Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/3/2016

  • |
T5g.org.vn - Đình chỉ lưu hành, thu hồi vaccine phòng bệnh dại Lyssavac N; Vụ nữ sinh bị cưa chân: Bộ Y tế nói chỉ là sự cố y khoa; Cần đưa quy định quản lý thực phẩm chức năng vào Luật Dược; Thiếu nước sạch, người dân Kon Tum đổ bệnh đường ruột

Đình chỉ lưu hành, thu hồi vaccine phòng bệnh dại Lyssavac N

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản 1161/SYT-NVD thông báo đình chỉ lưu hành vaccine phòng bệnh dại Lyssavac N. Đây là vaccine do Công ty Cadila Healthcare Ltd. (Ấn Độ) sản xuất, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu y tế TP.HCM nhập khẩu, Công ty Cổ phần Vaccine và sinh phẩm Nam Hưng Việt ủy thác nhập khẩu. Trước đó, đoàn thanh tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kiểm tra tại Công ty Cadila Healthcare Ltd. và khẳng định, cơ sở sản xuất không đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn GMP.

Các lô vacicne Lyssavac N bị đình chỉ lưu hành và thu hồi là RO 107, hạn sử dụng tháng 7-2017; RO 114, hạn sử dụng tháng 6-2017; RO 117, hạn sử dụng tháng 6-2017. Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã, các cơ sở y tế trên địa bàn khẩn trương rà soát, thu hồi vaccine Lyssavac N có các số lô nêu trên và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Y tế trước ngày 31-3 (An ninh thủ đô trang 8, Thanh niên trang 5).

Vụ nữ sinh bị cưa chân: Bộ Y tế nói chỉ là sự cố y khoa

Ngày 22.3, GS-TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế đã có thông tin chính thức về hai vụ việc lớn đang được dư luận quan tâm hiện nay là vụ nữ sinh Hà Vi bị hoại tử phải cưa chân ở Đắc Lắc và vụ bà Trần Thị Là tử vong sau ca mổ chân ở Đà Nẵng.

Theo ông Tiến, ngay cả những nước có nền y tế phát triển, quy trình chặt chẽ vẫn có thể xảy ra sự cố, Việt Nam không phải ngoại lệ. Tuy nhiên vừa qua một số thông tin báo chí cũng chưa thật chuẩn xác khiến người dân hoang mang, y, bác sĩ trong ngành cũng tâm tư. Vừa qua có hai trường hợp. Trường hợp bà Trần Thị Là ở Đà Nẵng thì chúng tôi phải nói thế này, đó là trường hợp gãy xương rất phức tạp, mỡ xương có thể đi vào máu gây tắc mạch máu mà nguy hiểm nhất là tắc mạch phổi. Đa số các trường hợp tử vong là tắc mạch phổi. Với những ca gãy kín, phức tạp thường không bao giờ tiến hành mổ ngay mà phải chờ các chuyên gia giỏi bởi nguy cơ mất máu nhiều và cố định khó.

Dư luận đặt câu hỏi là tại sao phải chờ đến 9 ngày mới mổ? Thứ trưởng Tiến cho rằng là có đến Việt Đức - Hà Nội (bệnh viện chuyên chấn thương chỉnh hình) thì cũng phải chờ khoảng thời gian đó.

Ở trường hợp nữ sinh phải cưa chân ở Đắc Lắc, có ý kiến cho rằng đó là do yếu tố chuyên môn. Nhưng Thứ trưởng Tiến cũng phải nói rằng, trong những trường hợp như vậy là khá đặc biệt, kiểu hoại thư sinh hơi. Với biến chứng này thì có khi bệnh nhân bị tháo khớp đến háng rồi nhưng vẫn tử vong vì lên rất nhanh. Thực tế thì trường hợp Hà Vi chúng tôi cũng xác định là may mà còn sống được. Khi sự cố xảy ra thì chúng tôi cũng tiến hành kiểm điểm để tìm ra nguyên nhân. Thứ nhất là năng lực y, bác sĩ chưa đáp ứng được, không xử lý được. Thứ hai có thể do yếu tố bệnh nhân sốc phản vệ. Thứ ba là thiếu trang thiết bị. Thứ tư là thiếu tinh thần trách nhiệm. Tới đây Bộ y tế sẽ có chương trình điều các y bác sỹ giỏi xuống hệ thống y tế cơ sở, kể cả trang bị thiết bị y tế hiện đại để người dân có thể tiếp cận được tiến bộ khoa học nhằm giảm thiểu tối đa những sự cố y khoa (Lao động trang 3).

Cần đưa quy định quản lý thực phẩm chức năng vào Luật Dược

Có mặt tại Việt Nam mới khoảng 10 năm nhưng hiện đã có tới 10.000 mặt hàng thực phẩm chức năng (TPCN) với gần 1.800 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN. Trong khi thị trường TPCN phát triển nhanh chóng thì công tác quản lý lại còn nhiều khoảng trống. Vì thế, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị bổ sung các quy định về quản lý TPCN vào Dự thảo Luật Dược sửa đổi. Sau khi lấy ý kiến vào cuối năm 2015, Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đang tiếp tục lấy ý kiến của các đoàn Đại biểu Quốc hội đối với Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp đang diễn ra. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, bất cập trong quản lý TPCN dẫn đến sự “bát nháo” trên thị trường lâu nay, gây thiệt hại cho người tiêu dùng khi thổi phồng các quảng cáo về sản phẩm, cố tình gây hiểu nhầm cho người sử dụng khi nghĩ rằng TPCN là “thần dược”, có tác dụng chữa bách bệnh từ ung thư đến suy dinh dưỡng. Thế nhưng, sau chuỗi quảng cáo “hùng hồn” đó, thì cuối cùng lại có câu “đây không phải là thuốc, không có chức năng trị bệnh”, khiến người tiêu dùng không hiểu thế nào.

Bên cạnh đó là tình trạng TPCN giả mạo, không rõ xuất xứ được mua bán tràn lan trên mạng, trên thị trường, khiến người tiêu dùng không phân biệt được thật-giả. Không ít người bán hàng còn lợi dụng các kênh bán hàng đa cấp, núp bóng từ thiện tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí để tư vấn, tiếp thị, bán TPCN với giá cao, làm ảnh hưởng sức khoẻ và kinh tế của người dân… Hiện cũng chưa có phòng thí nghiệm để kiểm tra đánh giá công dụng ghi trên nhãn sản phẩm, chưa có dây chuyền sản phẩm TPCN chuẩn, mà chỉ là sản xuất trên dây chuyền sản xuất thuốc; cũng chưa quản lý được giá cả của hệ thống bán TPCN đa cấp, chưa quy định để phân định được TPCN và thuốc, dẫn đến tình trạng thuốc nhưng được đăng ký là TPCN để quảng cáo và bán không cần kê đơn.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM từng cho rằng, việc quản lý TPCN đang có khoảng trống về luật như quảng cáo quá lố, tiêu chuẩn sản phẩm thuốc được đăng ký thành TPCN để “né” các quy định. Vì thế, cần có chương riêng quy định chặt chẽ về quản lý mặt hàng này khi sửa luật.

Dư luận xã hội bức xúc trước tình hình bát nháo của thị trường TPCN và đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ là yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên việc quản lý TPCN được quy định bởi Luật An toàn thực phẩm, trong khi dự thảo Luật Dược sửa đổi nhằm điều chỉnh các hoạt động quản lý về thuốc và mỹ phẩm. Vì vậy, việc bổ sung các quy định về TPCN vào Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) cần phải xem xét để tránh chồng chéo về phạm vi điều chỉnh giữa các văn bản luật, đồng thời phải khắc phục được những khoảng trống mà các luật hiện hành chưa điều chỉnh. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: “Các đại biểu Quốc hội cho rằng, TPCN mặc dù được quy định trong Luật An toàn thực phẩm nhưng không rõ ràng, chỉ có vài định nghĩa rất đơn sơ, không đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay, không đủ tầm để quản lý cũng như hạn chế việc quảng cáo, lạm dụng TPCN đối với người bệnh, gây ra sự hiểu lầm của người bệnh...

Trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi) có điều: nghiêm cấm việc hiểu lầm hoặc tạo những điều khiến cho người dân hiểu lầm do quảng cáo, tiếp thị hay do tư vấn sử dụng sản phẩm không phải là thuốc. Như vậy, dự thảo đáp ứng được yêu cầu của đại biểu quốc hội là cố gắng có những quy định để hạn chế lạm dụng TPCN. Về lâu dài cần có Luật riêng về TPCN”.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cùng với mục tiêu giúp cho người tiêu dùng dễ dàng phân biệt thuốc với các sản phẩm không phải là thuốc (trong đó TPCN), hiện Ban soạn thảo Luật Dược sửa đổi đã bổ sung quy định: “Nghiêm cấm “thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể đối với các sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Ông Nguyễn Văn Tiên cho biết, những quy định trên được bổ sung Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) là phù hợp với thông lệ quốc tế và nhiều nước. Quốc tế quy định rất rõ ràng: Những gì không phải là thuốc thì không được sử dụng những từ chỉ có thuốc mới được sử dụng như “điều trị”, “phòng bệnh”, “điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể” (Công an nhân dân trang 4).

Thiếu nước sạch, người dân Kon Tum đổ bệnh đường ruột

Hàng chục người dân ở xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) bị bệnh đường ruột (tiêu chảy) trong vòng một tháng qua, nguyên nhân chính là do khô hạn, phải dùng nước sông suối không hợp vệ sinh. Sáng 21/3, trong lúc chính quyền huyện Sa Thầy vẫn đang tiến hành khảo sát để tìm nguồn cung cấp nước sạch thì tại Bệnh xá quân dân y kết hợp khu vực Mô Rai liên tục xuất hiện các bệnh nhân được đưa vào khám, điều trị tiêu chảy. Trong buổi sáng cùng ngày, sau khi một bệnh nhi được điều trị ban đầu, cho về nhà, thì bệnh xá lại tiếp nhận thêm 3 ca khác thuộc các đội sản xuất của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 78 (Binh đoàn 15) vào khám vào điều trị. Tất cả đều có triệu chứng về đường ruột. Theo anh Nguyễn Văn Dân, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nguyễn Huệ, bố của một bệnh nhân được điều trị tại bệnh xá cho biết: Bé bị tăng nhiệt độ, nóng bất thường, bắt đầu đi ngoài phân lỏng. Bác sỹ chẩn đoán cháu bị sốt và tiêu chảy.

Theo thống kê, hơn một tháng qua, bệnh xá đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 50 trường hợp bị bệnh tiêu chảy, trong đó riêng từ ngày 5/3 đến nay đã có tới 32 bệnh nhân. Làng Le là địa bàn “nóng” nhất, nơi đây có nhiều giếng cạn nước, nhiều bệnh nhân bị bệnh đường ruột. Lo lắng khi cả nhà có đến 4 người bị bệnh, già A Dói cho biết: Thời gian qua ở trong làng Le có nhiều trẻ con bị đau bụng, ỉa chảy do giếng nước trong dân cạn, người dân dùng nước suối để sinh hoạt.

Theo y sỹ Bùi Thị Hoan: Năm nay, thời tiết khô hạn kéo dài, dịch bệnh ở các làng diễn biến phức tạp hơn mọi năm, nhất là các bệnh liên quan đến đường ruột. Nguyên nhân là do chế độ ăn uống không đảm bảo, nước dùng thiếu, người dân phải dùng nước sông, nước suối nhiều nên ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá. Con sông Sa Thầy, nguồn cung cấp nước chính cho người dân bị hạn ở khu vực Mô Rai những ngày qua là “điểm hẹn” của người và gia súc ra chống nắng. Dưới lòng sông, suối cả người và heo, bò cùng tắm gây nên tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng. Mặc dù người dân đã đào các hố nhỏ ở dọc bờ sông để hứng nước từ lòng đất chảy ra; tuy nhiên, trên bờ, tình trạng mất vệ sinh diễn ra không kém phần nghiêm trọng dưới sông.

“Mặc dù chính quyền đã khảo sát và khuyến cáo dân không được dùng nước suối, đào giếng cạnh suối vì không đảm bảo vệ sinh nhưng do nắng hạn, nước giếng khô cạn nên dân phải dùng nước suối, đào giếng bên cạnh suối. Chính quyền nên nghiên cứu làm sao để dân có nước sạch, ngăn chặn bệnh ỉa chảy” - già làng A Dói kiến nghị. Mặc dù sự việc xảy ra cả tháng vừa qua, chính quyền huyện Sa Thầy đã đến tìm hiểu, khảo sát nhưng vẫn chưa có giải pháp triệt để để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Theo chị Tống Thị Nghĩa - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy, bên cạnh việc chỉ đạo Trung tâm y tế huyện lên xã, cấp thuốc khử trùng cho nước cho dân, huyện cũng đã có giải pháp đặt các téc nước miễn phí để phục vụ khẩn cấp cho bà con ở những vùng thiếu nước. Riêng các vùng ở xã Mô Rai sẽ đặt 3 đến 4 téc.

Trong lúc chờ các giải pháp trên đi vào thực tế, người dân Mô Rai vẫn phải sống nhờ vào nguồn nước không đảm bảo vệ sinh từ sông Sa Thầy (Baotintuc.vn, Gia đình & Xã hội trang 15).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang