Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/6/2023

  • |
T5g.org.vn - Nguy cơ “dịch chồng dịch” từ các bệnh truyền nhiễm; Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng và biến chứng nặng; Cấp phép nhập khẩu thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt; Lợi ích khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chip

Nguy cơ “dịch chồng dịch” từ các bệnh truyền nhiễm

Miền Nam đã bước vào mùa mưa, một số bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp; nhiều ca bệnh nặng phải thở máy, nguy kịch. Các chuyên gia cảnh báo, nếu các dịch bệnh truyền nhiễm này không được kiểm soát sẽ có nguy cơ xảy ra “dịch chồng dịch”.

Nhiều ca tay chân miệng nguy kịch

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 8.995 ca bệnh TCM, trong đó trẻ em nam (từ 1-10 tuổi) chiếm nhiều nhất với 60%. So với trung bình 5 năm gần đây, số ca mắc chưa có dấu hiệu tăng đột biến nhưng có xu hướng tăng cao trong các tuần gần đây và đã có 4 ca tử vong cư ngụ ở các tỉnh Đắk Lắk, Kiên Giang, Long An và TPHCM.

Đáng báo động, tính hết tuần 23, TPHCM ghi nhận 2.407 ca mắc TCM; riêng tuần qua ghi nhận 423 ca mắc mới (tăng gần 150% so với tuần trước), trong đó có 14 ca nguy kịch, 1 ca thở máy.

Ghi nhận trong 2 ngày cuối tuần qua tại một số bệnh viện (BV) nhi trên địa bàn TPHCM, nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt nhiều ngày liên tục, kèm nổi các nốt nước đỏ ở TCM.

BS-CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc BV Nhi đồng TPHCM, cho biết, bình quân mỗi ngày đơn vị tiếp nhận thăm khám, điều trị ngoại trú dao động 50 - 100 trẻ mắc TCM, đa số là trẻ em của các tỉnh miền Tây chuyển lên. Hiện khoa Nhiễm (BV Nhi đồng TPHCM) đang điều trị nội trú 32 bệnh nhi, trong đó có 2 ca phải lọc máu và 2 ca thở máy…

Tương tự, tại khoa Nhiễm - Thần kinh (BV Nhi đồng 1 TPHCM), những ngày qua tiếp nhận 20-30 bệnh nhi đến khám vì TCM, trong đó 5-7 ca phải nhập viện điều trị. Trong 36 bệnh nhi điều trị nội trú mắc TCM tại khoa, đã có 11 ca phải nằm ở phòng bệnh nặng và 4 ca chuyển xuống khoa Hồi sức - Chống độc.

“Cả 4 bệnh nhi này đều phải thở máy, 1 ca lọc máu. Trước đó, BV có 1 ca tử vong (bé 5 tuổi) do TCM”, BS-CKII Dư Tấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 TPHCM, thông tin.

Trong khi đó, BV Nhi đồng 2 (TPHCM) cũng đang điều trị cho gần 30 trẻ bị TCM, trong đó có 9 ca nặng.

Theo ThS-BS Nguyễn Đình Qui, quyền Trưởng khoa Nhiễm, trong tháng 5, số ca bệnh TCM nội trú chỉ 4-5 ca/ngày, nhưng trong 2 tuần trở lại đây gia tăng 25-27 ca/ngày; số ca nặng chiếm tới 40% (cùng kỳ năm trước chỉ khoảng 25%).ThS-BS Nguyễn Đình Qui cảnh báo: “Bệnh TCM là bệnh xảy ra quanh năm nhưng với sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus (EV71 - chủng virus có độc lực cao, lây lan nhanh, gây nhiều biến chứng nguy hiểm ở trẻ em) mà cụ thể là gen B5, khiến các ca TCM năm nay nặng hơn, nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời”.

Tập trung diệt muỗi

Đối với dịch sốt xuất huyết (SXH), ghi nhận của Bộ Y tế đến thời điểm này, cả nước có gần 33.000 ca, trong đó 9 trường hợp tử vong. “Điểm nóng” về SXH là khu vực Đông Nam bộ, trong đó tỉnh Đồng Nai và TPHCM đang có số ca tăng cao.

Cụ thể, 4 tháng đầu năm, Đồng Nai ghi nhận gần 1.000 ca, nay đã tăng trên 1.600 ca với 3 ca tử vong. Riêng TPHCM có 7.918 ca mắc SXH, chưa ghi nhận ca tử vong. Qua công tác thực hiện giám sát hoạt động phòng chống SXH ở 25 phường xã, thị trấn trên địa bàn thành phố phát hiện 47 điểm có lăng quăng trong tổng số 85 điểm được giám sát (chiếm tỷ lệ 55,2%). Trong số 9 điểm nguy cơ bùng phát dịch là hộ gia đình thì có đến 7 điểm có lăng quăng (chiếm tỷ lệ 78%).

Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, UBND TPHCM đã ban hành văn bản tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch 2095/KH-UBND về tập trung triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH; trong đó lưu ý tập trung vào việc xử lý các vật chứa nước nhằm loại bỏ nơi sinh sản của muỗi; vận động người dân đồng hành với chính quyền tích cực tham gia tìm kiếm và loại bỏ vật chứa nước ngay tại chính nơi ở của mình. .

Phó chủ tịch thường trực UBND quận 8 Nguyễn Thanh Sang cho biết, quận đang huy động mọi nguồn lực tham gia kiểm soát và xử lý hiệu quả các điểm nguy cơ phát sinh muỗi và lăng quăng. Đồng thời kiên quyết xử phạt nghiêm các cá nhân, tổ chức cố tình không xử lý các điểm nguy cơ trong khu vực mình quản lý, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng (Sài gòn giải phóng, trang 11).

 

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng và biến chứng nặng

Theo thống kê của Bộ Y tế, tổng số ca mắc bệnh tay chân miệng trong cả nước vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, nhưng đang có xu hướng tăng tại một số địa phương.

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị-xã hội chủ động phối hợp với ngành y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định nguy cơ dịch chồng dịch đang hiện hữu, nếu không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả cũng như sự chung tay của các sở, ngành, đoàn thể và người dân trong việc chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm ở trẻ, nhất là bệnh tay chân miệng.

Ngành y tế thành phố đã xác định B5 là kiểu gien (subgenotype) của Enterovirus 71, tác nhân gây bệnh tay chân miệng nặng ở trẻ em vừa được phát hiện trở lại qua các trường hợp nặng tại ba bệnh viện nhi của thành phố. Đó là kết quả giải trình tự gien được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford đặt tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.

Tất cả mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng có triệu chứng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đều có kết quả PCR dương tính với Enterovirus 71 và đều có kiểu gen B5.

Theo số liệu giám sát dịch bệnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), số trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng nhanh trong các tuần gần đây. Cụ thể, số ca tay chân miệng bắt đầu tăng từ tuần 19 đến tuần 22, số ca mắc tay chân miệng trong tuần 22 cao gấp hơn hai lần số ca mắc tay chân miệng trong tuần 19. Hiện nay, các ca mắc chưa có dấu hiệu giảm.

Đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, cách đây khoảng bốn tuần, Khoa Hồi sức của bệnh viện không có nhiều các ca bệnh tay chân miệng, Khoa Nhiễm thì lâu lâu mới có một vài ca, nhưng khoảng hai tuần trở lại đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận các ca bệnh.

Đặc biệt, tuần 24, ngày 12/6 vừa qua phòng cấp cứu của Khoa Nhiễm, giường nào cũng phải nằm đôi, các ca nhập viện đều cấp độ 2, cấp độ 3. Sáng 16/6, có 30 ca nhập viện, thì hơn 50% trong số đó là trở nặng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện không thể lý giải nguyên nhân virus Enterovirus 71 gây bệnh tay chân miệng tái xuất. Tuy nhiên, với các bệnh do virus không có vắc-xin phòng ngừa gây ra, thường chu kỳ 3-4 năm sẽ quay lại.

Tuy nhiên, lần này, bệnh đáng lo ngại hơn. Nguyên nhân, trẻ “trả nợ miễn dịch” sau một thời gian dài dịch Covid-19 buộc phải ở trong nhà. Trẻ không tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh bên ngoài. Sau Covid-19, trẻ được tiếp xúc trong cộng đồng trở lại. Số trẻ nợ miễn dịch sẽ đồng thời nhiễm bệnh gây ra đợt dịch lớn.

Trước đây, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, trong đợt dịch này, trẻ lớn hơn cũng mắc bệnh. Đó là do ảnh hưởng hai năm trẻ cách ly do Covid-19, miễn dịch đối với bệnh tay chân miệng ở trẻ em không bền vững.

Điều này có nghĩa là, dù từng mắc bệnh, nhưng nếu tiếp tục tiếp xúc với nguồn lây, trẻ vẫn có nguy cơ nhiễm trở lại. Đã nhiều năm, tại Thành phố Hồ Chí Minh không có ca tử vong vì tay chân miệng, nhưng hiện đã ghi nhận các trường hợp tử vong chuyển từ tỉnh lân cận.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý, nếu thuốc cấp muộn và diễn biến phức tạp, thì bệnh tay chân miệng dự báo có thể kéo dài đến tháng 9, tháng 10. Nguy hiểm hơn, bệnh tay chân miệng chồng lên sốt xuất huyết khi bước vào mùa mưa số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng.

Để ngăn chặn sự lây lan thì việc chống lây nhiễm trong cộng đồng rất cần thiết. Nếu trẻ có dấu hiệu của bệnh, cần được cho nghỉ học ngay, tránh lây nhiễm chéo. Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ không nên cho trẻ đến chỗ đông người trong ít nhất mười ngày; cần đẩy mạnh công tác truyền thông cho phụ huynh, giáo viên về nhận biết dấu hiệu bệnh.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ khởi động Ban phòng chống bệnh tay chân miệng; đồng thời, các bác sĩ sẽ được huấn luyện lại, nghiên cứu, sử dụng những cách thức mà những năm 2011, 2018 đã sử dụng hiệu quả. Bệnh viện cũng sẽ mở rộng thêm Khoa Nhiễm, thêm một khu vực cấp cứu oxy, khi cần thiết sẽ chuyển bệnh nhân vào để kịp thời điều trị hiệu quả, hạn chế thấp nhất bệnh nhi chuyển nặng.

Bộ Y tế vừa có yêu cầu các bệnh viện lập và triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn; kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị.

Các bệnh viện tăng cường theo dõi các ca bệnh đang nằm điều trị nội trú để phát hiện, điều trị kịp thời khi ca bệnh có diễn biến nặng lên; ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết; phát hiện sớm, tổ chức hội chẩn và chuyển tuyến kịp thời khi người bệnh có diễn biến bất thường.

Mặt khác tăng cường phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện, phân tuyến điều trị, tổ chức sàng lọc, phân loại người bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú, củng cố nguồn lực cho đơn vị hồi sức bệnh tay chân miệng... bảo đảm đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất và vật tư y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều trị.

Bộ Y tế giao các bệnh viện: Bệnh nhiệt đới Trung ương, Nhi Trung ương, Đa khoa Trung ương Huế, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới các tỉnh rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các đơn vị điều trị bệnh tay chân miệng để tiếp nhận các ca bệnh nặng từ các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh và các tỉnh khác chuyển đến; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, tập huấn và tổ chức các kíp thường trực cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh theo địa bàn đã được phân công và khi có yêu cầu hỗ trợ (Nhân dân, trang 5).

 

Cấp phép nhập khẩu thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt

Theo Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm nay các tỉnh thành ghi nhận gần 9.000 ca mắc tay chân miệng, 3 ca tử vong.

Đáng lưu ý, Sở Y tế TP.HCM đã có báo cáo lên Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng (Immunoglobulin, Phenobarbital) khi tình hình diễn biến phức tạp.

Về nguồn cung các loại thuốc nói trên, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết hiện có 13 thuốc chứa Immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại VN. Các cơ sở nhập khẩu đã thống kê số lượng thuốc Immunoglobulin còn và có kế hoạch nhập khẩu về VN.

Với thuốc Phenobarbital, hiện có một loại sản xuất trong nước được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực. Ngoài ra, Cục Quản lý dược đã cấp phép cho Công ty CP dược phẩm T.Ư 1 nhập khẩu thuốc Barbit (là thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại VN) để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt (Thanh niên, trang 5).

 

Lợi ích khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chip

Việc triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip đã được triển khai hơn 1 năm qua. Các cơ sở y tế, bệnh viện cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu đọc căn cước công dân, phần mềm…

Thế nhưng, nhiều bệnh nhân (BN) đi khám chữa bệnh (KCB) vẫn cầm cả căn cước công dân (CCCD) và thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Nhiều BN khác thì ngần ngại, không muốn sử dụng CCCD gắn chip.

Thói quen cầm theo thẻ BHYT

Ghi nhận tại Bệnh viện (BV) Q.Tân Phú (TP.HCM), lượng BN chờ đợi khá đông (BV có trung bình 3.000 - 4.000 lượt khám/ngày). Tới lượt, một nữ BN chìa ra CCCD và chưa đầy 30 giây sau, nhân viên tiếp nhận đã trả CCCD để bà nhanh chóng di chuyển về khu vực KCB. Bà không quên nói với PV Thanh Niên: "Cái này (ý nói KCB bằng CCCD - PV), tôi biết từ lâu rồi, nhờ con tôi nói".

Còn một BN khác ngồi ở dãy ghế chờ đến lượt đăng ký khám cơ xương khớp. Trên tay bà có cả CCCD và thẻ BHYT được cấp tháng 8.2021. Khi được hỏi bà có biết CCCD gắn chip có thể sử dụng để đăng ký KCB BHYT mà không cần thẻ BHYT hay không, bà lắc đầu. "Cầm 1 cái CCCD thì tiện đó, nhưng sợ nó trục trặc thì mệt. Xếp hàng chờ từ sáng tới giờ, lỡ có gì phải chạy về nhà lấy thêm thẻ BHYT hay sao? Vừa tốn công sức, vừa tốn tiền. Cái gì cũng chắc ăn đi", bà bày tỏ.

Theo nhân viên quầy tiếp nhận KCB BHYT của BV Q.Tân Phú, có đến 90% BN đến KCB BHYT bằng CCCD, rất tiện lợi. Nhưng hầu hết người sử dụng CCCD gắn chip đều kẹp thêm thẻ BHYT. Số còn lại là do CCCD làm trước thời điểm có tích hợp BHYT (từ tháng 7.2021 về trước); số này phải đối chiếu thông tin trên thẻ BHYT và CCCD hoặc bằng lái xe, giấy tờ tùy thân có ảnh. "Người trẻ, sinh viên thì họ biết chỉ cần sử dụng CCCD gắn chip là đủ. Còn người lớn tuổi họ kỹ lắm, mang cả thẻ BHYT, khi tiếp nhận chúng tôi trả lại thẻ BHYT là họ hỏi tại sao không tiếp nhận BHYT?", nhân viên tiếp nhận KCB BHYT của BV Q.Tân Phú cho hay.

Sợ mất CCCD gắn chip

Đại diện BV Q.11 (TP.HCM) cũng cho biết BV đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip. Khi tiếp nhận KCB BHYT, BV dặn dò người dân lần sau chỉ cần mang CCCD gắn chip là được, nhưng các BN cho hay muốn cầm thẻ BHYT đi khám hơn.

Tương tự, theo bác sĩ CK.2 Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM), BV có 15 quầy tiếp nhận KCB BHYT. Chỉ cần CCCD gắn chip thì khi kiểm tra mọi thông tin BN BHYT đều được thể hiện rõ và liên thông với cổng thông tin của Bảo hiểm xã hội. "CCCD gắn chip giúp nhân viên đỡ tốn thời gian, nhanh, gọn, lẹ; kiểm tra đúng BN; kiểm tra được thông tuyến (lịch sử KCB của BN). Kiểm tra mọi thông tin chỉ trong vòng 30 giây và như vậy sẽ giúp rút ngắn thời gian chờ cho BN. Hiện trung bình mỗi ngày BV có 4.000 - 5.000 BN đến khám, BN BHYT chiếm đến 80%", bác sĩ Mỹ Linh cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Mỹ Linh, BN lớn tuổi vẫn thích dùng thẻ BHYT bằng giấy, đồng thời do sợ thất lạc CCCD gắn chip nên vẫn xài thẻ CMND cũ. "Chúng tôi nói BN đưa CCCD gắn chip kể kiểm tra thông tin thì một số BN không chịu đưa, nói mất thì làm sao, rồi đưa ra CMND cũ, còn CCCD mới thì cất ở nhà", bác sĩ kể và nói thêm nếu BN không mang theo CCCD thì cần phải trình số CCCD, bằng lái xe, giấy tờ có ảnh.

Mang lại nhiều tiện ích

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, hiện TP có 376/391 cơ sở KCB BHYT bằng CCCD, đạt 96,16%. Các cơ sở còn lại chưa thực hiện là do không có phát sinh người bệnh và chi phí KCB BHYT. Tính đến ngày 19.6, TP.HCM có hơn 4 triệu lượt KCB sử dụng CCCD, trong đó có hơn 3,2 triệu lượt khám sử dụng CCCD có thông tin.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP.HCM đánh giá việc KCB BHYT bằng CCCD gắn chip đã đem lại nhiều tiện ích thiết thực cho cả BN và các cơ sở KCB. Đồng thời góp phần khắc phục những hạn chế trong thực hiện cải cách hành chính như rút ngắn thủ tục, thời gian chờ đợi của BN, không phải xuất trình thẻ BHYT giấy, không phải làm thủ tục xin cấp lại trong trường hợp mất hoặc thẻ rách, hỏng, hết hạn... Việc này cũng đáp ứng lợi ích thiết thực trong khâu quản lý BN của cơ sở y tế trong việc minh bạch thông tin, tránh gian lận, trục lợi trong KCB.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP.HCM nhìn nhận vẫn còn trường hợp tra cứu thẻ CCCD nhưng không có thông tin vì đồng bộ dữ liệu về BHYT với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư chưa đạt 100%. Hiện việc đồng bộ dữ liệu về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư theo Đề án 06 tại TP.HCM đạt 89%, còn 11% chưa được đồng bộ. Bảo hiểm xã hội TP.HCM đang phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn TP để đẩy nhanh cập nhật định danh cá nhân vào cơ sở dữ liệu và đồng bộ với cơ sở dữ liệu về bảo hiểm, phấn đấu hoàn thành 100% vào cuối quý 2/2023. Đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân sử dụng CCCD khi đi KCB. Đồng thời, đề nghị các cơ sở KCB thông báo công khai cho người tham gia BHYT được sử dụng CCCD có gắn chip hoặc qua ứng dụng VNEID khi đi KCB. Không để xảy ra tình trạng từ chối KCB khi người dân cung cấp CCCD mà thông tin đã được đồng bộ giữa Cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm và Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Bảo hiểm xã hội TP.HCM lưu ý BN khi đi KCB lần đầu nên mang theo thẻ BHYT hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VSSID kèm giấy tờ tùy thân có ảnh. Trường hợp BN đã KCB BHYT bằng CCCD hoặc ứng dụng VNEID thì từ lần khám bệnh sau chỉ cần xuất trình CCCD hoặc VNEID. Trường hợp CCCD chưa kịp tích hợp dữ liệu thẻ BHYT hoặc người tham gia BHYT chưa được cấp tài khoản VNEID, BV cần thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT.

Sở Y tế TP.HCM cũng chỉ đạo các cơ sở KCB trực thuộc đẩy mạnh KCB BHYT bằng thẻ CCCD gắn chip, ứng dụng VNEID. Theo Sở Y tế, tính đến thời điểm hiện nay, tất cả các BV có KCB BHYT trên địa bàn TP đều đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip. Tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh sử dụng còn thấp. Do vậy, Sở Y tế đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân viên y tế và gia đình, người bệnh và thân nhân đến KCB tại đơn vị được biết và hiểu về những tiện lợi, lợi ích, từ đó thay đổi thói quen, sử dụng CCCD gắn chip, ứng dụng VNEID khi đi KCB BHYT thay cho thẻ BHYT giấy. Các đơn vị chủ động đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật (nâng cấp phần mềm, thiết bị đầu đọc CCCD gắn chip có tích hợp module sinh trắc...) để sẵn sàng triển khai tích hợp, xác thực sinh trắc trong KCB BHYT bằng CCCD gắn chip.

Sở Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc tổ chức thực hiện và quán triệt những nội dung trên đến tất cả nhân viên, phấn đấu mỗi cơ sở KCB BHYT đảm bảo có 80% lượt người bệnh thực hiện KCB bằng CCCD gắn chip hoặc tài khoản định danh điện tử mức độ 2, hoàn thành trước ngày 30.6 theo chỉ đạo của UBND TP và Ban Chỉ đạo Đề án 06 của TP (Thanh niên, trang 22). 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang