Em bé đầu tiên chào đời nhờ kỹ thuật mang thai hộ
Em bé nặng 3,6kg chào đời lúc 7h26 phút sáng nay tại bệnh viện Phụ sản Trung ương bằng phương pháp mổ đẻ.
Vào 7h26 hôm nay (22/1), GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia, đã mổ lấy thai là em bé đầu tiên được sinh ra nhờ người mang thai hộ.
Tại cuộc họp báo sau cuộc mổ lấy thai, GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết, ca mổ thuận lợi, không có những biến cố bất thường. Trong quá trình mổ, tình trạng sức khỏe của người mang thai hộ bình thường, em bé có giới tính nữ, trọng lượng 3,6 kg. Hiện, cháu bé đã được đưa lên khoa chăm sóc sau sinh và người mang thai hộ được đưa về phòng….
Ông Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, trong quá mang thai, người mang thai hộ sức khỏe tốt không mắc các bệnh ảnh hưởng tới thai nhi. Người mang thai hộ được mổ lấy thai ở tuần thứ 37.
Hiện cả nước có 3 bệnh viện Trung tâm được phép thực hiện hình thức này. Đó là Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Từ Dũ. Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong thời gian tới vẫn luôn có chủ trương chú trọng và thực hiện những mong muốn sinh con này của người dân. (Hà Nội mới, Tiền phong(trang 10)
Báo Tuổi trẻ trang 4: “Đón bé sơ sinh trào đời bằng mang thai hộ ở VN”; Báo Nhân dân trang 8: “Cháu bé đầu tiên chào đời nhờ phương pháp mang thai hộ”; Thanh niên trang : “Em bé được mang thai hộ đầu tiên chào đời khỏe mạnh”; Báo Công an Nhân dân trang 6: “Em bé thứ 2 thực hiện từ phương pháp mang thai hộ đã trào đời khỏe mạnh”; Báo Lao động trang 3: “Em bé đầu tiên trào đời nhờ mang thai hộ”
Chủ động ngăn chặn thực phẩm “bẩn”
Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội là lực lượng nòng cốt trong công tác chống gian lận thương mại, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không nguồn gốc trong thị trường nội địa nên càng gần ngày Tết, lịch kiểm tra, kiểm soát ATTP càng dày đặc. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có những giải pháp đồng bộ cũng như kết hợp sức mạnh tổng hợp từ nhiều lực lượng chức năng mới có thể nâng cao hiệu quả trong đấu tranh ngăn chặn thực phẩm "bẩn".
Ông Nguyễn Đắc Lộc - Chi cục phó Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: Chi cục QLTT Hà Nội đã lập kế hoạch chủ động ra quân để tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm vệ sinh ATTP... Trước hết, Chi cục QLTT Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm 6 nhóm, ngành hàng do Bộ Công thương quản lý theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm 2010 (các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột…) và những mặt hàng thực phẩm khác lưu thông trên thị trường, các mặt hàng được người dân sử dụng nhiều trong dịp lễ, Tết. Các đội cũng chủ động phát hiện, kịp thời ngăn chặn và xử lý việc tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, động vật tươi sống không bảo đảm ATTP.
Chi cục QLTT sẽ phân công cụ thể cho các đội quản lý theo địa giới hành chính, đặc biệt lưu ý các trung tâm thương mại, siêu thị, các kho tàng, bến bãi, các làng nghề sản xuất bánh, mứt, kẹo, ô mai... tại Xuân Đỉnh, Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm), La Phù, Dương Liễu (huyện Hoài Đức); Tân Hòa, Cộng Hòa (Quốc Oai)... Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các chợ đầu mối như Đền Lừ (quận Hoàng Mai), Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), chợ rau, hoa quả Hải Bối (huyện Đông Anh); các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm Hà Vĩ (huyện Thường Tín), giò chả Ước Lễ (huyện Thanh Oai),... cũng được kiểm soát bởi các đội QLTT chuyên ngành. Đặc biệt, QLTT Hà Nội cũng tập trung các tổ trinh sát triển khai, kiểm tra các điểm "nóng" về kinh doanh thực phẩm, triển khai kiểm tra các bến bãi, kho tàng các điểm tập kết hàng hóa… Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách của Nhà nước về kích cầu, tạo điều kiện thông thoáng về lưu thông hàng hóa để trà trộn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm ATTP đưa vào tiêu thụ tại các hội chợ phục vụ người tiêu dùng trong dịp cuối năm Ất Mùi.
Nội dung kiểm tra sẽ chú trọng tới hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ của phụ gia thực phẩm, nguyên liệu để sản xuất bánh mứt, kẹo, mứt Tết; kiểm tra chất lượng, công bố hợp quy, điều kiện bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm bánh, kẹo, mứt... lấy mẫu giám định chất lượng hàng hóa các sản phẩm nhập khẩu phục vụ Tết. Với hàng hóa kém chất lượng, QLTT Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra độc tố, dư lượng chất bảo quản, nấm mốc, hoạt chất có hại, phụ gia thực phẩm không được phép hoặc vượt mức cho phép sử dụng. Ngoài ra, các Đội QLTT còn thường xuyên tăng cường công tác phối hợp tốt với chính quyền địa phương giải tỏa các điểm chợ cóc, chợ tạm hoạt động không đúng quy định, phối hợp với các cơ quan báo, đài tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, tập trung vào các nội dung: ATTP, hàng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng đối với tất cả các siêu thị, chợ trên địa bàn. Bên cạnh đó, mỗi một kiểm soát viên thị trường còn là một tuyên truyền viên nhằm vận động để nhân dân ủng hộ hàng Việt Nam chất lượng cao, nói không với thực phẩm không nguồn gốc.
Về những khó khăn, thách thức trong công tác kiểm soát ATTP, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết: Hiện nay có 3 Sở được giao quản lý về ATTP là Sở Y tế, Sở NN&PTNT và Sở Công thương. Mỗi một lực lượng đều có chức năng, nhiệm vụ riêng, trong đó lực lượng QLTT là nòng cốt, kiểm soát khâu phân phối, lưu thông với một địa bàn rất rộng. Để xử lý một vụ việc, luôn phải có lực lượng QLTT trong khi thực tế không phải lúc nào lực lượng này cũng sẵn sàng đủ cán bộ để xử lý vụ việc.
Do đó, việc triển khai phối hợp vẫn còn những lúng túng. Chưa kể, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay còn chồng chéo và mức xử phạt chưa đủ sức răn đe nên dẫn tới tình trạng "nhờn luật", người ta tìm mọi cách qua mặt cơ quan chức năng. Cũng theo ông Tụ, việc xử lý các vi phạm tại các tuyến xã, phường chủ yếu là nhắc nhở, năng lực các cán bộ làm công tác quản lý ATTP tại các cơ sở yếu, có tâm lý tránh va chạm trong quá trình kiểm tra. Việc quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung và kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y chưa được cải thiện, còn hơn 50% tổng số gia súc, gia cầm ở Hà Nội được giết mổ nhỏ lẻ tại các hộ gia đình. Do vậy, cũng như các năm trước trên thực tế, việc kiểm tra vệ sinh thú y mới chỉ thực hiện khi sản phẩm đã đưa ra lưu thông, chưa kiểm tra được vệ sinh thú y trước, trong quá trình giết mổ, do đó tiềm ẩn nguy cơ cao về mất ATTP. Lực lượng cán bộ thú y làm công tác kiểm soát giết mổ tại các địa bàn phường, xã, không đủ để kiểm tra, giám sát các điểm giết mổ này.
Kiểm soát hàng hóa và ngăn chặn thực phẩm không nguồn gốc vô cùng gian nan nhưng theo nghiên cứu của Cục QLTT (Bộ Công thương), trong 10 năm qua, quân số của lực lượng QLTT Hà Nội chỉ tăng 5% trong khi đối tượng quản lý là doanh nghiệp tăng 150%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 200%. Lực lượng QLTT rất mỏng, trong khi đối tượng quản lý tăng và địa bàn quản lý rộng dẫn đến thực trạng là nhiều đội QLTT chỉ có từ 10 đến 15 công chức phải căng mình trên nhiều lĩnh vực phải kiểm soát. Về trang thiết bị, phương tiện và điều kiện làm việc nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát vệ sinh ATTP của QLTT so với các lực lượng khác rất thiếu. Mặc khác, QLTT có tính chất đặc thù, tập trung vào điều tra, trinh sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính nhưng kinh phí cấp cho lực lượng QLTT lại theo định mức hành chính thông thường của các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, các hoạt động như trinh sát, mua tin, mua công cụ hỗ trợ, giám định tang vật, thuê phương tiện, kho bãi, bốc dỡ chủ yếu lấy từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính nên rất eo hẹp...
Phân tích những khó khăn trong công tác ngăn chặn thực phẩm "bẩn", ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho rằng: Công tác truyền thông tại địa phương còn hạn chế khiến người tiêu dùng vẫn vô tư tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, đây cũng là hành vi tiếp tay cho thực phẩm "bẩn". Mặt khác, các phương tiện thông tin đại chúng mới chỉ phản ánh nhiều về các hành vi, vi phạm mà chưa tuyên truyền, nêu gương, khuyến khích các mô hình sản xuất, quản lý ATTP tốt, tiên tiến. Vai trò của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã chưa được coi trọng, công tác chỉ đạo, điều hành còn chưa đồng bộ, chưa kiên quyết, trách nhiệm chưa rõ ràng.
Những tồn tại nêu trên khiến thực phẩm "bẩn" vẫn được tuồn về nội địa và vẫn được tiêu thụ trên diện rộng, song hai khâu trọng yếu nhất cần khắc phục để trị căn bệnh nan y này từ gốc chính là phải đẩy mạnh sản xuất sạch và kiểm soát xử lý nghiêm khắc những cá nhân, tổ chức cung ứng thực phẩm "bẩn". Hiện nay, tình trạng chung của ngành sản xuất, chăn nuôi là manh mún, nhỏ lẻ, không có chính sách động viên cụ thể với người sản xuất sạch và chế tài xử lý nghiêm khắc với những người sản xuất vô đạo đức. Mặt khác, sản phẩm bẩn lại thả sức tung hoành tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh.
Bàn về các giải pháp trong năm tới, Sở NN&PTNT Hà Nội đã báo cáo với Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP thành phố, sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch giám sát các cơ sở giết mổ động vật và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, tăng cường các chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm sạch. Còn Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu và mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm thực phẩm sạch thông qua hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng để từng bước thay thế các chợ tự phát, đồng thời sẽ chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP tại các chợ, siêu thị; phát triển nhanh mô hình chợ ATTP, duy trì hoạt động kiểm soát thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc và không để thực phẩm giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Nhiệm vụ của Sở Thông tin và Truyền thông trong năm tới là có kế hoạch chỉ đạo các cơ quan báo chí giám sát và quản lý chặt chẽ việc quảng cáo thực phẩm bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời bên cạnh việc thông tin về các cơ sở vi phạm quy định về ATTP cần đưa tin về các mô hình sản xuất an toàn, tránh việc đưa các thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng gây hoang mang cho người tiêu dùng. Công an thành phố mới đây cũng báo cáo kế hoạch sẽ chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán, kinh doanh thực phẩm, các loại gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ; sử dụng các chất cấm để chế biến, bảo quản thực phẩm. (* Hà Nội mới (trang 7))
TPHCM: Hơn 32 triệu lượt khám chữa bệnh năm 2015
Ngày 22/1, Sở Y tế TPHCM đã báo cáo công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố trong năm 2015. Số bệnh nhân đến khám ngoại trú tại 54 bệnh viện công của thành phố lên đến hơn 26,5 triệu lượt, tăng gần 3,5% so với năm 2014.
Theo Sở Y tế, năm 2015, ghi nhận sự chuyển mình của bệnh viện tuyến quận huyện và các bệnh viện ngoài công lập. Số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tăng đáng kể tại 42 bệnh viện tư nhân trên địa bàn thành phố. Gần 3,8 triệu lượt khám ngoại trú và gần 235 nghìn lượt nội trú tìm đến các bệnh viện tư. Các con số này tăng từ 23-28% so với năm 2014. (* Tiền phong (trang 10))
Cấp thẻ BHYT “bảo mật” cho người nhiễm HIV
Người nhiễm HIV ở Đà Nẵng đi khám chữa bệnh không còn canh cánh lo sợ, mặc cảm thông tin cá nhân của mình bị lộ ra ngoài nhờ hệ thống bảo mật tuyệt đối. Sắp tới đây họ sẽ thuận tiện hơn trong việc điều trị nhờ chủ trương cấp riêng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho từng cá nhân.
Theo ông Phạm Chải, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, người nhiễm HIV thường lo ngại người khác sẽ biết tình trạng của mình khi đi khám bệnh, những người phải chuyển tuyến thì càng sợ hơn, vì sẽ có nhiều người biết hơn. “Họ phải xin số, đợi gọi tên, quy trình khám giống như những bệnh nhân bình thường khác, đôi khi chỉ một vài câu xì xào “anh, chị này có H.” hay mặc cảm do chính họ tạo ra cũng khiến họ không dám đi khám chữa bệnh nữa. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở y tế đã có các cán bộ chuyên trách về HIV/AIDS bảo mật thông tin cá nhân, giúp người nhiễm HIV hoàn toàn yên tâm, thuận tiện khi đi khám chữa bệnh”, ông nói.
Tất cả số điện thoại của các cán bộ chuyên trách HIV/AIDS ở các cơ sở y tế xã, phường, quận đều được cung cấp cho người nhiễm HIV biết. Khi có nhu cầu khám, chữa bệnh họ sẽ liên lạc với những cán bộ này để được giúp đỡ, hướng dẫn cụ thể. Ông Chải nói thêm: “Họ có thể tới gặp trực tiếp cán bộ chuyên trách, khai báo về tình hình sức khỏe của mình, cán bộ sẽ dẫn họ tới trực tiếp bác sĩ và giới thiệu trước đây là bệnh nhân nhiễm HIV để được bảo mật thông tin cá nhân, thăm khám “đặc cách”. Cách làm này giúp người nhiễm HIV bớt mặc cảm, nhanh gọn, thuận tiện hơn”.
Ở Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, cán bộ chuyên trách còn đứng ra làm tất cả thủ tục khám chữa bệnh, xin thuốc, nhập viện, chuyển tuyến… khi người nhiễm HIV không muốn ra mặt. Ngoài ra, hiểu tâm lý của người nhiễm HIV sợ những người xung quanh bàn tán khi cán bộ chuyên trách hay lui tới nhà, tất cả cán bộ phải xin số điện thoại của từng bệnh nhân để liên hệ, trao đổi hoàn toàn qua điện thoại.
Theo Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng, người nhiễm HIV muốn điều trị bằng thuốc ARV phải đến phòng khám ngoại trú đặt tại bệnh viện Da liễu, tuy nhiên để được chuyển đến đây điều trị họ phải khai báo tình trạng sức khỏe cụ thể đang bị HIV/AIDS ở các cơ sở y tế trước, điều đó làm họ ngập ngừng không dám tới điều trị.
Thuốc ARV được BHYT chi trả, vì vậy những người có thẻ BHYT đều được hưởng quyền lợi này. Hiện tại Đà Nẵng có hơn 300 người điều trị bằng thuốc ARV, số người nhiễm HIV còn lại (khoảng 300 người) đang gặp khó khăn trong vấn đề mua BHYT, bởi mua bắt buộc theo hộ gia đình khiến họ không đủ kinh phí, hơn nữa khi đăng kí phải trình hộ khẩu nên người nhiễm HIV rất ngại.
Bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng, cho hay: “Sở LĐTB&XH đề nghị sẽ mua BHYT cho người nhiễm HIV vì họ là đối tượng nghèo, tuy nhiên theo nguyên tắc thì chúng tôi không được cung cấp thông tin cá nhân của họ. (* Tiền phong (trang 14))
Sẽ liên tục có các em bé từ “mang thai hộ”
Vào 7h sáng nay, 22.1, em bé của trường hợp “mang thai hộ” đầu tiên của Việt Nam đã cất tiếng khóc chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung Ương.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia- người trực tiếp tiến hành ca mổ sinh – đã vui mừng trao em bé tới tay cha mẹ.
Bé gái được bố mẹ đặt tên là Đinh Quỳnh Anh, nặng 3,6kg. GS Tiến cho biết cháu hoàn toàn khoẻ mạnh, xinh đẹp. Vợ chồng chị T.T.D (quê ở Gia Viễn, Ninh Bình) run run xúc động bế đứa con trong tay.
Chị D. cho biết, vợ chồng chị đã cưới nhau 18 năm nay nhưng không thể có con. Vì lý do bệnh lý nên chị đã mất tử cung. Khó có thể nói hết nỗi tủi hờn, buồn bã khi hai vợ chồng không thể có đứa con mang dòng máu của mình. Ngay khi biết Nhà nước đã cho phép mang thai hộ, anh chị đã vui mừng đi tìm người giúp mình mang thai. May mắn, một người cô của chị (46 tuổi) đã đồng ý giúp hai vợ chồng thực hiện ý nguyện.
Anh chị đã chuẩn bị hồ sơ, nộp tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư từ tháng 3.2015. Sau khi xét duyệt hồ sơ, thăm khám sức khoẻ cho người cô – người mang thai hộ, việc thụ tinh ống nghiệm đã diễn ra hoàn toàn thuận lợi. Sau 38 tuần chờ đợi, anh chị đã được bế đứa con của mình trên tay. “Cháu rất xinh đẹp. Vợ chồng tôi không biết nói gì để chia sẻ nỗi xúc động và biết ơn người đã giúp mình mang thai, biết ơn các bác sĩ đã giúp con mình được chào đời khoẻ mạnh, người cô cũng không có gì đáng ngại về sức khoẻ” – chị D. nghẹn ngào.
Chia sẻ với báo chí ngay khi rời bàn mổ, GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết, ca mổ diễn ra hoàn toàn thuận lợi, cả bé và người mang thai hộ đều khoẻ mạnh. Theo ông, quy định cho phép mang thai hộ là quy định hết sức nhân văn.
Hiện nay còn hàng trăm phụ nữ không thể mang thai được vì các bệnh lý như: không có tử cung bẩm sinh, dị tật tử cung, bị cắt tử cung do tai nạn, do biến chứng sản khoa hoặc bệnh lý khiến sức khoẻ suy yếu, nếu mang thai sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và con. “Những phụ nữ này rất dằn vặt, đau đớn khi không thể sinh được đứa con mang dòng máu của mình và người chồng mình yêu quý. Quy định đã giúp họ biến niềm khao khát thành sự thật” – GS.TS Tiến nói.
Theo GS.TS Tiến, từ nay đến tháng 3.2016 sẽ liên tục có các bé “mang thai hộ” được chào đời. Hiện tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư đã có hơn 70 hồ sơ yêu cầu thực hiện mang thai hộ trong đó hơn 50 ca đã được thực hiện thụ tinh nhân tạo thành công. Còn cả nước là gần 100 ca. (*Nông thôn Ngày nay (trang 5))