Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/12/2023

  • |
T5g.org.vn - Bác sĩ bị mạo danh để bán thuốc trôi nổi; Thời tiết chuyển lạnh, bệnh nhân bệnh tim mạch và đột quỵ gia tăng; 94,4% bếp ăn trường tiểu học ở Hà Nội đạt điều kiện an toàn thực phẩm…

 

Hậu quả nặng nề do môi trường làm việc độc hại

Hàng chục công nhân từng làm việc tại một công ty chuyên sản xuất bột đá ở Nghệ An được phát hiện mắc bệnh bụi phổi silic. Nhiều người trong số này chết nhanh chóng và không ít trường hợp đang phát bệnh nặng. Đây được xem là trường hợp mất an toàn lao động dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, ở địa phương vùng Bắc Trung Bộ này.

Sau hơn một năm chống chọi với bệnh bụi phổi silic, anh Hoàng Văn S. (48 tuổi, trú xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc) đã chết vào cuối tháng 11 vừa qua. Đây là trường hợp thứ hai trên địa bàn xã này chết do bụi phổi chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng qua (anh Trần Ngọc H. 45 tuổi, chết ngày 6/10).

Anh S. bắt đầu làm công nhân đóng bột vào bao tải tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Châu Tiến, Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc từ tháng 10/2019, mức lương 6 triệu đồng/tháng. Giữa năm 2022, do cảm thấy sức khỏe bắt đầu đi xuống (lúc này có nhiều đồng nghiệp đã phát hiện mắc bụi phổi), anh đã đi khám và các bác sĩ kết luận anh mắc phải bệnh bụi phổi silic.

Lúc này, phổi đã có lớp bụi dày, sức khỏe anh S. yếu, không rửa phổi được nữa, nên được gia đình đưa về nhà chăm sóc. Mỗi lần anh lên cơn khó thở, bệnh chuyển biến nặng, gia đình lại đưa đến Bệnh viện Phổi Nghệ An để thở ô-xy.

Ông Nguyễn Viết Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nghi Hưng bức xúc: “Xã chúng tôi có 11 lao động từng làm việc tại Công ty Châu Tiến thì đến nay đã có ba người chết, một người bệnh đang trở nặng. Thật sự là giật mình, hoang mang”.

Trong số các lao động từng làm việc ở Công ty Châu Tiến mắc bệnh bụi phổi silic, anh Phạm Quang S. (xã Nghi Thuận) là người trẻ tuổi nhất (sinh năm 1995, chết hồi tháng 12/2022). Anh S. làm ở tổ nghiền tinh từ tháng 4/2018-2/2021.

Đã một năm trôi qua, ông Phạm Khắc Khánh, bố của anh S. vẫn chưa nguôi được nỗi đau mất con. “Em nó bảo là bụi lắm. Bụi đến nỗi mà hai người đứng sát nhau nhưng không nhìn thấy nhau. Mỗi khi có đoàn kiểm tra, công ty họ cho dừng máy móc nên không thấy bụi”, ông Khánh kể.

Đến nay đã có sáu người từng làm việc ở Công ty Châu Tiến tử vong. Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp tại Công ty Châu Tiến (của Sở Y tế Nghệ An, thành lập ngày 5/10/2023) đã kết luận tử vong do mắc bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp đối với 5 trường hợp. Trường hợp còn lại là anh Hồ Đức H. (sinh năm 1990, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), công nhân tổ tách hạt từ tháng 6/2017-5/2020, tử vong vào tháng 1/2021, chưa đủ căn cứ để kết luận tử vong do mắc bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp.

Công ty Châu Tiến được thành lập năm 2005, mua lại cơ sở hiện tại năm 2013 và chính thức đi vào sản xuất năm 2017, sản xuất bột đá silic trắng và đá lót sàn nồi nấu thép. Công ty có 34 lao động, trong đó 28 người là lao động trực tiếp.

Sự việc về môi trường làm việc độc hại tại Công ty Châu Tiến được phát giác vào tháng 2/2023.

Tháng 5/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An thành lập đoàn kiểm tra tại công ty này. Kết quả kiểm tra đã chỉ ra nhiều sai phạm, như: công ty không quan trắc môi trường lao động để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động theo quy định của pháp luật; không tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 14 người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ngoài ra, công tác thu gom, lưu trữ chất thải nguy hại chưa đúng quy định,... Do hàng loạt vi phạm, tháng 9/2023, công ty bị Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ra quyết định xử phạt hành chính 116 triệu đồng.

Ông Trần Minh Tuệ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho biết: Trong một tháng qua, chúng tôi đã khám xác định bệnh nghề nghiệp cho 81 người đã và đang làm việc tại Công ty Châu Tiến. Trong số này có ba người đã phát hiện bệnh bụi phổi silic nay tái khám, 78 người khám lần đầu. Kết quả, 57 người mắc bụi phổi silic (19 người thể nặng, 25 người thể trung bình, 13 người bị thể nhẹ).

Những người may mắn không mắc phải căn bệnh nguy hiểm này phần lớn làm việc ở các bộ phận bên ngoài như kế toán, văn phòng, bảo vệ,... Trong danh sách mà Công ty Châu Tiến báo cáo, có 117 người từng làm việc tại công ty, như vậy còn 36 người vẫn chưa đến khám.

Chiều 18/12 vừa qua, ông Lê Tiến Trị, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) cho biết, đây là trường hợp mất an toàn lao động xảy ra hậu quả nghiêm trọng nhất từ trước tới nay ở địa phương. Ban vừa đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chủ trì tổ chức buổi làm việc với các sở, ngành.

Ủy ban nhân dân huyện Nghi Lộc và Công ty Châu Tiến để thống nhất giữa các sở, ngành về giải quyết các vấn đề liên quan. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, hiện nay, trong Khu kinh tế Đông Nam, ngoài Công ty Châu Tiến, còn bao nhiêu cơ sở sản xuất bột đá silic, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam nói, đơn vị đang rà soát!. (Nhân dân, trang 8).

 

Thời tiết chuyển lạnh, bệnh nhân bệnh tim mạch và đột quỵ gia tăng

Mấy ngày vừa qua, Khoa Cấp cứu Bệnh viện E liên tiếp tiếp nhận nhiều ca đột quỵ não và các bệnh tim mạch. Điều lo ngại là nhiều người trẻ chủ quan dù đột quỵ não ngày càng trẻ hóa. Trong khi đó, người già thường mắc bệnh lý tim mạch …

Thông tin từ Bệnh viện E cho biết, tối ngày 18/12/2023, khoa Cấp cứu Bệnh viện E tiếp nhận nam thanh niên 34 tuổi ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội nhập viện trong tình trạng yếu nửa người trái, nói khó… Các bác sĩ tiến hành xử trí cấp cứu người bệnh,  làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết xác định người bệnh bị đột quỵ não.

Khai thác tiền sử bệnh án, người nhà người bệnh cho biết, bệnh nhân có biểu hiện yếu nửa người, nói khó khi đang chơi  bóng bàn tại cơ quan sau giờ làm việc… Mọi người đều nghĩ người bệnh bị trúng gió nhưng anh thấy yếu nửa người, nói khó… nên đã đến cấp cứu tại Đơn vị đột quỵ và can thiệp mạch máu – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E.

Bệnh nhân được chấn đoán là tắc mạch máu não cấp đến trong “thời gian vàng” sau 25 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng ban đầu. Người bệnh được chụp CT và được chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối tái tưới thông mạch máu não.

Một trường hợp khác là bệnh nhân 89 tuổi, ở Nam Trực, Nam Định. Bệnh nhân nhập viện với các biểu hiện cơn đau vùng ngực sau xương ức, khó thở từ cơ sở y tế tuyến dưới được chuyển sang cấp cứu tại Đơn vị đột quỵ và can thiệp mạch máu – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E.

Các bác sĩ tiến hành siêu âm tim, điện tim, xét nghiệm cần thiết cho người bệnh. Kết quả men tim của người bệnh tăng gấp 30 lần so với ngưỡng thông thường là 14 ng/L. Bác sĩ giải thích, người bệnh đang ở tình trạng nguy hiểm do tổn thương cơ tim gây nên… Người bệnh đã đáp ứng tốt thuốc điều trị tim mạch nên phục hồi tốt.

Theo các bác sĩ, đối với người cao tuổi (trên 80 tuổi) khả năng phục hồi như vậy là tín hiệu tốt. Bởi người bệnh có thể tự chăm sóc bản thân, vận động đi lại được mà không nhờ người khác hỗ trợ là kết quả tốt cho người bệnh, giảm bớt gành nặng cho gia đình và cộng đồng.

ThS.BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E cho biết, thời tiết biến đổi thất thường như những ngày vừa qua, khiến người bệnh nhập viện gia tăng đột biến, nhất là các bệnh lý về đột quỵ não và tim mạch. Rất may cho người bệnh, nhờ áp dụng tiêu chí chất lượng điều trị đột quỵ thế giới. Việc tiếp cận xử trí và điều trị người bệnh đột quỵ tại Bệnh viện E đã phát triển rất mạnh, tiếp cận nhiều kỹ thuật cao, tiên tiến trên thế giới.

ThS.BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên khuyến cáo, để phòng tránh đột quỵ não và bệnh tim mạch mùa lạnh, người dân cần tầm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường, thuốc lá, bia rượu, chất kích thích… Đồng thời, trong khoảng thời gian vàng từ dưới 3 giờ đến 4,5 giờ đầu sau khi khởi phát đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi rất cao. Với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường,... nếu thấy đột ngột nói khó, liệt ½ người, nhìn mờ 1 bên mắt, liệt nửa mặt… thì gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện sớm.

Việc càng trì hoãn điều trị sớm, trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Do đó, bệnh nhân đột quỵ cần được sớm đưa vào bệnh viện để các bác sĩ cứu chữa trong thời gian vàng này. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 13: “Gia tăng bệnh nhân đột quỵ vì rét đậm”.

 

94,4% bếp ăn trường tiểu học ở Hà Nội đạt điều kiện an toàn thực phẩm

Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong năm 2024, thành phố sẽ nhân rộng mô hình “Kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường tiểu học…”

Sở Y tế Hà Nội ngày 20-12 đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả sau 2 năm triển khai mô hình “Kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) bếp ăn tập thể trường tiểu học thuộc 5 quận, 5 huyện” và sơ kết hoạt động ATTP trên địa bàn thành phố năm 2023.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, năm 2022-2023, mô hình trên được triển khai tại 214 trường tiểu học trên địa bàn 10 quận, huyện: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai.

Trong quá trình triển khai, thành phố đã tổ chức 3 đợt giám sát kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 31 bếp ăn trường tiểu học và 24 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cung cấp nguyên liệu tại 5 quận, 5 huyện triển khai mô hình.

Kết quả, về điều kiện cơ sở vật chất có 28/31 bếp ăn đạt (chiếm tỷ lệ 90,3%); 3 bếp còn một số tồn tại như: Khu vực kho sắp xếp lộn xộn, cơ sở vật chất xuống cấp, chế độ vệ sinh chưa bảo đảm, thùng rác chưa có nắp đậy…

Bên cạnh đó, qua kiểm tra, giám sát cho thấy, 5/24 cơ sở cung cấp nguyên liệu (chiếm tỷ lệ 20,8%) có nguồn gốc thực phẩm chỉ được thể hiện trên hóa đơn, chứng từ, chưa chứng minh được nguồn gốc đến tận vùng trồng trọt.

Trong quá trình kiểm tra, giám sát, cơ quan chức năng của thành phố cũng đã tiến hành lấy 220 mẫu để kiểm nghiệm, kết quả có 16 mẫu nhiễm vi khuẩn vượt ngưỡng quy định.

Cùng với các đoàn kiểm tra, giám sát của thành phố, các đoàn kiểm tra của quận, huyện cũng đã tiến hành kiểm tra 100% bếp ăn tập thể của 214 trường tiểu học. Kết quả, có 202/214 bếp ăn đạt điều kiện ATTP theo quy định (chiếm tỷ lệ 94,4% và tăng 9,4% so với kế hoạch).

Các đoàn kiểm tra của quận, huyện cũng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP số tiền 241,5 triệu đồng đối với 12 bếp ăn, nhắc nhở tại chỗ 198 cơ sở…

Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường tiểu học thuộc 5 quận, 5 huyện đã góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh công tác quản lý ATTP tại các bếp ăn tập thể trường học.

Đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP cũng đánh giá cao việc triển khai mô hình kiểm soát ATTP bếp ăn trường học của thành phố Hà Nội.

Trên cơ sở đó, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn thành phố trong năm 2024. (An ninh Thủ đô, trang 1).

 

Bác sĩ bị mạo danh để bán thuốc trôi nổi

GS.TS Trần Hữu Dàng- Chủ tịch Hội Nội tiết Đái tháo đường Việt Nam phản ánh bị một số trang mạng lợi dụng, giả mạo hình ảnh để thực hiện hành vi bán thuốc không rõ nguồn gốc.

Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC, Bộ TT-TT) nhận được phản ánh của GS.TS Trần Hữu Dàng- Chủ tịch Hội Nội tiết Đái tháo đường Việt Nam về việc một số trang mạng giả danh Giáo sư để thực hiện hành vi bán thuốc không rõ nguồn gốc.

Chiêu trò lừa đảo của các đối tượng thường là lập các fanpage, website giả mạo các bệnh viện, phòng khám uy tín để đăng tải các thông tin về các loại thuốc chữa bệnh "thần kỳ". Các thông tin này thường được trình bày một cách khoa học, chuyên nghiệp, khiến nhiều người tin tưởng.

Khi có người quan tâm, các đối tượng sẽ tiếp cận và tư vấn bán thuốc. Họ thường sử dụng lời lẽ “đường mật”, cam kết chữa khỏi bệnh chỉ trong thời gian ngắn. Ngoài ra, họ còn thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng.

VAFC cho hay, tình trạng sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc điều trị không theo toa, thuốc không được sản xuất bởi các cơ sở sản xuất thuốc hợp pháp, không được kiểm định chất lượng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người sử dụng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2022, có khoảng 10.000 vụ ngộ độc thuốc giả, khiến hơn 1.000 người tử vong.

Giả danh bác sĩ để bán thuốc giả là một hành vi vi phạm pháp luật, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người dân.

Do đó, VAFC khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, không mua thuốc từ các nguồn không rõ ràng để tránh tiền mất tật mang.

Khi có nhu cầu sử dụng thuốc, cần đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được bác sĩ thăm khám và kê đơn thuốc. (An ninh Thủ đô, trang 9).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang