“Tự vệ” trước thực phẩm bẩn
Thực phẩm bẩn đang là vấn nạn ảnh hưởng đến toàn cộng đồng. Để bảo vệ sức khỏe của mình trước các loại thực phẩm ôi thiu, tẩm ướp hóa chất độc hại, nhiều người tiêu dùng tự “cứu” mình bằng cách chọn mua những loại hàng hóa sạch, rõ nguồn gốc và dùng các biện pháp hỗ trợ để loại bớt những chất độc hại ra khỏi thực phẩm trước khi sử dụng..
Khoảng một năm nay, tại chợ Tân Phú 1, sạp bán các loại rau, củ, quả của bà Năm Cần Thơ lúc nào cũng đông khách, mặc dù giá đắt gần gấp hai lần sản phẩm cùng loại. Các loại rau xanh, đu đủ, dưa leo mỗi buổi chợ bà Năm bán được khoảng hai đến ba tạ. Bà Năm cho biết, các loại thực phẩm này tuy nhìn còi cọc nhưng được người bà con dưới quê trồng không dùng thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản nên người dân rất thích.
Cửa hàng bán cá biển trên đường Độc Lập, phường Tân Thành, quận Tân Phú tiêu thụ mỗi ngày khoảng 3 tạ cá dù giá đắt gấp 1,5 lần ở chợ Tân Hương gần đó. Chủ cửa hàng này cho biết, cá mua trực tiếp dưới ghe ở Phan Thiết, Nha Trang đưa vào lúc nửa đêm, khách chịu mua vì là cá không chỉ tươi mà còn không dùng hóa chất, u-rê để bảo quản.
Tại các quận Tân Phú, Tân Bình, quận 10, quận 5, các điểm bán thịt heo của Công ty CP, Vissan, An Hạ và những cửa hàng có gắn bảng hiệu “chuỗi thực phẩm an toàn” được người tiêu dùng chọn vì doanh nghiệp cam kết thịt heo có truy xuất nguồn gốc, kiểm soát dịch bệnh, không dùng hóa chất trong chăn nuôi và nơi bày bán hợp vệ sinh. Đại diện cửa hàng thực phẩm Vissan đường Thống Nhất, phường Tân Thành, quận Tân Phú cho biết, lượng tiêu thụ của cửa hàng tăng trên 20%/năm nhờ người tiêu dùng ngày càng có xu hướng “nói không” với thực phẩm không rõ nguồn gốc và chọn thực phẩm an toàn. Bà Trần Thị Hà, ngụ đường Gò Dầu, phường Tân Quý, quận Tân Phú cho biết, người nội trợ bây giờ không thể phân biệt đâu là thực phẩm sạch cho nên tự “cứu mình” bằng cách chọn mua tại những điểm bán thực phẩm có độ an toàn cao, dù giá có đắt hơn.
Tình trạng thực phẩm chứa hóa chất tăng trưởng, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật… gây bệnh cho con người đang là một vấn nạn đối với sức khỏe cộng đồng. Ngoài rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, cơ quan chức năng cũng phát hiện mẫu thịt có chất tạo nạc salbutamol, clenbuterol, dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng. Trước tình trạng thực phẩm không an toàn bán tràn lan, người dân đã phải tự tìm cách để bảo vệ sức khỏe của mình.
Một số người dân TP Hồ Chí Minh có điều kiện thường mua thực phẩm từ người thân quen dưới quê mang lên. Người không có điều kiện thì dùng nước muối, dung dịch sát khuẩn, mua thiết bị thử nhanh độc tố, dùng máy ô-dôn để loại chất độc trước khi chế biến.
Trên thị trường, các loại thiết bị thử nhanh độc tố thực phẩm có rất nhiều loại, chủ yếu là hàng Trung Quốc nhưng các loại thiết bị này hay “đọc sai” các số đo về hóa lý nên không nhiều người dùng như gần một năm trước. Thiết bị mà người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn hiện nay là máy tạo ô-dôn để khử độc thực phẩm.
Nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người dân thành phố là bức thiết nhưng thực phẩm an toàn vệ sinh chưa nhiều để người dân lựa chọn. Thực hiện kinh doanh thực phẩm theo chuỗi an toàn, trên địa bàn thành phố hiện chỉ có 246 điểm bán của năm đơn vị được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ chỗ thực phẩm an toàn vệ sinh chưa phổ cập đến từng bộ phận dân cư, người tiêu dùng tự vệ trước các loại thực phẩm bằng phương pháp chọn lựa truyền thống và thiết bị để khử độc trước khi chế biến nhằm bảo vệ sức khỏe của mình. (* Nhân dân (chuyên trang TPHCM) )
Cảnh báo gia tăng ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể
Đúng thời điểm các địa phương đang phát động Tháng hành động về an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2016, ngày 18-4, hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) đã hoảng hồn khi phát hiện có dòi bò ra từ suất ăn trưa tại nhà máy. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể vẫn đang là một nỗi ám ảnh đối với cộng đồng.
Chế biến, bảo quản kém gây ngộ độc
Vụ việc tại Công ty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam đã tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất ATTP, ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể hiện nay, nhất là bếp ăn tập thể của công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trên thực tế, hàng năm, ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể thường gia tăng mạnh vào mùa hè. Tại Hà Nội, cũng thời điểm này năm ngoái, đã liên tiếp xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của công nhân.
Trong đó, vụ ngộ độc tập thể tại Công ty TNHH thời trang Star của Singapore ở khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) xảy ra ngày 7-4-2015 đã khiến 107 công nhân phải nhập viện; còn vụ ngộ độc tập thể tại Công ty TNHH Synopex Việt Nam (khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) ngày 10-5-2015 có 55 người phải nhập viện.
Đáng chú ý, ngay cả các bếp ăn khá sạch sẽ, đảm bảo các điều kiện về ATTP theo quy định nhưng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra do quá trình chế biến, bảo quản thức ăn không đảm bảo, nhất là trong điều kiện khí hậu nóng nực mùa hè khiến thức ăn rất nhanh bị nhiễm khuẩn, ôi thiu, hư hỏng.
Thống kê của Cục ATTP - Bộ Y tế cho thấy, năm 2015, riêng tại các bếp ăn tập thể đã xảy ra hơn 30 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm trên 3.000 người phải nhập viện. Trong đó, có tới 70% vụ ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn tập thể do cơ sở cung cấp thức ăn không bảo đảm an toàn vệ sinh, nguồn thực phẩm kém chất lượng, còn lại hơn 30% nguyên nhân là do điều kiện vệ sinh bếp ăn tại chỗ.
Khó kiểm soát thức ăn mang từ ngoài vào
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chiều 21-4, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết, về vụ việc công nhân Công ty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam (Mỹ Lộc, Nam Định) đình công vì phát hiện trong suất ăn có dòi, hiện nay, cơ quan chức năng tỉnh Nam Định đang điều tra làm rõ trên tinh thần rất thận trọng. Nhiều khả năng đây không phải là một vụ thực phẩm bẩn mà có thể có các nguyên nhân khác. Lý do bởi các suất ăn cung cấp cho công nhân là thức ăn đã được nấu chín trong ngày nên khó xảy ra chuyện dòi sống bò ra từ đĩa thức ăn được.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, vấn đề đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp - khu chế xuất đã có quy định chặt chẽ từ nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, nước, phụ gia… cho đến những quy định về thủ tục hành chính như bắt buộc các bếp ăn phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP mới được phép cung cấp suất ăn cho công nhân. Tuy nhiên, qua kiểm tra, khảo sát, 70% vụ ngộ độc thực phẩm trong các khu công nghiệp là do thức ăn nấu ở nơi khác mang đến (các doanh nghiệp cung cấp suất ăn bên ngoài nhà máy) nên việc kiểm soát khó khăn hơn.
Một nguyên nhân nữa khiến ngộ độc thực phẩm luôn đe dọa các bếp ăn tập thể là do xu hướng sử dụng các bữa ăn giá rẻ rất phổ biến. Nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu sử dụng thực phẩm cung cấp cho công nhân với giá chỉ từ 9.000-12.000 đồng/ suất ăn, chưa kể tới lợi nhuận của người nấu bếp, cơ sở cung cấp suất ăn nên giá trị thực của mỗi suất ăn còn thấp hơn.
“Tôi đã trực tiếp xuống xóm trọ công nhân và chứng kiến bữa cơm của công nhân thậm chí chỉ có 4.000 đồng/ suất. Nhiều doanh nghiệp cho biết, suất ăn thấp nhưng rất nhiều công nhân, nhà máy vẫn chấp nhận vì nếu nâng giá trị suất ăn lên thì công nhân sẽ bị giảm lương. Đây chính là vấn đề khó trong việc quản lý ATTP trong các bếp ăn khu công nghiệp hiện nay” - Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong nói. (* An ninh Thủ đô (trang 12))
Cảnh báo tình trạng ngộ độc nấm
Tháng 3, tháng 4 hàng năm là thời điểm mà Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội bắt đầu tiếp nhận các bệnh nhân bị ngộ độc nấm. Theo ghi nhận của Trung tâm, thông thường có đến khoảng 50% bệnh nhân cấp cứu do ngộ độc nấm sẽ tử vong.
Sau nửa tháng được điều trị thải độc tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai sau khi bị ngộ độc do ăn nấm trên rừng, hiện nay, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Trương Phúc Tình, 30 tuổi, người dân tộc Dao, trú tại xã Bình An, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đã ổn định.
Nước da tái xạm, mắt trũng sâu, với vẻ mệt mỏi, anh Tình cho chúng tôi biết: Cách đây 2 tuần, anh cùng mấy người bạn rủ nhau vào rừng hái nấm ăn. Trưa hôm đó, loại nấm các anh lấy về nhà nấu canh có màu trắng muốt, thân mập rất đẹp, ăn ngọt mát.
Tuy nhiên, đến khoảng 2h sáng ngày hôm sau, anh Tình và 2 người bạn bắt đầu có những biểu hiện đau bụng dữ dội, tiêu chảy liên tục, chân tay bị co rút.
Ngay sau đó, 3 người đã được đưa đến Trung tâm y tế huyện Chiêm Hóa điều trị. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán anh và 2 người bạn bị ngộ độc nấm. Tuy nhiên, do anh Tình bị nặng nhất nên đã được chuyển lên Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Theo Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, vào thời điểm mùa xuân, mùa mưa, thời tiết ấm ẩm, nấm mọc nhiều nên rất dễ xảy ra các vụ ngộ độc nấm.
Không ít người nhất là bà con dân tộc vùng cao cho rằng các loại nấm có màu sắc sặc sỡ thì mới là nấm độc. Tuy nhiên, trên thực tế có cả những loại nấm màu sắc không sặc sỡ cũng chứa độc tố. Năm nay, trường hợp bệnh nhân Trương Phúc Tình là ca ngộ độc nấm đầu tiên và đã điều trị ổn định sức khỏe.
Bác sỹ Nguyên khuyến cáo, khi có nhu cầu ăn nấm, người dân nên tìm mua các loại nấm được trồng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh việc tùy tiện vào rừng hái nấm để nấu ăn. Không chỉ người dân mà ngay cả các bác sỹ, chuyên gia cũng không dễ dàng phân biệt nấm độc và nấm không độc. Khi ăn phải nấm độc, thông thường ít nhất phải sau khoảng 6h đồng hồ, bệnh nhân mới có những biểu hiện ngộ độc như nôn mửa, đi ngoài liên tục, đau bụng, chân tay co rút…
Bác sỹ Nguyên cũng cho biết thêm, việc ngộ độc nấm cũng rất dễ khiến bệnh nhân rơi vào “bẫy”. Bởi lẽ, với những triệu chứng trên, sau khi được đưa đến cơ sở y tế và điều trị, bệnh nhân sẽ chấm dứt tình trạng đau bụng, tiêu chảy và thường xin ra viện.
Tuy nhiên, chất độc đã ngấm vào trong người khiến cho sau một thời gian, bệnh nhân sẽ bị các biểu hiện khác như da vàng, mắt vàng và viêm gan. Chính vì vậy, khi bị ngộ độc nấm, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị kịp thời và đầy đủ. (* Công an Nhân dân (trang 2))
Bùng phát bệnh quai bị ở Lạng Sơn
Theo báo cáo của Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay, bệnh quai bị gia tăng đáng ngại trên địa bàn với trên 400 bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu, điều trị.
Gần đây, mỗi ngày khoa truyền nhiễm của bệnh viện tiếp nhận gần 10 bệnh nhân thăm khám, phần nhiều là trẻ em từ 4 đến 9 tuổi bị sốt cao, sưng hai mang tai, rát đỏ.
Thời điểm này là giao mùa nên bệnh dịch bùng phát; cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân thận trọng, bảo vệ sức khỏe vì bệnh quai bị thường lây qua đường hô hấp, ăn uống. (* Tiền phong (trang 6))
Ăn bọ rầy, 1 người chết, 2 người nhập viện
Ba người ăn bọ rầy bị ngộ độc nặng tại Quảng Nam, trong đó 1 người chết khi chưa kịp đưa vào bệnh viện, còn 1 người đang nguy kịch.
Chiều nay 21.4, ông Nguyễn Văn Hường, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tiên Phước (Quảng Nam), cho biết có 3 người bị ngộ độc nặng do ăn bọ rầy xảy ra tại địa bàn huyện Tiên Phước, trong đó 1 người tử vong trước khi chuyển cấp cứu đến trung tâm y tế huyện.
Vụ ngộ độc xảy ra từ sáng qua (20.4). Ba người ăn sáng gồm Phạm Phú Nhàn (46 tuổi), Võ Đình Lâm (45 tuổi, trú cùng thôn 2 xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước) và một thanh niên tên Nguyên (chưa rõ họ và địa chỉ). Sau khi ăn chén bọ rầy, cả ba bị ngộ độc nặng, liên tục nôn mửa ra máu và tiêu chảy.
Theo ông Nguyễn Văn Hường, chỉ có ông Nhàn và ông Lâm được chuyển đến Trung tâm y tế huyện cấp cứu (ông Lâm tử vong trước khi kịp chuyển đến trung tâm y tế huyện). Sau đó, do mức độ ngộ độc nghiêm trọng nên ông Nhàn tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Quảng Nam vào rạng sáng nay (21.4).
“Chúng tôi đã phân tích rõ mức độ ngộ độc nguy hiểm và động viên nhiều lần thì bệnh nhân Nhàn mới “chịu” cho chuyển lên bệnh viện tỉnh, vì lo ngại không có tiền”, ông Hường nói thêm.
Hiện tại, ông Nhàn đang được chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện đa khoa Quảng Nam) trong tình trạng suy thận cấp, mạch yếu.
Đến chiều nay, ông Nhàn đã trải qua một lần lọc thận nhân tạo, sức khỏe vẫn hết sức nguy kịch. Các bác sĩ đã liên tục truyền dịch, lợi tiểu nên bệnh nhân đã tỉnh, mạch - huyết áp ổn định, nhưng nước tiểu không có, thận vẫn đang tổn thương nặng...
Trong khi đó, bệnh nhân tên Nguyên vẫn đang được theo dõi, chạy thận nhân tạo tại Trung tâm y tế huyện Tiên Phước vì mức độ ngộ độc ít hơn.
Các bác sĩ trực xử lý tại khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện đa khoa Quảng Nam) đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm do ăn côn trùng không rõ nguồn gốc hoặc do cách chế biến không phù hợp. (* Thanh niên (trang 2))
Thử nghiệm vắc xin cúm A/H5N1
Trong đợt thử nghiệm giai đoạn 2 vắc xin cúm A/H5N1 sẽ có 300 người tham gia thử nghiệm tập trung vào nhóm tuổi từ 18-60 tuổi, với mục tiêu đánh giá về kháng thể kháng H5N1 trước và sau khi tiêm.
Đợt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vắc xin cúm A/H5N1 bắt đầu từ ngày 21/4, do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Sở Y tế Khánh Hòa tiến hành.
Cụ thể, trong đợt thử nghiệm lần này có 300 người tham gia, tập trung vào nhóm tuổi từ 18-60 tuổi. Những người tham gia thử nghiệm sẽ được tiêm 2 mũi vắc xin cúm A/H5N1, mỗi mũi cách nhau 21 ngày. Mỗi người sẽ được lấy máu 6 lần để làm các xét nghiệm, với mục tiêu đánh giá về kháng thể kháng H5N1 trước và sau khi tiêm.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 sẽ tập trung đánh giá tính an toàn, tính sinh miễn dịch, đồng thời xác định liều tối ưu để sử dụng cho các giai đoạn tiếp theo.
Vắc xin cúm A/H5N1 được đưa vào thử nghiệm lần này do Viện vắc xin và sinh phẩm Y tế Nha Trang sản xuất, với sự hỗ trợ của Tổ chức y tế Thế giới và tổ chức PATH của Mỹ. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đầu tư xây dựng Viện vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang thành Trung tâm sản xuất vắc xin cúm phục vụ khi có đại dịch xảy ra.
Trước đó, ngày 22/4/2015, Viện vắc xin và sinh phẩm Y tế Nha Trang đã công bố kết quả thực nghiệm lâm sàng lần 1 vắc xin cúm A/H5N1 do Viện này sản xuất, được Ban đánh giá các vấn đề đạo đức Bộ Y tế nghiệm thu tháng 3/2015.
Trước tình hình dịch tễ của virus cúm A trên thế giới cũng như ở Việt Nam vẫn đang diễn ra phức tạp, cùng với thói quen nuôi gia cầm ngay tại nhà của người dân, nguy cơ bùng phát các dịch cúm ở Việt Nam là rất lớn. Vì vậy, việc nghiên cứu thành công quy trình sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh và hạn chế tối đa lây lan trong cộng đồng. (* Thanh niên (trang 4))
Ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế công bố số điện thoại đường dây nóng
Ngày 20/4, Bộ Y tế đã có công văn số 2214/BYT-KH-TC về việc công bố đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế.
Theo đó, thực hiện Công văn số 14/BCĐ389-VPTT ngày 29/5/2015 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện chế độ thông tin báo cáo và Công văn số 62/VPTT-TH ngày 6/4/2016 về việc báo cáo kết quả hoạt động của đường dây nóng, đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế đã công bố đường dây nóng để các tổ chức, cá nhân biết, tố giác về các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực Bộ Y tế quản lý.
Cụ thể, số điện thoại: 01696.389.389; Email: byt389@moh.gov.vn; số Fax: 04.62732266. (* Gia đình & Xã hội (trang 3))
Năm 2018 sẽ cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi
Ông Hoàng Thanh Vân, cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết như thế khi dự kiến trong tuần này, Bộ NN&PTNT sẽ ký ban hành thông tư sửa đổi hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
Theo đó, hướng dẫn mới sẽ giảm liều lượng kháng sinh cho phép trong thức ăn chăn nuôi từ 8-10 ppm/tấn xuống còn 5 ppm/tấn, đồng thời ngưng cho phép dùng kháng sinh trộn sẵn trong thức ăn nhằm phòng bệnh cho vật nuôi.
“Mỹ sẽ ngừng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi từ năm 2017, Thái Lan cũng như vậy, còn EU đã ngừng sử dụng từ năm 2006. Chúng tôi đã đi khảo sát các nước xung quanh, có thể phải năm 2018 VN sẽ ngừng cho phép sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi” - ông Vân cho biết thêm.
Báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT cho thấy tỉ lệ mẫu tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm vượt ngưỡng cho phép trong chăn nuôi và thủy sản trong các tháng đầu năm 2016 tăng so với cùng kỳ 2015. (* Tuổi trẻ, Gia đình & Xã hội (trang 3)
TP.HCM: Có thể công bố hết dịch Zika
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Gần một tháng nay, Thành phố Hồ Chí Minh chưa phát hiện ca bệnh mới mắc virus Zika. Vì vậy, qua hết ngày 21/4/2016, có thể Thành phố Hồ Chí Minh sẽ công bố hết dịch Zika.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nếu hết ngày 21/4, Thành phố Hồ Chí Minh không xuất hiện ca bệnh mới mắc virus Zika thì ngành y tế sẽ đề xuất Ủy ban nhân dân công bố hết dịch. Theo qui định của Bộ Y tế, sau 24 ngày kể từ khi công bố có ca bệnh Zika mà không xuất hiện ca bệnh mới thì phải công bố hết dịch. Hiện tại, sức khỏe người phụ nữ tại Thành phố Hồ Chí Minh mắc virus Zika đã ổn định.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, sau một thời gian ngắn thì virus Zika sẽ tự đào thải ra khỏi cơ thể con người.Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cũng đã phối hợp với Trung tâm GIS của Sở Khoa học công nghệ để triển khai ứng dụng hệ thống định vị toàn cầu. Ứng dụng này giúp thể hiện các ca bệnh truyền nhiễm trên bản đồ, nhanh chóng khoanh vùng ổ dịch. Hiện tại, dự án GIS được triển khai thí điểm tại 6 trạm y tế phường của 3 quận là Thủ Đức, Tân Phú và Quận 8.
Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Thành phố tiếp tục thực hiện giám sát các ca bệnh nghi ngờ mắc virus Zika, tiếp tục thực hiện truyền thông lồng ghép chống sốt xuất huyết và Zika. Trong đó, nhấn mạnh việc phòng tránh muỗi đốt, đặc biệt ở thai phụ, tư vấn cho thai phụ. Kiểm soát điểm nguy cơ và thực hiện diệt muỗi, lăng quăng”. (* Sức khỏe & Đời sống (trang 2))
Bộ Y tế ban hành Danh mục dịch vụ kỹ thuật tương đương Đợt 4
Thứ trưởng Bộ Y tế- PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên vừa ký Quyết định số 1432/QĐ-BYT ban hành Danh mục (Đợt 4) các dịch vụ kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện giữa Thông tư số 43/2013/TT-BYT, Thông tư số 50/2014/TT-BYT với Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT- BTC.
Cụ thể, danh mục dịch vụ kỹ thuật tương đương Đợt 4 gồm 2.297 kỹ thuật thuộc 3 chuyên khoa: chuyên khoa Nhi gồm 2.253 dịch vụ kỹ thuật; chuyên khoa Lao gồm 20 dịch vụ kỹ thuật (bổ sung danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 1016/QĐ-BYT ngày 25/3/2016); chuyên khoa Sản gồm 24 dịch vụ kỹ thuật .(bổ sung Danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 803/QĐ-BYT ngày 8/3/2016).
Như vậy tính đến nay, sau 4 đợt, Bộ Y tế đã ban hành danh mục tương đương với tổng số 7.160 dịch vụ kỹ thuật của đầy đủ 28 chuyên khoa, đáp ứng cơ bản nhu cầu thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT.
Các danh mục dịch vụ kỹ thuật tương đương 4 đợt của 28 chuyên khoa đã ban hành với đầy đủ các trường thông tin liên quan (giá, mã dùng chung, phân tuyến, phân loại PT-TT …) đã được cập nhật lên phần mềm quản lý Kiểm tra bệnh viện trực tuyến. Các đơn vị đăng nhập (Sử dụng trình duyệt Chrome mới download được file Excel), khai báo danh mục kỹ thuật của đơn vị theo Thông tư 43 và 50 tại Tab “VIII. Phạm vi hoạt đông”, phần mềm có tính năng tải về danh mục tương đương kèm theo giá dịch vụ và các trường thông tin khác. Sử dụng Mã tương đương tại (Cột 2) làm mã tham chiếu danh mục và mã thanh toán in kèm theo phiếu thanh toán BHYT .
Các chuyên khoa đang tiếp tục rà soát để bổ sung danh mục tương đương cho vòng 2. Trong thời gian chờ đợi, những dịch vụ kỹ thuật đang được BHYT chi trả không có tên trong Thông tư 37 và không có tên trong danh mục tương đương các bệnh viện vẫn thực hiện theo bảng giá cũ. (* Sức khỏe & Đời sống (trang 2)
Bệnh viện Việt Đức nối thành công 2 cẳng tay đứt rời
Ngày 21-4, TS. Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Tạo hình-Hàm mặt (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, sau 9 tiếng đồng hồ phẫu thuật, các bác sĩ đã cứu thành công đôi tay cho bệnh nhân Ng.M.Th (19 tuổi) mà không phải ghép mạch.
Trước đó, trong lúc làm việc tại xưởng gỗ tại tỉnh Hà Nam, công nhân Th. 19 tuổi cầm miếng gỗ để cho vào máy cắt đã sơ ý không kịp rút tay ra nên bị máy cắt gỗ nghiến 1/3 cẳng tay cả 2 bên đứt rời. Những người xung quanh đã kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân, đồng thời bảo quản phần tay bị đứt rời rất đúng cách.
Sau khi sơ cứu tại bệnh viện tuyến dưới, gia đình chuyển Th. lên Bệnh viện Việt Đức. Hơn 5 tiếng sau tai nạn, bệnh nhân được phẫu thuật nối lại bàn tay. Bác sĩ Bùi Mai Anh, người trực tiếp phụ trách kíp phẫu thuật cho hay, do Th. bị gãy phần xương tay phải sát cổ tay nên việc kết hợp xương cho bệnh nhân trong lúc phẫu thuật khó khăn. Các bác sĩ cố gắng để không làm ngắn quá nhiều xương chi của bệnh nhân.
5 ngày sau mổ, sáng ngày 21-4, các ngón tay của Th đã tự cử động nhẹ nhàng, riêng bàn tay phải đã sờ có cảm giác. Hiện bệnh nhân vẫn được chăm sóc đặc biệt, tiếp tục theo dõi 2 cẳng tay. Trong thời gian tới, bệnh nhân phải trải qua quá trình luyện tập phục hồi chức năng hai bàn tay để tránh dính gân.
Theo TS. Nguyễn Hồng Hà, những trường hợp tai nạn lao động bị đứt 1/3 cẳng tay hoặc đứt lìa 1 bên bàn tay thì Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận phẫu thuật nhiều, tuy nhiên, đối với trường hợp của Th đứt lìa cả hai cẳng tay thì quá hy hữu, hiếm gặp.
Do đó, ca phẫu thuật “gắn” hai cẳng tay cho Th diễn ra vô cùng phức tạp, bởi thời gian “vàng” quá ngắn ngủi, nên các bác sĩ đã phải huy động 2 kíp phẫu thuật làm việc song song để kết hợp xương, nối gân và nối các mạch máu, thần kinh bằng vi phẫu thuật. (* An ninh Thủ đô, Nhân dân, Công an Nhân dân (trang 2))
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ trang 14: “Nối hai cẳng tay đứt ịa cho nam công nhân”; Báo Sức khỏe & Đời sống trang 3: “9 giờ phẫu thuật cứu 2 cẳng tay”
Cấp cứu thành công bé 11 tháng tuổi bị ngã chấn thương sọ não
Ngày 21-4, sau gần 10 ngày được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cấp cứu do chấn thương sọ não, sức khỏe của bé Nguyễn Thị Liễu (11 tháng tuổi ở Võ Nhai, Thái Nguyên) đã ổn định và chuẩn bị ra viện. vừa cấp cứu và điều trị thành công bị.
Tối ngày 11-4-2016, chị gái của cháu Liễu bế em đi trên ban công của ngôi nhà sàn đang thi công phần lan can, đã không may bị trượt chân khiến cả hai chị em ngã từ độ cao gần 3m xuống đất. Chị bị chấn thương nhẹ, còn em thì bị chấn thương rất nặng do lao thẳng đầu xuống. Hai chị em được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cấp cứu lúc 21h cùng ngày.
Theo các bác sĩ Khoa Cấp cứu, bé Liễu được đưa đến trong tình trạng li bì, khó thở, da niêm mạc nhợt, sây sát da và sưng nề vùng đầu, nguy kịch đến tính mạng. Vì thế, các bác sĩ đã khẩn trương cấp cứu, chụp X. quang tim phổi, chụp cắt lớp vi tính cho cháu bé và xác định bị tụ máu ngoài màng cứng vùng trán bên trái và dọc theo phía trước liềm đại não; vỡ xương trán bên trái. Bệnh viện laaoj tức tổ chức hội chẩn liên khoa và bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật cấp cứu.
Ca phẫu thuật kéo dài 4 tiếng đồng hồ đã thành công và cháu bé đã qua được cơn nguy kịch. Mặc dù bệnh vẫn có nhiều diễn biến rất phức tạp nhưng với quyết tâm cao, trình độ chuyên môn vững vàng, kinh nghiệm trong chẩn đoán điều trị của các thầy thuốc, sau hơn một tuần điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của bé dần được ổn định. Ngày 21-4, các bác sĩ cho biết bé có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Đồng Quang Sơn, Trưởng khoa Ngoại thần kinh cho biết, Bệnh viện đã phẫu thuật cấp cứu thành công nhiều trường hợp người lớn bị ngã, tai nạn gây đa chấn thương sọ não phức tạp. Nhưng với trẻ em bị chấn thương gây tụ máu sọ não thì việc gây mê, hồi sức sau mổ vô cùng khó khăn, mặc dù các phẫu thuật viên hoàn toàn có thể thực hiện được, nhưng còn thiếu các trang thiết bị y tế dành cho trẻ em.
Đây là trường hợp đặc biệt, là ca bệnh đầu tiên được các Bác sĩ khoa Ngoại thần kinh, khoa Gây mê hồi sức tiến hành phẫu thuật, điều trị thành công tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyê, thay vì phần lớn phải chuyển lên tuyến trên. (* Công an Nhân dân (trang 2))