Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/12/2015

  • |
T5g.org.vn - Chờ vắc xin dịch vụ, không tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch: Có thể khiến trẻ rơi vào “vùng trắng” nguy hiểm; hông sử dụng nước đóng chai khi thấy bất thường về cảm quan; Chậm nhất đến năm 2020 sản xuất được vắc-xin sáu trong một...

Không sử dụng nước đóng chai khi thấy bất thường về cảm quan

Liên quan các sản phẩm nước giải khát đóng chai không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP), chiều 22-12, Cục trưởng ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết: Một sản phẩm khi được công bố lưu hành, ngoài việc bảo đảm các chỉ tiêu về chỉ số xét nghiệm vi sinh, hóa chất, kim loại nặng và các thành phẩm nguyên liệu, còn phải bảo đảm về cảm quan. Cho nên, khi phát hiện một sản phẩm có chứa vật lạ, các cơ quan chức năng, nhà sản xuất cần phải xem xét ngay quy trình sản xuất, nguyên liệu, quá trình bảo quản, vận chuyển sản phẩm… Đồng thời, phải báo cáo cơ quan quản lý, dừng lưu thông các sản phẩm đó, cũng như xử lý theo quy định của pháp luật…

Đối với người tiêu dùng, Cục ATTP khuyến cáo khi sử dụng thực phẩm nói chung, các sản phẩm rượu, bia, nước giải khát nói riêng, khi thấy có bất thường về cảm quan như mầu sắc, mùi vị, nhãn mác không bảo đảm, tuyệt đối không được sử dụng và báo ngay cho các cơ quan chức năng để xử lý…

* Ngày 22-12, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau cho biết, đã gửi mẫu những chai trà Dr Thanh của Công ty Tân Hiệp Phát đến cơ quan chức năng để xét nghiệm, làm rõ nguyên nhân trong chai có vật lạ, lợn cợn… Trong thời gian chờ kết quả, ngành chức năng Cà Mau tiếp tục kiểm tra các loại nước uống của Công ty Tân Hiệp Phát ở các quán, nhà phân phối, đại lý... trên địa bàn. (* Nhân dân (trang 5))

Thi ảnh “Vì sức khỏe nhân dân”

Ngày 22-12, Bộ Y tế phát động cuộc thi ảnh với chủ đề “Vì sức khỏe nhân dân” cho mọi người dân ở trong nước, nước ngoài; phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương và địa phương, trong đó khuyến khích các tác giả ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các nhân viên y tế. Thời gian nhận ảnh dự thi từ ngày 15-11-2015 đến hết ngày 25-1-2016; lễ trao giải sẽ được tổ chức nhân dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2).

Các bức ảnh dự thi phản ánh hoạt động của ngành y tế: nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; giảm quá tải bệnh viện; mô hình bác sĩ gia đình; mở rộng, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật cao; y tế dự phòng, tiêm chủng mở rộng… (* Sức khỏe & Đời sống, Nhân dân (trang 5))

Chậm nhất đến năm 2020 sản xuất được vắc-xin sáu trong một

Ngày 22-12, Bộ Y tế tổ chức “Hội thảo khoa học vắc-xin Việt Nam - phát triển và hội nhập” nhằm đánh giá tiềm năng, thế mạnh sản xuất vắc-xin trong nước và trình độ khoa học công nghệ của các đơn vị sản xuất vắc-xin hiện nay. Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong 39 quốc gia trên thế giới có nền sản xuất vắc-xin, tự cung cấp được 10 trong tổng số 12 loại vắc-xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng và đang nghiên cứu sản xuất một số loại vắc-xin khác.

Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, đã trình cơ quan chức năng các phương án đầu tư sản xuất vắc-xin quy mô công nghiệp. Mục tiêu của dự án là chậm nhất đến năm 2020 sản xuất được vắc-xin sáu trong một, sản xuất theo quy mô công nghiệp, đáp ứng nhu cầu cộng đồng về các loại vắc-xin hiệu quả, hoàn thành mục tiêu sản phẩm quốc gia phòng bệnh cho người. *(Nhân dân (trang 5))

Cùng chủ đề Báo Thanh niên trang 2: “VN sản xuất vắc xin phối hợp “6 trong 1””

Nhận hồ sơ thay khớp miễn phí cho bệnh nhân nghèo

Đây là chương trình phối hợp giữa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) và tổ chức Operation Walk (Hoa Kỳ). Các chuyên gia Hoa Kỳ sẽ đến Việt Nam thay khớp miễn phí cho khoảng 80 bệnh nhân nghèo trong tháng 10/2014.

Chương trình phối hợp này tiếp theo thành công của đợt phẫu thuật tháng 9/2011 cho 56 bệnh nhân với 64 khớp được thay, từ ngày 14-21/10/2014, tổ chức Operation Walk phối hợp với Bệnh viện 108 tiếp tục tiến hành phẫu thuật thay khớp gối và khớp háng cho khoảng 80 bệnh nhân nghèo có bệnh lý khớp gối, khớp háng. Những bệnh nhân được phẫu thuật trong thời gian này sẽ được miễn phí toàn bộ tiền khớp nhân tạo.

Những bệnh nhân có biểu hiện đau, đi lại khó khăn hay đã được chẩn đoán có bệnh lý tại khớp háng và khớp gối trước đó, muốn được phẫu thuật miễn phí đề nghị đăng ký để làm hồ sơ từ ngày 14/2-25/3 tại Khoa phẫu thuật khớp (Khoa B1-C) nhà 3 tầng 4 Bệnh viện TƯ Quân đội 108, số 1 Trần Hưng Đạo, TP Hà Nội. ĐT: 046.2784151 hoặc 0983670368 TS Nguyễn Quốc Dũng) - 0983670377 (TS Lê Hồng Hải).

Theo TS Lê Hồng Hải, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật khớp Bệnh viện 108, thay khớp là một kỹ thuật khó, phức tạp đặc biệt đòi hỏi khớp thay phải phù hợp với từng lứa tuổi, từng bệnh lý của mỗi bệnh nhân... Chẳng hạn, như riêng mỗi loại khớp như khớp háng thì có khớp bán phần, toàn phần, khớp cổ định bằng xi măng hoặc không cần xi măng... Do đó, để đảm bảo loại khớp phù hợp cho mỗi bệnh nhân, các chuyên gia Hoa Kỳ yêu cầu gửi hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân được thay khớp (bao gồm: họ và tên, tuổi, cân nặng, chiều cao, các bệnh lý phối hợp và đặc biệt là hình ảnh phim X-Quang khớp bị tổn thương) để chuẩn bị khớp thay cho phù hợp.

Được biết, Operation Walk là tổ chức nhân đạo, có trụ sở tại Hoa Kỳ, tập trung nhiều giáo sư, bác sỹ và các kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật thay thế khớp nhân tạo, đã thực hiện nhiều chuyến công tác tại Việt nam và nhiều nước khác trên thế giới. Đây là lần thứ 2, đoàn cùng với các bác sỹ của Bệnh viện 108 triển khai nhiều kỹ thuật mới trong lĩnh vực thay thế khớp nhân tạo như: Thay khớp gối bán phần, thay cả 2 khớp trong một lần mổ với những bệnh nhân có bệnh lý ở cả hai bên. Sau mổ các chuyên gia Hoa Kỳ có hướng dẫn tập luyện phục hồi chức năng giúp bệnh nhân giảm đau, phục hồi sớm và rút ngắn thời gian nằm viện từ 3-4 ngày. (* Tuổi trẻ (trang 14))

160.000 liều vaccine dịch vụ sắp về Việt Nam

Đó là thông tin Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra ngày 22-12. Cùng với đó, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ tự sản xuất vaccine “6 trong 1” và có thể tung ra thị trường vào năm 2020.

Tại Hội thảo khoa học “Vaccine Việt Nam - phát triển và hội nhập” do Bộ Y tế tổ chức ngày

22-12, đại diện Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) - Bộ Y tế cho biết, theo mục tiêu của Chương trình sản phẩm quốc gia vaccine phòng bệnh cho người, đơn vị này đã tiến hành những bước nghiên cứu đầu tiên về vaccine Hib cộng hợp từ năm 2005 và đến nay đã đến bước thử nghiệm trên người. Sau năm 2019, dự kiến sẽ có được quy trình công nghệ sản xuất vaccine Hib cộng hợp ở quy mô 300.000 liều/loạt.

“Thành phần Hib cộng hợp do công ty sản xuất tương đương Hib mà 2 nhà sản xuất GlaxoSmith Kline (GSK) và Sanofi Pasteur đang sử dụng cho vaccine “6 trong 1”. Do vậy, kháng nguyên của vaccine Hib cộng hợp này cũng sẽ có thể kết hợp được với các thành phần kháng nguyên khác để phối hợp thànhvaccine “6 trong 1” trong thời gian tới” - đại diện Vabiotech nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã thành lập hội đồng chung và ban chủ nhiệm đề tài để nghiên cứu việc phối trộn vaccine “6 trong 1”. Hiện nay, hội đồng đang làm việc với các công ty, đơn vị triển khai sản xuất các loại vaccine này, cố gắng phấn đấu tới năm 2017-2018, Việt Nam sẽ sản xuất được vaccine “6 trong 1” và đến năm 2020 sẽ có vaccine thương phẩm đưa ra thị trường. Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, chất lượng vaccine này khi đưa ra thị trường sẽ rất đảm bảo vì Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là cơ quan quản lý quốc gia về vaccine theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tiếp tục thông tin về tình trạng khan hiếm vaccine dịch vụ “5 trong 1”, “6 trong 1”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ, hiện Bộ Y tế đang đàm phán với các đối tác liên quan để nhập khẩu về Việt Nam 160.000 liều vaccine dịch vụ tổng hợp trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó, hơn 40.000 liều vaccine dịch vụ đang được kiểm định và dự kiến đưa vào tiêm chủng trong cuối tháng 12 này, qua đó, sẽ giải quyết phần nào bức xúc của người dân về nhu cầu tiêm vaccine dịch vụ.

Về khả năng các doanh nghiệp lợi dụng sự khan hiếm vaccine dịch vụ để tăng giá vô tội vạ, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, việc quản lý giá vaccine được thực hiện theo quy định của Luật Dược. Theo đó, các công ty khi nhập khẩu vaccine về phải đăng ký giá với Cục Quản lý Dược và giá bán vaccine là tương đối đồng nhất giữa các doanh nghiệp. “Để có được giá chính xác bán ra thị trường, các doanh nghiệp phải tính thêm một số chi phí, tùy từng cơ sở, sẽ có cách tính giá khác nhau, nhưng về cơ bản, giữa các doanh nghiệp sẽ không có sự chênh lệch lớn. Nếu ở đâu đó có tình trạng giá bán vaccine dịch vụ cao hơn giá trần nhiều lần thì Bộ Y tế sẽ cử cán bộ thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm sai phạm” - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.  (* An ninh Thủ đô (trang 8))

Chờ vắc xin dịch vụ, không tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch: Có thể khiến trẻ rơi vào “vùng trắng” nguy hiểm

Tại hội thảo khoa học "Vắc xin Việt Nam - phát triển và hội nhập" do Bộ Y tế tổ chức ngày 22-12, nhiều đại biểu lo ngại "cơn sốt" vắc xin dịch vụ tại một số thành phố lớn sẽ khiến nhiều phụ huynh trì hoãn việc tiêm chủng cho con. Điều này dẫn đến nhiều trẻ em rơi vào "vùng trắng" nguy hiểm do không được tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch.

Chất lượng vắc xin tiêm chủng mở rộng như vắc xin dịch vụ

Như Báo Hànộimới đã đưa tin, 40.000 liều vắc xin dịch vụ "5 trong 1" đã được nhập về Việt Nam, trong đó có 15.000 liều cho khu vực phía Bắc và 25.000 liều được chuyển về khu vực phía Nam. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho biết, lô vắc xin này đang được kiểm định và dự kiến sẽ đưa vào tiêm chủng từ cuối tháng 12. Bộ Y tế cũng đang đàm phán với các đối tác liên quan để nhập khẩu khoảng 160.000 liều vắc xin dịch vụ tổng hợp trong thời gian sớm nhất.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, đến hết năm 2016, Việt Nam vẫn sẽ khan hiếm vắc xin "5 trong 1" và "6 trong 1" dịch vụ. Trước thực tế khan hiếm vắc xin kéo dài trong thời gian qua, Bộ Y tế đã cử cán bộ ra nước ngoài tìm hiểu nguồn cung vắc xin của các quốc gia, từ đó có biện pháp ứng phó, đồng thời yêu cầu Cục Quản lý dược làm việc chặt chẽ với các công ty vắc xin trên toàn cầu để nhập khẩu vắc xin. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ hiện xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Pháp - quốc gia sản xuất nhiều loại vắc xin.

Thời gian qua, Việt Nam đạt được thành tựu lớn trong nghiên cứu và sản xuất vắc xin, đặc biệt đã sản xuất được 10/11 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TMCR). Nhờ vậy, Việt Nam đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Sau gần 30 năm triển khai, chương trình TCMR quốc gia đã đạt những thành tựu xuất sắc, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao. Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và khống chế thành công bệnh sởi, được UNICEF đánh giá "là điểm sáng về tiêm chủng mở rộng".

Mỗi năm, tại nước ta, có khoảng 1,2 - 1,3 triệu trẻ em được tiêm chủng miễn phí 11 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ngoài ra, kể từ khi có chương trình TCMR, ước có khoảng 43.000 trẻ em được cứu sống nhờ tiêm vắc xin. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu lo ngại, trước tình hình khan hiếm vắc xin dịch vụ như hiện nay, nếu người dân không cho trẻ đi tiêm đầy đủ, đúng lịch thì đến một mức độ nhất định sẽ dẫn đến tình huống dịch bệnh bất ngờ xảy ra và lây lan nhanh, khó kiểm soát. "Chúng ta đã chứng kiến dịch sởi bùng phát vào năm 2013-2014; dịch bạch hầu ở Quảng Nam, ho gà tại Hà Nội trong năm 2015. Đó là những bài học vì một bộ phận người dân chủ quan không cho trẻ đi tiêm chủng", ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Trước những lo ngại của người dân về chất lượng vắc xin, Bộ Y tế dẫn các nghiên cứu trong và ngoài nước, khẳng định, vắc xin vô bào (vắc xin dịch vụ) có tỷ lệ phản ứng sau tiêm thấp hơn vắc xin toàn tế bào (vắc xin trong chương trình TCMR) nhưng tỷ lệ phản ứng nặng và tử vong sau tiêm của hai loại vắc xin này là như nhau. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, chất lượng vắc xin dịch vụ và vắc xin trong chương trình TCMR là tương đương. Chính vì vậy, người dân nên cho trẻ đến các điểm TCMR để trẻ được tiêm đúng lịch, tránh các dịch bệnh nguy hiểm. Việt Nam sẽ tiếp tục cung cấp miễn phí vắc xin cho người dân trong chương trình TCMR.

 Nghiên cứu sản xuất vắc xin "6 trong 1"

Nhằm bảo đảm nhu cầu vắc xin cho thị trường trong nước, Việt Nam đang đẩy mạnh sản xuất vắc xin, tiến tới xuất khẩu. Đại diện Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Babiotech) cho biết, theo mục tiêu của chương trình quốc gia vắc xin phòng bệnh cho người, đến năm 2020, nước ta sẽ sản xuất và thương mại hóa được ít nhất 7-8 loại vắc xin quan trọng như: Vắc xin đa giá, vắc xin Rota, viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero, Hib cộng hợp, cúm mùa, thương hàn, dại và viêm gan A.

Trước đó, vào đầu năm 2015, hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin (NRA) nước ta đã được WHO công nhận "đạt tiêu chuẩn". Việt Nam là một trong 39 quốc gia trên thế giới đạt tiêu chuẩn khắt khe này của WHO và được thế giới công nhận về chất lượng vắc xin. Việt Nam tự tin đủ điều kiện về khoa học công nghệ và nhân lực để sản xuất vắc xin đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, chúng ta cũng đang liên kết với một số nước như: Nhật Bản, Mỹ để chuyển giao công nghệ về dây chuyền sản xuất vắc xin thế hệ mới. Hiện Việt Nam đã sản xuất thành công nhiều vắc xin như: tả, bại liệt… Nước ta cũng đang nhập vắc xin sởi - rubella để sử dụng nhưng dự tính đến năm 2017, Việt Nam sẽ sản xuất được vắc xin sởi - rubella. Sắp tới, Việt Nam cũng trở thành một trong 4 nước sản xuất thành công vắc xin phòng Rotavirus. Ngoài ra, nước ta cũng đang tiến hành sản xuất vắc xin "6 trong 1" với thành phần vô bào ho gà.

Đề cập đến việc sản xuất vắc xin "6 trong 1", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện Bộ Y tế giao cho ba cơ quan nghiên cứu, mỗi cơ quan phát triển 1-2 loại vắc xin. Bộ cũng đã thành lập hội đồng chung và ban chủ nhiệm đề tài để nghiên cứu phối trộn vắc xin "6 trong 1". Hiện nay, hội đồng đang làm việc với các công ty, đơn vị triển khai sản xuất các loại vắc xin này. Dự tính đến năm 2017, Việt Nam sẽ sản xuất thành công vắc xin "6 trong 1" vô bào và đưa vào thử nghiệm, để đến năm 2020, vắc xin "6 trong 1" của Việt Nam sẽ được đưa ra thị trường. (* Hà Nội mới (trang 1))

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống trang 1: “Hệ lụy từ việc chờ vắc-xin dịch vụ để tiêm chủng cho trẻ”

10 bệnh viện của Hà Nội vay vốn để nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị

Tại lễ ký hợp đồng tài trợ an sinh xã hội và thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2015-2020 giữa Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) với Bệnh viện (BV) Ung bướu Hà Nội diễn ra chiều 22-12, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên cho biết, hiện có 10 BV thuộc ngành Y tế Thủ đô được UBND TP và Sở Y tế Hà Nội đồng ý với đề xuất vay vốn ngân hàng để mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị.

Được biết, tổng số tiền mà 10 BV dự kiến vay vào khoảng hơn 800 tỷ đồng. Hiện có 3 BV (gồm: BV Ung bướu, BV Da Liễu, BV Đa khoa Hoè Nhai) vay vốn để mở rộng BV, còn lại 7 BV khác chủ yếu vay vốn để đầu tư trang thiết bị y tế. BV Ung bướu là 1 trong 10 BV của Hà Nội tiên phong việc triển khai vay vốn ngân hàng để nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất. Ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc BV Ung bướu Hà Nội mong muốn được Sở Y tế Hà Nội ủng hộ BV trong việc triển khai có hiệu quả các nội dung tại Thỏa thuận hợp tác giữa BV với BIDV trong thời gian tới cũng như cả quá trình thực hiện đề án của BV.

Được biết, Chi nhánh BIDV Hà Thành sẽ tài trợ cho BV Ung bướu với dự án tòa nhà khám chữa bệnh theo yêu cầu chất lượng cao với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 146 tỷ đồng. Khoản tài trợ này nằm trong chương trình gói tín dụng ưu đãi dành cho các dự án xã hội hóa y tế của BIDV đã công bố với Bộ y tế trị giá 20.000 tỷ đồng và gói tín dụng 200 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo chuyên môn đối với bác sĩ chuyên khoa đi học nước ngoài. Bên cạnh đó, Ngân hàng BIDV cũng cam kết sẽ đáp ứng tối đa tất cả các nhu cầu đầu tư mở rộng, nâng cấp máy móc thiết bị của BV trong tương lai nhằm góp phần nâng cao chất lượng và năng lực khám chữa bệnh thời gian tới.

Ông Trần Long, Giám đốc BIDV Hà Thành cho biết, hiện ngân hàng đang cung cấp cho BV các dịch vụ ngân hàng với chất lượng tốt nhất như: dịch vụ thanh toán lương tự động, các dịch vụ bán lẻ, dịch vụ thẻ và cho vay tiêu dùng tới các cán bộ công nhân viên của BV. Sắp tới, ngân hàng sẽ thảo luận với BV Ung bướu để xây dựng và đưa vào ứng dụng giải pháp thu viện phí không dùng tiền mặt góp phần hiện đại hóa công tác thu viện phí, tiết kiệm thời gian, chi phí và gia tăng tiện ích cho người dân đến khám chữa bệnh tại BV.

Tại buổi lễ, BIDV Hà Thành cũng đã tặng BV Ung bướu Hà Nội 1 xe chuyên dụng 7 chỗ và một số ghế đá, ghế chờ phục vụ bệnh nhân với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng. (* Hà Nội mới (trang 7))

Khan vắc-xin dịch vụ: Doanh nghiệp 'đục nước béo cò'?

Một số đơn vị nhập khẩu và thực hiện tiêm vắc-xin dịch vụ cũng như đưa người ra nước ngoài tiêm vắc-xin này yêu sách về giá để đẩy giá vắc-xin dịch vụ lên cao.

Vắc-xin phối hợp “5 trong 1” và “6 trong 1” có tỷ lệ tai biến thấp, được không ít phụ huynh có tiền lựa chọn tiêm cho con em mình. Tuy nhiên, hầu như lúc nào vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” Pantaxim và “6 trong 1” Infanrix Hexa cũng trong tình trạng khan hàng. Cơ quan quản lý y tế đưa ra lý do là nhà sản xuất ngừng cung cấp hoặc doanh nghiệp nhập về không tiêu thụ được nên họ quay lưng.

Thực chất của vấn đề khan hàng

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tiền Phong, Việt Nam hiện có 18 doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu vắc-xin dịch vụ, nhưng hai năm, một số đơn vị này viện lý do giá nhập về bị kiểm soát nên nhập nhỏ giọt để “găm hàng” đẩy giá.

Giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu vắc-xin ở Hà Nội nói rằng, ở thời điểm hiện tại nếu một liều vắc-xin dịch vụ bán ra ở mức 950.000 đồng, tức là sau khi trừ hết chi phí, phía doanh nghiệp được lợi 10% là chấp nhận được. “Nếu với mức lợi nhuận như vậy, chúng tôi sẵn sàng nhập về hàng trăm ngàn liều thì làm sao khan vắc-xin dịch vụ được”, người này nói. Lý do mà giám đốc công ty này đưa ra là hiện tại, giá nhập khẩu vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” bao gồm cả thuế về Việt Nam đã lên 602.963 đồng/liều.

“Vắc-xin là ngành hàng kinh doanh đặc biệt, đòi hỏi các chi phí cho công tác bảo quản, vận chuyển với nhiều thiết bị chuyên dùng... Tuy nhiên, cơ quan quản lý chỉ cho phép bán theo giá đăng ký là 620.000 đồng/liều khiến cho các doanh nghiệp nhập khẩu vắc-xin không mấy mặn mà”, người này nói và cho rằng “đó là nguyên nhân dẫn đến khan hàng, chứ không phải nhà sản xuất ngưng cung cấp”.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, các đơn vị này lấy lý do khan hàng để phân phối lại vắc-xin dịch vụ này cho hệ thống phòng khám, bệnh viện tư tiêm chủng dịch vụ với giá lên tới hàng triệu đồng/liều. Vào thời điểm có vắc-xin dịch vụ, tại TPHCM, nhiều phòng khám trong nước và quốc tế đã đẩy giá vắc-xin này lên 2-3 triệu đồng/liều. Họ lấy lý do “không có hàng” hoặc “nhà phân phối cung cấp vắc-xin giá cao” để “chặt chém” người dân.

Được biết giá tiêm dịch vụ vắc-xin “5 trong 1” Pentaxim tại Hong Kong và Singapore, Malaysia, Thái Lan chỉ dao động ở mức 100 USD bao gồm cả tiền khám, tư vấn cũng như thuốc tiêm. Với giá này, giá tiêm vắc-xin dịch vụ ở các nước còn rẻ hơn cả tại Việt Nam.

Một số trang Facebook nói vắc-xin tiêm chủng mở rộng Quinvaxem là “thủ phạm gây tử vong cho trẻ” gây hoang mang dư luận. Bắt nguồn từ thông tin này, các doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người ra nước ngoài để tiêm vắc-xin dịch vụ.

Giám đốc một công ty chuyên đưa người ra nước ngoài chữa bệnh và tiêm vắc-xin tại TPHCM nói: “Từ đầu năm đến nay đã đưa ít nhất vài nghìn người qua Campuchia và Singapore chích ngừa vắc-xin “5 trong 1” và “6 trong 1” sau khi trong nước nói chưa biết khi nào vắc-xin này được nhập về”. Thậm chí, một số cơ sở có phòng tiêm vắc-xin tại TPHCM còn sang Campuchia mở phòng tiêm để nhập về hàng trăm nghìn liều vắc-xin từ Singapore và Hong Kong tiêm cho người Việt. “Đa số phòng tiêm đều nằm ở khu vực giáp ranh với Tây Ninh nên thu hút khá nhiều người dân sang đây tiêm dịch vụ”, ông Nguyễn Văn Lang, một người chuyên làm dịch vụ đưa người sang đây tiêm ngừa, nói.

Ông Nguyễn Văn Kính, chuyên gia về kinh tế y tế ở TPHCM, nói việc người dân bỏ tiền tiêm vắc-xin dịch vụ là nhu cầu cần thiết của họ. Tuy nhiên, nếu Nhà nước không quản lý về giá, không kiểm tra hệ thống lưu thông phân phối cũng như cơ sở phòng tiêm đủ điều kiện, xác định về xuất xứ vắc-xin tiêu chuẩn và chất lượng thì nguy cơ người dân tiêm vắc-xin “xách tay” là rất lớn. “Đây cũng là mối lo ngại cho người dân”, ông Kính nói.

Giải oan cho Quinvaxem

Trao đổi với Tiền Phong, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho rằng, về nguyên tắc, dù sử dụng vắc-xin gì, đắt rẻ cỡ nào, ở bất kỳ đâu trên thế giới, nước giàu hay nghèo, vấn đề sốc phản vệ là không thể tránh khỏi. “Tuy nhiên, trong cả triệu liều vắc-xin mới có trường hợp sốc phản vệ. Nhưng trong y khoa, nếu chỉ sốc phản vệ đơn thuần thôi thì rất khó gây tử vong. Vì nếu được phát hiện sốc phản vệ kịp thời, xử lý đúng, bệnh nhân sẽ phục hồi hoàn toàn”, bác sĩ Khanh nói. Phần lớn các ca tử vong sau tiêm vắc-xin là do sốc phản vệ trùng hợp ngẫu nhiên trên một người mang bệnh lý nền nào đó, nhất là tim bẩm sinh hoặc nhiễm trùng huyết…

Theo Bộ Y tế, sau 5 năm triển khai, đến nay đã có 24,9 triệu liều vắc-xin Quinvaxem được sử dụng với khoảng hơn 60 ca tử vong. Cũng theo bộ này, tỷ lệ ca phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin Quinvaxem ở Việt Nam thấp, chỉ 4,5 ca/triệu liều so với tỷ lệ cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 20 ca/triệu liều.

Trong khi đó, thông tin từ chuyên gia Tô Xuân Vinh - nghiên cứu tại Viện khoa học y sinh (Singapore), loại vắc-xin dịch vụ mà nhiều người Việt Nam ưu chuộng là Infanrix Hexa “6 trong 1” do Anh sản xuất, có tác dụng ngừa 5 loại bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não/viêm phổi do vi khuẩn Hib gây ra) giống như Quinvaxem, cộng thêm ngừa bại liệt, có tỷ lệ tử vong sau tiêm còn cao hơn. Số liệu do hãng sản xuất công bố năm 2014 cho thấy, có 15 triệu mũi Infanrix Hexa đã được tiêm sau 12 năm sử dụng ở Ý, với 63 ca tử vong đột ngột trong vòng 20 ngày sau khi tiêm. (*Tiền phong (trang 7))

Thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm

Chiều 22-12, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) tổ chức họp báo thông tin về kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa lễ hội Xuân 2016.

Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, mục tiêu của Cục ATTP là sẽ giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết năm nay; thành lập các đoàn thanh kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã, phường, tăng số cơ sở được thanh tra kiểm tra hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong năm và có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu và các thành phố lớn. Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành từ nay đến tháng 3-2016.

Chú trọng phát hiện tình trạng vận chuyển thực phẩm bẩn để xử phạt, bởi đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải lên án, tránh để người tiêu dùng chịu thiệt. TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết, năm 2016 sẽ ưu tiên công tác thanh, kiểm tra và hàng tuần sẽ công khai các doanh nghiệp vi phạm. (*Hà Nội mới, Công an Nhân dân (trang 7))

Thông tuyến khám chữa bệnh: Bệnh nhân thêm cơ hội lựa chọn

Từ 1.1.2016, cánh cửa khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu sẽ rộng mở trong phạm vi từng tỉnh. Để không mất bệnh nhân, các bệnh viện phải tự nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, các bệnh nhân cũng đừng vội mừng...

 Bó đũa khó chọn… cột cờ

Nghe tin về thông tuyến khám chữa bệnh, ông Nguyễn Văn Tí (47 tuổi, Hải Hậu, Nam Định) cho biết, ông rất mừng khi có nhiều cơ hội lựa chọn nơi khám chữa bệnh (KCB) hơn. “Trước đây, quy định ép dân phải đăng ký BHYT ban đầu ở ngay tại nơi cư trú là tuyến xã. Tuy nhiên, phòng khám sơ sài, bác sĩ chỉ có cái ống nghe, máy siêu âm thì đen trắng, màn hình bé tí tẹo, hình mờ nhạt nên chúng tôi không tin tưởng lắm. Vì thế, ít người trong xã mua BHYT ở xã, hoặc có mua cũng vượt tuyến lên huyện, lên tỉnh. Giờ được lựa chọn nơi khám, tôi sẽ lên huyện để khám - nơi đó cơ sở vật chất mới, máy siêu âm màu, có bác sĩ chuyên khoa sẽ khám và điều trị tốt hơn”.

Ông Trần Trọng Hoà (Định Hóa, Thái Nguyên) cũng cho biết, ông đăng ký KCB BHYT ban đầu ở bệnh viện huyện nhưng mỗi lần đi khám cũng đông bệnh nhân, cơ sở thì cũ kỹ, nhìn cũng thấy ngại ngần. “Nếu được thông tuyến sang cơ sở y tế tương đương, tôi sẽ sang phòng khám đa khoa tư nhân ngay cạnh đó. Mấy lần tôi khám dịch vụ họ đều phục vụ rất tốt, không phải chờ đợi” – ông Hoà cho biết.

Tuy nhiên, ông Tí cho hay, hiện nay người dân vẫn bị “trói buộc” nơi đăng ký BHYT ban đầu theo địa phương cư trú. Vì vậy, nếu các cơ sở y tế tương đương trong tỉnh (trạm y tế xã hoặc bệnh viện huyện) mà có chất lượng KCB chẳng khác gì nhau thì cho dù “thông tuyến” bệnh nhân cũng chẳng có nhiều cơ hội lựa chọn. “Các cơ sở y tế sàn sàn như nhau, bệnh nhân không hài lòng cũng chẳng có cơ hội lựa chọn khác. Điều này chẳng khác nào câu chuyện “bó đũa chọn cột cờ”. Do đó theo tôi, đã thông tuyến thì người dân có quyền vượt khỏi địa phương để lên thẳng các cơ sở y tế tỉnh khác hoặc lên T.Ư để đăng ký KCB ban đầu” – ông Tí đề nghị.

Nhất trí với quan điểm này, ông Vũ Bá Cương – nguyên Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Nam Định cho biết, chính sách thông tuyến sẽ đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân nếu như các chính sách đầu tư khác cũng phát triển đồng bộ như tăng giá viện phí, đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, nhân lực cho y tế cơ sở… “Chất lượng KCB không chỉ bệnh viện cố gắng là đủ. Nếu như thông tuyến không cẩn thận sẽ khiến “nước chảy chỗ trũng”, bệnh nhân đổ đến những cơ sở y tế có chất lượng KCB tốt. Điều này sẽ khiến tuyến trên quá tải, tuyến dưới ế ẩm, lãng phí” – ông Cương cho biết.

Chưa thấy áp lực

Theo ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), BHXH Việt Nam đã có văn bản yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố triển khai các nhiệm vụ về BHXH, BHYT, trong đó có nhiệm vụ triển khai việc thông tuyến KCB từ ngày 1.1.2016. Theo đó, BHXH các tỉnh lập danh sách các cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện và các phòng khám tương tương có đăng ký KCB BHYT ban đầu.

Theo Luật BHYT, từ 1.1.2016, người dân trong 1 tỉnh có quyền lựa chọn nơi KCB ban đầu của mình ở bất cứ cơ sở y tế nào ở tuyến xã, huyện hoặc các phòng khám đa khoa khu vực. Đồng thời công khai, minh bạch quyền lợi, mức hưởng của người tham gia BHYT… “Mục tiêu cuối cùng là tăng cơ hội lựa chọn cho người bệnh, đồng thời buộc các cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng KCB để thu hút bệnh nhân” – ông Sơn nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Thành – Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thái Nguyên không lo lắng về việc các bệnh nhân sẽ bỏ nơi đăng ký KCB ban đầu để tìm đến cơ sở có chất lượng tốt hơn. Ông Thành cho biết, cả tỉnh có gần 200 trạm y tế xã và phòng khám tương đương, 10 đơn vị y tế huyện. Các cơ sở y tế đều đã được “lên giây cót” để chuẩn bị cho việc thông tuyến khám chữa bệnh từ 1.1 tới nhưng cũng không đến mức căng thẳng.

“Nơi đăng ký KCB ban đầu sẽ khám, điều trị các bệnh cơ bản, đơn giản, không cần phải đi lại xa xôi, mất thời gian. Còn nếu bệnh nặng sẽ được chuyển tuyến. Do đó, người dân sẽ lựa chọn nơi đăng ký KCB ở nơi thuận tiện nhất nên chắc sẽ yên ổn đi khám tại nơi mình đăng ký chứ không “chạy loạn” – ông Thành cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Nhìn (Trạm Y tế xã Phú Hoà, huyện Lương Tài, Bắc Ninh), cơ sở y tế xã vẫn được đầu tư sơ sài nên chưa thể có sức cạnh tranh với các bệnh viện tuyến huyện, phòng khám đa khoa, chỉ có mỗi lợi thế là gần nhà. Ở Trạm y tế xã Phú Tài cũng quản lý, chăm sóc sức khoẻ gần 2.000 thẻ BHYT, mỗi tháng có hơn 350 lượt người dân đến KCB. Tuy nhiên, trạm cũng chỉ có máy điện tim, máy siêu âm đen trắng, chưa có máy xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu.

“KCB là việc trạm y tế chúng tôi sẽ cố hết sức. Còn việc cạnh tranh để giữ bệnh nhân thì có lo cũng không tới vì trạm y tế xã sẽ thua bệnh viện huyện rất nhiều. Chưa kể đến máy móc sơ sài, trình độ bác sĩ tuyến xã cũng không chuyên sâu, các kỹ thuật mà xã được phép triển khai cũng rất ít, làm sao thu hút được như bệnh viện” – ông Nhìn chia sẻ. (*Nông thôn Ngày nay (trang 5))

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang