Triển khai tự chủ tài chính bệnh viện: Viện than gặp khó, bệnh nhân sợ vơi túi tiền
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa làm việc với Bộ Y tế về đổi mới cơ chế tài chính, hướng tới tự chủ tài chính trong bệnh viện công. Trong khi đó, lãnh đạo nhiều bệnh viện cho biết, việc tự chủ vẫn “nửa vời” nên một số hoạt động vẫn “bó chân bó tay”…(Nông thôn ngày nay, trang 5).
6 người nguy kịch vì ăn nấm độc
Ngày 21/5, Bác sĩ Tăng Viết Hà, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc Nghệ An, cho biết, bệnh viện này vừa tiếp nhận và cấp cứu 6 bệnh nhân bị ngộ độc nấm trong tình trạng nặng. Theo đó, vào lúc 16h ngày 20/5, Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳ Châu tiếp nhận và cấp cứu cho 6 bệnh nhân trong một gia đình trú bản Tà Sỏi, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu vì ăn phải nấm độc hái trên rừng về. Sau khi cấp cứu, cả 6 nạn nhân đã được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc Nghệ An, huyện Nghĩa Đàn để tiếp tục điều trị…(Nông thôn ngày nay, trang 5; Tiền phong, trang 2; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Bệnh viện đầu ngành đồng loạt tăng giá dịch vụ y tế với người tự chi trả
Bộ Y tế cho biết ngày 1.6 tới đây, gần 50 bệnh viện (BV) hạng đặc biệt, hạng 1 trực thuộc Bộ Y tế và các BV hạng 1 thuộc các bộ, ngành sẽ chính thức áp dụng giá dịch vụ y tế mới (ban hành theo Thông tư 02/2017/TT-BYT) đối với bệnh nhân không tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là các BV thực hiện nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn. Cùng với công khám bệnh, giá ngày giường nội trú, các kỹ thuật thủ thuật, xét nghiệm chẩn đoán cũng điều chỉnh tăng. Theo các chuyên gia, danh mục tăng giá có 1.900 dịch vụ, mức tăng chủ yếu khoảng 50% nhưng một số dịch vụ có giá tăng 2 lần so với mức đang áp dụng với các bệnh nhân tự chi trả. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết theo lộ trình, tiếp sau các BV hạng đặc biệt, hạng 1 tăng giá từ ngày 1.6, sẽ có 30 tỉnh thực hiện giá mới với bệnh nhân tự chi trả vào tháng 8.2017; 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10.2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12.2017. Trong đó, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM dự kiến sẽ thực hiện vào tháng 8 và 10 năm nay (Thanh niên, trang 4).
Khám, chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ: Bệnh viện đủ điều kiện, vẫn bị từ chối ký hợp đồng
Từ ngày 1-9-2015, Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BYT-BTC cho phép các cơ sở y tế tổ chức khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) vào ngày nghỉ, ngày lễ nếu đáp ứng đủ các điều kiện về nhân lực, trang, thiết bị và được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT. Nhiều cơ sở y tế đã triển khai thực hiện, người dân vui mừng vì tiết kiệm được chi phí và thời gian. Thế nhưng, tại tỉnh Thanh Hóa, một số cơ sở y tế đủ điều kiện vẫn không được BHXH tỉnh ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT…(Nhân dân, trang 8).
Sốt xuất huyết vào mùa sớm, tăng rất mạnh ở Hà Nội
Số người mắc sốt xuất huyết trong gần năm tháng đầu năm ở Hà Nội đã lên tới gần 700 ca, cao hơn 2,1 lần so với cùng kỳ 2016 và đã có một nữ sinh viên 19 tuổi chết do sốt xuất huyết – ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội vừa cho biết…(Tuổi trẻ, trang 14; Hà Nội mới, trang 1).
Trạm y tế xã hội hóa đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh
Trạm y tế phường 11, Quận 3, là mô hình trạm y tế xã hội hóa thí điểm đầu tiên trên cả nước. Đây là bước đột phá trong xã hội hóa lĩnh vực y tế với mục tiêu hướng tới tất cả người dân được chăm sóc sức khỏe, thụ hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất từ tuyến cơ sở…(Hà Nội mới, trang 6).
Lãnh đạo bệnh viện không nhất thiết phải có học hàm, học vị
Trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ Y tế ngày 20-5, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã báo cáo một thực trạng của ngành Y tế: “Năng lực quản lý, quản trị của thủ trưởng đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là giám đốc bệnh viện (BV) còn hạn chế, mặc dù chuyên môn giỏi- do tiêu chí, tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm chưa phù hợp, đào tạo kỹ năng, cập nhật kiến thức về quản lý, quản trị chưa được chú trọng mà chỉ chú trọng vào chuyên môn”.(Công an Nhân dân, trang 2).
Thanh tra 15 cơ sở kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em
Ngày 21-5, Thanh tra Bộ Y tế cho biết đã quyết định thành lập Đoàn thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ tại Hà Nội.
Theo đó, đoàn sẽ thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại 15 cơ sở nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ trên địa bàn Hà Nội, gồm: Công ty cổ phần Dược phẩm Việt Nam, Công ty cổ phần XNK tổng hợp Minh Quân, Công ty TNHH Thương mại Vạn An, Công ty CP Sữa sức sống Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư và XNK Nhật Phương, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ An Phú Khánh, Công ty cổ phần XNK HSC Bắc Việt, Công ty TNHH Eneright, Công ty TNHH Đàm Đăng Vinh, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hàn Việt, Công ty cổ phần Thương mại XNK Phúc Lộc, Công ty TNHH Dinh Dưỡng Nutricare, Công ty TNHH Phân phối SNB, Công ty CP XNK HP Việt Nam và Công ty CP XNK Tạp phẩm. Đoàn thanh tra có nhiệm vụ phát hiện các sơ hở, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục. Đồng thời kết luận cụ thể các nội dung đã tiến hành thanh tra; phát hiện vi phạm (nếu có), xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; đề xuất với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ (Sài Gòn giải phóng, trang 1)
Việt Nam điều chế thành công thuốc hỗ trợ điều trị ung thư từ thảo dược
Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) cho biết, đã nghiên cứu và chuyển giao thành công công nghệ chế tạo phức hệ Nano Extra XFGC (KSol) dùng trong phòng và hỗ trợ điều trị ung bướu. Thành công này mở ra cho bệnh nhân ung thư sử dụng giá thành thấp hơn nhiều so với thuốc nhập ngoại…(Tiền phong, trang 6).