Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/2/2023

  • |
T5g.org.vn - Bã thức ăn hơn 20 cm trong dạ dày khiến bệnh nhân suy kiệt; Niềm hạnh phúc của người thầy thuốc; Dựng lên 'thần y' để bán 'thuốc tiên'…

 

Bệnh do virus Marburg khó chẩn đoán

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết virus Marburg gây bệnh sốt xuất huyết khiến nhiều người tại Guinea Xích đạo tử vong thường lây qua đường tiếp xúc, có thể lây qua đường hô hấp như giọt bắn khi tiếp xúc rất gần.

Virus Marburg gây bệnh lẻ tẻ tại các nước cận Sahara như Uganda, Guinea Xích đạo, Congo, Angola… với tỉ lệ tử vong cao, có thể từ 30-90%. Con người hít phải chất tiết hoặc nước tiểu của loài dơi ăn quả sẽ bị nhiễm bệnh, sau đó lây từ người sang người. Virus Marburg lây từ người sang người qua tiếp xúc gần, dịch cơ thể, đường máu, nước tiểu, nước bọt, mồ hôi, các chất tiết nôn, sữa, dịch ối, tinh dịch. Ngoài ra, khi một số vật dụng chăm sóc người bệnh như quần áo, ga trải giường, bơm kim tiêm, vật dụng y tế… nếu nhiễm virus thì có thể lây sang người. Virus Marburg cũng có thể lây trong phòng thí nghiệm hay nhân viên y tế chăm sóc người bệnh.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, bệnh do virus Marburg gây ra rất khó chẩn đoán lâm sàng, biểu hiện lâm sàng rất dễ nhầm với các bệnh lưu hành tại vùng đó. Ví dụ, ở châu Phi hay gặp bệnh do virus Ebola, sốt vàng, thương hàn, sốt xuất huyết… Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2-21 ngày. Khởi phát bệnh nhân có thể xuất hiện các biểu hiện như: sốt đột ngột, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau người. Ngày thứ 5 có thể xuất hiện phát ban, cảm giác rát trên thân mình. Ngoài ra còn kèm theo buồn nôn, đau ngực, đau bụng, đau họng, tiêu chảy, vàng mắt, có biểu hiện xuất huyết, mê sảng đi vào sốc và dẫn đến suy gan, suy đa tạng, rối loạn đông máu và có thể gây tử vong. Để chẩn đoán xác định ca bệnh nhiễm virus Marburg, cần sử dụng xét nghiệm trong phòng thí nghiệm như ELISA và PCR.

“Hiện nay chưa có vắc xin hay thuốc kháng virus đặc hiệu để điều trị. Người mắc bệnh do virus Marburg sẽ phải cách li nghiêm ngặt và phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ như bù nước điện giải, chống xuất huyết, truyền máu, nếu có biểu hiện nặng thì cần thở ôxy, hồi sức chống suy đa tạng…. Cho dù áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, người mắc bệnh đều có tiên lượng nặng, tỉ lệ tử vong cao”, TS Cường thông tin.

Người dân cần hạn chế đến các vùng có nguy cơ nhiễm bệnh; tránh tiếp xúc với các loài dơi ăn quả cũng như với người nghi ngờ mắc bệnh; nếu tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh thì cần mang bảo hộ lao động (găng tay, khẩu trang, dung dịch sát trùng, khử khuẩn…).

Theo PGS Cường, tại Việt Nam chưa xuất hiện ca bệnh do virus Marburg, mọi người cần thận trọng nhưng không cần quá hoang mang lo ngại vì từ trước đến nay bệnh mới chỉ xuất hiện lẻ tẻ và liên quan châu Phi. “Hơn nữa, các bệnh dịch nguy hiểm thường lây qua đường hô hấp vì virus sẽ phát tán nhanh. Còn virus Marburg chỉ có thể lây khi tiếp xúc gần và gây bệnh mang tính đặc thù theo vùng. Đây là một bệnh gây dịch nguy hiểm nhưng hiện tại chưa đủ yếu tố để lan ra toàn cầu cũng như đến Việt Nam”, ông nói. (Tiền phong trang 4)

 

Niềm hạnh phúc của người thầy thuốc

“Nếu ngày ấy không chọn nghề y, thì có lẽ tôi đã không có được một cuộc đời trọn vẹn và ý nghĩa. Khi nhìn thấy những bệnh nhân cao tuổi được xuất viện với dáng đi nhanh nhẹn hơn, không còn đau yếu, đó là niềm hạnh phúc lớn lao và cũng là động lực để người thầy thuốc cố gắng mỗi ngày”, bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Văn Phúc, Trưởng khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) bắt đầu câu chuyện về nghề chữa bệnh, cứu người như vậy.

Giúp người già vượt qua bệnh tật

Sinh ra và lớn lên tại Thái Bình trong một gia đình có bố và chị gái đều là bác sĩ, nhưng khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bác sĩ Đoàn Văn Phúc lại không xác định theo nghề y, mà rất thích làm kinh doanh. Đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông, chính bố là người đã hướng anh thi đỗ vào ngành Y. “Khi bước vào học ngành Y, tôi mới nhận ra nghề y rất hợp với mình. Và càng dấn thân, tôi lại càng yêu, gắn bó với nghề hơn”, bác sĩ Phúc chia sẻ.

Thời gian đầu, chuyên ngành bác sĩ Phúc lựa chọn là chấn thương chỉnh hình. Sau đó, anh quay sang học chuyên ngành về thần kinh. Bác sĩ Phúc tâm sự: “Chứng kiến nhiều người thân quanh mình khi tuổi già bị tai biến thường để lại di chứng, như: Liệt, không vận động được... Thậm chí, căn bệnh sa sút trí tuệ, nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, dẫn đến những hậu quả nặng nề… Chính những điều đó đã thôi thúc tôi theo học chuyên ngành về thần kinh để giúp mọi người vượt qua nỗi đau bệnh tật khi tuổi già”.

Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Phúc về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Anh cũng chính là người đặt viên gạch đầu tiên thành lập Khoa Nội thần kinh vào năm 2016. Ban đầu, khoa chỉ có 4 bác sĩ và được giao chỉ tiêu 15 giường bệnh. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, khoa đã phát triển với 10 bác sĩ, gần 60 giường bệnh và triển khai được hầu hết các kỹ thuật ngang tầm bệnh viện tuyến trung ương. Hiện tại, trung bình mỗi ngày khoa điều trị nội trú khoảng 60-70 bệnh nhân.

Để có được sự tin tưởng của người bệnh như ngày hôm nay, không chỉ nỗ lực nâng tầm về chuyên môn, trên cương vị Trưởng khoa, bác sĩ Phúc luôn truyền đạt và “rèn giũa” nhân viên của mình từ lời ăn, tiếng nói, thái độ ứng xử khi tiếp xúc với bệnh nhân. Bởi, theo anh, nếu không đặt mình vào hoàn cảnh người bệnh, đau với nỗi đau của họ, người bác sĩ khó đi được trọn vẹn với nghề.

“Khoa Nội thần kinh chủ yếu tiếp nhận người cao tuổi, liên quan đến tai biến, đau đầu, mất ngủ, chóng mặt, trầm cảm, co giật, sa sút trí tuệ, động kinh… Với những bệnh nhân cao tuổi, sự quan tâm, gần gũi của người thầy thuốc vô cùng quan trọng, giúp mang lại hiệu quả điều trị. Chính vì vậy, khẩu hiệu mà chúng tôi luôn theo đuổi, đó là chất lượng dịch vụ phải như bệnh viện tư, nhưng giá cả và chất lượng điều trị phải là bệnh viện công…”, bác sĩ Phúc nói.

Bác sĩ của người cao tuổi

Ngoài công việc khám, chữa bệnh tại bệnh viện, bác sĩ Đoàn Văn Phúc còn phối hợp với Trung tâm Y tế quận Long Biên tổ chức các buổi tư vấn, truyền thông miễn phí cho người cao tuổi.

Bác sĩ Phúc chia sẻ: “Nhiều cụ khớp gối đau có dịch, nhưng vẫn tập luyện, đi bộ hằng ngày, khiến bệnh nặng thêm. Hay bệnh đột quỵ thường gia tăng vào mùa đông cũng do nhiều người ra ngoài trời lạnh đột ngột, dẫn đến co mạch và tăng huyết áp… Chính vì vậy, thông qua những buổi truyền thông, tôi hướng dẫn người cao tuổi cách phòng bệnh, tập thể dục và thời điểm tắm, gội… để tốt cho sức khỏe và tránh được đột quỵ”.

Không chỉ vậy, bác sĩ Phúc còn tự bỏ tiền để thiết kế máy tập vận động thụ động cho người bệnh. Bác sĩ Phúc kể: “Một chiếc máy tập vận động thụ động bán trên thị trường với giá 750 triệu đồng, nên bệnh viện không có kinh phí để mua máy đó cho khoa. Tôi đã lên ý tưởng thiết kế và thuê người chế tạo một chiếc máy với chức năng tương tự”.

Nhờ chiếc máy tập vận động “Made in bác sĩ Phúc”, không ít bệnh nhân đã thoát khỏi cảnh tàn phế. Điển hình như trường hợp nữ bệnh nhân bị viêm phổi phải nằm thở máy suốt 17 ngày. Đến giai đoạn hồi phục, bệnh nhân lại rơi vào tình trạng bị teo cơ, cứng khớp vì suốt thời gian dài chỉ nằm. Khi đến với Khoa Nội thần kinh, được sử dụng máy tập vận động hằng ngày, hiện tại bệnh nhân đã đi lại được.

Cảm phục trước tấm lòng nhân hậu, bệnh nhân nơi đây thường gọi bác sĩ Phúc với cái tên trìu mến “bác sĩ của người cao tuổi”. Điều trị rối loạn tiền đình đã được hơn một tuần, bà Nguyễn Thị Thịnh (75 tuổi ở tỉnh Thái Nguyên) phấn khởi cho biết: “Hiện bệnh của tôi đang tiến triển tốt. Bác sĩ Phúc và các bác sĩ ở đây rất thân thiện, ân cần, chu đáo, điều đó giúp tôi như khỏi một nửa phần bệnh”.

“Tôi luôn động viên bệnh nhân vào viện điều trị là không phải cảm ơn chúng tôi bằng phong bì, mà chỉ cần khi ra viện, các cụ hết yếu, hết mệt, đi lại nhanh nhẹn hơn là món quà cảm ơn bác sĩ rồi”, vị Trưởng khoa tâm sự và luôn tự nhận mình may mắn khi nắm trong tay niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được trong đời. (Hà Nội mới trang 8)

 

Dựng lên 'thần y' để bán 'thuốc tiên'

Nhiều clip quảng cáo đăng tải trên mạng xã hội thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng như "thuốc tiên". Sự thật phía sau là gì?

Ông Nông Văn Đồng - chủ nhà thuốc đông y gia truyền (xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) - bỗng được tung hô trên YouTube là người bào chế ra "thuốc tiên" Bách Dạ Hoàn, chữa khỏi bệnh dạ dày, đại tràng.

Được "biếu" 15 triệu đồng để "nổ"

Trong vai người bệnh muốn mua "thuốc tiên" Bách Dạ Hoàn, phóng viên Tuổi Trẻ được ông Đồng cho biết: "Bách Dạ Hoàn không phải do tôi bào chế, họ lấy hình ảnh của tôi đi lừa đảo".

Lý giải về việc tại sao ông tự nhận mình là người bào chế ra "thuốc tiên" Bách Dạ Hoàn, ông Đồng tiết lộ: "Mỗi tháng họ cho tôi 5 triệu đồng, cho được 3 tháng thì cũng cắt luôn. Lừa dân nhiều lắm rồi, có người mất hơn 10 triệu đồng".

Để tạo thêm tính chân thực trong nhiều clip quảng cáo được tung lên mạng, bà Dung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì khóc thảm thiết, kể lể hoàn cảnh bi đát như chồng đã mất. Tuy nhiên, ông N.T.T. (50 tuổi, chồng bà Dung) vẫn đang khỏe mạnh bình thường.

"Trong lúc mình đang bệnh thì chồng mất, thấy chán vô cùng. Tính đến chuyện nhảy cầu cho xong nhưng rồi lại nghĩ đến các con… Cảm ơn thầy Đồng, cảm ơn Bách Dạ Hoàn cho tôi sức khỏe như ngày hôm nay", bà Dung quảng cáo.

Tìm hiểu về sản phẩm được biết ngày 23-12-2021, ông Đỗ Hữu Tuấn - cục phó Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - ký quyết định số 11018 xác nhận bản công bố sản phẩm Bách Dạ Hoàn của Công ty TNHH dược phẩm quốc tế Micell (trụ sở ở Hà Nội). Sản phẩm do Công ty TNHH dược phẩm Smard (thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) sản xuất.

Tuy nhiên điều lạ lùng là mỗi khi bán, gửi thực phẩm chức năng cho khách hàng, bên ngoài thùng cáctông chứa các hộp "thuốc tiên" Bách Dạ Hoàn chỉ ghi thông tin người gửi: "Trung tâm sức khỏe số 5 Hà Nội" mà không có thông tin của hai công ty nói trên.

Công ty "lặn" sau khi tung "thuốc tiên"

Tương tự, trong nhiều clip tung lên mạng giới thiệu ông Triệu Văn Tiến (49 tuổi, quê Thái Nguyên) bào chế "thuốc tiên" Vương Ngọc Kim Khang. Tuy nhiên qua trao đổi, ông Tiến khẳng định: "Vương Ngọc Kim Khang không phải do tôi bào chế. Họ đến nhờ tôi quảng cáo như vậy…".

Về nguồn gốc "thuốc tiên" Vương Ngọc Kim Khang, ngày 20-10-2021, ông Nguyễn Thanh Phong - cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - đã ký quyết định số 9672, tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho Công ty TNHH thương mại và dịch vụ RBG Việt Nam đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vương Ngọc Kim Khang.

Công ty này thành lập ngày 8-12-2020, địa chỉ tại số 33, ngõ 199 đường Hồ Tùng Mậu (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đại diện pháp luật công ty là bà Phạm Ánh Quỳnh Hương (29 tuổi, quê Ninh Bình). Đáng chú ý thực phẩm chức năng Vương Ngọc Kim Khang cũng do Công ty TNHH dược phẩm Smard sản xuất như Bách Dạ Hoàn.

Chúng tôi tìm đến số 33, ngõ 119 đường Hồ Tùng Mậu tuy nhiên không còn biển hiệu Công ty TNHH thương mại và dịch vụ RBG Việt Nam. "Họ trả nhà mấy tháng nay rồi nên tôi mới đến thuê lại. Giờ họ ở đâu tôi không rõ…", nhân viên một công ty cho biết. (Tuổi trẻ trang 14)

 

Cẩn thận với những biến chứng của viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là bệnh xương khớp thường gặp chủ yếu ở người trưởng thành. Bệnh có thể gây biến dạng khớp bị viêm, hạn chế chức năng vận động, teo cơ, thậm chí có thể bị tàn phế.

Vì sao bị viêm khớp dạng thấp?

VKDT có thể bắt đầu từ tuổi 30 trở đi. Bệnh hay gặp ở nữ giới. Đến nay nguyên nhân gây nên bệnh VKDT chưa được khẳng định rõ ràng. Tuy nhiên, có nhiều giả thuyết cho rằng VKDT là bệnh tự miễn.

Một số bằng chứng cho thấy rằng có vai trò quan trọng của các đáp ứng miễn dịch (miễn dịch dịch thể và miễn dịch qua trung gian tế bào), của các cytokines, các lympho T, yếu tố cơ địa.

Ngoài ra yếu tố di truyền cũng có thể có vai trò trong nguyên nhân gây VKDT.

Biểu hiện của viêm khớp dạng thấp

- Viêm và sưng đau khớp là biểu hiện rõ nhất. Khoảng 15% bệnh xẩy ra đột ngột với các dấu hiệu viêm cấp và 85% bắt đầu từ từ, tăng dần. Đa số các trường hợp là viêm một khớp: các khớp bàn tay, cổ tay, bàn ngón, khớp gối… kéo dài từ vài tuần đến vài tháng rồi chuyển qua giai đoạn toàn phát gây viêm đau nhiều khớp.

- Vị trí thường gặp sớm nhất ở khớp cổ tay, khớp bàn – ngón tay. Sau đó xuất hiện ở chi dưới là khớp gối, cổ chân, bàn – ngón chân, ngón chân và xuất hiện muộn là khớp khuỷu tay, khớp vai, khớp háng, đốt sống cổ, thái dương hàm, ức đòn.

- Tính chất sưng, đau có xu hướng lan ra 2 bên và đối xứng- đây là dấu hiệu đặc trưng nhất. Thường có ít nhất 3 khớp trong số các khớp này bị sưng và đau.

- Cơn đau khớp nhiều vào ban đêm hoặc sáng sớm lúc mới ngủ dậy hoặc khi thời tiết chuyển mùa. Bên cạnh đó triệu chứng cứng khớp thường xuất hiện vào sáng sớm.

- Bệnh nhân có thể có sốt nhẹ, da xanh, ăn ngủ kém, gầy

Biến chứng nguy hiểm của VKDT

- Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, VKDT có thể gây biến dạng khớp bị viêm, hạn chế chức năng vận động, teo cơ và có thể bị tàn phế (chiếm khoảng từ 10 – 15%).

- Nếu VKDT ở các khớp ngón tay có thể gây biến chứng làm co quắp các ngón tay.

- Khi bệnh đã thành mạn tính, VKDT có thể kéo dài nhiều năm gây đau, nhức, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt và lao động của người bệnh.

Chẩn đoán phân biệt tránh nhầm lẫn

- Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm để thấy tốc độ máu lắng và tỷ lệ CRP (C- Reactive Protein) tăng cao, đặc biệt là có (dương tính) yếu tố dạng thấp RF (Rheumatoid Factor).

- Ngoài ra, chụp X quang thấy có hình ảnh biến đổi xương (mất vôi, hình dải hoặc xói mòn hoặc khuyết xương hoặc hẹp khe khớp hoặc dính khớp...)

Cần thận trọng phân biệt VKDT với các bệnh đau nhức xương hoặc mỏi cơ hoặc mỏi khớp, viêm cột sống dính khớp, bệnh gout, viêm khớp phản ứng, viêm khớp vẩy nến, lupus ban đỏ hệ thống, thoái hóa khớp... Các bệnh này thường có viêm khớp không đối xứng, đặc biệt là phản ứng huyết thanh về yếu tố RF âm tính.

Điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp

Khi nghi ngờ bị bệnh VKDT bệnh nhân cần đi khám bệnh, tốt nhất là khám bác sĩ chuyên khoa xương khớp và điều trị tích cực theo chỉ định của bác sĩ.

- Nguyên tắc điều trị VKDT là dùng thuốc giảm đau, chống viêm: Aspirin, corticoid, không steroid và thuốc ức chế cox 2 (celebrex).

- Cần điều trị kết hợp giữa nội khoa, lý liệu pháp, phục hồi chức năng tùy theo thể trạng bệnh của người bệnh.

- Tuyệt đối người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh và tự mua thuốc điều trị, đặc biệt không được tiêm bất cứ loại thuốc nào vào vùng đau của khớp khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa xương khớp.

Lời khuyên của bác sĩ

VKDT là bệnh mạn tính kéo dài nên người bệnh phải kiên trì điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, ngoài ra cần:

- Ăn, uống đủ chất, điều độ. Bổ sung các chất tốt cho xương khớp như: canxi, omega-3 trong bữa ăn hàng ngày.

- Có chế độ sinh hoạt hợp lý và rèn luyện cơ thể đều dặn nhằm tránh biến dạng khớp, cứng khớp, teo cơ, tàn phế.

- Mỗi buổi sáng lúc mới ngủ dậy nên xoa bóp cơ, khớp để máu lưu thông tốt đến các cơ, xương, khớp, dây chằng.

- Hàng tháng nên đi khám bệnh theo định kỳ để bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe và phát hiện những bất thường nếu có. (Sức khỏe & Đời sống trang 4)

 

Bã thức ăn hơn 20 cm trong dạ dày khiến bệnh nhân suy kiệt

Ngày 17/2, các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba vừa tiến hành gắp dị vật lớn từ dạ dày một nam bệnh nhân.

Trước đó, bệnh nhân Đ. M. (SN 1960), trú tại huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) nhập viện với các triệu chứng mệt mỏi, nôn nhiều, cơ thể suy kiệt nặng.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã thăm khám và chỉ định nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng.

Quá trình nội soi nhận thấy thực quản và dạ dày bệnh nhân có nhiều dịch thức ăn, ứ động, viêm trào ngược dạ dày. Các bác sĩ đã phát hiện dị vật thức ăn lớn, dài khoảng 20 cm, đây là nguyên nhân chính gây hẹp môn vị.

Sau đó, bệnh nhân được các bác sĩ Khoa Nội tiêu hóa – Huyết học lâm sàng thực hiện các biện pháp làm sạch dạ dày. Dị vật lớn là khối bã thức ăn đã được đưa ra khỏi dạ dày qua đường miệng.

Sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định sau khi được làm sạch dạ dày.

BS. Nguyễn Duy Thạch, Trưởng Khoa Nội Tiêu hóa - Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới khuyến cáo, người dân nên cẩn trọng trong ăn uống. Theo đó, nên ăn chậm, nhai kỹ, tránh thức ăn dai, gân, da, thức ăn khó tiêu hóa, không nên ăn quá nhiều đồ ăn có chất chát… Việc ăn với lượng lớn, trong thời gian dài khối bã thức ăn sẽ dần tích tụ, gây tắc ruột, ảnh hưởng đường tiêu hoá.

Nên uống đủ nước, tập thể dục đều đặn giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt.

Khi nghi ngờ đã nuốt dị vật hoặc cảm thấy các triệu chứng khó chịu ở đường ruột, người bệnh cần đến khám tại các cơ sở y tế để được điều trị can thiệp kịp thời. (Sức khỏe & Đời sống trang 4)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang