Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/10/2023

  • |
T5g.org.vn - Chuyển COVID-19 sang nhóm B: Bộ Y tế khuyến cáo đeo khẩu trang thế nào?; Ngành Y tế phía Nam phối hợp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng

 

Chuyển COVID-19 sang nhóm B: Bộ Y tế khuyến cáo đeo khẩu trang thế nào?

Liên quan đến việc có cần thiết đeo khẩu trang khi chuyển COVID-19 sang nhóm B, Cục trưởng Phan Trọng Lân cho biết việc đeo khẩu trang trong tình hình hiện nay là khuyến khích để phòng các bệnh đường hô hấp khác chứ không riêng gì COVID-19...

Vẫn tiếp tục giám sát COVID-19 cùng các bệnh đường hô hấp khác

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, khi COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B, sẽ tiến hành lồng ghép giám sát COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm giám sát trọng điểm hội chứng Cúm (ILI), giám sát viêm phổi nặng do virus (SVP), giám sát đặc điểm di truyền của vi rút SARS-CoV-2 để theo dõi các biến thể của virus; Thực hiện đánh giá nguy cơ định kỳ và đột xuất, triển khai ngay các đáp ứng trong phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ.

Liên quan đến việc thông tin ca bệnh COVID-19, GS.TS Phan Trọng Lân cho biết thông tin về ca bệnh tiếp tục được báo cáo trong hệ thống y tế hàng ngày để cung cấp, thu thập thông tin, xử lý thông tin. Từ đó, bộ phận chuyên môn sẽ tổng hợp báo cáo tuần, tháng và phục vụ công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ tiếp tục duy trì việc thông tin COVID-19 phù hợp.

Chưa bỏ khuyến cáo đeo khẩu trang trong các cơ sở y tế

Liên quan đến việc có cần thiết đeo khẩu trang khi chuyển COVID-19 sang nhóm B, Cục trưởng Phan Trọng Lân cho biết việc đeo khẩu trang trong tình hình hiện nay là khuyến khích để phòng các bệnh đường hô hấp khác chứ không riêng gì COVID-19, đặc biệt nơi tập trung đông người, trên phương tiện công cộng.

"Đối với những người bị COVID-19, chúng tôi khuyến cáo người bệnh đeo khẩu trang trong thời gian 10 ngày kể từ khi phát hiện bệnh. Ngoài ra những người đi chăm sóc người mắc COVID-19 cũng nên đeo khẩu trang... "- GS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến việc đeo khẩu trang, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, trong các cơ sở khám chữa bệnh nên duy trì đeo khẩu trang, vì ngoài COVID-19 thì có nhiều tác nhân khác có thể gây bệnh truyền nhiễm. Hiện chưa có quy định nào về việc bỏ đeo khẩu trang ở cơ sở khám chữa bệnh.

Về công tác điều trị giai đoạn tới, Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa cho hay kể cả khi COVID-19 thuộc về nhóm B thì vẫn có thể có trường hợp bệnh nặng, vì vậy phác đồ điều trị vẫn theo hướng dẫn cập nhất mới nhất tính đến tháng 6/2023.

Thanh toán chi phí điều trị COVID-19 thế nào?

Về thanh toán chi phí điều trị COVID-19 khi COVID-19 thành nhóm B, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết việc thanh toán viện phí được chia ra theo 2 tình huống nếu điều trị từ ngày 19/10 trở về trước đó thì ngân sách nhà nước thanh toán, tuy nhiên từ ngày 20/10 Quỹ BHYT thanh toán.

Trong trường hợp người bệnh vào viện trước ngày 20/10 và ra viện từ ngày 20/10 trở về sau, Quỹ BHYT vẫn thanh toán theo nguyên tắc là nhóm A. Điều này tuân thủ nguyên tắc chi phí điều trị COVID-19 khi là nhóm A thì ngân sách chi trả, khi là nhóm B thì BHYT thanh toán và người bệnh cùng chi trả. Trong trường hợp này nếu người bệnh không tham gia BHYT thì tự thanh toán.

"Người bệnh đi khám chữa bệnh COVID-19 phải thực hiện theo quy định, tức là đúng tuyến thì sẽ được thanh toán theo quy định của BHYT. Nếu tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến thì sẽ phải chi trả phần cùng chi trả hoặc tự chi trả"- ông Toàn cho biết.

Liên quan đến việc tiêm vaccine COVID-19, đại diện Bộ Y tế cho biết việc tiêm vaccine COVID-19 cần tiếp tục được theo dõi. Theo WHO hiện chưa có khuyến cáo tiêm vaccine COVID-19 hàng năm, tuy nhiên dựa trên những yếu tổ thực tiễn như biến chủng mới của COVID-19 thì có thể có khuyến cáo mới tiếp theo. Bộ Y tế đã có kế hoạch sử dụng vaccine COVID-19 của năm 2023, hiện việc tiêm vaccine COVID-19 vẫn miễn phí. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Ngành Y tế phía Nam phối hợp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng

Ngày 20-10, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin cập nhật tình hình dịch bệnh trên địa bàn và hướng phối hợp của ngành Y tế phía Nam trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tuần 41 của năm 2023 (từ ngày 9 đến 15-10), số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tăng với 1.715 ca bệnh được ghi nhận. Các quận, huyện có số ca mắc cao trên 100.000 dân gồm: Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh.

Trong tuần 41, thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận 465 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng 11,2% so với trung bình 4 tuần trước (418 ca). Các quận có số ca mắc trên 100.000 dân gồm: 1, 8 và Bình Thạnh.

Trước đó, lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, lãnh đạo Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cùng các chuyên gia điều trị bệnh truyền nhiễm và đại diện các bệnh viện sản nhi, chuyên khoa nhi đã họp bàn về công tác thu dung, điều trị các bệnh truyền nhiễm, nhằm đánh giá tình hình các dịch bệnh đang lưu hành trong 9 tháng của năm 2023; thống nhất các giải pháp phối hợp thực hiện trong công tác điều trị và kiểm soát dịch bệnh tại khu vực phía Nam.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, toàn vùng có 18 ca tử vong do SXH (gồm 1 ca ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, số ca bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh đang có xu hướng tăng nhẹ từ tuần 24 đến nay, vào thời điểm thời tiết nắng nóng xen kẽ các đợt mưa nhiều… Đây là điều kiện thuận lợi cho sự gia tăng muỗi truyền bệnh SXH. Phân bố các tuýp vi rút đa số vẫn là D2.

Về bệnh TCM, trong 9 tháng năm 2023, tỷ lệ mắc mới trung bình của khu vực phía Nam là 229 ca/100.000 dân, số ca mắc tích lũy tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, về các trường hợp nặng và tử vong thì tại các tỉnh miền Tây lại chiếm tỉ lệ phần lớn (với 81%).

Đáng chú ý, bệnh nặng tập trung ở trẻ em dưới 3 tuổi (chiếm 77%). Từ đầu năm đến nay, toàn vùng ghi nhận 23 trường hợp tử vong do TCM. Tác nhân chủ yếu gây bệnh này được xác định là vi rút EV71.
Về công tác thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm 9 tháng qua, các đại biểu thống nhất đánh giá cơ bản được đảm bảo, các địa phương có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân và đã chủ động trong bảo đảm nguồn cung ứng thuốc điều trị người bệnh... (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

 

Bộ Y tế nói gì về thông tin thiếu thuốc điều trị tay chân miệng?

Đại diện Cục Quản lý dược của Bộ Y tế cho biết Cục đã cấp phép nhập khẩu 15.000 lọ thuốc immunoglobulin theo quy định để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh đối với bệnh tay chân miệng.
Trước thông tin về việc thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng ở TP HCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam, trao đổi với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, hiện nay có 13 thuốc immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.

Cục Quản lý dược đã cấp phép nhập khẩu 15.000 lọ thuốc immunoglobulin theo quy định để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh. 

Hiện nay đã nhập khẩu về Việt Nam với số lượng 8.258 lọ thuốc và cung ứng cho các cơ sở điều trị. Dự kiến cuối tháng 11 sẽ tiếp tục nhập khẩu 2.000 lọ thuốc về Việt Nam.

Ngoài ra, dự kiến trong những tháng cuối năm 2023, các thuốc immunoglobulin đã được cấp giấy đăng ký lưu hành sẽ được tiếp tục nhập khẩu về Việt Nam.

Đối với thuốc chứa hoạt chất phenobarbital, hiện nay có một thuốc do cơ sở trong nước sản xuất đã được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Cơ sở đã nhập khẩu nguyên liệu về Việt Nam và sẵn sàng sản xuất thuốc trong thời gian tới để cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh.

"Cục Quản lý dược đã cấp phép nhập khẩu 21.000 lọ thuốc tiêm chứa hoạt chất phenobarbital chưa có giấy đăng ký lưu hành để đáp ứng nhu cầu điều trị của các cơ sở khám chữa bệnh. Hiện nay 21.000 lọ thuốc tiêm phenobarbital đã được nhập khẩu về Việt Nam và cung ứng cho các cơ sở có nhu cầu"- Phó Cục trưởng Lê Việt Dũng nói.

Cũng theo ông Lê Việt Dũng, hiện Cục Quản lý dược vẫn tiếp tục nhận được đề nghị của một số cơ sở khám chữa bệnh về việc nhập khẩu thuốc barbit injection 1ml (dung dịch tiêm chứa phenobarbital) đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của bệnh viện.

Cục Quản lý Dược đã có văn bản hướng dẫn cơ sở nhập khẩu để hoàn thiện hồ sơ đề nghị nhập khẩu theo quy định.

Về thuốc chứa hoạt chất milrinon, hiện có hai cơ sở sản xuất trong nước là Công ty cổ phần dược phẩm CPC1 Hà Nội và Công ty cổ phần Pymepharco có sẵn thuốc để cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Theo ông Lê Việt Dũng: Thực tế cho thấy nguồn cung đầu vào hiện không thiếu, nhưng vẫn còn những đơn vị điều trị và địa phương chưa chủ động trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế để đảm bảo đủ thuốc phục vụ công tác chuyên môn, khám chữa bệnh, điều trị cho người bệnh.

Theo thống kê, trong tuần 39/2023 cả nước ghi nhận 7.048 trường hợp mắc tay chân miệng, không có trường hợp tử vong. So với tuần trước đó, số mắc tăng 3,8%. Tích lũy từ đầu năm đến thời điểm này, cả nước ghi nhận 100.210 trường hợp mắc tay chân miệng; 22 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (52.296/3) số mắc tăng 91,6%, tử vong tăng 19 trường hợp.

Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.063 ca mắc tay chân miệng (tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Tại TP Hồ Chí Minh, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại từ đầu năm đến nay khoảng 30.000 ca. Riêng trong tuần qua, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 1.532 ca mắc tay chân miệng, tăng gần 1,5 lần so với trung bình của 4 tuần trước. Các quận và huyện với số ca mắc bệnh trên 100.000 dân bao gồm quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh. Hiện Thành phố đang điều trị cho 346 ca bệnh tay chân miệng, trong đó 103 ca có địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus type 71. Trong đó, Enterovirus type 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có đến 90% là ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang