Nhiều căn cứ xác định Việt Á hưởng lợi trái phép hơn 1.200 tỷ đồng
Như Báo SGGP đã thông tin, trong vụ án Công ty Việt Á, mặc dù quá trình hiệp thương giá kit test Covid-19 còn thiếu bảng chi tiết yếu tố hình thành giá, nhưng Bộ Y tế vẫn hiệp thương giá với Công ty Việt Á là 470.000 đồng/kit. Trong khi đó, theo xác định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03), giá thực tế chỉ hơn 143.000/kit. Vậy, chi phí để sản xuất mỗi kit test Covid-19 bao nhiêu?
Đẩy giá bằng chi phí bất hợp lý
Ngày 17-2-2022, C03 ra quyết định tổ chức thực nghiệm điều tra việc sản xuất kit test Covid-19 của Công ty Việt Á (Việt Á). Sau đó, C03 đã kiểm tra máy móc, thiết bị, mặt bằng sản xuất, nhân công và tổ chức thực nghiệm tại phòng sản xuất kit test Covid-19 tại tỉnh Bình Dương. Buổi thực nghiệm có sự hiện diện của luật sư bào chữa cho Phan Quốc Việt và đại diện các bên liên quan. Quá trình thực nghiệm điều tra có 13 nhân viên của Việt Á, phương tiện máy móc để sản xuất 1 lô gồm 2.500 kit test Covid-19 theo quy trình đầy đủ của Việt Á trong điều kiện bình thường. Kết quả, sản xuất được 2.432 kit test Covid-19 sau 2 giờ 5 phút.
Tại thời điểm dịch bệnh bùng phát, dư luận quan tâm chất lượng kit test Covid-19 của Việt Á có đảm bảo? Để giải đáp câu hỏi này, C03 đã trưng cầu giám định thời điểm cuối tháng 3-2022 về các thành phần hóa học, cấu trúc, trình tự các mồi, mẫu dò, tính năng, công dụng, hiệu quả… Theo đó, hội đồng giám định tư pháp có kết luận hiệu quả của kit test Covid-19, đảm bảo 4 tiêu chí: giới hạn phát hiện, độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác và phù hợp với hồ sơ cấp số đăng ký lưu hành của Bộ Y tế.
Cũng theo C03, trong các năm 2020 và 2021, Việt Á đã sản xuất hơn 8,7 triệu kit test Covid-19. Căn cứ lời khai của những người liên quan, trong đó có Phan Quốc Việt, công ty chỉ sử dụng 11 loại hóa chất mua của 4 doanh nghiệp, trong đó có 8 loại hóa chất nhập khẩu. Trong các năm 2020 và 2021, Việt Á chi hơn 386 tỷ đồng để mua 11 loại hóa chất này - số hóa chất tồn kho trị giá hơn 21,6 tỷ đồng. C03 xác định, chi phí nguyên liệu trực tiếp (11 loại hóa chất) để sản xuất 1 kit test là hơn 41.000 đồng. Trên cơ sở xác định lợi nhuận định mức, các chi phí khi hiệp thương, xác định giá thương mại mỗi kit test Covid-19 là hơn 143.000 đồng.
Đến nay, kết quả điều tra xác định, trong tổng số hơn 8,7 triệu kit test Covid-19, Việt Á đã tiêu thụ, cho, tặng, ứng trước cho các đơn vị, cơ sở y tế hơn 8,3 triệu kit test Covid-19, với tổng trị giá gần 4.000 tỷ đồng (tính theo giá 470.000 đồng/kit), trong đó, đã được thanh toán hơn 2.200 tỷ đồng.
Gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước
Liên quan đến việc Việt Á bán kit test Covid-19 cho các đơn vị, cơ sở y tế công lập, sử dụng ngân sách nhà nước để thanh toán cho Việt Á, C03 đã điều tra làm rõ. Trong đó, C03 đã khởi tố, điều tra về việc Phan Quốc Việt và đồng phạm “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” trong quá trình Việt Á tiêu thụ hơn 679.000 kit test xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 222 tỷ đồng.
Theo thông tin từ C03, tới nay, PC03 của 15 tỉnh thành đã khởi tố 15 vụ án về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, với tổng số hơn 597.000 kit test, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 180 tỷ đồng. Như vậy, Phan Quốc Việt và đồng phạm tiêu thụ hơn 1,2 triệu kit test tại các đơn vị, cơ sở y tế công lập trên địa bàn cả nước, gây thiệt hại hơn 400 tỷ đồng.
Tính tới nay, C03 đã xác định thiệt hại của vụ án xảy ra tại Việt Á dựa trên các yếu tố: hợp đồng thực hiện đề tài khoa học, kinh phí thực hiện đề tài 18,9 tỷ đồng do Bộ KH-CN chuyển cho Học viện Quân y; tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện đề tài do Học viện Quân y có trách nhiệm quản lý, sử dụng cho đến khi Bộ trưởng Bộ KH-CN có quyết định giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện đề tài; lợi nhuận định mức mà Việt Á được hưởng khi được giao quyền sản xuất, kinh doanh, thương mại hóa kit test (5%); giá thành sản xuất kit test của công ty khi được giao quyền sản xuất, kinh doanh, thương mại hóa phục vụ phòng chống dịch Covid-19 là hơn 143.000 đồng… Tổng hợp các yếu tố, C03 xác định số tiền hưởng lợi trái phép của Việt Á là hơn 1.200 tỷ đồng (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Hà nội, TPHCM sốt xuất huyết tăng: Nhiều trường hợp nguy kịch
Số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TPHCM tuần qua đang có xu hướng tăng nhanh. Các bệnh viện trên địa bàn thành phố hiện điều trị hơn 220 trường hợp mắc SXH, trong đó có nhiều ca diễn tiến nặng. Ngành y tế kêu gọi người dân chủ động thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi, tránh nguy cơ nhiễm bệnh.
Nhiều ca bệnh nặng
Sau 3 ngày sốt cao liên tục, bé trai N.C.Đ (2 tuổi, ngụ tại Bình Thuận) có biểu hiện đau bụng, ói, tay chân lạnh được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TPHCM) cấp cứu với chẩn đoán sốc SXH nặng. Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM, các kết quả xét nghiệm chẩn đoán ghi nhận, bệnh nhi bị tổn thương gan rất nặng, bên cạnh đó trẻ bị tụt huyết áp, suy hô hấp.
Bác sĩ đã cho bệnh nhi thở máy, điều trị chống sốc tích cực. Tuy nhiên, sau khi nhập viện, bệnh diễn tiến nặng khiến trẻ rơi vào tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hoá, xuất hiện hội chứng suy đa cơ quan (tổn thương gan, suy gan, suy thận, tổn thương phổi) khiến trẻ rơi vào hôn mê, nguy cơ tử vong cao. Sau khi hội chẩn, bệnh viện đã tiến hành lọc máu liên tục, điều trị nội khoa liên tục. Sau 3 tuần được điều trị tích cực, hiện bệnh nhi đã qua được cơn nguy kịch.
Thời tiết mưa nhiều tại khu vực Nam bộ thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Ngày 21/8, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, trong tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 350 ca mắc bệnh SXH (tăng 19,1% so với trung bình 4 tuần trước). Tính từ đầu năm 2023 đến ngày 19/8, tại TPHCM đã ghi nhận tổng cộng 10.847 ca mắc SXH. Hiện nay, điểm nóng của loại bệnh truyền nhiễm này xảy ra tại Quận 1, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè.
Ghi nhận đến ngày 21/8, tại hệ thống các bệnh viện trên địa bàn thành phố có 224 bệnh nhân mắc SXH đang điều trị, trong đó có 111 ca là người lớn (có 3 ca phụ nữ mang thai), 113 ca trẻ em. Trong số bệnh nhân mắc SXH, có 141 trường hợp có địa chỉ tại TPHCM, số còn lại được chuyển đến từ các tỉnh thành lân cận.
Qua phân loại bệnh tại các bệnh viện cho thấy, có 19 trường hợp mắc SXH diễn tiến nặng. Hiện có 7 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM, 5 ca điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, 1 ca điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang điều trị 4 ca, 2 trường hợp còn lại điều trị tại bệnh viện tuyến quận huyện. Đặc biệt, có 5 ca đang thở máy xâm lấn, đều ở tỉnh chuyển lên và đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố.
Những biểu hiện nguy hiểm khi mắc SXH
Theo BS. Phan Vĩnh Thọ, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM, SXH là bệnh lý nhiễm trùng do vi rút Dengue gây ra, lây truyền từ người bệnh sang người lành qua vật chủ trung gian là muỗi vằn. Đây là một trong 10 mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với sức khỏe của người dân trên toàn cầu. Tại Việt Nam, SXH xảy ra quanh năm có xu hướng tăng mạnh và thành dịch trong mùa mưa.
Theo BS. Thọ, SXH thường khởi phát với những biểu hiện sốt cao đột ngột, sốt kéo dài từ 3 đến 7 ngày kèm theo đau nhức toàn thân, đau đầu, đau cơ khớp, chán ăn, nôn ói, đau bụng, xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, xuất huyết âm đạo (ở nữ giới). Khi có biểu hiện nghi ngờ, người dân nên đến bệnh viện để được khám theo dõi, điều trị phù hợp.
“Những trường hợp diễn biến nặng thường xảy ra vào cuối ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 kể từ khi SXH khởi phát. Người bệnh thường bị đau vùng bụng trên rốn bên phải (đau vùng gan), chảy máu mũi, ói ra máu, li bì hoặc vật vã, tay chân lạnh do sốc gây ra những biến chứng đặc biệt nguy hiểm trên tim mạch, gan, thận, não hoặc xuất huyết tiêu hóa. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong” - BS Thọ nói.
BS. Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC cho biết, theo quy luật hằng năm, bệnh SXH sẽ tăng từ cuối tháng 6 đạt đỉnh dịch vào đầu tháng 10. Năm nay, dịch SXH đang bắt đầu có xu hướng gia tăng. SXH hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, tuy nhiên giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất cộng đồng có thể chủ động thực hiện là diệt lăng quăng, diệt muỗi, không để muỗi đốt (Tiền phong, trang 4).
Hà Nội tiếp tục là điểm “nóng” sốt xuất huyết
Ngày 21/8, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay, trong tuần qua (từ ngày 11 đến 18/8), trên địa bàn thành phố ghi nhận 996 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 234 ca so với tuần trước đó). Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 4.508 ca mắc, trong khi cùng kì năm 2022 chỉ có 1.270 ca. Tuần qua, có thêm 71 ổ dịch tại 20 quận, huyện, thị xã; trong đó dẫn đầu là Hoàng Mai với 13 ổ dịch. Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 326 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện còn 129 ổ đang hoạt động. Theo đánh giá của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tiếp tục tăng nhanh (Tiền phong, trang 4).
Tuyển đã khó, giữ bác sĩ còn khó hơn
Tại sao các bác sĩ trẻ rất ngại về y tế cơ sở làm việc, nhất là về các huyện xa như Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi…
Bài toán làm sao để thu hút bác sĩ trẻ về y tế cơ sở vẫn còn nhiều nan giải.
Huyện xa tuyển người quá chật vật, vì đâu?
Là một trong những đơn vị không có bác sĩ đăng ký ứng tuyển trong ngày hội việc làm dành riêng cho bác sĩ trẻ, bà Phạm Thị Thanh Hiền - chủ tịch UBND huyện Củ Chi (TP.HCM) - chia sẻ sau 18 tháng công tác tại các trạm y tế xã, đa số không thể vận động các bác sĩ tiếp tục công tác tại đơn vị.
"Khi được cấp chứng chỉ hành nghề, các bác sĩ đều xin làm việc tại các bệnh viện lớn, có điều kiện tốt hơn để nâng cao tay nghề" - bà Hiền tỏ vẻ tiếc nuối khi không thể giữ chân các bác sĩ này.
Bà Hiền cho biết hiện bệnh viện tuyến huyện do tự chủ về thu chi, máy móc và kỹ thuật cũng chưa đúng chuẩn. Số lượng bệnh nhân rất ít nên thu nhập cho y bác sĩ rất thấp, các bác sĩ lâu năm còn khó giữ.
Còn với các bác sĩ thực tập tại trạm y tế, họ có một tuần làm việc tại trạm y tế và một tuần học chuyên môn tại trường và các bệnh viện, nên việc di chuyển, đi lại gặp nhiều khó khăn, chưa gắn bó thường xuyên với trạm y tế.
Với các bác sĩ trẻ đã hoàn thành chương trình học tại trường, do đang trong thời gian thực hành, chưa có chứng chỉ hành nghề nên chưa thể trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh, kê toa thuốc cho bệnh nhân mà chủ yếu tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ công tác tiêm ngừa tại trạm y tế.
Còn tại Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh, bác sĩ Phạm Văn Tuấn - giám đốc trung tâm - cho hay đơn vị chỉ tuyển dụng được một bác sĩ trong chỉ tiêu tám bác sĩ (nhu cầu thực tế trên 10 người) trong ngày hội việc làm vừa qua. "Đây là niềm an ủi của địa phương, nhưng vẫn là con số rất ít so với các bác sĩ chọn các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh để làm việc" - bác sĩ Tuấn nói.
Về nhân lực hiện tại ở các trạm y tế trên địa bàn huyện, bác sĩ Tuấn cho biết còn thiếu nhiều bác sĩ, kể cả điều dưỡng. Có bốn trạm y tế trên địa bàn huyện chưa có bác sĩ cơ hữu, chủ yếu là bác sĩ của trung tâm y tế về tăng cường.
Theo bác sĩ Tuấn, mặc dù Sở Y tế TP.HCM có nhiều đề án thu hút bác sĩ về y tế cơ sở nhưng chưa được áp dụng, ngoại trừ chính sách mới dành cho bác sĩ hoàn thành 18 tháng thực hành tại y tế cơ sở gắn liền bệnh viện và bác sĩ về hưu. Do đó vẫn còn nhiều rào cản khiến bác sĩ vừa ra trường chưa mặn mà với y tế cơ sở.
Thu hút bác sĩ trẻ: "Phải phát triển chuyên môn kỹ thuật"
Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) là bệnh viện tuyển dụng được nhiều bác sĩ nhất với 21 bác sĩ trong ngày hội việc làm vừa qua.
Bác sĩ Cao Tấn Phước - giám đốc bệnh viện - cho hay vào đầu tháng 9-2023, 21 bác sĩ này sẽ chính thức làm việc, học tập tại bệnh viện.
Để có sự tin cậy này, theo ông, một phần có thể đến từ việc những năm gần đây bệnh viện đã tập trung phát triển chuyên môn, kỹ thuật cao. Ngoài ra, bệnh viện cũng đang xây dựng mới, có thể đưa vào hoạt động trước ngày 30-4-2025, tạo điều kiện cho các bác sĩ trẻ sẽ có nhiều cơ hội học tập, cống hiến.
Mặc dù chỉ với mức lương bệnh viện đưa ra là 7,5 triệu đồng/tháng (chưa tính tiền trực, phụ cấp khác) để các bác sĩ trẻ đủ xoay xở cuộc sống, nhưng họ thấy được tương lai phát triển của bệnh viện, được đi học, chọn ngành nghề phù hợp. Hơn nữa, các chuyên ngành của bệnh viện có thể phù hợp với bác sĩ trẻ như: can thiệp tim mạch, gây mê hồi sức...
Trước thực tế thiếu hụt bác sĩ trẻ về y tế cơ sở địa phương, bà Phạm Thị Thanh Hiền kiến nghị TP có cơ chế hỗ trợ nhiều hơn cho các bác sĩ thực hành về thu nhập và điều kiện.
Và để tuyển được bác sĩ trẻ về bệnh viện hay trung tâm y tế của huyện Củ Chi, TP phải đáp ứng được nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn trong điều trị, bằng việc luân phiên công tác của y bác sĩ - 6 tháng ở Củ Chi và 6 tháng ở các bệnh viện lớn - để tiếp cận các ca bệnh nặng nhằm nâng cao hiểu biết điều trị lâm sàng. Đồng thời phải đảm bảo thu nhập và chỗ ở để bác sĩ an tâm công tác.
Bác sĩ về cơ sở, cần gì?
Là một bác sĩ trẻ, đăng ký làm việc tại khoa nội tim mạch BV Phục hồi chức năng- Điều trị bệnh nghề nghiệp, bác sĩ Quốc Việt cho rằng để thu hút được các bác sĩ về các tuyến y tế cơ sở trước hết phải giải quyết được vấn đề thuốc, nâng cấp trang thiết bị để thu hút được người bệnh.
"Không có thuốc thì bệnh nhân sẽ không đến, không có bệnh nhân thì bác sĩ không về. Bên cạnh đó, tuyến y tế cơ sở cũng cần có thêm nhiều chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề cho bác sĩ nếu muốn thu hút bác sĩ về", bác sĩ Việt chia sẻ.
Theo giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, có ba vấn đề lớn để thu hút các bác sĩ trẻ về với các đơn vị tuyến quận.
Thứ nhất là phát triển chuyên môn, khoa học công nghệ, thu hút được nhiều bệnh nhân để các bác sĩ có điều kiện học tập, phát triển chuyên môn và cống hiến.
Thứ hai là môi trường làm việc tốt, thân thiện, có nhiều cơ hội học tập và thăng tiến trong tương lai.
Thứ ba là các bác sĩ trẻ mặc dù có nhu cầu học tập và cống hiến cực kỳ quan trọng nhưng họ phải có thu nhập đủ trang trải cuộc sống hằng ngày để an tâm cống hiến (Tuổi trẻ, trang 13).