Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/10/2018

  • |
T5g.org.vn - Phẫu thuật dị tật bẩm sinh cho 21 trẻ em ở Thanh Hóa; Kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm y tế; Trị bệnh tay-chân-miệng bằng... rau sam, lá bàng; Bộ Y tế cảnh báo thông tin quảng cáo viên xương khớp; Kiểm tra việc chỉ định thuốc, xét nghiệm cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế...

 

Phẫu thuật dị tật bẩm sinh cho 21 trẻ em ở Thanh Hóa

Ngày 23/10, thông tin từ Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hoá Lê Đăng Khoa cho biết, đơn vị vừa được phối hợp với Tổ chức Children Action khám và phẫu thuật chỉnh hình thành công cho 21 trẻ em bị dị tật. Dưới sự hỗ trợ của 2 chuyên gia đến từ Bệnh viện Trường Đại học Rennes và Bệnh viện Unio - Saint Jean, Toulouse, Pháp, đã có gần 70 trẻ được khám sàng lọc, có 21 trẻ được chỉ định phẫu thuật. Trong 4 ngày, từ 19-22/10, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá phối hợp với Tổ chức Children Action (Thụy Sỹ) khám và điều trị cho các bệnh nhân mắc các dị tật về chỉnh hình hư ngón tay cò súng, trật khớp háng bẩm sinh và các dị tật khác.

Chị Lê Thu Hương (mẹ của bệnh nhi vừa được phẫu thuật thành công) chia sẻ: "Con tôi bị trật khớp háng bẩm sinh, tập đi rất khó khăn, gia đình lại thuộc diện hộ nghèo không có kinh phí chữa trị. May nhờ có các bác sỹ về hỗ trợ, phẫu thuật thành công để cháu phát triển bình thường, chúng tôi rất mừng. Xin cảm ơn các y, bác sỹ".

Các trẻ có đầy đủ thẻ BHYT, giấy khai sinh, giấy chứng nhận trẻ em dưới 6 tuổi, có giấy chuyển viện được hưởng quyền lợi theo quy định về thanh toán của chế độ BHYT; những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được Tổ chức Children Action thanh toán.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Tổ chức Children Action cũng đã chuyển giao kỹ thuật 2 đợt cho Bệnh viện Nhi Thanh Hóa về phẫu thuật sẹo bỏng và kỹ thuật tiêm Botulinum toxin cho trẻ bại não thể co cứng. (Nhân dân, trang 5).


Kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm y tế

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, từ nay đến cuối năm, Sở Y tế sẽ có các đoàn kiểm tra đột xuất để phát hiện các hành vi gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) tại các cơ sở y tế trên địa bàn…

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trong và ngoài công lập trực thuộc ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phòng chống gian lận, trục lợi quỹ BHYT.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, cùng với việc các đơn vị tự kiểm tra, giám sát, Sở Y tế sẽ kiểm tra đột xuất để ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT, bảo vệ quyền lợi cho người bệnh, uy tín của ngành y tế và phát huy hiệu quả của chính sách BHYT.

Cụ thể, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tích cực kiểm tra, chấn chỉnh công tác lập hồ sơ bệnh án, kê đơn, cấp thuốc BHYT, không để xảy ra tình trạng lập hồ sơ bệnh án khống, kê đơn khống để chiếm dụng tiền của quỹ BHYT.

Đồng thời, phải quản lý, kiểm tra việc chỉ định sử dụng thuốc, xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật… cho người bệnh có thẻ BHYT, các chỉ định này chỉ được phép thực hiện sau khi trực tiếp khám bệnh; kê đơn chỉ định dùng thuốc phải đảm bảo an toàn, hợp lý và phù hợp với chẩn đoán bệnh.

Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh không được thu thêm của người bệnh BHYT chi phí đã tính trong cơ cấu giá và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các đơn vị chỉ được thu các chi phí vật tư, hóa chất chưa tính vào giá, phần đồng chi trả theo quy định của người có thẻ BHYT hoặc phần chênh lệch giữa giá thanh toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội và giá khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Đặc biệt, các đoàn kiểm tra đột xuất của Sở Y tế cũng sẽ kiểm tra các bảng kê chi phí khám chữa bệnh của người bệnh để xem có đảm bảo tính chính xác và các bảng kê chi phí này có chữ ký xác nhận của người bệnh theo đúng quy định hay không.

Qua kiểm tra, nếu phát hiện những sai sót, trùng lặp trong thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, Sở Y tế Hà Nội sẽ chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc. Ông Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh, giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh phải chịu trách nhiệm trước Sở Y tế và trước pháp luật nếu để xảy ra sai phạm về sử dụng quỹ BHYT trong đơn vị hoặc lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách. (An ninh Thủ đô, trang 6; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).


Trị bệnh tay-chân-miệng bằng... rau sam, lá bàng

Quá tin vào các bài thuốc dân gian khiến bệnh tay-chân-miệng nặng thêm.

Hiện nhiều bài thuốc dân gian chữa bệnh tay-chân-miệng (TCM) được truyền miệng hoặc đăng tải trên các trang mạng khiến không ít phụ huynh băn khoăn tính hiệu quả.

Vừa uống vừa tắm sẽ mau hết bệnh?

Những bài thuốc dân gian chữa TCM đầu tiên phải kể tới là rau sam. Bài viết hướng dẫn rau sam sau khi rửa sạch ngâm với nước muối và nấu trong vòng một tiếng rồi chắt lấy nước. Một phần cho trẻ uống, phần còn lại dùng lau trên người trẻ. Bài viết còn quả quyết sử dụng rau sam trong ba ngày sẽ khỏi bệnh.

Bài thuốc dân gian chữa TCM kế tiếp là rau diếp cá. Loại rau này sau khi giã nát ngâm trong nước ấm rồi tắm cho trẻ. Cũng có thể xay nát rau diếp cá rồi chắt lấy nước cho trẻ uống. Dùng liên tục 5-7 ngày bệnh sẽ hết.

Bạc hà cũng là bài thuốc dân gian chữa TCM được truyền miệng và đăng tải trên các trang mạng. Bạc hà được đun sôi, sau đó lấy nước uống. Mỗi ngày uống hai tách thì bệnh sẽ mau hết.

Trong khi những loại rau nói trên ăn được thì một loại lá chẳng thể cho vào miệng nhai nuốt cũng được hướng dẫn dùng chữa bệnh TCM. Đó là lá bàng. Bài viết hướng dẫn lá bàng xay nhỏ, cho vào nước và muối rồi đun sôi để nguội. Sau đó lọc lấy nước cho vào tủ lạnh uống dần.

Trong lần theo chân Sở Y tế TP.HCM và Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh TCM tại các bệnh viện nhi, chúng tôi ghi nhận không ít trường hợp trẻ mắc bệnh nặng do sử dụng bài thuốc dân gian truyền miệng hoặc đăng tải trên mạng.

“Bệnh con tôi bác sĩ nói nếu đưa tới bệnh viện sớm thì điều trị khỏi từ lâu. Đằng này đưa tới trễ nên bệnh trở nặng. Chỉ tại tôi vì tin lời người quen, cho con uống lá bàng suốt một tuần nên bệnh thêm nặng” - mẹ của một bệnh nhi ở tỉnh Bình Dương buồn rầu nói.

“Tôi cũng vậy. Đọc báo thấy rau sam trị hết bệnh TCM nên tôi ép con uống liên tục. Cháu ói ra là tôi đút nước rau sam vô miệng tiếp. Tới ngày thứ năm, thấy bóng nước nổi nhiều hơn nên tôi lật đật đưa tới bệnh viện. Sau khi biết sự việc, bác sĩ nói đưa tới sớm thì cháu về nhà từ lâu” - cha của một bệnh nhi ở tỉnh Đồng Nai cho biết.

Không có chứng cứ khoa học

TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, cho biết TCM hiện chưa có thuốc chủng ngừa và đa phần rơi vào trẻ dưới 10 tuổi. “Tuy nhiên, phần lớn bệnh sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày. Những trường hợp nặng thì sẽ lâu hơn” - bà Lan nói.

Theo bà Lan, trẻ bị TCM sốt cao, mệt mỏi. Hơn nữa, miệng của trẻ bị TCM lở loét, đau rát nên ăn uống kém, mau mất sức. Dân gian cho rằng rau sam, rau diếp cá, cây bạc hà có tính thanh nhiệt, giải độc nên khi dùng sẽ tăng sức đề kháng, mau hết bệnh. “Tuy nhiên, những loại rau trên chỉ có thể giải quyết các triệu chứng của TCM như mụn nước, thải độc… chứ không thể trị dứt TCM” - bà Lan nói thêm.

Riêng lá bàng, y học cổ truyền không xem đây là loại thuốc. Do vậy, một khi uống lá bàng để trị TCM sẽ không an toàn.

Đồng quan điểm trên, BS Đỗ Tân Khoa, Giám đốc BV Y học cổ truyền TP.HCM, cho biết thêm mặc dù dân gian cho rằng các loại rau và lá nói trên có thể chữa khỏi TCM nhưng khoa học chưa chứng minh điều đó. “BV Y học cổ truyền TP.HCM cũng không áp dụng các bài thuốc dân gian nói trên để điều trị TCM” - BS Khoa khẳng định.

Theo BS Khoa, một khi trẻ có dấu hiệu mắc TCM thì nên đưa tới bác sĩ chuyên khoa để được điều trị theo phác đồ. Quá tin tưởng vào các bài thuốc dân gian sẽ khiến bệnh tình của trẻ thêm nặng.

Từ đầu năm 2018 đến tháng 10-2018, trên địa bàn TP ghi nhận tổng cộng 5.001 ca nhập viện do TCM, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017 (4.527 ca).

TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vaccine dự phòng. Để phòng bệnh TCM nên cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng. Bên cạnh đó, vệ sinh hằng ngày và khử khuẩn hằng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.

Khoảng 80% số ca bệnh TCM ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi trẻ có các dấu hiệu trở nặng như giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt… phải đưa đến bệnh viện ngay. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 13).


Bộ Y tế cảnh báo thông tin quảng cáo viên xương khớp

Mới đây Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã cảnh báo người tiêu dùng cần cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên xương khớp Minh Thắng trên website xuongkhopminhthang.net và xk1.dongyminhthang.net. Lý do là các website trên đang quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật, sai quy định. Hiện Cục an toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý. Theo Cục An toàn thực phẩm, sản phẩm viên xương khớp Minh Thắng là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng quảng cáo như thuốc có tác dụng điều trị bệnh xương khớp: “Xương Khớp Minh Thắng là công thức Đông y gia truyền đã mang lại “phép màu” đánh tan cơn đau, điều trị dứt điểm cho 12.000 bệnh nhân bị xương khớp trên cả nước. Sản phẩm không chỉ giúp giảm sưng đau và kháng viêm mạnh mà còn giúp dưỡng huyết, tăng cường chức năng gan thận, góp phần tăng sức đề kháng, hồi phục sức khỏe…” (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 13).


Kiểm tra việc chỉ định thuốc, xét nghiệm cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong và ngoài công lập tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phòng chống gian lận, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế.

Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh về tình trạng gian lận, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, uy tín của ngành Y tế và ảnh hưởng đến lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Chính vì vậy, giám đốc bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh chịu trách nhiệm trước Sở Y tế và trước pháp luật nếu để xảy ra sai phạm trong đơn vị, lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách.

Bên cạnh đó, Sở Y tế sẽ kiểm tra đột xuất để ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế. Cụ thể, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tích cực kiểm tra, chấn chỉnh công tác lập hồ sơ bệnh án, kê đơn, cấp thuốc bảo hiểm y tế, không để xảy ra tình trạng lập hồ sơ bệnh án khống, kê đơn khống để chiếm dụng tiền của Quỹ Bảo hiểm y tế. (Hà Nội mới, trang 5).


Quy định mới về mức đóng bảo hiểm y tế

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó quy định mức đóng bảo hiểm y tế.
Cụ thể, mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của các đối tượng được quy định như sau:
Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức.
- Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế;
- Người lao động trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng của người lao động. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh;
Bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản đối với người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với các đối tượng khác.
Mức đóng bảo hiểm y tế của đối tượng nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Việc giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế được thực hiện khi các thành viên tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Lãnh đạo BV Việt Đức nói gì về đường dây mua - bán thận?

Trao đổi với báo chí về nghi vấn tồn tại đường dây mua, bán thận  tại bệnh viện (BV), GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức, cho biết khoảng 2 tháng trước, Công an TP Hà Nội đã đề nghị BV Việt Đức phối hợp để điều tra nhóm mua - bán thận mà công an đang điều tra.Theo rà soát, thời gian qua có 5 cặp cho - nhận thận không cùng huyết thống được ghép thận tại BV Việt Đức. Tuy nhiên, nếu xét theo hồ sơ pháp lý, cả 5 cặp hồ sơ hiến - ghép tạng này đều đủ yêu cầu.
Cặp đầu tiên bệnh nhân nam Q.H.N, 36 tuổi, ở Phú Thọ, bị suy thận mãn, nhận tạng từ người hiến là C.T.T.N, 30 tuổi ở An Giang. Để hoàn thành thủ tục hiến thận đã có bố và chồng đến BV Việt Đức, nghe các bác sĩ giải thích và ký cam kết. Cặp thứ 2 là bệnh nhân P.T.T.X, 43 tuổi ở Hải Dương bị suy thận mãn nhận tạng từ người hiến là H.N.T, 30 tuổi ở Quảng Trị, có mẹ đẻ và vợ đến viện ký cam kết.
Cặp 3 là bệnh nhân Đ.H.N, 43 tuổi, ở Hà Nội, nhận tạng từ người hiến là V.T.Đ, 25 tuổi, ở Lạng Sơn, cũng có mẹ đẻ và vợ đến viện ký cam kết.
Cặp 4 là bệnh nhân T.V.H, 26 tuổi, ở Bắc Ninh, nhận tạng từ người hiến là P.V.H, 27 tuổi ở Lạng Sơn, cũng có vợ và mẹ đẻ đến nghe và ký cam kết.
Cặp thứ 5 là bệnh nhân Đ.D.M, 40 tuổi, ở Hà Nội, nhận thận từ người hiến L.Đ.V, 28 tuổi ở Lạng Sơn, có vợ và mẹ đẻ đến nghe và ký cam kết.Theo GS Giang những cặp bệnh nhân hiến - ghép tạng này đều không cùng huyết thống nhưng một trong những yêu cầu nghiêm ngặt với người hiến thận đó là phải có ít nhất 2 người thân trong gia đình (bố, mẹ hoặc chồng, vợ) đến BV, cùng ký cam kết đồng ý hiến thận. Mối quan hệ gia đình cũng được chứng thực bằng các giấy tờ liên quan, chứng nhận của địa phương, qua phòng công chứng xác định.... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).


Đẩy mạnh phát triển đối tượng và giảm nợ đọng BHXH

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đến hết tháng 9/2018, số tiền nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) phải tính lãi là 7.647 tỷ đồng, chiếm 2,3% kế hoạch thu.

Tại Hội nghị trực tuyến đề xuất các giải pháp về phát triển đối tượng tham gia và giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN năm 2018 vừa diễn ra, thống kê từ BHXH Việt Nam đến ngày 30/9 cho biết, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 14.096 triệu người, đạt 96,2% kế hoạch giao. Trong đó, 9 tháng đầu năm, toàn quốc phát triển được 499.972 người; dự kiến số người còn phải phát triển 3 tháng cuối năm là 551.008 người. Trong đó, một số địa phương đạt tỷ lệ so với kế hoạch giao cao hơn tỷ lệ bình quân chung toàn quốc (từ 96,2%) là Thái Bình, Kiên Giang, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Hà Nam.

Số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là 189.502 người, đạt 57,5% so với kế hoạch, số người còn phải phát triển trong 3 tháng cuối năm là 141.730 người. Trong đó có một số địa phương thực hiện tốt công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện như: Hải Dương, Ninh Bình, Cao Bằng, Quảng Bình, Điện Biên, Thừa Thiên Huế...

Số đối tượng tham gia BHYT là 82 triệu người, đạt 98,4% kế hoạch giao, tăng 812.749 người so với năm 2017, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 87,3%.

Tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN luôn là mảng công tác “cốt lõi” của ngành BHXH trong thời gian qua và càng quan trọng hơn trong giai đoạn tới, nhằm đáp ứng được mục tiêu phát triển đối tượng tham gia mà Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đề ra.

Tuy nhiên, trước thực trạng công tác phát triển đối tượng tham gia của nhiều địa phương  chưa đạt yêu cầu đề ra, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhận định, hiện nay, BHXH nhiều địa phương đang gặp không ít khó khăn trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH (cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện), kết quả phát triển đối tượng tham gia chưa xứng với tiềm năng của địa phương; tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN đã được cải thiện nhưng vẫn còn cao. Ông Trần Đình Liệu cũng cho rằng, bên cạnh những lý do khách quan như: Tình hình kinh tế địa phương khó khăn, doanh nghiệp cắt giảm sản xuất, kinh doanh; Nhiều địa phương lớn chuyển đổi cơ cấu theo hướng dịch vụ, chủ trương tuyển lao động chuyên môn cao và tăng cường áp dụng công nghệ... thì còn tồn tại một số nguyên nhân chủ quan đến từ chính BHXH một số địa phương.

Do đó, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư và chính quyền địa phương để kịp thời nắm bắt tình hình các doanh nghiệp và lao động trên địa bàn, phục vụ công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; thực hiện nghiêm túc quy định về quy trình thu theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH; quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành đóng, tập trung thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên theo quy định. Sau mỗi đợt thanh tra, ngoài việc giám sát việc thực hiện kết quả thanh tra của các đơn vị, cần chủ động gửi hồ sơ đề nghị cơ quan công an xử lý hình sự với những đơn vị có tính chất vi phạm hình sự về BHXH, BHYT, BHTN.

Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh, thành phố phải hoàn thành việc ký hợp đồng với ngành bưu điện trong triển khai cập nhật dữ liệu tăng giảm hộ gia đình tham gia BHYT và chậm nhất đến ngày 30/10 phải hoàn thành việc ký hợp đồng công tác này với UBND xã, phường, thị trấn. Riêng Ban Thu xây dựng kế hoạch thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển đối tượng bền vững có sự tham gia của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; Trung tâm Công nghệ Thông tin phối hợp với Ban Thu, đến hết tháng 12/2018, phải hoàn thiện phần mềm tin nhắn thông báo kết quả thu nộp BHXH tới từng người tham gia. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).


Can thiệp mạch máu não thành công cho 3 bệnh nhân

Cả 3 bệnh nhân đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe cải thiện, vận động tốt sau điều trị can thiệp mạch máu não tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Ngày 23-10, BSCKII Nguyễn Minh Nghiêm, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương (BVĐKTƯ) Cần Thơ cho biết, với sự hướng dẫn của các chuyên gia Bệnh viện Nhân dân 115, các bác sĩ của BV vừa can thiệp thành công 3 trường hợp bệnh nhân có chỉ định can thiệp mạch não. Cả 3 bệnh nhân đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe cải thiện, vận động tốt sau điều trị.

Theo đó, bệnh nhân L.T.L. (68 tuổi, ngụ thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng), được đưa đến BVĐKTƯ Cần Thơ trong tình trạng nói khó, yếu nửa người bên phải. Bệnh nhân L. được chẩn đoán nhồi máu não do tắc, hẹp 90% động mạch cảnh tại gốc (P).

Sau khi hội chẩn, các BS đã chỉ định nong và đặt stent động mạch cảnh. Đây là trường hợp khó thực hiện kỹ thuật vì bệnh nhân từng được phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ đùi, huyết áp tay trái không đo được nên chỉ có thể thực hiện can thiệp xuất phát từ động mạch cánh tay phải.

 Sau hơn 2 giờ, thủ thuật kết thúc thành công, bệnh nhân đã cải thiện đáng kể sức cơ và nói khó, so với thời điểm nhập viện…

Hai trường hợp còn lại, bệnh nhân bị vỡ túi phình động mạch não. Điển hình là bệnh nhân V.T.N. (63 tuổi, ngụ huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), nhập viện trong tình trạng đau đầu, lơ mơ. Dựa vào thăm khám, thực hiện cận lâm sàng, bệnh nhân N. được chẩn đoán xuất huyết dưới nhện nghi do vỡ túi phình động mạch não.

Các BS của BVĐKTƯ Cần Thơ đã tiến hành chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA nhằm đánh giá những tổn thương hoặc dị dạng mạch máu não và là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán xác định đồng thời can thiệp điều trị khi có chỉ định.

Kết quả sau 1 giờ can thiệp, túi phình động mạch não kích thước 3 x 8mm đã được bít tắc hoàn toàn. Sau đó, bệnh nhân được theo dõi điều trị nội khoa, xuất viện trong tình trạng ổn định về sức khỏe và vận động... (Công an nhân dân, trang 5).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang