Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/2/2016

  • |
T5g.org.vn - Tạm ngưng thi công bệnh viện 3.000 tỉ đồng; Thuốc quá hạn trên thị trường: Người sử dụng "tiếp tay" cho sai phạm

Tạm ngưng thi công bệnh viện 3.000 tỉ đồng

Ngày 22-2, ông Lê Hoàng Anh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, đại diện chủ đầu tư - xác nhận thông tin tạm ngừng thi công dự án xây mới bệnh viện đa khoa 1.200 giường của địa phương này để chờ Bộ Xây dựng kết luận nguyên nhân gây nghiêng hàng loạt trụ móng công trình. Theo ông Hoàng Anh, quá trình ép cọc bêtông trụ móng của dự án vừa hoàn thành, nhà thầu thi công chuẩn bị đổ đà thì phía tư vấn giám sát phát hiện nhiều trụ móng bị nghiêng lệch tâm. Sự việc sau đó được báo cáo khẩn cho UBND tỉnh Kiên Giang và các đơn vị liên quan. Trong lần làm việc gần đây nhất, đại diện Bộ Xây dựng đã yêu cầu tạm ngưng thi công, chờ cơ quan này kết luận nguyên nhân gây nghiêng trụ móng do đâu rồi mới có hướng xử lý.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phương Đức Trường - giám đốc Công ty TNHH xây dựng Trường Phát, nhà thầu chính của dự án - cho biết tổng số trụ móng của bệnh viện này là 987, trong đó 136 trụ bị nghiêng. Theo ông Trường, hiện nhà thầu thi công đã báo cáo Bộ Xây dựng 3 phương án xử lý. Một là thử tải, nếu trụ vẫn còn khả năng chịu tải đủ 70% trở lên thì mở rộng hố móng ép bổ sung. Hai là khoan nhổ các trị nghiêng lên, đổ cát xuống và ép lại từ đầu. Ba là cứ để nguyên hiện trạng, mở rộng hố móng rồi ép thêm trụ. Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang được khởi công vào cuối tháng 4-2015. Công trình có tổng mức đầu tư 2.929 tỉ đồng, sử dụng chủ yếu nguồn vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản (Tuổi trẻ trang 4).

 

Những sáng chế của anh tài xế bệnh viện

Hơn 9g sáng, khu khám bệnh Bệnh viện Tim mạch TP. Cần Thơ đông nghịt người. Mọi ánh mắt đổ dồn về góc sảnh phía trong, nơi đặt bàn do huyết áp- công đoạn mà nhiều người phải trải qua trước khi được hướng dẫn đến từng buồng khám. Rất nhanh và nhiệt tình, người nữ điều dưỡng lần lượt tiếp nhận từng bệnh nhân, quán túi hơi vào bắp tay, áp ống nghe lên động mạch ở khuỷu  tay, rồi chăm chú ghi nhận các thong số về huyết áp… “Trước đây bệnh viện sử dụng thiết bị đo huyết áp thủ công, muốn làm phồng túi hơi chúng tôi phải dùng tay bóp bóng cao su liên tục, giờ chỉ cần chuyển qua thiết bị đo huyết áp cải tiến, chỉ cần một cú kích chân nhẹ nhàng lên cóc điện là xong. Nhờ vậy, thao tác nhanh hơn, mỗi ngày có thể đo huyết áp cho hàng trăm bệnh nhân cũng thấy nhẹ nhàng, và quan trọng hơn là bệnh nhân thấy thoải mái, không phải mất thời gian chờ đợi lâu”- điều dưỡng Nguyễn Thụy Thanh Tâm, người có hơn 15 năm trong nghề, đưa ra nhận xét về thiết bị đo huyết áp cải tiến- công trình vừa được trao giải nhất tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật TP Cần Thơ năm 2015. Càng bất ngờ hơn khi biết tác giả của công trình này là anhh Nguyễn Lê Long Định (46 tuổi), lái xe của Bệnh viện tim mạch TP. Cần Thơ (Tuổi trẻ trang 18).

 

Thuốc quá hạn trên thị trường: Người sử dụng "tiếp tay" cho sai phạm

Trước tết Nguyên đán Bính Thân, Hà Nội phát hiện đường dây "lên đời" thuốc quá hạn thành thuốc còn hạn và tuồn vào các cửa hàng thuốc. Trong khi người kinh doanh làm ăn gian dối thì người tiêu dùng lại không có thói quen kiểm tra hạn sử dụng trên sản phẩm.

Thô sơ "khó tin"

Trước Tết, đội kiểm tra liên ngành TP Hà Nội đã đồng loạt kiểm tra 3 cửa hàng thuốc tây thuộc cùng một hệ thống có địa chỉ ở số 11A An Dương (Tây Hồ), số 20 Nguyễn Biểu và 129 Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội), phát hiện và thu giữ trên 500.000 đơn vị thuốc các loại hết hạn sử dụng đã bị tẩy xóa, sửa hạn sử dụng. Chủ của các cửa hàng trên là bà Trần Thị Ánh Tuyết (SN 1966, trú tại phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Thủ đoạn nâng hạn thuốc hết hạn sử dụng của "bà trùm" Ánh Tuyết rất đơn giản, chỉ bằng kéo, dao dọc giấy, bút và cồn. Đối với thuốc tân dược có hạn sử dụng in trên hộp giấy, hộp thiếc, Tuyết đã cho tẩy xóa, cạo ngày in trên vỏ hộp thành còn hạn sử dụng. Với thuốc đóng trong vỉ, có ngày sử dụng dập chìm thì Tuyết cắt phần ngày tháng đó đi. Người mua thường ít khi xem xét kỹ vỉ thuốc khi mua nên khó phát hiện thuốc còn hạn sử dụng hay không.

Theo cơ quan chức năng, để tạo mạng lưới tiêu thụ thuốc hết hạn, Tuyết đã mở hơn 30 cơ sở bán thuốc tại nhiều khu dân cư đông đúc. Thủ đoạn này đã kéo dài nhiều năm và khó có thể ước đoán được bao nhiêu triệu đơn vị thuốc quá hạn đã được bán ra ngoài thị trường, gây thiệt hại cả về kinh tế và sức khỏe của người dùng.

Giáo sư Hoàng Tích Huyền, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược lý (Đại học Y Hà Nội) cho biết, hoạt chất gì cũng chỉ có thời hạn sử dụng nhất định. Nếu dùng sản phẩm quá hạn thì thuốc sẽ biến chất, tác dụng chữa bệnh không còn, thậm chí làm gia tăng các tác dụng phụ của thuốc hoặc biến thành chất độc hại, nguy hiểm đến sức khỏe. "Đó là chưa kể khi người bệnh dùng thuốc quá hạn, giảm tác dụng trị bệnh, bệnh không khỏi mà còn nặng hơn. Lúc đó, việc điều trị khó khăn hơn, thậm chí bệnh nhân tử vong. Thuốc quá hạn cũng gây ra nhờn thuốc, kháng thuốc. Tác hại của việc kháng thuốc sẽ lâu dài và nghiêm trọng, nhất là với trẻ em. Khi kháng thuốc kháng sinh, bệnh nhân sẽ phải dùng kháng sinh thế hệ cao hơn, bệnh khó trị hơn, tốn tiền hơn, thậm chí tử vong vì không còn thuốc chữa" - Giáo sư Hoàng Tích Huyền phân tích. Đáng nói, đây không phải lần đầu cơ quan chức năng bắt giữ được thuốc hết hạn sử dụng được bán ra thị trường. Trước đó, tháng 9-2015, 38kg tân dược hết hạn sử dụng được trà trộn vào thuốc còn hạn tại một nhà thuốc ở An Giang cũng đã bị thu giữ. Tháng 4-2014, tại thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, Thanh Hóa, qua kiểm tra một nhà thuốc, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 160 loại thuốc và 25 loại thực phẩm chức năng hết hạn sử dụng từ năm 2011, 2012, 2013 nhưng vẫn được bày bán. Không thể đếm được đơn vị thuốc, cơ quan chức năng đã đem thuốc này cân lên, nặng tới hơn 200kg.

Người dân bối rối

Đọc được thông tin về thuốc hết hạn bị "phù phép", chị Phạm Thị Hạnh (quận Tây Hồ, Hà Nội) giật mình lo ngại. Chị cho biết, đã nhiều lần mua thuốc ở địa chỉ 11A An Dương (Tây Hồ) - nhà thuốc vừa bị kiểm tra và phát hiện nhiều thuốc quá hạn bị "lên đời". "Có lần tôi mua thuốc theo đơn của bác sĩ, có lần không. Chẳng bao giờ tôi để ý đến dòng chữ nhỏ tý ghi ngày tháng trên bao bì nên cũng chẳng biết lần nào mua phải thuốc quá hạn. Tôi cứ nghĩ người làm ngành Y, Dược, liên quan đến sự sống chết của con người sao còn ăn gian, làm dối. Nào ngờ…" - chị Hạnh chia sẻ.

Dược sĩ Nguyễn Huy Am - nguyên Trưởng khoa Dược (Bệnh viện 198) cho biết, người Việt Nam có thói quen xấu là mua thuốc không cần đơn thuốc, khi ốm là ra ngoài hàng "mua đại" vài viên thuốc, người bán lấy lẻ vài viên, cắt rời vỉ thuốc. Các nhà thuốc gian dối đã lợi dụng chính điều này để tuồn thuốc quá hạn cho người bệnh. "Thậm chí người ta chẳng cần cạo, sửa ngày làm gì cho mệt. Cứ vô tư đưa vài viên thuốc theo yêu cầu của người dân, làm gì có ngày tháng mà kiểm tra. Thuốc mua về uống luôn, cũng chẳng có hóa đơn, lấy bằng chứng nào để phát hiện hay tố cáo" - dược sĩ Am phân tích.

Hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế, những loại thuốc cận ngày sử dụng thì công ty sản xuất, phân phối phải có trách nhiệm thu hồi và tiêu hủy. Đồng thời, cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải ngừng phân phối và trong thời gian không quá 5 ngày, phải thông báo thu hồi đến tất cả các cơ sở phân phối, đơn vị sử dụng đã mua thuốc và báo cáo về cơ quan quản lý trong vòng 30 ngày. Thực tế, các cửa hàng thuốc đã mua thuốc về rồi thì việc tiêu hủy thuốc quá hạn tùy thuộc vào sự tự giác của họ. Chẳng ai biết cửa hàng này đã bán được bao nhiêu thuốc, có tiêu hủy thuốc quá hạn hay không. Lực lượng kiểm tra không thể hàng ngày "bới" hàng triệu đơn vị thuốc để tìm thuốc quá hạn được (Hà Nội mới trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang