Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba
Ngày 23-11, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tổ chức kỷ niệm 120 năm thành lập (1903-2023) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Đến dự có các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh, nguyên Phó Chủ tịch nước; Lê Thanh Liêm, Trưởng ban Nội chính Thành ủy; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Phát biểu tại buổi lễ, bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, bệnh viện được thành lập năm 1903, tiền thân là một trạm y tế chữa trị miễn phí cho cộng đồng người Hoa. Đến năm 1919, trạm được xây dựng quy mô lớn hơn với tên gọi Y viện Quảng Đông, hoạt động theo mô hình bệnh viện tư nhân cho đến sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.
Năm 1978, Y viện Quảng Đông được công lập hóa theo chủ trương của Chính phủ và một thời gian sau được đổi tên thành Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Đến nay, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là một trong những bệnh viện đa khoa hạng I của TPHCM. Mỗi năm, bệnh viện khám trung bình gần 600.000 lượt bệnh nhân ngoại trú, tiếp nhận và điều trị gần 50.000 lượt bệnh nhân nội trú.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương với thế mạnh trong điều trị nội - ngoại thần kinh, nội tiết, chấn thương chỉnh hình, tiêu hóa, lọc máu, chạy thận… nên đã thu hút rất nhiều bệnh nhân trên địa bàn thành phố và các tỉnh thành khác.
“Trong chặng đường 120 năm qua, nhất là 20 năm gần đây, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã luôn năng động phát triển, đổi mới sáng tạo, xây dựng bệnh viện theo hướng tiên tiến hiện đại, nhiều trang thiết bị, trung tâm chuyên sâu, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặt mục tiêu vươn tới những tiêu chuẩn cao của quốc tế, tiếp cận những kỹ thuật chữa bệnh khó và những kỹ thuật mới của thế giới”, bác sĩ Võ Đức Chiến thông tin.
Đồng thời cho biết, trong suốt quá trình phát triển 120 năm qua, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã luôn đề cao tinh thần nhân ái “không để ai bị bỏ lại phía sau, không từ chối điều trị bất cứ bệnh nhân nào, nhất là bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn”. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã sớm hình thành được hệ sinh thái hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức các hoạt động hỗ trợ về sinh hoạt thiết yếu, nâng đỡ tinh thần, gian hàng chia sẻ yêu thương, chuyến xe nghĩa tình… đã mang đến sự hỗ trợ cần thiết cho nhiều người bệnh.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đánh giá, suốt quá trình phát triển 120 năm qua, trải qua bao thăng trầm lịch sử, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vừa làm chứng nhân của thời cuộc vừa tham gia vào đời sống xã hội một cách tích cực, đóng góp phần khiêm tốn của mình vào việc chăm sóc sức khỏe cho người dân thuộc mọi thành phần trong xã hội.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, hiện nay TPHCM đã bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhưng cũng phải đương đầu với nhiều mối đe dọa từ dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu và chiến tranh…
“Tập thể y bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nói riêng và toàn thể ngành y tế TPHCM nói chung cần tập trung cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, đào tạo nhân lực hướng đến phát triển y tế kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh trong và ngoài nước”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Dịp này, Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vinh dự nhận tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước; Cờ thi đua của UBND TPHCM. Bên cạnh đó, nhiều tập thể, cá nhân khác của bệnh viện cũng được khen thưởng, khích lệ từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND TPHCM (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Số ca mắc hô hấp tăng nhanh do virus cúm mùa
Ngày 23-11, Sở Y tế TPHCM cho biết, đơn vị vừa tổ chức cuộc họp chuyên gia giữa các bệnh viện: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh nhiệt đới, Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) để đánh giá nguyên nhân của hiện tượng tăng số ca viêm hô hấp cấp tính ở trẻ em trong những tháng gần đây.
Kết quả xét nghiệm từ OUCRU cho thấy hiện tại không ghi nhận tác nhân nào nổi trội bất thường. Các tác nhân được tìm thấy qua xét nghiệm bao gồm virus cúm mùa, RSV, Enterovirus và các vi khuẩn H. Influenza, Strep. pneumonia, Mycoplasma pneumonia cũng là các tác nhân gây bệnh hô hấp thường gặp trong nhiều năm qua tại TPHCM.
Các chuyên gia nhận định các virus này là tác nhân phổ biến gây bênh viêm hô hấp. Phần lớn ca bệnh đều nhẹ, có thể điều trị ngoại trú. Theo HCDC, mặc dù số ca đến khám tại các cơ sở y tế có gia tăng trong những tháng cuối năm 2023 nhưng hệ thống giám sát chưa ghi nhận các ổ dịch viêm hô hấp tại các trường học trong những tháng gần đây. Hiện tượng tăng số ca bệnh viêm hô hấp trong những tháng gần đây tại TPHCM là theo chu kỳ thường gặp ở trẻ em. Tác nhân gây bệnh không có gì thay đổi, chủ yếu vẫn là các loại virus thường gặp.
Theo Sở Y tế TPHCM, đa số các bệnh viêm hô hấp do virus chỉ cần điều trị triệu chứng và tự khỏi, những trường hợp viêm phổi hoặc có bệnh lý nền cần được nhập viện chẩn đoán, điều trị đúng cách và kịp thời để ngăn các biến chứng nặng, hạn chế tử vong. Do có nhiều tác nhân virus khác nhau đều có thể gây bệnh viêm hô hấp nên một trẻ có thể bị mắc bệnh nhiều lần (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Vì sao thuốc lá điện tử có khả năng gây nghiện cao?
Thành phần hóa chất, ma túy có trong thuốc lá điện tử phức tạp hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống, gây nhiều tác hại bởi thuốc lá điện tử sử dụng nicotine dạng muối thay cho dạng tự do.
Thông tin trên được TS-BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết tại hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá đã được Bộ TT-TT tổ chức ngày 23.11 tại Hà Nội.
Theo TS-BS Nguyễn Trung Nguyên, muối nicotine có pH thấp hơn nicotine tự do, ít kích ứng hô hấp khiến người dùng hít dễ dàng lượng lớn. Do đó, thuốc lá điện tử có khả năng gây nghiện cao. Các hóa chất trong thuốc lá điện tử rất nhiều, thay đổi liên tục, trong đó có chất gây độc rất khó xét nghiệm phát hiện. Sử dụng thuốc lá điện tử làm phát sinh loạt bệnh và ngộ độc mới nổi, thậm chí y học chưa biết và không thể đoán trước. Thuốc lá điện tử làm gia tăng số người nghiện thuốc lá thông thường.
Theo thông tin từ hội thảo, trên các bệnh nhân nghiện thuốc lá nói chung, các kết quả chụp mạch cho thấy mạch máu người nghiện thuốc lá bị vôi hóa do thuốc lá. Tình trạng này khiến người nghiện thuốc lá bị đột quỵ hoặc bệnh lý mạch vành nặng hơn nhiều so với các trường hợp bị đột quỵ hoặc bệnh lý mạch vành gặp ở người già.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 20.000 loại hương liệu được sử dụng trong thuốc lá điện tử, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe. Đặc biệt, thuốc lá điện tử có chứa vitamin E axetat và tetrahydrocannabinol (THC), một chất kích thích hệ thần kinh có chứa trong cần sa, được cho là có vai trò quan trọng gây ra các trường hợp tổn thương phổi. Mặc dù vitamin E axetat an toàn khi được tiêu thụ dưới dạng thực phẩm hoặc mỹ phẩm, nhưng hậu quả của việc hít phải vitamin E axetat vẫn chưa được tìm hiểu đầy đủ. Hiện một số quốc gia trên thế giới đã cấm vitamin E axetat. Để che giấu độ gắt của nicotine làm cho sản phẩm dễ chịu hơn, dễ hít vào hơn, thu hút người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, các nhà sản xuất sử dụng rất nhiều loại hương liệu tạo mùi vị như bạc hà, táo, cam, chanh… trong thuốc lá điện tử (Thanh niên, trang 14).
Lo ngại trào lưu “bác sĩ mạng”
Chỉ cần khoác chiếc áo blouse trắng, dù không có bằng cấp chuyên môn thế nhưng chỉ cần đăng tải vài video có độ phủ mạnh, dễ dàng biến thành "bác sĩ mạng" với khả năng chữa bách bệnh.
Để lôi kéo người bệnh, các "bác sĩ mạng" sử dụng nhiều chiêu thức, mánh khóe thao túng tâm lý nhằm mục đích dụ dỗ người bệnh móc tiền mua thực phẩm chức năng, các loại thuốc "lang băm" chất lượng trời ơi.
Giả danh bác sĩ, chia sẻ thông tin sai sự thật
Mới đây tại TP.HCM, qua ghi nhận thông tin trên các nền tảng mạng xã hội, Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp các đơn vị kiểm tra đột xuất căn nhà của ông Hà Duy Thọ (phường 9, quận Phú Nhuận). Đây là nơi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không phép của ông Thọ và bà Đặng Thị Tuyết Thu (vợ ông Thọ).
Trước khi bị bắt quả tang, trên không gian mạng xã hội, đặc biệt là TikTok và Facebook cá nhân của ông Thọ đã đăng tải nhiều nội dung tư vấn sức khỏe thiếu bằng chứng khoa học.
Ông Thọ có phong thái và cách diễn đạt rất trôi chảy khi trình bày các vấn đề có khi là phản khoa học: uống sữa càng nhiều thì càng bị loãng xương, đặc biệt là sữa bò, sử dụng nước mắm thừa có thể gây ung thư, ăn gạo lứt chữa ung thư...
Các video này thu hút được hàng trăm hàng ngàn lượt xem, ủng hộ từ nhiều người.
Ngoài ra, tài khoản Facebook có tên "Bác sĩ Hà Duy Thọ" còn quảng cáo ông Thọ là bác sĩ dinh dưỡng Hà Duy Thọ và qua đó giới thiệu nhiều sản phẩm thực phẩm. Tại bàn khám, tư vấn có cả "Phiếu khấn nguyện trước khi ăn". Ông Thọ không trình ra được bằng cấp và chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ở thời điểm kiểm tra.
Bệnh nhân K., người được ông Thọ thăm khám, cho hay khi biết được thông tin trên mạng xã hội đã đến tìm ông Thọ để được tư vấn tình trạng sức khỏe. Sau khi tư vấn, chẩn đoán bệnh, ông Thọ yêu cầu anh K. lấy thuốc tại nhà gồm 6 sản phẩm thực phẩm, thực phẩm bổ sung và các chai dung dịch không rõ nguồn gốc ghi nhãn "Dr. Tho" với giá 4.290.000 đồng.
Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) cũng vừa khởi tố 10 bị can về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hơn 7.000 người bệnh tiểu đường, huyết áp bị nhóm thanh niên giả danh bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, lừa đảo bán thuốc, thực phẩm chức năng. Có thể thấy tình trạng giả danh bác sĩ để lừa đảo đang làm mưa làm gió trên mạng xã hội.
Mánh khóe thao túng tâm lý của "bác sĩ mạng"
Khảo sát trên các trang mạng xã hội, hàng ngàn video gắn mác tư vấn sức khỏe từ chế độ dinh dưỡng, chăm sóc da đến điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp, thậm chí ung thư.
Một video được lan truyền trên TikTok và Facebook thu hút hàng ngàn lượt xem của người tự nhận là "bác sĩ quân y Phạm Văn Chơn, công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108". Người này khẳng định chỉ cần áp dụng "liệu pháp chữa lành tự nhiên" là chữa tất cả các bệnh.
Sau đó, chủ của trang Facebook có tên H.V.N. dẫn dắt người dân mua thực phẩm chức năng.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khẳng định đây không phải là bác sĩ công tác tại viện, đồng thời phát thông tin cảnh báo đến người dân.
Giống như cách thức lừa đảo của bác sĩ Hà Duy Thọ hay đối tượng mạo danh bác sĩ Bệnh viện 108, các "bác sĩ mạng" luôn cập nhật đan xen quảng cáo bán hàng cùng video hướng dẫn người dân nhận biết những biểu hiện, triệu chứng hay khuyến cáo phòng bệnh.
Ban đầu, người xem tưởng rằng đây là lời tư vấn của các bác sĩ bệnh viện lớn, uy tín nên nghe và làm theo. Một số thông tin đúng sẽ tạo được niềm tin cho người xem.
Khi đã có niềm tin bởi những lời tư vấn "nhiệt tình", "miễn phí", người xem tương tác nhiều hơn và sử dụng các sản phẩm mà bác sĩ dỏm rao bán. Từ đó, người dân từng bước trở thành "con mồi" béo bở của các bác sĩ dỏm này.
Người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo
Là bác sĩ thường xuyên chia sẻ những kiến thức sức khỏe trên mạng xã hội, các kênh YouTube của báo chí, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng) cho rằng không thể phủ nhận được vai trò của công nghệ thông tin trong việc phổ cập kiến thức về y tế đến người dân. Tuy nhiên, để sử dụng một cách hiệu quả, trước tiên người dùng mạng xã hội phải biết chọn lọc thông tin.
"Là bác sĩ, chúng tôi luôn khuyến cáo người dân khi có triệu chứng bất thường về sức khỏe cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn. Những thông tin trên mạng xã hội chỉ có thể mang tính chất tham khảo. Không có loại thuốc, đơn thuốc nào có thể phù hợp với tất cả bệnh nhân, bất kỳ thể trạng nào.
Lợi dụng sự thiếu thông tin, hiểu biết của người dân, một số người mạo danh bác sĩ để bán thuốc trục lợi", bác sĩ Hoàng nhận định.
Một bác sĩ chuyên khoa ung bướu tại TP.HCM cũng chia sẻ thêm, người dùng mạng xã hội phải thật tỉnh táo, chỉ nên tham khảo các thông tin trên bài viết nghiên cứu gốc hoặc có trích dẫn từ nghiên cứu đã được chứng minh, hoặc bài viết do chuyên gia viết.
Đặc biệt, không nên tin quảng cáo rao bán thuốc qua mạng không có rõ nguồn gốc, xuất xứ. Khi nghi ngờ bản thân có các dấu hiệu bệnh tật phải đến các cơ sở uy tín để được thăm khám, không nên tin tưởng vào các thông tin trên Internet không rõ nguồn gốc.
Cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo sản phẩm
Theo bà Trần Việt Nga - phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), quảng cáo thực phẩm dù với bất kể hình thức thế nào, nếu đưa thông tin sai sự thật đều là hành vi vi phạm pháp luật.
"Sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo có thể mang lại niềm tin cho người tiêu dùng, nhưng phát ngôn, nhận xét của những người đó hoàn toàn là những hành vi mà pháp luật đã nghiêm cấm.
Luật An toàn thực phẩm cũng như nghị định 15 cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế, hay thư tín của người bệnh theo hình thức 'Tôi đã sử dụng sản phẩm này tốt và sau bao lâu thì khỏi bệnh'", bà Nga nêu rõ (Tuổi trẻ, trang 14).