Vụ 150 người nhập viện sau khi ăn bánh mì Phượng ở Hội An: Mẫu thức ăn có nhiều vi khuẩn gây ngộ độc
Chiều nay 21/9, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Mai Văn Mười cho biết, vừa nhận được kết quả kiểm nghiệm mẫu thức ăn liên quan vụ 150 người ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng.
Kết quả kiểm nghiệm 12 mẫu thực phẩm cho thấy trong chả heo phát hiện Bacillus cereus sinh độc tố NHE và BHL.
Mẫu thịt heo xíu dương tính với Salmonella spp.
Mẫu rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo phát hiện Bacillus cereus sinh độc tố NHE và HBL và Salmonella spp.
Mẫu xíu mại có chủng Bacillus celeus sinh độc tố NHE và HBL và Salmonella spp.
Theo các bác sĩ, vi khuẩn Bacillus celeus là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, xếp sau Salmonella. Bacillus cereus phổ biến trong môi trường, trong phân, đất nên dễ bị nhiễm vào thực phẩm. Khuẩn này có khả năng tồn tại ở dạng bào tử và đề kháng với nhiệt cao. Thực phẩm chứa độc tố của vi khuẩn này thường gây ra hai dạng ngộ độc.
Dạng thứ nhất, độc tố gây buồn nôn, nôn ói, đau bụng, khởi phát nhanh trong vòng 6 giờ sau khi ăn. Dạng thứ hai xảy ra chậm hơn, từ 6 đến 15 giờ, gây tiêu chảy khi vi khuẩn ở trong đường ruột.
Vi khuẩn salmonella sống trong ruột người, động vật và chim. Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều do tiêu thụ thực phẩm hoặc nước ô nhiễm có chứa phân.
Trước đó, như Tiền Phong thông tin, ngày 11/9 nhiều người nhập viện với triệu chứng ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng.
Theo Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Mai Văn Mười, tính đến chiều ngày 14/9 có 150 bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng. Hiện các bệnh nhân đã ổn định và xuất viện về nhà.
Ngày 21/9 chủ tiệm bánh mì Phượng (số 2 Phan Châu Trinh, TP Hội An) đã có thư xin lỗi khách hàng, thừa nhận đây là sơ sót của quán trong quy trình kiểm soát nhập nguyên liệu đầu vào, chưa đảm bảo chất lượng trước khi đưa đến tay người dùng. Chủ cơ sở mong khách hàng cảm thông, cam kết khắc phục (Tiền phong, trang 7).
Kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh bánh trung thu: Chấn chỉnh kịp thời các vi phạm
Tết Trung thu đang đến gần, kéo theo đó là nhu cầu tiêu dùng sản phẩm bánh, kẹo, nhất là bánh trung thu tăng cao. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, gần một tháng qua, các sở, ngành liên quan, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu.
Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Nơi nghiêm túc, chỗ thờ ơ...
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có trên 200 cơ sở sản xuất bánh trung thu...; hơn 2.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi và địa điểm kinh doanh bánh trung thu, mặt hàng phục vụ Tết Trung thu. Đồng thời, có trên 20 khách sạn, chủ yếu là khách sạn từ 4 đến 5 sao sản xuất, kinh doanh bánh trung thu và sản phẩm biếu tặng nhân dịp Tết Trung thu, tập trung trong thời gian cao điểm từ rằm tháng Bảy đến rằm tháng Tám. Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2023, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu, từ ngày 28-8 đến 5-10, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở nêu trên.
Theo báo cáo nhanh kết quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2023 của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, tính đến ngày 7-9, các đoàn kiểm tra chuyên ngành của các sở, ngành có liên quan; đoàn kiểm tra liên ngành của các quận, huyện, thị xã đã tổ chức kiểm tra 342 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bánh trung thu và những loại thực phẩm được sử dụng nhiều vào dịp Tết Trung thu.
Qua kiểm tra có 263 cơ sở đạt yêu cầu; 57 cơ sở vi phạm bị xử phạt với tổng số tiền hơn 322 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy 13.300 bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cũng trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra tiến hành lấy 26 mẫu thực phẩm, bánh trung thu để tiến hành kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả có 14/26 mẫu đạt; 12 mẫu bánh trung thu hiện chưa có kết quả.
Riêng Sở Y tế Hà Nội, dịp này cũng đã thành lập 2 đoàn kiểm tra. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, ngành Y tế Thủ đô tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm đối với các khách sạn từ 3 sao trở lên trên địa bàn thành phố có sản xuất bánh trung thu. Đây là những khách sạn đòi hỏi yêu cầu chất lượng an toàn thực phẩm rất cao và quy trình chặt chẽ. Trong đó, đoàn kiểm tra tập trung kiểm tra nguyên liệu đầu vào, toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến, vệ sinh cá nhân và kiến thức của người sản xuất bánh trung thu.
“Qua kiểm tra, nhiều nơi đã triển khai nghiêm túc quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, một số cơ sở, vấn đề vệ sinh vẫn tồn tại hạn chế. Lý do là có những khách sạn ở khu vực trung tâm thành phố với diện tích chật hẹp nên việc bố trí quy trình sản xuất bánh trung thu chưa bảo đảm khép kín một chiều. Tại thời điểm kiểm tra, chúng tôi đã hướng dẫn khách sạn khắc phục ngay những lỗi tồn tại, từ đó kịp thời ngăn chặn, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân”, bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Dịp Tết Trung thu năm nay, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và các quận, huyện, thị xã triển khai đợt cao điểm kiểm tra thị trường bánh trung thu từ ngày 29-8 đến hết ngày 30-9. Sau gần một tháng ra quân, đơn vị liên tục phát hiện và thu giữ số lượng lớn bánh trung thu nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đơn cử như ngày 14-9 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 22 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra một cơ sở kinh doanh tại phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm), phát hiện 122.100 sản phẩm bánh trung thu nhập lậu các loại.
Trước đó, ngày 31-8, Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại số 934 đường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) đã phát hiện một lượng lớn bánh trung thu nhãn hiệu Lava Custard Mooncake do nước ngoài sản xuất không có giấy tờ nhập khẩu...
Cảnh giác với những loại bánh “siêu rẻ”
Theo cơ quan chức năng, càng gần Tết Trung thu, nhu cầu sử dụng các loại bánh, kẹo, nhất là bánh trung thu của người dân càng tăng cao. Chính vì vậy, nhiều đối tượng đã tìm mua các loại bánh “trôi nổi” trên thị trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ về bán kiếm lời. Những sản phẩm nêu trên không được kiểm soát chất lượng, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đáng chú ý, trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, nhiều loại bánh trung thu được rao bán với giá siêu rẻ. Đơn cử như loại bánh Lava Bibizan mini trứng chảy có các vị socola, sữa, trứng muối, hạt sen... có giá 7.500 đồng/chiếc và hạn sử dụng lên tới 3 tháng. Hay có những loại bánh được bán theo set. Nếu mua 1 set bánh 55-60 cái, giá 199.000 đồng thì trung bình mỗi chiếc bánh chỉ khoảng 3.300-3.600 đồng… Đa phần, đây là các loại bánh nhập ngoại, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt; không có nguồn gốc xuất xứ, thông tin liên quan đến thành phần, chất lượng.
Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, thời gian từ nay đến Tết Trung thu, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra các đơn vị sản xuất và cung cấp bánh trung thu. Để bảo đảm an toàn, người tiêu dùng chỉ nên chọn mua sản phẩm ở những cửa hàng có nguồn gốc rõ ràng, các thương hiệu có uy tín, được cấp phép, tuyệt đối không mua các loại bánh có giá rẻ bất thường (Hà Nội mới, trang 5).
Hết đau mắt đỏ tới sốt xuất huyết, nguy cơ dịch chồng dịch hiện hữu
Hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết và đau mắt đỏ đều đang có xu hướng gia tăng ở Hà Nội. Đây đều là những loại bệnh truyền nhiễm dễ dàng lây lan trong cộng đồng, dễ bùng phát thành dịch nếu người dân không có các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
Người lớn không thể đi làm, trẻ nhỏ phải nghỉ học vì mắc bệnh
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết, bệnh nhân sốt xuất huyết được ghi nhận tại 29 quận, huyện, nhiều nhất là Phú Xuyên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, Đống Đa, Đan Phượng, Thanh Oai và Thanh Trì.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 10.372 ca sốt xuất huyết, trong đó 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gần 4 lần, số ca tử vong tương đương.
Thêm 72 ổ dịch, nâng số ổ dịch đang hoạt động lên 258, tại 30 quận, huyện, thị xã. Ổ dịch nhiều bệnh nhân là xã Phùng Xá 439 ca và xã Hữu Bằng - đều thuộc huyện Thạch Thất - 306 ca; thôn Nguyên Hạnh, xã Văn Tự, huyện Thường Tín, 91 ca.
CDC Hà Nội đánh giá thành phố đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết với số ca mắc không ngừng gia tăng. Kết quả kiểm tra, giám sát một số ổ dịch trong tuần vẫn ghi nhận chỉ số BI vượt ngưỡng nguy cơ từ 2 đến 3 lần (theo quy định BI=20).
Trong khi đó, dịch bệnh đau mắt đỏ đang khiến cho nhiều phụ huynh lo ngại. Khoảng 2.500 trường hợp bị đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương trong 3 tuần đầu tháng 8, cao gấp đôi so với tháng 6.
Trong tháng 9, bước vào đầu năm học mới, số ca mắc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
PGS.TS Lê Xuân Cung - Trưởng khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương - nhận định, hiện Hà Nội và một số tỉnh lân cận xuất hiện dịch viêm kết mạc cấp. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm giác mạc, viêm loét giác mạc, thường xảy ra ở người có sức khỏe yếu, cụ già, trẻ nhỏ.
Tương tự, một tháng trở lại đây, khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng tiếp nhận hàng chục ca viêm kết mạc cấp. Trong đó, 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng như trợt giác mạc (trầy xước).
Bác sĩ Lưu Quỳnh Anh - Phó Trưởng khoa Mắt - cho biết, bệnh viêm kết mạc cấp là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt), thường xuất hiện vào mùa xuân hè, dễ lây lan thành dịch.
"Tôi nằm bẹp gần 10 ngày nay vì mắc sốt xuất huyết. Cả khu vực nhà tôi có nhiều người mắc phải. Mắc sốt xuất huyết mệt không thể chịu nổi, không thể làm được việc gì. Thực sự là khổ sở"- anh P.T.A (28 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) nói.
Nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị, nguy cơ thành gánh nặng với cơ sở y tế
Trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết đang gia tăng, số ca bệnh mắc bệnh đau mắt đỏ cũng gia tăng gây nhiều quan ngại. Lượng bệnh nhân phải nhập viện điều trị vì các dịch bệnh lây nhiễm này có thể trở thành gánh nặng cho các cơ sở y tế nếu dịch bùng phát.
Phân tích nguyên nhân khiến số ca sốt xuất huyết tăng, các chuyên gia cho rằng, hiện tượng biến đổi khí hậu và El Nino trong năm 2023-2024 có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, khiến bệnh sốt xuất huyết và các bệnh khác do muỗi truyền tăng nhanh.
Một nguyên nhân khác được CDC chỉ ra là người dân chưa hiểu đúng về cách phòng chống sốt xuất huyết. Như tại một số quận huyện, nhiều người không có ý thức vệ sinh, dọn dẹp môi trường, cảnh quan sạch sẽ. Từ đó, muỗi có thể trú ngụ và sinh sản trong các vật dụng nhỏ như vỏ lon nước ngọt bị bỏ quên, mảnh chén, bát vỡ, lốp xe cũ treo ngoài hàng rào, xô nước không được đậy kỹ, bể chứa nước không có nắp đậy...
Một số người cho rằng, nơi nước sạch thì không có muỗi. Thực tế, muỗi Aedes aegypti truyền bệnh sốt xuất huyết có khả năng sinh sản cao, tập tính đẻ ở nơi nước trong, sạch, ấm.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, xảy ra quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào mùa mưa. Thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển và truyền bệnh. Các chuyên gia dự báo số ca bệnh tại Hà Nội tiếp tục tăng, theo quy luật từ tháng 6 đến tháng 11, khuyến cáo người dân có các biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình.
Trong khi đó, dịch đau mắt đỏ có nguy cơ gia tăng mạnh hơn khi năm học mới bắt đầu. Trẻ nhỏ dễ bị lây nhiễm nếu trong lớp học có học sinh bị đau mắt đỏ.
Để tránh nguy cơ dịch chồng dịch, các chuyên gia khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh các dịch bệnh đang lưu hành, nguy cơ bùng phát với số ca mắc tăng cao (Lao động, trang 1).
Bác sĩ Việt tiếp tay 'vẽ bệnh, moi tiền' ở phòng khám có yếu tố nước ngoài
Điểm chung trong các phòng khám "vẽ bệnh, moi tiền" là đều có bác sĩ người Việt. Họ "tiếp tay" cho các chủ đầu tư có thể là người nước ngoài.
Họ có thể là người phụ trách chuyên môn, cũng có thể là người thực hiện các thủ thuật uy hiếp tính mạng người bệnh, "tiếp tay" cho các chủ đầu tư có thể là người nước ngoài.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 21-9, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết vừa chỉ đạo Thanh tra sở hoàn tất hồ sơ, xử lý nghiêm vi phạm xảy ra tại phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế Y học Sài Gòn (địa chỉ số 153-155 Nguyễn Văn Cừ, phường 2, quận 5).
"Đây không chỉ là hành vi có dấu hiệu "vẽ bệnh, moi tiền", mà còn vi phạm cả về pháp luật và đạo đức hành nghề" - ông Thượng nói.
Người bệnh gọi cầu cứu giám đốc Sở Y tế
Người đứng đầu ngành y tế TP.HCM nói vụ việc này được người nhà bệnh nhân gọi điện trực tiếp cho ông khi vừa tan cuộc họp HĐND TP.HCM ngày 19-9. Giọng người bệnh hớt hải, lo lắng và ngay lập tức Thanh tra Sở Y tế vào cuộc phối hợp với các đơn vị quận 5 đến phòng khám này giải cứu bệnh nhân.
Tại phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế Y học Sài Gòn (gọi tắt là phòng khám Y học Sài Gòn), Thanh tra Sở Y tế xác nhận có nạn nhân là chị H.O., 38 tuổi. Không chỉ thế, còn phát hiện thêm hai phụ nữ khác đến khám chấm dứt thai kỳ và đều vừa được phòng khám thực hiện thủ thuật này.
Thời điểm này, Thanh tra Sở Y tế ghi nhận không có bác sĩ phụ sản nào có mặt tại đây, phòng khám cũng không cung cấp được hồ sơ kcb và hóa đơn thu phí người bệnh.
Chị H.O. kể sau khi khám phụ khoa, phòng khám này nói đã phát hiện ra thai nhi và tư vấn chi phí gói phá thai 2 triệu đồng và làm không đau.
"Tuy nhiên quá trình làm thủ thuật phá thai, phòng khám này yêu cầu ký gói 29 triệu đồng mới làm tiếp, nếu không sẽ làm chảy máu nhiều và rất đau. Họ gây áp lực yêu cầu chuyển khoản ngay trên giường bệnh…" - chị H.O. kể.
Tuy vậy, lúc này chị H.O. chỉ còn đủ chuyển khoản được 9 triệu đồng nên bị giữ lại và phòng khám bắt phải trả đủ tiền. Đó là lý do mà chị nhờ người thân cầu cứu cơ quan chức năng.
Sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra
Hiện Thanh tra Sở Y tế TP.HCM vẫn đang tiếp tục làm việc với người đại diện pháp luật của Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế Y học Sài Gòn là ông Sín Sùi Sắng; người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám đa khoa trực thuộc công ty này là ông Liêu Thanh Hoàng và phụ trách chuyên khoa phụ sản là bà Đỗ Thị Lâm Oanh.
Theo tìm hiểu, điểm chung là người phụ trách chuyên môn của các phòng khám có dấu hiệu "vẽ bệnh, moi tiền" này có thời gian làm việc tại các phòng khám có yếu tố nước ngoài (phòng khám Trung Quốc).
Cụ thể, ông Liêu Thanh Hoàng được Sở Y tế tỉnh An Giang cấp chứng chỉ hành nghề năm 2012. Từ 1-8-2022 đến 1-7-2023, ông này "đầu quân" cho phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH phòng khám đa khoa Văn Kiệt (quận 5).
Dữ liệu trên cổng tra cứu thông tin chứng chỉ hành nghề của ngành y tế chưa cập nhật việc ông Hoàng là người phụ trách chuyên môn kỹ thuật phòng khám Y học Sài Gòn. Còn bà Đỗ Thị Lâm Oanh chưa có dữ liệu.
Thực tế này giống với trường hợp của ông Lê Ngọc Bình - người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám đa khoa Nam Việt (202 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10). Phòng khám vừa bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề ba tháng vì cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn.
Theo tìm hiểu, từ năm 2013 đến nay ông Bình làm việc tại ba phòng khám gồm Elizabeth, Hồng Cường, Nam Việt, theo Sở Y tế đánh giá đều có yếu tố nước ngoài (phòng khám Trung Quốc), từng nhiều lần bị xử phạt.
Liên quan đến vụ việc này, Thanh tra Sở Y tế cho biết theo các quy định hiện hành, các hành vi vi phạm của phòng khám Y học Sài Gòn sẽ có mức phạt tiền tối đa 120 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám chữa bệnh bốn tháng.
Về trách nhiệm hình sự, điều 315 Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. "Ngoài xử phạt trong phạm vi chuyên môn, đơn vị sẽ củng cố hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xử lý" - giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định (Tuổi trẻ, trang 15).