Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/10/2021

  • |
T5g.org.vn - Nhanh chóng kiểm soát các ổ dịch mới phát sinh; Cần công khai, minh bạch các yếu tố liên quan đến giá vật tư, dịch vụ y tế; Nhiều nơi phong tỏa, cách ly quá mức khiến 'đất nước, người dân gánh chịu'; Cả nước có thêm 3.618 ca Covid-19; Tổ chức tiêm vắc xin cho người dân từ các địa phương trở lại TP.HCM

Nhanh chóng kiểm soát các ổ dịch mới phát sinh

Tối 20/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 có buổi làm việc trực tuyến với Ban Chỉ đạo 3 tỉnh Phú Thọ, Sóc Trăng, Cà Mau nhằm kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch; đồng thời, lắng nghe các ý kiến góp ý, phản hồi từ các địa phương về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Cùng dự có Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Theo báo cáo của các tỉnh, trong những ngày qua, mặc dù xuất hiện một số ổ dịch ngoài cộng đồng nhưng tình hình vẫn đang được kiểm soát. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, các tỉnh này đã tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, dựa vào 3 trụ cột, thứ nhất, giãn cách, cách ly (nhanh nhất, hẹp nhất và chặt nhất có thể để tránh lây lan ra diện rộng); thứ hai, xét nghiệm phải thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan nhưng an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm để nhanh chóng phân loại, chăm sóc, điều trị kịp thời; thứ ba, điều trị tích cực ngay từ xa, từ sớm, từ cơ sở để người bị nhiễm không chuyển bệnh nặng, góp phần giảm tử vong. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho người dân.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, các tỉnh Phú Thọ, Sóc Trăng, Cà Mau nhanh chóng kiểm soát các ổ dịch mới phát sinh, kiên trì thực hiện các biện pháp đã được chỉ đạo thống nhất từ Trung ương với 3 trụ cột chính. Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp, hỗ trợ tối đa cho các tỉnh về biện pháp y tế. Trên cơ sở Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế, các địa phương cần đánh giá cấp độ dịch ở cơ sở trên phạm vi nhỏ nhất có thể để có các biện pháp y tế, hành chính phù hợp với từng cấp độ, từng địa bàn.

Thủ tướng nhấn mạnh, khi thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh vẫn phải tuân thủ nghiêm phương châm "5K + vaccine + điều trị + công nghệ và đề cao ý thức của nhân dân".

Thủ tướng giao Bộ Y tế triển khai ngay một số nhiệm vụ:

Thứ nhất, tổ chức tập huấn cho các địa phương trên cả nước về Nghị quyết 128 và Hướng dẫn 4800 để có sự thống nhất trong nhận thức và phối hợp trong hành động; đồng thời, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để kịp thời sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh phù hợp thực tiễn.

Thứ hai, khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh theo hướng Bộ Y tế chủ trì, chịu trách nhiệm đánh giá cấp độ dịch và chuyển cấp độ dịch của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo tiêu chuẩn, tiêu chí điều kiện, quy trình chung, tạo sự thống nhất trên toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, không để mỗi tỉnh tự đánh giá một kiểu.

Thứ ba, tập trung tăng cường năng lực y tế các cấp, nhất là năng lực điều trị và ở cấp cơ sở để phân loại, điều trị từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở. Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm vaccine, ưu tiên cho những đối tượng nguy cơ cao, địa bàn đang có dịch và tổ chức tiêm khoa học, an toàn, hợp lý, hiệu quả. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong việc đưa đón người từ địa phương này sang địa phương khác, bảo đảm an toàn các biện pháp y tế và an sinh xã hội cho người dân (Nhân dân, trang 2; Tiền phong, trang 3).

 

Cần công khai, minh bạch các yếu tố liên quan đến giá vật tư, dịch vụ y tế

Chiều 21-10, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã họp nghe báo cáo về tình hình quản lý giá vật tư, dịch vụ y tế; đặc biệt là giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2. Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 20-10-2021, Bộ Y tế đã cấp phép cho 127 sản phẩm test xét nghiệm SASR-CoV-2 gồm: 43 test xét nghiệm vật liệu di truyền (PCR, LAMP); 56 test xét nghiệm kháng nguyên và 26 test xét nghiệm kháng thể...

Về cung ứng và giá test xét nghiệm do các công ty sản xuất, kinh doanh công bố theo quy định, tính đến ngày 20-10-2021, Bộ Y tế đã nhận được văn bản của 84 doanh nghiệp báo cáo khả năng cung ứng và giá do đơn vị công bố cho 186 loại test xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Quản lý giá nhấn mạnh vấn đề giá xét nghiệm virus SARS-CoV-2 được dư luận rất quan tâm, do có nhiều mức giá khác nhau.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế và ý kiến của các bộ ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, trong thời gian qua, để ngăn chặn dịch Covid-19, bên cạnh yếu tố chuyên môn, Bộ Y tế và các địa phương đã chủ động, áp dụng các quy định của pháp luật để bảo đảm vật tư y tế, test, sinh phẩm…, phục vụ công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên do yêu cầu cấp bách, “chống dịch như chống giặc”, giá test thay đổi theo diễn biến thị trường, dải giá rộng, nhiều đơn nhập khẩu… nên việc cấp phép đăng ký lưu hành/giấy phép nhập khẩu bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, do tập trung chống dịch nên việc cung cấp thông tin của Bộ Y tế cho xã hội có lúc còn chưa kịp thời, dẫn đến những cách hiểu khác nhau…

Nhấn mạnh tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, Phó Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, Bộ Y tế phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp phép nhập khẩu, cấp giấy đăng ký lưu hành theo đúng quy định của pháp luật. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh test, bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới. Đồng thời, tổ chức mua sản phẩm test, sinh phẩm, vật tư y tế..., theo đúng yêu cầu, kịch bản chống dịch đã đề ra. Phó Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu các biện pháp trong quản lý điều hành giá, bảo đảm công khai, minh bạch liên quan đến giá vật tư, dịch vụ y tế (Hà Nội mới, trang 2).

 

Nhiều nơi phong tỏa, cách ly quá mức khiến 'đất nước, người dân gánh chịu'

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy: "Dấu hiệu dịch tễ ở các phường xã giống nhau nhưng chủ tịch phường quyết định giải pháp cao hơn làm cho đất nước, người dân phải gánh chịu".

Ngày 21-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và ngân sách nhà nước.

Trong đó, công tác phòng chống dịch được các đại biểu đặc biệt quan tâm khi dịch bệnh đã tác động sâu sắc đến đời sống người dân. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy dẫn chứng một số địa phương áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly quá mức cần thiết và thực tế hiện đang phải trả giá. Đặc biệt là việc áp dụng quy định chống dịch không thống nhất, gây rất nhiều khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Bà Thủy cho rằng chủ trương "mỗi xã phường là một pháo đài" là phát huy năng lực quản lý chống dịch của từng xã phường chứ không phải giăng dây, đóng kín lối đi, cô lập nhiều khu vực như nhiều nơi đang thực hiện.

Lo lắng quá và sợ trách nhiệm

Ông Trịnh Xuân An, ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội, cũng đặt vấn đề công tác chỉ đạo điều hành còn bất cập, vì lo lắng quá mà không dám đưa ra quyết định, sợ trách nhiệm. 

Hiện Chính phủ đã chuyển trạng thái từ chiến đấu với COVID-19 sang thích ứng an toàn, hiệu quả thì cần phải thay đổi trong tư duy điều hành, từ lo sợ sang tự tin. Đồng thời, chấn chỉnh nghiêm khắc với những vị trí, cá nhân không làm tốt, xử lý nghiêm, đến nơi đến chốn những người không làm hết trách nhiệm, gắn với động viên, khen thưởng kịp thời.

Đặc biệt, đại biểu An cũng truy trách nhiệm của ngành y tế khi để xảy ra tình trạng loạn giá xét nghiệm. Cần hướng dẫn triển khai mua vắc xin khi người dân, doanh nghiệp, các tổ chức có thông tin về nguồn cung cấp, tránh tình trạng chờ hướng dẫn và "phải hỏi đi hỏi lại". 

Vấn đề phát huy quyền tự chủ của các đơn vị trong công tác mua sắm trang thiết bị cho phòng chống dịch, khi có tình trạng "sợ trách nhiệm không dám mua sắm, đấu thầu mà phải đi xin tài trợ".

Trong khi đó, đại biểu Ngô Trung Thành - phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - cho rằng năng lực dự báo chưa thực sự tốt, nên chậm tiếp cận nguồn cung vắc xin. Do đó, ông đề nghị cần xác định rõ, dự báo kịch bản những tháng cuối năm và năm 2022, diễn biến dịch bệnh như thế nào để chủ động hơn. 

"Chúng ta thay đổi sống chung với COVID-19 thì phải có bệ đỡ là tiêm vắc xin mới có thể sống chung được. Do vậy cần tập trung thực hiện kịch bản sống chung và thay đổi mục tiêu zero COVID bằng cách đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin" - ông Thành đề nghị.

Nêu vấn đề quản trị đất nước 100 triệu dân là rất khó khăn, đặc biệt trong thời điểm thiên tai, dịch bệnh và điều kiện đất nước hiện nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần phải hết sức chú ý về quản trị.

"Tôi đánh giá cao sự cố gắng của toàn dân, lực lượng tuyến đầu đã xông pha trận mạc, vất vả, song với tình hình hiện nay khi nhiều nước vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội thì không được chủ quan hay đơn giản hóa, với điều kiện kiên quyết vẫn là 5K + vắc xin" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Đặc biệt khi vừa qua xuất hiện nhiều ổ dịch mới tại Cà Mau, Phú Thọ, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Nam Định, Chính phủ cần phải có báo động đỏ để tiếp tục đề cao cảnh giác, có biện pháp kiên quyết kịp thời, rốt ráo hơn nữa để khoanh ổ dịch ở mức độ giãn cách khác nhau. 

"Tuy vậy, cần lưu ý cùng với việc đề cao cảnh giác thì cũng không thể đóng cửa mãi đất nước, mà phải mở cửa để giải quyết việc làm, thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.

Tư nhân hóa nguồn lực phòng chống dịch

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - cho rằng đã trải qua các đợt dịch nhưng vẫn chưa làm rõ các bài học, đặc biệt là về lĩnh vực y tế. Theo đó, vấn đề cốt lõi là bao phủ vắc xin và củng cố hệ thống y tế, nhưng nhiều bệnh viện vẫn "đau đầu" về việc cung ứng thuốc, trang thiết bị.

"Luôn luôn phải lấn cấn về giá cả, làm sao vừa đảm bảo đúng pháp luật và bảo đảm các nhu cầu của đơn vị, đó cũng là hiệu quả điều trị. Nếu sợ quá, không mua thì không có máy móc cho điều trị người bệnh, nếu mua thì... không biết làm sao cho đúng" - bà Lan nói và đề nghị rất cần chính sách phù hợp từ Bộ Y tế để tránh những chuyện đáng tiếc khi một loạt cán bộ ngành y tế dính vòng lao lý liên quan đến cung ứng vật tư.

Đồng thời, đại biểu Phong Lan cũng đề nghị cần có chính sách tiêm dịch vụ vắc xin ngừa COVID-19, bởi hiện nay chưa có cơ chế để khám chữa bệnh ngoài công lập với COVID-19. Việc Nhà nước vẫn "ôm" là chưa phát huy thế mạnh của y tế tư nhân nên cần thay đổi. 

Dẫn chứng lại việc chậm trễ trong mua vắc xin, bà Lan đề nghị cần đẩy mạnh xã hội hóa trong y tế, nhất là chính sách tiêm vắc xin dịch vụ, tạo cơ chế để khám chữa trị COVID-19 ngoài công lập. 

"Hiện nay Nhà nước, ngân sách lo hết, song về lâu dài sẽ khó lo nổi trong khi khối tư nhân năng động lại chưa tận dụng hết khả năng để tạo thêm nguồn cung vắc xin" - bà Lan đề nghị.

Trong khi đó, đại biểu Trần Khánh Thu (bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM) nhận định lực lượng y tế tư nhân chưa thể hiện hết các thế mạnh cũng như tiềm lực của mình trong công tác phòng chống dịch hiện nay. Do đó, bà Thu cho rằng cần có những cơ chế để thu hút hơn nữa khối y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Cả nước có thêm 3.618 ca Covid-19

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 3.636 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 18 ca nhập cảnh và 3.618 ca ghi nhận trong nước (giảm 17 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là thành phố Hồ Chí Minh (giảm 92 ca), Đắk Lắk (giảm 77 ca), Gia Lai (giảm 50 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Tây Ninh (tăng 133 ca), Đồng Nai (tăng 85 ca), Cà Mau (tăng 34 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.373 ca/ngày.

Cụ thể, tính từ 17h ngày 20-10 đến 17h ngày 21-10, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.636 ca nhiễm mới, trong đó có 18 ca nhập cảnh và 3.618 ca ghi nhận trong nước tại 50 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (1.255), Bình Dương (483), Đồng Nai (390), Tây Ninh (185), An Giang (174), Sóc Trăng (109), Bạc Liêu (102), Kiên Giang (92), Tiền Giang (82), Cà Mau (80), Bình Thuận (78), Long An (70), Trà Vinh (57), Gia Lai (43), Khánh Hòa (40), Bình Định (36), Phú Thọ (35), Đồng Tháp (34), Nghệ An (29), Cần Thơ (23), Thanh Hóa (21), Bà Rịa - Vũng Tàu (18), Hậu Giang (18), Vĩnh Long (15), Bình Phước (14), Nam Định (12), Quảng Bình (11), Đắk Nông (11), Quảng Ngãi (10), Hà Nam (10), Quảng Nam (10), Hà Nội (9), Lâm Đồng (8 ), Bến Tre (7), Bắc Ninh (6), Kon Tum (6), Sơn La (5), Ninh Thuận (5), Phú Yên (4), Hà Tĩnh (3), Quảng Trị (3), Hà Giang (3), Hải Phòng (2), Vĩnh Phúc (2), Bắc Giang (2), Hòa Bình (2), Thái Bình (1), Lạng Sơn (1), Thái Nguyên (1), Hải Dương (1); trong đó có 1.649 ca tại cộng đồng.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 877.537 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.911 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 872.811 ca, trong đó có 795.307 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Hiện Bắc Kạn là 1/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước.

Ngoài ra, có 17 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là thành phố Hồ Chí Minh (422.201), Bình Dương (227.328), Đồng Nai (60.081), Long An (33.999), Tiền Giang (15.331).

Về tình hình điều trị, có 1.542 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 21-10, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 798.124. Ngoài ra, còn 3.041 bệnh nhân nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước.

Cũng trong ngày 21-10, cả nước ghi nhận 71 ca tử vong tại 9 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (41), Bình Dương (12), Long An (5), An Giang (4), Sóc Trăng (3), Ninh Thuận (2), Đồng Nai (2), Quảng Ngãi (1), Hà Nội (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 77 ca/ngày.

Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.487 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới về tổng số ca tử vong, Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á về tổng số ca tử vong, Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ (Hà Nội mới, trang 7).

 

Tổ chức tiêm vắc xin cho người dân từ các địa phương trở lại TP.HCM

Trong buổi họp báo chiều 21-10, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết tỉ lệ người dân TP trên 18 tuổi tiêm vắc xin mũi 1 đến nay đạt 99% và mũi 2 đạt 76,8%. Mục tiêu của TP là cố gắng tiêm tất cả người dân và tiêm càng nhiều càng tốt.

Người dân vì lý do nào đó vẫn chưa tiêm hoặc đến hạn nhưng chưa tiêm mũi 2 có thể đăng ký qua tổng đài 8066 của Sở Thông tin và truyền thông hoặc đến trực tiếp UBND các phường, xã đăng ký tiêm.

"Trường hợp người dân không có đủ giấy tờ chứng minh đã tiêm mũi 1 cũng được tạo điều kiện làm cam kết để được tiêm mũi 2. Tránh việc địa phương không đồng ý tiêm mũi 2 cho bà con nếu không có giấy chứng minh đã tiêm mũi 1", ông Hưng thông tin.

Cũng theo ông Hưng, sau thời gian TP nới lỏng giãn cách, người dân các tỉnh thành trở về TP để sinh sống, học tập, làm việc sẽ được tiêm vắc xin mũi 1 hoặc mũi 2 nếu chưa tiêm đủ liều.

Ông Hưng đề nghị người dân sau khi quay lại TP.HCM chủ động liên hệ các phường, xã để đăng ký tiêm vắc xin. UBND các địa phương phải có trách nhiệm tạo điều kiện tiêm sớm nhất cho nhóm đối tượng này.

Sở Y tế cũng đã đề nghị các doanh nghiệp thống kê danh sách người lao động quay lại làm việc để tổ chức tiêm và nếu số lượng lớn ngành y tế sẽ tổ chức tiêm ngay tại các doanh nghiệp.

Về việc chuẩn bị tiêm ngừa cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, bác sĩ Hưng cho biết ngày 14-10, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo để sở y tế các địa phương tham mưu UBND các tỉnh, thành có kế hoạch tiêm cho nhóm đối tượng này.

Sau đó, Sở Y tế đã tổ chức cuộc họp với Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Lao động - thương binh và xã hội thảo luận kỹ chỉ đạo của Bộ Y tế. Trên cơ sở đó, TP.HCM sẽ tổ chức tiêm chủng ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn phê duyệt vắc xin tiêm cho các cháu.

Bộ Y tế cũng đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tổ chức tập huấn cho các đơn vị tiêm để đảm bảo an toàn.

Cũng theo ông Hưng, theo thống kê tại TP.HCM, có khoảng 780.000 em trong độ tuổi trên, chủ yếu là học sinh phổ thông (Tuổi trẻ, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang