Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm và làm việc tại Quảng Ninh
SKĐS - Chiều ngày 23/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã dự lễ kỷ niệm 61 năm thành lập Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) tại Bệnh viện (BV) Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh.
* Chiều ngày 23/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã dự lễ kỷ niệm 61 năm thành lập Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) tại Bệnh viện (BV) Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh.
Bộ trưởng Bộ Y tế đã đánh giá cao những thành công bước đầu của BV trong tiếp nhận kỹ thuật tuyến trên chuyển giao chuyên ngành sản - nhi. Đây là cơ sở được đầu tư đồng bộ, sau 18 tháng hoạt động đã đạt hiệu suất 152%, tỉ lệ chuyển tuyến thấp (2,14%), và thực hiện nhiều kỹ thuật khó như: sàng lọc sơ sinh và trước sinh, hỗ trợ sinh sản...
Đi thăm trực tiếp các khoa, phòng của BV, thăm hỏi người bệnh đang điều trị, Bộ trưởng bày tỏ niềm vui về sự phát triển đồng bộ của ngành y tế Quảng Ninh với nhiều dấu ấn trong khám chữa bệnh, số bác sĩ/10.000 dân cao nhất cả nước (12 BS/10.000 dân), số giường bệnh/10.000 dân cao với 42 giường; công tác xã hội hóa y tế bước đầu phát huy hiệu quả... làm thay đổi bộ mặt của cơ sở hạ tầng y tế.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao BV trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc thành công nhiều trẻ sinh non, thậm chí có trẻ chỉ 600gam, góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ sơ sinh của toàn ngành y tế...
Dịp này đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra đổi mới phong cách thái độ phục vụ đối với người bệnh tại BV Sản - Nhi Quảng Ninh. Theo Bộ Y tế đến thời điểm này 100% bệnh tuyến Trung ương, bệnh viện thuộc khối các trường đại học y dược và các bệnh viện thuộc 35 Sở Y tế đã ký cam kết đổi mới phong cách thái độ phục vụ người bệnh. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tiêu chí sự hài lòng của người bệnh chính là thước đo đánh giá chất lượng dịch vụ của bệnh viện, là bước tiến mới của ngành y tế sau nhiều giải pháp nhằm nâng cao nguồn nhân lực, chất lượng khám, chữa bệnh.
Cũng trong ngày 23/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã đến thăm và chúc mừng BV Sản - Nhi Hưng Yên nhân dịp 27/2 và kỷ niệm 5 năm thành lập BV.
l Trước đó, ngày 22/2, với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo” và tưởng nhớ các Đại danh y đã gây dựng nền móng cho y học nước nhà, ngày 22/02/2016 (rằm tháng Giêng), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế và đại diện các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam,... đã tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ cuộc đời, sự nghiệp của Đại danh y Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác và Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh tại Y Miếu Thăng Long.
l Nhân kỷ niệm 61 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, vào tối ngày 27/2/2016, chương trình truyền hình trực tiếp với với chủ đề: “Y tế Việt Nam - Đổi mới và phát triển” do Bộ Y tế và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào lúc 20h. Sức khỏe đời sống (trang 2), Nhân dân (trang 5)
Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zi-ka. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika gây nên có thể xâm nhập Việt Nam.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động phối hợp, hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý dịch theo quy định; thực hiện chế độ giám sát, báo cáo dịch theo thẩm quyền; nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung danh mục dịch bệnh truyền nhiễm. Bộ Tài chính có trách nhiệm bổ sung kịp thời kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika gây nên trong trường hợp dịch lan rộng. Nhân dân (trang 5)
Không để người dân dùng thuốc giá cao
Dự thảo Luật Dược lần này đã bổ sung quy định biện pháp kiểm soát giá thuốc, thuốc có hàm lượng lạ để tránh việc người dân phải dùng thuốc giá cao một cách vô lý như hiện nay.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, dự thảo lần này quy định theo hướng tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp dược và tập trung phát triển ngành công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền vì đây là những thế mạnh của Việt Nam. Dự thảo lần này bổ sung quy định biện pháp kiểm soát giá thuốc bán trên thị trường, thuốc có hàm lượng lạ trong khâu đấu thầu, quy định giá bán tối đa, tối thiểu của thuốc. Đồng thời giữ quy định của Luật Dược hiện hành về công bố giá tối đa đối với các loại thuốc do ngân sách Nhà nước và BHYT chi trả.
Trươc ý kiến đề nghị của đại biểu Quốc hội về quy định hạn chế số đăng ký thuốc nhập khẩu trên một hoạt chất để có thể kiểm soát giá và chất lượng dễ dàng hơn, bà Mai cho biết: Phương án này không được chấp nhận, bởi theo Bộ Y tế, trước đây bộ này đã ban hành danh mục hạn chế thuốc nhập khẩu có nhiều số đăng ký để phát triển sản xuất thuốc trong nước, nhưng khi gia nhập WTO đã bãi bỏ danh mục này. Ngược lại, dự thảo luật quy định theo hướng mở rộng dịch vụ bán thuốc, đáp ứng yêu cầu của nhân dân bằng việc áp dụng thủ tục ưu tiên, rút gọn khi nhập khẩu thuốc điều trị bệnh hiếm gặp. Đồng thời cho phép bán một số loại thuốc không kê đơn tại siêu thị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, do Việt Nam luôn phải nhập khẩu nguyên liệu nên giá thuốc luôn cao, vì thế Luật Dược sửa đổi phải đề cập đến vấn đề sản xuất thuốc. Từ quá trình sản xuất, kinh doanh, buôn bán, rồi sản phẩm thuốc đến tay người tiêu dùng, các công đoạn đó cần đưa vào Luật. “Bộ Y tế không phải Bộ Công Thương, không phải bộ làm ra thuốc, không phải đơn vị sản xuất ra thiết bị y tế, nhưng Bộ Y tế là đơn vị chăm sóc sức khỏe con người, có trách nhiệm quản lý chung nên phải quan tâm, có trách nhiệm trong lĩnh vực này”, Chủ tịch Quốc hội lý giải.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị sau khi Luật Dược được sửa đổi, mặt hàng thuốc phải được sản xuất tốt, có nguyên liệu làm thuốc, khắc phục được tình trạng “chết trên đống thuốc”, ngăn ngừa tình trạng cho mượn, thuê bằng. “Người Việt Nam có quyền được dùng thuốc tốt nhất. Cửa hàng nào không đủ điều kiện phải rút ngay”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nếu để Chính phủ quy định chính sách nhập khẩu dược liệu sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Vì thế cần phải quy định điều này ngay trong luật, tránh tình trạng luật ra rồi vẫn phải chờ nghị định. Ngoài ra để đảm bảo yếu tố cạnh tranh giữa thị trường trong và ngoài nước, ông Lưu đề nghị ngoài vấn đề số lượng, chất lượng cần phải đề cập đến yếu tố giá thành, tránh tình trạng người tiêu dùng phải dùng thuốc với mức giá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tục hành chính rất cay nghiệt
Vấn đề nhận được nhiều ý kiến nhất tại buổi làm việc là quy định thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề dược. Dự thảo đưa ra hai phương án: Cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm và phương án chỉ cấp một lần. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, dược cũng là một nghề như bác sĩ, kỹ sư chứ không phải một chức vụ có thời hạn. “Nếu đưa quy định cấp chứng chỉ hành nghề dược 5 năm một lần chỉ phát sinh thủ tục hành chính, mà thực chất là phát sinh tiêu cực”, ông Hiện đề nghị phải cắt bớt thủ tục hành chính để ngăn ngừa, do đó chỉ nên cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị chứng chỉ hành nghề dược cũng nên áp dụng như các ngành nghề khác, tuy nhiên kèm theo đó phải có định mức tiêu chuẩn và thường xuyên kiểm tra chặt chẽ. Mọi người có quyền tự do kinh doanh những mặt hàng không cấm, đối với mặt hàng thuốc càng hoan nghênh và chỉ cấm bán, cấm sản xuất thuốc giả.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Đông y chữa bệnh rất tốt, như chứng bệnh đau lưng, Tây y nói phải mổ, nhưng thầy thuốc Đông y chỉ điều trị 10 ngày khỏi ngay. Vậy mà vài ba năm lại thu chứng chỉ hành nghề của họ thì không được. “Thủ tục hành chính bây giờ cay nghiệt, độc ác lắm, phải có tiền người ta mới cấp. Quá nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân. Vì thế cần phải giảm tối đa thủ tục hành chính”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị. Tiền phong (trang 1)
Ngành Y tế Thủ đô: Làm chủ kỹ thuật cao, phục vụ chu đáo bệnh nhân
(HNM) - Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể khẳng định ngành y tế Hà Nội đã có những bước chuyển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Sự "thay da, đổi thịt" được thể hiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhiều bệnh viện (BV) đã làm chủ kỹ thuật cao, khẳng định được thương hiệu.
Mang "cuộc sống mới" cho người bệnh
Sau khi triển khai thành công ca ghép thận vào ngày 28-12-2013, đến nay, BV Đa khoa Xanh Pôn đã thực hiện thành công thêm 10 ca ghép khác. Đó không phải là kỹ thuật cao duy nhất mà BV Xanh Pôn triển khai thành công trong thời gian qua. Giám đốc BV Đa khoa Xanh Pôn Nguyễn Đình Hưng dẫn chứng một số kỹ thuật khó khác như bơm xi măng tạo hình đốt sống, thay khớp vai, diệt hạch thân tạng để giảm đau cho bệnh nhân... đã được thực hiện thường xuyên tại đơn vị. Ông Ngô Văn Nhàn (60 tuổi, ở huyện Đông Anh), bị đau vai phải trong suốt 5 năm, nhưng khoảng một năm trở lại đây, bệnh nặng hơn, khiến việc vận động rất khó khăn. Sau ca phẫu thuật thay khớp thành công tại BV Xanh Pôn, ông Ngô Văn Nhàn đi lại dễ dàng hơn và không bị những cơn đau hành hạ.
Mới đây, BV Ung bướu Hà Nội cũng đã triển khai kỹ thuật xạ trị điều biến liều (IMRT), nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân ung thư. Giám đốc BV Ung bướu Hà Nội Trần Đăng Khoa cho biết, BV hiện chỉ có 1 máy xạ trị, trung bình mỗi ngày phải điều trị cho 110-120 bệnh nhân (tăng 3 lần so với trước), dẫn đến tình trạng quá tải. Bằng nguồn vốn xã hội hóa, BV đã đầu tư hệ thống máy gia tốc của Hãng Varian (Mỹ) trị giá 35 tỷ đồng và đào tạo đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên để thực hiện kỹ thuật xạ trị IMRT. Ưu điểm vượt trội của kỹ thuật này là giúp tăng khả năng tiêu diệt khối u, giảm tác dụng phụ.
BV Tim Hà Nội là một trong những trung tâm phẫu thuật tim mạch hàng đầu miền Bắc. Theo PGS.TS - Giám đốc Nguyễn Quang Tuấn, BV đã ứng dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch để điều trị thành công cho hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh tim mạch. Nhiều kỹ thuật khó đã được thực hiện thường xuyên như cấy máy tạo nhịp, cấy máy phá rung tim, thăm dò điện sinh lý và điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng có tần số radio… Nhiều nước trên thế giới và trong khu vực: Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore… đã cử cán bộ sang BV để học tập, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật can thiệp nội mạch.
Ngoài ra, còn rất nhiều kỹ thuật cao khác được triển khai thành công tại các BV trên địa bàn Thủ đô, mang lại cuộc sống chất lượng hơn cho người bệnh như kỹ thuật sàng lọc trước, sau sinh tại BV Phụ sản Hà Nội; phẫu thuật cắt đẩy xương hàm điều trị biến dạng xương hàm tại BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba; xét nghiệm tìm nhanh vi khuẩn lao MGIT-BACTEC, GeneXpert tại BV Phổi Hà Nội… Bệnh nhân Đặng Văn Minh (64 tuổi, ở Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) hiện đang điều trị lao kháng thuốc tại BV Phổi Hà Nội cho biết, việc ứng dụng kỹ thuật cao trong công tác khám chữa bệnh giúp giảm thời gian chờ đợi, nhưng lại tăng hiệu quả điều trị.
Trước đây, muốn chẩn đoán bệnh lao cần 2-4 tháng, nhưng với kỹ thuật chẩn đoán nhanh (xét nghiệm GeneXpert) chỉ sau 2 giờ, người bệnh đã biết được mình có mắc lao hay lao kháng thuốc không. "Bên cạnh ứng dụng kỹ thuật cao, các BV của thành phố cũng đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào khám và điều trị nên rất thuận lợi cho người bệnh..." - bệnh nhân Đặng Văn Minh tỏ ra rất hài lòng đánh giá.
Thu hẹp khoảng cách
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, giai đoạn 2011-2015, thành phố đã đầu tư trên 3.068 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho 49 dự án tại 37 BV trên địa bàn, nhờ đó, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên rõ rệt. Các cơ sở khám chữa bệnh tuyến thành phố, với 23 chuyên khoa đầu ngành, đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao, chất lượng dịch vụ ngang tầm với các BV trung ương cũng như các BV trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự chuyển biến đó chưa đồng đều, có sự chênh lệch khá lớn về trình độ chuyên môn giữa các cơ sở y tế tuyến thành phố và tuyến huyện.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai có hiệu quả Đề án 1816 về "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến trên về hỗ trợ các BV tuyến dưới, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh". Nhờ đó, đến nay, 100% BV tuyến huyện của thành phố đã thực hiện thành công kỹ thuật mổ nội soi, giúp người bệnh không phải chuyển tuyến, giảm chi phí khám chữa bệnh, giảm quá tải cho tuyến trên. Ngay BV Đa khoa huyện Phúc Thọ, từng bị đánh giá là đơn vị yếu nhất trong khối BV tuyến huyện của Thủ đô, từ khi nhận được sự hỗ trợ chuyên môn của các BV: Đa khoa Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Việt Nam - Cuba, Y học cổ truyền Hà Nội, đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, trong năm 2015, Sở Y tế đã tăng cường kiểm tra chất lượng BV. Kết quả kiểm tra khẳng định, các BV đã có sự thay đổi tích cực, đặc biệt là BV chuyên khoa hạng 1, hạng 2 và hạng 3 đều đạt các tiêu chí về chất lượng BV… Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại về công tác khám chữa bệnh tại một vài đơn vị do kỹ năng giao tiếp của cán bộ y tế còn hạn chế; sắp xếp buồng, phòng chưa hợp lý; vẫn còn tình trạng người bệnh nằm ghép; công tác kiểm soát nhiễm khuẩn chưa theo các quy trình; chưa triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ trong quản lý khám chữa bệnh…
Trong năm 2016, Sở Y tế tiếp tục thực hiện cải cách hoạt động của khoa khám bệnh, đẩy mạnh đổi mới phong cách, thái độ phục vụ nhằm đem đến sự hài lòng cho người bệnh, đồng thời triển khai các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng, đề án ghép gan; tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất việc thực hiện quy chế chuyên môn, nhất là các hoạt động triển khai BV vệ tinh, cải cách khoa khám bệnh, tiếp sức người bệnh, giáo dục y đức… Hà nội mới (trang 1)
Bệnh viện Chợ Rẫy nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Ngày 23.2, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) kỷ niệm 115 năm thành lập và phát triển, đồng thời đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất (lần 2).
Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) được thành lập từ năm 1900 với tên gọi Hôpital Municipal de Cholon (Bệnh viện Thị xã Chợ Lớn). Đây là một trong những cơ sở y tế đầu tiên được thành lập tại Việt Nam và là bệnh viện hạng đặc biệt trực thuộc Trung ương… Tuổi trẻ (trang 2), Nhân dân (trang 5)
Đảm bảo cung ứng ổn định vaccine tiêm chủng
Cục Quản lý Dược vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đảm bảo cung ứng ổn định vaccine cho nhu cầu tiêm chủng dịch vụ của nhân dân.
Theo đó, Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị khẩn trưởng tổng hợp nhu cầu vaccine tiêm chủng dịch vụ của các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn.
Do vaccine dịch vụ được cung cấp theo nhu cầu thị trường, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh nên công tác dự báo và dự trù rất quan trọng. Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng thực hiện nghiêm túc công tác dự trù, đặt hàng gửi các đơn vị cung ứng vaccine.
Bên cạnh đó, các cơ sở tiêm chủng gửi dự báo nhu cầu theo từng quý, từng loại vaccine để Sở Y tế tổng hợp và gửi báo cáo về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Dược) trước ngày 29/2/2016.
Căn cứ vào số liệu do Cục Y tế dự phòng tổng hợp, Cục Quản lý Dược sẽ chỉ đạo các đơn vị cung ứng vaccine đảm bảo nguồn cung ổn định cho năm 2016 và các năm tiếp theo. Gia đình & xã hội (trang 7)