Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/1/2018

  • |
T5g.org.vn - Không để mất Tết vì chủ quan với dịch bệnh; Lo ngại dịch sởi bùng phát do lây truyền từ Philippines; Chủ Nhật Đỏ thu về gần 40.000 đơn vị máu....

 

Lo ngại dịch sởi bùng phát do lây truyền từ Philippines

Trong khi ngành y tế đang lo ngại trước những dấu hiệu của dịch sởi có thể diễn biến phức tạp, nhất là trên địa bàn Hà Nội khi số trẻ chưa được tiêm phòng còn cao, thì ngày 23-1, Bộ Y tế tiếp tục thông tin về nguy cơ bùng phát dịch sởi khi Philippine gia tăng số người mắc sởi ở mức đáng lo ngại.

Bộ Y tế nhận định việc số người bị sởi ở Philippines sẽ là nguy cơ lây lan dịch bệnh sởi vào nước ta rất lớn, do lượng hành khách xuất, nhập cảnh hàng ngày đông, trong khi Philippines và Việt Nam có sự giao lưu đi lại thuận tiện.

Từ tháng 11-2017 đến nay, tại thành phố Davao của Philippines, người mắc sởi tăng nhanh. Philippines hiện có 222 trường hợp mắc và chưa có trường hợp tử vong. Hầu hết những người mắc là ở khu vực thành thị có mật độ dân cư cao và có sự di biến động dân cư từ các khu vực khác vào thành phố lớn.

Do bệnh sởi có khả năng lây nhiễm rất cao, đặc biệt đối với trẻ chưa có miễn dịch với virus sởi và ở những nơi có mật độ dân cư cao nên Cơ quan y tế của thành phố Davao đã phải tổ chức chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trên 15.000 trẻ em nhằm kiểm soát dịch.

Bộ Y tế Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh sởi tại Philippines để có những biện pháp phòng bệnh phù hợp. Hiện chúng ta đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cho biết, việc phòng bệnh sởi theo biện pháp thông thường là rất khó khăn và tiêm vaccine sởi vẫn là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh sởi.

Trước mắt Bộ Y tế khuyến cáo người dân cách phòng bệnh sởi bằng các việc: Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lưu ý: Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra, bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Đây cũng là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh sởi rất dễ lây, vì thế không cho trẻ đến gần các trẻ mắc sởi.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh -Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành y tế Hà Nội đặc biệt lưu ý đến bệnh sởi và ho gà trong công tác phòng chống dịch bệnh mùa Đông-Xuân 2018 để có các biện pháp phòng chống hữu hiệu.

Hiện Sở Y tế Hà Nội đã triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc chỉ đạo y tế các quận huyện chủ động tham mưu với chính quyền các quận, huyện thị xã tăng cường phòng chống bệnh sởi trên toàn địa bàn. Việc tổ chức triển khai tiêm vét vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ dưới 5 tuổi được đặc biệt coi trọng, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác tiêm chủng thường xuyên theo quy định.

Trước đây, hàng tháng các trạm y tế xã phường mới tổ chức tiêm chủng, nay Sở Y tế đã chỉ đạo các Trạm Y tế phải tổ chức tiêm chủng hàng tuần, đồng thời, làm tốt việc điều tra, quản lý đối tượng tiêm chủng trên địa bàn. Bên cạnh phòng dịch, Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các cơ sở y tế giám sát tình hình dịch chặt chẽ tại cộng đồng và kịp thời khoanh vùng xử trí các ca bệnh mới phát sinh. Ngăn chặn dịch bùng phát và hạn chế tối đa tử vong là yêu cầu cao nhất của Sở Y tế với các đơn vị trực thuộc. (Công an Nhân dân, trang 7)

 

Chủ Nhật Đỏ thu về gần 40.000 đơn vị máu

Tính đến tối ngày 22/1, tổng số đơn vị máu mà các tình nguyện viên hiến trong Chương trình Chủ Nhật Đỏ lần thứ X năm 2018 đã đạt 39.598 đơn vị.

Đây là kỷ lục mới được ghi nhận trong hành trình thiện nguyện Chủ Nhật Đỏ với tôn chỉ mục đích “Hiến máu cứu người - Sinh mệnh của bạn và tôi” do báo Tiền Phong khởi xướng từ năm 2009 và phối hợp với Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thực hiện suốt 10 năm liên tục.

Chỉ riêng tại ĐH Bách Khoa Hà Nội trong 2 ngày 21 và 22/ đã có 2397đơn vị máu do các bạn sinh viên Thủ đô tình nguyện hiến. Một đặc điểm đáng vui mừng, chứng tỏ Chủ Nhật Đỏ ngày càng có sức thu hút và lan tỏa trong xã hội, đó là một số sự kiện hiến máu khác đã tự nguyện liên kết và đứng dưới cờ của Chủ Nhật Đỏ, qua đó góp phần đưa Chương trình Chủ Nhật Đỏ ngày càng lớn mạnh.

Năm nay, sức hấp dẫn của Chủ Nhật Đỏ đã lan toả doanh nghiệp nước ngoài lớn và có truyền thống hiến máu tình nguyện như Tổ hợp Samsung. Lãnh đạo Samsung đã quyết định liên kết ngày hiến máu của mình với Chủ Nhật Đỏ. Trong 5 ngày Tổ hợp Samsung đã thu về hơn 2000 đơn vị máu đóng góp vào Chương trình Chủ Nhật Đỏ.

Tại TPHCM, trường ĐH Văn Hiến là đơn vị 3 năm liên tiếp đăng cai chương trình Chủ nhật Đỏ. Hai đơn vị gồm Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM và Bệnh viên Chợ Rẫy cũng nhiều năm đồng hành cùng chương trình. Từ ngày 2- 21/1/2018, ban tổ chức chương trình Chủ Nhật Đỏ tại TPHCM cùng phối hợp với Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM đã thu được 15.152 đơn vị máu. Riêng ngày 21/1 là 1.598 đơn vị máu, bổ sung vào ngân hàng máu quốc gia. (Tiền phong, trang 2)

 

Chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc-xin để phòng bệnh sởi

Ngày 23-1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, tại một số nước trong khu vực Đông - Nam Á, các trường hợp mắc sởi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan dịch bệnh sởi vào nước ta rất lớn. Để chủ động phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình cần chủ động đưa trẻ từ chín tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin sởi, hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ hai mũi vắc-xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc-xin phòng sởi. Khi phát hiện có dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban... cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời. (Nhân dân, trang 5)

 

Bộ Y tế khuyến cáo về nguy cơ bùng phát dịch sởi

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), mặc dù trong năm 2017, các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước Đông Nam Á đã nỗ lực để kiểm soát bệnh sởi, nhưng từ tháng 11-2017 đến nay tại TP Davao của Philippines, các ca mắc sởi đã gia tăng.

Cụ thể, trong hơn 2 tháng qua, TP Davao đã ghi nhận 222 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong. Hầu hết các trường hợp mắc đều ở khu vực thành thị có mật độ dân cư cao và có sự di biến động dân cư từ các khu vực khác vào thành phố lớn.

Philippines là nước trong khu vực Đông Nam Á, có giao lưu đi lại với Việt Nam, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh sởi vào nước ta là rất lớn. Chính vì thế, Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh sởi tại Philippines để có biện pháp phòng bệnh phù hợp.

Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo: Các gia đình cần chủ động đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi, hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi. Hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Do bệnh sởi rất dễ lây, nên các gia đình không nên cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ… (An ninh Thủ đô, trang 2)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 2: “Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ lây lan bệnh sởi”; Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Phải chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi”

 

Bé gái bị tiêm nhầm thuốc có dấu hiệu chết não

Sáng nay, 23-1, bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương xác nhận, kết quả hội chẩn đối với bé gái 8 tháng tuổi bị tiêm nhầm kali (thay vì đường uống) tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh mới được chuyển lên cho thấy, tình trạng bé rất nguy kịch, có dấu hiệu chết não.

Trước đó vào ngày 21-1, bệnh nhi này được chuyển từ Bệnh viện Xanh Pôn lên Bệnh viện Nhi Trung ương, sau 6 ngày điều trị tại Xanh Pôn nhưng không tiến triển. Tại đây, bệnh nhi trong tình trạng nặng, có dấu hiệu của sốc, suy chức năng đa cơ quan, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết. Trẻ còn có bệnh nền nặng sẵn là nhiễm khuẩn huyết, tim bẩm sinh.

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, kết quả hội chẩn lần 1 đối với bé gái 8 tháng tuổi bị tiêm nhầm kali này cho thấy có dấu hiệu chết não. Tuy vậy, bệnh viện sẽ hội chẩn thêm 2 lần nữa để đưa ra kết luận cuối cùng.

Như ANTĐ đã đưa tin, tối 15-1, bé N.H.Tr (8 tháng tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) sốt cao nên được gia đình đưa vào bệnh viện Đa khoa Đông Anh điều trị. Tại đây, bé Tr. được chẩn đoán sốt nhiễm khuẩn. Tới 22h cùng ngày, sức khỏe của bé Tr. đã tạm ổn, mẹ cháu - chị Trịnh Thanh Hải (34 tuổi) nhờ bà nội trông và đi ra ngoài ăn.

Đến đêm, trẻ mệt, vẫn có dấu hiệu mất nước, bụng chướng, được bác sĩ chỉ định cho uống một ống kaliclorid 10%/5ml, liều mỗi lần uống nửa ống. Tuy nhiên, chỉ 10 phút sau khi điều dưỡng thực hiện y lệnh, bố bệnh nhân gọi bác sĩ bởi bé co cứng người, môi tím, thở nhanh, tim nhanh…

Kiểm tra lại, bác sĩ phát hiện điều dưỡng đã dùng thuốc kaliclorid 10% (2,5 ml) tiêm tĩnh mạch cho bé. Ngay lập tức bệnh nhi được cấp cứu, hồi sức tích cực, xử trí thải kali, sau đó chuyển đến Bệnh viện Xanh Pôn.

Sau sự cố này, Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Đông Anh kết luận điều dưỡng của bệnh viện đã thực hiện sai quy trình chuyên môn trong sử dụng thuốc, bệnh nhi được chỉ định dùng kali đường uống nhưng điều dưỡng lại tiêm tĩnh mạch. Điều dưỡng này đã bị đình chỉ công tác 30 ngày. (An ninh Thủ đô, trang 7)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 2: “Bé 8 tháng tuổi bị tiêm nhầm đã chết não”

 

Hơn 6.000 sản phẩm Pedia Sure Kid nghi giả được bày bán tại chợ thuốc Hapulico

Hơn 6.000 sản phẩm Pedia Sure Kid có dấu hiệu bị làm giả được bày bán tại chợ dược phẩm Hapulico trên đường Nguyễn Huy Tưởng, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội bị lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ.

 Ngày 23-1, Đội quản thị trường số 6, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, đơn vị đang tạm giữ một lô hàng 6.000 sản phẩm Pedia Sure Kid có dấu hiệu bị làm giả tại chợ dược phẩm Hapulico. Số sản phẩm này của Công ty Cổ phần dược phẩm liên doanh Việt Pháp, có địa chỉ tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Theo đại diện Đội Quản lý thị trường số 6, đơn vị nắm được thông tin sản phẩm Pedia Sure Kid bị làm giả, đã ngay lập tức tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để làm rõ sự việc.

Vào ngày 5-7-2017, Đội Quản lý thị trường số 6 đã tiến hành kiểm tra và xử lý Công ty Cổ phần dược phẩm liên doanh Việt Pháp về việc đã tổ chức làm giả sản phẩm Pedia Sure Kid. Theo đó, Công ty Cổ phần dược phẩm liên doanh Việt Pháp đã bị xử lý hành vi gia công, chế biến hàng hóa nhái nhãn hiệu Pedia Sure.

Vào ngày 17-1-2018, Đại diện Công ty Abbott Việt Nam đã có công văn đề nghị Đội Quản lý thị trường số 6 kiểm tra Trung tâm buôn bán dược phẩm tại tòa nhà Hapulico vì nghi ngờ tại đây nhiều quầy có bán sản phẩm Pedia Sure bị làm giả.

Ngày 20-1, Đội quản lý thị trường số 6 đã tiến hành kiểm tra một số các quầy tại Hapulico. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ 6.000 sản phẩm Pedia Sure bị làm giả tại 3 quầy hàng.

Theo ông Hoàng Đại Nghĩa thì việc sản phẩm Pedia Sure bị làm giả lại được phát hiện tại trung tâm dược phẩm Hapulico là rất đáng lo ngại. Các sản phẩm bị làm giả rất tinh vi và rất khó phát hiện.

Đặc biệt, sản phẩm Pedia Sure Kid lại dành cho trẻ nhỏ nên việc làm giả tiềm ẩn nhiều vấn đề nguy hại cho sức khỏe. (An ninh Thủ đô, trang 7)

 

Kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện đề án tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân

UBND TP Hà Nội vừa công bố Quyết định số 352/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện “Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020”. Theo đó, Ban Chỉ đạo gồm 19 thành viên, do Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý làm Trưởng ban.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo gồm: Tham mưu UBND thành phố tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch theo Quyết định số 538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020. Ban Chỉ đạo tổ chức, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng thành viên phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện Đề án và hoàn thành chỉ tiêu được giao về tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn thành phố. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Đánh cược mạng mình khi đưa thuốc vào bụng

Trung bình mỗi năm, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương kiểm nghiệm hơn 1.000 mẫu thuốc và kết quả là có khoảng 2% không đạt chất lượng, thuốc giả chiếm 0,01%.

Cục Quản lý dược hằng năm cũng kiểm nghiệm qua khoảng 40.000 mẫu thuốc và có khoảng 800 mẫu bị phát hiện kém chất lượng.

Chúng ta đọc thấy gì đằng sau những con số này, đó là người bệnh đang đối mặt với nạn thuốc kém chất lượng, thuốc giả nhưng không hề hay biết. Có nghĩa là sức khỏe, mạng sống của bệnh nhân đang bị thuốc kém chất lượng, thuốc giả đe dọa.

Mua một vật dụng kém chất lượng hoặc hàng giả, cùng lắm là tiền mất nhưng tật không mang. Còn uống thuốc giả hay kém chất lượng, tiền mất và tật mang, thậm chí mất mạng.

Người bệnh, người dân không có khả năng nhận biết thuốc giả hay thật, chất lượng như thế nào. Ngay cả người có chuyên môn ngành dược thì cũng phải cần đến máy móc để phân tích, không thẩm định được bằng mắt thường. Thuốc thật giả lẫn lộn trên thị trường, vì thế có thể hiểu vì sao không ít bệnh nhân dù được điều trị nhưng bệnh không khỏi.

Người bệnh không bao giờ mặc cả khi mua thuốc, khi lâm bệnh thì nghèo đến mấy cũng chạy vạy cho ra tiền mua thuốc. Vì vậy, để cho thuốc kém chất lượng, thuốc giả tồn tại trên thị trường là còn thiếu trách nhiệm với người dân.

Còn đối với các trường hợp cố tình buôn bán thuốc kém chất lượng, thuốc giả thì đó là hành vi tội ác cần phải nghiêm trị trước pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề không phải là xử lý hay bỏ tù ai, nếu có làm điều đó thì cũng đã quá muộn, bởi vì đã có nhiều người sử dụng thuốc kém chất lượng, thuốc giả, không lành bệnh, bệnh kéo dài, tạo gánh nặng cho người bệnh, gia đình họ và cho xã hội.

Cho nên, việc phải làm là hạn chế tối đa tình trạng này. Đợi khi sản phẩm tràn lan trên thị trường, cơ quan quản lý mới tổ chức hậu kiểm, nếu phát hiện ra thuốc giả thì nó cũng đã được tiêu thụ gần hết. Ngăn từ đầu, chặn từ trước, đòi hỏi hoạt động tiền kiểm phải được tăng cường, chú trọng, làm có chất lượng và hiệu quả. Còn thuốc kém chất lượng ra thị trường, chứng tỏ công tác tiền kiểm chưa tốt.

Bệnh nhân đánh cược sức khỏe và mạng sống của mình trước tay nghề của thầy thuốc, đừng bắt họ đánh cược thêm một lần nữa khi đưa thuốc vào bụng. (Lao động, trang 1)

 

Đưa công nghệ thông tin vào dịch vụ y tế

Sáng 23.1, Phòng khám đa khoa Medic - Hòa Hảo (TP.HCM) ký kết hợp tác với Công ty cổ phần eDoctor về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào khám, chữa bệnh tại nhà.

Ông Đặng Công Nguyên (Giám đốc Công ty cổ phần eDoctor) cho biết eDoctor là start-up CNTT trong lĩnh vực y tế tại VN. EDoctor tổ chức mạng lưới bác sĩ, y tá có chuyên môn rộng khắp, liên kết với nhiều đơn vị khám, chữa bệnh uy tín để thực hiện khám sức khỏe tổng quát, lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, chăm sóc sức khỏe tại nhà...

Để sử dụng dịch vụ này, truy cập trang web Edoctor.io hoặc tải ứng dụng eDoctor về cài đặt trên máy. Người dân chỉ cần vào ứng dụng eDoctor đặt câu hỏi sẽ có bác sĩ tư vấn hoàn toàn miễn phí.

Khi người dân đăng ký lấy máu xét nghiệm tại nhà sẽ có y tá tới lấy máu và chuyển đến Phòng khám đa khoa Medic - Hòa Hảo làm xét nghiệm. Người làm sẽ nhận kết quả ngay trong ngày.

Trong năm 2018, eDoctor dự kiến sẽ phát triển 10.000 y tá, bác sĩ trên 20 thành phố trong nước. (Thanh niên, trang 14)

 

Hiểm họa từ những lò khí độc

Mặc dù không ít người dân biết tác hại của bếp than tổ ong nhưng do chi phí rẻ so với các loại nhiên liệu khác nên nhiều gia đình hiện nay vẫn sử dụng bếp than tổ ong cho nhu cầu đun nấu và sưởi ấm, đặc biệt là vào mùa đông gây những hệ luỵ không nhỏ tới sức khỏe.

Số liệu khảo sát của Chi cục Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) mới công bố cho thấy, một ngày, trung bình Hà Nội tiêu thụ khoảng hơn 528 tấn than, đồng thời sẽ phát thải 1.870 tấn khí cacbon dioxit (CO2) vào không khí. Điều đó có nghĩa, một ngày bầu không khí Thủ đô phải gánh chịu lượng khí khổng lồ gây hiệu ứng nhà kính, dẫn đến một loạt các hệ lụy về sức khỏe và môi trường. Trong đó nguyên nhân chính xuất phát từ hàng chục nghìn bếp than, trong đó phần lớn bếp được đặt trên vỉa hè, nơi công cộng, nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng... đang trực tiếp đe dọa sức khỏe của người dân và môi trường khu vực nội đô Hà Nội.

Thực tế, việc sử dụng bếp than ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân, than tổ ong là tác nhân gây viêm phổi, viêm phế quản, ung thư phổi, ngộ độc khí than có thể gây tử vong hoặc sống đời thực vật. Theo thống kê của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm, có hàng chục trường hợp bệnh nhân ngộ độc khí than phải điều trị, không ít trường hợp tử vong. Có những bệnh nhân ngộ độc khí than quá nặng do thời gian thiếu không khí và hít phải khí CO lâu quá dẫn tới mất phản xạ ở vỏ não, phải sống đời sống thực vật. Ngoài ra, tỷ lệ người mắc các bệnh nguy hiểm như bệnh viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư thanh quản, viêm nhiễm đường hô hấp và phổi đang có xu hướng tăng lên trong cộng đồng dân cư có sử dụng bếp than tổ ong.

Mặc dù không ít người dân biết tác hại khủng khiếp của việc sử dụng bếp than tổ ong, tuy nhiên, lý giải về việc sử dụng than tổ ong hàng ngày, nhiều người dân cho biết, do than tổ ong vẫn là vật liệu có giá rẻ nhất, cùng với đó, việc sử dụng và di chuyển hàng ngày cũng đơn giản hơn nhiều loại bếp khác, nên dù biết ô nhiễm và hại sức khỏe nhưng các hộ dân và cơ sở kinh doanh vẫn phải sử dụng... Kết quả khảo sát đối với hàng trăm hộ dân thuộc 3 quận, huyện tham gia thí điểm gồm Ba Đình, Đống Đa, Sóc Sơn cho thấy: Cơ cấu sử dụng bếp than cho việc kinh doanh trên địa bàn quận Ba Đình là 73%, Sóc Sơn là 63%, Đống Đa là 56%.

Trước tác hại vô cùng khủng khiếp do sử dụng bếp than, thời gian qua các cơ quan chức năng, các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục tuyên truyền về tác hại của bếp than tổ ong và bước đầu, nhận thức của một bộ phận người dân về tác hại của bếp than tổ ong đã được nâng lên. Tuy nhiên, để người dân, đặc biệt là các hộ kinh doanh ở khu vực nội đô tự giác hạn chế sử dụng bếp than tổ ong vẫn là một bài toán khó cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều cơ quan chức năng nhằm giảm tình trạng các lò khí độc của người dân đang ngày đêm đầu độc chính mình và môi trường xung quanh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1)

 

Không để mất Tết vì chủ quan với dịch bệnh

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội năm 2018, Bộ Y tế đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các cấp, các ngành, đoàn thể... trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để tích cực, chủ động triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh bùng phát, trong đó cần tập trung giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các bệnh lây truyền qua thực phẩm tại cộng đồng...

Cảnh giác với bệnh sởi và cúm A/H1N1 trong mùa đông - xuân

Báo cáo về công tác y tế tháng 1/2018 của Bộ Y tế công bố ngày 23/1 cho biết, một số dịch bệnh như tay-chân-miệng, viêm màng não mô cầu, viêm màng não do vi rut... có sự gia tăng trong thời gian vừa qua. Đặc biệt bệnh tay-chân-miệng gia tăng đến gần 32% so với cùng kỳ.

Cũng liên quan đến tình hình dịch bệnh, theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 15 - 21/1, trên địa bàn Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 7 trường hợp sốt phát ban, trong đó 3 ca dương tính với bệnh sởi. Như vậy, từ đầu năm 2018 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 6 trường hợp mắc bệnh sởi. Ngoài ra, BV Bệnh Nhiệt đới TW ghi nhận rải rác các ca mắc cúm A/H1N1 trong những ngày gần đây.

Tại BV Nhi TW, theo thông tin của ThS.BS. Đỗ Thiên Hải - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, trong 2 tuần qua, hơn 300 bệnh nhi được chẩn đoán mắc cúm tại BV Nhi TW. Đáng lưu ý, trong đó gần 100 cháu phải nhập viện điều trị. Các chuyên gia cảnh báo, thời điểm mùa đông xuân hiện đang rất thuận lợi cho virut phát triển, đặc biệt là virut cúm.

PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo, với thời tiết đông - xuân, bệnh sởi và cúm có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng. Bệnh thường dễ mắc và lây lan vào mùa đông xuân, nhưng khác với cúm mùa thông thường - chỉ tấn công vào các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp, cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Virut cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24-48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang...; tồn tại trong quần áo từ 8-12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Loại virut này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước; có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22oC và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0oC. Do đó, các hồ bơi trong các khách sạn cũng có thể tạo ra môi trường cho virut phát triển, nhất là vào tiết trời mưa dầm, thiếu ánh nắng để diệt virut.

“Vì vậy, người dân cần cảnh giác, chủ động phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế và tiêm phòng vắc-xin đầy đủ” - PGSTS. Trần Đắc Phu nói.

Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm qua biên giới

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 22/1, Bộ Y tế đã có Công văn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố huy động các lực lượng tham gia phòng chống dịch dịp Tết Nguyên đán. Tại công văn do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành, Bộ Y tế cho biết, theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018 các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi như MERS-CoV tiếp tục ghi nhận tại khu vực Trung Đông, bệnh cúm A/H7N9 vẫn xảy ra tại Trung Quốc.

Tại Việt Nam, bệnh cúm A/H5N1, cúm A/H5N6 vẫn xảy ra trên gia cầm tại nhiều khu vực và có nguy cơ lây truyền sang người. Thời tiết mùa đông - xuân, sự gia tăng sử dụng thực phẩm và giao lưu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm 2018 làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp bao gồm các chủng cúm gia cầm độc lực cao gây bệnh cho người và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các cấp, các ngành, đoàn thể... trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để tích cực, chủ động triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh bùng phát. Đồng thời chỉ đạo các Sở Y tế tập trung giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, sởi, ho gà, thủy đậu, các bệnh lây truyền qua thực phẩm tại cộng đồng; kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán xác định sớm tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng; tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; thực hiện phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tổ chức tốt chiến dịch tiêm vắc-xin cho trẻ em tại các trường học, thực hiện các biện pháp cách ly học sinh có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm...

Đối với các hoạt động tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh khác, Bộ Y tế cũng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành công an, nông nghiệp và phát triển nông thôn, hải quan, bộ đội biên phòng... kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới; xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối về gia cầm. Tăng cường truyền thông về thực hiện ăn chín, uống chín, không ăn tiết canh và không sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang