Cấp bách xây mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM quá tải, xuống cấp, đối diện nguy cơ mất an toàn, cháy nổ, tuy nhiên các dự án xây bệnh viện mới hiện vẫn chưa có lối ra.
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (BV CTCH) TP.HCM hiện có quy mô 500 giường với diện tích sử dụng là 13.000 m2, tương ứng 26 m2/giường bệnh. Theo tiêu chuẩn quốc gia, diện tích giường bệnh phải đạt từ 80 - 90 m2/giường bệnh. Như vậy BV CTCH hiện hữu tồn tại vốn đã không đạt chỉ tiêu diện tích cho một giường bệnh, lại còn chịu áp lực lớn khi số lượt đến khám chữa bệnh quá tải.
Trong khi dự án xây mới vẫn còn nằm trên giấy, BV CTCH đang đối mặt với nguy cơ mất an toàn từ ký túc xá Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (931 - 937 Trần Hưng Đạo, P.1, Q.5) cũ kỹ liền kề, không đảm bảo an toàn PCCC.
PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, về giải pháp cấp bách cho BV này.
Là người đứng đầu ngành y tế TP.HCM, ông nhìn nhận như thế nào về sự tồn tại của cơ sở vật chất BV CTCH hiện nay?
Nhiều năm qua đến hiện nay, BV CTCH gặp rất nhiều khó khăn. Đội ngũ thầy thuốc và nhân viên BV luôn lo lắng, bất an vì phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ xuất phát từ một ký túc xá vốn đã xuống cấp trầm trọng nằm liền kề. Do đó, cần xây dựng mới cơ sở hạ tầng hiện đại thay cho BV CTCH cũ, xuống cấp, quá tải như hiện nay để triển khai thêm nhiều kỹ thuật chuyên sâu. Bên cạnh đó, TP.HCM củng cố và nâng cao năng lực cấp cứu chấn thương tại các BV đa khoa trên địa bàn cũng là một hoạt động thiết thực, cần được triển khai song song với các hoạt động trên.
Cụ thể việc củng cố và nâng cao năng lực cấp cứu chấn thương là gì, thưa ông?
Ngành y tế có đề xuất phát triển chuyên sâu theo 3 cụm y tế, bao gồm: cụm y tế trung tâm, cụm y tế Tân Kiên và cụm y tế Thủ Đức. Riêng đối với chuyên khoa CTCH tại cụm y tế trung tâm, ngành y tế đã kiến nghị BV CTCH hiện hữu được xây dựng mới với quy mô 500 giường, tập trung phát triển theo hướng chuyên sâu về chuyên ngành chỉnh hình.
Song song đó là phát triển mới các "BV chấn thương" tại cụm y tế Tân Kiên và cụm y tế Thủ Đức, quy mô khoảng 300 giường. Loại hình các BV này sẽ chuyên tiếp nhận các trường hợp cấp cứu chấn thương, bao gồm cả CTCH và các bệnh lý chấn thương khác. Việc hình thành các BV chấn thương sẽ làm tăng hiệu quả trong tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu do Trung tâm cấp cứu 115 chuyển đến, đồng thời sẽ giảm áp lực cấp cứu chấn thương cho các BV đa khoa, chuyên khoa chỉnh hình hiện hữu.
Ông có thể nói kỹ hơn về dự định của TP.HCM về cấp bách xây mới BV CTCH tại trung tâm?
Ngành y tế đã có kiến nghị UBND TP.HCM 3 giải pháp quan trọng.
Thứ nhất, kiến nghị chấm dứt dự án xây dựng mới BV CTCH theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) tại khu 6A - Khu Nam Sài Gòn, H.Bình Chánh. Tính đến nay đã gần 14 năm dự án BT xây dựng mới BV CTCH tại khu 6A vẫn không triển khai được do gặp phải các vướng mắc liên quan đến quỹ đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm để cân đối, thanh toán cho hợp đồng BT. Do vậy, thành phố sớm có quyết định cho chấm dứt dự án này, vì nếu không thì không thể kiến nghị xây dựng mới dự án khác cho BV CTCH.
Thứ hai, kiến nghị UBND TP.HCM cho phép triển khai dự án xây mới BV CTCH tại vị trí hiện hữu (929 Trần Hưng Đạo, P.1, Q.5). Sở Y tế xác định các dự án cấp bách của ngành y tế cần ưu tiên đầu tư trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 bằng nguồn ngân sách thành phố và đề xuất các dự án có thể đầu tư từ việc huy động nguồn lực xã hội, và được mở rộng diện tích đất cho BV sau khi di dời, hoán chuyển vị trí mới cho ký túc xá Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng.
Sở Y tế cũng đã trình Sở KH-ĐT tổ chức thẩm định để trình UBND và HĐND TP.HCM xem xét, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng khối A BV CTCH. Tuy nhiên, đến nay kiến nghị này vẫn chưa được Sở KH-ĐT tổ chức thẩm định.
Việc vừa hoạt động vừa từng bước xây dựng mới lại BV tuy sẽ khó khăn, nhưng là giải pháp khả thi nhất đối với BV CTCH trong giai đoạn hiện nay. Hơn nữa, đã có nhiều BV thuộc cụm y tế trung tâm được TP.HCM đầu tư triển khai theo giải pháp này, như BV Hùng Vương, BV Từ Dũ, BV Nhi đồng 1.
Trước đó, do dự án xây dựng mới BV CTCH theo hình thức hợp đồng BT bị đình trệ, Sở Y tế cũng đã kiến nghị UBND TP.HCM đầu tư xây dựng mới BV CTCH tại lô III-27 Khu Tân Tạo - Chợ Đệm, TT.Tân Túc (H.Bình Chánh) với diện tích khoảng 5 - 6 ha, quy mô 500 giường, vốn ngân sách thành phố. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được chấp thuận.
Thứ ba, kiến nghị cho phép BV CTCH tạm sử dụng khối nhà cũ của BV Truyền máu huyết học (201 Phạm Viết Chánh, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) trong thời gian chờ triển khai xây dựng mới BV tại vị trí hiện hữu. Sở Tài chính đã thống nhất với đề nghị của Sở Y tế trình UBND TP.HCM chấp thuận điều chuyển tài sản từ BV Truyền máu huyết học sang BV CTCH quản lý, sử dụng (bao gồm nhà đất và tài sản gắn liền với đất).
Đồng thời, Sở Y tế kiến nghị sớm cho ký túc xá Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng di dời sang địa điểm mới và bàn giao mặt bằng cho BV CTCH để triển khai đầu tư xây dựng và mở rộng BV. Kiến nghị thành phố cho phép thẩm định và bố trí kế hoạch vốn để sớm triển khai dự án xây mới lại BV CTCH ở vị trí hiện hữu. (Thanh niên, trang 5).