Chứng nhận điện tử tiêm vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế
Ngày 22/3, Bộ Y tế tổ chức hội thảo triển khai chứng nhận điện tử tiêm vaccine phòng Covid-19 (hộ chiếu vaccine).
Để tiến hành việc cấp và theo dõi số lượng giấy xác nhận tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người dân bằng chữ ký số; triển khai việc xác nhận tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho đối tượng tham gia tiêm chủng, bảo đảm cho mỗi người dân đã tiêm chủng có giấy chứng nhận điện tử với đầy đủ các thông tin phù hợp thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho người dân khi nhập cảnh nước ngoài, Bộ Y tế đã ban hành Biểu mẫu và quy trình cấp giấy chứng nhận tiêm chủng điện tử.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Anh, Bộ Y tế sẽ triển khai chứng nhận điện tử tiêm vaccine phòng Covid-19 theo tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người dân trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), hiện còn gần 2,58 triệu đối tượng chưa được xác thực thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do vậy, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp Bộ Công an xây dựng kế hoạch bổ sung dữ liệu tiêm chủng; phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan sửa đổi về quy trình cấp chứng nhận điện tử tiêm vaccine phòng Covid-19 trên cả nước. Các đơn vị liên quan đang phối hợp đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc thí điểm việc ký số chứng nhận điện tử tiêm vaccine phòng Covid-19; xây dựng phần mềm bảo đảm sử dụng thuận tiện, an toàn bảo mật thông tin.
Ngày 22/3, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 130.735 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 130.731 ca ghi nhận trong nước, tại 62 tỉnh, thành phố; Sở Y tế Thái Bình đăng ký bổ sung 35.000 ca, Sở Y tế Hưng Yên đăng ký bổ sung 33.331 ca, Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 26.400 ca và Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 23.687 ca trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, đầy đủ thông tin. Trong ngày 22/3 cả nước có 186.137 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 65 trường hợp tử vong. Đến nay Việt Nam có 8.338.914 ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 4,47 triệu người được công bố khỏi bệnh và 42.014 trường hợp tử vong. Trong số những người bệnh đang điều trị có 4.225 trường hợp nặng phải thở oxy qua mặt nạ, thở oxy dòng cao HFNC, thở máy không xâm lấn, can thiệp tim phổi nhân tạo (ECMO)…
Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 cho biết, đến chiều 22/3, cả nước đã tiêm hơn 202 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó số lượng vaccine tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 184,7 triệu liều và số còn lại tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Đến nay Bộ Y tế đã phân bổ 204,8 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong tổng số 227,8 triệu liều vaccine đã tiếp nhận.
Bộ Y tế đánh giá Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa đại dịch sang hướng tới từng bước bình thường hóa với dịch Covid-19. Tuy nhiên, tỷ lệ ca bệnh nặng, tử vong ghi nhận hằng ngày vẫn ở mức cao; tỷ lệ mắc bệnh không đồng đều giữa các tỉnh, thành phố; đặc tính vi-rút SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện các biến thể... cho nên vẫn cần phải tập trung các biện pháp phòng, chống tích cực. (Nhân dân, trang 8)
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Chứng nhận tiêm chủng vaccine của Việt Nam theo tiêu chuẩn Châu Âu”; Tiền phong, trang 15: “Sắp cấp hộ chiếu vắc xin điện tử theo tiêu chuẩn Châu Âu”; Tuổi trẻ, trang 1: “Hộ chiếu vắc xin: Mỗi người một mã QR”
Hạ thân nhiệt chỉ huy cứu sống người ngưng tim, ngưng thở
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa cứu sống một bệnh nhân (BN) nam 34 tuổi bị ngưng tim, ngưng thở bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy. Hiện nay, BN đã hồi phục hoàn toàn, có thể sinh hoạt và làm việc bình thường.
BN là anh N.Đ.T (ngụ TP.HCM), trước đó sức khỏe hoàn toàn bình thường, đột ngột cảm giác mệt, tức ngực, khó thở; được gia đình đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM ngay trong đêm. Khi đến trước cổng bệnh viện thì anh T. bị ngưng tim. Sau khi được cấp cứu trong khoảng 30 phút thì tim đập trở lại, nhưng anh T. vẫn trong tình trạng hôn mê, phải thở máy.
Thông tin về trường hợp này, Th.S-BS Phan Thái Sơn, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết BN được điều trị hạ thân nhiệt để bảo vệ não, quá trình hạ thân nhiệt chỉ huy được tiến hành trong khoảng 96 giờ. Cùng với biện pháp hạ thân nhiệt chỉ huy, BN được hồi sức tích cực với thở máy, dùng các thuốc an thần và giãn cơ, kiểm soát huyết áp. Kết thúc liệu trình, BN đã tỉnh, trí nhớ phục hồi, không có dấu hiệu tổn thương thần kinh.
Theo kết quả nhiều nghiên cứu, BN sau cấp cứu ngưng tim còn hôn mê nếu không được hạ thân nhiệt bảo vệ não thì tổn thương não sẽ tiếp tục tiến triển, mỗi một giờ trôi qua không được điều trị hạ thân nhiệt thì tổn thương não sẽ tăng lên khoảng 20% và thường để lại di chứng về thần kinh nặng nề. Việc tiến hành hạ thân nhiệt chỉ huy được khuyến cáo thực hiện trong thời gian dưới 8 giờ sau khi ngưng tim mới hy vọng đem lại kết quả khả quan.
Th.S-BS Phan Thái Sơn khuyến cáo, theo thống kê có khoảng 70% người bệnh ngưng tim ngoại viện liên quan đến các bệnh lý tim mạch. Do đó, việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các bệnh lý nguy cơ như: tăng huyết áp, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid, béo phì… là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, việc duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp cũng sẽ giúp giảm bớt nguy cơ này. (Thanh niên, trang 15)
Cả nước có thêm 130.735 ca nhiễm Covid-19
Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 130.735 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 4 ca nhập cảnh và 130.731 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố (giảm 978 ca so với ngày trước đó).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Gia Lai (giảm 2.793 ca), Hà Nội (giảm 1.902 ca), Bắc Kạn (giảm 1.422 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Cao Bằng (tăng 646 ca), Lâm Đồng (tăng 620 ca), Hải Dương (tăng 599 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 153.717 ca/ngày.
Cụ thể, tính từ 16h ngày 21-3 đến 16h ngày 22-3, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 130.735 ca nhiễm mới, trong đó có 4 ca nhập cảnh và 130.731 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố (có 83.731 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (16.014), Phú Thọ (5.920), Nghệ An (4.820), Lào Cai (4.544), Hải Dương (4.219), Bắc Giang (3.949), Yên Bái (3.933), Vĩnh Phúc (3.892), Lạng Sơn (3.657), Tuyên Quang (3.569), Đắk Lắk (3.478), Bắc Ninh (3.473), Sơn La (3.338), Hưng Yên (3.327), Hòa Bình (3.324), Thái Bình (3.120), Cà Mau (3.053), Cao Bằng (2.910), Quảng Bình (2.882), Thái Nguyên (2.859), Quảng Ninh (2.682), Lâm Đồng (2.349), Bắc Kạn (2.262), Lai Châu (2.216), Điện Biên (2.204), Hà Giang (1.987), Bình Định (1.959), Quảng Trị (1.895), Hà Nam (1.809), Bến Tre (1.748), Tây Ninh (1.714), Nam Định (1.515), Bình Dương (1.512), Vĩnh Long (1.465), Ninh Bình (1.403), Kon Tum (1.283), Đắk Nông (1.217), thành phố Hồ Chí Minh (1.094), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.060), Trà Vinh (1.039), Bình Phước (1.033), Khánh Hòa (1.013), Quảng Ngãi (1.002), Hà Tĩnh (989), Thanh Hóa (979), Hải Phòng (776), Đà Nẵng (747), Phú Yên (739), Bình Thuận (672), Thừa Thiên Huế (632), Quảng Nam (348), Bạc Liêu (228), An Giang (161), Long An (150), Kiên Giang (146), Đồng Nai (98), Cần Thơ (96), Sóc Trăng (74), Ninh Thuận (57), Hậu Giang (50), Đồng Tháp (30), Tiền Giang (17).
Ngày 22-3, Sở Y tế Thái Bình đăng ký bổ sung 35.000 ca, Sở Y tế Hưng Yên đăng ký bổ sung 33.331 ca, Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 26.400 ca và Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 23.687 ca trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 8.338.914 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 84.367 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4-2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 8.331.240 ca, trong đó có 4.465.988 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.204.100), thành phố Hồ Chí Minh (585.328), Bình Dương (363.521), Nghệ An (356.071), Hải Dương (303.433).
Về tình hình điều trị, có thêm 186.137 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 4.468.805. Ngoài ra, hiện còn 4.225 bệnh nhân nặng đang điều trị.
Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 65 ca tử vong tại 30 tỉnh, thành phố: Hà Nội (5), Bắc Ninh (4), Cao Bằng (4 ca trong 2 ngày), Đồng Nai (4), Quảng Ninh (4), Bến Tre (3), Bình Dương (3), Hà Tĩnh (3), Hải Dương (3), Hậu Giang (3), Kiên Giang (3), Hà Nam (2), Nam Định (2), Nghệ An (2), Phú Thọ (2), Quảng Bình (2), Tây Ninh (2), Trà Vinh (2), Bắc Kạn (1), Bạc Liêu (1), Bình Thuận (1), Đắk Lắk (1), Điện Biên (1), Gia Lai (1), Hải Phòng (1), Lạng Sơn (1), Quảng Ngãi (1), Thái Nguyên (1), Thừa Thiên - Huế (1), thành phố Hồ Chí Minh (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 67 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.014 ca, chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm. (Hà Nội mới, trang 7)
Không thành lập thêm bệnh viện và các khoa điều trị COVID-19, hậu COVID-19
Không thành lập thêm các bệnh viện và các khoa điều trị COVID-19, hậu COVID-19 nếu người dân phát sinh bệnh lý gì có thể đến các bệnh viện hoặc khoa chuyên khoa để điều trị.
Đó là khẳng định của ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - tại tọa đàm "Hiểu đúng về hội chứng hậu COVID-19" do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 22-3.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đến từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Tâm thần TP.HCM, Đại học Y dược... chia sẻ cho người dân thực hành một số kỹ năng cơ bản để có thể tự chăm sóc sức khỏe tại nhà sau nhiễm COVID-19, bao gồm chế độ dinh dưỡng, vật lý trị liệu, chăm sóc sức khỏe - khám sức khỏe định kỳ, các hoạt động thể dục - thể thao...
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo những thói quen, cách sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng hay các bài trị liệu không đúng; một số nhóm "đối tượng đặc biệt, dễ bị tổn thương hay di chứng" sau khi nhiễm COVID-19, từ đó có biện pháp chăm sóc sức khỏe đúng cách.
Hiện nay, nhiều bệnh nhân sau khi nhiễm COVID-19 đã gặp các triệu chứng tồn tại dai dẳng, thậm chí phải quay trở lại bệnh viện để điều trị. Trong đó 3 triệu chứng hậu COVID-19 phổ biến nhất là mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy, có 33% - 76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.
Đánh giá thêm về vấn đề này, ông Lương Ngọc Khuê chia sẻ công luận và ngành y tế đang rất quan tâm đến các vấn đề hậu COVID-19. Theo ông, về nguyên tắc, đối với tất cả các bệnh bao giờ cũng trải qua các giai đoạn trước, trong và sau khi khỏi bệnh, thì hậu COVID-19 cũng thế.
"Vừa qua Bộ Y tế có chỉ đạo các bệnh viện trung ương, bộ ngành bổ sung các hướng dẫn về vấn đề tâm lý, điều trị cho người dân mắc phải các bệnh lý hậu COVID-19, đảm bảo thực hiện đúng các phác đồ điều trị cho từng loại bệnh lý" - ông Khuê nói.
Bên cạnh đó, ông Khuê khẳng định Bộ Y tế giao cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh thay đổi chiến lược điều trị hậu COVID-19. Tuyệt đối không thành lập thêm bệnh viện, các khoa điều trị hậu COVID-19.
Lý giải điều này, ông Khuê nói: "Bởi hiện nay ở các bệnh viện đều có sẵn các chuyên khoa, do đó hậu COVID-19 nếu suy giảm chức năng cơ quan nào thì người bệnh có thể đến khám, điều trị tại bệnh viện hoặc khoa chuyên khoa đó".
Liên quan đến vấn đề này, TP.HCM vừa cho ngưng hoạt động Trung tâm hồi sức COVID-19 tại TP Thủ Đức, để chuẩn bị tiếp nhận, điều trị bệnh nhân ung bướu.
Sở Y tế TP.HCM có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện cho Bệnh viện hồi sức COVID-19 bàn giao cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao và hồ sơ bệnh án khi tiến hành giải thể.
Song song với việc này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết các bệnh viện dã chiến và các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 của quận, huyện và tại các khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ được duy trì để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người nhiễm bệnh.
Ngành y tế TP cũng tiếp tục duy trì hoạt động bệnh viện dã chiến, thu dung điều trị COVID-19 số 13, 14, 16, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy duy trì 200 giường ICU mỗi bệnh viện, đảm bảo TP luôn sẵn sàng 1.000 giường. (Tuổi trẻ, trang 3)
Trẻ dưới 12 tuổi từng là F0, có cần tiêm vaccine phòng COVID-19?
Ngành y tế và các ngành chức năng liên quan đang gấp rút chuẩn bị sẵn sàng triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi; nghiên cứu việc tiêm cho trẻ từ 3-5 tuổi. Tuy nhiên có nhiều phụ huynh bày tỏ quan tâm trẻ đã là F0 có cần tiêm vaccine nữa hay không?
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho những người đã là F0: Cần thiết
Bé Nguyễn Ngọc M.K (9 tuổi, ở Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) vừa bị F0 khỏi được 10 ngày, mẹ của K- chị Lê Mai bày tỏ băn khoăn "tới đây tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tôi có nên cho con tiêm hay không?"
Cùng chung tâm lý của chị Mai, anh Nguyên (ở Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) đang có con học lớp 4 vừa bị F0 cùng gia đình đã khỏi cũng chia sẻ "người thì bảo không nên tiêm, người thì bảo nên tiêm. Vợ chồng tôi cũng băn khoăn quá".
Về vấn đề đang được nhiều phụ huynh quan tâm, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi TW cho biết, mắc COVID-19 chính là đưa virus tự nhiên vào cơ thể và cơ thể sẽ phản ứng để tạo ra các kháng thể để chống lại virus trong khoảng thời gian nhất định.
Ngành y tế và các ngành chức năng liên quan đang gấp rút chuẩn bị sẵn sàng triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi; nghiên cứu việc tiêm cho trẻ từ 3-5 tuổi
"Theo các nghiên cứu cũng tương tự như sau tiêm 3 mũi vaccine phòng COVID-19, khoảng thời gian lưu trữ được kháng thể chống lại virus dài nhất là 6-9 tháng. Do vậy, sau khi trẻ là F0 đã khỏi từ 3 tháng trở ra, phụ huynh có thể đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng COVID-19 để bổ sung nồng độ kháng thể trong cơ thể của các cháu"- PGS.TS Trần Minh Điển nói.
Cũng theo PGS.TS Trần Minh Điển: trong giai đoạn hiện tại, hiệu quả của vaccine phòng COVID được đánh giá là rất tốt trong việc giảm ca bệnh nặng và tử vong.
Đồng thời chuyên gia nhi khoa này cho biết thêm: Trong xu hướng tới đây, Tổ chức Y tế Thế giới rất mong muốn chúng ta phủ được rộng hơn nữa vaccine phòng COVID-19 ở nhóm tuổi thấp hơn nữa, nếu như có các nghiên cứu của các nhà sản xuất đưa ra các vaccine ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Bởi vì đây thực sự là nhóm trẻ yếu thế, hệ thống miễn dịch chưa đầy đủ. Biến chủng mới cũng chưa xác định rõ là như thế nào...
Tuy vậy, TS Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia nhấn mạnh: Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và hướng dẫn của Bộ Y tế, các trường hợp đã mắc COVID-19 hoặc nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng, khi hết thời gian cách ly có thể thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19.
Như chúng ta đã biết, một số trường hợp đã mắc COVID-19 có thể bị tái nhiễm do miễn dịch giảm hoặc do mắc chủng mới. Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 chú trọng giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong do bệnh. Vì vậy, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho những người đã từng mắc bệnh là cần thiết.
"Tuy nhiên, các gia đình có thể để cho trẻ có thời gian hồi phục sức khỏe sau khi mắc COVID-19 và có đáp ứng tốt với vaccine"- TS Huyền nói.
Theo dõi trẻ sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thế nào?
Trước quan tâm của nhiều gia đình về việc trẻ em từ 5- dưới 12 tuổi béo phì có nên tiêm vaccine phòng COVID-19 hay không? PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM nhấn mạnh: Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là việc hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ trẻ hơn là tác hại.
"Qua theo dõi nhiều tài liệu cho thấy trẻ em nhóm nguy cơ béo phì, bệnh lý bẩm sinh, sinh non, thiếu cân có nguy cơ tử vong cao, đặc biệt là khi chưa được tiêm vaccine. Song song với đó là những di chứng để lại như thế nào khi các cháu bị nhiễm COVID-19 thì rõ ràng còn quá mới, chúng ta vẫn chưa tìm hiểu và nghiên cứu được hết..."- TS Hùng nói.
Đồng quan điểm, TS Đặng Thanh Huyền nêu rõ, vaccine phòng COVID-19 hiện nay được tiêm chủng rộng rãi cho các đối tượng từ 5 tuổi trở lên, song những người có bệnh nền, béo phì... là nhóm được ưu tiên tiêm chủng vaccine này để giảm thiểu nguy cơ diễn biến bệnh nặng và tử vong.
Để giúp trẻ thoải mái hơn khi đi tiêm chủng và sau tiêm chủng, chuyên gia tiêm chủng khuyến cáo các gia đình hãy trao đổi với trẻ trước khi đi tiêm chủng. Cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi tiêm. Thực hiện quy định 5K tại điểm tiêm...
Sau khi tiêm chủng, cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng nghiêm trọng nếu có... Đồng thời các gia đình cần theo dõi liên tục sức khỏe của trẻ trong vòng 28 ngày sau tiêm, đặc biệt 48 giờ đầu.
1. Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
2. Không nên uống các chất kích thích ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng.
3. Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.
4. Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
5. Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có:
a. Sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.
b. Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất
Vaccine phòng COVID-19 loại nào, hàm lượng ra sao được tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi ở nước ta?
Bộ Y tế cho biết, nhiệm vụ trọng tâm là triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022-2023, trong đó tập trung chủ yếu các nội dung: bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 và chủ động cung ứng vaccine; Kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19;
Triển khai tiêm vaccine thần tốc để hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi (trừ các đối tượng chống chỉ định và chưa tới thời gian tiêm) trong quý I/2022; hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3/2022; chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi; nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 và trẻ dưới 5 tuổi…
Vaccine được tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là vaccine Pfizer. Trong quyết định sửa đổi vừa ban hành ngày 1/3, Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine Pfizer phòng COVID-19 liều 0,2 ml.
Trước lo lắng của nhiều phụ huynh về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sinh sản, di truyền hay các phản ứng lâu dài, PGS.TS Trần Minh Điển khẳng định vaccine COVID-19 không gây ảnh hưởng đến di truyền hay hệ sinh sản của trẻ.
Giám đốc Bệnh viện Nhi TW lý giải: Bản chất của vaccine này là các thành phần RNA thông tin – khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng.
Những ảnh hưởng ngay lập tức 5-7-10 ngày sau tiêm, chúng ta cũng không nên lo ngại vì cũng giống như các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8)
Chủ tịch Quốc hội gặp mặt các Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021
Chiều 21/3, tại nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp mặt các Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021.
Tham dự buổi gặp mặt còn có đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, GS. TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế, GS. TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, đồng chí Hà Anh Đức - Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, cùng các đại biểu và các thầy thuốc trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2021.
Hội Thầy thuốc trẻ có nhiều sáng kiến, đóng góp trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sáng kiến thành lập Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam.
Được thành lập từ năm 2009, với sứ mệnh đoàn kết, tập hợp đội ngũ thầy thuốc trẻ trong cả nước, góp phần bồi dưỡng, phát huy tiềm năng, tri thức, công sức của thầy thuốc trẻ phấn đấu cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đến nay Hội đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, làm tốt tôn chỉ, mục đích đã đặt ra.
Từ khi thành lập có 1.689 hội viên, đến nay có 86.813 hội viên. Hội đã thực hiện được nhiều hoạt động tình nguyện an sinh xã hội, tiêu biểu là Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, đã tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 1 triệu người dân mỗi năm. Hội đã thực hiện tốt vai trò đoàn kết, tập hợp lực lượng thầy thuốc trẻ Việt Nam, góp phần bồi dưỡng, phát huy tiềm năng, tri thức, công sức của thầy thuốc trẻ, phấn đấu cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ rất ấn tượng với những thành tích của các cấp Hội trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong năm 2021, năm vô cùng biến động với Việt Nam và thế giới. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp với hơn 450 triệu người nhiễm và hơn 6 triệu ca tử vong trên toàn thế giới. Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Hội đã có nhiều sáng kiến, đóng góp tiêu biểu như: Chương trình "Chung tay phòng chống COVID-19 – Vì một Việt Nam khỏe mạnh" đã huy động hàng trăm tỉ đồng nguồn lực xã hội hỗ trợ công tác phòng chống dịch; Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" đã thực hiện hàng triệu cuộc gọi và hỗ trợ điều trị hơn 50% số bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để tạo nên thành quả chung trong cuộc chiến chống đại dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, không thể không kể đến sự đóng góp to lớn của các hội viên ưu tú của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, điển hình là các Thầy thuốc trẻ tiêu biểu có mặt ở đây ngày hôm nay, những người đại diện cho lực lượng Thầy thuốc trẻ của cả nước, là điển hình của tinh thần xung kích trên tuyến đầu chống dịch, luôn tiên phong tình nguyện tham gia phòng, chống dịch tại những điểm nóng cam go nhất, khó khăn nhất.
Các thầy thuốc trẻ đã và đang thực hiện theo đúng lời Bác Hồ dặn "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên". Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước luôn ghi nhận và cảm ơn các thầy thuốc nói chung và thầy thuốc trẻ nói riêng, với tinh thần, nhiệt huyết và trí tuệ của mình, đã chung tay cùng đất nước đẩy lùi đại dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
"Hành trình chiến đấu với đại dịch hơn 2 năm qua là một chặng đường đầy dấu ấn của những trái tim tình nguyện, nhiệt huyết và sự sáng tạo không ngừng của tuổi trẻ. Hành trình này vẫn chưa kết thúc và sẽ còn nhiều gian lao, khó khăn trước diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 và những vấn đề hậu COVID-19, cần nhiều hơn nữa những nỗ lực để đáp ứng điều kiện "bình thường mới". Vì vậy, tôi mong lực lượng Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ quyết tâm hơn nữa, cố gắng hơn nữa, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để hoàn thành nhiệm vụ, đạt được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước giao phó, và để xứng đáng với sự tin tưởng của Nhân dân, với hình ảnh của người thầy thuốc Việt Nam", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam cần phải bảo vệ lợi ích, quyền chính đáng của hội viên, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho các y bác sỹ; phối hợp Bộ Y tế rèn luyện y đức.
Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiếp tục vận động các hội viên của mình phát huy tinh thần sáng tạo, rèn đức, luyện tài để tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí và tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Nhân rộng những mô hình, chương trình, phong trào hiệu quả như Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, huy động lực lượng y bác sĩ trẻ, tình nguyện viên cả nước tham gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà; Chương trình "Thầy thuốc trẻ vì sức khỏe cộng đồng" để lan tỏa trong xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cần tiếp tục phát huy uy tín của Hội để vận động, huy động hiệu quả nguồn lực đóng góp của xã hội, sử dụng đúng mục đích, cho đúng người, vào đúng thời điểm. Thông qua hoạt động của Hội, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết tương thân tương ái chung của cả xã hội, kêu gọi được sự chung tay của cả cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh; tích cực tổ chức các hoạt động tình nguyện tư vấn, chăm sóc sức khỏe nhân dân với những hoạt động thiết thực, ý nghĩa; trong đó đặc biệt quan tâm đến các đối tượng chính sách, hộ nghèo, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
"Phát huy vai trò của Tổ chức Hội, đẩy mạnh hoạt động tham mưu và phản biện đối với các chính sách, pháp luật về y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân tại Trung ương và địa phương, đặc biệt là đối với các dự án Luật của ngành dự kiến sẽ trình Quốc hội trong năm 2022 và các năm tiếp theo như dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật dự phòng. Việc sửa đổi này làm sao tạo một hành lang pháp luật rất công khai, minh bạch để cho các thầy thuốc yên tâm làm tốt công tác chuyên môn của mình. Chúng tôi đặt hàng cho các thầy thuốc trẻ. Bởi các thầy thuốc trẻ cũng vừa là đối tượng chịu tác động, vừa đóng vai trò phản biện chính sách, thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội của Tổ chức Hội, bảo vệ quyền lợi Hội viên" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hà Anh Đức - Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam mong Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa, động viên các thầy thuốc trẻ cả nước với các hình thức biểu dương khen thưởng phù hợp, đây là động lực to lớn để giúp cho các chiến sĩ áo trắng có thêm nhiệt huyết để cống hiến cho công tác Hội cũng như chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao tặng Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam 100 triệu đồng và tặng quà cho các thầy thuốc trẻ tiêu biểu. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).