Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/1/2016

  • |
T5g.org.vn - Đắk Lắk: Đồng bào trẩy hội Chủ nhật Đỏ; Viện phí sắp tăng, ai lợi ai thiệt?; "Phá vỡ một định kiến còn khó hơn phá vỡ một nguyên tử"

Đắk Lắk: Đồng bào trẩy hội Chủ nhật Đỏ

Trong 3 địa điểm đăng cai tổ chức Chủ nhật Đỏ lần thứ 3 ở tỉnh Đắk Lắk, huyện Ea Kar là nơi có đến trên 2.000 người đăng ký tham gia. Gần trọn ngày 23/1, đông đảo cán bộ, người dân, đồng bào các dân tộc từ nhiều buôn làng, thôn xã, thị trấn lũ lượt kéo về Nhà Văn hóa Trung tâm huyện đông vui như trẩy hội. Lần đầu tiên hiến máu, nữ sinh Nông Thị Nguyệt (dân tộc Tày, ở xã Xuân Phú) hồi hộp kể: Khi nghe trường thông báo cách đây 3 tuần là chương trình Chủ nhật Đỏ (CNĐ) sẽ được báo Tiền Phong tổ chức tại Ea Kar, lập tức hơn 20 bạn lớp 12C4 Trường THPT Trần Nhân Tông chen nhau đăng ký.

Dự lễ khai mạc CNĐ, cô Lâm Thị Phúc Dung, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ea Kar, cho biết, cán bộ, giáo viên trong ngành có 144 người đăng ký hiến máu. Sáng 23/1 cô đi hiến máu, gặp thầy Y Đhok Knul (người dân tộc Ê Đê, dạy Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu ở xã Cư Huê) cũng xin nghỉ dạy để đi hiến máu. Thầy Y Đhok khoe đây đã là lần hiến máu thứ 9. Nhiều trường THPT cả giáo viên lẫn học sinh đăng ký cả trăm người như các trường Trần Nhân Tông, Nguyễn Thái Bình, Trần Quốc Toản... Để kịp lên lớp vào buổi chiều, cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên chủ nhiệm lớp 10 A5 Trường THPT Ngô Gia Tự tranh thủ hiến máu buổi sáng. Thầy Huỳnh Báu Luân, Bí thư Đoàn Trường THPT Ngô Gia Tự, cho biết, toàn trường có 110 đoàn viên thanh niên tham gia.

Nụ cười tươi với chiếc răng khểnh rất duyên của thượng úy Nguyễn Thanh Phương càng được nhiều nữ phóng viên chú ý sau khi biết anh là Bí thư Đoàn Công an huyện, từng hiến máu trên 15 lần từ thời sinh viên tới bây giờ. Bên cạnh anh Phương có 35 cán bộ, chiến sĩ tham gia, Đội Cảnh sát PCCC số 3 thuộc Công an tỉnh đang làm nhiệm vụ trên địa bàn huyện cũng tề tựu đông đủ tại điểm xét nghiệm máu. Kề những mái đầu xanh là nhiều mái tóc bạc. Cựu chiến binh Phạm Đình Chiểu (65 tuổi, ở thôn 4, xã Ea Knôp) kể: Ông từng phục vụ 25 năm ở Bộ Tư lệnh 559. Đây là lần thứ tư ông Chiểu hiến máu, sau khi ông nhìn thấy bác của mình mắc bệnh hiểm nghèo, vào phòng cấp cứu được bác sĩ nhanh chóng cho truyền máu khi thấy tấm thẻ hiến máu của con trai bác trình ra.

Cả nhà, cả xã rủ nhau hiến máu

Tự nhận gia đình mình có điều kiện thuận lợi hơn nhiều tình nguyện viên khác vì nhà ở ngay thị trấn Ea Kar, ông Phan Quốc Đương (48 tuổi) đưa cả vợ và con đến với CNĐ. Ông Đương từng hiến máu 3 lần, vợ ông - bà Nguyễn Thị Thu - đã 6 lần hiến, còn con trai Phan Quốc Sơn 2 lần.

Thôn trưởng thôn 3A, xã Ea Ô, ông Phạm Văn Chương (sinh năm 1960), cũng cùng vợ và con tham gia CNĐ. Ông đã hiến máu 14 lần, còn con trai Phạm Văn Tâm (24 tuổi) 6 lần. Bí thư chi bộ thôn 3A, ông Phan Văn Hoài, hiến máu 9 lần. Các ông đã vận động tới 12 người ở thôn 3A chạy xe máy hơn 20 km ra hiến máu CNĐ. Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ xã Ea Ô, cho biết, toàn xã có 93 người tham gia CNĐ, trong đó có cả lãnh đạo là bà Phan Thị Tú Oanh - Phó Bí thư Đảng ủy xã, anh Lê Viết Dương - Bí thư Đoàn xã.

Xa nhất là xã Cư Bông, cách trung tâm huyện tới 40 km, cũng có nhiều đồng bào người Ê Đê, Tày, Thái, Mường tập trung đăng ký, xã thuê xe buýt chở đi. Xã Cư Huê có hơn 50 người, xã Cư Ni trên 170 người. Đông nhất là xã Ea K’mut có tới hơn 300 người tình nguyện hiến máu. Anh Nguyễn Văn Thắng (40 tuổi, ở thôn 12, xã Ea K’mut) cho biết, sau khi họp thôn, anh cùng 43 người nữa nhất trí tham gia CNĐ.  Đến cuối ngày 23/1, CNĐ tại Ea Kar thu được 1.111 đơn vị máu.

Tôn vinh những cá nhân, tập thể đi đầu

Nhân sự kiện CNĐ tại Ea Kar, nhà báo Hoàng Thiên Nga, Trưởng Ban tổ chức CNĐ lần thứ 3 ở Đắk Lắk, đã trao 10 suất học bổng Đọt Chuối Non của báo Tiền Phong cho 10 học sinh xuất sắc, đặc biệt hiếu học, hiếu thảo, vượt khó của huyện, theo danh sách đề cử của Phòng GD&ĐT Ea Kar. Ban tổ chức CNĐ cũng trao tặng 10 phần thưởng cho các cá nhân tích cực. Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện huyện Ea Kar được nhận bằng khen, kỷ niệm chương pha lê CNĐ, và 10 triệu đồng hỗ trợ công tác vận động hiến máu.

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn - Chủ tịch Hội LHTN Đắk Lắk Võ Văn Dũng và lãnh đạo huyện Ea Kar trao 2 bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho tập thể Ban đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, và cá nhân ông Nguyễn Đức Phú, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện tỉnh Đắk Lắk. Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Y tế, ông Nguyễn Văn Nhữ, Phó Khoa Vận động hiến máu tình nguyện - Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho nhà báo Hoàng Thiên Nga - Trưởng ban đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, đã 3 lần được đề cử làm trưởng ban tổ chức CNĐ tại Đắk Lắk.

Hôm nay, Chủ nhật Đỏ diễn ra tại 8 tỉnh, thành phố

Hôm nay (24/1), ngày hội Chủ nhật Đỏ tiếp tục diễn ra tại 8 tỉnh, thành phố trên cả nước, gồm: ĐH Y dược Thái Nguyên (284 Lương Ngọc Quyến, TP Thái Nguyên),  ĐH Tây Nguyên (567 Lê Duẩn, TP Buôn Ma Thuột), ĐH Hồng Đức (565, đường Quang Trung, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), ĐH Quảng Bình (312 Lý Thường Kiệt, TP Đồng Hới), ĐH Thái Bình (xã Tân Bình, TP Thái Bình), Cung Văn hóa thiếu nhi Quảng Ninh (176 Lê Thánh Tông, TP Hạ Long, Quảng Ninh), ĐH Kinh tế Đà Nẵng - ĐH Đà Nẵng (71 Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Hôm nay, Chủ nhật Đỏ sẽ diễn ra tại Học viện Hậu cần (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) với sự tham gia của hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ, học viên. Đây là đơn vị đầu tiên của Bộ Quốc phòng hưởng ứng Chủ nhật Đỏ năm 2016. Tính đến ngày 23/1, Chủ nhật Đỏ lần thứ 8 năm 2016 đã tiếp nhận gần 16.000 đơn vị máu (Tiền phong trang 4).     

Viện phí sắp tăng, ai lợi ai thiệt?

Sau Tết Nguyên đán Bính Thân thì cũng cận kề 1-3, ngày mà giá viện phí bắt đầu được điều chỉnh tăng cao so với mức hiện hành. Theo đó, lần điều chỉnh này được tính các chi phí bao gồm giá dịch vụ khám, chữa bệnh, giá dịch vụ ngày giường điều trị, giá dịch vụ kỹ thuật. Trong đó, giá dịch vụ khám, chữa bệnh hiện bao gồm 4 yếu tố: chi phí trực tiếp (thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, chi phí điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường); chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ; chi phí phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; chi phí tiền lương theo ngạnh bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định đối với các đơn vị sự nghiệp công lập… Theo kế hoạch, việc điều chỉnh giá viện phí tới đây sẽ có hơn 1.800 dịch vụ y tế do BHYT thanh toán được tăng giá, với mức tăng từ 2 đến 7 lần. Theo cách nghĩ thông thường thì tăng viện phí đồng nghĩa với việc tăng nỗi lo trong dân, đặc biệt là tạo gánh nặng cho người bệnh nặng, mãn tính. Nhưng trong việc điều chỉnh giá lần này người dân cũng cần phải hiểu cho đúng là không phải tăng chi phí thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây Nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh nhân sang hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, diện chính sách, bảo trợ xã hội mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tức là với người bệnh có mức hưởng quyền lợi 100% BHYT thì Quỹ BHYT sẽ thanh toán 100%.

Vậy thì viện phí tăng, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, diện bảo trợ xã hội không những không bị ảnh hưởng mà còn có lợi. Vậy thì ai bị ảnh hưởng? Ở mức độ ảnh hưởng không nhiều là người bệnh có mức hưởng quyền lợi 80% trở lên; và tất nhiên bệnh nhân không có thẻ BHYT sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Thực tế việc điều chỉnh giá viện phí với việc tính đủ chi phí là một phương cách khuyến khích người dân tham gia BHYT. Tính nhân văn, lợi ích của việc mua BHYT là người không bệnh giúp cho người có bệnh, người ít bệnh “hỗ trợ” cho người bệnh nặng, khi đau ốm sẽ được BHYT thanh toán. Ai hưởng ai thiệt thì cũng đã rõ, nhưng khoan bàn đến chuyện đó thì với chất lượng khám, chữa bệnh giữa các tuyến bệnh viện không đồng đều như hiện nay, người dân lại vẫn mãi băn khoăn với câu hỏi: Tăng viện phí dân được gì? Liệu việc giá dịch vụ tính đủ chi phí, trong đó có tiền lương của cán bộ y tế có làm thay đổi nhận thức của họ rằng phải phục vụ tốt mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho mình?...

Vì vậy viện phí tăng, người dân cũng hy vọng cơ sở y tế, khám chữa bệnh phải “chuyển mình” để có kế hoạch để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, y đức, thái độ phục vụ, thủ tục hành chính… để tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh. Theo quy luật của đời người sinh-lão-bệnh-tử thì bị bệnh là khổ quá rồi, vậy tăng viện phí cũng nên vì người bệnh, cho người bệnh hưởng quyền lợi cao nhất đáng được hưởng như lời Bộ trưởng Bộ Y tế đã từng khẳng định trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” là: Khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng lên theo phương hướng tính đúng, tính đủ thì chắc chắn chất lượng dịch vụ sẽ được tăng them (An ninh thủ đô trang 2).

"Phá vỡ một định kiến còn khó hơn phá vỡ một nguyên tử"

Là Phó Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, GS.TS Trịnh Hồng Sơn kiêm nhiệm thêm chức vụ Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Ông luôn mang nỗi trăn trở về sự khó khăn trong việc tuyên truyền thay đổi định kiến của người dân Việt Nam trong chuyện đi đến quyết định hiến mô tạng sau khi chết não, để cứu sống những người bệnh khác. GS.TS Trịnh Hồng Sơn dẫn lời nhà khoa học Albert Einstein: “Phá vỡ một định kiến còn khó hơn phá vỡ một nguyên tử” để nói về sự khó khăn này. Ông giải thích, không phải ai cũng hiểu biết đầy đủ thế nào là chết não, điều đó khiến vị bác sĩ lâu năm như ông rất ngạc nhiên. “Người chết não là người đã rơi vào trạng thái hôn mê sâu, không còn khả năng tự thở, tự vận động, mất hết các phản xạ. Đó là những triệu chứng lâm sàng trước khi tiến hành các phương pháp cận lâm sàng khác như điện não đồ, chụp mạch não, siêu âm doppler.

Ở nhiều nước phương Tây, người bị chết não không có đơn từ chối cho tạng trước đó thì theo quy định pháp luật, các bác sĩ có quyền mặc định người đó đồng ý hiến tạng cứu người. Còn ở Việt Nam, chúng tôi phải xin phép người thân, gia đình. Họ có thể đồng ý hay từ chối”, ông nói thêm. GS.TS Sơn cũng cho biết, chết não là chắc chắn chết. Trong 11 nghìn người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam hàng năm, có khoảng 1/3 được xác định là chết não. Nếu gia đình của người đó đồng ý hiến tạng từ trước thì sẽ trao cơ hội sống khỏe mạnh cho hàng chục nghìn người khác là những bệnh nhân đang chờ ghép tạng. Một người chết não hiến đa tạng có thể cứu sống 8 - 10 người.

“Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là thay đổi định kiến của người dân. Một người đăng ký hiến tạng, nhưng chỉ cần một người thân trong gia đình họ phản đối thì chúng tôi cũng không được phép. Không phải ai đăng ký, có thẻ tình nguyện hiến tạng do Trung tâm cấp đều sẽ hiến khi họ chết”, vị bác sĩ cho hay. Đối với ông, ca ghép tim, gan xuyên Việt hy hữu ngày 5-9-2015, sẽ chẳng bao giờ quên được. Ông điểm lại mốc thời gian chạy đua với sự sống: 11h59 phút ngày 4-9, ekip nhận được kết quả chính thức từ Bệnh viện Chợ Rẫy: bệnh nhân hiến tạng được xác định chết não. Ngay lập tức, ekip do ông làm trưởng đoàn ra sân bay Nội Bài. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), 19h30 phút, gan được lấy ra khỏi bệnh nhân; 19h45 phút tim lấy ra. 0h25 phút ngày 5-9-2015, gan và tim được vận chuyển đến Bệnh viện Việt Đức. 2h10 sáng, tim được chính thức lấy ra khỏi lồng ngực bệnh nhân được ghép. 3h30 phút, gan lấy khỏi lồng ngực bệnh nhân được ghép. 4h59 phút ca ghép tim thành công, 5h59 phút ca ghép gan thành công.

Ca ghép tim, gan tuyệt vời vượt qua hành trình 1.700 cây số đã thành công. Hiện nay, hai bệnh nhân đã khỏe mạnh. Hôm đó, cả ekip chạy đua giành giật từng giây, từng phút đảm bảo sự sống cho quả tim, lá gan trong suốt chặng đường vận chuyển. Về vấn đề Bộ trưởng Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ trang bị phương tiện chuyên dụng như trực thăng để vận chuyển nội tạng cứu người, GS.TS Trịnh Hồng Sơn cảm kích nói: “Chúng tôi rất cảm ơn Bộ trưởng, nhưng nếu cấp trực thăng thì đó là dự án dài và cần có thời gian. Còn giờ nhiệm vụ của chúng tôi là cứu người bằng mọi giá. Tất nhiên, tôi tin rằng, trong tương lai Việt Nam sẽ có những trang bị như thế”.

Gặp không ít khó khăn trong việc vận động người dân tình nguyện hiến mô tạng, nhưng GS.TS Trịnh Hồng Sơn vẫn luôn quyết tâm: “Tôi không thể dửng dưng để bệnh nhân tôi chết được. Tôi vừa mổ, vừa đi tuyên truyền. Điều tôi trăn trở nhất là làm thế nào, đến lúc chết, tôi vẫn muốn tuyên truyền mọi người hiến tạng khi chết não, để cứu hàng trăm bệnh nhân đang chờ ghép”. Một ngày đầu năm, hôm 12-1-2016, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và Học viện Quân y nhận bằng xác nhận kỷ lục Việt Nam cho sự kiện có nhiều người nhất cùng tình nguyện đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người, phục vụ y học sau khi chết, chết não. Tin vui ấy khiến những người kiên trì vận động tuyên truyền như GS.TS Trịnh Hồng Sơn mở lòng, mở dạ.

Nhưng ở khía cạnh khác, ông cũng không khỏi lo lắng, buồn phiền khi xảy ra những chuyện tiêu cực trong hoạt động hiến tạng. GS.TS Trịnh Hồng Sơn cũng lên tiếng cảnh báo, hiện nay xuất hiện trang web “ma” lừa bệnh nhân hiến tạng. Cụ thể, trang web có tên: hientangvietnam.xyz tự xưng là tổ chức phi lợi nhuận với mục đích nhận hiến mô tạng, hiến xác, đang đứng ra kêu gọi mọi người đăng ký hiến các bộ phận cơ thể. GS.TS Trịnh Hồng Sơn khẳng định, đó là trang web giả mạo, các cơ quan chức năng và mọi người cùng chung sức cảnh báo người dân không nên tin vào những thông tin giả mạo như vậy.

Những bác sĩ công tác trong lĩnh vực hiến tạng rất muốn thông tin chính thống đến với mọi người. Sẵn đây, tôi ghi ra để bạn đọc biết. Tại TP.HCM, Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy có địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, Quận 5, TP.HCM (Điện thoại: 84- 8- 3855 4137 xin số 1184 hoặc 1284, 84- 8- 3956 0139. Điện thoại 24/24h: 0913 677 016. Email: dieuphoigheptangbvcr@gmail.com. Website: http://www.choray.vn). Còn tại Hà Nội,  Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có địa chỉ: 40 Tràng Thi - Hà Nội (Điện thoại: +84 4 39386692. Điện thoại 24/24h: 0915 060 550. Email: gheptang@vncchot.vn (An ninh thủ đô trang 2).

Trao tặng tủ thuốc y tế và hướng dẫn kiến thức sơ cấp cứu cho ngư dân

30 tủ thuốc trong chương trình “Ngành Y tế cùng ngư dân bám biển” đã được tổ chức trao tận tay cho bà con ngư dân trên các tàu đánh cá xa bờ của xã Lập Lễ, huyện Thuỷ Nguyên (TP Hải Phòng) sáng 23-1. Đồng thời, một buổi tập huấn kiến thức sơ cấp cứu trực tiếp cho ngư dân cũng được các thầy thuốc Viện Y học biển Việt Nam (Bộ Y tế) hướng dẫn tại chỗ.

Viện trưởng Viện Y học biển Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn cho hay, hơn 2.000 tủ thuốc đã được trang bị cho các tàu cá xa bờ. Phấn đấu trong năm 2016 sẽ trang bị đầy đủ tủ thuốc và kiến thức sơ cấp cứu cho toàn bộ các tàu cá của ngư dân đánh bắt xa bờ trong chương trình đồng hành cùng ngư dân bám biển được triển khai tại 28 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong năm 2015, phong trào “Mọi người chung sức vì ngư dân bám biển” được phát động và triển khai, được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, nhằm thực hiện chương trình “Ngành y tế cùng ngư dân bám biển” do Bộ Y tế phát động. Viện Y học biển Việt Nam cùng các cơ quan, đơn bị xã hội hảo tâm đã tổ chức trao tặng hơn 2.000 tủ thuốc cho các tàu đánh bắt xa bờ.

Theo đó, mỗi tàu cá đánh bắt xa bờ có từ bảy đến 15 người sẽ được hỗ trợ trang bị một tủ thuốc trị giá khoảng hai triệu đồng với sáu nhóm thuốc chính gồm: tim mạch, kháng sinh, tiêu hóa, hạ sốt giảm đau, giãn phế quản, chống dị ứng, các thuốc khác và một số dụng cụ y tế như: nhiệt kế thủy ngân, máy đo huyết áp và ống nghe, nẹp máng đùi lớn, nẹp máng cánh tay, bông, băng (Nhân dân trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang