Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/3/2022

  • |
T5g.org.vn - Tăng cường kiểm soát thuốc, trang thiết bị y tế nhập lậu; Phẫu thuật thẩm mỹ: Thị trường đang hỗn loạn!; Tuyên dương thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021; Đề nghị kỷ luật Ban thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y liên quan vụ Việt Á…

 

Tăng cường kiểm soát thuốc, trang thiết bị y tế nhập lậu

Hiện, hành vi lợi dụng dịch bệnh để buôn bán, vận chuyển, nhập lậu thuốc, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 nhằm trục lợi đang gây bát nháo thị trường TP Hồ Chí Minh. Lực lượng chức năng thành phố đang tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Cuối năm 2021, cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh liên tục phát hiện, thu giữ nhiều lô hàng lớn liên quan phòng, chống dịch không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không hóa đơn, chứng từ. Điển hình, ngày 19/8/2021, Đội 1, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra và phát hiện một xe tải khi đang giao hàng tại phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) có cất giấu hơn 300.000 sản phẩm vật tư y tế như máy tạo oxy, đồng hồ đo áp suất oxy, đồ bảo hộ, khẩu trang… tất cả đều ghi tên bằng chữ Trung Quốc và toàn bộ lô hàng không có hóa đơn, chứng từ mua bán, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ…

Để ngăn chặn nạn buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã có công văn gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng kit test Covid-19 và các sản phẩm thuốc điều trị Covid-19 chưa được cấp phép, có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng. Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung tại các công văn: số 3005/TCQLTT-CNV ngày 30/12/2021 về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19; số 846/TCQLTT-CNV ngày 10/5/2021 về việc tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch Covid-19…

Thời gian qua, lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường và ngay từ đầu năm 2022 đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm.

Ngày 10/3, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phối hợp Đội 6, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hồ Chí Minh) kiểm tra Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ ADN Care tại địa chỉ 45 đường số 18, quận Bình Tân. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện hơn 70.000 bộ kit test Covid-19 cùng 80.000 viên Liên Hoa Thanh Ôn dùng điều trị Covid-19, là hàng ngoại nhập không có hóa đơn, chứng từ, không có số đăng ký lưu hành, không có giấy phép nhập khẩu.

Thời điểm kiểm tra, người đại diện pháp luật của Công ty ADN Care là ông Nguyễn Thanh Thảo (39 tuổi), không xuất trình được giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng. Ông Thảo khai mua kit test và thuốc Liên Hoa Thanh Ôn từ một đối tượng người Campuchia thông qua mạng xã hội Facebook; còn số cồn sát khuẩn do Công ty ADN Care trực tiếp sản xuất nhưng không xuất trình được giấy phép đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh mặt hàng này cùng các giấy tờ liên quan.

Trước đó, ngày 21/1, Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh) phối hợp Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hồ Chí Minh) kiểm tra tại điểm kinh doanh, chứa trữ số 1942/91 đường Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè, do ông Trần Thanh Thảo (38 tuổi) làm chủ kinh doanh. Tại địa điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện thuốc tân dược các loại do nước ngoài sản xuất, chưa qua sử dụng, không có hóa đơn chứng từ, không có số đăng ký lưu hành, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Kết quả kiểm đếm tại đây có 555 hộp thuốc các loại gồm: Molnupiravir Capsules Molnatris Mylan; Molnupiravir 800mg Tablets; Favipiravir Tablets 400mg, Feravir-400 Xenon…

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, lực lượng Quản lý thị trường thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại…; trong đó, tập trung kiểm tra nhóm mặt hàng thuốc tân dược, các loại vật tư, thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng cho phòng, chống dịch và chữa bệnh.

“Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng và phòng, ban thuộc UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức trong việc triển khai kế hoạch, trong đó có bình ổn giá các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố; chủ động quản lý địa bàn, phối hợp lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các nhóm hàng hóa thiết yếu, trong đó có dược phẩm, các loại vật tư, thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch và chữa bệnh.”, ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết thêm...  (Nhân dân, trang TPHCM)

 

Tuyên dương thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021

Chương trình tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 diễn ra tối 21/3 tại Hà Nội nhằm tri ân các y, bác sĩ, đặc biệt là các y, bác sĩ trẻ trên tuyến đầu chống dịch.

Lễ tuyên dương có chủ đề “Thầy thuốc trẻ trên mặt trận phòng, chống đại dịch Covid-19” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp tổ chức.

Dự lễ tuyên dương có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tri ân tất cả những đóng góp ý nghĩa, cao cả của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế nói chung, lực lượng Thầy thuốc trẻ nói riêng; luôn chia sẻ, thấu hiểu những hy sinh, mất mát của các lực lượng tuyến đầu chống dịch trong suốt thời gian vừa qua.

Mỗi y, bác sĩ tham gia phòng, chống dịch là những bông hoa đẹp nhất, truyền cảm hứng về đức hy sinh, trách nhiệm với đồng bào, trao niềm tin, tiếp động lực cho người bệnh, người nhà người bệnh vượt nghịch cảnh, trở thành hình mẫu tích cực cho toàn cộng đồng, bồi đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc về tình đồng chí, nghĩa đồng bào.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhiệt liệt biểu dương, tin tưởng 10 Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 sẽ tiếp tục lan tỏa nhiệt huyết của tuổi trẻ ngành y trong mọi mặt đời sống, lĩnh vực; luôn đi đầu về chuyển đổi số trong khám bệnh, điều trị, chăm sóc bệnh nhân; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong khám chữa bệnh; kiên trì, bền bỉ phấn đấu, trau dồi, rèn luyện, tu dưỡng, không chỉ hoàn thiện về chuyên môn mà đặc biệt là cả đạo đức nghề nghiệp, khắc ghi lời dặn của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”.

Đồng thời, đề nghị Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phát huy, làm tốt hơn nữa các nội dung phòng, chống dịch bệnh theo tinh thần Nghị quyết số 128 của Chính phủ, từng bước “bình thường hóa” với dịch Covid-19, góp phần ổn định, phát triển kinh tế xã hội. Hội Thầy thuốc trẻ cần tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần hội nhập, vừa huy động nguồn lực quốc tế, vừa góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho các hội viên.

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen của Bộ Y tế và của Trung ương Đoàn tặng 10 Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021. Đặc biệt, nhiều người bệnh Covid-19 nặng từng được chữa trị khỏi đã trình diễn các tiết mục văn nghệ ý nghĩa, xúc động như lời tri ân sâu sắc gửi đến các y, bác sĩ đang ngày đêm căng mình chống dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. (Nhân dân, trang 3)

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 17: “Tri ân thầy thuốc trẻ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19”; Tiền phong, trang 3: “Vinh danh thầy thuốc trẻ tiêu biểu”; Hà Nội mới, trang 1: “Tôn vinh Thầy thuốc trẻ tiêu biểu trong phòng, chống dịch Covid-19”

 

Số người mắc Covid-19 vượt 8 triệu ca

Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 21/3, tổng số ca nhiễm Covid-19 tính từ đầu dịch đã vượt mốc 8 triệu.

Tính theo tổng số ca mắc, Việt Nam đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 81.848 ca nhiễm).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.949 ca, chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 8.082.091 ca, trong đó có 4.279.851 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.188.086), TP Hồ Chí Minh (584.234), Bình Dương (362.009), Nghệ An (351.251), Hải Dương (299.214). (Nhân dân, trang 4)

 

Đề nghị kỷ luật Ban thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y liên quan vụ Việt Á

chiều 21.3, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy T.Ư nhiệm kỳ 2020 - 2025, tổ chức kỳ họp thứ 7 dưới sự chủ trì của đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy T.Ư.

Tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy T.Ư đã nghe báo cáo kết quả xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật của Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy T.Ư đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015 - 2020; 2020 - 2025 và 12 cá nhân vi phạm.

Các thành viên Ủy ban Kiểm tra Quân ủy T.Ư tập trung thảo luận, phân tích làm rõ và kết luận những vi phạm của tập thể, các cá nhân; bảo đảm chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, kỷ luật của quân đội.

Các ý kiến tại kỳ họp thống nhất và làm rõ, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những lãnh đạo chủ chốt của Học viện Quân y vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng trong quá trình đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 phục vụ công tác phòng, chống dịch và việc mua sắm vật tư, kít xét nghiệm từ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Ủy ban Kiểm tra Quân ủy T.Ư đánh giá, những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 gây hậu quả nghiêm trọng, cần phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Ủy ban Kiểm tra Quân ủy T.Ư bỏ phiếu đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 và 12 quân nhân vi phạm.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 12 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư (từ ngày 2 - 4.3), Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 và các cá nhân liên quan tới vụ việc liên quan Công ty cổ phần công nghệ Việt Á.

Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng đánh giá, 5 cá nhân gồm: trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy; trung tướng Đỗ Quyết, Phó bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự; thượng tá Hồ Anh Sơn, Bí thư Chi bộ, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Chủ nhiệm đề tài; đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Trang bị - vật tư, và lãnh đạo, cán bộ một số đơn vị thuộc học viện cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ủy ban Kiểm tra T.Ư đánh giá những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và Học viện Quân y, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Tới ngày 8.3, Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng cho biết, đã khởi tố, bắt tạm giam 2 cán bộ trong 5 cán bộ Học viện Quân y nói trên do liên quan việc nghiên cứu, chế tạo, mua bán kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á.

Cụ thể, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng phòng Trang bị, vật tư - Học viện Quân y, về tội "vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng"; và thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự Học viện Quân y, về tội “tham ô tài sản” và tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tới nay, liên quan tới vụ Việt Á, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam 28 bị can thuộc nhiều cơ quan khác nhau. (Thanh niên, trang 4)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 2: “Đề nghị kỷ luật Ban thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y”

 

Đề nghị kỷ luật Ban thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y liên quan vụ Việt Á

Cơ quan điều tra vẫn đang chờ kết quả giám định pháp y để có cơ sở điều tra, kết luận vụ việc cô gái trẻ tử vong sau khi phẫu thuật nâng mũi tại một cơ sở trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội). Trong khi đó, chính quyền địa phương khẳng định, không có thẩm mỹ viện tên Hoàng Minh Phong được cấp phép hoạt động trên địa bàn.

Liên quan đến vụ việc chị P.T.D.H (SN 2000, tạm trú phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tử vong sau khi phẫu thuật thẩm mỹ tại cơ sở Hoàng Minh Phong thuộc phường Tương Mai, quận Hoàng Mai. Ngày 21/3, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, vẫn đang điều tra làm rõ và chờ kết quả giám định pháp y từ cơ quan chức năng để có kết luận chính thức về vụ việc.

Còn lãnh đạo UBND phường Tương Mai khẳng định, trên địa bàn phường không có cơ sở thẩm mỹ nào tên là Hoàng Minh Phong. Đồng thời từ chối cung cấp thêm thông tin.

Ở diễn biến khác, gia đình chị H. đã lo xong hậu sự cho nạn nhân và chưa nhận được thông báo gì từ cơ quan chức năng.

“Thời gian H. điều trị tại bệnh viện Bạch Mai phía anh Phong (chủ cơ sở phẫu thuật – PV) có lo kinh phí điều trị và khi tổ chức lễ tang có đến chia buồn cùng gia đình” – người thân nạn nhân H. cho biết.

Trước đó, ngày 14/1/2022, chị H. đến cơ sở thẩm mỹ có địa chỉ tại phường Tương Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) phẫu thuật nâng mũi. Theo người thân trong gia đình, sau khi làm phẫu thuật, chị H. hôn mê và được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Quá trình điều trị ở Hà Nội không tiến triển, gia đình đã thống nhất đưa chị H. về Bệnh viện Đa khoa Long An điều trị. Ngày 16/3, sau hơn 2 tháng trong tình trạng hôn mê, chị H. đã tử vong.

Không có giấy phép hành nghề

Quá trình điều tra, Công an quận Hoàng Mai phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bước đầu xác định có 6 người liên quan đến vụ việc trên.

Cụ thể, tháng 5/2021, chị H. liên hệ với Nguyễn Sỹ Giang (SN 1995, quê Nghệ An) để làm phẫu thuật nâng mũi và chuyển số tiền 35 triệu đồng.

Ngày 13/1/2022, Giang thông báo cho Hoàng Minh Phong (SN 1994, trú ở quận Ba Đình, Hà Nội) liên hệ bác sỹ gây mê. Chiều hôm sau, chị H. đến cơ sở thẩm mỹ của Phong ở phường Tương Mai và được Giang đưa lên tầng 6 làm thủ tục phẫu thuật.

Lê Ngọc Anh (SN 1990, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) là bác sỹ gây mê thuộc 1 bệnh viện ở Hà Nội là người thực hiện gây mê, còn Nguyễn Thanh Bình (SN 1991, trú ở huyện Đan Phượng, Hà Nội), Nguyễn Thiện Lễ (SN 1999, quê Bắc Giang) hỗ trợ Giang làm phẫu thuật.

Sau 20 phút, chị H. có biểu hiện bất thường và rơi vào tình trạng hôn mê nên ca phẫu thuật phải dừng lại, nạn nhân được đưa đi cấp cứu.

Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, Giang khai không biết cụ thể tên thuốc tê, chỉ biết thuốc có sẵn tại cở sở thẩm mỹ của Phong. Khám nghiệm hiện trường đồ đạc tại tầng 6 ngôi nhà bị xáo trộn; dụng cụ phẫu thuật được đưa đi nơi khác cất giấu.

Theo cơ quan chức năng, Giang theo Phong học nghề phẫu thuật thẩm mỹ. Khoảng tháng 2/2021, Giang về làm tại cơ sở thẩm mỹ của Phong ở phường Tương Mai. Bản thân Giang biết Phong không có giấy phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ nhưng vẫn đồng ý làm cùng. (Tiền phong, trang 11)

 

Ai có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao hơn?

Ngoài việc đã có những người lần 1 nhiễm biến chủng Delta, lần 2 nhiễm Omicron, trên thực tế đã có những báo cáo y khoa ghi nhận các trường hợp lần trước nhiễm biến chủng Omicron BA.1 sau đó vẫn tái nhiễm với biến chủng BA.2.

1. Vì sao có tái nhiễm COVID-19?

Tái dương tính là tình trạng người mắc COVID-19 có thời gian mang virus SARS-CoV-2 kéo dài. Một số người có thể mang virus kéo dài nhiều tuần. Những trường hợp này dù xét nghiệm dương tính vẫn nhưng đa số không còn khả năng gây lây truyền sau 2 tuần nhiễm virus.

Tái nhiễm là trường hợp người bệnh mắc COVID-19 đã khỏi bệnh, sau đó lại nhiễm lại. Mỗi người có khả năng đáp ứng miễn dịch khác nhau, một số người sau khi nhiễm bệnh hoặc tiêm vaccine sẽ có miễn dịch bảo vệ khá lâu, nhưng một số người có thể nồng độ kháng thể bảo vệ sẽ sụt giảm nhanh dẫn đến khả năng tái nhiễm nhanh hơn.

Đặc biệt trong trường hợp lần nhiễm sau do một biến chủng virus có đặc tính kháng nguyên khác so với chủng trước nên kháng thể bảo vệ của lần nhiễm trước có hiệu quả bảo vệ thấp với chủng nhiễm sau.

Ngoài việc đã có những người lần 1 nhiễm biến chủng Delta, lần 2 nhiễm Omicron, trên thực tế đã có những báo cáo y khoa ghi nhận những trường hợp bệnh nhân lần trước đã nhiễm biến chủng Omicron BA.1 sau đó vẫn tái nhiễm với biến chủng BA.2.

2. Ai có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao hơn?

Những người tình trạng miễn dịch suy giảm hoặc khả năng sinh kháng thể trung hòa thấp thì có nguy cơ tái nhiễm cao hơn. Xác suất tái nhiễm cũng có thể cao hơn ở những người có tình trạng phơi nhiễm thường xuyên hơn so với những người sử dụng các biện pháp phòng lây nhiễm cá nhân hiệu quả.

Có những báo cáo y khoa ghi nhận những trường hợp bệnh nhân lần trước đã nhiễm biến chủng Omicron BA.1 sau đó vẫn tái nhiễm với biến chủng BA.2 (Omicron tàng hình).

3. Tái nhiễm F0 có lây được cho người khác không?

Người bệnh tái nhiễm là một lần nhiễm virus mới và phát bệnh. Do đó họ vẫn phát tán virus bình thường và vẫn có khả năng lây nhiễm cho những người khác nếu không có biện pháp phòng lây nhiễm hiệu quả.

4. Tái nhiễm COVID-19 điều trị ra sao?

Thông thường, những trường hợp tái nhiễm sẽ có diễn biến lâm sàng thường nhẹ hơn so với người chưa được tiêm vaccine mà nhiễm bệnh lần đầu. Tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ bệnh nhân nhất định có thể có diễn biến nặng.

Những người có diễn biến nhẹ thì chỉ cần đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng; điều trị các triệu chứng (nếu có). Những người không may có diễn biến nặng thì sẽ được điều trị theo cơ chế bệnh sinh của mỗi tổn thương và áp dụng các biện pháp hồi sức nếu bệnh nhân có tình trạng nguy kịch.

5. Tái nhiễm COVID-19 có nguy hiểm không?

Những trường hợp tái nhiễm sẽ có diễn biến lâm sàng thường nhẹ hơn so với người chưa được tiêm vaccine mà nhiễm bệnh lần đầu. Tuy nhiên vẫn có thể có một số bệnh nhân có diễn biến nặng. Đặc biệt các vấn đề hậu COVID-19 có thể vẫn xuất hiện thêm sau mỗi lần tái nhiễm.

Theo Bộ Y tế, đến nay, Tổ chức Y tế thế giới vẫn coi COVID-19 trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến chủng không lường trước được của virus SARS-CoV-2.

TS. Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay: "Điều lạ ở virus SARS-CoV-2 khi tấn công vào cơ thể lần đầu tiên thì để lại miễn dịch không cao. Đây là cơ sở cho nguy cơ tái nhiễm. Thế giới và Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp tái nhiễm với các chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau. Ở chủng Delta, tỷ lệ tái nhiễm là 1% và chủng Omicron thì số ca tái nhiễm cao hơn". (Sức khỏe & Đời sống, trang 14)

 

Bộ Y tế hỗ trợ Bình Dương thực hiện mục tiêu phát triển bệnh viện tuyến cuối

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ ngay từ bây giờ Bình Dương cần có kế hoạch phát triển, nâng cấp và đầu tư để đưa BVĐK tỉnh thành bệnh viện tuyến cuối của TW trên địa bàn. Bộ Y tế hỗ trợ Bình Dương thực hiện mục tiêu này.

Bình Dương cần phát triển hệ sinh thái công nghiệp xanh, thông minh, bền vững, bao trùmBình Dương cần phát triển hệ sinh thái công nghiệp xanh, thông minh, bền vững, bao trùm

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tỉnh cần phát triển hệ sinh thái công nghiệp theo hướng xanh, thông minh, bền vững, bao trùm; quan tâm phát triển hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa tương xứng với trình độ phát triển chung của tỉnh, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần

Trong chương trình làm việc tại Bình Dương, chiều 19/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2021, 2 tháng đầu năm 2022; định hướng, giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và các năm tiếp theo.

Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngoc Dung, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; lãnh đạo các bộ: Công An, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường;

Về phía địa phương có Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh.

Tại buổi làm việc, tỉnh Bình Dương đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét một số cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng đường Cao tốc Vành đai 3, Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh, đường Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; xem xét chủ trương đầu tư Đường sắt đô thị, thực hiện tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép; ủy quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế một số dự án trên địa bàn; lộ trình thoái vốn nhà nước tại các Công ty cổ phần; về nhà ở cho công nhân, phát triển hạ tầng y tế...

Tại buổi làm việc, các bộ, ngành Trung ương có ý kiến và giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bình Dương; đồng thời góp ý các nhiệm vụ, giải pháp để tỉnh phát triển bền vững.

Về lĩnh vực y tế, qua báo cáo và kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ấn tượng và đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đã đạt được, tuy nhiên việc phát triển hạ tầng các vấn để xã hội như y tế, giáo dục chưa đồng bộ với sự phát triển về kinh tế. Công tác y tế của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhất là về nhân lực y tế và chất lượng dịch vụ y tế.

Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ người dân trên địa bàn, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - an sinh xã hội của tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long kiến nghị tỉnh Bình Dương cần có kế hoạch tổng thể về y tế đi kèm với kế hoạch tổng thể về kinh tế xã hội.

"Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cần đưa vào các chỉ tiêu cụ thể và cần có cơ chế đặc biệt để thu hút, phát triển y tế trên địa bàn"- Bộ trưởng nói.

Đối với y tế cơ sở, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết theo kết luận của Bộ Chính trị, việc sắp xếp các trạm y tế theo quy mô dân số, mỗi trạm quản lý từ 10.000- 15.000 hộ dân. Do đó, tỉnh cần sắp xếp lại quy mô của các trạm y tế xã, phường để phát huy hiệu quả trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngay tại tuyến cơ sở.

Đồng thời, Bình Dương cũng cần có kế hoạch phát triển đồng đều hệ thống y tế tuyến huyện và tuyến tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, đưa các bệnh viện tuyến huyện thành bệnh viện hạng 2; bệnh viện thị xã, thành phố thành bệnh viện hạng 1.

Về nhân lực y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh cần đẩy mạnh hơn nũa chính sách thu hút nguồn nhân lực song song với chính sách xã hội như tiền lương, nhà ở... Bên cạnh đó cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực bác sĩ tại chỗ, đào tạo chuyên khoa, chuyên sâu và các chuyên ngành khác.

Tại buổi làm việc, để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế của tỉnh Bình Dương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giao Trường- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội rà soát lại chất lượng dịch vụ y tế của tỉnh, để có kế hoạch phối hợp hỗ trợ tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ ngay từ bây giờ Bình Dương cần có kế hoạch phát triển, nâng cấp và đầu tư để đưa BVĐK tỉnh thành bệnh viện tuyến cuối của TW trên địa bàn. Muốn làm được điều này, tỉnh cần rà soát về hạ tầng, trang thiết bị và có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực. Bộ Y tế hỗ trợ Bình Dương thực hiện mục tiêu phát triển bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn tỉnh.

Trong công tác phòng chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Bộ Y tế đảm bảo đủ vaccine phòng COVID-19 cho nhu cầu của tỉnh. Do đó, Bình Dương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tiêm chủng, trong đó tập trung tiêm mũi 3 hoàn thành trong tháng 3/2022, chuẩn bị sẵn sàng tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi...

Trước đó, tại Bình Dương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã tham gia các hoạt động của Thủ tướng và đoàn công tác Chính phủ gồm: Lễ động thổ xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP III) với diện tích 1.000 ha và Lễ khánh thành, động thổ các dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Dương cùng một số hoạt động khác...

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực ngành y tế, sáng 20/3, tỉnh Bình Dương đã tổ chức chương trình ký biên bản ghi nhớ đào tạo nguồn nhân lực y tế với Trường Đại học Y Hà Nội.

Theo biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo, Trường Đại học Y Hà Nội sẽ hỗ trợ đào tạo tập trung và tập trung theo chứng chỉ các cấp trình độ đại học khối ngành bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, BSCK I, BSCK II, bác sĩ nội trú bệnh viện, thạc sĩ, tiến sĩ. Đặc biệt, Trường Đại học Y Hà Nội đào tạo liên tục chứng chỉ thực hành lâm sàng; chuyển giao công nghệ ứng dụng Telehealth; triển khai dự án hoặc chương trình học thuật ngắn hạn đặc biệt và hỗ trợ các hoạt động đào tạo năng lực cho nhân viên y tế… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Tiếp tục tập trung kiểm soát rủi ro, hạn chế bệnh nhân Covid-19 chuyển tầng điều trị

Ngày 21-3, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp, cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Trao đổi với báo chí về kết quả hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết đã lưu ý các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, trọng tâm là tập trung kiểm soát rủi ro, hạn chế bệnh nhân tăng nặng, chuyển tầng điều trị.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, thời gian qua, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã bám sát tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, chỉ đạo các chủ trương, giải pháp chủ động, sáng tạo, hiệu quả, kịp thời ngay khi dịch tăng cao, tập trung vào 3 hướng chính là: Tiêm vắc xin; tăng cường năng lực điều trị tầng 2, tầng 3 và đẩy mạnh y tế cơ sở để quản lý, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà. Thành phố đã phát huy cao độ vai trò, hiệu quả hoạt động của hơn 4.600 tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà và hơn 5.000 tổ Covid-19 cộng đồng, thường xuyên tiếp nhận thông tin, tư vấn, quản lý và cấp phát thuốc cho người nhiễm Covid-19; báo cho nhân viên y tế những trường hợp có triệu chứng nặng; tiếp nhận thông tin về nhu cầu cấp giấy hưởng bảo hiểm xã hội để phối hợp với trạm y tế cấp giấy tại nhà cho người dân...

“Nhờ thực hiện tốt các biện pháp đúng, trúng, cùng sự chung sức, đồng lòng của người dân, Hà Nội luôn giữ vững tình hình từ cơ sở. Tuần qua, số ca mắc có chiều hướng giảm mạnh, đặc biệt tỷ lệ ca tăng nặng, người tử vong tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, hạn chế rủi ro sức khỏe cho người dân”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nói.

Tuy nhiên, đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở nhận thức rõ tinh thần phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay là không được chủ quan, phải tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và thành phố với quyết tâm cao nhất, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền. Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện 3 giải pháp trọng tâm là tiêm vắc xin (đặc biệt là đối tượng có nguy cơ cao), tăng cường năng lực điều trị tầng 2, tầng 3; đẩy mạnh y tế cơ sở để quản lý, hỗ trợ F0 điều trị từ sớm, chú ý ứng dụng các nền tảng công nghệ. Ngành Y tế và các địa phương phải chú ý quản lý, điều trị người bệnh là trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh nền; theo sát kế hoạch của Chính phủ, Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin cho trẻ, kể cả từ 3 tuổi trở lên, chuẩn bị các phương án cần thiết, bảo đảm an toàn để khi được phân bổ vắc xin có thể triển khai được ngay.

Các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố; đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng, chống dịch ở địa bàn dân cư, nhất là yêu cầu đeo khẩu trang, khử khuẩn; hướng dẫn chăm sóc, khám chữa bệnh nhân Covid-19 tại nhà; xử lý rác thải y tế không để phát tán mầm bệnh; phát huy hơn nữa vai trò của các tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà và các tổ Covid-19 cộng đồng bảo đảm thực chất, đem lại niềm tin cho nhân dân.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, thành phố đã mở lại hoạt động du lịch và cho phép các dịch vụ hoạt động sau 21h hằng ngày. Hiện nay, lượng khách du lịch chưa nhiều, các hoạt động dịch vụ cũng còn có mức độ. Tuy nhiên, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã phải có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng khi các hoạt động du lịch, dịch vụ sôi động trở lại. Đặc biệt, Hà Nội là nơi sắp diễn ra SEA Games 31 với số lượng lớn vận động viên, quan chức, cổ động viên trong và ngoài nước sẽ có mặt tham gia.

Do đó, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị, xây dựng phương án, tổ chức diễn tập để bảo đảm ứng phó kịp thời, bình tĩnh, hiệu quả trong mọi tình huống dịch bệnh; bố trí sẵn sàng tổ chức xét nghiệm cho vận động viên, cổ động viên nước ngoài, nơi thu dung, điều trị bảo đảm các điều kiện tốt về vật chất, cũng như công tác hướng dẫn, quản lý... Tất cả phải được triển khai khẩn trương, bảo đảm tiến độ, vì mục tiêu tổ chức thành công toàn diện các môn thi đấu SEA Games 31 tại Hà Nội, đáp ứng yêu cầu của trung ương, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của thành phố trước bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Ban Cán sự đảng UBND thành phố có trách nhiệm chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các quận, huyện, thị xã và các nhà trường tổ chức hình thức dạy và học, bao gồm cả việc học bán trú phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa bàn, bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, Thường trực Thành ủy cũng giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tổ chức phương án chủ động, sáng tạo để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trọng tâm trước mắt là ngành Du lịch, dịch vụ, thương mại; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tinh thần chung là phải đồng hành cùng doanh nghiệp, quyết tâm với ý chí cao nhất để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022 mà thành phố đã đề ra. (Hà Nội mới, trang 1)

 

Phẫu thuật thẩm mỹ: Thị trường đang hỗn loạn!

Làm đẹp là một nhu cầu chính đáng với tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ. Điều quan trọng hiện nay là cơ quan quản lý làm sao để định hướng cho người dân đi làm đẹp một cách an toàn, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Theo ông Hùng, TP.HCM hiện có hơn 10 bệnh viện và hơn 200 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép nhưng theo thống kê sơ bộ, lại có trên 5.000 cơ sở nhận phẫu thuật thẩm mỹ trái phép. Nghịch lý này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe, tính mạng của những người có nhu cầu chính đáng: làm cho mình đẹp hơn.

Ra ngõ đụng cơ sở làm đẹp

* Phải thừa nhận thực tế hiện nay người người làm đẹp, nhà nhà làm đẹp nhưng làm đẹp ở đâu cho an toàn, hiệu quả lại là vấn đề khá nhức nhối...

- Đã nói đến y khoa đương nhiên không tránh khỏi sự cố, nhưng với một bác sĩ có chuyên môn tốt sẽ biết xử trí sự cố như thế nào để mang đến sự an toàn nhất cho người bệnh.

Việc thẩm định cấp phép cho một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ đòi hỏi đáp ứng rất nhiều yếu tố, trong đó bắt buộc phải có phòng mổ, các trang thiết bị máy móc và hệ thống hồi sức cấp cứu. Về phần nhân sự, quan trọng nhất vẫn phải có người đảm bảo trình độ chuyên môn và kinh nghiệm; bên cạnh sự giám sát về chuyên môn bởi cơ quan y tế địa phương.

Thực tế hiện thị trường làm đẹp ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang khá hỗn loạn, ra ngõ đụng cơ sở làm đẹp và chất lượng thì "vàng thau lẫn lộn". Không chỉ có các tiệm làm đẹp ngoài đời thực, hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ còn ì xèo trên mạng như cái chợ, ai cũng có thể trở thành chuyên gia làm đẹp với đủ thứ "tư vấn".

* Dù được cảnh báo nhưng nhiều sự cố đau lòng vẫn tiếp tục xảy ra, như vụ tai biến gây chết người ở Hà Nội và TP.HCM gần đây... Dưới góc độ chuyên môn, ông có thể đánh giá như thế nào về hai sự cố này?

- Nạn nhân của hai sự việc đau lòng đều là những cô gái trẻ. Ở trường hợp tử vong trong quá trình nâng ngực tại Bệnh viện 1A, nếu quy trách nhiệm, theo tôi, cả bác sĩ gây mê và phẫu thuật viên chính đều có lỗi. Nguyên tắc trong vòng 6 tiếng đồng hồ phẫu thuật là giai đoạn chu phẫu, cần phải theo dõi sát biểu hiện bệnh nhân.

Như vậy vai trò của phẫu thuật viên chính ở đâu trong việc theo dõi các thông số sinh tồn gồm mạch, huyết áp, nhịp thở, nhịp tim, nồng độ oxy trong máu, điện tâm đồ... Rồi bác sĩ gây mê ở đâu khi để bệnh nhân tử vong trên giường hậu phẫu mà không biết?

Sự việc người phụ nữ quê Long An ra Hà Nội phẫu thuật thẩm mỹ tử vong ngày 17-3 thì điều đáng nói hơn: nơi phẫu thuật là căn phòng được mướn từ một salon cắt tóc, người phẫu thuật không có kinh nghiệm, chỉ học nghề theo kiểu "cầm tay chỉ việc" từ một người bạn từng làm spa.

Rõ ràng những người này không đủ trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm để thực hiện một ca phẫu thuật thẩm mỹ.

* Tại sao ngày càng nhiều người tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí có người còn quyết định "đập đi xây lại"?

- Phải thừa nhận nhu cầu làm đẹp ngày càng lớn không chỉ ở Việt Nam mà hầu như ở các nước trên thế giới. Ngay như Hàn Quốc, phần thưởng cho những người con có thành tích học giỏi chính là một suất làm đẹp.

Ngoài các yếu tố nêu trên, phải thừa nhận thực tế cho thấy đặc điểm cơ địa của người Việt, trong đó phụ nữ đa số có sống mũi thường khá thấp (mũi tẹt), mắt híp hoặc không có mí rõ, ngực lép... Do đó, cải thiện các hạn chế bằng phẫu thuật thẩm mỹ chính là nhu cầu thực tế, chính đáng để mỗi người có thể tự tin hơn trong giao tiếp và cuộc sống đời thường.

Tuy vậy làm đẹp như thế nào lại là điều cần được khuyến cáo bởi các chuyên gia có tay nghề, không thể phó thác cho các "tay ngang".

Chẳng hạn có người mong muốn nâng mũi giống với người châu Âu, nhưng họ không thể lường trước nếu phẫu thuật thẩm mỹ "quá sức" trên nền của mũi tẹt (lấy sụn vách ngăn để nâng mũi), chắc chắn sẽ phá vỡ cấu trúc mũi, dẫn đến nhiều biến chứng như sụp mũi hoặc mũi biến dạng.

Đặc biệt còn rất nhiều ca biến chứng khủng khiếp mà tôi từng gặp và xử trí do bơm silicon lỏng, tiêm filer, tiêm tan mỡ... một cách vô tội vạ, cuối cùng bị biến chứng nhiễm trùng làm hủy hoại nhiều bộ phận của cơ thể.

Do đó để mang đến sự an toàn về tính mạng, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đòi hỏi người bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cần phải có sự tích lũy nhiều năm kinh nghiệm, không chỉ đọc sách hoặc học hỏi qua loa vài lần là có thể làm được.

Bỏ tâm lý thích "làm đẹp ngay"

* Từ các vụ tai biến thẩm mỹ gần đây cần được nhìn nhận ở hai mặt, một phần do trình độ chuyên môn yếu kém của bác sĩ nhưng không thể không nhắc đến việc người đi làm đẹp cũng "làm đẹp bất chấp"...

- Thực tế đa số người có nhu cầu làm đẹp hiện nay đều có tâm lý ngại vào các bệnh viện lớn, bởi ngại nhiều thủ tục, không phẫu thuật ngay.

Điều này cũng có phần đúng, bởi với các bệnh viện lớn cần phải đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn, tức trước khi phẫu thuật cần phải thực hiện đầy đủ các thủ tục xét nghiệm kiểm tra sức khỏe.

Còn ở các cơ sở làm đẹp thì khác, đặc biệt tư tưởng thích nhanh gọn và "làm đẹp ngay" trong ngày dễ dàng bị các cơ sở thẩm mỹ, nơi có các "bác sĩ tay ngang" dẫn dắt, lôi kéo.

Nhưng mọi chuyện đâu phải dễ dàng như thế. Như việc cắt mí, thực hiện ở Bệnh viện Chợ Rẫy thì 6 triệu đồng, các phòng khám mạo danh quảng cáo khuyến mãi giá rẻ chỉ 3 - 4 triệu đồng. Nhưng khi đã dụ được khách lên bàn mổ thì bắt đầu tung chiêu trò mồi chài để moi thêm tiền.

* Có ý kiến cho rằng ngành làm đẹp đang là "thị trường béo bở". Điều này khiến ngành này ngày càng quy tụ nhiều "tay ngang" tham gia và để lôi kéo làm đẹp một số nơi có quảng cáo quá đáng, sai sự thật, bất chấp mọi lề lối, khuôn phép?

- Theo tôi, ý kiến đánh giá này hoàn toàn chính xác và ở nhiều nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc... cũng thế. Từ thực tế này mà ai lao vào ngành thẩm mỹ đều có thu nhập tốt bởi người đi làm thẩm mỹ cơ bản đều có điều kiện.

Chỉ có phẫu thuật thẩm mỹ mới thu được nhiều tiền nên nảy sinh nhiều cơ sở làm đẹp quy tụ "tay ngang" sẵn sàng vượt lên tất cả để làm bậy.

Cũng xuất phát từ "thị trường béo bở" này mà một số bác sĩ tìm cách lôi kéo người có nhu cầu. Đa số bác sĩ muốn giành giật khách hàng đều xưng mình là số 1 nhưng việc các bác sĩ tự xưng danh mình là "số 1" thì không có ai quản lý, chế tài việc này.

Theo tôi, một bác sĩ thẩm mỹ giỏi ít nhất phải có từ 10 - 15 năm kinh nghiệm mới có thể đứng mổ một cách chỉn chu được.

* Vậy theo ông, chúng ta cần phải có các giải pháp gì để quản lý cũng như răn đe các cơ sở và cá nhân làm bậy?

- Đối với các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ mạo danh, có tính chất lừa bịp làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân thì trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giám sát, phát hiện và cảnh báo rất quan trọng.

Cần phải nói về mặt quản lý ngành, Bộ Y tế, sở y tế và các phòng - trung tâm y tế quận huyện phải có cơ chế quản lý. Với tính chất hoạt động thẩm mỹ rầm rộ như hiện nay, tôi cho rằng các địa phương (cụ thể là UBND và công an phường - xã hoặc các tổ dân phố, ấp...) đều phải có trách nhiệm giám sát. (Tuổi trẻ, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang