Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/12/2015

  • |
T5g.org.vn - Yêu cầu kiểm soát chặt 200.000 liều vaccine “5 trong 1” sắp về Việt Nam; 10 bệnh viện của Hà Nội vay vốn để nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn: Trao đổi, hợp tác với Hàn Quốc về ghép gan...

Yêu cầu kiểm soát chặt 200.000 liều vaccine “5 trong 1” sắp về Việt Nam

Ngày 23-12, TS.Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, sẽ có 200.000 liều vắc xin phối hợp 5 trong 1 (Pentaxim) do Công ty Sanofi Pasteur S.A, Pháp sản xuất) được cung cấp cho thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Cục quản lý Dược đã có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý vaccine tiêm chủng dịch vụ, khi vaccine này được đưa ra lưu hành. 

Theo TS.Trương Quốc Cường, trước tình hình khan hiếm vaccine “5 trong 1” phục vụ nhu cầu tiêm chủng dịch vụ của người dân do suy giảm nguồn cung của các nhà sản xuất trên toàn cầu, Cục Quản lý Dược đã nhiều lần làm việc với đại diện các nhà sản xuất và thống nhất được số lượng vaccine sẽ nhập về Việt Nam. Kế hoạch sẽ có 200.000 liều vaccine “5 trong 1” về Việt Nam, gồm 160.000 liều trong tháng 12-2015 và 40.000 liều vào tháng 2-2016.

Hiện Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế đã kiểm định xong lô vaccine nhập khẩu đầu tiên. Số vaccine này sẽ được các công ty nhập khẩu phân phối ngay đến các trung tâm y tế dự phòng, cơ sở tiêm chủng vào cuối tháng 12/2015. Số lượng còn lại sẽ tiếp tục được phân phối sau khi có kết quả kiểm định đạt yêu cầu của Viện Kiểm định quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế.

Để ngăn ngừa tình trạng lợi dụng gom hàng, tăng giá, Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các trung tâm y tế dự phòng, các cơ sở tiêm chủng tuân thủ đúng quy định về giá vaccine, nghiêm cấm việc lợi dụng tình trạng khan hiếm để đẩy giá vaccine nhằm trục lợi.

Để triển khai kế hoạch này công khai, minh bạch, hiệu quả, Cục Quản lý Dược công bố danh sách các trung tâm y tế dự phòng, cơ sở tiêm chủng sẽ có vaccine (theo kế hoạch mà các nhà cung cấp đã báo cáo) trên toàn quốc, để các Sở Y tế giám sát chặt chẽ việc vaccine được phân phối đến các cơ sở tiêm chủng, tránh tình trạng gom hàng, tích trữ, gây khan hiếm để tăng giá.

Các Sở Y tế cũng phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở tiêm chủng nhằm ngăn chặn việc sử dụng trong tiêm chủng vaccine không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng do không đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt trong bảo quản và vận chuyển vaccine. (Nông thôn Ngày nay, Công an Nhân dân (trang 2))

Cùng chủ đề Báo Thanh niên trang 2: “Sẽ có 200.000 liều vắc xin dịch vụ “5 trong 1” Pentaxin”; Báo An ninh Thủ đô trang 8: “ Cuối tháng 12-2015 các điểm tiêm chủng sẽ có vaccine Pentaxim”; Tiền phòng trang 2: “Sẽ có 200.000 liều vắc xin 5 trong 1”.

10 bệnh viện của Hà Nội vay vốn để nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị

Tại lễ ký hợp đồng tài trợ an sinh xã hội và thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2015-2020 giữa Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) với Bệnh viện (BV) Ung bướu Hà Nội diễn ra chiều 22-12, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên cho biết, hiện có 10 BV thuộc ngành Y tế Thủ đô được UBND TP và Sở Y tế Hà Nội đồng ý với đề xuất vay vốn ngân hàng để mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị.

 Được biết, tổng số tiền mà 10 BV dự kiến vay vào khoảng hơn 800 tỷ đồng. Hiện có 3 BV (gồm: BV Ung bướu, BV Da Liễu, BV Đa khoa Hoè Nhai) vay vốn để mở rộng BV, còn lại 7 BV khác chủ yếu vay vốn để đầu tư trang thiết bị y tế. BV Ung bướu là 1 trong 10 BV của Hà Nội tiên phong việc triển khai vay vốn ngân hàng để nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất. Ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc BV Ung bướu Hà Nội mong muốn được Sở Y tế Hà Nội ủng hộ BV trong việc triển khai có hiệu quả các nội dung tại Thỏa thuận hợp tác giữa BV với BIDV trong thời gian tới cũng như cả quá trình thực hiện đề án của BV.

Được biết, Chi nhánh BIDV Hà Thành sẽ tài trợ cho BV Ung bướu với dự án tòa nhà khám chữa bệnh theo yêu cầu chất lượng cao với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 146 tỷ đồng. Khoản tài trợ này nằm trong chương trình gói tín dụng ưu đãi dành cho các dự án xã hội hóa y tế của BIDV đã công bố với Bộ y tế trị giá 20.000 tỷ đồng và gói tín dụng 200 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo chuyên môn đối với bác sĩ chuyên khoa đi học nước ngoài. Bên cạnh đó, Ngân hàng BIDV cũng cam kết sẽ đáp ứng tối đa tất cả các nhu cầu đầu tư mở rộng, nâng cấp máy móc thiết bị của BV trong tương lai nhằm góp phần nâng cao chất lượng và năng lực khám chữa bệnh thời gian tới.

Ông Trần Long, Giám đốc BIDV Hà Thành cho biết, hiện ngân hàng đang cung cấp cho BV các dịch vụ ngân hàng với chất lượng tốt nhất như: dịch vụ thanh toán lương tự động, các dịch vụ bán lẻ, dịch vụ thẻ và cho vay tiêu dùng tới các cán bộ công nhân viên của BV. Sắp tới, ngân hàng sẽ thảo luận với BV Ung bướu để xây dựng và đưa vào ứng dụng giải pháp thu viện phí không dùng tiền mặt góp phần hiện đại hóa công tác thu viện phí, tiết kiệm thời gian, chi phí và gia tăng tiện ích cho người dân đến khám chữa bệnh tại BV.

Tại buổi lễ, BIDV Hà Thành cũng đã tặng BV Ung bướu Hà Nội 1 xe chuyên dụng 7 chỗ và một số ghế đá, ghế chờ phục vụ bệnh nhân với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng. (Hà Nội mới, An ninh Thủ đô (trang 8))

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn: Trao đổi, hợp tác với Hàn Quốc về ghép gan

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội đã hợp tác với Bệnh viện Puán National University Yangsai - một trong những trung tâm ghép gan lớn của Hàn Quốc để thực hiện phẫu thuật ghép gan trên người.

Trong 4 ngày từ 17 đến 20-12, Bệnh viện Puán National University Yangsai đã cử các kíp phẫu thuật, do Giáo sư Cho Chung Woo, Giám đốc Bệnh viện sang thăm Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội. Đoàn thầy thuốc của nước bạn đã trao đổi với các thầy thuốc Hà Nội về các bước ghép gan, việc điều phối trong quá trình, phẫu thuật ghép gan và gây mê hồi sức trong ghép gan... Việc trao đổi chuyên môn đã giúp rất nhiều cho Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trong việc chuẩn bị các bước tiếp theo để có thể triển khai phẫu thuật ghép gan trên người trong thời gian tới. (An ninh Thủ đô (trang 8))

Thủ tục khám chữa bệnh vẫn rườm rà

5 năm qua, Bộ Y tế đã tích cực cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục khám chữa bệnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh. Tuy vậy, đến nay, hiệu quả của công tác này vẫn còn nhiều hạn chế.

Giảm được 48,5 phút chờ đợi

Sáng 23-12, tổng kết công tác cải cách hành chính của ngành y tế năm 2015, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế cho biết, công tác cải cách hành chính của ngành y tế đã được triển khai quyết liệt và có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, nhờ đơn giản hóa thủ tục, thời gian khám chữa bệnh đã giảm trung bình 48,5 phút. Bên cạnh đó, chủ trương của ngành về “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ, viên chức y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”... bước đầu đã thay đổi lề lối, tác phong phục vụ của đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, viên chức trong các đơn vị khám chữa bệnh.

Hiện nay, có 438 thủ tục hành chính thực hiện tại cơ quan Bộ Y tế. 100% các dịch vụ hành chính công của Bộ đều được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, trong đó có 2 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 32 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tuy vậy, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế cũng thừa nhận, hiện nay, một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế còn phức tạp. Việc xây dựng và triển khai đề án vị trí việc làm trong các đơn vị còn chậm. Thái độ, phong cách phục vụ của một bộ phận cán bộ, viên chức y tế chưa tốt. Thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế còn rườm rà, trong khi cơ sở vật chất trang thiết bị trong các cơ sở y tế chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Phải tiếp tục cải cách

Nhấn mạnh đến những điều chưa làm được, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, dù Bộ Y tế đã nỗ lực cải cách hành chính song kết quả chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của chính những người trong ngành chứ chưa kể tới người dân. “Bộ Y tế có đội ngũ giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ vào hàng đông nhất trong các ngành. Vậy mà kết quả chỉ số cải cách hành chính của Bộ Y tế năm 2014 chỉ xếp hạng 17/19 bộ, ngành, tăng 1 bậc so với năm 2013.

Tại sao chỉ số cải cách hành chính của Bộ Y tế cứ đứng ở gần chót bảng trong khi ngành toàn những người hàn lâm?” - người đứng đầu ngành y tế trăn trở. Bộ trưởng Bộ Y tế nói: “Để rút ngắn quy trình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, vạch ra từng việc phải giải quyết mới gọn bớt được. Nếu chúng ta không làm chi tiết, cụ thể mà cứ hô hào theo phong trào thì sẽ không ra được sản phẩm cụ thể”.

Nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu, trong thời gian tới, toàn ngành y tế cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục nghiên cứu triển khai cơ chế tài chính công trong các đơn vị sự nghiệp công lập và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước trong  lĩnh vực y tế. (An ninh Thủ đô (trang 8))

Nuôi heo bỗng thành “thần y”

Nhiều người từ các tỉnh phía Nam tin sái cổ chuyện “thầy” Diệp tại Bình Thuận có khả năng trị bá bệnh, trong khi cơ quan chức năng nói thầy không có chuyên môn, trước đây chuyên nấu rượu, nuôi heo.

4h sáng 21/12, chúng tôi bám theo chiếc xe 16 chỗ từ thành phố Phan Thiết hướng về Quốc lộ 1. Khi đến thị tứ Ngã Hai, xe rẽ vào tỉnh lộ 707, vọt thẳng về huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Đây là chuyến xe mang bệnh nhân từ Bình Dương lên chỗ “thần y” chuyên “chữa bệnh mần phước” .

Người khỏe mà phán mắc đủ thứ bệnh

Đến thôn Dân Thuận, xã Hàm Thạnh, chỉ cần nói tên “thầy”, ai cũng biết. “Ủa mà tụi tui ở đây có ai tới ổng chữa bệnh đâu, toàn mấy người ở xa kéo vô, cả Sài Gòn cũng mò ra”, một chị bán cà phê cười nói sau khi chỉ đường.

Nhà “thầy” Diệp vừa xây khá to. Chiếc xe du lịch chúng tôi bám theo đỗ xịch trước nhà. Khoảng 5h30 sáng “thầy” bắt đầu khám cho bệnh nhân đầu tiên, là những người trên chuyến xe này.

Mọi người được đưa vào phía sau phòng khách qua cửa hông. Nơi đây trải chiếu để ông Diệp chữa bệnh và bệnh nhân ngồi chờ. “Thần y” xuất hiện trong trang phục đúng kiểu dân chơi, quần bò, áo thun đen in hình tài tử Hàn Quốc, miệng phì phèo thuốc lá, trên cổ đeo một sợi “dây xích” vàng.

Hàng chục bệnh nhân lần lượt được thầy áp dụng đúng một “trò” cho dù mỗi người mỗi bệnh. Ai ông cũng day, ấn, xoa, nắn, bóp khắp nơi trên cơ thể. Vừa xoa  nắn, “thầy” Diệp vừa với tay chộp lon bia để sẵn uống vài hơi.

Khám cho chúng tôi (khỏe mạnh, bình thường), mới liếc sơ qua, ông Diệp phán ngay “nhìn là biết bệnh nặng rồi”. Sờ đến đâu, “thần y” chẩn bệnh đến đó. Đưa tay qua hai vai, ông khẳng định rối loạn tiền đình. “Chết chưa, liệt dây thần kinh số 7 rồi con, méo miệng rồi nè”, ông phán khi bóp, nắn quai hàm chúng tôi. Ông Diệp lại đưa tay nắn ngực rồi cho biết chúng tôi “sắp tiêu vì hở van tim”. Ông còn bảo rằng chúng tôi bị teo cơ, vẹo cột sống.

Không chỉ có Bình Dương, hằng ngày còn nhiều đoàn bệnh nhân từ các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai, Đồng Tháp… được đưa đến đây.

Ai muốn theo đoàn khám bệnh phải có người đã từng đi “giới thiệu” và đăng ký trước với người phụ nữ tên Ngọc, sống như “người giúp việc” trong nhà “thầy”, tổ chức đưa đón, thu tiền người bệnh. Mỗi người đóng 450 nghìn đồng cho một chuyến đi chữa bệnh. Theo giải thích của bà Ngọc, chi phí này gồm 250 nghìn đồng tiền xe, 100 nghìn đồng phòng trọ. Còn lại 100 nghìn đồng để bồi dưỡng cho “thầy” Diệp, dù bọn họ luôn nói “thầy” chữa bệnh từ thiện, miễn phí.

Trong ngày 21/12, bà Ngọc đã đưa về được khoảng 48 bệnh nhân trên 3 chuyến xe. Con trai bà Ngọc chính là tài xế dẫn đầu đoàn xe. Bà Ngọc cho biết, chỉ riêng bà đã có thể đưa về trung bình 30 bệnh nhân/ngày. Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi ngày có 3-5 chuyến xe (từ 16 chỗ trở lên) đưa bệnh nhân đến khám bệnh tại nhà ông Diệp.

Yêu cầu dừng hành nghề

Đã có người từng “hợp tác” với đường dây này làm đơn tố cáo gửi Sở Y tế tỉnh Bình Thuận. Ông Nguyễn Công Thịnh (ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu, trước là tài xế chở bệnh nhân tới cho ông Diệp) viết đơn tố cáo rằng, ngoài người đến chữa mất tiền, không hết bệnh, khoảng tháng 5/2014, ông Diệp bấm huyệt khiến một người tên Đường tử vong tại chỗ. Công an xã Hàm Thạnh đã lập biên bản về vụ việc này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Tám - Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Thuận  cho biết, “thần y” tên thật là Châu Văn Diệp (48 tuổi, ngụ xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam) trước đây nấu rượu, nuôi heo, không có bằng cấp nào về y học cổ truyền. Khoảng 3-4 năm nay bỗng dưng rộ lên chuyện ông này có tài chữa bệnh. Hoạt động khám chữa bệnh cũng hoàn toàn trái phép, không có bất cứ giấy phép nào, không bảng hiệu, không có sổ ghi bệnh theo quy định. Phương pháp điều trị của ông cũng chưa có nơi nào công nhận, cấp phép. Sở Y tế tỉnh từng phạt cảnh cáo và ông này đã cam kết không khám chữa bệnh nữa. Về vụ việc chết người tại nhà ông Diệp, sau khi điều tra, kết luận nguyên nhân gây tử vong là do người bệnh có bệnh lý tim mạch từ trước.

Trong ngày 21/12, Thanh tra Sở Y tế tỉnh kiểm tra đột xuất nhà ông Diệp, ghi nhận hơn 20 bệnh nhân từ TPHCM, Bình Dương… có mặt tại đây. Dù bị bắt quả tang hành nghề trái phép, ông Diệp cho rằng người bệnh tự đến năn nỉ ông chữa bệnh. Ông cho rằng mình không sai vì chữa bệnh từ thiện, không

lấy tiền.

Thanh tra đã lập biên bản, yêu cầu ông Diệp ngừng ngay việc khám chữa bệnh, yêu cầu ông Diệp tới làm việc tại Sở Y tế tỉnh Bình Thuận vào ngày 25/12, sau đó sẽ có hướng xử lý.

Bà Nguyễn Thị Minh Truyền,  Chủ tịch UBND xã Hàm Thạnh  xác nhận, chính quyền biết rõ hoạt động trái phép của ông Diệp từ lâu. Thế nhưng, hiện “chưa có cơ sở để xử lý”. Công an xã từng cấm ông Diệp lưu trú bệnh nhân tại nhà, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. (Tiền phong (trang 1))

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa quá tải

Ông Bùi Xuân Minh, giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa đã bị quá tải do dịch bệnh sốt xuất huyết ở tỉnh này gia tăng và kéo dài.

Tại bệnh viện, có rất nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết phải nằm trên các giường xếp, bố trí ở lối đi xen giữa các giường bệnh chính trong phòng bệnh. Nhiều phòng chức năng khác cũng được tận dụng làm phòng bệnh.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa mới được thành lập, là bệnh viện tuyến trên của tỉnh về điều trị bệnh sốt xuất huyết và một số bệnh truyền nhiễm khác. Quy mô bệnh viện chỉ có 70 giường nhưng từ khi bệnh sốt xuất huyết tăng cao, suốt nhiều tháng, ngày nào cũng điều trị hơn 100 ca, khi cao nhất có hơn 250 bệnh nhân nằm điều trị. (Tuổi trẻ (trang 14))

Người dân TP.HCM thọ bình quân 76,2 tuổi

Sáng 23-12, Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM tổ chức mittinh kỷ niệm 54 năm Ngày dân số VN 26-12 và tổng kết công tác dân số kế hoạch hóa gia đình năm 2015.

Theo bác sĩ CKII Trần Văn Trị - chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP, bình quân tuổi thọ của người dân TP.HCM hiện đạt 76,2 tuổi, cao hơn 3 tuổi so với tuổi thọ bình quân của cả nước (73,2 tuổi) và TP đứng thứ hai cả nước về số lượng người cao tuổi.

Cũng theo bác sĩ Trị, thời kỳ để VN chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang “dân số già” rất ngắn (chỉ 20 năm) so với nhiều quốc gia phát triển.

Việc già hóa dân số là kết quả từ sự sụt giảm tỉ lệ sinh, tỉ lệ chết và tuổi thọ ngày càng tăng lên.

Tại TP.HCM, số người cao tuổi chiếm tỉ lệ 6,26% dân số của TP, với gần nửa triệu người (thống kê năm 2013).

Hiện TP.HCM có nhiều mô hình chăm sóc người già được hình thành với chín bệnh viện có chuyên khoa lão khoa, 14 cơ sở bảo trợ xã hội công và tư dành cho 
người già.

Với chủ đề “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi”, Ngày dân số VN năm nay muốn chuyển tải thông điệp nâng cao nhận thức của cộng đồng với người cao tuổi; cam kết đảm bảo cho cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc của người cao tuổi; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; người cao tuổi cần tình yêu thương, phụng dưỡng và chăm sóc của gia đình... (Tuổi trẻ (trang 14))

Nghiêm cấm tình trạng đẩy giá văcxin

Đây là yêu cầu trong thông báo khẩn của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế ngày 23-12.

Theo thông báo này, trong tháng 12-2015 sẽ có tổng số 160.000 liều văcxin 5 trong 1 dịch vụ (văcxin Pentaxim) về VN, tháng 2-2016 có thêm 40.000 liều.

Cục Quản lý dược yêu cầu các cơ sở tiêm chủng thực hiện đúng giá bán văcxin (giá sỉ là 630.000 đồng/liều), nghiêm cấm lợi dụng khan hiếm để găm trữ, đẩy giá văcxin.

* Cùng ngày, Cục Y tế dự phòng cho biết sẽ kiểm tra lại nguyên nhân ca tử vong sau tiêm văcxin Quinvaxem (bé gái N.T.N., 2 tháng tuổi ở Bắc Ninh) hôm 20-12.

Theo Cục Y tế dự phòng, kết luận ban đầu của Sở Y tế Bắc Ninh cho biết bé N. tử vong do sốc phản vệ sau tiêm.

Trước đó, một trẻ tai biến sau tiêm BCG (ngừa lao) tại cùng trạm y tế với bé N. cũng được xác định là sốc phản vệ. Tuy nhiên sau khi kiểm tra lại thì bé tiêm BCG bị tai biến liên quan đến bệnh nền là tim bẩm sinh.

Trường hợp tiêm BCG được cứu sống, nhưng kết luận về tai biến sau tiêm cho thấy y tế địa phương chưa đánh giá hết được nguyên nhân dẫn đến tai biến sau tiêm chủng. (Tuổi trẻ (trang 14))

Hơn 100 bệnh viện ký cam kết đổi mới phong cách thái độ phục vụ người bệnh

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay nhiều tỉnh đã tổ chức ký cam kết thực hiện với gần 100 bệnh viện ký cam kết; đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ, hầu hết, các bệnh viện đã tự tổ chức ký cam kết và đã có 24 bệnh viện ký cam kết với lãnh đạo Bộ Y tế.

Kế hoạch đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế tập trung vào các nội dung chính: tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp cho cán bộ y tế; Thành lập các đơn vị chăm sóc khách hàng: Quy định trang phục của cán bộ y tế; Tiếp tục thực hiện đường dây nóng; Duy trì củng cố hòm thư góp ý; Triển khai đề án tiếp sức người bệnh trong bệnh viện; Xây dựng phong cách, thái phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực; Ký cam kết và thực hiện các nội dung cam kết. (Nhân dân (trang 5))

Thay khớp háng thành công cho cụ bà 103 tuổi

Ngày 23-12, TS.BS Nguyễn Đình Phú - phó giám đốc Bệnh viện nhân dân 115, TP.HCM - cho biết sau hai ngày được phẫu thuật thay khớp háng, sức khỏe của cụ bà Nguyễn Thị Th. (103 tuổi, Q.4, TP.HCM) đã ổn định.

Cụ Th. ngồi dậy được, bớt đau nhức và vận động tốt chân bị gãy (chân trái). Đây là ca phẫu thuật lớn tuổi nhất từ trước đến nay tại Bệnh viện nhân dân 115. Dự kiến cụ Th. sẽ xuất viện sau 8-10 ngày tới.

Theo TS Đình Phú, cụ Th. nhập viện ngày 14-12 trong tình trạng sưng, đau nhức đùi bên trái do cụ bị trượt chân té ngã. Kết quả chẩn đoán cụ Th. bị gãy di lệch nhiều liên mấu chuyển xương đùi bên trái trên cơ địa có bệnh lý suy tim do tuổi già... Sau khi hội chẩn với các bác sĩ nội khoa và gây mê hồi sức, bác sĩ chấn thương chỉnh hình quyết định thay khớp háng ít xâm lấn với đường mổ nhỏ cho cụ Th..

Dù tiên lượng có nhiều rủi ro rất cao trong lúc mổ nhưng ca mổ đã thành công nhờ sự phối hợp tốt giữa các chuyên khoa, có quy trình phẫu thuật thay khớp nghiêm ngặt cho bệnh nhân lớn tuổi, có sự đồng thuận của gia đình và tư vấn kỹ lưỡng... (Tuổi trẻ, Thanh niên (trang 2))

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang