Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/7/2019

  • |
T5g.org.vn - Phẫu thuật thành công cứu sống bệnh nhi có khối u cơ tim lớn; Bảo vệ sức khỏe người dân tốt hơn; Trẻ sơ sinh bị bỏng nặng do tự chữa bệnh ở nhà theo kinh nghiệm dân gian...

 

Thế trận lòng dân: Giữ trọn niềm tin của người bệnh

Nằm cách trung tâm TP Chí Linh (Hải Dương) hơn sáu cây số, Bệnh xá Quân dân y Lữ đoàn 454 (Quân khu 3) không chỉ là nơi chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị, mà còn là địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy của nhân dân trên địa bàn.

Hơn bảy giờ sáng, tại Bệnh xá Quân dân y của Lữ đoàn đã có hơn 20 người dân đến khám, chữa bệnh. Các y sĩ, bác sĩ tất bật với công việc: người thăm khám, người dìu bệnh nhân, người cấp thuốc..., nhưng ai nấy đều tỏ thái độ niềm nở, chu đáo, cử chỉ thân thiện cùng người bệnh.

Trước khi đến bệnh xá khám bệnh, bà Vũ Thị Keo, 71 tuổi, ở thôn Phương Sơn, xã Hưng Ðạo (Chí Linh) luôn bồn chồn, lo âu. Nhưng khi đến đây, được các y sĩ, bác sĩ ân cần thăm khám, xác định phác đồ điều trị và cấp thuốc uống, cho nên bà Keo thấy yên tâm.

"Bác sĩ bắt đúng bệnh của tôi là do mất ngủ, thiếu máu não, dẫn đến đau buốt nửa đầu. Vài tháng trước, cháu tôi bị ngã, con dâu bị bệnh vào đây chữa được bác sĩ chăm sóc tận tình, cho đến khi khỏi bệnh. Bác sĩ quân y ở đây rất giỏi, lại hết lòng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, cho nên chúng tôi cũng như nhiều gia đình ở địa phương luôn đặt trọn niềm tin vào bệnh xá", bà Keo bày tỏ.

Ðến bệnh xá khám bệnh từ hơn 10 ngày trước, ông Nguyễn Ngọc Nhịnh, 63 tuổi, ở thôn Tân Trường, xã Lê Lợi (Chí Linh), được các bác sĩ khám và kết luận bệnh tình: gan nhiễm mỡ độ ba, huyết áp cao, chán ăn, mệt mỏi. Những ngày qua, được y sĩ, bác sĩ tận tình điều trị, bệnh tình của ông Nhịnh đã thuyên giảm, gặp chúng tôi, ông Nhịnh hồ hởi nói: "Ðiều trị bệnh ở đây, tôi thấy như sống cùng gia đình. Vì nhà neo người, cho nên chỉ có mình tôi đến đây chữa bệnh, nhưng được các y sĩ, bác sĩ đơn vị giúp đỡ từ việc đi lại cho đến sinh hoạt cá nhân hằng ngày... Ðúng là "Bộ đội Cụ Hồ - Bộ đội của dân !".

Gặp gỡ, trò chuyện cùng những người dân đến bệnh xá khám, chữa bệnh, chúng tôi thấy bà con đều dành tình cảm, sự tin yêu và không tiếc lời khen đối với y sĩ, bác sĩ đơn vị.

Thiếu tá, bác sĩ Trương Văn Hoa, Chủ nhiệm Quân y, kiêm Bệnh xá trưởng Lữ đoàn 454, cho biết: Cách đây chưa lâu, có cụ bà tên là Ðua, khoảng 70 tuổi, ở phường Bến Tắm (Chí Linh), đi rừng không may bị kiến ba khoang đốt, về nhà sức khỏe rất nguy kịch: toàn thân tím tái, mẩn ngứa, khó thở, tụt huyết áp, sùi bọt mép, ý thức lơ mơ... Nhận được tin báo, đúng ca trực, dù lúc đó gần sáng, nhưng bác sĩ Hoa cùng hai y sĩ của đơn vị không quản ngại vất vả, mang theo trang bị y tế cùng thuốc chữa bệnh kịp thời cơ động tìm đến nhà bà Ðua để cấp cứu... Với sự nỗ lực, tận tình cứu chữa của bác sĩ Hoa cùng đồng đội, bà Ðua đã qua cơn nguy kịch: huyết áp đã tăng dần, thoát sốc, sức khỏe dần hồi phục. Sau đó, bà Ðua được đưa đến bệnh xá điều trị, sau một tuần điều trị, sức khỏe trở lại bình thường. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân được các y sĩ, bác sĩ đơn vị cấp cứu thoát khỏi "tử thần", như: Trường hợp em bé ba tuổi ở xã Lê Lợi, bị ong đốt năm 2016; năm 2017, bác sĩ Hoa cùng hai y sĩ của bệnh xá giành lại sự sống trong gang tấc cho ông Mạc Văn Thành, 83 tuổi, ở phường Bến Tắm vì bị đột quỵ…

Ðược biết, do quân số biên chế của bệnh xá có hạn, nhưng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn ngày càng tăng, cho nên các y sĩ, bác sĩ đơn vị phải làm việc cường độ cao, không kể ngày nghỉ, giờ nghỉ. Ðược sự quan tâm của cấp trên, những năm gần đây, bệnh xá được đầu tư xây dựng khang trang, trang thiết bị hiện đại như: Máy X-quang, máy siêu âm, máy xét nghiệm, máy điện tim. Với uy tín và chất lượng chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân, từ năm 2018, bệnh xá được lựa chọn khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế. Dù công việc bận rộn, vất vả, nhưng các y sĩ, bác sĩ của Bệnh xá Quân dân y Lữ đoàn 454 luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong khám, điều trị bệnh cho bộ đội và nhân dân, coi bệnh nhân như người thân trong gia đình.

"Niềm vui của chúng tôi là được phục vụ nhân dân. Niềm hạnh phúc của chúng tôi là luôn giữ trọn niềm tin của người bệnh", Thiếu tá, bác sĩ Trương Văn Hoa đã chia sẻ như vậy. (Nhân dân trang 3)

 

Bảo vệ sức khỏe người dân tốt hơn

Ngày 23-9 tới đây, Ðại hội đồng Liên hợp quốc sẽ triệu tập một hội nghị cấp cao về bảo hiểm y tế (BHYT) toàn cầu, với chủ đề "BHYT toàn cầu: Cùng nhau xây dựng một thế giới lành mạnh hơn", cuộc họp sẽ có sự tham dự của các nguyên thủ, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia đến từ nhiều quốc gia.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), BHYT toàn cầu đồng nghĩa với việc tất cả mọi người đều có quyền truy cập vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe bất cứ khi nào và ở đâu họ cần. Ðặc biệt, BHYT toàn cầu còn bảo vệ mọi người trước những khó khăn về tài chính từ việc phải thanh toán các dịch vụ y tế từ tiền túi của mình, giúp giảm nguy cơ người dân bị đẩy vào nghèo đói vì bệnh tật, rủi ro bất ngờ thường buộc họ phải sử dụng hết tiền tiết kiệm, bán tài sản hoặc vay mượn, phá hủy tương lai của chính họ và thế hệ tương lai... Chính vì vậy, không chỉ là ưu tiên chính của WHO, BHYT toàn cầu còn là một trong những mục tiêu quan trọng trong hệ thống các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) mà cộng đồng quốc tế nói chung, các quốc gia nói riêng đang tập trung thực hiện.

Với các giải pháp chính sách cụ thể cũng như những nỗ lực không ngừng, nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt được những bước tiến tích cực trong việc thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, theo WHO, điều đáng lo ngại là đến nay vẫn còn ít nhất một nửa số dân thế giới chưa được hưởng bảo hiểm đầy đủ về các dịch vụ y tế thiết yếu; hơn 800 triệu người (gần 12% số dân thế giới) đã dành ít nhất 10% ngân sách gia đình để chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe..., đặc biệt, có khoảng 100 triệu người vẫn đang bị đẩy vào tình trạng cực kỳ nghèo khổ (tình trạng được định nghĩa là sống với mức 1,9 USD/ngày hoặc ít hơn) vì phải trả tiền cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe… Ðây cũng chính là lý do để Liên hợp quốc lên lịch trình cho hội nghị vào tháng 9 năm nay nhằm tìm ra giải pháp mới thúc đẩy thực hiện mục tiêu BHYT toàn cầu, góp phần xây dựng một thế giới phát triển lành mạnh hơn, ở đó, sức khỏe người dân được bảo vệ tốt hơn.

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, từ nhiều năm qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Và điều đáng mừng là những nỗ lực đó đã mang lại những bước đột phá lớn trong lĩnh vực này. Cụ thể, nếu như vào năm 2009, khi Luật BHYT bắt đầu có hiệu lực, tỷ lệ dân số tham gia BHYT mới ở mức 45% thì đến hết tháng 5-2019 đã cán mốc 89% số dân, với khoảng 84,5 triệu người, đạt chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu là 73/100 điểm, cao hơn mức trung bình của khu vực Ðông - Nam Á (59 điểm) và toàn cầu (64 điểm).

Không chỉ dừng lại ở việc mở rộng nhanh chóng diện bao phủ, sự phát triển BHYT ở nước ta còn thể hiện qua con số hàng trăm triệu lượt người được chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh mỗi năm theo chế độ BHYT. Người có thẻ BHYT đã được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến; hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được quỹ BHYT chi trả khi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn, người tham gia BHYT được khám, chữa bệnh chu đáo, không phân biệt giàu nghèo. Trên thực tế, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ quỹ BHYT đã giúp người dân, nhất là người nghèo và cận nghèo giảm bớt gánh nặng tài chính khi ốm đau, tai nạn. Sự phát triển của BHYT góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ (giảm từ 49% vào năm 2012 xuống còn khoảng 40%) và đang hướng tới mức dưới 30% vào năm 2025; mức độ bảo vệ tài chính cho người dân trong chăm sóc sức khỏe được cải thiện, nghèo hóa do chi y tế đã gần như bị loại bỏ (chỉ còn 1,3%)… Có thể nói, đó là những kết quả đáng tự hào mà Việt Nam đã đạt được, đây cũng sẽ là cơ sở vững chắc để chính sách BHYT tiếp tục được thực hiện hiệu quả, tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân. (Nhân dân trang 4)

 

Đột quỵ “tấn công” người trẻ

Đột quỵ trước đây được coi là căn bệnh của tuổi già, thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới ở nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Thủ đô cho thấy, lối sống hiện đại đã khiến căn bệnh này ngày càng trẻ hóa. Do bệnh không có triệu chứng báo hiệu kéo dài, nên rất khó để nhận biết bản thân sẽ bị đột quỵ. Điều này khiến nhiều người chủ quan, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Thay đổi chế độ ăn uống, duy trì thời gian rèn luyện thể lực, đồng thời khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp giảm nguy cơ đột quỵ.

Thiếu niên cũng có thể bị đột quỵ

Khởi phát với triệu chứng đột ngột: Đau đầu, nôn nhiều lần, ý thức chậm dần, 5 giờ sau, nữ bệnh nhân Trịnh Thị Thanh T. (18 tuổi, ở Hà Nội) được chuyển tới Khoa Cấp cứu, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 trong tình trạng hôn mê sâu, không có phản xạ, liệt tứ chi...

Tại đây, kết quả chụp cắt lớp sọ não, mạch não cho thấy, T. bị đột quỵ não, tổn thương chảy máu toàn bộ hệ thống não thất, biến chứng giãn não thất... Bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao, nếu không được cấp cứu kịp thời. Sau 40 ngày kết hợp nhiều phương pháp điều trị, bệnh nhân đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Không may mắn như bệnh nhân T., anh Nguyễn Văn V. (39 tuổi ở tỉnh Hòa Bình) đã không qua khỏi sau cơn đột quỵ ập đến bất ngờ. Theo người nhà anh V., trước khi được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai khoảng 1 ngày, anh V. xuất hiện trạng thái đau đầu. Dù uống thuốc nhưng cơn đau không giảm mà tăng lên, khiến anh V. co giật toàn thân kèm theo nôn ói và nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê. Mặc dù được phẫu thuật và điều trị tích cực, nhưng anh V. đã tử vong.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đột quỵ hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trên thế giới, sau bệnh tim mạch và ung thư. Cứ 6 người thì có 1 người tiềm ẩn nguy cơ bị đột quỵ, trong đó, tỷ lệ đột quỵ não được dự báo sẽ tăng nhanh và lên tới 1,2 triệu người mắc mới mỗi năm trên thế giới vào năm 2025.

Còn ở Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân tử vong và gây tàn phế hàng đầu. Khoảng 3 năm gần đây, số bệnh nhân nhập viện vì bệnh này không ngừng tăng, từ 1,7% lên 2,5%, tương đương khoảng 200.000 ca mắc mới mỗi năm, trong đó gần 50% số người tử vong.

Trong số 50% bệnh nhân được cứu sống, chỉ 10% bình phục hoàn toàn, 90% còn lại phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động như: Rối loạn nhận thức, mất khả năng vận động, khó khăn trong việc nói hoặc nuốt, rối loạn tâm lý… Tỷ lệ nam giới bị đột quỵ cao gấp 4 lần nữ giới và độ tuổi bị đột quỵ ở nước ta đang ngày càng trẻ hóa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) có hai thể khác nhau.

Một là, đột quỵ thiếu máu cục bộ não (chiếm khoảng 85%), xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, hẹp do xơ vữa động mạch.

Hai là, đột quỵ chảy máu não (chiếm khoảng 15%), xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu chảy vào trong não hoặc xung quanh não.

Đột quỵ thường do mạch máu não bị dị dạng, do các bệnh về máu, liên quan đến tim mạch, cao huyết áp... Các nguyên nhân gây bệnh hiện không thay đổi nhiều so với trước. Song, lý do khiến đột quỵ tăng lên ở người trẻ, chủ yếu liên quan đến chế độ ăn uống và lối sống.

Qua phân tích những bệnh nhân đột quỵ được điều trị phục hồi chức năng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, hơn 50% bệnh nhân nội trú tại trung tâm là do đột quỵ não. Nếu nguyên nhân tăng huyết áp chiếm từ 50% đến 60% ca cấp cứu đột quỵ ở nhóm tuổi ngoài 30, thì ở nhóm dưới 20 tuổi chủ yếu là do dị dạng mạch máu não. Thậm chí, có cháu bé chỉ 14-15 tuổi cũng bị đột quỵ do vỡ phình mạch máu não.

“Đột quỵ ngày nay không còn là bệnh đến khi về già mới lo, mà người trẻ tuổi cũng cần chú ý, nếu gia đình có tiền sử tăng huyết áp, bản thân bị rối loạn chuyển hóa, thừa cân béo phì, đái tháo đường…”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Tuấn Khanh nhấn mạnh.

Còn theo bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện trung ương Quân đội 108, lối sống công nghiệp với những bữa ăn qua loa, vội vàng cùng các loại thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ dễ dẫn đến thừa cân, béo phì. Bên cạnh đó, thói quen ngồi một chỗ, thường xuyên uống bia, rượu cùng với áp lực công việc…, khiến người trẻ tuổi có thể đối mặt với nguy cơ đột quỵ.

Đừng để mất “thời gian vàng”

Để giảm thiểu hậu quả do đột quỵ gây ra, bác sĩ Nguyễn Xuân Tú, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tim Hà Nội lưu ý, sai lầm phổ biến của người nhà là cho bệnh nhân đột quỵ nằm yên, xoa dầu, chích máu ngón chân, ngón tay làm tăng nguy cơ nhiễm trùng…, thậm chí cho uống “An cung ngưu hoàng hoàn” mà không đánh giá được nguồn gốc của thuốc.

Điều này làm mất “thời gian vàng” cấp cứu bệnh nhân - đó là khoảng thời gian từ 3 đến 5 giờ, tính từ lúc bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu: Đau đầu, chóng mặt, méo miệng, nhìn mờ, đột ngột yếu, tê mặt, tay chân… Bên cạnh đó, phục hồi chức năng sau đột quỵ cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp bệnh nhân lấy lại sức khỏe, nhận thức và khả năng vận động.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Tuấn Khanh, nếu bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu đúng, đến viện điều trị kịp thời, tập luyện sớm, đúng cách, thì sau từ 4 đến 6 tuần tập luyện, có tới 70-80% bệnh nhân có thể đi lại với sự giúp đỡ của người khác hoặc dụng cụ hỗ trợ. Mốc thời gian sức khỏe của bệnh nhân tiến triển rõ rệt nhất là trong 3 tháng đầu sau đột quỵ.

Điều đáng nói là bản thân người nhà và người bệnh thường lo khi tập vận động sẽ bị tái phát hoặc bị chảy máu não trở lại nên có người nằm tuyệt đối trên giường 5-6 tháng. Điều này sẽ làm mất cơ hội để phục hồi chức năng.

“Bệnh nhân sau đột quỵ não cần tập phục hồi chức năng ngay khi ổn định. Thậm chí, 3-4 ngày sau đột quỵ, khi còn nằm trên giường bệnh, bác sĩ đã khuyến cáo tập phục hồi chức năng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Tuấn Khanh nói.

Để phòng ngừa nguy cơ bị đột quỵ, theo bác sĩ Phạm Văn Cường, những người trẻ tuổi cần sớm thay đổi lối sống, thay đổi chế độ ăn với nhiều rau xanh, giảm đường, giảm chất béo và muối, đồng thời duy trì thời gian rèn luyện thể lực. Người có rối loạn chuyển hóa, thừa cân hoặc béo phì phải duy trì khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm các chỉ số để dự phòng bệnh sớm. (Hà Nội mới trang 1)

 

Phòng chống sốt xuất huyết - không thể lơ là

Sốt xuất huyết đang lây lan với tốc độ chóng mặt, cả nước có hơn 96.000 ca mắc, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2018 và đã có 7 ca tử vong.

Bộ Y tế phải họp khẩn về tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam, đồng thời Bộ trưởng có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo quyết liệt công tác diệt bọ gậy, loăng quăng trong tháng 7. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch tại cơ sở không chỉ hô hào, đặc biệt là phải thay đổi được nhận thức của người dân thì công tác phòng chống mới có hiệu quả.

Làm gì để hạn chế tử vong vì sốt xuất huyết

Chỉ một nốt muỗi cắn, xuất hiện sốt, nhưng do không điều trị kịp thời, sốt xuất huyết (SXH) ở thể nặng, biến chứng và gây tử vong. Trường hợp SXH tử vong gần đây nhất vào ngày 11-7 là anh T.V.C. (26 tuổi, trú tại ấp Tân Trạch, xã Phước Thiện, huyện biên giới Bù Đốp) sau hơn nửa tháng điều trị. Bệnh nhân C. được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp trong tình trạng sốt cao, đau đầu, đau nhức cơ xương khớp, đau vùng hạ sườn phải…

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị SXH Dengue, sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân diễn biến nặng và được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cấp cứu. Mặc dù bệnh nhân được điều trị tích cực 14 ngày, nhưng bệnh tình không cải thiện, tiên lượng xấu nên người thân xin về và tử vong tại nhà.

7 trường hợp tử vong vì SXH từ đầu năm đến nay đều là những trường hợp đáng tiếc. Nhiều người bệnh chủ quan, nghĩ rằng hết sốt là hết bệnh. Theo Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, 3 ngày đầu tiên bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, đây không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Ngày thứ 4 mới là thời điểm nguy hiểm nhất. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước và người bệnh cho là sắp khỏi nhưng chính giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng.

Biến chứng nguy hiểm của SXH là tăng tính thấm mạch và cô đặc máu; xuất huyết giảm tiểu cầu. Tất cả các bệnh viện địa phương đều có khả năng xét nghiệm, điều trị được cho bệnh nhân, không nhất thiết phải đến tuyến Trung ương, mất thời gian, gây nguy hiểm cho bệnh nhân và gây quá tải bệnh viện. Chỉ trong những trường hợp bệnh nhân bị sốc, suy tạng, y tế tuyến cơ sở hồi sức ban đầu và chuyển bệnh nhân lên tuyến Trung ương.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, phải làm tốt công tác chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh SXH từ tuyến cơ sở, để tránh tình trạng bệnh nhân đổ dồn lên tuyến trên, gây quá tải bệnh viện và lây chéo. Hiện nay, một số bệnh viện tuyến cuối ở TP Hồ Chí Minh đang trong tình trạng báo động. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh thực kê chỉ có 1.924 giường nhưng đến hiện tại đã có 2.034 bệnh nhân đang nằm nội trú. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, số chênh lệch giữa giường bệnh và bệnh nhân đã hơn 130 người. Quá tải bệnh viện trong điều trị dẫn tới việc cán bộ y tế lơ là trong việc sàng lọc và phân loại bệnh, để bệnh nhân SXH nặng nằm lẫn với bệnh nhẹ và bệnh nhân mắc các bệnh khác.

Chúng ta đã có bài học dịch sởi năm 2014, lây chéo khi người bệnh đổ dồn đến viện đã gây ra dịch bùng phát, không khống chế kịp, con số tử vong lớn. Do vậy, những bệnh nhân nhẹ hoàn toàn có thể theo dõi, điều trị ở tuyến cơ sở. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để không còn bệnh nhân tử vong và chết oan vì SHX, ngoài phòng dịch ở cộng đồng, phải khắc phục ngay công tác phân loại bệnh, các y, bác sĩ cần phải nhân định chính xác tình trạng của bệnh nhân SXH, tránh việc xử trí khiến bệnh nhân tử vong.

Phòng chống SXH trong cộng đồng là vô cùng quan trọng, ngoài chiến dịch diệt loăng quăng (bọ gậy), phun hóa chất diệt muỗi, còn cần chính sự vào cuộc của người dân, của từng gia đình trong việc bảo vệ sức khỏe và tính mạng của chính mình. Theo Bộ Y tế, dự báo dịch bệnh SXH trong thời gian gới còn có thể diễn biến phức tạp, bùng phát trên diện rộng nếu không triển khai các giải pháp quyết liệt.

Lấy máu xét nghiệm SXH.

Do vậy, Bộ Y tế sẽ mở 3 chiến dịch diệt loăng quăng quy mô lớn tại các tỉnh, thành phố ngay từ tháng 7 đến cuối năm. Bộ trưởng Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP chỉ đạo quyết liệt công tác diệt bọ gậy, loăng quăng trên địa bàn trong tháng 7, duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng, bọ gậy cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại.

Tuy nhiên, chiến dịch phòng chống SXH tại nhiều địa phương chưa được triển khai sâu rộng, công tác nắm thông tin ở những nơi có ổ dịch, nơi có người mắc SXH còn chậm trễ; công tác tuyên truyền tới người dân còn chưa sâu sát, dẫn tới không làm tốt phòng dịch, để SXH lây lan trong cộng đồng. Nhiều người dân còn hiểu lầm muỗi truyền bệnh SXH chỉ sống ở nơi ao tù, nước đọng, cống rãnh nhưng không phải, muỗi truyền bệnh cứ trú ở những nơi nước trong để lâu ngày ngay trong chính ngôi nhà chúng ta ở như: bể cá cảnh, bình cắm lọ hoa, nước để trên bàn thờ, nước mưa đọng tại những mảnh vỡ trêm xóm, ngõ, sân thượng, hòn non bộ. Vì vậy cần chú ý thay nước, rửa dọn đồ vật trong nhà, không để nước đọng, không cho muỗi sinh sản và phát triển.

Điều đáng nói là người dân còn có những hiểu lầm về bệnh SXH như đã mắc SXH rồi là không mắc lại, chủ quan đi ngủ không mắc màn, không diệt muỗi, bọ gậy. Ths.BS Nguyễn Trung Cấp cho biết, hiện lưu hành 4 tuýp virus SXH nên bệnh nhân mắc rồi chỉ có khả năng tạo miễn dịch suốt đời với chủng virus đó, vẫn có thể mắc lại với chủng virus còn lại, thậm chí còn nặng hơn lần trước. Hơn nữa, nhiều người khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên của SXH như đau đầu, đau người, đau cơ khớp, đau đầu, sốt…đa phần đều nghĩ đến cúm, hoặc sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau về sử dụng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen.

Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng cháy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy tuyệt đối không uống 2 loại thuốc kể trên khi nghi ngờ bị SXH. Bác sĩ khuyến cáo, khi xuất hiện triệu chứng của bệnh SXH phải đến cơ sở y tế thăm khám. (Công an Nhân dân trang 4)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống trang 5: “Sốt xuất huyết  - khi nào là nguy hiểm”

 

Trẻ sơ sinh bị bỏng nặng do tự chữa bệnh ở nhà theo kinh nghiệm dân gian

Bệnh nhi 14 ngày tuổi bị chướng bụng, người nhà dùng lá trầu hơ nóng sau đó đắp lên bụng và ngực dẫn đến bỏng da độ II diện rộng. Hiện tại, bệnh nhi đang được điều trị tại khoa Nhi- Bệnh viện hữu nghị Việt Nam- Cuba Đồng Hới (Quảng Bình).

Theo đó, sáng sớm ngày 19/7, Khoa nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cuba Đồng Hới tiếp nhận bệnh nhi M.H.P.L, 14 ngày tuổi (ở xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh) vào viện trong tình trạng sốt kèm theo bỏng da độ II diện rộng vùng bụng và ngực.

Mẹ bệnh nhi cho biết, trước đó một ngày thấy cháu chướng bụng, nghe người khác mách bảo theo kinh nghiệm dân gian nên dùng lá trầu không hơ nóng và dán lên bụng và ngực. Sau đó, thấy cháu quấy khóc, xuất hiện sốt, da vùng bụng, ngực bị đỏ và phồng rộp nên cho cháu nhập viện.

Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân - Phụ trách khoa Nhi cho biết, đây là một trường hợp tự chữa bệnh ở nhà theo kinh nghiệm dân gian dẫn đến biến chứng. Hiện tại, toàn trạng cháu đang ổn định, bỏng nhiệt độ II diện rộng vùng bụng và ngực. Chúng tôi đã tiến hành hội chẩn và điều trị tích cực cho cháu.

“Nhiều mẹ trẻ bây giờ vẫn đang lạm dụng các phương pháp chữa bệnh truyền miệng hoặc tự chữa bệnh cho con theo google, không ít trường hợp đã để lại hậu quả nặng nề mà chúng tôi đã gặp. Chính vì vậy, nếu thấy trẻ có dấu hiệu bất thường nên đưa cháu đến khám bác sĩ để phát hiện và điều trị kịp thời, không dùng bất cứ thuốc gì, phương pháp gì khi chưa có ý kiến của bác sĩ- bác sĩ Hân chia sẻ. (Sức khỏe & Đời sống trang 2)

 

Phó GĐ Bệnh viện Cà Mau bị buộc thôi việc: Vì không nhận nhiệm vụ mới?

BS Tăng Xuân Đỉnh đang giữ chức Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Cà Mau vừa bị buộc thôi việc vì không chấp hành quyết định làm Giám đốc BVĐK huyện Cái Nước.

Ðiều động, bổ nhiệm “không theo qui hoạch”

Theo hồ sơ, ngày 30/12/2016, Sở Y tế tỉnh Cà Mau quyết định điều động BS Tăng Xuân Đỉnh, Phó giám đốc BVĐK Cà Mau, giữ chức Giám đốc BVĐK huyện Cái Nước. BS Bùi Đức Văn, Giám đốc BVĐK Cái Nước được Sở y tế Cà Mau điều động, bổ nhiệm giữ chức Giám đốc BVĐK Cà Mau (thay cho BS Lưu Anh Tài có đơn xin thôi chức giám đốc).

BVĐK Cà Mau và BVĐK Cái Nước cùng cấp, cùng hạng. Nhưng BVĐK Cái Nước là BVĐK tuyến huyện, nâng lên thành BVĐK khu vực.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, BS Tăng Xuân Đỉnh cho rằng, tại thời điểm điều động đổi chỗ 2 vị trí quản lý nêu trên, BVĐK Cà Mau bị kết luận nợ nần hàng trăm tỷ đồng chưa được làm rõ và BS Tăng Xuân Đỉnh đang qui hoạch giữ chức Giám đốc BVĐK Cà Mau. Còn BS Bùi Đức Văn không có qui hoạch, được bổ nhiệm Giám đốc BVĐK Cà Mau.

Tháng 4/2017, BS Tăng Xuân Đỉnh bị Sở Y tế Cà Mau kỷ luật cảnh cáo và tiếp tục ở lại BVĐK Cà Mau vì nhiệm kỳ bổ nhiệm giữ chức Phó giám đốc vẫn còn gần 3 năm. Tháng 8/2017, Sở y tế Cà Mau quyết định điều động BS Tăng Xuân Đỉnh làm nhân viên ở Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh Cà Mau nhưng bác sĩ này không đến nhận nhiệm vụ.

Buộc thôi việc

BS Trần Văn Việt, Giám đốc Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh Cà Mau xác nhận, vừa ký Quyết định kỷ luật đuổi việc BS Tăng Xuân Đỉnh do Sở y tế Cà Mau điều động làm nhân viện Bệnh viện y học cổ truyền nhưng BS Tăng Xuân Đỉnh không đến nhận nhiệm vụ.

BS Trần Văn Việt cho biết thêm, quyết định được gửi đến BS Tăng Xuân Đỉnh bằng đường bưu điện. Thời điểm này, BS Tăng Xuân Đỉnh cho biết, chưa nhận được Quyết định.

Dư luận cho rằng, BS Tăng Xuân Đỉnh vẫn còn giữ chức Phó giám đốc BVĐK Cà Mau vì chưa bị cách chức hoặc miễn chức. Việc kỷ luật BS Tăng Xuân Đỉnh thuộc thẩm quyền Giám đốc Sở Y tế Cà Mau. Giám đốc Bệnh viện y học cổ truyền Cà Mau không có thẩm quyền kỷ luật BS Tăng Xuân Đỉnh?

Ông Lê Minh Ý, Giám đốc Sở nội vụ Cà Mau cho rằng, việc BS Tăng Xuân Đỉnh không nhận nhiệm vụ, sau đó  BS Trần Văn Việt, GĐ Bệnh viện y học cổ truyền Cà Mau quyết định buộc thôi việc BS Tăng Xuân Đỉnh là “đúng thẩm quyền”.

Ông Lê Minh Ý giải thích: “BS Tăng Xuân Đỉnh đương chức Phó giám đốc BVĐK Cà Mau, được điều động giữ chức Giám đốc BVĐK Cái Nước, đồng nghĩa không còn chức Phó giám đốc BVĐK Cà Mau. BS Tăng Xuân Đỉnh là viên chức không chấp hành phân công nhận nhiệm vụ, Giám đốc Bệnh viện y học cổ truyền Cà Mau có quyền kỷ luật là đúng thẩm quyền”. (Tiền phong trang 11)

 

Bị phạt vì vi phạm phòng chống sốt xuất huyết

6 tháng đầu năm 2019 toàn TP.HCM đã ban hành 64 quyết định xử phạt vi phạm trong phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tăng 29 quyết định so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 21.7, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019 toàn TP đã ban hành 64 quyết định xử phạt vi phạm trong phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng 29 quyết định so với cùng kỳ 2018.

Theo bác sĩ Hưng, hiện dịch bệnh SXH trên địa bàn gia tăng, TP sẽ tổ chức kiểm tra các quận huyện, phường xã có số ca SXH tăng. (Thanh niên trang 4)

 

Phẫu thuật thành công cứu sống bệnh nhi có khối u cơ tim lớn

Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã phẫu thuật thành công cứu sống bệnh nhi có khối u cơ tim lớn (7x4x3.5cm) gây tắc nghẽn máu từ tim lên phổi.

Bệnh nhi L.B.P. (4 tháng tuổi, nhà ở Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng hay bị mệt. Khám và siêu âm tim thì phát hiện bé có khối u cơ tim lớn gây tắc nghẽn máu từ tim lên phổi.

ThS.BS Cao Đằng Khang, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết “U cơ tim là bệnh tim mạch hiếm gặp. Tại Việt Nam chỉ ghi nhận vài trường hợp trẻ mắc phải bệnh lý này được điều trị”.

Theo ThS.BS Cao Đằng Khang, sau khi nhập viện, bệnh nhi P. nhanh chóng được chụp cộng hưởng từ (MRI) tim mạch để xác định khối u. Đặc biệt, với bệnh lý u cơ tim rất hiếm gặp như của bé thì việc chụp cộng hưởng từ tim là hết sức cần thiết, giúp cho các bác sĩ nhìn nhận và đánh giá chính xác hơn về khối u, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.

Trường hợp của bé L.B.P. có khối u rất lớn, chiếm gần hết buồng tim thất phải, kích thước 7x4x3.5cm, gây hẹp nặng, cản trở máu lên phổi. Khi máu lên phổi để trao đổi oxy giảm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của bé. Ngoài ra, bé có thể bị loạn nhịp tim, có thể gây tử vong đột ngột. Do đó, để tránh các trường hợp nguy hiểm xảy ra cho bé thì hướng điều trị là phải phẫu thuật để cắt bỏ khối u trong tim.

Sau hơn 4 giờ phẫu thuật, toàn bộ khối u đã được lấy ra khỏi tim. Phần buồng tim còn lại đã được sửa chữa để đảm bảo chức năng tim được bình thường. Các bác sĩ rất bất ngờ vì bệnh nhi P. có thể sống được với khối u lớn như vậy và cũng may mắn là kết quả xét nghiệm mô học cho thấy đây là u sợi lành tính. Bé P. sẽ hoàn toàn bình phục với trái tim khỏe mạnh.

ThS.BS Cao Đằng Khang cho biết thêm: “Hiện nay, với trang thiết bị hiện đại và trình độ chuyên môn của các bác sĩ, đa số bệnh lý tim bẩm sinh nguy hiểm có thể phát hiện sớm trong giai đoạn bào thai, giúp lên kế hoạch điều trị ngay sau sinh. Do đó, việc tầm soát tim thai là rất cần thiết. Hiện nay, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM có đơn vị chẩn đoán trước sinh, siêu âm tim thai, đơn vị can thiệp và phẫu thuật tim cho trẻ sơ sinh nhằm điều trị cho các bé mắc bệnh tim bẩm sinh cần can thiệp sớm ngay khi sinh”. (Khoa học & Đời sống trang 8)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang