Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/6/2016

  • |
T5g.org.vn - Xác minh thông tin bệnh nhân tử vong sau gây mê mổ ruột thừa; Bác sỹ làm việc sớm để bệnh nhân đỡ khổ; Dừng ký hợp đồng lao động với nhân viên y tế “nấu cháo” điện thoại…

Xác minh thông tin bệnh nhân tử vong sau gây mê mổ ruột thừa

Chiều 22-6, Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Sở Y tế Đắc Nông khẩn trương xác minh thông tin phản ánh về một trường hợp bệnh nhân tử vong sau gây mê để mổ ruột thừa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắc Nông vào ngày 21-6.

Trước đó, trên một số báo điện tử nêu, ngày 20-6, ông Tạ V., 50 tuổi, ở phường Nghĩa Thành (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông) vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắc Nông khám ruột thừa, được bác sĩ chuẩn đoán viêm ruột thừa cấp ngày thứ 3. Đến 13h30’ cùng ngày, bệnh nhân được đưa vào phòng mổ.

Sau khi tiêm thuốc mê, bệnh nhân V. lên cơn co giật, tim mạch có diễn biến theo chiều hướng xấu đi, kíp mổ đã tích cực cấp cứu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, đến rạng sáng 21-6, bệnh nhân diễn biến xấu hơn và tử vong.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế tỉnh Đắc Nông chỉ đạo bệnh viện Đa khoa tỉnh thành lập Hội đồng chuyên môn để xác định tập thể, cá nhân có hay không có sai sót chuyên môn. Đồng thời nghiêm khắc xử lý các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm), báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 6-7 tới.( An ninh thủ đô trang 4)

 

Bác sỹ làm việc sớm để bệnh nhân đỡ khổ

Ngày 20-6 vừa qua, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh chính thức triển khai khám bệnh từ 5h sáng thay vì 7h mới bắt đầu, song đây không phải là bệnh viện công đầu tiên khám bệnh sớm hơn thời gian hành chính.

Trước đó, để giảm tải, nhiều bệnh viện tại Hà Nội như Bạch Mai hay mới đây là Nhi Trung ương đã đi tiên phong trong cuộc “cách mạng” này. Từ hơn 2 năm trước, Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai khám bệnh từ 6h30 sáng, sau đó bệnh viện tiếp tục triển khai tổ chức khám bệnh vào cả ngày thứ 7, Chủ nhật, qua đó tình trạng quá tải của bệnh viện được cải thiện một bước đáng kể.

Trao đổi với chúng tôi, TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp – Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, chỉ cần đến khoa Khám bệnh của bệnh viện vào 6h30-7h sáng hàng ngày sẽ chứng kiến hàng trăm lượt bệnh nhân được khám bệnh thay vì phải xếp hàng lấy số rồi vật vờ ngồi đợi đến 7-8h mới được khám.

“Để triển khai chính sách này, 100% nhân viên y tế khoa Khám bệnh của bệnh viện đã ký cam kết tự nguyện đi làm từ 5h, 5h30 sáng hàng ngày, phía bệnh viện cũng có chế độ đặc biệt cho những nhân viên, y bác sĩ đi làm từ 5h, 5h30 sáng, tất cả đều phải nỗ lực hơn rất nhiều” – TS Dương Đức Hùng cho biết.

Mới đây, từ ngày 9-5-2016, khi miền bắc bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã chính thức triển khai khám bệnh từ 7h sáng, sớm hơn 1 giờ so với giờ làm việc thông thường. Thậm chí quầy làm thủ tục bảo hiểm y tế của bệnh viện còn bắt đầu làm việc sớm hơn, từ 6h30 sáng nhằm phục vụ người bệnh đến khám kịp thời.

Theo Ths.Bs Trương Thị Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh – Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện đã huy động và tăng cường các bác sĩ, điều dưỡng từ khu nội trú ra khoa Khám bệnh vào các buổi sáng cho những khoa có lưu lượng bệnh nhân đến khám đông. Ngoài ra, bệnh viện cũng có các phòng khám dịch vụ tự nguyện ngoài giờ khám sớm từ 6h sáng hoặc sau giờ làm việc (16h30 – 22h)…

Trao đổi với chúng tôi, TS Đỗ Mạnh Hùng, Trưởng phòng Truyền thông và Chăm sóc khách hàng - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm, trong thời điểm nắng nóng hiện nay, việc bệnh viện mở các phòng khám sớm sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho người bệnh, giúp bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi, được khám sớm hơn và có thể ra về sớm hơn, tránh phải ngồi đợi khám hoặc ra về vào thời điểm nắng nóng gay gắt sau 10h trưa.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho biết, muốn thu hút và giữ chân người bệnh, đặc biệt trong giai đoạn ngành y tế có những đổi mới về cơ chế tài chính hiện nay, không có cách nào khác là lãnh đạo các bệnh viện phải đổi mới tư duy, đổi mới công tác quản lý bệnh viện.

“Hiện nay, chính sách thông tuyến BHYT tại tuyến huyện được áp dụng và tới đây sẽ tiếp tục thông tuyến rộng hơn, giúp bệnh nhân có quyền lựa chọn bệnh viện tốt hơn để khám, chữa bệnh. Do đó, nếu không làm tốt công tác quản lý và đưa ra được những giải pháp thu hút người bệnh, chắc chắn sẽ không ít bệnh viện rơi vào cảnh vắng vẻ, thiếu bệnh nhân” – PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết.( An ninh thủ đô trang 4, Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh trang 7)

 

Dừng ký hợp đồng lao động với nhân viên y tế “nấu cháo” điện thoại

Bệnh viện Bạch Mai vừa báo cáo Bộ Y tế về việc xác minh, xử lý phản ánh của người dân về nhân viên Khoa Phụ Sản – Bệnh viện Bạch Mai “nấu cháo” điện thoại quá lâu trong giờ làm việc, khiến người bệnh bức xúc.

Kết quả xác minh cho thấy, hình ảnh nhân viên y tế bị phản ánh trên mạng xã hội và báo chí là điều dưỡng trung cấp Nguyễn Thị Nguyệt - hiện đang là học viên nâng cao tay nghề và đang thử việc tại Khoa Phụ sản chờ xét ký kết hợp đồng lao động. Kết quả xác minh cũng cho thấy, thời gian nghe điện thoại mà mạng xã hội gọi là “nấu cháo điện thoại” của học viên này khoảng gần 4 phút.

Bệnh viện Bạch Mai cũng đưa ra hình thức kỷ luật đối với điều dưỡng Nguyễn Thị Nguyệt  là: Dừng ký hợp đồng lao động, chuyển việc học tập sang vị trí khác để tiếp tục thử thách; Nghiêm khắc phê bình học viên Nguyễn Thị Nguyệt, nếu tái phạm với bất cứ hình thức kỷ luật nào sẽ bị chấm dứt học việc tại Bệnh viện.( An ninh thủ đô trang 6, Tiền phong trang 2)

 

Cả nước có trên 70 triệu người tham gia BHYT

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn vừa cho biết số người tham gia BHYT cả nước đến tháng 6-2016 là trên 70,8 triệu, tăng khoảng 0,83 triệu, tương đương với 1,2% so với năm 2015.

Hiện cơ quan BHXH đang tích cực triển khai để hoàn thành chỉ tiêu bao phủ 78% dân số có BHYT đạt theo Quyết định 1584/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Sơn cho biết thêm, qua hơn năm tháng thực hiện quy định về thông tuyến khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, người có thẻ BHYT đã thuận lợi hơn rất nhiều khi không cần giấy chuyển tuyến vẫn được KCB tuyến huyện. Các trường hợp đi làm xa, cư trú ngoại tỉnh được KCB BHYT đầy đủ tại các bệnh viện tuyến huyện mà không cần giấy xác nhận đăng ký tạm trú, giấy công tác.

Đồng thời, quy định thông tuyến giúp các cơ sở KCB có tinh thần thái độ phục vụ, chất lượng KCB tốt thu hút được nhiều bệnh nhân, đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân mà không phụ thuộc nhiều vào số lượng thẻ BHYT đăng ký ban đầu. Theo ông Sơn, đây là vấn đề rất quan trọng đối với các cơ sở y tế. Quyền lợi người bệnh được mở rộng, thuận lợi trong KCB BHYT là động lực quan trọng để người dân tham gia BHYT.( Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh trang 2)

 

Giám sát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm vào trường học

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.410 trường học có bếp ăn tập thể, trong đó có khoảng 1.100 trường tự tổ chức nấu ăn, 323 trường ký hợp đồng với cơ sở dịch vụ nấu ăn ở ngoài...

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm (ATTP) TP Hà Nội, nhiều năm nay, Sở Y tế đã phối hợp với Sở GD-ĐT Hà Nội và các quận, huyện, thị xã nhằm tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát công tác tổ chức phục vụ bữa ăn bán trú của học sinh. Cụ thể, hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm quản lý ATTP trong trường; cơ quan chức năng của thành phố có trách nhiệm kiểm tra bếp ăn của trường học, từ kiểm tra cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh đến quy trình chế biến, nguồn gốc thực phẩm...

Việc kiểm tra không thể chỉ dựa vào hồ sơ, hợp đồng cung cấp thực phẩm, mà kiểm tra thực tế. Trong tất cả các đợt kiểm tra tại trường, trong thành phần đoàn kiểm tra bao giờ cũng có cán bộ phụ trách ATTP đi cùng, sử dụng test thử nhanh để kiểm tra dụng cụ, thức ăn lưu mẫu, các loại rau củ, quả.( Hà Nội mới trang 7, Lao động trang 3)

 

Tôn vinh tập thể, cá nhân hiến máu tình nguyện tiêu biểu

Ngày 22-6, Ban Chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện tỉnh Đác Nông tổ chức hội nghị tôn vinh người hiến máu tình nguyện năm 2016.

Từ năm 2005 đến nay, Đác Nông đã tổ chức được 53 đợt phát động hiến máu tình nguyện, với gần 27 nghìn tình nguyện viên tham gia; tổng số máu an toàn thu được gần 17 nghìn đơn vị, tương đương khoảng 4.504 lít. Số người tình nguyện hiến máu hằng năm luôn vượt xa so với chỉ tiêu Ban Chỉ đạo quốc gia về hiến máu nhân đạo giao, riêng năm 2014, số tình nguyện viên hiến máu đạt 241% kế hoạch được giao.

Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Đác Nông đã trao Chứng nhận tôn vinh 75 tập thể, gia đình, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện tỉnh Đác Nông giai đoạn 2005-2015.(  Nhân dân trang 3)

 

Vụ mổ tay trái rút đinh tay phải ở Nghệ An: Bác sĩ không cẩn thận rất dễ nhầm(?)

Liên quan đến sự việc mổ tay trái rút đinh tay phải xảy ra tại Bệnh viện 115 Nghệ An, một bác sĩ phẫu thuật (giấu tên) cho biết, tại các BV lớn, bác sĩ phẫu thuật thường rất bận rộn, mổ 4-5 ca/ngày là bình thường. Các ca phẫu thuật rút đinh tay- chân khá phổ biến, dễ nhầm lẫn từ trái sang phải… Sự việc nhầm lẫn này không chỉ các bệnh viện tuyến dưới, mà các bệnh viện T.Ư nếu làm không cẩn thận cũng có thể xảy ra.

Bác sĩ này phân tích, bác sĩ phẫu thuật cũng chỉ mổ, còn các công đoạn chuẩn bị mổ như chuẩn bị phương tiện mổ, gây mê bệnh nhân… đều do bác sĩ gây mê, phụ mổ phụ trách. Bác sĩ phẫu thuật là người bước vào phòng mổ sau cùng, khi nhân viên phụ mổ đã đặt toan (khăn mổ vô khuẩn) lên phần cơ thể cần phẫu thuật, chỉ để hở chỗ cần mổ. Vì thế, nếu không có sự thống nhất giữa bác sĩ mổ và nhân viên phụ mổ thì việc nhầm lẫn bên trái, bên phải rất dễ xảy ra. Thậm chí từng xảy ra trường hợp bệnh nhân cắt dạ dày và bệnh nhân cắt thận vào nhầm phòng mổ, suýt để xảy ra “cắt nhầm”.

“Từ lâu, Bộ Y tế cũng đã ban hành Bảng kiểm tra an toàn phẫu thuật nhằm hạn chế tối đa các tình huống nhầm lẫn trong phẫu thuật. Bảng này yêu cầu kiểm tra tiền gây mê, trước khi rạch da và trước khi bệnh nhân rời phòng mổ. Cụ thể, người phụ trách Bảng kiểm tra xác nhận với bệnh nhân (hoặc người nhà bệnh nhân) đúng tên, tuổi, bệnh lý, vị trí phẫu thuật trước khi gây mê, xác nhận chắc chắn bệnh nhân đồng ý phẫu thuật và phương pháp phẫu thuật đã giải thích trước. Khi bác sĩ mổ vào phòng, người phụ trách lại đọc to bằng lời xác nhận thông tin với bác sĩ mổ… Nếu làm đúng quy trình này, các sự cố trong phẫu thuật chắc chắn sẽ giảm tối đa” – bác sĩ này cho biết.

Trước đó, gia đình bé Phạm Thành L, 6 tuổi, quê ở xóm 6, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã chia sẻ thông tin con mình bị mổ nhầm từ tay phải sang tay trái. Cụ thể, bé L. bị ngã gãy tay (cổ tay phải), được đóng đinh cố định tại Bệnh viện 115 Nghệ An. Bác sĩ hẹn sau 3 tháng phải quay lại mổ để lấy đinh ra. Đến hẹn, ngày 15.6.2016, chị Lê Thị Th, mẹ cháu L đã đưa con đến Bệnh viện 115 Nghệ An để khám lại và đưa vào phòng phẫu thuật để rút đinh. Tuy nhiên, khi đón con từ phòng mổ ra, chị Th thấy con mình bị băng bó cả hai cổ tay. Theo lãnh đạo Bệnh viện 115 Nghệ An giải thích do vết sẹo ở cổ tay phải của bé L không còn nên các bác sĩ nhầm lẫn mổ sang… tay trái.

Ngày 22.6, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu Sở Y tế Nghệ An làm rõ vụ việc “mổ tay trái rút đinh tay phải” ở Bệnh viện 115 Nghệ An. Theo đó, Sở Y tế Nghệ An phải khẩn trương xác minh, làm rõ nguyên nhân xảy ra sai sót, kiểm điểm các cá nhân, tập thể nếu do lỗi cá nhân, tập thể, có biện pháp khắc phục sự cố, phòng ngừa các tai biến có thể xảy ra.

(Nông thôn ngày nay trang 6)

 

Sau gần nửa năm thực hiện thông tư của Bộ Y tế - hai bệnh viện chuyên khoa tại Đồng Nai: Nguy cơ đóng cửa vì … vắng bệnh nhân

Sau gần nửa năm thực hiện thông tư mới của Bộ Y tế, hai bệnh viện (BV) chuyên sâu tại Đồng Nai gồm: BV Da liễu và BV Y dược cổ truyền đang đứng trước nguy cơ đóng cửa do thiếu vắng bệnh nhân, còn bệnh nhân muốn được điều trị chuyên sâu tại 2 BV này cũng gặp nhiều khó khăn…( Lao động trang 2)

 

Cứu sống bệnh nhân bị đâm thủng tim

Bác sĩ Lưu Phước Long, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân Huỳnh Văn Đẳng (20 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hưng A, H.Vĩnh Lợi).

Trước đó, lúc 22 giờ ngày 20.6, bệnh nhân Đẳng được đưa vào bệnh viện trong tình trạng bị đâm thủng tim, thủng thất trái và đứt lìa xương sườn số 6, 7, vết thủng rộng khoảng 1,5 cm, máu chảy ồ ạt trong lồng ngực.

Sau 2 giờ khâu vết thương tim, mở cửa sổ vùng ngoài tim, nối xương sườn và đặt dẫn lưu... bệnh nhân đã được cứu sống, sức khỏe dần hồi phục và tiếp tục theo dõi. Bác sĩ Long cho rằng những trường hợp thế này thường tử vong trước khi nhập viện.

Do đó, khi bệnh nhân được đưa vào, bệnh viện đã bỏ qua tất cả thủ tục hành chính và quyết định phẫu thuật gấp.( Thanh niên trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang