Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/11/2022

  • |
T5g.org.vn - Băn khoăn giá dịch vụ bệnh viện công; UBND TP HCM yêu cầu tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 trong 2 tuần cuối tháng 11/2022

 

Băn khoăn giá dịch vụ bệnh viện công

Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp của Bộ Y tế được kỳ vọng khắc phục tình trạng 'loạn giá' trong bệnh viện công, cải thiện đời sống nhân viên y tế...

Sau nhiều lần lỗi hẹn kể từ năm 2019, Bộ Y tế chính thức đưa ra Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp. Dự thảo được kỳ vọng khắc phục tình trạng “loạn giá” trong bệnh viện công; tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân viên y tế… nhưng còn rất nhiều băn khoăn về cách tính đã hợp lý chưa hay sự công bằng, bình đẳng với người nghèo.

Giường bệnh theo yêu cầu tối đa 3 triệu đồng/ngày

Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu (chưa kể các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, xét nghiệm và các thủ thuật) ở bệnh viện (BV) hạng đặc biệt, hạng 1 (như BV Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, T.Ư Huế...) có mức tối đa 300.000 đồng/lần khám. Các cơ sở y tế khác giá tối đa 200.000 đồng/lần khám. Trường hợp mời các chuyên gia trong và ngoài nước khám, tư vấn sức khỏe, giá theo thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.

Giá giường nằm tại phòng điều trị theo yêu cầu tại BV hạng đặc biệt, hạng 1, mỗi phòng 1 giường (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế) tối đa 3 triệu đồng/ngày. Cùng hạng BV này, nếu phòng có 2 giường giá 2,5 triệu đồng/giường; phòng 3 giường giá 1,5 triệu đồng/giường; phòng 4 giường giá 1,3 triệu đồng/giường.

Các cơ sở y tế khác tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, giá giường nằm tối đa 2 triệu đồng/giường. Giá còn 1,7 triệu đồng; 1,2 triệu đồng; 900.000 đồng cho các loại phòng có 2, 3, 4 giường.

Ở các tỉnh còn lại, giá giường nằm tối đa 1,5 triệu đồng loại phòng 1 giường, giảm dần còn 1,2 triệu đồng, 800.000 - 600.000 đồng/ngày cho các loại phòng 2, 3, 4 giường. Giá giường điều trị ban ngày do BV quyết định nhưng không quá 50% giá giường điều trị nội trú.

Một điểm đáng chú ý, liên quan đến giá dịch vụ kỹ thuật theo yêu cầu, dự thảo thông tư lần này thay vì ban hành khung giá cụ thể, đã đưa ra hướng dẫn nguyên tắc tính giá. Theo đó, trường hợp sử dụng tài sản công để thực hiện các hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết thực hiện các hoạt động dịch vụ theo yêu cầu thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Đáng lưu ý, tại dự thảo, lần đầu tiên có các dịch vụ theo yêu cầu do BV công cung cấp chính thức được ban hành như: dịch vụ phục hồi chức năng tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm tại nhà; dịch vụ về môi trường, y tế dự phòng, tư vấn sức khỏe...

Bên cạnh đó, dự thảo đưa ra các tiêu chí đáp ứng nhu cầu đa dạng và khả năng chi trả của người sử dụng dịch vụ. Mức giá của các dịch vụ được thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý và có tích lũy để tái đầu tư và phát triển, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, đảm bảo công khai, minh bạch danh mục dịch vụ do cơ sở y tế công lập cung cấp, khả năng đáp ứng và mức giá của từng loại dịch vụ để người dân, người bệnh biết, lựa chọn sử dụng dịch vụ trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện giữa người sử dụng dịch vụ và đơn vị.

Đặc biệt, các đơn vị phải hạch toán và theo dõi riêng doanh thu, chi phí và phản ánh đầy đủ trên sổ kế toán, báo cáo tài chính của đơn vị; thực hiện tính, trích khấu hao tài sản vào chi phí của dịch vụ theo chế độ khấu hao áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước theo quy định của pháp luật. Bộ Y tế cho biết nếu sớm được thông qua, mức giá này sẽ được áp dụng từ ngày 1.1.2023.

Tăng thu nhập, bác sĩ, y tá yên tâm làm việc

Sự ra đời của dự thảo thông tư vào thời điểm này gắn với “cú sốc tự chủ” rất lớn của các BV công lập trước đó vài tháng. Đặc biệt là 2 BV Bạch Mai và K triển khai thí điểm tự chủ toàn diện. Bởi trong suốt hơn 2 năm dù cho tự chủ nhưng Bộ Y tế lại không ban hành hướng dẫn giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, khiến 2 BV này thua lỗ nặng và phải xin dừng thí điểm. Cùng lúc đó, tại các BV công lập khác (tự chủ một phần) hoặc có liên doanh, liên kết giá theo yêu cầu rất “hỗn loạn”.

Vì thế, nếu dự thảo mới tính đúng, tính đủ thì dư luận rất đồng tình ủng hộ. Song, cách tính như thế nào theo các chuyên gia cần phải được công khai, cụ thể: 7 yếu tố cấu thành giá trần khám bệnh, giường nằm như thế nào? Chi phí bao nhiêu? “Cần minh bạch để người bệnh nắm được, và là căn cứ để tính đúng, tính đủ cho các loại hình giá dịch vụ y tế khác”, một chuyên gia kiến nghị.

Đánh giá về dự thảo mới, giám đốc một BV công tại Hà Nội chia sẻ với Thanh Niên, khi BV công có nguồn thu từ cung cấp dịch vụ theo yêu cầu thì BV có nguồn bù đắp cho trang thiết bị cho hoạt động chung của BV. Khi đó, chính bệnh nhân thu nhập thấp được hưởng lợi. “Chúng tôi thu tiền dịch vụ theo yêu cầu nhưng không phải được lấy tiền đó chia nhau, mà phải chi tiêu theo quy định của nhà nước, phải bổ sung vào các quỹ phát triển, phúc lợi. BV có nguồn để đảm bảo cơ bản đời sống cho nhân viên y tế, họ sẽ yên tâm làm việc, phục vụ người bệnh nghèo, người thu nhập thấp”, giám đốc này nói.

Vẫn theo vị giám đốc này việc điều trị nhiều bệnh rất khó, trong khi BV tư lại hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu đó. BV công nếu đủ cơ sở vật chất, thiết bị sẽ làm được rất nhiều các kỹ thuật cao, ca bệnh khó vì BV công đầu ngành tập trung các chuyên gia giỏi. “Các chuyên gia giỏi ở BV công còn phục vụ người bệnh nghèo, người có thu nhập trung bình thấp bị bệnh nặng, đó chính là ưu việt của BV công. Trong khi đó, nếu người nghèo khám ở BV tư, để được chuyên gia giỏi khám thì họ phải trả số tiền quá khả năng, đặc biệt khi ốm nặng, điều trị nằm viện dài ngày”, vị giám đốc này nói thêm.

TS Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản lý, BV Bạch Mai, cho rằng thực hiện theo yêu cầu thì cần lưu ý không nên để tình trạng dồn bệnh nhân BHYT nằm ghép để họ phải lựa chọn nằm giường theo yêu cầu. Tuy nhiên, muốn có các điều kiện cơ bản đảm bảo chất lượng thì quỹ BHYT phải thanh toán đủ chi phí cho các dịch vụ cơ bản đó. Và nếu chỉ mua BHYT với mức thấp thì không thể có được các kỹ thuật cao như mong muốn. Do đó, nên có các gói BHYT phù hợp với các mức phí khác nhau.

Cần quy định cụ thể, phù hợp thực tế

Tại TP.HCM, ông Lê Đức Nhã, Phó giám đốc BV Q.11, đánh giá Dự thảo Thông tư cho phép BV tính đúng, tính đủ giá dịch vụ theo yêu cầu; kể cả giá thuê chuyên gia, bác sĩ có tay nghề cao. Tuy nhiên, giá dịch vụ thu phòng bệnh phải theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam (tối thiểu 20 m2, có một số vật dụng cần thiết như tủ quần áo, các dịch vụ đi kèm... ) là điểm vướng của nhiều BV. Bởi một số BV đã cũ, phòng ốc không đạt theo chuẩn mới và không đủ diện tích phòng. Bên cạnh đó, dự thảo yêu cầu phải tách bạch giữa khu khám BHYT và khu dịch vụ. Trong khi các BV nhỏ, BV cũ thì lẫn lộn giữa khu BHYT và dịch vụ theo yêu cầu vì không có mặt bằng để tách. Vì vậy, BV đề xuất tùy theo hoàn cảnh, điều kiện BV để có thể làm dịch vụ.

TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, bổ sung thêm Thông tư mới cần quy định cụ thể, như cách tính khấu hao tài sản cố định theo quy định hiện hành hay cơ sở khám chữa bệnh (KCB) được tự quyết định ? Chi phí duy tu bảo dưỡng trang thiết bị được tính bao nhiêu phần trăm/năm ? Cơ sở y tế công lập sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, có phải thực hiện theo quy định định mức số ca/máy/ngày theo điều 7 Thông tư 39/2018 của Bộ Y tế hay không ? Ngoài ra, cũng chưa có văn bản hướng dẫn về các chi phí như giá thương hiệu, thời gian sử dụng của dụng cụ, dự phòng rủi ro, tích lũy…

Theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc BV Đại học Y Dược TP.HCM, BV đã xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật về giá dịch vụ KCB của BV cũng như xây dựng Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng BV, chất lượng dịch vụ, kiểm soát nhiễm khuẩn, thiết bị lâm sàng… Và để xây dựng dịch vụ KCB theo yêu cầu thì cần đầu tư lớn về con người, trang thiết bị. Chi phí xây dựng giá dịch vụ KCB bao gồm chi phí nhân công, chi phí đầu tư trang thiết bị, chi phí đào tạo (trong nước và ngoài nước), chi phí nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin. “Theo quy định, thủ trưởng đơn vị quy định mức giá KCB theo yêu cầu. Tuy nhiên, BV Đại học Y Dược là đơn vị thuộc Đại học Y Dược TP.HCM. Vì vậy, giá dịch vụ KCB của BV là do giám đốc BV hay Hiệu trưởng trường quyết định ?”, PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc nói và cho rằng cần xây dựng cơ cấu dịch vụ theo nhóm BV, đảm bảo khuyến khích các BV phát triển chuyên môn…

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh (TP.HCM), cho hay ông hoàn toàn đồng ý với dự thảo. Nhưng theo ông, BV tư nhân được đầu tư tốt, thu nhiều, còn BV công giá thu thấp hơn. Điều này dẫn đến bác sĩ cùng tay nghề, nhưng làm ở BV công thì thu nhập thấp hơn ở tư nhân. Hệ quả là tư nhân họ có điều kiện thu hút nhân lực từ công qua, họ lựa được những người tốt nhất. Do đó, ông đề xuất BV tư nhân vẫn cần có khung giá được phê duyệt như BV công chứ không thể buông lỏng, vì quản lý nhà nước là chung.

“Việc đưa ra khung giá cho từng hạng BV là để các BV tự nâng cao chất lượng BV, nâng hạng để phục vụ, nâng cao tay nghề đội ngũ chuyên môn… và bệnh nhân lựa chọn. Nếu làm dịch vụ mà đội ngũ chuyên môn thiếu và yếu, công tác chăm sóc người bệnh, vệ sinh không tốt… thì người bệnh cũng không vào”, bác sĩ Trần Văn Khanh nói và cho biết thêm việc hướng tới BHYT toàn dân, dịch vụ KCB BHYT ngày càng tốt thì số người phải sử dụng dịch vụ theo yêu cầu là không nhiều. (Thanh niên, trang 2,3; Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)

 

UBND TP HCM yêu cầu tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 trong 2 tuần cuối tháng 11/2022

UBND TPHCM vừa có công văn gửi sở, ban, ngành TP; UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức về tiếp tục triển khai đợt tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 trong 2 tuần cuối tháng 11/2022.

Theo đó, UBND TPHCM giao Sở Y tế đảm bảo cung ứng nguồn vaccine, nhân sự tham gia các đội tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Chỉ đạo Trung tâm Cấp cứu 115 hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương bố trí xe cấp cứu với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, thuốc cấp cứu theo đúng cơ số quy định; kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo việc cấp cứu tại các điểm tiêm lưu động trên địa bàn.

Cùng với đó, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng hướng dẫn hoặc tiếp nhận xử trí kịp thời khi có trường hợp phản ứng sau tiêm vaccine liên hệ hoặc trực tiếp đến cơ sở; báo cáo đầy đủ thông tin tình hình tiếp nhận, xử trí các trường hợp sự cố bất lợi sau tiêm tại cơ sở theo quy định.

Tiếp tục chỉ đạo Bệnh viện đa khoa TP, bệnh viện chuyên khoa sản, nhi, bệnh viện quận, huyện, trung tâm y tế, trạm y tế phải duy trì tổ chức điểm tiêm cố định tại cơ sở để tiêm cho người dân trên địa bàn bao gồm người lớn và trẻ em, kể cả thứ bảy, chủ nhật.

UBND TP yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân bằng nhiều hình thức khác nhau; đồng thời công khai lịch tiêm vaccine phòng COVID-19 hằng ngày trên trang tin điện tử của ngành nhằm tăng cường vận động người dân và phụ huynh đưa trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đến các điểm tiêm.

TP HCM hiện vẫn có tên trong danh sách những địa phương tiêm chậm mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2)

 

Từ vụ học sinh tử vong nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn bán trú: Chuyên gia chỉ ra 5 điểm cần đặc biệt lưu ý

Sau khi một học sinh tử vong nghi ngộ độc thực phẩm ở Trường Ischool Nha Trang, chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống, chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho rằng, an toàn là tiêu chí quan trọng nhất của trường học, vì nó là sinh mạng, là sự sống.
Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, qua vụ việc một trường hợp tử vong trong số hơn 400 học sinh Trường Ischool Nha Trang đã, đang phải điều trị tại các bệnh viện, nghi bị ngộ độc thực phẩm, các trường học cần cải thiện về tư duy an toàn bởi nhiều lý do.

Thứ nhất, hầu hết trường học ở Việt Nam không có chuyên gia an toàn trường học. Các trường nên có chức danh chuyên viên an toàn trường học trong biên chế nhân sự của trường. Hiện nay, chuyên ngành này chưa được đào tạo ở trường sư phạm.

"Tôi khẳng định các hiệu trưởng không phải nhân sự chuyên về an toàn, do vậy khi thực hiện công việc không có chuyên môn sâu và rất cần nhân sự chuyên trách để thực hiện việc giám sát an toàn hằng ngày cho một trường học thường có tới vài trăm hoặc lên tới hàng ngàn con người.

Phạm vi an toàn không chỉ là phòng ngừa tai nạn như té ngã, va chạm nói chung, mà còn là cháy nổ, thiên tai, điện, ngộ độc thực phẩm, sự cố gây thương tích, đuối nước… là những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong".

Thứ hai, bữa ăn của trường học nói riêng và bữa ăn tập thể nói chung phải theo thứ tự an toàn thực phẩm - dinh dưỡng - ngong miệng. Bởi bữa ăn học đường là bữa ăn tập thể, để bảo vệ học sinh thì an toàn thực phẩm phải đặt lên vị trí ưu tiên cao nhất. Sau đó là bữa ăn vì dinh dưỡng phù hợp với các em, do các em đang ở lứa tuổi phát triển. Và sau cùng mới là ngon miệng.

Thứ ba, đó là bữa ăn chuyên nghiệp. "Theo tôi, bữa ăn của học sinh không nên là chỗ để kê giá giữa nhà trường với phụ huynh. Nhà trường có thể thu học phí cao hơn, nhưng nên minh bạch bữa ăn của học sinh với cha mẹ. Bữa ăn có giá 50.000 đồng thì phải đúng là 50.000 đồng, không được phép làm bữa ăn chỉ 20.000 đồng. Phải công khai để phụ huynh biết được bữa ăn con họ ăn có được thiết kế trên số tiền chính xác là bao nhiêu. Kê giá bữa ăn là việc làm thiếu đạo đức, thiếu quang minh chính đại của trường học.

Trường học cũng có thể thu phí quản lý kèm theo bữa ăn, nhưng phải minh bạch với phụ huynh về thành phần phí, ví dụ tiền ăn của các em là 50.000 đồng trả cho nhà cung cấp, phí quản lý là 20.000 đồng, tổng cộng là 70.000 đồng. Rõ ràng như vậy, thì phụ huynh ai có nhu cầu có thể đăng ký bữa ăn ở trường, không nên mập mờ thông tin khiến phụ huynh trả tiền bữa ăn 70.000 đồng và cứ nghĩ rằng con họ đang ăn bữa ăn có giá trị dinh dưỡng 70.000 đồng".

Thứ tư, trường học nào cũng có rủi ro tai nạn, dù nó là trường tư, trường công, trường bán công, trường quốc tế, trường chuyên… Đơn giản là vì trường học là môi trường tập thể nơi có sự tương tác của hàng ngàn con người.

Do vậy, để giảm thiểu và phòng tránh rủi ro, người ta chỉ có thể dựa vào chính sách tốt, quy trình tốt và con người mẫn cán. Một trường học an toàn phải nghĩ về an toàn từ trước, phải có chính sách về an toàn trường học, phải tuyển dụng và đào tạo nhân sự chuyên trách thường xuyên kiểm tra về an toàn và phải xây dựng văn hóa an toàn trong trường học.

Và cuối cùng, "theo tôi, bữa ăn bán trú của học sinh ở trường phải đáp ứng tiêu chí sạch và an toàn về hóa chất". (Sức khoẻ & Đời sống, trang 7)

 

Số mắc sốt xuất huyết đã vượt 300.000 ca, lưu ý quan trọng để tránh bệnh diễn biến nặng

Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 303.637 ca mắc sốt xuất huyết, 112 trường hợp tử vong. Tại Hà Nội số ca mắc cũng đang gia tăng; Các chuyên gia lưu ý quan trọng để tránh sốt xuất huyết có thể diễn biến nặng.

Số mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng vọt

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 303.637 ca mắc sốt xuất huyết, 112 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (62.106/24) số mắc tăng 4,9 lần, tử vong tăng 88 trường hợp.

So với tuần trước đó, số ca mắc sốt xuất huyết tuần này cũng tăng tương, khoảng hơn 10.000 ca mắc mới.

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội vào ngày 13/11, trong tuần (từ ngày 4 - 11/11), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.343 ca mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng 2,3% so với tuần trước đó. Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Đống Đa (120 ca), Thanh Oai (98 ca), Phú Xuyên (95 ca), Hoàng Mai (94 ca).

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, TP. Hà Nội đã có 12.059 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong (trong khi năm 2021 không có ca tử vong do sốt xuất huyết). Bệnh nhân phân bố tại cả 30/30 quận, huyện, thị xã; 545/579 xã, phường, thị trấn.

Tại một số cơ sở y tế trên địa bàn TP. Hà Nội đang điều trị khá đông các bệnh nhân sốt xuất huyết. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi TW) đang có khoảng 40-50 trẻ mắc sốt xuất huyết điều trị nội trú (tăng gấp 2 lần so với tuần trước), trong đó có một số ca bệnh nặng.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW hiện có khoảng 90-100 ca mắc sốt xuất huyết điều trị nội trú, trong đó có từ 10-20 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày. Thậm chí, có ngày, hơn một nửa bệnh nhân điều trị ở Khoa Cấp cứu là ca mắc sốt xuất huyết.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận gần 1.500 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó khoảng 30-40% trường hợp nặng như suy thận, tiểu cầu giảm rất sâu, men gan tăng rất cao...

Lưu ý quan trọng để tránh sốt xuất huyết có thể diễn biến nặng

Tại một số cơ sở y tế ở phía Nam, thời gian qua đã có một số trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện muộn và không có bảo hiểm y tế nên gặp khó khăn trong điều trị. Do đó, các chuyên gia cũng như các bác sĩ đều khuyến cáo người dân cần tham gia bảo hiểm y tế để yên tâm khi ốm, phải vào ằm viện.

Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết thường kéo dài 5-7 ngày, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt; giai đoạn nặng và giai đoạn phục hồi. Giai đoạn nặng bắt đầu vào khoảng thời gian hết sốt, thường ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Giai đoạn này kéo dài khoảng 24-48 giờ. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có thể có các biểu hiện như: Đau nhức người, nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì.

Từ ngày thứ 4 trở ra, bệnh nhân thường hết sốt nên có thể chủ quan nghĩ mình đã khỏi bệnh. Thế nhưng, đây lại là giai đoạn bệnh có thể tiến triển nặng với các biểu hiện như đau bụng, nôn nhiều, xuất huyết (chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng…). (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang