Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/1/2020

  • |
T5g.org.vn - Các bệnh viện sẵn sàng cứu chữa người bệnh dịp Tết; Quy định 21 vi chất đối với sữa học đường là đúng…

 

Kiểm tra công tác phòng chống dịch viêm phổi cấp tại sân bay Nội Bài

Sáng 21-1, đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rút Corona mới tại sân bay Quốc tế Nội Bài.

Ông Nguyễn Hải Nam, Trưởng khoa Kiểm soát dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, cho biết công tác kiểm dịch ở các cửa khẩu là công tác đầu tiên trong việc dự phòng các bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào Việt Nam. Việc giám sát sẽ giúp phát hiện sớm bệnh nhân và giám sát, cách ly hành khách có nghi ngờ để giảm thiểu sự lây lan vào cộng đồng.

“Hiện nay, sân bay quốc tế Nội Bài không có đường bay trực tiếp từ sân bay Vũ Hán nhưng trong hệ thống kiểm dịch của Việt Nam thì sân bay Đà Nẵng đã phát hiện hai hành khách có dấu hiệu sốt. Dù đến nay Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh nhưng công tác kiểm dịch luôn được chú trọng ngay từ trước. Hiện, chúng tôi đang giám sát chặt chẽ hơn tất cả các chuyến bay từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ma Cao, HongKong và nước mới có dịch bệnh xâm nhập như Thái Lan và Nhật Bản. 100% hành khách đều được giám sát bằng máy đo thân nhiệt và quan sát tình trạng sức khỏe", ông Nam cho biết.

Vào dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập, ông Nam cho biết, việc kiểm dịch được đề cao hơn bất cứ lúc nào do mọi người đi du lịch và về quê ăn tết. Để đáp ứng cho việc giám sát dịch bệnh ngay tại cửa khẩu, khoa cũng đã bổ sung nhân lực trực kiểm dịch và xử lý y tế cho bốn vị trí thiết lập máy kiểm tra thân nhiệt, bảo đảm mỗi ca trực có từ 9-10 nhân viên, trong đó có ít nhất hai bác sĩ; thực hiện thường trực giám sát, xử lý kiểm dịch y tế 24/24 giờ và thiết lập các phương án thu dung người nghi nhiễm bệnh; bố trí khu vực cách ly, cung cấp trang bị phòng hộ...

Hiện nay, Khoa Kiểm soát dịch y tế quốc tế đã nhận được công văn khẩn của Bộ Y tế để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và bản thân Trung tâm cũng kiểm soát bệnh tật cũng xây dựng kế hoạch để phòng chống bệnh viêm phổi cấp do virus corona. Trung tâm kiểm dịch cũng có quy chế phối hợp với các ngành ở sân bay quốc tế Nội Bài khi phát hiện hành khách nghi ngờ sẽ kích hoạt hệ thống phòng chống dịch bệnh theo quy trình.

“Việc kiểm soát thân nhiệt được triển khai sẵn sàng với bốn máy đo thân nhiệt, hai máy khu vực quốc tế đến, hai máy ở khu vực quốc tế đi và hai máy dự phòng trong trường hợp trục trặc. Bây giờ chúng tôi sẽ làm chặt chẽ hơn với những chuyến bay từ nguồn dịch đến.", ông Nam nói.

Ông Nam cho biết trung bình mỗi ngày sân bay quốc tế Nội Bài có từ 11-16 chuyến bay từ 10 sân bay từ Trung Quốc và nhiều chuyến bay đến từ một số vùng lãnh thổ và các quốc gia đang có dịch.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã xây dựng phương án khi phát hiện trường hợp sốt, có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới tại sân bay quốc tế Nội Bài, hoặc tại cộng đồng sẽ đưa về các bệnh viện như: Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa... để được điều trị kịp thời.

Tại Trung Quốc, tính đến 18 giờ ngày 20-1, số ca nghi vấn mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới gây ra tại Trung Quốc là 224 ca, trong đó có 217 trường hợp xác định nhiễm bệnh gồm 198 ca tại Vũ Hán, năm ca tại Bắc Kinh và 14 ca tại Quảng Đông. Có bảy trường hợp nghi nhiễm bệnh tại Tứ Xuyên, Vân Nam, Thượng Hải, Quảng Tây, Sơn Đông. Các nước khác cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm bệnh, cụ thể gồm một ca tại Nhật Bản, hai ca tại Thái Lan và một ca tại Hàn Quốc.

Ngày 20-1-2020, Theo TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới WHO tại Việt Nam cho biết, đã có bằng chứng về việc lây truyền hạn chế từ người sang người của vi rút nCoV. Hiện nCoV đang thay đổi. Vi rút đang thích nghi với môi trường và thích nghi với cả con người. Vì thế, số lượng ca mắc viêm phổi cấp có nguy cơ tăng cao, nhất là trong dịp Tết nguyên đán sắp tới. Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến nghị tất cả các quốc gia chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh này. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 1: “Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp tại Sân bay Nội Bài”; Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Ngăn chặn bệnh viêm phổi cấp ngày tại cửa khẩu”

 

Bảo đảm chăm sóc sức khỏe người dân trong những ngày Tết

Ðến thời điểm này, các bệnh viện thực hiện xong công tác chuẩn bị, sẵn sàng về mọi mặt, từ nhân sự đến trang thiết bị, thuốc, dịch vụ y tế… để khám bệnh, cấp cứu cho người dân trong những ngày Tết. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các bệnh viện không được từ chối hoặc chậm trễ tiếp nhận các trường hợp cấp cứu, dù người bệnh có trái tuyến.

Theo TS Dương Ðức Hùng, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện Bạch Mai, đến thời điểm này, bệnh viện xây dựng nhiều phương án, kể cả tình huống cấp cứu hàng loạt. Mỗi ngày vẫn có hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế làm việc. Ðáng chú ý, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Khoa Khám bệnh vẫn tổ chức khám bệnh tất cả các ngày nghỉ Tết.

Ngoài ra, nhằm động viên những người bệnh phải ở lại điều trị trong dịp Tết Nguyên đán, lãnh đạo bệnh viện sẽ đến các khoa phòng để thăm, động viên, tặng quà cho từng người và đôn đốc cán bộ y tế làm nhiệm vụ dịp Tết bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Tương tự, Bệnh viện Việt Ðức cũng có kế hoạch rất chi tiết từ chuẩn bị hậu cần (trang thiết bị, thuốc, vật tư…) đến điều động lực lượng bác sĩ, điều dưỡng ứng trực 24/24 giờ theo bốn cấp, từ trực chuyên môn cấp cứu, khám chữa bệnh đến trực điện, nước, đường dây nóng… Bệnh viện cũng đã tổ chức các đội cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới khi có yêu cầu.

PGS, TS Trần Minh Ðiển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, dự kiến trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, sẽ có khoảng 1.000 bệnh nhi đón Tết tại bệnh viện. Ðến thời điểm này, bệnh viện đã chuẩn bị đủ các phần quà và hàng nghìn suất cháo, cơm để cấp miễn phí cho người bệnh và người nhà người bệnh trong bốn ngày Tết (từ 30 đến hết mồng 3 Tết).

Cũng giống như nhiều năm, vào dịp Tết, số trẻ cấp cứu do ngộ độc thức ăn, chấn thương do tai nạn, hay bị mắc cúm, viêm phổi… do thời tiết đông xuân cũng có nguy cơ gia tăng. Bởi vậy, ngoài công tác bảo đảm chữa trị cho các bệnh nhân nội trú, công tác trực cấp cứu cũng luôn sẵn sàng 24/24 giờ. Dịp Tết năm nay, bệnh viện mở thêm các phòng khám để đáp ứng nhu cầu khám, cấp cứu cho những bệnh nhi.

Do nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài tới bảy ngày, cho nên nhiều bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng có kế hoạch và công tác chuẩn bị dài hơi hơn, duy trì trực bốn cấp theo quy định của Bộ Y tế. Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy chuẩn bị đầy đủ nhân lực và phương tiện để sẵn sàng cấp cứu nội – ngoại viện và cấp cứu thảm họa trong những ngày Tết. Bệnh viện đã lên kế hoạch đáp ứng tình hình bệnh nhân đông đột biến trong những ngày lễ, ngày nghỉ. Trong dịp Tết Nguyên đán 2020, các đội cấp cứu chuyên khoa hoạt động theo hình thức đội cấp cứu của tua trực, tua sau ứng trực tua trước và sẵn sàng theo lệnh điều động của lãnh đạo bệnh viện.

Bệnh viện sẽ thực hiện “tua trực có trách nhiệm”, người trực không được rời vị trí được phân công, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và kịp thời giải quyết cho người bệnh. Bệnh viện hỗ trợ mua vé xe khách để người bệnh, thân nhân về nhà khi được xuất viện vào những ngày cận Tết; hỗ trợ tiền xe cho người bệnh thuộc diện nghèo. Ðối với các trường hợp còn phải ở lại để điều trị, các bệnh viện có kế hoạch thăm hỏi, tặng quà Tết, ưu tiên những người bệnh nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình chính sách, có công với cách mạng…

Ngoài ra, bếp yêu thương của bệnh viện hoạt động liên tục bảo đảm cung cấp suất ăn miễn phí cho thân nhân trong những ngày nghỉ Tết, qua đó bảo đảm phục vụ chu đáo bệnh nhân và khách đến bệnh viện trong những ngày lễ, bảo đảm an toàn sức khỏe cho bệnh nhân, thân nhân và nhân viên bệnh viện.

Tại thành phố Ðà Nẵng, để phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cho người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2020, UBND thành phố Ðà Nẵng đã chỉ đạo Sở Y tế chủ động, tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm và công khai các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các bệnh viện, cơ sở y tế ứng trực 24/24 giờ, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc chữa bệnh, bảo đảm sơ cứu, cấp cứu kịp thời cho người bệnh, nhất là những trường hợp thương tích, tai nạn giao thông.

Tổ chức các điểm bán thuốc 24/24 giờ và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; kiểm tra, rà soát các hoạt động của các cơ sở y tế theo quy định. Dịp Tết này, UBND thành phố Ðà Nẵng cũng hỗ trợ những người bệnh nặng ở lại các bệnh viện, cơ sở y tế (thuộc Sở Y tế Ðà Nẵng) điều trị với mức hỗ trợ 60 nghìn đồng/người/ngày.

Giám đốc Bệnh viện Ðà Nẵng Lê Ðức Nhân cho biết, để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe người dân trong dịp Tết, bệnh viện đã thành lập ban chỉ đạo, kiện toàn ba đội cấp cứu, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, máu, vật tư y tế sẵn sàng ứng cứu trong các tình huống khẩn cấp. Phân công Ban Giám đốc, Ban chủ nhiệm khoa, phòng theo dõi hoạt động chuyên môn, trực 24/24 giờ. Hiện nay, các phương án dự trữ thuốc, dịch truyền, máu, trang thiết bị cũng như các phương tiện chăm sóc và hỗ trợ tuyến dưới đã được chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó khi có các tình huống xảy ra.

Công tác cấp cứu người bệnh được triển khai trong suốt dịp Tết tại phòng cấp cứu đa khoa, các khoa điều trị nội trú của bệnh viện vẫn hoạt động bình thường. Ngoài ra, hàng nghìn suất quà Tết cũng sẽ được trao cho người bệnh, và chương trình “chuyến xe nghĩa tình” Xuân Canh Tý 2020 được tổ chức vào hai ngày 27 và 28 tháng Chạp đưa gần 100 người bệnh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi về quê đón Tết với gia đình.

Bộ Y tế vừa có công văn khẩn yêu cầu các bệnh viện; sở y tế các tỉnh, thành phố; y tế các bộ, ngành về việc phát hiện sớm và chuẩn bị tốt việc phòng, chống bệnh dịch viêm phổi cấp do vi-rút corona mới (nCoV). Theo đó, các đơn vị tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh; tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chuẩn cho nhân viên y tế. Chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc hồi sức cấp cứu, dịch truyền. Thực hiện đúng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do nCoV… Thành lập đội phản ứng nhanh nội viện, ngoại viện để sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới… (Nhân dân, trang 8).

 

Quy định 21 vi chất đối với sữa học đường là đúng

Chiều 21-1, tại cuộc họp báo về tình hình công tác tư pháp năm 2019, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, năm 2019, ngành Tư pháp đã có nhiều nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã được Quốc hội, Chính phủ giao.

Kết quả nổi bật là đã chủ trì và chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1) của nước ta tăng 17 bậc so với năm 2018.

Cũng tại buổi họp báo, đại diện Bộ Tư pháp đã trả lời các vấn đề dư luận quan tâm, đặc biệt là việc có hay không sai phạm về quy trình thủ tục đối với Thông tư 31/2019/TT-BYT của Bộ Y tế, quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường.

Theo Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Đồng Ngọc Ba, qua kiểm tra bước đầu, việc Bộ trưởng Bộ Y tế quy định 21 vi chất đối với sữa học đường là đúng. Còn 21 vi chất có tốt cho sức khỏe người dùng không, không phải chuyên môn của Bộ Tư pháp, cần có một cơ quan chuyên môn khác trả lời vấn đề này. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Các bệnh viện sẵn sàng cứu chữa người bệnh dịp Tết

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trong khi người người, nhà nhà lo sắm sửa, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón năm mới thì tại các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, công tác khám, chữa bệnh vẫn diễn ra bình thường. Cùng với đó, các phương án cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh… trong những ngày nghỉ Tết cũng đã được các bệnh viện hoàn thành, bảo đảm sẵn sàng phục vụ.

Tổ chức khám, chữa bệnh như ngày thường

Là cơ sở đầu ngành trong cấp cứu ngoại khoa nên cứ mỗi dịp lễ, Tết, cường độ làm việc của các y, bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức thường “căng” hơn ngày thường. Ngay trong những ngày Tết cận kề, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân P.V.K. (44 tuổi, ở tỉnh Hà Nam) nhập viện trong tình trạng dập nát vùng cánh tay, chấn thương phức tạp vùng mặt, có rất nhiều dị vật trong mắt... do pháo nổ. Ngay lập tức, các bác sĩ đã phẫu thuật cho bệnh nhân K. Sau mổ, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định…

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, trung bình mỗi ngày, bệnh viện phải mổ cấp cứu 30-35 ca, mổ phiên khoảng 200 ca. Như vậy, bệnh viện phải phẫu thuật khoảng 230 ca/ngày. Số ca mổ sẽ tăng cao hơn vào dịp Tết Nguyên đán. Do đó, bệnh viện đã tăng cường phòng mổ với đầy đủ trang thiết bị, bảo đảm giải quyết kịp thời các ca cấp cứu phải phẫu thuật. Ngoài ra, trong 7 ngày nghỉ Tết, mỗi ngày bệnh viện bố trí khoảng 300-400 bác sĩ ứng trực 24/24 giờ, trong đó có khoảng 10 giáo sư, bác sĩ tham vấn chuyên khoa, sẵn sàng ứng phó khi có ca tai nạn hàng loạt, báo động đỏ.

Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai, theo GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc phụ trách bệnh viện, Khoa Khám bệnh vẫn tổ chức khám tất cả các ngày Tết (từ 29 Tết đến mùng 5 Tết). Bệnh viện cũng bố trí hơn 400 nhân viên y tế trực 24/24 giờ, bảo đảm xử trí kịp thời mọi trường hợp, tránh tình trạng đùn đẩy, gây phiền hà cho người bệnh. Bên cạnh đó, để động viên người bệnh phải ở lại điều trị trong dịp Tết, sáng 22-1 (tức 28 Tết), lãnh đạo bệnh viện đến các khoa, phòng để thăm, tặng quà bệnh nhân và động viên, đôn đốc cán bộ y tế làm nhiệm vụ dịp Tết.

Không chỉ phân công lịch trực Tết tới từng cán bộ, nhân viên, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản trung ương còn sẵn sàng nhân lực, vật lực để đáp ứng các tình huống xảy ra trong sản khoa. Ngoài ra, trong đêm Giao thừa, lãnh đạo bệnh viện sẽ đến thăm, tặng quà các sản phụ sinh con vào thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.

Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi do vi rút mới corona đang diễn biến phức tạp tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và một số quốc gia khác tại châu Á, theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, bệnh viện đã thiết lập khu vực cách ly, tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ có tiền sử đi, về từ vùng dịch. Khoa Cấp cứu và Khoa Hồi sức bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu sẵn sàng cứu chữa người bệnh như: Máy thở, hệ thống ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể)...

Khi có lệnh là lên đường...

Sở Y tế Hà Nội vừa chính thức công bố danh sách 69 điểm bán thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trong đó có 39 nhà thuốc trong bệnh viện và 30 nhà thuốc, quầy thuốc được phân bố tại các quận, huyện, thị xã. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khẳng định, ngành Y tế Thủ đô sẽ cử cán bộ trực 24/24 giờ trong các ngày nghỉ Tết để theo dõi, nắm bắt tình hình và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp cứu, cung ứng thuốc phục vụ chữa bệnh. Mặt khác, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị không lợi dụng thời điểm Tết Nguyên đán để tăng giá thuốc. Ngành Y tế Hà Nội cũng đã phân công 7 bệnh viện và 23 trung tâm y tế quận, huyện tổ chức lực lượng thường trực tại các điểm bắn pháo hoa. Mỗi đơn vị cử 1 tổ cấp cứu, gồm: 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 1 xe ô tô cứu thương, bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, thường trực trong suốt quá trình bắn pháo hoa.

Trước thềm năm mới, kiểm tra công tác ứng trực cấp cứu tại một số bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu, kỳ nghỉ Tết năm nay kéo dài, do đó, từng nhân viên y tế phải thực hiện đúng nhiệm vụ được phân công, làm tốt công tác cấp cứu, thu dung bệnh nhân. Đặc biệt, các cán bộ y tế cần có tinh thần, thái độ đúng mực, đón tiếp chu đáo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý, trong những ngày Tết, các kíp trực tại bệnh viện tuyệt đối không được sử dụng rượu, bia. Các bệnh viện cũng phải chuẩn bị đội cấp cứu lưu động với đầy đủ trang thiết bị, cơ số thuốc, kíp trực...; sẵn sàng khi có lệnh là lên đường ngay.

Để người dân đón Tết an vui, mạnh khỏe, bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức khuyến cáo, các nghiên cứu đều chỉ ra, tỷ lệ nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não tăng rất cao vào dịp lễ, Tết. Do đó, những người bị cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, tăng mỡ máu… nên đi kiểm tra sức khỏe toàn diện, đặc biệt là tim mạch trước khi nghỉ Tết. Người bệnh nên tuân thủ điều trị, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, kiểm soát tốt huyết áp, đường máu và mỡ máu vào dịp lễ, Tết. Tránh những thói quen ăn uống không tốt cho sức khỏe như ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ chế biến sẵn, ăn quá mặn… (Hà Nội mới, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang