Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/10/2016

  • |
T5g.org.vn - Tặng xe lăn, BHYT cho người khuyết tật, ngươi nghèo; Dịch Zika và sốt xuất huyết diễn biến phức tạp; Vụ Vinastas bỗng dưng công bố "nước mắm nhiễm asen": Nghi vấn về một kế hoạch truyền thông bất minh...

Tặng xe lăn, BHYT cho người khuyết tật, ngươi nghèo

Ngày 23/10, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng, Hội từ thiện Latter Day Saint Charities (Hoa Kỳ), Văn Phòng đại diện JTI Thụy Sĩ tại Việt Nam và Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM hoàn tất chuyến công tác từ thiện về các vùng sâu, xa của tỉnh Lâm Đồng.

Hàng trăm người khuyết tật và bệnh nhân bị tai biến, bại liệt được tặng 173 xe lăn và xe lắc tay với tổng trị giá 700 triệu đồng. 700 người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các huyện Đức Trọng, Di Linh và Đam Rông được tặng thẻ BHYT. 

Đoàn từ thiện cũng đã khánh thành và đưa vào sử dụng 3 trạm cấp nước sạch tại các xã Tà In (Đức Trọng), Tam Bố (Di Linh) và Đạ Tông (Đam Rông). Nước từ giếng khoan được bơm lên rồi theo hệ thống ống về tận nhà của các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Tổng số tiền các tổ chức từ thiện và nhà hảo tâm hỗ trợ đợt này lên đến hơn 1 tỷ đồng. (* Tiền phong (trang 2))

Dịch Zika và sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Zika và dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã có chỉ thị gửi Sở Y tế tất cả các tỉnh thành, yêu cầu khẩn trương tiến hành diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy. Chỉ thị cũng nhấn mạnh sẽ xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Thông tin từ Bộ Y tế cho hay, dịch bệnh do virus Zika tiếp tục có những diễn biến khó lường khi hiện tại cả nước đã phát hiện 9 trường hợp dương tính. Đồng thời, bệnh sốt xuất huyết cũng đang gia tăng cục bộ ở một số địa phương, đặc biệt tại khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Hiện nay đang vào thời điểm mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ lây truyền và bùng phát dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu y tế các địa phương đẩy mạnh công tác điều tra giám sát trường hợp bệnh và kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu… (* Tiền phong (trang 6))

Thời tiết giao mùa, cảnh giác với dịch bệnh

Thời tiết giao mùa từ thu sang đông là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Các dịch bệnh như Zika, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, viêm đường hô hấp... có thể có diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát cao nếu không cảnh giác và có biện pháp phòng tránh kịp thời.

Gia tăng số ca nhập viện

Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày Bệnh viện (BV) Nhi trung ương tiếp nhận khoảng 3.000 trẻ tới khám và nhập viện, trong số đó có khoảng 35%-40% mắc các bệnh về hô hấp. Phó Giám đốc BV Trần Minh Điển cho biết, thời tiết giao mùa thu - đông làm cho sức đề kháng ở trẻ giảm - điều kiện thuận lợi cho bệnh hô hấp bùng phát. Bệnh nhân vào viện chủ yếu là trẻ dưới 6 tháng tuổi, đa số bị nhiễm trùng đường hô hấp, gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phế quản phổi. Ở thời điểm này, những bệnh lý mạn tính về hô hấp dễ tái phát. Trẻ càng nhỏ thì bệnh có diễn tiến càng nhanh, nên việc điều trị thường mất thời gian, bệnh dễ tái phát và phức tạp hơn. BV đã chủ động mở thêm 1 đơn vị với 40 giường dành riêng cho các bệnh nhi vừa và nặng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, không phải nằm ghép. Mặt khác, BV Nhi trung ương cũng đã có hệ thống BV vệ tinh, đã chuyển giao kỹ thuật cho BV tuyến tỉnh, trong đó có cả kỹ thuật điều trị bệnh hô hấp. Do vậy, người dân nên cân nhắc kỹ khi cho trẻ đến thẳng BV tuyến trung ương để tránh được tình trạng quá tải và lây nhiễm chéo.

Những ngày này, tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai), khoảng 2/3 số trẻ vào khám là do bị viêm phổi, viêm phế quản. Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi cho rằng, tháng 10 là giai đoạn đỉnh điểm của bệnh hô hấp ở trẻ. Kiểu thời tiết ngày nắng nóng, sáng và đêm se lạnh, độ ẩm trong không khí tăng khiến sức đề kháng của trẻ giảm, số trẻ mắc bệnh hô hấp gia tăng. Có trẻ vừa điều trị viêm phổi được một tuần, chuẩn bị xuất viện thì lại bị viêm tiểu phế quản phổi...

Còn tại BV Đa khoa Xanh Pôn, những ngày gần đây, số bệnh nhi nhập viện tăng khoảng 25%-30% so với ngày thường. Trung bình mỗi ngày, tại đây có khoảng 700 - 800 bệnh nhân nhập viện, trong đó có 200 - 220 bệnh nhi. Khoa Nhi tổng hợp có 45 giường bệnh, ngày cao điểm phải tiếp nhận khoảng 60 - 65 bệnh nhi. Bên cạnh các bệnh lý liên quan đến hô hấp và tiêu hóa, BV cũng ghi nhận những ca mắc tay chân miệng. Các bác sĩ cảnh báo, thời điểm giao mùa, bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng tăng cao nên phụ huynh không được lơ là với con trẻ, nhất là khi bệnh này chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu.

Cũng trong thời điểm này, dịch đau mắt đỏ có dấu hiệu gia tăng. Theo bác sĩ Hoàng Cương (Khoa Khám bệnh - BV Mắt trung ương), bệnh đau mắt đỏ thường gặp vào cuối thu, rất dễ lây lan trong môi trường tập trung đông người nên người dân cần chủ động phòng tránh, đặc biệt là tại các trường mầm non, tiểu học.

Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện có một số bệnh có nguy cơ xâm nhập, bùng phát, đặc biệt là dịch mới nổi và dịch bệnh giao mùa thu - đông. Do vậy, người dân không nên chủ quan với bất kỳ loại bệnh nào vì kể cả bệnh cúm thường - căn bệnh rất dễ mắc trong giai đoạn chuyển mùa - cũng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong. Riêng với bệnh do vi rút Zika, dù Việt Nam liên tiếp ghi nhận các ca mắc tại một số địa phương trong thời gian gần đây nhưng người dân không nên quá hoang mang. Lý do là bởi bệnh do vi rút Zika thường ở mức độ nhẹ, còn nhẹ hơn cả bệnh sốt xuất huyết. Người lớn nhiễm Zika có thể khỏi sau 4-5 ngày điều trị. Bệnh được khuyến cáo nguy hiểm với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu vì biến chứng liên quan đến chứng đầu nhỏ (teo não) ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, trong số các bà mẹ mang thai mắc Zika, chỉ có 1-10% sinh con mắc dị tật chứng đầu nhỏ.

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến phòng chống dịch bệnh mùa thu - đông, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu hệ thống y tế dự phòng và điều trị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong nước, dịch bệnh ngoại nhập (như Zika, sốt rét...), cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh cả về nhân sự, phương tiện, thiết bị phục vụ công tác chuyên môn và vật tư hóa chất. Mục tiêu đặt ra là ngăn chặn có hiệu quả sự bùng phát của dịch bệnh, nhất là vào dịp cuối năm.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, mọi nỗ lực của Ngành Y tế, chính quyền địa phương đối với công tác phòng, chống các dịch bệnh lúc giao mùa là chưa đủ nếu thiếu sự tham gia tích cực của người dân. Vì vậy, để phòng bệnh, mỗi người cần thực hiện đầy đủ những khuyến cáo mà Ngành Y tế đưa ra. Cụ thể là thực hiện vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, mặc đủ ấm, ăn chín, uống sôi, sử dụng nguồn nước sạch, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn. Người dân cần lựa chọn các loại thực phẩm bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Riêng đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần cho con tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch, tránh cho trẻ tiếp xúc với người ốm. Mọi người cần thường xuyên theo dõi sức khỏe, khi bị bệnh thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Người dân tuyệt đối không được tự ý mua thuốc để điều trị tại nhà, nhất là với thuốc kháng sinh. (* Hà Nội mới (trang 5))

Vụ Vinastas bỗng dưng công bố "nước mắm nhiễm asen": Nghi vấn về một kế hoạch truyền thông bất minh

Tối 22-10, Bộ Y tế công bố kết quả kiểm tra khẳng định 100% mẫu nước mắm (247/247 mẫu lấy trên thị trường) đều an toàn. Kết quả này đã xóa tan hoang mang, lo lắng của người tiêu dùng trong suốt 1 tuần qua. Kết quả này càng cho thấy rõ hơn những nghi vấn về một kế hoạch cạnh tranh không lành mạnh đằng sau công bố của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) trước đó.

Doanh nghiệp đứng đằng sau?

Ngay sau khi Vinastas công bố kết quả kiểm nghiệm cho thấy, 67% mẫu nước mắm nhiễm asen tổng vượt ngưỡng cho phép, nước mắm độ đạm càng cao tỷ lệ nhiễm asen càng lớn, nhiều chuyên gia đã chỉ ra sự mập mờ, thiếu minh bạch trong việc công bố này.

Lý do bởi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm (QCVN 8-2:2011/BYT) của Bộ Y tế chỉ yêu cầu công bố hàm lượng asen vô cơ (thạch tín) trong nước mắm chứ không yêu cầu công bố hàm lượng asen tổng hay asen hữu cơ, thế nhưng, Vinastas lại công bố hàm lượng asen tổng.

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế phân tích, trong thực phẩm asen tồn tại chủ yếu dưới dạng hữu cơ, đây là loại chất không gây độc hại cho sức khỏe con người. “Vì vậy, quốc tế cũng như Việt Nam đều không quy định mức giới hạn tối đa với asen hữu cơ. Còn asen vô cơ thì gây độc hại nên trong quy chuẩn của Bộ Y tế đã quy định mức giới hạn tối đa với chất này trong thực phẩm” - bà Trần Việt Nga nói.

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Vinastas không có chức năng và quyền được công bố thông tin trên. Việc công bố thuộc quyền của cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng tổ chức này vẫn tiến hành buổi công bố rộng rãi trước hàng trăm cơ quan báo chí. Như vậy thì rõ ràng có dấu hiệu không bình thường, chưa kể nếu không có giấy phép tổ chức họp báo mà mời báo chí đến cung cấp thông tin rộng rãi như vậy càng chưa đúng”.

“Vinastas công bố hàm lượng asen tổng, trong khi theo QCVN 8-2:2011/BYT chỉ yêu cầu làm xét nghiệm và công bố hàm lượng asen vô cơ, việc công bố một chỉ tiêu quan trọng một cách mập mờ như vậy thì cũng không loại trừ có một ý đồ nào đó không minh bạch. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để suy đoán, nghi vấn về việc có một doanh nghiệp nào đó đứng sau việc khảo sát, công bố chất lượng nước mắm của Vinastas. Ở đây, thông thường sẽ là một hãng sản xuất lớn có những dòng sản phẩm chi phối thị trường” - ĐBQH Phạm Tất Thắng nhìn nhận.

Có sự tiếp tay trong kế hoạch truyền thông bất minh?

Không chỉ nghi vấn xung quanh việc công bố một cách mập mờ của Vinastas, dư luận cũng nghi vấn về một kế hoạch truyền thông bất minh với sự tiếp tay của một số cơ quan truyền thông và doanh nghiệp đứng sau.

Chia sẻ với phóng viên Báo ANTĐ về nghi vấn này, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, chưa rõ tính đúng sai hay có động cơ gì đằng sau việc công bố, đưa thông tin về kết quả khảo sát của Vinastas trên báo chí truyền thông nhưng rõ ràng trong vụ việc này, một số cơ quan báo chí đã “có sơ hở”.

Đồng quan điểm, ĐBQH Phạm Tất Thắng phân tích: “Thông thường những thông tin chính thống liên quan đến những vấn đề nhạy cảm như chất lượng nước mắm phải được phát ra từ cơ quan quản lý Nhà nước, còn khi đưa thông tin từ những đơn vị không có thẩm quyền, không có chức năng phát ngôn về vấn đề đó thì phải cân nhắc, thẩm định đa chiều, khách quan.

Song nhiều khi báo chí vì muốn cung cấp thông tin nhanh cho độc giả, nhất là những sự kiện nóng, những vấn đề đang được dư luận quan tâm nên chưa có được những thông tin kiểm chứng đầy đủ”.

Theo ĐBQH Phạm Tất Thắng, trong vụ việc này, đa số cơ quan báo chí đưa thông tin và phản ứng trước kết quả khảo sát nước mắm của Vinastas có sự khách quan, vô tư. “Song cũng không loại trừ có thể có một vài người ở một vài tờ báo có ý định, chủ đích rõ ràng đằng sau việc tuyên truyền thông tin này, thậm chí là bắt tay, phối hợp với đơn vị cung cấp thông tin, đẩy vụ việc lên mức rất cao hay nói thẳng là “chiến dịch truyền thông bẩn”. Cơ quan chức năng nên vào cuộc xác minh làm rõ nghi vấn này” - ĐBQH Phạm Tất Thắng nêu quan điểm.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu rõ: “Nếu chứng minh được có một doanh nghiệp sản xuất nước mắm tài trợ đứng sau chiến dịch vừa rồi, tôi khẳng định họ đã vi phạm pháp luật”.

“Trong ngày 17-10, tiểu thương ở một số chợ nhận được tờ rơi nói rõ về việc nước mắm có asen là không an toàn, không có asen mới là an toàn. Đây là căn cứ để các cơ quan chức năng có thể xử lý nghiêm. Ngoài ra, còn có rất nhiều quảng cáo của doanh nghiệp sản xuất nước mắm lớn vào dịp này trên báo chí” - luật sư Nguyễn Thế Truyền phân tích thêm. (* An ninh Thủ đô (trang 1))

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống trang 3: “Chính thức công bố kết quả kiểm nghiệm nước mắm”; Báo Nông thôn Ngày nay trang 2: “Giải oan cho nước mắm truyền thống”

Đoàn bác sỹ trẻ vào "rốn lũ" Hương Khê trao quà, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân

Sẻ chia nỗi khó khăn với người dân tỉnh Hà Tĩnh sau trận lũ kinh hoàng vừa qua, đoàn bác sĩ trẻ Hà Tĩnh tại Hà Nội và những người bạn, cùng với Báo An ninh Thủ đô đã đến với "rốn lũ" Hương Khê, tận tay trao những phần quà thiết thực, ý nghĩa; đồng thời, khám, phát thuốc miễn phí cho người dân nơi đây.

Từ sáng sớm 23-10, đoàn công tác các bác sĩ trẻ Hà Tĩnh tại Hà Nội cùng một số nhà tài trợ phối hợp với Báo An ninh Thủ đô đã có mặt tại Hương Khê, chuẩn bị 350 phần quà gồm: 1 triệu đồng tiền mặt và một cơ số thuốc bổ, thuốc mắt để trao cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Hương Khê cùng người dân 3 xã: Lộc Yên, Gia Phố và Hương Đô. (* An ninh Thủ đô (trang 9))

TP.HCM lo dịch bệnh Zika lan rộng

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, hiện TP.HCM đã có 5 trường hợp mắc Zika.

Với điều kiện thuận lợi về trung gian truyền bệnh (thông qua muỗi vằn) thì khả năng sẽ xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm vi rút Zika tại TP trong thời gian tới và dịch này sẽ lan rộng trên toàn TP giống như sốt xuất huyết hiện nay.

Do đó, cần thực hiện tích cực các giải pháp phòng chống, đặc biệt là sự phối hợp hiệu quả, hợp tác đồng bộ với ý thức trách nhiệm cao của người dân, của cộng đồng dân cư và các ban ngành đoàn thể.

* 5 người mắc Zika tại TP.HCM Chiều 19.10, tại buổi làm việc với Bộ Y tế, Thành ủy, UBND TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho biết ông rất sốt ruột về dịch bệnh Zika trên địa bàn.

Trước đó, sau cuộc họp với Bộ Y tế, Thành ủy, UBND TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh đã chủ trì cuộc họp với đại diện Sở TN-MT, Thành đoàn và các đơn vị trực thuộc Sở có liên quan để bàn việc phối hợp triển trai công tác vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng nhằm quyết tâm kéo giảm số ca mắc bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika trên địa bàn TP. (* Thanh niên (trang 2))

Kiến ba khoang hoành hành

Khoảng một tuần trở lại đây, người dân ở Hà Nội và nhiều địa phương phía Bắc gặp rất nhiều phiền toái và ảnh hưởng sức khỏe do bị kiến ba khoang tấn công. Một số chuyên gia về côn trùng cho biết, hiện nay, miền Bắc vào cuối thu và là dịp thu hoạch lúa nên côn trùng, kiến ba khoang xuất hiện. Kiến ba khoang là loại kiến có cánh, trên lưng có khoang đỏ đen nên được gọi là kiến ba khoang. Đặc biệt, kiến ba khoang bị thu hút bởi ánh sáng đèn nên vào buổi tối, đèn điện bật sáng sẽ thu hút kiến bay vào nhà, bám vào đồ dùng và tiếp xúc với da người. Những người có tiếp xúc da với kiến ba khoang dễ bị độc chất từ dịch của kiến dính vào da gây ngứa, viêm da.

Theo TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, hiện nay mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hàng trăm trường hợp bị kiến ba khoang tấn công, trong đó có nhiều người bị tổn thương da nặng nề. Nguy hiểm hơn khi có nhiều người khi đến khám cho rằng bị viêm da do zona hay còn gọi là giời leo. Có trường hợp vào viện khám khi vết thương đã bị bội nhiễm mưng mủ và lan rộng. TS Lê Hữu Doanh cũng cho biết, dịch trong kiến ba khoang là chất độc gây phỏng rộp tổn thương cho da khi người bệnh vô tình lấy tay giết kiến hoặc kiến đậu tiết dịch trong thân gây tổn thương cho da. Dịch ở vết thương lan rộng ra chỗ nào thì gây tổn thương da chỗ đó. Khi chất dịch ở kiến ba khoang dính vào da người sẽ có cảm giác lúc đầu là căng da, ngứa rát, phù nề, đỏ một vùng da, sau 6-12 giờ thì đỏ cộm thành vệt và nổi những mụn nước to nhỏ không đều kích thước 1-5 mm và chỉ sau 2- 3 ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ. Khi ấy cảm giác đau rát càng tăng, có thể kèm theo sốt, khó chịu.

Để phòng ngừa kiến ba khoang, các chuyên gia khuyến cáo, trước khi đi ngủ, cần giũ sạch giường, chiếu, nhà nên đóng kín hết cửa hoặc buông rèm nếu bật đèn. Nếu kiến ba khoang đậu trên người, không dùng tay chà xát sẽ làm cho dịch độc của kiến tiết ra nhiều và dính vào da, mà thổi nhẹ cho bay đi. Nếu không may bị tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang, vùng da tiếp xúc có thể xuất hiện ban đỏ, ngứa, ngay lập tức hãy dùng nước muối sinh lý rửa nhẹ nhàng để làm sạch chất độc bám trên da. Sau đó thoa lên vùng da tổn thương nhằm mục đích làm mát da, tránh phồng rộp. Sau đó bôi mỡ corticoid 4-6 lần/ngày, bôi kem phenaegan 8-10 lần/ngày. (* Sài Gòn giải phóng (trang 11))

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang