Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/12/2018

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế phát động “cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm"; Công khai các cơ sở, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm; Tăng viện phí có tăng chất lượng?...

 

Công khai các cơ sở, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã thu hồi hàng trăm giấy phép sản xuất, kinh doanh; xử phạt gần sáu tỷ đồng đối với 99 doanh nghiệp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP). Tất cả cơ sở, cá nhân vi phạm bị xử phạt đều công bố rộng rãi trên website của Cục ATTP.

Ðể bảo đảm ATTP cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2019, Cục ATTP đề nghị các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; chỉ sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Ðối với người tiêu dùng, không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh... Các cơ quan chức năng công khai tên, địa chỉ các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về ATTP nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật. (Nhân dân ,trang 8)

 

Tăng viện phí có tăng chất lượng?

Việc điều chỉnh tăng giá hơn 1.900 dịch vụ y tế (áp dụng từ ngày 15-12) theo Thông tư số 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp do Bộ Y tế ban hành đã triển khai được hơn một tuần, áp dụng với người có thẻ bảo hiểm y tế. Và điều người bệnh quan tâm nhất vẫn là chất lượng dịch vụ bệnh viện.

 Người có thẻ bảo hiểm y tế không ảnh hưởng nhiều

Tại khu vực đăng ký khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, số lượng bệnh nhân khá đông. Bà Dương Thị Loan (72 tuổi ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, bà bị một đợt nhồi máu cơ tim cấp, phải đặt stent mạch vành. Tổng chi phí cho 6 ngày nằm viện và các loại thuốc là hơn 66 triệu đồng. Nhưng, nhờ có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), bà chỉ phải trả hơn 16 triệu đồng.

"Ngoài ra, hằng tháng, tôi đều vào bệnh viện kiểm tra sức khỏe và nhận từ 4 đến 6 loại thuốc, trong đó có loại thuốc chống đông máu phải dùng đến hết đời, cũng do BHYT chi trả", bà Dương Thị Loan kể.

Thế nhưng, với những người không có thẻ BHYT lại mắc bệnh đái tháo đường phải điều trị lâu dài như bà Đặng Thị Lợi (69 tuổi ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) thì mỗi lần giá dịch vụ y tế tăng là nỗi lo bệnh tật thêm chất chồng. Bà Đặng Thị Lợi cho biết, không có thẻ BHYT, mỗi lần đi viện phải chi phí hàng chục triệu đồng. “Đúng là khi bị bệnh, nhất là những bệnh nặng, bệnh mạn tính mới thấy tầm quan trọng của thẻ BHYT”, bà Đặng Thị Lợi nói.

Theo ông Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, hiện giá viện phí mới chỉ được tính 4/7 yếu tố. 3 yếu tố, gồm: Khấu hao tài sản cơ sở hạ tầng; khấu hao trang thiết bị; chi phí đào tạo và nghiên cứu khoa học vẫn chưa được cấu thành vào giá viện phí. Thậm chí, suốt thời gian dài, lương cơ bản tính trong giá viện phí là 1.150.000 đồng, trong khi trên thực tế, từ ngày 1-7-2018, bệnh viện phải trả cho người lao động là 1.390.000 đồng.

Vì vậy, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 39 điều chỉnh viện phí phù hợp với mức lương mới để các cơ sở khám chữa bệnh có đủ nguồn tài chính chi trả tiền lương cho cán bộ y tế. Tuy nhiên, hiện bệnh viện mới chỉ thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế với người có thẻ BHYT từ ngày 15-12. Còn với người bệnh không có thẻ BHYT vẫn áp dụng giá cũ.

Tương tự, theo bà Vũ Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, hiện bệnh viện cũng chưa áp dụng mức giá mới với người không có thẻ BHYT. Còn với khoảng 85% số người bệnh điều trị nội trú tại bệnh viện đã có thẻ BHYT, việc điều chỉnh tăng giá các dịch vụ y tế lần này không ảnh hưởng nhiều. Do vậy, người chưa có thẻ BHYT nên chủ động tham gia để giảm gánh nặng chi trả nếu chẳng may bị bệnh.

Đánh giá chất lượng, khắc phục hạn chế

Theo Thông tư 39, hơn 1.900 dịch vụ y tế được điều chỉnh với mức tăng trung bình hơn 3%. Riêng giá khám bệnh và giá giường điều trị tăng hơn 11%. Cụ thể, giá khám bệnh tăng từ 3.000 đồng đến 4.000 đồng/lượt khám, còn giá giường bệnh tăng thêm từ 20.000 đồng đến 40.000đồng/ngày/giường. Với các phẫu thuật ngoại khoa như: Thần kinh - sọ não; lồng ngực - mạch máu, xương khớp, cột sống, hàm mặt... mức tăng từ 100.000 đồng đến 450.000 đồng so với giá cũ.

Ngoài ra, một số dịch vụ khá thông dụng như: Siêu âm đen trắng tăng từ 38.000 đồng lên 42.000 đồng; siêu âm đầu dò âm đạo, trực tràng từ 176.000 đồng lên 180.000 đồng; các dịch vụ X-quang tăng từ 2.000 đồng đến 13.000 đồng/dịch vụ. Với những dịch vụ có mức giá cao như chụp CT Scanner toàn thân 64 dãy - 128 dãy (có thuốc cản quang) có giá 3.446.800 đồng/lượt (tăng thêm 11.800 đồng); hay chụp PET/CT có giá 19.724.400 đồng (tăng thêm 110.000 đồng)…

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) khẳng định, việc điều chỉnh giá lần này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến những người có BHYT vì bảo hiểm cũng sẽ chi trả cho phần giá tăng thêm này. Mức chi sẽ là 100%, 95% và 80% tùy theo đối tượng. Còn với người không có thẻ BHYT thì thời hạn áp dụng mức giá dịch vụ y tế mới là ngày 15-1-2019. Từ nay đến lúc đó là thời gian để cho UBND các tỉnh, thành phố trình HĐND quyết định áp dụng mức giá này và thời điểm thực hiện phù hợp.

Thời gian qua đã có nhiều đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Nếu tăng viện phí mà chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện thì chắc chắn người dân sẽ đồng tình. Tuy nhiên, nhiều người vẫn phàn nàn về việc đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế còn rất vất vả, chưa hết cảnh ngồi chờ, xếp hàng, bị nhân viên y tế cáu gắt, chất lượng các cơ sở y tế chưa đồng đều…

Về vấn đề này, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, dù tăng giá hay không tăng thì bệnh viện vẫn luôn phải cải tiến chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, hiện Hà Nội đã có 18 bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ tài chính thì chất lượng dịch vụ là vấn đề sống còn nếu muốn tồn tại, thu hút được bệnh nhân.

Ngành Y tế Thủ đô thuê các đơn vị kiểm định độc lập trong việc đánh giá chất lượng bệnh viện. Kết quả đánh giá này sẽ được công bố trong thời gian tới. Đây là cơ sở cho các bệnh viện phát huy mặt tốt, chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại. (Hà Nội mới,  trang 1)

 

Sau 2 tháng tăng mức xử phạt an toàn thực phẩm gấp 5-7 lần, áp dụng còn rất ít

Từ 20-10 vừa qua, Nghị định 115/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm an toàn thực thực phẩm (ATTP) có hiệu lực, với mức xử phạt tăng nặng gấp 5-7 lần so với trước đó. Thế nhưng đến nay, sau 2 tháng triển khai, việc áp dụng mức xử phạt mới còn rất hạn chế…

Một trong những quy định mới tại Nghị định 115 là với thực phẩm bày bán tại chợ phải có bàn, tủ, kệ, thiết bị, dụng cụ để bày bán, nếu không đảm bảo sẽ bị phạt tới 3 triệu đồng, cao gấp gần 10 lần so với mức xử phạt trước đây.

Thế nhưng qua khảo sát tại một số chợ ở các quận nội thành Hà Nội, thời điểm này, không ít hàng quán tại chợ vẫn bày thức ăn lộ thiên, thực phẩm hay dụng cụ để chế biến chỉ được che đậy hờ bằng vải màn…

Thực tế, việc áp dụng mức xử phạt theo Nghị định 115 với mức xử phạt cao gấp 5 - 7 lần mức xử phạt cũ vẫn chưa chính thức được áp dụng tại nhiều quận, huyện.

Chẳng hạn tại quận Cầu Giấy, nơi có tới gần 1.500 cơ sở thức ăn đường phố, theo Trưởng phòng Y tế quận Nguyễn Đức Viên, việc áp dụng xử phạt theo Nghị định 115 của Chính phủ với mức xử phạt tăng cao gấp 5-7 lần mức xử phạt trước đây không thể thực hiện ngay trong “một sớm, một chiều”.

Ông Viên chia sẻ, hiện quận đang hoàn thiện hồ sơ quyết định thành lập các đoàn liên ngành với căn cứ xử phạt theo Nghị định mới, dự kiến từ tuần tới sẽ áp dụng xử phạt theo Nghị định 115.

Tương tự, tại quận Nam Từ Liêm, Trưởng phòng Y tế quận Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện quận đang hướng dẫn các phường thực hiện và thông báo tới các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dự kiến sẽ chính thức áp dụng mức xử phạt này vào thời điểm tăng cường kiểm tra ATTP dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội 2019.

Trên phạm vi toàn thành phố, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, việc áp dụng Nghị định 115 về xử lý vi phạm ATTP với những cơ sở kinh doanh thực phẩm lớn hay những nhà hàng có địa điểm cố định đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Thế nhưng, khi áp dụng với những gánh hàng rong, nhất là áp dụng mức phạt tiền 500.000 - 1.000.000 đồng với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay… lại không đơn giản. Hơn nữa, quá trình thanh tra, xử lý còn gặp khó khăn do nhiều viên chức ở địa phương chưa có kiến thức, kinh nghiệm về công tác thanh tra...

Thực tế, tại các khu vực cổng trường học, hay các hàng rong bên vỉa hè, tình trạng người bán không sử dụng găng tay vẫn đang diễn ra hàng ngày. Ông Trần Ngọc Tụ nhấn mạnh, ở đâu lực lượng chức năng có trách nhiệm thực hiện quyết liệt thì ở đó, công tác quản lý ATTP tiến triển rõ nét.

Phân tích thêm về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, việc áp dụng Nghị định 115 hướng đến mục tiêu bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời phải hợp tình, hợp lý, tổ chức và cá nhân phải tâm phục, khẩu phục. Vì vậy, trước mắt phải tuyên truyền cho người kinh doanh biết được các vi phạm sẽ bị xử phạt nặng để dần thay đổi hành vi.

Theo ông Trần Văn Chung, từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các sản phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội năm 2019. “Chắc chắn rằng, khi áp dụng Nghị định 115, các hành vi vi phạm ATTP sẽ được khắc phục rõ rệt” – ông Chung nói. (An ninh Thủ đô, trang 6)

 

Bảo đảm an ninh ATTP, đặc biệt dịp lễ, Tết

Ngày 21/12/2018, đoàn công tác liên ngành Trung ương về Vệ sinh An toàn Thực phẩm do Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra, giám sát tình hình an ninh an toàn thực phẩm tại TP.HCM.

Mục tiêu của đoàn giám sát là vì sức khoẻ người dân, đặc biệt nhân dịp Tết Nguyên đán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm trong nước phát triển thông qua các quy định cởi mở hơn về doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm, tăng cường hậu kiểm; đồng thời xử lý nghiêm nếu phát hiện cơ sở vi phạm.

Tết Nguyên đán Kỷ hợi và Lễ hội Xuân 2019 đang đến gần, thời gian nghỉ Tết thường kéo dài, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, nhiều lễ hội kéo dài với hàng triệu lượt khách tham dự. Đây cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm với các nhóm mặt hàng bao gồm: bia rượu, nước giải khát; thịt - cá, trứng - sữa; bánh kẹo mứt; đồ khô và hải sản khô, giò chả, bánh chưng, các loại hạt có dầu…

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu của mình. Bên cạnh đó, thời gian này thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng gay gắt. Đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, theo PGS. TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, TP.HCM là địa bàn trọng điểm nơi tập trung các cơ sở sản xuất, chế biến, trung chuyển thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến; cũng là nơi tiêu thụ nhiều nhất.

“Nhìn chung, TP.HCM đang thực hiện nghiêm túc và ráo riết trong giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm tươi sống và thực phẩm tươi sống đã tuân thủ quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu cũng rõ ràng, dễ truy xuất” PGS. Thanh Phong cho biết.

Tại các cơ sở sản xuất, đoàn cũng đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra như bún tươi, mì khô các loại. Tại Chợ Bến Thành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu các thành viên của Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM vừa tiến hành kiểm tra, vừa tiến hành lấy khoảng 10 mẫu bao gồm chà bông, giò chả, đồ khô, kiệu... để đem về kiểm nghiệm giám sát, xác định các yếu tố như vi sinh, chất bảo quản, nấm…

 “Việc hướng dẫn cho bà con chuẩn đạt thực phẩm sạch không dễ dàng. Qua kiểm tra tại chợ Bến Thành, các cơ sở tham gia bán buôn bán lẻ cần được tập huấn về ghi nhãn, nguồn gốc - xuất xứ thực phẩm, bảo quản như thế nào. Rất nhiều mặt hàng sát sườn với cuộc sống của người dân như tôm khô, giò chả, chà bông.

Nhiều sản phẩm có ghi nguồn gốc thực phẩm trong bao gói, nhưng cũng có loại sản phẩm như hàng tươi sống rất khó truy xuất. Người bán có thể bảo “lấy của người quen”, hoặc “hàng nhà làm”. Hàng quen hay nhà làm có đảm bảo chất lượng không,” Bộ trưởng Nguyễn Thị  Kim Tiến lo lắng.

Bộ trưởng đã tổng kết: “Sáng nay, đoàn đã tiến hành kiểm tra từ nơi sản xuất cho đến nơi tiêu thụ là chợ Bến Thành. Chúng tôi đã lấy mẫu kiểm nghiệm từ chà bông, giò chả, đồ khô (tôm khô, hải sản khô, cá khô…) - món ăn phổ biến của người dân miền Nam, bánh kẹo mứt. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần chú ý đến mặt hàng rượu và nước giải khát.”

Theo Bộ trưởng nếu không chặt chẽ giám sát đối với các mặt hàng rượu bia, nước giải khát, những ca ngộ độc rượu giả hoàn toàn có thể xảy ra vào những ngày lễ, Tết; thậm chí là tử vong do methanol nếu rượu pha từ cồn công nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Đối với nhà sản xuất, các loại sản phẩm từ thịt tươi sống đến hàng đồ khô, các cơ quan giám sát phải chú ý đến vấn đề dư lượng kháng sinh. Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất cho biết nguyên liệu đầu vào như thịt heo được chăn nuôi từ các nông trại đạt chuẩn, rau sạch…; tuy nhiên vẫn có một số vấn đề tồn tại trong việc sử dụng phân bón, thức ăn gia súc và sử dụng kháng sinh.”

Theo đó, điều này không chỉ tác động đến vấn đề xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng thủy hải sản, mà quan trọng hơn, theo Bộ trưởng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng. Bộ Y tế đang triển khai những chương trình liên quan đến vấn đề kháng kháng sinh rất lớn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã ký những cam kết về vấn đề dư lượng kháng sinh, tồn dư chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi và Lễ hội Xuân 2019, TP.HCM cũng đã triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ thành phố đến cấp xã, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Liên ngành về An toàn Thực phẩm TP.HCM cũng đã huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, cũng như kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm (giò chả, bánh chưng, bánh tét, bánh, mứt truyền thống…), nhất là trong những ngày Tết, đến người dân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Bộ Y tế phát động “cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm"

Tại TP.HCM, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc (Bộ Y tế), phối hợp với Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) tổ chức mít tinh kêu gọi các ngành cùng chung tay “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”.

Phát biểu tại buổi mít tinh, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, kháng sinh ra đời là bước ngoặt trong lịch sử y học hiện đại để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Kháng sinh không chỉ dùng trong điều trị mà còn dùng trong chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy hải sản nhằm mục đích trị bệnh và kích thích tăng trưởng. Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết tuy nhiên so việc sử dụng không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh không cần thiết đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh…

PGS.TS. Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ kêu gọi mọi nỗ lực, cam kết phối hợp thực hiện của các Sở ngành có liên quan trên địa bàn để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc, đảm bảo an ninh lương thực, sức khỏe con người. Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế tuân thủ đúng hướng dẫn và lựa chọn kháng sinh hợp lý trong quá trình điều trị cho người bệnh nhằm hạn chế nguy cơ kháng thuốc. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang