem bệnh án thì thấy trong phiếu chỉ định phẫu thuật có ghi toàn bộ đều là mổ chân phải (ký hiệu P), nhưng sau đó được sửa lại thành mổ chân trái (sửa thành ký hiệu T). Chị xin chụp ảnh lại phiếu chỉ định phẫu thuật nhưng cán bộ ở đây không cho chụp, với lý do nếu cho chụp thì họ... mất việc.

Chị Thanh cũng cho biết, anh Thảo là lao động chính trong khi vợ chăm con nhỏ ở quê, bố mẹ già yếu. Giờ hỏng cả hai chân thì không biết cuộc sống gia đình sẽ như thế nào. Bác sĩ hàng ngày phải thực hiện nhiều ca phẫu thuật, đôi khi không tránh khỏi sai sót tuy nhiên bác sỹ cũng như phía bệnh viện phải trách nhiệm đối với bệnh nhân. (* Tiền phong (trang 6))

Bệnh viện CATP Hà Nội: Tổ chức khám chữa bệnh cho CBCS thương binh

Thực hiện kế hoạch của CATP Hà Nội về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - liệt sỹ (27-7-1947/27-7-2016), sáng nay (20-7) Bệnh viện CATP Hà Nội đã tổ chức kiểm tra sức khỏe và khám chữa bệnh cho CBCS là thương binh năm 2016.

Mục đích ý nghĩa của hoạt động này là nhằm triển khai và thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-BCA ngày 31-1-2012 của Bộ trưởng Bộ Công an về tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng và hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong Công an nhân dân. Đồng thời phân loại, đánh giá tình trạng sức khỏe CBCS để theo dõi và điều trị khi cần.

Theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc bệnh viện, số thương binh hiện đang công tác tại CATP sẽ được thăm khám có gần 150 đồng chí. Để phục vụ được nhanh gọn và tốt nhất, bệnh viện sẽ dành toàn bộ thời gian trong ngày để thực hiện các nội dung khám bao gồm: Khám thể lực (chiều cao, cân nặng, nhịp tim, huyết áp, các chỉ số BMI); Khám lâm sàng toàn diện các chuyên khoa (nội, ngoại, TMH, RHM, mắt…); Khám cận lâm sàng thường quy (xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu, nước tiểu, điện tim, đo nhãn áp, chụp khúc xã mặt, nội soi tiêu hóa, TMH…). Sau đó các bác sỹ sẽ kết luận và phân loại sức khỏe điều trị, điều dưỡng hoặc tư vấn những biện pháp khắc phục  nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến sức khỏe CBCS. Đặc biệt với những cán bộ sức khỏe loạt 4 sẽ được chuyển bệnh viện chuyên khoa hoặc lên tuyến trên điều trị. Đây là hoạt động thường niên của Bệnh viện CATP Hà Nội. Mọi năm hoạt động này được tổ chức tại Hà Đông do nơi đây mới có máy chụp X-quang. Tuy nhiên nhằm tạo điều kiện cho những CBCS ở xa nên năm nay sẽ được thực hiện tại 87 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) và bệnh viện sẽ thuê xe chụp X- quang lưu động về tận nơi đề phục vụ công tác khám chữa bệnh. (* An ninh Thủ đô (trang 5))

Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn: Làm chủ kỹ thuật định vị, phẫu thuật u rất nhỏ

Ngày 14-7, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Nhật (53 tuổi), nhà ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức được phát hiện tổn thương nhỏ ở phổi kích thước 15mm.

Các bác sỹ trong Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực cùng Tiến sỹ Bùi Văn Giang - Phó Giám đốc bệnh viện hội chẩn đã thống nhất trước khi phẫu thuật sẽ tiến hành kỹ thuật đánh dấu vùng nốt tổn thương phổi bằng bơm xanh methylen khi chụp CT.

Trưa 19-7, Ths.Bác sỹ Nguyễn Văn Trường đảm nhiệm phẫu thuật với phương pháp cắt khu trú tổn thương đã đánh dấu qua nội soi màng phổi. Phẫu thuật viên đã cắt một mảnh u gửi xuống khoa giải phẫu bệnh lý để xác định tổn thương lành hay ác tính. Khi có kết quả giải phẫu bệnh lý là K biểu mô tuyến phế quản, phẫu thuật viên đã cắt thùy trên phổi.

Tiến sỹ Bùi Văn Giang cho biết, đây là lần đầu Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn thực hiện kỹ thuật đánh dấu và định vị vùng u phổi bằng bơm dung dịch xanh methylen. Ca mổ thành công mở ra triển vọng phục vụ chẩn đoán, định vị nốt tổn thương nhỏ ở phổi giúp cho việc phẫu thuật chính xác hơn. (* An ninh Thủ đô (trang 7))

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang