Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/5/2016

  • |
T5g.org.vn - Phát động Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2016; Cảnh báo ngộ độc thực phẩm trong mùa hè; Tạm dừng lưu thông 3 lô sản phẩm C2 và rồng đỏ...

Phát động Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2016

Ngày 21-5, tại tỉnh Hà Nam, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) đã tổ chức lễ phát động Ngày vi chất dinh dưỡng (ngày 1 và 2-6-2016) với thông điệp “Hãy sử dụng các thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng hàng ngày. Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, phát triển trí tuệ, tầm vóc, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống”.

Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ là một hoạt động cần thiết để bảo vệ sức khỏe trẻ em. Vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong sự phát triển bình thường của trẻ. Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, thể lực, trí tuệ và khả năng miễn dịch của trẻ.... Nhận thức được tầm quan trọng của việc bổ sung vitamin A cho trẻ, Chương trình bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ đã được triển khai định kỳ hàng năm với trên 5 triệu trẻ dưới 5 tuổi được bổ sung vitamin A liều cao (2 lần/năm). Qua đó đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A ở trẻ, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng đã giảm dần.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Lễ phát động Ngày vi chất dinh dưỡng năm nay cũng là hoạt động thiết thực để hưởng ứng “Tháng hành động vì trẻ em”. Thứ trưởng đề nghị ngành y tế địa phương hướng dẫn và triển khai có hiệu quả hoạt động bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ trong độ tuổi; tiếp tục bổ sung vitamin A cho trẻ có nguy cơ thiếu vitamin A; bổ sung vitamin A cho phụ nữ sau sinh trong vòng 1 tháng. Đồng thời, các tỉnh cần thực hiện hiệu quả công tác phòng chống suy dinh dưỡng; tăng cường truyền thông nâng cao kiến thức của người dân về thực hành, xây dựng bữa ăn cân đối, hợp lý và hợp vệ sinh...

Trong những năm qua, ngày vi chất dinh dưỡng được tổ chức vào ngày 1 và 2-6 trên toàn quốc với các hoạt động như: bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi (41 tỉnh) và trẻ có nguy cơ thiếu vi chất dinh dưỡng cao (trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, tiêu chảy kéo dài, viêm đường hô hấp, trẻ bị sởi), trẻ từ 6 - 60 tháng được bổ sung vitamin A liều cao và trẻ từ 24 - 60 tháng được uống thuốc tẩy giun (22 tỉnh khó khăn), bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được uổng bổ sung 1 liều vitamin A ở 63 tỉnh thành phố; tăng cường công tác truyền thông về phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

Năm nay, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo tổ chức cho trẻ uống bổ sung vitamin A đợt 1-2016 trong ngày vi chất dinh dưỡng trên toàn quốc.

Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo: Để góp phần phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, các gia đình hãy ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, nên lựa chọn các thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng; cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn.

Bữa ăn của trẻ cần các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng. Thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D. Trẻ em trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/ năm. Bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A. Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi cần uống thuốc tẩy giun 2 lần/ năm. Phụ nữ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn. Trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các chế phẩm sữa phù hợp với từng lứa tuổi... (* Nhân dân , Sài Gòn giải phòng (trang 7))

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm trong mùa hè

Thời tiết đang chuyển sang mùa hè, cùng với tình trạng thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; thực phẩm không có nguồn gốc, nhập lậu khó kiểm soát… dẫn đến nguy cơ ô nhiễm, ngộ độc thực phẩm sẽ có những diễn biến phức tạp và gia tăng trong thời gian tới. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của các cơ quan chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Số liệu thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy: Trong ba tháng đầu năm 2016, cả nước ghi nhận 25 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP), với 969 trường hợp mắc, trong đó có 669 trường hợp nhập viện và hai trường hợp tử vong. So với năm 2015, số vụ NĐTP giảm sáu vụ (19,4%), số mắc giảm 106 trường hợp (9,9%), số người nhập viện giảm 303 trường hợp (31,2%) và số tử vong giảm bảy trường hợp (77,8%). Nguyên nhân dẫn đến các vụ NĐTP chủ yếu do vi sinh vật (36%), do độc tố tự nhiên (12%), do hóa chất (4%) và còn lại chưa xác định được nguyên nhân (48%). Đối với hai trường hợp tử vong, nguyên nhân được xác định do độc tố tự nhiên trong cóc và ốc biển lạ.

Đánh giá về tình hình NĐTP từ đầu năm 2016 đến nay, TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát NĐTP, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng: Trong ba tháng đầu năm, so với năm 2015, cho thấy tình hình NĐTP đang từng bước được kiểm soát, đã giảm cả về số vụ NĐTP, số người mắc, số người nhập viện và số người tử vong. Đáng chú ý, mặc dù số vụ NĐTP lớn tăng về số vụ, nhưng giảm về số người mắc và số người nhập viện so cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, so với năm 2015, NĐTP tại các bếp ăn tập thể có xu hướng giảm cả về số vụ, số người mắc, số người nhập viện. Tuy nhiên, NĐTP tại bếp ăn gia đình, đám cưới, giỗ, liên hoan, lễ hội, bếp ăn trường học có xu hướng gia tăng, so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong, Cục đã đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường thông tin, tuyên truyền kiến thức về ATTP, phòng, chống NĐTP, bệnh truyền qua thực phẩm đến cộng đồng, trong đó cần tập trung các nội dung như: phổ biến các quy định bảo đảm ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố tại các trường học, bệnh viện, KCN, KCX… nhất là yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh.

Các đơn vị chức năng địa phương chủ động thực hiện kế hoạch bảo đảm ATTP, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, bánh kẹo, rượu, cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, các cơ sở kinh doanh nước giải khát, nước đá, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ, kinh doanh gia cầm; bếp ăn tập thể tại các trường học, bệnh viện, KCN, KCX… Phát hiện sớm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định ATTP và công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng. Đối với các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố, Cục ATTP yêu cầu, chủ động phối hợp trung tâm y tế dự phòng, các cơ sở điều trị, các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát NĐTP, bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng; chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư… để phối hợp tham gia phòng, chống NĐTP, bệnh truyền qua thực phẩm khi được yêu cầu…

Các chuyên gia trong lĩnh vực ATTP khuyến cáo, người tiêu dùng khi mua chọn những thực phẩm còn tươi, không bị thay đổi mầu sắc và mùi vị. Thực phẩm nên để cách ly với môi trường bị nhiễm hóa học, đặc biệt các thực phẩm có nguy cơ nhiễm độc không nên sử dụng như cá nóc, nấm độc, thực phẩm dễ gây dị ứng cho cơ thể. Khi có người bị NĐTP cần thực hiện sơ cứu đúng cách và đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời. (* Nhân dân (trang 5))

Tạm dừng lưu thông 3 lô sản phẩm C2 và rồng đỏ

Tối ngày 20- 5, Thanh tra Bộ Y tế đã có thông báo tạm dừng lưu thông đối với 3 lô sản phẩm nước giải khát C2 và Rồng đỏ của Công ty TNHH URC do hàm lượng chì cao hơn mức công bố trên sản phẩm.

Theo thông báo này, Thanh tra Bộ Y tế tạm dừng việc lưu thông từ ngày 20-5-2016 đối với 3 lô sản phẩm thực phẩm của Công ty TNHH URC Hà Nội (địa chỉ tại Lô CN 2.2 khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, huyện Thạch Thất, Hà Nội) với lý do hàm lượng chì không đạt theo tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Cụ thể: sản phẩm trà xanh hương chanh C2, ngày sản xuất (NSX) 04-02-2016; hạn sử dụng (HSD) 04-02-2017 có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì là: 0,085 mg/L; sản phẩm nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ, NSX 19-02-2016; HSD 19-11-2016, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì là: 0,053 mg/L; nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ: NSX 10-11-2015, HSD 10-08-2016, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì là 0,068 mg/L.

Cùng chủ đề Báo Thành niên trang 7: “Thu hồi 3 lô nước ngọt chứa hàm lượng chì cao”; Tuổi trẻ trang 8: “Tam dừng lưu thông 3 lô trà xanh C2, rồng đỏ có hàm lượng chì không đạt”; Sài Gòn giải phóng trang 7: “Thu hồi 3 lô nước giải khát có hàm lượng chì vượt ngưỡng”

Thêm một bệnh viên ghép giác hè

Ngày 21.5, Bệnh viện FV (TP.HCM) bắt đầu thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc điều trị cho bệnh nhân.

Thực hiện kỹ thuật này tại Bệnh viện FV là GS-BS Donald Tan (nguyên Chủ tịch Hiệp hội giác mạc thế giới, nguyên Giám đốc y khoa, Trung tâm Mắt quốc gia Singapore).

Có 2 bệnh nhận được GS-BS Donald Tan cùng ê kíp Bệnh viện FV ghép giác mạc cùng ngày là bé trai 3 tuổi và nam bệnh nhân 45 tuổi.

Theo GS-BS Donald Tan, ghép giác mạc theo kỹ thuật mới là ghép từng phần, chỉ thay thế những lớp giác mạc bị tổn thương (do bệnh lý, chấn thương), giữ lại phần giác mạc bình thường. Kỹ thuật cũ ghép toàn bộ giác mạc.

Kỹ thuật mới cho tỷ lệ thành công cao (98%), giảm đào thải sau ghép, 1 tháng sau ghép cho thị lực ổn định (kỹ thuật cũ 6 tháng).

Bộ Y tế cũng cho phép Bệnh viện FV nhập khẩu nguồn giác mạc. Vì hiện nay nguồn giác mạc hiến, tặng trong nước rất hiếm; và cho phép GS-BS Donald Tan phẫu thuật ghép giác mạc tại Bệnh viện FV.

FV là bệnh viện tư đầu tiên trong nước thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc.

Hiện trong nước có các bệnh viện phẫu thuật ghép giác mạc gồm: Bệnh viện Mắt T.Ư (Hà Nội), bệnh viện Mắt TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Mắt Sài Gòn (TP.HCM).

Tại Singapore, GS-BS Donald Tan từng phẫu thuật ghép giác mạc cho bệnh nhân VN. Nay, thực hiện ghép mới này tại Bệnh viện FV để giảm chi phí, thời gian đi lại cho người bệnh. (* Thanh niên (trang 5))

Trung tâm y tế hiện đại trên biển: điểm tựa giữa biển khơi

Đó là Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa. Trung tâm y tế này hiện được nâng cấp và dự kiến hoàn thành vào tháng 1-2017.

“Từ chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông” của báo Tuổi Trẻ, ban biên tập báo Tuổi Trẻ và Bệnh viện Quân y 175 đã có ý tưởng phải có một công trình ý nghĩa ở Trường Sa bên cạnh những công trình mà báo Tuổi Trẻ đã thực hiện thời gian qua” - thiếu tướng, PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn, giám đốc Bệnh viện Quân y 175 TP.HCM, kể.

Điểm tựa giữa biển khơi

Theo thiếu tướng Hồng Sơn, tình cảm của TP.HCM đối với Trường Sa qua các thế hệ lãnh đạo cũng như nhân dân rất sâu nặng. Thế nhưng ngoài Trường Sa chỉ có nhà khách của Hà Nội, đền thờ Bác Hồ của Nghệ An, vậy công trình nào sẽ là đặc trưng của TP.HCM tại đây?

Đó sẽ là một trung tâm y tế để chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo, để người dân yên tâm bám biển. Càng ngày sự bám biển của người dân trên biển càng lớn, nên nhu cầu người dân được chăm sóc sức khỏe là rất lớn. Chỉ từ năm 2014-2015, số bệnh nhân ở đảo đi khám bệnh đã tăng gấp 5 lần, số bệnh nhân cần được cấp cứu tăng gấp 10 lần.

Theo thiếu tướng Sơn, Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa do báo Tuổi Trẻ, Bệnh viện Quân y 175 và Quân chủng hải quân phối hợp nâng cấp xây dựng sẽ là một trạm cấp cứu, một “thủ đô y tế” trên biển. Bất cứ tàu bè nước ngoài nào đi trên vùng biển đó phát tín hiệu cấp cứu, tin tưởng vào năng lực điều trị của trung tâm đều có thể vào trung tâm này điều trị.

Khi hoàn thành, trung tâm sẽ có một khu phòng khám, khu cận lâm sàng, khu phẫu thuật... Lúc đầu trung tâm y tế này tương đương một bệnh viện quận, có khả năng điều trị, cấp cứu cơ bản về nội khoa, ngoại khoa nhưng trang thiết bị hiện đại hơn nhiều bệnh viện tỉnh.

Gây xúc động lớn

Chiều 19-5, Bệnh viện Quân y 175, báo Tuổi Trẻ và Quân chủng hải quân đã tổ chức lễ tiếp nhận trang thiết bị y tế giai đoạn 1 cho Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa.

Trung tâm y tế này được nâng cấp xây dựng với tổng kinh phí khoảng 28 tỉ đồng, trong đó báo Tuổi Trẻ đóng góp 22 tỉ đồng từ chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông” do bạn đọc ủng hộ, phần còn lại do Quân chủng hải quân đối ứng. Bệnh viện 175 sẽ đồng hành vận động trang thiết bị y tế cho Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa dự kiến khoảng 6 tỉ đồng.

Bệnh viện 175 sẽ chuẩn bị những danh mục trang thiết bị cụ thể để đáp ứng yêu cầu cho một bệnh viện hoạt động trong điều kiện hiện nay. Sau đó sẽ huy động lực lượng bác sĩ tình nguyện các bệnh viện để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ của Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa. Lúc đầu, trung tâm mới giải quyết cơ bản về nội, ngoại khoa nhưng sau này sẽ nâng cấp thành các chuyên khoa gồm sản, nhi, da liễu, răng hàm mặt, mắt...

Ông Trần Song Hải - tổng giám đốc Công ty DP Consulting, đơn vị trao tặng tổ máy phát điện diesel trị giá 650 triệu đồng cho Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa - chia sẻ: “Suốt thời gian qua, chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông” của Tuổi Trẻ đã gây xúc động lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi mong sẽ tiếp tục đồng hành với Bệnh viện 175 và chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông” của báo Tuổi Trẻ”. (* Tuổi trẻ (trang 7))

Phụ huynh yên tâm khi thay đổi vaccine bại liệt

Từ tháng 6-2016, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia thực hiện chuyển đổi vaccine bại liệt uống 3 tuýp (1, 2 và 3) sang vaccine bại liệt uống 2 tuýp (1 và 3) trên cả nước. Nhiều phụ huynh thắc mắc việc thay đổi như vậy có ảnh hưởng gì đến hiệu quả bảo vệ của vaccine hay không? Tính an toàn ra sao? Lịch tiêm chủng có thay đổi không?...

Không thay đổi hiệu quả bảo vệ

Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt từ năm 2000, tuy nhiên trên thế giới vẫn còn một số nước chưa thanh toán được bệnh này, vì vậy chúng ta vẫn phải thực hiện mọi biện pháp để duy trì thành quả thanh toán bại biệt, đồng thời đề phòng các trường hợp bệnh bại liệt xâm nhập từ bên ngoài vào. Một trong những biện pháp hiệu quả nhất là duy trì được tỷ lệ uống/tiêm vaccine bại liệt thật cao trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR).

Ở Việt Nam hiện nay, trong tiêm chủng dịch vụ (trả tiền) có 2 loại vaccine phối hợp có thành phần bại liệt là vaccine phối hợp 5 trong 1 Pentaxim và vaccine 6 trong 1 Hexa Infanric. Tuy nhiên, nếu trẻ được uống vaccine bại liệt (vaccine sống giảm độc lực) thì hiệu quả phòng bệnh bền vững hơn so với vaccine bại liệt tiêm (vaccine bất hoạt).

Hàng năm, ở Việt Nam có trên 1,5 triệu trẻ được uống vaccine bại liệt trong chương trình TCMR. Mỗi trẻ được uống 3 liều miễn phí vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi tại các điểm tiêm chủng xã, phường trên toàn quốc. Vaccine bại liệt uống 3 tuýp (tuýp 1, 2, 3) đã được sử dụng an toàn ở Việt Nam từ 1985 cho đến nay. Tuy nhiên, tháng 9-2015, Tổ chức Y tế thế giới công bố, đã thanh toán bệnh bại liệt do tuýp 2 gây ra. Vì vậy, từ tháng 5-2016, toàn thế giới sẽ không sử dụng vaccine có thành phần bại liệt tuýp 2. Vì vậy, trẻ được uống vaccine 2 tuýp đủ liều, phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm đã bảo vệ được con mình phòng bệnh bại liệt.

Vaccine bại liệt 2 tuýp an toàn hơn

Vaccine bại liệt uống 2 tuýp sử dụng ở Việt Nam trong năm 2016 do Công ty Sarofi Pasteur sản xuất, đã được cấp giấy phép đăng ký tại Pháp từ năm 2011 đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới. Cho đến nay, vaccine này đã được sử dụng tại 39 quốc gia với trên 630 triệu liều. Tại Việt Nam, vaccine đã được Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho phép nhập khẩu để sử dụng trong chương trình TCMR và được Viện kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế cấp giấy phép xuất xưởng.

Lịch uống vaccine bại liệt 2 tuýp tương tự như vaccine bại liệt đã sử dụng trước đây. Trẻ cần uống đủ 2 liều vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi. Từ tháng 6-2016, trẻ em sẽ được uống các liều vaccine tiếp theo để đủ 3 liều cho trẻ dưới 1 tuổi mà không phải uống lại từ đầu.

Về vấn đề nhiều phụ huynh lo lắng, đó là tính an toàn của vaccine bại liệt trong chương trình TCMR, TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: Sử dụng vaccine bại liệt uống là an toàn, sau khi uống vaccine, phản ứng rất hiếm gặp có thể xảy ra là đau cơ, yếu cơ, liệt. Trong suốt 30 năm triển khai uống vaccine bại liệt ở Việt Nam, ngành y tế ghi nhận hầu hết không có phản ứng trầm trọng xảy ra sau khi uống.

Trên thế giới, có ghi nhận một vài trường hợp liệt sau uống vaccine. Nhưng tỷ lệ này rất hiếm gặp, với tần suất có thể xảy ra là 1 trường hợp trên 1,4-2,8 triệu liều vaccine sử dụng, chủ yếu là do virus bại liệt tuýp 2 gây ra. Trong thời gian tới, trẻ em được uống vaccine bại liệt tuýp 1 và tuýp 3, không có thành phần virus bại liệt tuýp 2, vì vậy sẽ giảm thiểu hơn nữa các phản ứng bất thường, không mong muốn. (* An ninh Thủ đô (trang 8))

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang