Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/10/2015

  • |
T5g.org.vn - Hà Nội: Hàng nghìn người dân sẽ được khám sức khỏe miễn phí; Cổ phần hóa bệnh viện công đầu tiên: Không biến bệnh viện thành dự án bất động sản?

Hà Nội: Hàng nghìn người dân sẽ được khám sức khỏe miễn phí

Không chỉ được khám, tư vấn sức khỏe miễn phí, người dân sẽ còn được nhận quà khi tham gia Ngày hội sức khỏe lần I năm 2015.

Ngày hội sức khỏe lần I năm 2015 sẽ diễn ra vào thứ bảy – chủ nhật (24-25/10) tại Học viện Quân y (160 Phùng Hưng, Hà Đông). Buổi sáng từ 7h30 đến 11h 30 buổi chiều từ 13h30 đến 15h.

Khi đến đây, người dân sẽ được các BS công tác tại tuyến trung ương trực tiếp khám sàng lọc và tư vấn. Ngoài ra còn có 40 – 50 là tình nguyện viên đang là sinh viên của các trường ĐH y dược khu vực Hà Nội.

Qua khám sàng lọc và tư vấn, các BS sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thực trạng sức khỏe giải pháp tốt nhất cho sức khỏe của bạn.

Các BS sẽ tư vấn toàn diện theo yêu cầu của người dân, đặc biệt là các bệnh lý mãn tính như huyết áp, tiểu đường, loãng xương, suy dinh dưỡng, tiêu hóa, hô hấp…

Người tham dự sẽ được thực hiện xét nghiệm cần thiết đo huyết áp, thử loãng xương, thử tiểu đường, thử chức năng hô hấp…Ngoài ra, 500 người đến sớm mỗi buổi sẽ được nhận một suất quà đặc biệt của nhà tài trợ. (Hà Nội mới (trang 1), Gia đình & Xã hội (trang 7).

 

Cổ phần hóa bệnh viện công đầu tiên: Không biến bệnh viện thành dự án bất động sản?

Phiên đấu giá cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải (BV GTVT) ngày 21/10 vừa mở đã bán hết veo số cổ phần dự tính với giá hời. Sự kiện này cho thấy, tư nhân sẵn sàng nhảy vào những lĩnh vực Nhà nước đang có chủ trương xã hội hóa như y tế, giáo dục.

Tư nhân ôm trọn

Như Tiền Phong đưa tin, ngày 21/10, BV GTVT Trung ương chào bán 5 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng. Phiên đấu giá có 33 nhà đầu tư; khối lượng đặt mua đạt hơn 11,7 triệu cổ phần, gấp 2,4 lần so với khối lượng bán. 100% cổ phần (giá chào bán 10.000 đồng/cổ phần) được bán hết cho 1 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức với giá đấu thành công bình quân 23.597 đồng/cổ phần, giá đấu thành công cao nhất là 26.000 đồng/cổ phần.

Theo nguồn tin của Tiền Phong, nhà đầu tư bỏ giá 26.000 đồng (với tỷ lệ mua được lên đến 21% tổng vốn điều lệ) lại chính là Tập đoàn T&T - cổ đông chiến lược của BV GTVT. Như vậy, cộng với cổ phần chiến lược (30% tổng vốn điều lệ, với mức giá 11.000 đồng/cổ phần), T&T chính thức nắm quyền chi phối BV GTVT Trung ương với vốn trên 50%.

Ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT – đại diện chủ sở hữu Nhà nước) cho hay, Bộ GTVT rất phấn khởi với kết quả IPO này vì đây là thắng lợi ban đầu của cuộc thí điểm kép: CPH một tổ chức sự nghiệp công lập như bệnh viện (không phải doanh nghiệp Nhà nước) và CPH một đơn vị thuộc lĩnh vực Y tế nhưng do Bộ GTVT chủ trì.

Theo ông Minh, tới đây, vốn điều lệ của BV GTVT sẽ được điều chỉnh tăng khi quyết toán xong Dự án Tòa nhà chức năng mới xây (trị giá 267,5 tỷ đồng bằng ngân sách, chưa tính vào phương án CPH). Khi đó, dự kiến vốn điều lệ công ty cổ phần tăng lên từ 168 tỷ đồng lên 435,5 tỷ đồng và tỷ lệ phần vốn Nhà nước sẽ tăng lên tương ứng khoảng 73%. Sau đó, Nhà nước sẽ thoái vốn xuống 30% và việc T&T có tiếp tục chi phối hay không phụ thuộc phương án thoái vốn này.

Theo ông Minh, việc cổ phần của BV GTVT được bán giá cao ngoài các yếu tố như sự hấp dẫn của lần đầu tiên CPH một BV công, có cơ sở vật chất hiện đại còn có phần không nhỏ từ “khao khát” quyết liệt của T&T. Tất nhiên, T&T lại luôn gắn với hình ảnh “bầu” Hiển (ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch kiêm Tổng GĐ Tập đoàn T&T).

Cam kết không biến thành bất động sản

Ông Vũ Anh Minh cho biết, sau khi CPH đơn vị sự nghiệp công lập như BV GTVT, Nhà nước sẽ nhẹ gánh trách nhiệm; đặc biệt là khoản trả lương cho đội ngũ y bác sỹ (khoảng 25 tỷ đồng/năm).

Về điều này, ông Vũ Văn Triển (Cục trưởng Y tế GTVT), Trưởng Ban Chỉ đạo CPH BV GTVT cho hay, T&T đã cam kết sử dụng toàn bộ lao động hiện có của Bệnh viện GTVT Trung ương (hơn 300 người), đồng thời, đảm bảo tăng thu nhập của người lao động trong Cty Cổ phần hằng năm từ 10 đến 15% (đây là điều chưa từng xảy ra với các đơn vị công lập).

Ngoài điều khoản trên, cam kết giữa T&T với Bộ GTVT có nhiều điều khoản để ràng buộc. Trong đó T&T phải có kế hoạch và nguồn vốn đề đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

T&T là doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản và vị trí của BV GTVT cũng thuộc trung tâm thủ đô nên không ít ý kiến e ngại về cam kết “nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” này; cho dù, diện tích đất của BV GTVT là đất thuê của Nhà nước. Ông Minh cho hay, điều này sẽ khó xảy ra vì một số lý do như: Phụ thuộc vào quy hoạch đô thị, vị trí lô đất trong ngõ, đã là đất bệnh viện xây nhà khó bán...

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một lãnh đạo Tập đoàn T&T cho hay: “Chúng tôi cam kết nghiêm túc sẽ không thay đổi mục đích sử dụng đất của bệnh viện. Hiện Tập đoàn cũng có một số đơn vị liên quan đến hoạt động y tế như công ty dược và nhiều đối tác trong ngành y và chúng tôi sẽ tạo chuỗi liên kết để đưa BV GTVT Trung ương phát triển”.

TS Trần Trung - Giám đốc Bệnh viện GTVT: Phấn khởi không còn lo lắng

Lãnh đạo và cán bộ nhân viên bệnh viện đều phấn khởi khi được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm và đánh giá cao cổ phiếu của bệnh viện. Đây là điều chưa có tiền lệ.

Đầu tư cho y tế là đầu tư cho tương lai, nhà đầu tư cần có tâm và cả có tầm nhìn. Do vậy, giá cổ phiếu của bệnh viện GTVT cao chứng tỏ nhiều nhà đầu tư và xã hội đã đánh giá đúng giá trị của ngành y chúng tôi. 

Tâm lý lo lắng trước khi CPH nay đã được thay thế bằng không khí háo hức chờ đợi sự thay đổi về quản trị, phong thái làm việc mới và hy vọng vào sự ổn định và phát triển. (Tiền phong (trang 5).         

 

Chi trả theo hiệu quả hoạt động trong y tế là rất cần thiết và phù hợp

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo “Chi trả theo hiệu quả hoạt động trong Y tế - Chia sẻ kinh nghiệm tại khu vực Đông Nam Á”, diễn ra tại Hà Nội từ 22-23/10.

Với mục tiêu cải thiện tình trạng sức khoẻ cho người dân tại các tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn, dự án VIE/027 “Hỗ trợ chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo tại Cao Bằng và Bắc Kạn” được thực hiện bởi nguồn vốn Viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ đại công quốc Luxembourg và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam.

Dự án bắt đầu được triển khai từ 1/6/2009, sau hơn 6 năm triển khai, tình trạng sức khỏe người nghèo tại Cao Bằng và Bắc Kạn được cải thiện, khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được tăng cường. Tỷ lệ người nghèo, dân tộc thiểu số tại các khu vực can thiệp hiểu biết về các quyền lợi và lợi ích khi dùng thẻ bảo hiểm y tế tăng từ 20% đến gần 36%. Có 482 cán bộ trạm y tế và 230 nhân viên y tế thôn bản được tập huấn, nâng tổng số cán bộ được tập huấn lên 1.330 cán bộ trạm y tế và 550 y tế thôn bản; có 55 trạm y tế Cao Bằng và 47 trạm y tế Bắc Kạn được nhận trang thiết bị (máy siêu âm, nồi hấp, lò đốt điện, máy luộc dụng cụ, bộ châm cứu…); 294 cán bộ trạm y tế được hướng dẫn sử dụng, bảo quản trang thiết bị y tế; xây mới 12 trạm y tế tại Cao Bằng và Bắc Kạn. Đến tháng 6/2015, dự án kết thúc giai đoạn I, ngay sau đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt gia hạn và bổ sung vốn cho Dự án. Cụ thể, gia hạn thời gian thực hiện dự án trên đến hết ngày 31/12/2015 với kinh phí bổ sung là 1,5 triệu Euro vốn ODA không hoàn lại của Luxembourg để hỗ trợ bổ sung đối với kết quả của 2 dự án đào tạo cán bộ y tế tuyến huyện và tuyến tỉnh; hỗ trợ bổ sung kết quả của 3 dự án: nâng cấp cơ sở hạ tầng trạm y tế xã; trang thiết bị cho các trạm y tế xã, đào tạo cho cán bộ trạm y tế và nhân viên y tế thôn bản; tổ chức và quản lý dự án. Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết: Việt Nam đang trong quá trình đổi mới hệ thống y tế theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, trong đó đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính được coi là một động lực quan trọng để cải cách ngành y tế. Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài chính y tế trong điều kiện ngân sách và đầu tư cho ngành y tế hạn, Bộ Y tế đã và đang xây dựng, đổi mới cơ chế chính sách về tài chính y tế bao gồm xây dựng giá dịch vụ y tế, xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản, triển khai thí điểm sửa đổi thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo định suất, thanh toán theo nhóm chẩn đoán liên quan, chi trả dựa trên kết quả hoạt động tiến tới Chi trả theo hiệu quả hoạt động…

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Trong quá trình thực hiện, việc tiếp thu và áp dụng có chọn lọc các cơ chế tài chính mới đã được áp dụng rộng rãi và thành công trên thế giới vào Việt Nam là rất cần thiết và phù hợp”. Thứ trưởng cũng trân trọng cảm ơn Chính phủ Luxembourg và cá đối tác phát triển đã có nhiều hỗ trợ quý báu, không chỉ bao gồm nguồn tài chính mà còn các hỗ trợ kỹ thuật rất thiết thực và hiệu quả cho y tế Việt Nam và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ trong thời gian tới.

Hội thảo được tổ chức với mục đích phổ biến thông tin quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm về cách thức triển khai, kết quả thực hiện và những bài học kinh nghiệm và những xem xét về PBF ở các nước khu vực Đông Nam Á trong tương lai. Hội thảo có sự tham dự của ông Claude Jentgen, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Luxembourg tại Việt Nam. Khách mời quốc tế gồm có các đại biểu từ Bộ Y tế Lào và Campuchia, các đối tác phát triển gồm Ngân hàng Thế giới tại Lào, Hội chữ Thập đỏ Thụy Sĩ tại Lào, GIZ tại Campuchia, Dự án LAO/027 của LuxDev, và các chuyên gia quốc tế khác. Tại Việt Nam có sự tham dự của các đại biểu từ Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, BHXH, Sở Y tế và đại diện các huyện và cơ sở y tế thí điểm của các tỉnh Nghệ An, Cao Bằng và Bắc Kạn, và các tổ chức xã hội, các đối tác phát triển bao gồm WHO, WB, EU, JICA, GIZ, USAID, PATH, UNDP, và các tổ chức khác.

Trong những năm gần đây, một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã triển khai thí điểm mô hình Chi trả theo hiệu quả hoạt động (PBF) trong ngành Y tế. Tuy cách tiếp cận, thiết kế và phương pháp có thể khác nhau, nhưng tất cả các mô hình này đều có chung mục tiêu là nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ của các cơ sở y tế, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế của các nhóm đối tượng ưu tiên cả về số lượng và chất lượng.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại diện từ Lào, Campuchia và Việt Nam trình bày kinh nghiệm triển khai PBF và chia sẻ các bài học kinh nghiệm về cách thức thẩm định số liệu, giám sát thực hiện, đánh giá tác động của mô hình PBF và trao đổi xung quanh chủ để duy trì sự bền vững của mô hình này trong tương lai. (Gia đình & Xã hội (trang 7).

 

Mù mắt tăng bất thường ở Vĩnh Hải, Vĩnh Châu, Sóc Trăng: Đã tìm ra “thủ phạm” và cách trị

Chiều ngày 20/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm một số gia đình trồng hành tại thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng.

Chiều ngày 20/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm một số gia đình trồng hành tại thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Đây là địa phương có rất nhiều người làm hành tím bị tổn thương mắt.

Bệnh mắt tại Vĩnh Châu có thể dự phòng và điều trị được

Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long sau hơn 4 tháng nghiên cứu điều tra của Viện Y tế công cộng TP.HCM và đích thân Thứ trưởng đi kiểm tra thực tế và làm việc với các cơ quan chức năng địa phương, cơ quan chuyên môn của ngành y tế về những trường hợp có tổn thương về mắt ở những người làm hành tím tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, bệnh về mắt tại thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng liên quan đến hành tím là vấn đề y tế công cộng khẩn cấp. Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ các cơ quan thông tin và đề nghị hỗ trợ của Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, Bộ Y tế đã có Công văn số 4357/BYT-ATTP ngày 23/6/2015 giao cho Viện Y tế công cộng TP.HCM nghiên cứu tình hình dịch tễ học các bệnh về mắt tại thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng để tìm ra nguyên nhân và các giải pháp khắc phục.

Kết quả nghiên cứu điều tra của Viện Y tế công cộng TP.HCM cho thấy, tổng số người bị mù 2 mắt và mù 1 mắt được Trung tâm Y tế thị xã Vĩnh Châu ghi nhận là 1.248 người, trong đó 967/1.248 (77%) là mù 1 mắt 281/1.248 (23%) là mù 2 mắt. Điều đáng chú ý là tỷ lệ mù ít nhất 1 mắt của Vĩnh Châu là 6 người/1.000 dân, riêng tại phường 2 và xã Vĩnh Hải tỷ lệ này cao gần gấp hai lần (11 người/1.000 dân), cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của toàn quốc là 5 người/1.000 dân. Tỷ lệ mù 2 mắt tại Vĩnh Châu vẫn nằm trong giới hạn bình thường của toàn quốc. Viêm loét giác mạc là nguyên nhân hàng đầu của mù 2 mắt (20,3%), mù 1 mắt (45,3%) và ít nhất 1 mắt là 39,7%. Xã phường có tỷ lệ mù 2 mắt và 1 mắt cao nhất là phường 2 (15,7%; 29,1%), Vĩnh Hải (15%; 25,8%), Lai Hòa (14,6%; 9,5%) và Lạc Hòa (12,5%; 8,8%).

Phân tích từ 1.157 người bị viêm loét giác mạc và 1.248 trường hợp bị mù mắt cho thấy, tỷ lệ viêm loét giác mạc tại thị xã Vĩnh Châu cao gấp 12 lần so với một số nước phát triển, đặc biệt tại phường 2 và xã Vĩnh Hải cao gấp 3 lần tỷ lệ chung củaVĩnh Châu, đây là nguyên nhân chính của mù 1 mắt và ít nhất 1 mắt. Viêm loét giác mạc tại Vĩnh Châu có thể xem như một bệnh liên quan đến các hoạt động canh tác hành tím, đặc biệt là giai đoạn: cắt hành, làm đất trồng hành. Các tổn thương giác mạc gây ra do bụi đất, bụi vỏ hành, do tay bẩn dụi mắt, do tinh dầu hành tím bốc lên gây kích ứng và bỏng nhẹ giác mạc. Nhiễm nấm mốc có trong hành cũng tạo điều kiện viêm loét giác mạc do nấm. Việc điều trị viêm loét giác mạc không kịp thời, điều trị sai, tự điều trị làm cho bệnh diễn biến nặng gây sẹo giác mạc và giảm thị lực, trường hợp nặng gây mù lòa. Không có mối liên quan giữa việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật với nguyên nhân gây viêm loét giác mạc và mù lòa tại Vĩnh Châu. Không có mối liên quan giữa các yếu tố môi trường (đất, nước) với việc viêm loét giác mạc và mù một mắt và mù ít nhất một mắt tại thị xã Vĩnh Châu.

BV Chợ Rẫy, BV Mắt TP.HCM hỗ trợ địa phương

Theo BS. Vũ Tuấn Anh - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Mắt Trung ương, hầu hết những người làm hành khi bóc hành bị tinh dầu hoặc bụi và các vật bắn vào mắt nhưng lại dùng tay bẩn để lau chùi mắt gây nhiễm khuẩn, sau đó dùng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid mới gây ra hiện tượng viêm loét giác mạc. Mù mắt là hậu quả của viêm loét giác mạc, một loại chấn thương nông nghiệp do liên quan đến mùa vụ tại các vùng nông thôn, điều trị không đúng cách như dùng thuốc corticoid hoặc đắp lá thuốc Đông y gây sẹo giác mạc hoặc teo nhãn cầu vĩnh viễn... dẫn đến mù lòa, mất thị lực.

Từ kết quả nghiên cứu và qua thị sát thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hầu hết các trường hợp bị viêm loét giác mạc và bị mù tại Vĩnh Châu có thể dự phòng và điều trị được. Đồng thời Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã giao BV Chợ Rẫy, BV Mắt TP.HCM hỗ trợ Vĩnh Châu trong việc điều trị và dự phòng các trường hợp bị tổn thương mắt. Thứ trưởng cũng chỉ đạo và kiến nghị các cơ quan chức năng địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng chống bệnh viêm loét giác mạc, mù lòa, bảo vệ sức khỏe người dân làng nghề sản xuất hành tím; các cơ sở sản xuất phải đảm bảo thực hiện tốt các quy định vệ sinh lao động; khám sàng lọc định kỳ cho người lao động nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ngành y tế địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động và người dân thực hiện các biện pháp dự phòng như sử dụng kính và các phương tiện bảo hộ khẩu trang, găng tay khi thu hoạch, sản xuất hành, hướng dẫn người lao động, người dân sử dụng nước muối sinh lý rửa mắt hằng ngày, tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ. Khi mắt bị viêm cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám, điều trị thích hợp. Không tự điều trị theo kinh nghiệm hoặc dân gian. Các cơ sở điều trị chuyên khoa cần tổ chức khám sức khỏe, điều trị viêm loét giác mạc theo phác đồ điều trị. Phương pháp điều trị viêm loét giác mạc chủ yếu là dùng nước muối sinh lý rửa mắt, điều trị phối hợp kháng sinh phổ rộng và kháng sinh kháng nấm. (Gia đình & Xã hội (trang 3), Sức khỏe đời sống (trang 3)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang