Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/2/2022

  • |
T5g.org.vn - Thực hiện hiệu quả Chiến dịch tiêm vaccine, phòng, chống dịch Covid-19; Sự hy sinh, cống hiến của cán bộ, bác sĩ, nhân viên ngành Y là không thể đo đếm được; Bộ Y tế đề nghị khẩn trương hoàn thiện hệ thống, đảm bảo cấp 'hộ chiếu vaccine' sớm nhất; Hà Nội: Bệnh nhân COVID tăng nhanh, y tế cơ sở quá tải…

 

Thực hiện hiệu quả Chiến dịch tiêm vaccine, phòng, chống dịch Covid-19

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về việc tiêm vắc-xin và một số biện pháp đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu:

Các cơ quan trong hệ thống chính trị, các bộ, ngành, các cấp, nhân dân và doanh nghiệp giữ vững bản lĩnh, kiên trì, kiên định, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và không hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trong phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm các mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, biện pháp, phương pháp đã được Đảng, Nhà nước đề ra và thực hiện hiệu quả trên thực tế, nhất là Nghị quyết 128/NQ-CP và các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm, quyết liệt, hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vaccine, tiếp cận nhanh các biện pháp điều trị, thuốc điều trị; nâng cao ý thức chấp hành nghiêm túc, hiệu quả các quy định phòng, chống dịch của người dân; kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng trong phòng, chống dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các bộ, ngành lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện: đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tổ chức tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong quý I/2022; tiêm mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, hoàn thành trong tháng 2/2022; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine. Tổ chức tiêm vaccine an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bố trí các điểm tiêm chủng tập trung, lưu động, tại nhà một cách khoa học, hợp lý, linh hoạt để mọi đối tượng được tiêm chủng miễn phí, kịp thời, đúng quy định...

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, các địa phương có liên quan: tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc Chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022 an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả và thần tốc hơn nữa cho tất cả các đối tượng được tiêm ở tất cả các địa phương; bảo đảm kịp thời, chất lượng, đủ vaccine để thực hiện Chiến dịch theo quy định. Thúc đẩy khẩn trương thực hiện hợp đồng mua vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo Nghị quyết của Chính phủ và các quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chủ động cập nhật, tiếp cận sớm với thông tin và các loại vaccine, thuốc, công nghệ, sinh phẩm, kít xét nghiệm... mới trên thế giới để phục vụ kịp thời, hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19, phù hợp diễn biến mới của tình hình.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra về giá, chất lượng các loại vaccine, thuốc, sinh phẩm, bộ xét nghiệm... Kịp thời phát hiện các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường, xử lý nghiêm theo pháp luật các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình, chính sách để trục lợi, làm ảnh hưởng công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện và phổ biến ngay hướng dẫn chăm sóc, điều trị hiệu quả tại nhà cho người nhiễm Covid-19, nhất là trẻ em, đối với các trường hợp không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, không gây quá tải cho các cơ sở y tế. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cập nhật, bổ sung kịp thời các hướng dẫn...

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện nhất quán các quy trình, phương án, hướng dẫn trong tổ chức dạy và học chủ động phòng, chống dịch Covid-19 cụ thể, rõ ràng, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát để mở cửa trường học, mở cửa du lịch, bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả và phù hợp tình hình...  (Nhân dân, trang 1)

 

Cần sớm đưa bộ xét nghiệm vào mặt hàng bình ổn giá

Từ những ngày sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 đến nay số lượng người mắc Covid-19 liên tục tăng rất cao, đã ghi nhận vượt mức 60 nghìn ca/ngày. Số ca mắc tăng cao ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Giang, Lào Cai, Hải Dương, Bắc Ninh… Có ý kiến cho rằng số ca mắc mới thực tế còn cao hơn số ca ghi nhận, báo cáo.

Cùng với việc gia tăng số ca mắc Covid-19 thì nhu cầu các trang thiết bị, vật tư cho công tác phòng, chống dịch, nhất là các xét nghiệm nhanh, máy đo oxy máu, thuốc… cũng tăng rất cao. Những ngày gần đây tại một số nơi đã xảy ra tình trạng khan hiếm, cung không đủ cầu khi nhiều người dân đi mua các bộ xét nghiệm… “Hết hàng” là câu trả lời mà khá nhiều người mua nhận được khi hỏi mua bộ xét nghiệm nhanh tại nhiều nhà thuốc trên địa bàn Thủ đô. Nguyên nhân được các cơ sở bán hàng giải thích là do nhu cầu tăng đột biến, các cửa hàng thường không dự trữ nhiều.

Tình trạng này cũng tương tự đợt khan hiếm khẩu trang khi dịch Covid-19 bùng phát. Đáng chú ý, qua các kênh thông tin, cơ quan quản lý đã phát hiện có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý. Điều đó đặt ra những bài toán cho các cơ quan quản lý với mặt hàng quan trọng này.

Dịch bệnh gia tăng thì nhu cầu trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch gia tăng cũng là chuyện bình thường. Do vậy các bộ, ngành liên quan cần phối hợp, làm việc với các đơn vị sản xuất, nhập khẩu bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, nhập khẩu sản phẩm để bảo đảm nguồn cung trên nguyên tắc bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Mặt khác, yêu cầu các đơn vị thực hiện công khai và cập nhật giá, trong đó có yêu cầu các nhà phân phối, bán lẻ thực hiện niêm yết giá, không gom hàng và tăng giá; không để tình trạng giá công bố cao nhưng giá bán thấp, tạo kẽ hở cho các nhà phân phối, bán lẻ lợi dụng làm lũng đoạn thị trường; không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.

Để tăng cường các biện pháp nhằm ổn định giá vật tư chống dịch, nhất là bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 trên thị trường, các bộ, ngành liên quan như y tế, quản lý giá, quản lý thị trường, hải quan… cần thực hiện việc thanh tra, kiểm tra việc kê khai và công khai giá bán theo quy định để bảo đảm giá bán ra phù hợp các chi phí đầu vào, không bán qua nhiều cấp trung gian, tăng giá bất hợp lý để bảo đảm bình ổn giá bán trên thị trường.

Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất sớm đưa bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 vào mặt hàng bình ổn giá; kịp thời đăng tải các thông tin, công khai giá, công khai kết quả trúng thầu; ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát quy trình để đẩy nhanh tiến độ cấp phép bảo đảm theo đúng quy định, đáp ứng nhu cầu.

Được biết để tránh tình trạng đầu cơ nhằm trục lợi, hầu hết các cơ sở bán thuốc trên địa bàn Hà Nội đều phải ký cam kết không găm hàng thổi giá, dưới sự giám sát của cơ quan quản lý thị trường. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, vẫn có số ít người bán vẫn tự ý nâng bán giá cao hơn so với mức giá niêm yết để trục lợi. Điều đó đòi hỏi cần có sự phối hợp liên ngành để kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tính đến ngày 23/2, Bộ Y tế đã cấp phép 169 trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2; trong đó có 14 sản phẩm sản xuất trong nước và 155 sản phẩm nhập khẩu, do vậy nguồn cung sẽ không thiếu. Trong khi đó, Bộ Y tế đã có các hướng dẫn rất cụ thể đối với các trường hợp nguy cơ (F1), các trường hợp bị nhiễm (F0).

Chính vì vậy, người dân cần nghiên cứu, liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn chi tiết, tránh việc mua và sử dụng bộ xét nghiệm khi chưa có nhu cầu, gây lãng phí không cần thiết, ảnh hưởng đến thị trường. Mặt khác, khi mua và sử dụng các sản phẩm lưu hành trên thị trường người dân cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. (Nhân dân, trang 1)

 

Thêm cơ chế, chính sách đãi ngộ nhân viên y tế

Tại buổi tọa đàm “Đại dịch Covid-19 và chính sách đối với nhân viên y tế” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 21/2 vừa qua, các đại biểu cho rằng, cần có những sự thay đổi về chính sách để người thầy thuốc thật sự yên tâm công tác.

Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi cho rằng, ở bất kỳ thời kỳ nào, nghề y luôn là nghề cao quý, được xã hội tôn trọng và tôn vinh. Trong cuộc chiến chống Covid-19, nhiều y, bác sĩ, những chiến binh áo trắng đã can trường, chinh chiến khắp mặt trận cùng với các đơn vị thiện nguyện, quên mình hỗ trợ cộng đồng. Đã có những hy sinh được đánh đổi để người dân có cuộc sống an lành. Đối với họ, tinh thần trách nhiệm là trên hết, việc chăm sóc, phục vụ, chữa trị và cứu người đặt lên hàng đầu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, đại dịch Covid-19 đã gây áp lực rất lớn đến hệ thống y tế, trong đó đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế luôn là tuyến đầu trong phòng, chống dịch. Những “chiến sĩ áo trắng” vẫn thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả là chữa bệnh cứu người, họ không chút e dè, không quản ngại, không chùn bước và đã gắn bó với những vất vả thường nhật khi tham gia công tác phòng, chống dịch tại các điểm nóng tâm dịch... Sự hy sinh, vất vả của các chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch nói bao nhiêu cũng không đủ.

Tuy nhiên, qua hơn hai năm chống dịch đã bộc lộ nhiều bất cập, trong đó có cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với người thầy thuốc. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, thực tế đó đòi hỏi cần điều chỉnh về chế độ, phụ cấp để động viên cán bộ y tế, nhất là nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, mặc dù những hỗ trợ, phụ cấp đó cũng chỉ là một phần để động viên nhân viên y tế hăng say với công việc hơn, tích cực và có trách nhiệm hơn trong công tác. Còn những giải pháp căn cơ, lâu dài để nâng cao chất lượng, hiệu quả của lực lượng và hệ thống y tế, trong đó có y tế cơ sở và y tế dự phòng, ngoài nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị thì phải nâng cao chất lượng nhân lực y tế. Những giải pháp trước mắt và căn cơ lâu dài đều hết sức quan trọng.

Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trước mắt chúng ta chưa kịp sửa đổi hệ thống pháp luật, chưa thực hiện được cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương thì việc tăng phụ cấp, hỗ trợ đối với cán bộ y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng và rất cần thiết. Tuy nhiên, để cho công tác phòng, chống dịch cũng như nâng cao hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhân dân bền vững thì phải cải cách và đổi mới cơ chế tài chính y tế. Trong đó, sửa đổi những luật liên quan đến tiền lương.

Đối với ngành y tế, tiền lương không phải tiền nâng năng suất hiệu quả mà còn là giá trị nhân văn, tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân. Trước mắt tập trung xử lý theo đề xuất của Bộ Y tế nâng và điều chỉnh các khoản phụ cấp. Nhưng trong các khoản phụ cấp này, chúng ta xác định phụ cấp 100% nhưng không phải lĩnh vực nào cũng 100% mà có những nơi phải là 120%, 150% và có những lĩnh vực thấp hơn. Điều quan trọng là phải có phụ cấp đặc thù, liên quan đến vấn đề bất trắc trong phòng, chống dịch chưa có tiền lệ.

Trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, Bộ Y tế tham mưu Chính phủ một loạt văn bản hỗ trợ nhân viên y tế. Chính phủ đang giao Bộ Y tế khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành sửa đổi Nghị định số 56 ngày 4/7/2021 về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập.

Để có giải pháp căn cơ lâu dài bảo đảm nguồn nhân lực, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng, Bộ Y tế cần chủ động sắp xếp và tối ưu hóa nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch; có chính sách phân bổ nguồn lực hợp lý giữa y tế dự phòng, y tế cơ sở và y tế điều trị để thực hiện trách nhiệm xã hội và chế độ luân phiên thời hạn giữa viên chức ngành y tế công tác ở từng tuyến và từng cơ sở điều trị; Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ ngành y tế, đặc biệt là qua bốn đợt dịch Covid-19 vừa qua...

Theo tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, có ba nút thắt lớn về thể chế cần tập trung tháo gỡ để cán bộ ngành y tế được hưởng thù lao thỏa đáng. Vấn đề thứ nhất là ngành y được đào tạo dài hơn các ngành khác, cho nên cần thiết kế bảng lương phù hợp với quá trình đào tạo. Đào tạo càng dài thì bảng lương, hệ số lương phải khác với ngành nghề đào tạo ngắn hơn.

Thứ hai, ngành y tế là ngành chăm lo cho sức khỏe của người dân, bảo vệ tính mạng con người như lực lượng vũ trang nên cần áp dụng phụ cấp như lực lượng vũ trang.

Thứ ba, do đặc thù đặc biệt, khi cán bộ ngành y phải đương đầu chống dịch, chúng ta cần có phụ cấp đặc biệt để khi biến cố xảy ra, chúng ta áp dụng ngay chứ không phải ra nghị quyết rồi xin ý kiến. Nếu chúng ta giải quyết được những nút thắt này thì lực lượng y tế sẽ toàn tâm toàn ý trong công tác chống dịch, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. (Nhân dân, trang 5)

 

Hà Nội: Bệnh nhân COVID tăng nhanh, y tế cơ sở quá tải

Đại diện lãnh đạo một số phường trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, đang gặp khó khăn vì số lượng F0 tăng quá nhanh, trong khi đó, nhiều cán bộ, nhân viên y tế phường cũng mắc COVID-19, ảnh hưởng rất lớn đến công việc hàng ngày.

Chiều 23/2, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) xác nhận có tình trạng đông người tập trung tại Trạm Y tế phường Hoàng Liệt. “Trong số tập trung tại đây có người đến xin xác nhận hồ sơ để hưởng trợ cấp, hỗ trợ COVID-19 của cơ quan, đơn vị họ. Có người đến xét nghiệm COVID-19”, đại diện phường Hoàng Liệt cho biết.

Theo vị này, hiện các lực lượng của Trạm Y tế phường, chính quyền phường quá tải vì số bệnh nhân trên địa bàn tăng cao. “Anh em y tế đã vất vả cả hai năm nay rồi. Gần đến Ngày Thầy thuốc Việt Nam, rất mong báo chí đồng hành, hỗ trợ, tuyên truyền về những khó khăn, vất vả của lực lượng y tế. Họ vẫn đang cố gắng cả ngày đêm để phòng, chống dịch”.

Thông tin với phóng viên Tiền Phong, một số phường trên địa bàn thành phố cũng cho biết, ngoài nhiệm vụ hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, thời gian này, họ còn làm công tác hoàn thiện hồ sơ cho các trường hợp mắc bệnh để giải quyết các chế độ chính sách liên quan như bảo hiểm, hỗ trợ của cơ quan, đơn vị… Công việc vì thế càng tăng lên, trong khi nhân lực có hạn. Nhiều nơi một nửa lực lượng đã trở thành bệnh nhân COVID-19.

Ngày 23/2, Hà Nội thông báo ghi nhận thêm 7.419 ca mắc COVID-19. Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cùng ngày, Sở Y tế khẳng định, dịch bệnh vẫn được kiểm soát. Thành phố tăng cường công tác điều trị, thực hiện trực 4 cấp với thời gian 24/24 tại các bệnh viện, cơ sở thu dung để sẵn sàng thu nhận người bệnh khi chuyển tầng; tăng cường kết nối thông tin hỗ trợ cho người dân; cấp phát thuốc kịp thời. Thành phố khống chế tỷ lệ chuyển tầng ở mức 0,36%, tỷ lệ tử vong là 0,19%.

Đại diện lãnh đạo UBND phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) cho biết, hiện lượng bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn phường tăng khá nhanh, có những ngày ghi nhận khoảng 100 F0. Nhiều nhân viên y tế, cán bộ phường, lực lượng hỗ trợ đã mắc COVID-19. Một số trường hợp dù là F1 nhưng vẫn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

“Hiện nay có tâm lý ai rồi cũng thành F0 nên nhiều người đã chủ quan. Có những người dù mắc nhưng không khai báo với y tế phường. Điều này rất nguy hiểm, bởi khi khai báo, nếu có triệu chứng chuyển nặng, việc chuyển tuyến điều trị sẽ đơn giản hơn. Nếu không khai báo, khi chuyển nặng phải nhập viện thủ tục sẽ lâu hơn. Các bệnh viện hiện thực hiện rất nghiêm việc phân tầng điều trị để đảm bảo an toàn”, vị này nói.

Thông tin với phóng viên, lãnh đạo một phường trên địa bàn quận Đống Đa cho biết, phường hiện có khoảng 4.000 trường hợp F0. Phần lớn số cán bộ, nhân viên y tế, nhân viên UBND phường... cũng đã trở thành F0. “Chúng tôi phải chuyển sang chế độ làm việc trực tuyến. Người dân có công việc sẽ liên hệ trực tuyến với phường, sau đó cung cấp hồ sơ để cán bộ phường xử lý trực tuyến. Đến ngày hẹn, người dân có thể đến lấy kết quả”, lãnh đạo phường nói.

“Nếu là F0, người dân cần liên hệ với trạm y tế lưu động, các số điện thoại của trạm y tế... để được hướng dẫn cụ thể. Chúng tôi vẫn đảm bảo hướng dẫn chi tiết việc điều trị cho các trường hợp F0 tại nhà, ra quyết định cách ly, phân phát thuốc, hướng dẫn chuyển viện cho các trường hợp chuyển nặng...”. vị này nói thêm. (Tiền phong, trang 7)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 1: “Hà Nội: mục tiêu cao nhất phải giảm tối đa bệnh nhân COVID-19 chuyển tầng và tử vong”

 

Khỏi COVID-19 vẫn có thể tái nhiễm

Thời gian qua một số người bất ngờ khi test nhanh phát hiện tái dương tính với SARS-CoV-2 trong khi mới khỏi bệnh được vài tuần hoặc vài tháng. Các chuyên gia nhận định cần sớm có đánh giá, báo cáo về việc tái nhiễm để có những ứng phó phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Bất ngờ tái nhiễm

Đại gia đình bà V.Th.Ng. (67 tuổi, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) có 10 người, cao tuổi nhất là cụ bà hơn 100 tuổi, nhỏ nhất là 2 bé song sinh mới hơn 1 tuổi, đều mắc COVID-19 và khỏi trước Tết Nguyên đán khoảng 2 tuần. Cách đây 4 ngày bà Ng. thấy sốt, ho nên test thử thì phát hiện dương tính.

 “Mấy hôm trước có nhà hàng xóm thân thiết mắc COVID-19, ông bên đó bị phổi tắc nghẽn mãn tính khó thở nên tôi và ông nhà bê máy thở ô xy sang cho mượn. Nghĩ là mình mới khỏi bệnh, cơ thể có đề kháng và từng tiêm 2 mũi vắc xin sẽ khó mắc lại nên tôi chủ quan không đeo khẩu trang. Hai hôm sau thấy sốt, ho nên test nhanh đã thấy 2 vạch”, bà Ng. cho biết.

Lí giải về vấn đề tái nhiễm COVID-19 của người bệnh, TS Phạm Quang Thái, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay: “Điều lạ ở virus SARS-CoV-2 khi tấn công vào cơ thể lần đầu tiên, để lại miễn dịch không cao. Đây là cơ sở cho nguy cơ tái nhiễm. Thế giới và Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp tái nhiễm với các chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau. Ở chủng Delta, tỉ lệ tái nhiễm là 1% và chủng Omicron thì số ca tái nhiễm cao hơn”.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Ôxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, hiện đã xuất hiện tình trạng tái nhiễm, tuy nhiên rất hiếm khi xảy ra ngay sau khi bệnh nhân mới khỏi bệnh. “F0 sau thời gian điều trị, xét nghiệm PCR âm tính, nhưng sau đó lại tái dương tính, có thể do quá trình lấy mẫu chưa đúng. Hoặc, cơ thể người bệnh chưa hết hẳn virus, vẫn còn lại xác virus, nhưng đề kháng kém nên virus tiếp tục nhân lên. Có nhiều người dù không có triệu chứng gì đặc biệt, nhưng 15-20 ngày rồi, virus vẫn chưa hết hẳn, chỉ số CT vẫn dao động ở khoảng 25-30. Với các trường hợp này, cần ăn uống, luyện tập, nghỉ ngơi tốt hơn để sớm có kết quả PCR âm tính”, bác sĩ Hoàng nói.

TS Thái cho biết thêm, phần lớn người nhiễm đều ở thể nhẹ vì bệnh nhân đã có miễn dịch từ lần nhiễm trước. “Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra, tiêm vắc xin COVID-19 vẫn có thể nhiễm bệnh nhưng sẽ làm giảm các triệu chứng tăng nặng và nguy cơ tử vong ở người bệnh. Sau khi mắc COVID-19, những người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin COVID-19 nên tiêm đủ, tránh suy nghĩ đã có miễn dịch rồi mà không chích ngừa vắc xin. Mũi vắc xin tiêm sau khi mắc bệnh đã được chứng minh tăng kháng thể rất nhiều, góp phần hạn chế nguy cơ tái nhiễm, thậm chí hạn chế cả những hội chứng hậu COVID-19”, TS Thái thông tin.

Cần có nghiên cứu trường hợp tái nhiễm

Khẳng định có thể xuất hiện tình trạng tái nhiễm, tuy nhiên bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lưu ý cần phải phân biệt rạch ròi giữa tái nhiễm và tái dương tính. Theo đó, tái dương tính là tình trạng được ghi nhận khi người mắc đang trong diễn biến của bệnh. Họ từng có giai đoạn xét nghiệm cho kết quả âm tính, sau đó dương tính. Trong khi đó, tái nhiễm SARS-CoV-2 được hiểu là tiếp tục mắc COVID-19 sau khi đã khỏi hoàn toàn.

“Với những trường hợp này, các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm kiểm tra kháng nguyên, kháng thể, nuôi cấy virus... Căn cứ vào kết quả cùng các yếu tố lâm sàng và dịch tễ, bác sĩ sẽ xác định họ khỏi COVID-19 hay chưa, tái dương tính hay tái nhiễm. Nếu tái nhiễm tức là lần nhiễm sau bệnh nhân đó mang virus sống chứ không phải mảnh xác virus tồn lưu từ lần nhiễm trước”, bác sĩ Cấp giải thích. Đồng thời lí giải thêm, có một số trường hợp có thời gian mang virus rất dài tới 174 ngày, nên cơ sở thứ 2 để khẳng định một người có tái nhiễm hay không vẫn phải căn cứ vào nuôi cấy virus, giải trình tự gene. Nếu hai lần nhiễm mà mắc hai chủng khác hẳn nhau thì chắc chắn đó là tái nhiễm.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), khẳng định đã ghi nhận một số ca tái nhiễm, thậm chí sau khi đã tiêm vắc xin mũi 3. Điều này được ghi nhận trong những báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, Bộ Y tế chưa công bố bất cứ nghiên cứu, thống kê, số liệu cụ thể về vấn đề này.

“Chúng ta cần phải có số liệu để đánh giá cụ thể về vấn đề tái nhiễm, có thêm những biện pháp ứng phó cho phù hợp. Cần xem xét tỉ lệ tái nhiễm là bao nhiêu, khoảng cách giữa hai lần mắc như thế nào? Ngoài ra, phải giải trình tự gene để xem chủng mắc là gì, có phải mỗi lần mắc là một chủng khác nhau hay không? Điều này có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh”, TS Phu nói. (Tiền phong, trang 6)

 

Hà Nội: Bệnh nhân COVID tăng nhanh, y tế cơ sở quá tải

Đại diện lãnh đạo một số phường trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, đang gặp khó khăn vì số lượng F0 tăng quá nhanh, trong khi đó, nhiều cán bộ, nhân viên y tế phường cũng mắc COVID-19, ảnh hưởng rất lớn đến công việc hàng ngày.

Chiều 23/2, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) xác nhận có tình trạng đông người tập trung tại Trạm Y tế phường Hoàng Liệt. “Trong số tập trung tại đây có người đến xin xác nhận hồ sơ để hưởng trợ cấp, hỗ trợ COVID-19 của cơ quan, đơn vị họ. Có người đến xét nghiệm COVID-19”, đại diện phường Hoàng Liệt cho biết.

Theo vị này, hiện các lực lượng của Trạm Y tế phường, chính quyền phường quá tải vì số bệnh nhân trên địa bàn tăng cao. “Anh em y tế đã vất vả cả hai năm nay rồi. Gần đến Ngày Thầy thuốc Việt Nam, rất mong báo chí đồng hành, hỗ trợ, tuyên truyền về những khó khăn, vất vả của lực lượng y tế. Họ vẫn đang cố gắng cả ngày đêm để phòng, chống dịch”.

Thông tin với phóng viên Tiền Phong, một số phường trên địa bàn thành phố cũng cho biết, ngoài nhiệm vụ hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, thời gian này, họ còn làm công tác hoàn thiện hồ sơ cho các trường hợp mắc bệnh để giải quyết các chế độ chính sách liên quan như bảo hiểm, hỗ trợ của cơ quan, đơn vị… Công việc vì thế càng tăng lên, trong khi nhân lực có hạn. Nhiều nơi một nửa lực lượng đã trở thành bệnh nhân COVID-19.

Đại diện lãnh đạo UBND phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) cho biết, hiện lượng bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn phường tăng khá nhanh, có những ngày ghi nhận khoảng 100 F0. Nhiều nhân viên y tế, cán bộ phường, lực lượng hỗ trợ đã mắc COVID-19. Một số trường hợp dù là F1 nhưng vẫn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

“Hiện nay có tâm lý ai rồi cũng thành F0 nên nhiều người đã chủ quan. Có những người dù mắc nhưng không khai báo với y tế phường. Điều này rất nguy hiểm, bởi khi khai báo, nếu có triệu chứng chuyển nặng, việc chuyển tuyến điều trị sẽ đơn giản hơn. Nếu không khai báo, khi chuyển nặng phải nhập viện thủ tục sẽ lâu hơn. Các bệnh viện hiện thực hiện rất nghiêm việc phân tầng điều trị để đảm bảo an toàn”, vị này nói.

Thông tin với phóng viên, lãnh đạo một phường trên địa bàn quận Đống Đa cho biết, phường hiện có khoảng 4.000 trường hợp F0. Phần lớn số cán bộ, nhân viên y tế, nhân viên UBND phường... cũng đã trở thành F0. “Chúng tôi phải chuyển sang chế độ làm việc trực tuyến. Người dân có công việc sẽ liên hệ trực tuyến với phường, sau đó cung cấp hồ sơ để cán bộ phường xử lý trực tuyến. Đến ngày hẹn, người dân có thể đến lấy kết quả”, lãnh đạo phường nói.

“Nếu là F0, người dân cần liên hệ với trạm y tế lưu động, các số điện thoại của trạm y tế... để được hướng dẫn cụ thể. Chúng tôi vẫn đảm bảo hướng dẫn chi tiết việc điều trị cho các trường hợp F0 tại nhà, ra quyết định cách ly, phân phát thuốc, hướng dẫn chuyển viện cho các trường hợp chuyển nặng...”. vị này nói thêm.

Ngày 23/2, Hà Nội thông báo ghi nhận thêm 7.419 ca mắc COVID-19. Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cùng ngày, Sở Y tế khẳng định, dịch bệnh vẫn được kiểm soát. Thành phố tăng cường công tác điều trị, thực hiện trực 4 cấp với thời gian 24/24 tại các bệnh viện, cơ sở thu dung để sẵn sàng thu nhận người bệnh khi chuyển tầng; tăng cường kết nối thông tin hỗ trợ cho người dân; cấp phát thuốc kịp thời. Thành phố khống chế tỷ lệ chuyển tầng ở mức 0,36%, tỷ lệ tử vong là 0,19%. (Tiền phong, trang 7)

 

Trường học chủ động ứng phó dịch bệnh

Trước tình hình số ca F0 ở TPHCM tăng nhanh sau hơn một tuần học sinh tất cả bậc học trở lại trường, ngành y tế đã có hướng dẫn mới về xử lý F0 và F1 trong trường học. Tuy nhiên, quá trình triển khai, các trường gặp rất nhiều khó khăn.

Lúng túng dạy học on - off

Sáng 23-2, tiết học môn âm nhạc của lớp 4A9, một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, mất hơn 10 phút đầu giờ điểm danh học sinh do trường thực hiện ghép lớp học trực tuyến sau khi xuất hiện nhiều ca F0 trong các lớp học. Tuy nhiên, khi giáo viên triển khai bài học, nhiều học sinh cho biết đã học bài này trước đó do thời điểm chuyển qua dạy học trực tuyến giữa các lớp khác nhau. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở tiết tin học, giáo viên phải linh động cho học sinh nào đã học bài này trước đó được thoát khỏi lớp học.

Hình thức tổ chức lớp học ghép đang được nhiều trường tiểu học áp dụng trong điều kiện số lượng giáo viên và học sinh là F0 tăng nhanh ở các khối lớp. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 cho biết, do đặc thù ở bậc tiểu học, giáo viên chủ nhiệm phải dạy nhiều môn nên khi có một trường hợp giáo viên mắc bệnh, trường phải sắp xếp người dạy thay thế. Trường hợp có 2-3 giáo viên hoặc lớp học chuyển qua dạy học trực tuyến, giải pháp tạm thời là ghép lớp để không ảnh hưởng thời khóa biểu của học sinh.

Ở bậc trung học, tuần qua, các trường xử lý tình huống khi phát hiện liên tiếp các ca F0 khác nhau giữa các đơn vị. Cụ thể, tại một trường THCS ở quận 3, khi phát hiện hơn một nửa sĩ số học sinh của một lớp mắc F0, nhà trường chủ động lấy ý kiến các phụ huynh còn lại để quyết định hình thức dạy học trực tiếp hay trực tuyến đối với những học sinh không phải là F0 và F1. Song, ở nhiều nơi khác, giáo viên chủ nhiệm thống nhất với phụ huynh phương án xử lý là khi số lượng học sinh trong lớp nhiễm bệnh tăng cao (30%-50% tùy đặc thù sĩ số từng đơn vị), cả lớp đó sẽ chuyển qua dạy học trực tuyến để đảm bảo chất lượng dạy học đồng đều cho tất cả học sinh.

Với những học sinh là F1, thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), cho biết, thời gian tạm nghỉ học ở nhà là 3-5 ngày nhằm sàng lọc và theo dõi sức khỏe học sinh, tạo điều kiện cho đơn vị vệ sinh phòng ốc trước khi đón các em trở lại học trực tiếp.

Tại Trường THPT Trưng Vương (quận 1), những học sinh là F0 và F1 được xếp lại thời khóa biểu theo hình thức lớp học chuyên đề trực tuyến, riêng giáo viên là F1 được tính toán bố trí tiết dạy phù hợp, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm.

Phó hiệu trưởng một trường THCS ở quận 10 bày tỏ, nếu không thống nhất trước phương án xử lý thì khi xảy ra tình huống, các trường sẽ lúng túng trong chuyển đổi hình thức dạy học. “Trường tôi 2 lớp cùng có học sinh là F0 nhưng một lớp phụ huynh đồng lòng chuyển qua dạy học online, trong khi đó lớp kia lại phản đối và cho rằng con họ không phải F0, F1 vì sao phải ở nhà học trực tuyến”, vị này cho biết.

Ngoài ra, theo quy định hiện nay của Bộ Y tế là học sinh có tiếp xúc gần với các ca F0 trong môi trường kín, thời gian tiếp xúc từ 15 phút trở lên được xác định là F1. Trong điều kiện tất cả phòng học đều được mở cửa thông thoáng, nhà trường ưu tiên triển khai các hoạt động học tập theo nhóm nhỏ thì việc xác định học sinh là F1 cần được triển khai chặt chẽ nhưng không “vơ đũa cả nắm”, tránh ảnh hưởng quyền được đi học của học sinh.

Hiện nay, Chính phủ đã có chủ trương mở cửa trường học, các quy định về tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh vẫn theo hướng trực tiếp nên phương án dạy học cần đảm bảo hiệu quả tiếp thu kiến thức cho học sinh.

Giảm áp lực cho giáo viên

Sau hơn một tháng dạy học trực tiếp đối với các khối 7, 8, 9 và hơn một tuần với học sinh lớp 6, nhiều trường THCS cho biết đã tạm dừng dạy học livestream (vừa dạy trực tiếp học sinh ở lớp vừa kết hợp tương tác trực tuyến với học sinh học từ xa qua mạng - PV) vì quá cực cho giáo viên. Thời điểm hiện tại, học sinh tất cả khối lớp đồng loạt trở lại trường, quy định về xử lý F0 và F1 thu hẹp phạm vi xử lý so với trước đây nên các trường ưu tiên dạy học trực tiếp cho học sinh.

Cô N.T.T., giáo viên dạy môn Vật lý một trường THCS ở quận Tân Phú, cho biết, học sinh là F1 phải ở nhà theo dõi sức khỏe 5-7 ngày thì tính ra mỗi môn học chỉ mất 2-3 tiết, giáo viên có thể linh động giao bài tập cho các em tự luyện tập tại nhà. Trong khi đó, nếu triển khai song song hai hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến thì trong từng tiết học, giáo viên phải ghi nhớ số lượng và khả năng tiếp thu kiến thức của 2 nhóm học sinh.

Trong tất cả bước dạy gồm triển khai lý thuyết, đặt vấn đề, giao bài tập, giáo viên phải dành thời gian tương tác với học sinh tại nhà nên khó tránh việc “cháy giáo án”, ảnh hưởng hiệu quả truyền đạt kiến thức cho cả 2 nhóm. Do đó, nhiều trường đã chọn phương án gửi video clip bài giảng và phiếu bài tập cho học sinh tự học tại nhà, bố trí thêm các tiết phụ đạo, giải đáp thắc mắc vào cuối tuần để giảm áp lực trong một tiết dạy trực tiếp của giáo viên.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TPHCM, đánh giá, tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp ở các trường học, dự kiến trong tuần này số ca F0 tiếp tục tăng thêm. Đây là giai đoạn đòi hỏi khả năng chủ động xử lý tình huống của các trường học, linh hoạt tổ chức phương án dạy học, sắp xếp thời khóa biểu, đảm bảo không làm gián đoạn quá trình học tập của học sinh. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)

 

Thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir do Việt Nam sản xuất giá 8.675 - 12.500 đồng/viên

Chiều nay 23.2, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã phê duyệt giá bán thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19, do các nhà sản xuất kê khai. Thuốc có giá bán từ 8.675 - 12.500 đồng/viên.

Cụ thể, theo công bố giá của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), thuốc Molravir 400 hoạt chất Molnupiravir (400 mg) dạng viên nang cứng, số lưu hành VD3-166-22.

Thuốc do Công ty cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất có giá bán 11.550 đồng/viên. Dạng hộp có 1, 2, 5 vỉ x 10 viên/vỉ.

Giá thuốc Movinavir (hoạt chất Molnupiravir) 200 mg dạng viên nang, có số lưu hành VD3-167-22 của Công ty cổ phần Hóa - dược phẩm Mekophar có giá 8.675 đồng/viên. Thuốc đóng gói dạng hộp 10 vỉ x 10 viên.

Thuốc Molnupiravir Stella 400 mg của Công ty TNHH liên doanh Stellapharm chi nhánh 1 có giá 12.500 đồng/viên (dạng viên nang cứng), mỗi hộp 1 vỉ hoặc 2 vỉ x 10 viên. Thuốc có số lưu hành VD3-168-22.

Trước đó, ngày 17.2, Cục Quản lý dược đã cấp giấy phép lưu hành có điều kiện cho thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir 400 mg do Công ty TNHH liên doanh Stellapharm Việt Nam sản xuất; thuốc Molravir 400 mg của Công ty CP dược phẩm Boston Việt Nam và Movinavir của Công ty CP dược phẩm Mekophar.

Đây là 3 đơn vị đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir.

Từ tháng 8.2021 đến nay, Molnupiravir đã được Bộ Y tế cấp cho các ca mắc Covid-19 nhẹ điều trị tại nhà, phân bổ cho 53 tỉnh, thành. (Thanh niên, trang 3)

 

Bác sĩ khuyến cáo không lạm dụng nhồi thuốc bổ và xông hơi khi điều trị tại nhà cho trẻ mắc Covid-19 tại nhà

Số mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng mạnh trong thời gian gần đây và hầu hết F0 điều trị tại nhà, trên mạng lan truyền các phương pháp xông hơi, đơn thuốc, thực phẩm chức năng… Vậy điều trị thế nào mới đúng?

Bác sĩ Đào Trường Giang – chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, việc mua trữ, tự ý sử dụng thuốc điều trị Covid-19 tại nhà đang là hiện tượng khá phổ biến ở Hà Nội. Đặc biệt với những gia đình có trẻ nhỏ mắc Covid-19, do tâm lý lo lắng nên nhiều phụ huynh tìm mua các loại thuốc, thực phẩm chức năng trên mạng, thảo dược hay các loại lá thuốc xông mũi, họng… để điều trị cho con.

Theo bác sĩ Giang, đa phần mọi người nghĩ việc bổ sung thuốc bổ, thảo dược hay xông mũi, họng… không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của trẻ, song đây là quan điểm sai lầm. Bất cứ các loại thuốc nào đưa vào cơ thể cũng có thể gây ra tác dụng phụ, chưa kể việc dùng nhiều loại một lúc cũng có thể xảy ra tương tác, gây biến chứng, rất khó để kiểm soát.

Hơn nữa, trong điều trị Covid-19, chúng ta lo ngại nhất là thiếu ô-xy do phổi không trao đổi được. Việc xông mũi họng quá nhiều lần trong ngày khiến phổi hít phải toàn hơi nước sẽ làm tăng nguy cơ này, đồng thời, tăng sự khó chịu cho trẻ. Đấy là chưa kể đã có những trường hợp vì bất cẩn khiến trẻ bị bỏng trong lúc xông…

Tình trạng nguy hiểm hơn là có khá nhiều phụ huynh tùy tiên cho trẻ mắc Covid-19 sử dụng sớm kháng sinh và các loại thuốc chống viêm có chứa corticoid. Thậm chí, có nhiều người đặt mua thuốc “hàng xách tay” trên mạng mà không rõ thành phần thuốc là gì…

“Trước đây, chúng ta cứ nghĩ khi cơ thể gặp phản ứng viêm là phải uống thuốc chống viêm. Thuốc corticoid hiệu quả nhanh trong vấn đề này nhưng ngược lại có nhiều tác dụng phụ, có thể dẫn tới những hậu quả lâu dài cho trẻ như loãng xương, giảm sức đề kháng, yếu cơ, tim mạch…” - bác sĩ Giang phân tích.

Vậy điều trị Covid-19 tại nhà cho trẻ thế nào mới đúng? Bác sĩ Đào Trường Giang cho biết, hiện nay, với các trường hợp bệnh nhi mắc Covid-19, bác sĩ hầu hết chỉ kê thuốc hạ sốt, bù nước và điều trị theo triệu chứng.

Với những trẻ điều trị tại nhà, bác sĩ Giang khuyến cáo, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ, không kiêng nước; theo dõi sát nhiệt độ, SpO2 ít nhất hai lần/ngày. Cho trẻ uống hạ sốt nếu trẻ sốt. Thường dùng Paracetamol (Hapacol, Efferalgan, Doliprane, Tylenol…) với liều 10 -15mg/kg cân nặng/lần, hai lần cách nhau ít nhất bốn tiếng.

Cùng đó, vệ sinh mũi nếu trẻ chảy nhiều nước mũi hoặc nước mũi đặc quánh. Nếu ít, trẻ không khó chịu chỉ cần lau bằng khăn. Nếu trẻ ho, có thể dùng thuốc ho nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Đừng nên tự ý sử dụng hai loại thuốc ho cùng lúc hoặc các loại thuốc ho có thành phần chống dị ứng, giảm ho. Đừng nên lạm dụng các vitamin kể cả vitamin C hay multivitamin.

Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như thở nhanh, khó thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống; tím tái môi, đầu ngón tay, chân, SpO2 < 95% thì cần phải báo với phường hoặc liên hệ 115 để đưa trẻ nhập viện. (An ninh Thủ đô, trang 8)

 

Kết quả xác minh ban đầu vụ bác sĩ giả trong khu cách ly

Ngày 23/2, Công an TP Hồ Chí Minh đã có thông báo kết quả xác minh ban đầu vụ việc đối tượng giả mạo sinh viên Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, ngày 22/2, Công an TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin liên quan vụ việc một đối tượng giả mạo sinh viên Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh để tham gia vào nhóm tình nguyện viên hỗ trợ tại Khu cách ly Trường Cao đẳng Điện lực thành phố (quận 12).

Bước đầu xác định, khoảng tháng 7/2021, căn cứ đề nghị của UBND quận 12 về việc cử nhân sự tham gia hỗ trợ tại Khu cách ly Trường Cao đẳng Điện lực thành phố (quận 12), Trường Đại học Y dược thành phố đã tạo lập nhóm “chat” trên mạng xã hội để sinh viên đăng ký tham gia theo hướng dẫn (bằng đường link Google Form) và nộp kèm bản photo thẻ sinh viên.

Thời điểm này, dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát, diễn biến hết sức phức tạp, cơ quan chức năng tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch. Lợi dụng sơ suất trong việc kiểm tra thông tin do sinh viên cung cấp, Nguyễn Quốc Khiêm (SN 1998; hộ khẩu thường trú tỉnh Ninh Thuận; nơi ở hiện nay: phường 15, quận 10; từng theo học Trường Cao đẳng chuyên ngành Y sĩ đa khoa niên khóa 2016 - 2018, đã nghỉ học, chưa tốt nghiệp) tự tìm kiếm trên mạng hình ảnh, mẫu Thẻ sinh viên của Trường Đại học Y dược thành phố để chỉnh sửa, cắt ghép hình ảnh của bản thân. Sau đó chụp hình để đăng ký làm tình nguyện viên và đã được Trường Đại học Y dược thành phố tuyển chọn tham gia hỗ trợ Khu cách ly tại Trường Cao đẳng Điện lực thành phố (quận 12).

Ngày 16/8/2021, Trung tâm Y tế quận 12 đã có Quyết định về việc điều động, phân công nhân sự, trong đó có Nguyễn Quốc Khiêm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại khu cách ly tập trung Trường Cao đẳng Điện lực thành phố với nhiệm vụ tiếp nhận và theo dõi sức khỏe của bệnh nhân nhiễm COVID-19 và những trường hợp tiếp xúc gần (F1), kiêm nhiệm công tác hậu cần…

Tháng 9/2021, ngay sau khi việc giả mạo sinh viên Trường Đại học Y dược thành phố có dấu hiệu bị bại lộ, lấy lý do cá nhân, Nguyễn Quốc Khiêm đã nghỉ việc tại Khu cách ly Trường Cao đẳng Điện lực thành phố.

Hiện Công an TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục làm việc với cá nhân, tổ chức có liên quan, làm rõ động cơ, mục đích của đối tượng Nguyễn Quốc Khiêm và củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý theo quy định của pháp luật. (Công an Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 5: “Vụ bác sĩ “dỏm” vào khu cách ly: Có dấu hiệu của nhiều tội”

 

Bộ Y tế đề nghị khẩn trương hoàn thiện hệ thống, đảm bảo cấp 'hộ chiếu vaccine' sớm nhất

Bộ Y tế cho biết, biểu mẫu và quy trình cấp "hộ chiếu vaccine" đã được Bộ Y tế ban hành tại quyết định 5772/QĐ-BYT. Đến nay sau 2 tháng Bộ Y tế chưa thể cấp "hộ chiếu vaccine" cho người dân phục vụ đi lại, giao thương quốc tế.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc triển khai cấp "hộ chiếu vaccine" cho người dân.

Bộ Y tế cho biết đã nhận được công văn của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thử nghiệm ký số trên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.

Cũng theo Bộ Y tế, từ ngày 15/2-18/2, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế đã làm việc với Bộ Thông tin và truyền thông, Tập đoàn Viettel xem xét, đánh giá chức năng ký số và đã kết luận đến thời điểm hiện tại, chức năng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, chưa thể triển khai thử nghiệm như kế hoạch.

Cũng tại công văn này, Bộ Y tế nêu rõ, biểu mẫu và quy trình cấp "hộ chiếu vaccine" đã được Bộ Y tế ban hành tại Quyết định 5772/QĐ-BYT. Đến nay sau 2 tháng Bộ Y tế chưa thể cấp "hộ chiếu vaccine" cho người dân phục vụ đi lại, giao thương quốc tế.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các hệ thống, đảm bảo cấp "hộ chiếu vaccine" cho người dân trong thời gian sớm nhất.

Bộ Y tế cũng gửi kèm công văn một số yêu cầu về việc cấp "hộ chiếu vaccine":

Chức năng ký số trên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 phải ký được cả dữ liệu định dạng json (hiện mới ký được định dạng tệp pdf).

Về quy trình ký số, Bộ Y tế cho phép các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương chỉ định đơn vị ký tập trung (sở y tế hoặc trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh) hoặc các cơ sở tiêm chủng ký tùy theo khả năng, tình hình thực tế ở mỗi địa phương.

Hiện nay, chữ ký số mới xây dựng chức năng ký số sử dụng chữ kỹ số của Viettel. Bộ Y tế yêu cầu cho phép sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp khác nhau.

Bổ sung chức năng hiển thị "hộ chiếu vaccine" trên ứng dụng PC-COVID trên cơ sở kết nối dữ liệu với hệ thống cấp chứng nhận "hộ chiếu vaccine" của Bộ Y tế.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế trước đó, quy trình cấp "Hộ chiếu vaccine" cho người dân được áp dụng thống nhất tại tất cả các cơ sở tiêm chủng trên cả nước. Quy trình cấp gồm 3 bước:

Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vaccine COVID-19 theo hướng dẫn tại Công văn 8938/BYT-DP ngày 21/10/2021 và Công văn 9438/BYT-CNTT ngày 5/11/2021.

Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19. Nền tảng này kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.

Dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng cần đáp ứng quy định: Đã tiêm đủ mũi vaccine COVID-19 với 8 loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép (gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer, Moderna, Janssen, Hayat-Vax và Abdala - mỗi sản phẩm vaccine được gắn 1 mã code).

Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU quy định.

Hộ chiếu vaccine" cần hiển thị 11 trường thông tin: Họ và tên; Ngày tháng năm sinh; Quốc tịch; Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; Số mũi tiêm đã nhận; Ngày tiêm; Liều số; Vaccine; Sản phẩm vaccine; Nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine; Mã số của chứng nhận. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

TP.HCM: Omicron là biến chủng chủ yếu  khiến số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, kết quả giám sát cho thấy biến chủng Omicron đang là biến chủng chủ yếu gây bệnh tại thành phố. Tuần qua, số trẻ em mắc COVID-19 đã tăng cao lên đến gần 7.000 trường hợp tại 201 trường học.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, số ca mắc mới tại TP.HCM được ghi nhận ngày 22/2 là 1.356 ca.

Như vậy tổng số ca mắc COVID-19 cộng dồn của TP.HCM là 521.754 người. Số ca nhập viện trong ngày là 334 người. Số ca xuất viện là 140 người. Số ca tử vong là 1 người.

Thực tế này cho thấy, mặc dù số ca nhập viện tăng nhưng số ca bệnh nặng và tử vong vẫn đang ở mức thấp. Qua kết quả giám sát thì biến chủng Omicron đang là biến chủng chủ yếu gây bệnh tại TP.HCM.

TP.HCM đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên để giám sát sự lưu hành biến chủng Omicron trong cộng đồng. Kết quả ghi nhận từ ngày 10-17/2/2022, trong 92 mẫu bệnh phẩm được chuyển đến Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thì có 70 mẫu có kết quả PCR sàng lọc dương tính với biến chủng Omicron, chiếm tỷ lệ 76%. Lấy ngẫu nhiên 26/70 mẫu sàng lọc dương tính này để thực hiện giải trình tự gen thì đã xác định 100% là biến chủng Omicron.

Như vậy Omicron đang là biến chủng gây bệnh chủ yếu tại TP.HCM. Điều này phù hợp với tình hình dịch bệnh đang gia tăng trong thời gian gần đây.

Trước tình hình biến chủng Omiron lây lan tại cộng đồng, TP.HCM triển khai các biện pháp phòng chống dịch trong đó tập trung hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mùa xuân giai đoạn 2. Chiến dịch này sẽ kết thúc vào ngày 29/2/2022.

Trong giai đoạn 2 này, TP.HCM đã tiêm được mũi 1 thêm cho hơn 6.000 người, mũi 2 cho hơn 26.000 người và mũi bổ sung/nhắc lại cho hơn 85.000 người. Để tăng cường miễn dịch trước biến chủng Omicron thì tiêm chủng là biện pháp rất quan trọng. Do đó. các quận huyện, TP Thủ Đức tiếp tục tổ chức, mời gọi người dân ra tiêm chủng. Theo đó, người dân cần chủ động liên hệ địa phương để được tiêm chủng khi tới lượt.

Bên cạnh tiêm chủng, chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cũng cần được tiếp tục đẩy mạnh. Trong đó lưu ý, người thuộc nhóm nguy cơ bao gồm cả trẻ em có tình trạng béo phì. Cập nhật quy trình xử lý F0 phù hợp với tình hình mới.

Để làm giảm tốc độ lây lan dịch bệnh thì mỗi người cần lưu ý thực hiện phòng bệnh theo thông điệp 5K, hạn chế việc tập trung đông người trong những không gian kín. Khi có triệu chứng bệnh cần tự cách ly ngay. Nếu xét nghiệm dương tính, khai báo cho y tế địa phương để được quản lý, chăm sóc và điều trị cũng như tuân thủ quy định cách ly để hạn chế lây nhiễm cho người khác.

Về ứng phó với tình hình COVID-19 ở trẻ em, Sở Y tế TP.HCM cũng đã tổ chức cuộc họp với các chuyên gia chuyên ngành nhi khoa về tổ chức, thu dung điều trị khi số trẻ em nhiễm COVID-19 gia tăng. Chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra khi số ca mắc gia tăng.

Bên cạnh đó, ngành y tế đang chuẩn bị triển khai các biện pháp ứng phó với tình hình dịch COVID-19 ở trẻ em. Tập huấn cho hệ thống y tế việc thu dung, chăm sóc, điều trị trẻ mắc COVID-19 ở các mức độ từ nhẹ đến nặng. Tập huấn cho giáo viên quy trình xử trí F0, xử trí các dấu hiệu bệnh COVID-19, nhận biết các dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng. Chuẩn bị sẵn sàng việc tổ chức tiêm chủng cho trẻ 5-12 tuổi khi có hướng dẫn từ Bộ Y tế.

Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, sau tuần nghỉ Tết, số trẻ em mắc COVID-19 tăng nhẹ và tuần vừa rồi đã tăng cao. Cụ thể, tuần lễ từ ngày 7/2 đến 13/2, TP.HCM ghi nhận gần 500 trường hợp học sinh mắc COVID-19 tại 117 trường. Trong tuần gần nhất, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 706 giáo viên và 6.799 học sinh tại 201 trường.

Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM đang theo dõi sát diễn tiến số ca mắc. Đơn vị sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch thu dung, điều trị theo từng kịch bản khi số F0 là trẻ em gia tăng. Ngoài ra, nhóm chuyên gia đang nghiên cứu nhanh về tình hình, diễn biến của 3 bệnh viện nhi (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố) về tổng số trẻ đến khám có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19. Theo đó, TP.HCM xem xét ngưng việc học trực tiếp nếu số trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng nặng cần hỗ trợ hô hấp nhiều hơn 100 ca/ngày. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Sự hy sinh, cống hiến của cán bộ, bác sĩ, nhân viên ngành Y là không thể đo đếm được

Sáng 23-2, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đến thăm, chúc mừng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương và Phòng Bảo vệ sức khỏe trung ương 5 (Bệnh viện Hữu Nghị) nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2022).

Tại hai cơ quan trên, thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh bày tỏ sự tri ân, cảm ơn và chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam đến các cơ quan tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Thông tin về việc thành phố vừa tổ chức biểu dương, tri ân lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, trong đó nòng cốt là lực lượng y tế, đồng chí Chu Ngọc Anh khẳng định sự hy sinh, cống hiến của cán bộ, bác sĩ, nhân viên ngành y thời gian qua là không thể đo đếm được. Đồng chí Chu Ngọc Anh cũng nhấn mạnh, thành phố luôn nỗ lực, chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19, trong đó có trách nhiệm không chỉ bảo đảm sức khỏe cho người dân, mà còn bảo vệ an toàn các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn.

Đồng chí Chu Ngọc Anh bày tỏ vui mừng khi được biết công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương thời gian qua đã có rất nhiều đổi mới, năng lực y khoa ngày càng được tăng cường, tạo hiệu quả thiết thực trong công tác chăm sóc sức khỏe của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Chu Ngọc Anh gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các giáo sư, bác sĩ, cán bộ của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương và Phòng Bảo vệ sức khỏe trung ương 5, đồng thời khẳng định, thành phố Hà Nội luôn đồng hành cùng các đơn vị để hoàn thành xuất sắc hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao.

Trân trọng cảm ơn tình cảm, sự quan tâm, thăm hỏi, động viên thường xuyên của lãnh đạo thành phố Hà Nội, Tiến sĩ Trần Huy Dụng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương đánh giá cao thành phố Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. Đồng chí Trần Huy Dụng cũng mong muốn thành phố luôn phối hợp hiệu quả với Ban trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và kỳ vọng Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về phòng, chống dịch cũng như công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. (Hà Nội mới, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang