Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/11/2015

  • |
T5g.org.vn - Thuốc kháng sinh giả, kém chất lượng: Khi thu hồi thì đã tẩu tán hết; Ngày hội Hoa hướng dương “Vì bệnh nhi ung thư”; Tuyên dương các sáng kiến phòng chống dịch bệnh…

Thuốc kháng sinh giả, kém chất lượng: Khi thu hồi thì đã tẩu tán hết

Công tác quản lý việc mua bán thuốc chữa bệnh theo kê đơn tại các nhà thuốc hiện nay gần như bị buông lỏng, là nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng lạm dụng kháng sinh diễn ra tràn lan. Trong khi đó, nhiều thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị phát hiện, yêu cầu thu hồi nhưng khi tổ chức thu hồi thì thuốc đã được tẩu tán hết đến tay… người tiêu dùng.

Chưa quản chặt người bán thuốc

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, kết quả khảo sát gần nhất về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc các tỉnh phía Bắc cho thấy: Có đến 88% nhà thuốc thành thị và 91% nhà thuốc ở nông thôn bán thuốc kháng sinh không có đơn, không cần kê đơn của bác sĩ. Nguyên nhân do, ngoài việc người dân có tâm lý sử dụng kháng sinh tùy tiện mà không cần có đơn của bác sĩ thì không ít dược sĩ bán thuốc cũng không đúng quy định.

Trước tình trạng đáng lo ngại trên, để phòng chống kháng thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, cần phải hướng tới 3 thành phần đối tượng vận động, đó là các thầy thuốc, cán bộ y tế; bệnh nhân; người bán thuốc.

Trong đó, với đối tượng là người bán thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ: “Tại Việt Nam, nếu người dân muốn mua thuốc, có thể tới bất kỳ hiệu thuốc nào cũng mua được mà không cần toa thuốc. Còn ở các nước, chỉ khi có toa thuốc người dân mới được mua thuốc. Luật Dược sửa đổi đang trình Quốc hội lần này sẽ quy định chặt hơn việc cấm mua, bán thuốc mà không có toa đơn thuốc của bác sĩ”.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong các hoạt động phòng chống kháng thuốc, Việt Nam hiện chưa hành động tích cực đối với hai đối tượng người dân và người bán thuốc, do đó cần phải đẩy mạnh hơn nữa.

Trong phiên thảo luận tổ tại Quốc hội về Luật Dược (sửa đổi) cuối tuần qua, ĐBQH Vũ Công Tiến (đoàn  ĐBQH Lâm Đồng) chỉ thêm một bằng chứng khác để chứng tỏ việc quản lý đối với người bán thuốc ở nước ta hiện còn buông lỏng: “Đang có tình trạng thuê bằng để mở cửa hàng bán thuốc, như vậy thuốc có đảm bảo không?”.

Tương tự, ĐBQH Lê Nam (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) nói: “Hiện có tình trạng một dược sĩ được đứng tên rất nhiều cơ sở, cho thuê bằng, che mắt cơ quan quản lý Nhà nước”. Và như một câu trả lời cho vấn đề này, ĐBQH Phạm Xuân Thăng (đoàn ĐBQH Hải Dương) nêu: “Ở tỉnh Hải Dương có hơn 600 cửa hàng thuốc, trong khi chỉ có 2 thanh tra dược. Hai người này đi cả năm mới chỉ kiểm tra hết được một nửa, vì vậy cần thêm thanh tra mới quản lý hết được”.

Thu hồi thuốc phải nhanh chóng, quyết liệt

Trong khi việc quản lý các nhà thuốc còn khó khăn, quản lý chất lượng thuốc trên thị trường còn nhiều hạn chế thì ngay đến việc thu hồi thuốc kém chất lượng, thuốc giả sau khi cơ quan Nhà nước phát hiện vi phạm cũng đang tồn tại nhiều kẽ hở. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Thời gian để thu hồi thuốc kém chất lượng, thuốc giả kéo quá dài. Trong thời gian đó, doanh nghiệp đã kịp thời tẩu tán hết số thuốc vi phạm bị yêu cầu thu hồi”.

Để khắc phục tình trạng này, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: “Trong Luật Dược (sửa đổi) tới đây cần quy định rõ việc thu hồi thuốc giả, thuốc kém chất lượng phải được thực hiện trong vòng bao nhiêu ngày, trách nhiệm nếu thu hồi không tốt thuộc về ai. Rồi khi người dân đã sử dụng phải thuốc kém chất lượng nằm trong diện thuốc bị thu hồi mà không hay biết thì họ phải có quyền khiếu nại, đòi bồi thường chứ không phải lúc đó chỉ có… rút kinh nghiệm”.

Làm thuốc giả cũng là "hành vi tội ác"

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói thêm: “Về phản ánh có hiện tượng nhiều tân dược gần hết hạn nhưng vẫn được nhập về, doanh nghiệp gia công dập lại hạn sử dụng rồi đưa ra thị trường, tôi cho rằng đó là một trong những thủ thuật để người kinh doanh tuồn thuốc kém chất lượng ra thị trường. Vì lợi nhuận người ta có thể làm tất cả”. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, để xảy ra tình trạng trên, trước hết là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước làm chưa tốt, cần phải quyết liệt hơn.

“Mặt khác, cũng cần phải có nền tảng pháp lý để có thể xử lý thật nghiêm vấn đề này, tránh tình trạng những người làm thuốc giả, thuốc kém chất lượng hưởng lợi nhuận lớn nhưng khi bị phát hiện thì chỉ bị xử lý hành chính rồi vụ việc chìm vào quên lãng, không ai chịu trách nhiệm gì. Tôi cho rằng cần xác định đây là hành vi tội ác” - bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Cộng đồng cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm

Sáng 21-11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ mít tinh hưởng ứng tuần lễ về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam, sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phối hợp thực hiện. Thông qua Lễ mít tinh, Bộ Y tế tiếp tục kêu gọi mỗi cán bộ y tế, người dân và toàn thể cộng đồng cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.( An ninh thủ đô trang 6)

Ngày hội Hoa hướng dương “Vì bệnh nhi ung thư”

Là một trong những hoạt động của chương trình “Ước mơ của Thúy”, Ngày hội Hoa hướng dương đã được tổ chức sáng 22-11, tại Công viên Cầu Giấy, Hà Nội.

Chương trình đã trao tặng 65 suất học bổng, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng cho bệnh nhi ung thư, với mong muốn các em có thể tiếp tục tới trường… Cùng với đó, nhiều hoạt động được tổ chức trong ngày hội như: làm hoa hướng dương mang thông điệp yêu thương “Chung tay vì bệnh nhi ung thư”; bán hoa hướng dương gây quỹ ủng hộ bệnh nhi ung thư...( An ninh thủ đô trang 2)

Tuyên dương các sáng kiến phòng chống dịch bệnh

Cuối tuần qua, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Bộ Y tế đã tổ chức Liên hoan sáng kiến truyền thông phòng chống dịch bệnh năm 2015.

Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông thi đua khen thưởng - Bộ Y tế cho biết, những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, nhiều dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, sốt rét, dại, viêm não, than... vẫn ghi nhận số mắc và tử vong hàng năm.

Liên hoan sáng kiến phòng chống dịch bệnh là một trong những hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền, cung cấp các kiến thức, kỹ năng truyền thông, tuyên dương các mô hình, sáng kiến phòng chống dịch bệnh tiêu biểu của Hội phụ nữ các cấp đến đội ngũ cán bộ phụ nữ, đồng thời là cơ hội tìm ra các sáng kiến truyền thông đơn giản, hiệu quả, góp phần chăm sóc sức khỏe và xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.( An ninh thủ đô trang 6) 

Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe

Bộ Y tế đang tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh, người nhà trong các cơ sở y tế.

Các hội thảo về quản lý thông tin trong chăm sóc sức khỏe đã được bộ phối hợp với Công ty Pfizer nhằm trang bị cho cán bộ y tế về kỹ năng tư vấn, giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Bộ Y tế cũng sẽ thí điểm các hình thức tư vấn trực tiếp từ bộ phận hướng dẫn bệnh nhân, y bác sĩ điều trị, các nhân viên hành chính...

Hệ thống chỉ dẫn, hệ thống loa, ti vi tại phòng khám, phòng chờ cũng được tăng cường và thí điểm thực hiện các mô hình truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh, sinh hoạt nhóm, câu lạc bộ người bệnh, người nhà bệnh nhân… Bộ Y tế cho biết sẽ sớm ban hành quy định về hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trong ngành y tế.(  An ninh thủ đô trang 6)

Lùi thời gian tăng giá dịch vụ y tế đến năm 2016

Chiều 22-11, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, việc điều chỉnh giá hơn 1.800 dịch vụ y tế sẽ được lùi lại vào năm 2016 thay vì cuối năm nay như dự kiến ban đầu.

Theo lộ trình, trong năm 2016, giá viện phí sẽ tăng thêm từ 2-4 lần sau khi tính đủ các chi phí trực tiếp, cộng thêm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và kết cấu tiền lương của nhân viên y tế. Ông Nguyễn Nam Liên cho rằng, với lộ trình điều chỉnh viện phí như hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là đẩy nhanh độ bao phủ của bảo hiểm y tế (BHYT) để bệnh nhân không phải nặng gánh chi trả thêm. 

Các phân tích cho thấy, so với khung viện phí hiện hành, nếu tự chi trả thì người dân có mức thu nhập trung bình chắc chắn gặp khó khăn trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính điều trị lâu dài. Còn với các đối tượng có thẻ BHYT, đồng chi trả 20%, chi phí khám chữa bệnh BHYT tuy có bị ảnh hưởng nhưng không nhiều vì không phải trả thêm chi phí khi tính đúng, tính đủ viện phí.

Lý do lùi thời điểm tăng giá viện phí, theo ông Nguyễn Nam Liên, việc lùi thời điểm tăng giá các dịch vụ y tế là để Bộ Y tế có thời gian tập huấn cho các cơ sở y tế về chính sách viện phí mới, đồng thời tuyên truyền cho người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trước khi giá viện phí được áp dụng đồng loạt đối với tất cả các đối tượng. Hiện vẫn còn hơn 10 địa phương có tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt dưới mức 60%. Do vậy, nếu người dân không có thẻ BHYT sẽ bị tác động rất lớn bởi chính sách viện phí tới đây sẽ được điều chỉnh.( Hà Nội mới trang 1, Nông thôn ngày nay trang 5)

Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Theo Quyết định 1584/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14-9-2015 về việc giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2015-2020, yêu cầu tỷ lệ bao phủ BHYT đến cuối năm 2015 phải đạt 75,4% dân số. Đến nay, độ bao phủ BHYT khoảng 74%, việc phát triển thêm khoảng 1,3 triệu đối tượng đang là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành BHXH...

Nhiều khó khăn trong phát triển đối tượng

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 9-2015, số đối tượng tham gia BHYT khoảng 67,4 triệu người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 73,91%. Trong đó, có tám tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT hơn 90% dân số (như các tỉnh: Lào Cai và Điện Biên đạt 97,06%; Hà Giang đạt 96,71%...); có 10 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT từ 80% đến dưới 90% dân số; 22 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT từ 70% đến dưới 80% dân số; 19 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT từ 60% đến dưới 70% dân số; và vẫn còn đến bốn tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp dưới 60% dân số là Bạc Liêu (50,27%); Hậu Giang (56,2%); Kiên Giang (57,46%) và Đồng Tháp 57,6%).

Con số báo cáo từ các địa phương cho thấy, tỷ lệ chưa tham gia BHYT tập trung tại các nhóm sau: Nhóm người lao động và người sử dụng lao động khoảng ba triệu người (chiếm 21,7%), trong đó chủ yếu là người lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Nhóm được ngân sách nhà nước đóng khoảng một triệu người (3,3%), chủ yếu tập trung ở nhóm người đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn và nhóm người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo (hiện, vẫn còn hơn 50% đối tượng là người đang sinh sống tại các xã đảo chưa có thẻ BHYT). Nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng một phần khoảng hơn bốn triệu người (21,9%), gồm các đối tượng: người thuộc hộ gia đình cận nghèo với khoảng 600 nghìn người chưa tham gia; học sinh, sinh viên (HSSV) với khoảng 2,1 triệu HSSV chưa tham gia; khoảng 1,5 người thuộc hộ gia đình có mức sống trung bình chưa tham gia BHYT. Và hiện có tới 67,4% thuộc đối tượng tham gia theo hộ gia đình tương ứng với khoảng 16,2 triệu người không tham gia BHYT...

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT, Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) Trần Đình Liệu cho biết: Đa số người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về chính sách BHYT cũng như trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng xã hội, cho nên chưa tích cực, chủ động tham gia BHYT. Kinh tế của đại bộ phận hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nên chưa quan tâm đến việc tham gia BHYT cho các thành viên trong gia đình. Một bộ phận người dân có thu nhập khác cũng không muốn tham gia BHYT, khi có nhu cầu thì đi khám chữa bệnh dịch vụ...

Cùng với đó, BHXH Việt Nam cũng phân tích rõ nguyên nhân của việc tham gia BHYT còn thấp ở các địa phương, đó là: Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương một số tỉnh, thành phố vẫn chưa quyết liệt quan tâm, chỉ đạo việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn, dẫn đến việc phối hợp của các Sở, ban ngành đoàn thể chưa chặt chẽ trong tổ chức thực hiện; Tình trạng doanh nghiệp không đóng, trốn đóng hoặc chậm đóng BHXH, BHYT diễn ra khá phổ biến (theo thống kê, có hơn 40% doanh nghiệp còn nợ đóng, trốn đóng BHYT). Nhóm đối tượng HSSV mặc dù được tạo điều kiện thuận lợi về phương thức đóng BHYT (đóng hai hoặc ba lần/năm học) nhưng vẫn còn nhiều HSSV có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhiều gia đình đông con, nên không thể tham gia BHYT. Đối với người thuộc hộ gia đình là nông, lâm, ngư và diêm nghiệp, đối tượng này chiếm khoảng 35% tổng số hộ gia đình, mặc dù đã được cơ quan BHXH tạo thuận lợi về mặt thủ tục và được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, nhưng hầu hết người dân chưa biết đến chính sách này. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến đối tượng này, cho nên việc phát triển nhóm đối tượng ngày gặp nhiều khó khăn…

Tập trung triển khai tham gia BHYT theo hộ gia đình

Một trong những điểm mới của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung là thực hiện BHYT theo hộ gia đình. Theo quy định của luật, từ 1-1-2015, quy định bắt buộc mua thẻ BHYT theo hộ gia đình có hiệu lực. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm, tỷ lệ người tham gia BHYT theo hộ gia đình giảm mạnh so với năm 2014, do một số quy định chưa hợp lý.

BHXH Việt Nam cũng có công văn hướng dẫn về việc thu BHYT hộ gia đình đến BHXH các tỉnh, thành phố. Theo đó, đối với hộ gia đình tham gia BHYT đã có người tham gia BHYT tự đóng 100% mức đóng, nếu sau ngày 1-1-2015 tiếp tục tham gia BHYT thì thực hiện cho cá nhân người đó hoặc theo hộ gia đình; những người còn lại chưa tham gia BHYT, khi tham gia BHYT thì bắt buộc thực hiện theo hộ gia đình. Còn từ ngày 1-1-2016 trở đi, toàn bộ những người có tên trong hộ khẩu hoặc sổ tạm trú phải thực hiện BHYT hộ gia đình.

Theo Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn, để tháo gỡ khó khăn với nhóm tham gia theo hộ gia đình, Bộ Y tế phối hợp BHXH Việt Nam sẽ báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án thực hiện BHYT hộ gia đình linh hoạt theo hướng các thành viên theo hộ gia đình đều bắt buộc tham gia BHYT. Tuy nhiên, sẽ chấp nhận phát hành thẻ cho từng thành viên mà không bắt buộc toàn bộ gia đình phải tham gia cùng thời điểm, đồng thời, vẫn giảm trừ mức đóng cho những thành viên tiếp theo...

Hiện, BHXH Việt Nam cũng có các kiến nghị với Chính phủ và đề xuất các giải pháp phát triển đối với từng nhóm đối tượng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tăng tỷ lệ tham gia BHYT theo hộ gia đình, tăng tỷ lệ bao phủ theo các nhóm đối tượng tiến tới thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, trong đó đặt chỉ tiêu cụ thể cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân với tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 76%, số giường bệnh đạt 24,5 giường trên một vạn dân.( Nhân dân trang 4)

Nhóm người nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao

Tình trạng kháng thuốc trong điều trị HIV và tới đây các tổ chức quốc tế đang cắt giảm hỗ trợ cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đang đặt ra những thách thức cho chúng ta. Nếu không có những giải pháp phù hợp, căn bệnh thế kỉ có nguy cơ bùng phát, kéo theo nhiều hậu quả khôn lường, nhất trong bối cảnh dịch HIV ở Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng. Nhân Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 2015 và Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12), PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng, Chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) về vấn đề này.( Công an nhân dân trang 6)

Đảm bảo 100% thành viên gia đình cán bộ có thẻ bảo hiểm y tế

Ngày 22.11, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tại văn bản “Về việc đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế” tỉnh Lâm Đồng từ nay đến cuối năm 2015 có nhấn mạnh: “Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyên truyền vận động và có giải pháp phù hợp hỗ trợ gia đình cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu mua thẻ BHYT cho các thành viên, đảm bảo 100% các thành viên trong gia đình có thẻ BHYT…( Lao động trang 2)

Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt lần thứ 11: Công trình nghiên cứu ứng dụng điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống được vinh danh

Tối 20-11, tại Hà Nội, Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2015 tổ chức Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt lần thứ 11. Tới dự, có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận; GS.VS Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp Các Hội KH&KT; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gửi lẵng hoa chúc mừng thành công trên chặng đường của Giải thưởng.

Tại buổi lễ, giải nhất CNTT triển vọng được trao cho Bộ giải pháp định vị GPS/GNSS ứng dụng trong định vị độ chính xác cao và nâng cao độ an toàn/an ninh trong định vị vệ tinh - NAVISTAR của Trung tâm Quốc tế nghiên cứu và Phát triển công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS), Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Lĩnh vực CNTT có ba hệ thống giải thưởng: Sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) thành công, Sản phẩm CNTT triển vọng và Sản phẩm CNTT ứng dụng trên thiết bị di động.

Giải thưởng Khoa học công nghệ được trao cho công trình Nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ trong đóng tàu quân sự 12418 của nhóm tác giả: Đại tá, kỹ sư Nguyễn Mạnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Ba Son, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng; Đại tá, kỹ sư Cao Mạnh Vân, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Ba Son, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và các cộng sự.

Giải thưởng trong lĩnh vực Y dược được trao cho công trình Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật cao trong phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống của tác giả: PGS, TS Nguyễn Văn Thạch, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức.( Sức khỏe & đời sống trang 2)

Trao 10 giải thưởng cho sáng kiến truyền thông “Chung tay phòng chống dịch, bệnh”

Liên hoan sáng kiến truyền thông "Chung tay phòng chống dịch, bệnh" do Bộ Y tế phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ. Liên Hoan sáng kiến truyền thông "Chung tay phòng chống dịch, bệnh" nhằm tuyên truyền, cung cấp các kiến thức, kỹ năng truyền thông, tuyên dương các mô hình, sáng kiến phòng chống dịch bệnh hay, góp phần chăm sóc sức khỏe và xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động của Chiến dịch truyền thông sáng kiến phòng chống dịch bệnh năm 2015. Liên hoan cũng là một cơ hội rất thích hợp để cổ vũ, động viên các tuyên truyền viên phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động truyền thông tại cộng đồng để giúp chị em phụ nữ hiểu biết đầy đủ về dịch, bệnh và sớm hình thành những thói quen, những hành động có lợi cho môi trường, sức khỏe. Tại Liên hoan, các tiết mục tham gia dự thi đã được trình bày. Cơ cấu giải thưởng của Liên hoan gồm: 01 giải Đặc biệt; 01 giải Nhất; 02 giải Nhì; 06 giải Ba.( Sức khỏe & đời sống trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang