Sốc, co giật sau uống thực phẩm chức năng oresol
Thay vì bù nước cho con bằng thuốc oresol theo đúng chỉ định của bác sĩ, cha mẹ lại cho con uống thực phẩm chức năng dạng oresol khiến trẻ cấp cứu vì tụt huyết áp, tiền sốc, co giật.
Theo lời kể của một người nhà bệnh nhi, đứa con 11 tháng tuổi của chị đang rất bụ bẫm, nhanh nhẹn nhưng chỉ sau hơn 1 ngày tiêu chảy thì môi nhợt, sốt, lả đi, chân tay lạnh ngắt. Trước đó, ngày 14/5, hai mẹ con chị đều bị tiêu chảy, chị có ra hiệu thuốc mua men và nước điện giải để bù nước.
Hai mẹ con uống hết 1 chai và 4 – 5 gói pha với 200ml nước trong gần 3 ngày thì thấy con lả đi, môi nhạt. Con mỗi ngày đi ngoài khoảng hơn 10 lần, nhất là sau khi ăn, uống sữa đi rất nhiều toàn nước. Gia đình vội đưa con vào viện cấp cứu, được chẩn đoán đoán mất nước độ 3 vì tiêu chảy cấp. Sau khi vào viện, trẻ vẫn tiếp tục sốt cao, co giật, và phải chọc dịch não tủy.
Theo các bác sĩ, đây chỉ là 1 trong 3 bệnh nhi vào viện cấp cứu vì mất nước nặng do tiêu chảy cấp thời gian gần đây. Đáng nói, cả 3 cháu vào viện trong tình trạng sốt cao mất nước độ 3, tụt huyết áp, tiền sốc, co giật. Cả 3 đều liên quan đến việc bù nước không đúng cách, bù nước bằng TPCN dạng oresol chứ không phải là thuốc oresol.
Hiện nay trên thị trường xuất hiện một loại TPCN công thức y như Oresol - vốn dùng bù nước cho trẻ tiêu chảy, được đóng gói dạng 10ml và được quảng cáo tốt hơn cả Oresol thông thường. Song theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai: "Oresol vốn là một loại thuốc dùng cho trẻ em bị tiêu chảy, thường được đóng gói để pha thành dung dịch 1000ml, 500ml, 200ml nhằm phù hợp với lứa tuổi. Đã uống Oresol là phải uống hàng trăm ml trở lên mới có tác dụng bồi phụ nước. Vậy mà loại TPCN này chỉ đóng gói dạng 10ml nhìn như thuốc, rất dễ gây nhầm lẫn cho người sử dụng. Trong trường hợp trẻ em bị tiêu chảy, mất nước trầm trọng mà lại sử dụng loại TPCN này sẽ không giải quyết được tình trạng mất nước mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng". (Tiền phong, trang 5)
Xét xử vụ chạy thận: Xảy ra chết người mới phân công nhiệm vụ?
Ngày 22/5, TAND thành phố Hòa Bình tiếp tục xét xử vụ án vô ý làm chết người khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình).
Không đấu thầu vẫn có hợp đồng
Tại tòa, các thẩm phán tiến hành xét hỏi đại diện Cty Thiên Sơn về nguồn gốc máy chạy thận và các hợp đồng liên quan. Theo cáo trạng, ngày 25/5/2017, ông Trương Quý Dương - nguyên GĐ BV Hòa Bình ký hợp đồng với Cty Thiên Sơn để sửa chữa hệ thống lọc nước RO dùng cho chạy thận. Cty Thiên Sơn đã không trực tiếp sửa chữa, ký lại hợp đồng với Cty xử lý nước Trâm Anh do bị cáo Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc. Bị cáo Quốc sau đó sửa chữa nhưng để tồn dư axit, khiến 9 bệnh nhân tử vong.
Tại tòa, đại diện Cty Thiên Sơn thừa nhận có ký hợp đồng với bệnh viện vào ngày 25/5/2017. Căn cứ trong hợp đồng dựa trên Luật đấu thầu nhưng thực tế, Thiên Sơn chỉ nhận báo giá của BV Hòa Bình, không tham gia đấu thầu.
Chủ tọa đặt câu hỏi, Thiên Sơn có bao giờ bị xử lý về các hợp đồng với BV Hòa Bình và Trâm Anh. Đại diện Cty đáp: “Ngày 29/5/2017 và đầu năm 2018, chúng tôi có nhận 2 quyết định của BV Hòa Bình về xử lý hành chính và không trả tiền cho Thiên Sơn theo hợp đồng. Chúng tôi không đồng ý với BV Hòa Bình nhưng chúng tôi thấy đây là quyết định hành chính. Chúng tôi sẽ xác định thiệt hại sau phiên tòa này, khởi kiện ở vụ án khác”.
Cũng theo vị này, tại BV Hòa Bình, có 13 trong số 19 máy chạy thận được Thiên Sơn lắp đặt hình thức xã hội hóa. Hiện tại, Cty Thiên Sơn đã bàn giao 8 máy, còn 5 máy thuộc sở hữu của Thiên Sơn. “Thiên Sơn đặt máy xã hội hóa ở bệnh viện, khi đủ ca chạy ví dụ 4.500 ca chạy thận và bệnh viện trả 1 khoản tiền nhất định thì máy thuộc sở hữu của bệnh viện” - đại diện Cty Thiên Sơn nói. Về việc “ăn chia” trong chạy thận, phía Thiên Sơn cho biết, hợp đồng quy định Cty hưởng 90%, BV Hòa Bình hưởng 10%.
Khai theo chỉ đạo của Trưởng khoa
Tại tòa, kiểm sát viên cũng hỏi ông Đinh Tiến Công - Điều dưỡng trưởng về việc ông này thay đổi lời khai, nói tại tòa đã ghi thêm nội dung nhiệm vụ của bị cáo Hoàng Công Lương vào sổ. Kiểm sát viên đề nghị ông Công xác nhận lời khai nào là đúng, vị này đáp: “Tôi xác nhận lời khai hôm qua là đúng”.
Về lý do thay đổi lời khai, ông Công cho rằng bản thân ông lúc đó chưa xác định được trách nhiệm của mình với việc ghi chép nội dung các cuộc họp. Việc ghi nội dung phân công nhiệm vụ cho Hoàng Công Lương được ông Công thực hiện dưới sự chỉ đạo của trưởng, phó khoa là các bác sĩ Hoàng Đình Khiếu và Hoàng Công Tình.
Được lên đối chất, ông Hoàng Đình Khiếu cho biết, ông là Phó giám đốc bệnh viện kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực. Khi sự cố xảy ra, nhiều giấy tờ và hồ sơ liên quan chưa hoàn thiện nên ông đã chỉ đạo cấp dưới hoàn tất những thủ tục còn dang dở. “Điều dưỡng Công ghi vào sổ như thế nào, cái đó tôi không biết” - lời ông Khiếu. Tuy vậy, ông Khiếu khẳng định có phân công bị cáo Lương phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo.
Mất bò mới lo làm chuồng?
Để làm rõ vấn đề quản lý Nhà nước, chủ tọa đã yêu cầu ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế trả lời một số câu hỏi. Theo ông Quang, Chính phủ đã có chủ trương cho phép xã hội hóa, liên danh liên kết trong các cơ sở công lập, Sở Y tế có thẩm quyền cấp phép hoạt động chạy thận nhân tạo đối với bệnh viện cấp tỉnh.
Về trách nhiệm của Bộ Y tế, ông Quang cho rằng: “Việc xã hội hóa đưa máy chạy thận vào bệnh viện, theo quy định công tác thanh tra kiểm tra hiện nay thuộc trách nhiệm của Sở Y tế. Thanh tra Bộ Y tế chỉ thanh tra các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Việc phân cấp này căn cứ vào Luật Thanh tra và Nghị định số 07 hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra”.
Chủ tọa đặt câu hỏi, thông qua sự cố chạy thận, Bộ Y tế có thấy trách nhiệm của mình trong công tác quản lý Nhà nước? Đại diện Bộ Y tế đáp: “Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã rà soát các quy định liên quan đến quản lý nói chung và quả thận nhân tạo, hệ thống RO nói riêng… Tháng 4/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành 52 quy trình trong đó có 7 quy trình liên quan đến lọc nước RO”.
Về lý do tháng 4/2018 mới ban hành quy trình về chạy thận, ông Quang cho rằng khi rà soát lại đã phát hiện quy trình sửa chữa, bảo dưỡng của các nhà sản xuất khác nhau. Bộ Y tế thấy cần có sự thống nhất và đã ban hành 52 quy trình nói trên.
Tiếp đến, luật sư Nguyễn Chiến đề nghị được hỏi ông Quang nhưng chủ tọa từ chối vì tòa chỉ triệu tập đại diện Bộ Y tế đến làm rõ vấn đề quản lý Nhà nước. Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Chiến nói: “Không cho luật sư hỏi có nghĩa chủ tọa đã ngang nhiên hạn chế quyền của luật sư. Theo nguyên tắc tranh tụng, luật sư phải thực hiện quyền của mình như đại diện VKSND và theo tinh thần cải cách tư pháp, một phiên tòa diễn ra phải đảm bảo dân chủ công khai và phải tạo điều kiện cho bên buộc tội cũng như bên gỡ tội thực hiện hết quyền của mình”. (Tiền phong, trang 11)
Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 5: “Xét xử vụ chạy thận khiến 8 người tử vong: Tòa công bố lời khai của nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình”
Ba trạm y tế tại Hà Nội đáp ứng yêu cầu mô hình điểm
Ngày 22-5, Đoàn khảo sát chất lượng y tế cơ sở hướng tới xây dựng 26 mô hình Trạm y tế điểm toàn quốc do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm Trưởng đoàn đã thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng khám, chữa bệnh, cơ sở vật chất tại 3 điểm trạm ở xã Minh Châu, Tân Hội, Tây Mỗ thuộc các huyện Ba Vì, Đan Phượng và quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Tham dự buổi kiểm tra có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý.
Qua kiểm tra thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cả 3 cơ sở đều bảo đảm yêu cầu thực hiện mô hình điểm, tuy nhiên, cần bố trí nhân lực phù hợp hơn để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng như đặc thù vùng miền, nhằm nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh.
Cụ thể, ở địa bàn miền núi như Trạm y tế xã Minh Châu và khu vực đồng bằng như Trạm y tế xã Tân Hội, cần xây dựng trạm y tế thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh ban đầu, phát huy mô hình y học cổ truyền, thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe và phòng chống dịch bệnh cho người dân.
Nằm ở địa bàn nội đô, Trạm y tế phường Tây Mỗ cần chú trọng công tác dự phòng, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tiêm chủng, khám sàng lọc... Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, các trạm y tế mẫu đạt chuẩn phải có phòng chờ cho trẻ tiêm chủng, cho người lớn đi khám, có quạt mát vào mùa hè…
Trên cơ sở kiểm tra khảo sát lần này, cuối năm 2018, Bộ Y tế sẽ tiến hành xây dựng một số trạm y tế mô hình điểm theo đặc thù vùng, miền tại Hà Nội và địa phương khác để người dân được thụ hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh tốt nhất ngay tại địa phương, giảm tải cho tuyến trên. (Hà Nội mới, trang 7)
Bác sỹ không chỉ lo chuyên môn mà còn phải nghĩ đến chuyện học võ
Sáng 22-5, Quốc hội thảo luận ở tổ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2017, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách những tháng đầu năm 2018...
Tham gia thảo luận, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) phát biểu, chưa bao giờ tình trạng người nhà bệnh nhân hành hung bác sỹ nhiều như thời gian qua. Thật trớ trêu là bác sỹ không chỉ lo chuyên môn mà còn phải nghĩ đến chuyện học võ. Để giải quyết tận gốc vấn nạn này cần tăng cường quản lý nhà nước, để bác sỹ chuyên tâm vào công tác cứu chữa người bệnh, không còn phải lo cơm áo gạo tiền nhằm giảm bớt bức xúc trong xã hội.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, bạo lực với cán bộ y tế đã thành phổ biến, thể hiện sự côn đồ, thích là đánh. Bên cạnh đó, tình trạng lãng phí gây hậu quả nghiêm trọng. Đại biểu ví dụ, có những dự án lớn, chỉ cần để chậm 1 năm thì đất đã tăng giá, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng đội lên lớn. Do vậy, phải nhận diện cho được lãng phí và biện pháp khắc phục.
Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhận định, thời gian qua nhiều vụ án tham nhũng trong mọi lĩnh vực đã bị phát hiện, xử lý, thể hiện quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tạo ra niềm tin lớn trong nhân dân. Tuy vậy, điều dư luận quan tâm là bên cạnh việc xử lý nghiêm cá nhân vi phạm cần có giải pháp hiệu quả thu hồi tiền, tài sản thất thoát.
Cho ý kiến về nội dung trên, Đại biểu Nguyễn Văn Được cho rằng, về chống tham nhũng, Trung ương thực hiện rất quyết liệt với quyết tâm cao, hệ thống các quy định về vấn đề này cũng không thiếu nhưng còn bị xem nhẹ, việc chấp hành luật pháp chưa nghiêm.
Cho ví dụ về vấn đề này, ĐB Nguyễn Văn Được phân tích, “Luật Giao thông đường bộ tuy có nhưng dường như chỉ để cho vui, ra ngoài đường mạnh ai nấy đi. Đi chợ, nhà hàng chúng ta sợ thực phẩm bẩn, mua thuốc điều trị sợ thuốc giả Con cháu đi học sợ bị bạo hành đánh đập, hãm hiếp. Tình trạng lạm quyền, tham nhũng còn diễn ra ở nhiều nơi. Để xử lý triệt để những vấn nạn này, mỗi ĐBQH cần tích cực giám sát, Chính phủ và các thành viên của Chính phủ cần tích cực, triệt để hơn nữa trong hành động, tránh tình trạng nói nhiều làm ít”.
Còn theo Đại biểu Lê Quân, chống tham nhũng liên quan khá nhiều đến đất đai. Do vậy cơ quan chức năng cần đánh giá tổng thể, làm tốt công tác quy hoạch về đất đai, tạo ra nguồn lực tốt để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nếu không sẽ tạo ra những bức xúc, gây mất công bằng xã hội.
Tham gia phát biểu thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc – Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nêu quan điểm, chỉ đạo của Trung ương trong phòng chống tham nhũng đã tạo ra động lực thúc đẩy các địa phương vào cuộc. Tại Hà Nội, công tác lãnh đạo chỉ đạo có chuyển biến, hiệu quả, lan tỏa trong các ngành tạo ra niềm tin trong nhân dân.
Kết thúc bài phát biểu, Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc đưa ra 5 kiến nghị. Thứ nhất, cần tiếp tục kiểm tra, tranh tra và xem xét trách nhiệm cá nhân. Trong phòng chống tham nhũng nên trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những vấn đề tiêu biểu. Thứ hai, ngoài phòng chống tham nhũng nên thực hành tiết kiệm từ thời gian, thủ tục hành chính đến sử dụng đất đai. Thứ ba, cần quan tâm đến vấn đề bổ sung, sửa đổi các quy định bất cập, rà soát lại chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Thứ tư, cần xem xét xử lý nghiêm vi phạm nhằm đảm bảo tính răn đe và giáo dục. Thứ năm, phải tiếp tục thực hiện cải cách hành chính. (An ninh Thủ đô, trang 3)
Bị cáo Hoàng Công Lương phủ nhận lời khai của nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình
Cuối phiên xét xử ngày 22-5, HĐXX đã công bố lời khai của ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Vật tư - Trang thiết bị y tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình về nội dung liên quan đến vụ án, và trách nhiệm các bị cáo. Tuy nhiên Bác sỹ Hoàng Công Lương đã bác bỏ toàn bộ lời khai này.
Ngày 22-5, TAND TP Hòa Bình bước vào ngày thứ 6 phiên xét xử vụ án Bác sỹ Hoàng Công Lương và 2 bị cáo khác liên quan đến sự cố chạy thận làm 9 người chết ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Trong phiên xét xử sáng nay, tòa tiếp tục phần xét hỏi đại diện Công ty Dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn). Trả lời trước Hội đồng xét xử (HĐXX), Luật sư (LS) Nguyễn Thị Đinh Hương, người đại diện Công ty Thiên Sơn cho biết, công ty này đã đặt máy chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình từ năm 2010. Từ cuối 2016, tới trước tháng 3-2017, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu Công ty Thiên Sơn lên Viện khảo sát hệ thống lọc nước RO 2, báo giá, đề xuất thay thế sửa chữa hệ thống này.
Hai bên đã ký kết hợp đồng số 315 vào ngày 25-5-2017 với nội dung "Cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống RO 2 cho Bệnh viện đa khoa Hòa Bình", gồm 10 mục. Trong đó có xét nghiệm chất lượng nước theo tiêu chuẩn AAMI, đây là tiêu chuẩn bắt buộc. Để thực hiện hợp đồng 315, Công ty Thiên Sơn liên lạc với bị cáo Bùi Mạnh Quốc, Giám đốc Công ty Trâm Anh do đây là “đối tác tin cậy” để thực hiện cung cấp các hạng mục trong hợp đồng.
Sau khi ký hợp đồng, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, Công ty Thiên Sơn vẫn giới thiệu Quốc là người của công ty này vì Quốc đã làm việc rất lâu với Công ty Thiên Sơn. Giữa Công ty Thiên Sơn và Công ty Trâm Anh đã ký hợp đồng số 5 cũng có nội dung giống y như hợp đồng số 315 giữa Công ty Thiên Sơn và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Bà Nguyễn Thị Đinh Hương khẳng định hợp đồng số 05 là hợp pháp.
Đại diện Công ty Thiên Sơn vẫn khẳng định việc giao kết hợp đồng số 05 chính thức vào 25-5-2017, ngay sau khi có hợp đồng 315 với bệnh viện. Công ty Thiên Sơn gọi điện cho Quốc để ký kết. Còn Quốc ký vào thời điểm nào, bằng hình thức gì thì Thiên Sơn không biết.
Bà Nguyễn Thị Đinh Hương cũng cho biết, đầu năm 2018, Công ty Thiên Sơn có nhận 2 quyết định của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong đó quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty Thiên Sơn và quyết định chấm dứt hợp đồng không trả tiền cho hợp đồng số 315.
“Quan điểm của công ty là không đồng ý với nội dung quyết định này, nhận thấy đây là quyết định hành chính giữa hai pháp nhân với nhau, có giao kết bằng hợp đồng. Chúng tôi sẽ xem xét thiệt hại sau vụ việc này, đồng thời xem xét nội dung vụ việc khởi kiện Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình ở một vụ án khác. Không đề nghị xem xét tại phiên toà hôm nay” - đại diện Công ty Thiên Sơn nói.
Theo đại diện Công ty Thiên Sơn, việc đi lấy mẫu nước để đi xét nghiệm gồm 3 bên chứng kiến là Đơn nguyên Thận nhân tạo - Công ty Thiên Sơn - Phòng Vật tư của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, sau đó niêm phong mẫu nước, đưa về xét nghiệm, trả kết quả. Có kết quả rồi giữa Công ty Thiên Sơn và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình mới làm biên bản bàn giao. Công ty Thiên Sơn làm nhiều hạng mục sửa chửa bảo dưỡng tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, chỉ khi nào có sửa màng lọc mới làm xét nghiệm nước AAMI.
Công ty Thiên Sơn cũng cho biết, năm 2014 đã từng xảy ra việc có xét nghiệm nhưng mẫu nước không đạt, đi xét nghiệm lại.
Cuối phiên xử sáng 22-5, HĐXX đã công bố bút lục 1056, ngày 25-7-2017, cơ quan điều tra ghi lời khai ông Trương Quý Dương. Khi được hỏi việc phân công nhiệm vụ của Khoa Hồi sức tích cực với Bác sỹ Hoàng Công Lương, Hoàng Công Tình, ông Trương Quý Dương có nắm được không? Ông Dương cho biết, qua các lần kiểm tra hay họp Ban Giám đốc Bệnh viện thì ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình có báo cáo cho biết Bác sỹ Hoàng Công Tình quản lý đơn nguyên Hồi sức tích cực, Bác sỹ Hoàng Công Lương phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo.
Sau khi HĐXX công bố lời khai này, khi được hỏi ý kiến phản hồi, bị cáo Hoàng Công Lương cho biết không đồng ý với phần lời khai của ông Trương Quý Dương về phân công nhiệm vụ. Bị cáo là bác sỹ điều trị tại đơn nguyên Thận nhân tạo, Khoa hồi sức tích cực, được sự phân công của trưởng khoa.
Ông Trương Quý Dương được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan tới vụ án lần này. Tuy nhiên, từ ngày đầu tiên phiên xử đến nay, ông này đều vắng mặt. Ngày 15-5, ông Dương cử người đại diện là luật sư Đỗ Quốc Quyền đến tham dự phiên tòa, tuy nhiên, luật sư Quyền cũng chỉ có mặt duy nhất ngày 16-5, còn sau đó liên tục vắng mặt. (An ninh Thủ đô, trang 9)
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Xét xử vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình: Trách nhiệm chung chung”; Báo Nông thôn ngày nay, trang7: “Xét xử vụ 9 bệnh nhân chạy thận tử vong: Công ty Thiên Sơn sẽ khởi kiện Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình”
Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc với UBND TP Hà Nội: Tăng cường y tế cơ sở để “hút” bệnh nhân đến trạm y tế
Ngày 22/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi kiểm tra thực tế hoạt động của một số trạm y tế và làm việc với UBND Thành phố Hà Nội về công tác y tế cơ sở trên địa bàn
Trước khi làm việc với UBND Thành phố Hà Nội về công tác y tế cơ sở trên địa bàn tại trụ sở UBND phường Tây Mỗ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi kiểm tra thực tế hoạt động của các trạm y tế Minh Châu (huyện Ba Vì), trạm y tế xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) và trạm y tế phường Tây Mỗ (Quận Nam Từ Liêm).
Báo cáo của UBND TP Hà Nội về việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển y tế cơ sở trên địa bàn thành phố cho biết, 100% các trạm y tế đều triển khai lồng ghép hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, hiện gói dịch vụ y tế cơ bản theo quy định tại Thoòng tư 39/TT-BYT từ tháng 2/2018 tại 100% các trạm y tế. Hầu hết các trạm y tế đều thực hiện được 60-80% số danh mục kỹ thuật theo Thoòng tư này. Toàn thành phố hiện đã lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 52% dân số.
Làm rõ thêm vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Hiền- Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thành phố, Sở Y tế đã phối hợp với các bên liên quan viết phần mềm để kết nối các phần mềm khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở y tế với Phần mềm quản lý sức khoẻ người dân để khi người dân đến khám bệnh là có toàn bộ Thoòng tin về sức khỏe của bản thân trước đó.
Tại buổi làm việc, ông Ngô Văn Quý yêu cầu Sở Y tế và các đơn vui liên quan rà soát, tiếp thu nghiệm túc các ý kiến mà Bộ trưởng và các thành viên Đoàn công tác đã chỉ ra. Hà Nội cũng đề nghị Bộ Y tế phối hợp với các bên liên quan nhanh chóng ban hành, ưu tiên thanh toán BHYT cho tuyến y tế cơ sở đồng thời có cơ chế tạo điều kiện cho bác sĩ trẻ mới ra trường về công tác tại tuyến xã có mức lương cơ bản cao hơn hiện nay để thu hút bác sĩ về làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trường yêu cầu khi Hà Nội xây dựng 3 trạm y tế hiện đại theo mô hình điểm của Bộ Y tế cần tái cấu trúc lại các phòng chức năng của trạm y tế, làm sao để khu khám bệnh phải rộng rãi, thoáng mát, người dân đến khám được ngồi thoải mái. Tại phòng khám có treo/ dán các nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe để người dân trong lúc chờ khám để người dân tiếp thu thông tin về phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe.
Đồng thời không tách phòng khám bác sĩ gia đình ra riêng mà phải lồng ghép chung trong các hoạt động khám chữa bệnh của trạm y tế. Đối với các phòng đẻ, chờ đẻ, sau đẻ... cần sắp xếp lại hợp lý tránh dàn trải như hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các trạm y tế tăng cường thêm hoạt động truyền thông và thăm khám về phòng chống bệnh không lây nhiễm. Có thể mời các chuyện gia hàng đầu của bệnh viện tuyến trên về thăm khám cho người dân. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh hoạt động khám chữa bệnh y học cổ truyền và phục hồi chức năng.
Về vấn đề 14% trạm y tế chưa có bác sĩ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến gợi ý Hà Nội cần luân phiên đưa cán bộ từ Trung tâm y tế hoặc bệnh viện về tuyến xã công tác.
Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu tiếp thu các kiến nghị của Hà Nội để có biện pháp tháo gỡ, trong đó có đề xuất hợp lý của các trạm y tế về gộp các phần mềm lại để khi xây dựng trạm y tế chuẩn mẫu phải đảm bảo khoa học, hiệu quả, tránh bất cập cho cơ sở khi triển khai. Bổ sung bàn ghế và biểu bảng đồng bộ và trang thiết bị phục hồi chức năng chuyên môn về y học cổ truyền và phối hợp với các đơn vị liên quan bổ sung thêm danh mục thuốc BHYT cho các trạm y tế để hút người dân về khám chữa bệnh tại trạm.
“Nâng cao chất lượng y tế cơ sở để người dân được thăm khám ngay tại địa phương không chỉ góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên mà còn giúp người dân đỡ vất vả khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Theo đó, trước mắt cần chuyển người bệnh mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường về địa phương theo dõi và nhận thuốc định kỳ.”- Bộ trưởng nhấn mạnh
Trước đó, sáng ngày 22/5, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm và kiểm tra công tác y tế cơ sở tại trạm y tế xã Minh Châu, huyện Ba Vì, trạm y tế xã Tân Hội huyện Đan Phượng và trạm y tế phường Tây Mỗ quận Nam Từ Liêm. Dành thời gian làm việc kỹ tại trạm y tế Minh Châu, Bộ trưởng đã đi kiểm tra tại các phòng chức năng, hỏi thăm người bệnh đang chờ khám tại đây.
Báo cáo với Bộ trưởng, đại diện trạm y tế Minh Châu cho biết hiện trạm có 7 cán bộ, trung bình mỗi ngày khám cho khoảng 8-10 bệnh nhân. Hiện trạm y tế này đang quản lý 172 bệnh nhân điều trị tăng huyết áp. Hiện số lượng sổ sách quá nhiều, kiến nghị gộp phần mềm BHYT với phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân để giảm nhân lực làm việc về nội dung này và các thao tác trên máy qua nhiều (hiện trạm có khoảng 70 sổ ghi các nội dung hoạt động khám chữa bệnh).
Bộ trưởng đánh giá cao việc trạm y tế vùng 3 này dành diện tích đáng kể để phục vụ công tác tiêm chủng- phòng chờ tiêm và phòng sau tiêm. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đây là mô hình trạm y tế chuẩn có y tế dự phòng, có bà mẹ sinh tại đây, có dinh dưỡng môi trường, có tiêm chủng... nhưng Bộ trưởng yêu cầu phải có cán bộ phụ trách y học cổ truyền.
Đồng thời cần tăng cường hoạt động truyền thông về giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho người dân. Về bố trí cơ sở hạ tầng của trạm y tế, Bộ trưởng cho hay hiện chưa hợp lý, cần bố trí thêm phòng truyền thông ở tầng 1, tầng 2 bố trí các phòng khám hợp lý hơn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)